Phần 1 Những ngày cuối tháng 3, các báo Saigon liên tiếp đưa tin chiến sự, CS đã chiếm Ban-mê-Thuột, Huế, Đà Nẵng…và lệnh “di tản chiến thuật” của chính tổng thống VNCH coi như phá sản… Đầu tháng 4, sư đoàn 10, hợp cùng sư 320 và sư 3 Sao Vàng của CS chiếm Nha Trang. … Phần 2 Sáng 17/4, Hắn lên Duy Tân, ngôi trường Hắn đã đến, đã gắn bó bao năm, nó như máu thịt của Hắn. Năm học 1972-1973 [?] , đề thi môn toán vào lớp đệ thất [?] bị lộ ở Hội Đồng Thi Bùi Thị Xuân Đà Lạt, Phan Rang không lộ đề… Và, gần đúng hai năm, chiếc xe Jeep đã hỏi “thằng H đâu”. Hắn nghĩ: Tử vi nói đã đúng. Thầy hiệu trưởng từ lâu nổi tiếng là người có tay chấm tử vi rất “đại tài”. Hôm nay Hắn mới tin lời đồn đãi đó là sự thật. Khoảng tháng 7, như đã xong năm học, tàn tích văn hóa đồi trụy đã sạch, bệnh viện cũng đã xong nhiệm vụ, không còn nhiều thương binh như trước. Phần 3 Buổi chiều thì Khánh đến, cậu ta đem đến một balô đầy sách, báo. Đây là lần đầu tiên Khánh đến nhà Hắn. … Phần 4 Phòng họp của trường NLS rộng hơn phòng giáo sư của trường Duy Tân, nhưng đúng 8g là chật kín người. Ngoài những giáo sư, bác sĩ, còn thêm các giáo viên, công chức… 60 người. Trên bàn chủ tọa, nhóm cán bộ, trong đó có cán bộ N, trao đổi điều gì đó với hai cán bộ, nón cối dép râu, bên ngoài sân có một tiểu đội cầm súng AK. Căn nhà nhốt tù dài chừng 10m, ngang 6m, lợp bằng tôn, có cửa khá lớn ở hai đầu, chỗ ngủ chia hai bên, làm bằng gỗ, hai tầng chạy suốt, mỗi tầng chứa 15 người, xếp như cá hộp… Phía sau nhà, cách vách khoảng 7m là một dãy cầu tiêu lộ thiên, mùi hôi nồng nặc, thúi rùm. …
Tổng thống Nguyễn văn Thiệu nhận định: mất Xuân Lộc và Phan Rang là mất Miền Nam, Phan Rang thành “lá chắn thép”, chận đường bộ và đường duyên hải của CS. Tập trung một lực lượng hùng hậu, Sư đoàn 6 không quân, lữ đoàn 2 dù, sư 2 bộ binh, liên đoàn 31 biệt động quân…10.000 quân, máy bay tại chỗ và từ Biên Hòa sẵn sàng yểm trợ 150 chiếc F.105. Khí tài hùng mạnh, bộ chỉ huy tiền phương đóng ở sân bay Thành Sơn do trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh Quân khu 3 chỉ huy, quyết “tử thủ” Phan Rang. Khí thế ngất trời.
Những ngày đầu tháng tư, ở thị xã, một số dân, gia đình công chức, sĩ quan, bác sĩ, giáo sư… đã di tản, có người đưa cả gia đình đi theo dòng người từ Đà lạt xuống bằng đường bộ QL 1, hướng về Saigon, một số ít đi bằng đường thủy, những người thuộc thành phần quan chức -có thế lực- thì di tản bằng đường hàng không, đường phố ngổn ngang đủ loại rác, do đoàn người từ cao nguyên đổ về, bỏ lại…
-Ê… T. Lai… không đi sao?
Nhiều đồng nghiệp hỏi Hắn như vậy.
-Bốn đứa nhỏ… bằng ngón tay…làm sao đi…
Có học trò chạy đến nhà:
-Thầy Cô đi với gia đình con…
-Thầy cảm ơn… nhưng…
-Nhà con có xe 16 chỗ, Thầy đừng ngại…
-Thầy…
-Ba má con bảo con chạy vô đây kêu thầy…
-Thầy…
Có một tràng M.16 nổ ở hướng cầu Nước Đá
-Thôi em đi… Đứa học trò, nói chưa dứt câu đã vụt chạy, mất hút ngoài đầu hẻm.
Hắn lấy đủ thứ vật dụng chắn chung quanh vách của căn phòng 10m2. Hắn nhìn vợ và 4 đứa con nhỏ trong lòng rất lo.
-Em và các con… ở trong phòng này…
-Anh… tình hình…
-Không ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới cả…
Ngừng một chút, Hắn tiếp:
-…cũng có thể trận huyết chiến sẽ xảy ra giữa hai bên… ngay trong thành phố này.
Vợ Hắn hốt hoảng:
-Trời…làm sao… ..
Hắn trấn an vợ và cho cả Hắn:
-Anh hy vọng điều đó sẽ không xảy ra.
Hắn rời khỏi nhà, dọc đường Thống Nhất, vượt qua cầu Nước Đá. Hắn đến bên Tòa Hành Chánh, có một tiểu đoàn lính của tiểu khu Ninh Thuận, do thiếu tá K chỉ huy.
-Thầy cứ an tâm … tụi em quyết…“tử thủ”.
Một người khác:
-Thầy ơi… các thầy khác di tản hết rồi… sao thầy còn ở đây?
Một người nữa:
-Thầy Đ… hôm qua… cướp được chiếc Dodge… của dân từ Đà Lạt xuống… đưa cả gia đình chạy rồi.
Hắn ngạc nhiên:
-Cướp?
-Dạ… Thầy còn nã một băng M.16…
-Trời đất!
-Dạ… còn thầy C nữa…
Hắn nói như nạt:
-Thôi…
Hắn cũng đã nghe chuyện giáo sư C cùng một số học sinh trấn áp một gia đình… đoạt xe… Con người ở những thời khắc, giữa sống và chết, mới hiện rõ bản chất thực của mình.
Có nhiều bạn đồng nghiệp, nửa đùa, nửa thật:
-Mày trông như lai Mỹ… không sợ à?
-Tụi bay… hết lai Tây… giờ lai Mỹ…
-CS mà nhìn mày… chúng không cho mày ăn đạn… tao đi đầu xuống đất.
Hắn trợn mắt:
-Ăn đạn?
-Mày quên… mày là sĩ quan biệt phái chắc.
Hắn chột dạ:
-Thôi…
-CS chúa ghét thành phần “biệt phái”, chúng nói biệt phái là CIA, mày coi chừng.
Đồng nghiệp thương tình rủ rê, nhưng Hắn cứ ngần ngừ không quyết, đến khi thấy cần phải “chạy” thì trễ quá rồi. Cửa ngõ phía Bắc, từ Cam Ranh vô, ta cắm một lực lượng hùng mạnh ở hai dãy núi kẹp hai bên đường, sẽ tiêu diệt CS nơi tử địa này, Du Long, Kiền Kiền… phải giữ cho được. Máy bay xuất phát từ Thành Sơn, quần thảo, thả bom, phá những cây cầu trên đoạn QL1 Cam Ranh, tiếng nổ ì ầm vọng liên tục về thành phố.
VNCH nhận định, những đơn vị CS chiếm Nha Trang, đã hành quân, đánh chiếm suốt 3 tháng ròng… nên nhất định không thể tiến quân ngay được. Vì dự đoán chủ quan như vậy, nên triển khai chậm… không thể ngờ rằng CS không cần dưỡng quân, đã “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chiến thắng”. Quân tiền phong tiến về Phan Rang như thác lũ…
Rạng sáng 14, tư lệnh “Cánh Quân Duyên Hải” Lê Trọng Tấn hạ lệnh, CS phát pháo tấn công toàn diện, tiên phong là Sư đoàn 3 Quân khu 5 đánh mở đường, pháo bắn cấp tập vào các tuyến phòng thủ của ta, cứ điểm Du Long, các cao điểm 105, 300, Bà Râu, Suối Đá, Suối Vàng… Mảng “lá chắn thép” phía bắc Phan Rang bị tấn công dữ dội…
Sáng 15/4,Tổng trưởng quốc phòng và Tư lệnh Quân đoàn 3 từ Saigon bay ra Thành Sơn, và vẫn nhận định chủ quan là “chưa có gì”, động viên tướng sĩ quyết giữ Phan Rang, rồi bay về lại Saigon.
5g sáng 16/4 sư 325 CS tiến theo QL1, đánh đòn chí tử, phá tan và chiếm hoàn toàn lá chắn phía Bắc, tiến vào thị xã.
9 giờ sáng ngày 16/4, chiếc T.54 đầu tiên của CS bò lên cầu Ông Cọp, thị xã xem như đã bị chiếm. CS làm chủ mặt trận, bộ chỉ huy tiền phương ở Thành Sơn tan rã, mất luôn Ninh Chữ, Tân Thành. CS khóa đường hàng không, đường thủy… truy chận tuyến rút theo QL1, quân ta cùng đường, lớp chết, lớp tự tử, đầu hàng… một số chạy vào vùng núi Sơn Hải… tan rã gần 10.000 quân, mất một số lượng lớn khí tài.
– Vào nhà đi … vào nhà đi…
Tiếng la của lính CS từ T.54.
-Địch sẽ oanh kích… vào nhà đi….
Một số người, trong đó có Hắn, tò mò ra đứng từng nhóm ở hai bên đường Thống Nhất, có người còn cầm cờ Đỏ Sao Vàng, có cả cờ Xanh Đỏ Sao Vàng… họ phất cờ và la:
-Hoan hô bộ đội cụ Hồ… hoan hô…
Chẳng mấy chốc, người ta ùa ra đường, và la và hát và vẫy tay… theo sự hướng dẫn của những người cầm cờ… Hoan hô bộ đội cụ Hồ, và không biết ở đâu ra ban đồng ca… như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng… tạo một khí thế hết sức mâu thuẩn với lẽ thường tình… kẻ bị chiếm lại hoan hô kẻ chiếm đóng…
Hắn đứng như trời trồng ở ngã ba, nơi tiếp giáp giữa đường Quang Trung và Thống Nhất, chỉ cách cầu Ông Cọp 50m, quanh Hắn có người yên lặng như Hắn, có người la, có người hát, có người vẫy tay… Đoàn xe vẫn chạy qua ầm ầm, xích sắt như nghiến nát mặt đường.
Hắn lạnh xương sống khi nhìn, xe nào chạy qua, phía trước đều gắn hình cụ Hồ, Hắn nghĩ “Một tấm ảnh đủ sức cầm một đoàn quân giải phóng một nửa đất nước”… và những tiếng hoan hô… những tiếng hát… những lá cờ… một chuẩn bị không phải một sớm một chiều mà có… cái sức mạnh tổng hợp kia là vô địch, ta thua là đúng…
Chuyện cuối cùng, tối 16/4 CS chộp được hai tướng S, N đang trên đường tháo chạy, phía bắc Mỹ Đức… Với CS đây là đại chiến công, có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong chiến dịch giải phóng toàn Miền Nam… nhưng với Hắn thì… Hai tên ăn hại đái nát đó có bị bắt hay không thì Phan rang cũng đã mất rồi.
-Thằng H đâu… thằng H đâu…
Từ trên chiếc xe jeep, chiến lợi phẩm, vì ở đầu ca-bin còn chữ US – toán lính CS nhảy xuống, tay cầm súng, chiếm lĩnh cửa ra vào khu văn phòng và nhà ở của Hiệu Trưởng.
Hắn từ phòng Giáo sư bước ra.
-Thằng H đâu?
-Thưa… thầy đã chuyển công tác.
-Hắn đi đâu… nói mau lên.
-Tôi không rõ… nhưng thầy đã rời trường hơn một năm rồi…
-Cấm gọi nó bằng thầy… nó là thằng tay sai… thằng phản động… rõ chưa…
Cùng lúc họ hấp tấp lên xe, lùi nhanh ra đường, chạy tiếp, nhanh và vội. Hắn nghĩ chắc còn người cần bắt… như thầy hiệu trưởng.
Giáo sư Đ tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Toán Huế, vừa ra trường là được bổ nhiệm về Duy Tân, điểm nổi bật, khác hẳn với mọi đồng nghiệp là mái tóc hớt rất cao, chung quanh đầu lúc nào cũng trắng hếu, đó là “cái đầu” đúng mẫu của bộ Giáo Dục đề ra cho “nhà giáo” ở thời điểm mà học sinh thích để tóc dài, kiểu hippy…
Chỉ cần một năm học, giáo sư Đ đã được thầy hiệu trưởng H đặc biệt tín nhiệm, giáo sư Đ ra vào phòng và nhà hiệu trưởng thường xuyên, người ta nói, họ như cha con, chứ không phải đồng nghiệp.
Khi thầy hiệu trưởng trở về từ lệnh trình diện của Bộ Giáo Dục ở Sài gòn, thì tin thầy là nguyên nhân lộ đề thi ở Đà Lạt được giáo sư Đ tung ra, ai cũng biết.
Thầy H gọi giáo sư Đ vào phòng hiệu trưởng và hỏi:
-Việc này có phải do anh…
Đ trả lời, không còn xưng “con” như trước nữa:
-Chính tôi.
-Anh… tôi đã đối xử với anh như con cái trong nhà…
Giáo sư Đ cướp lời:
-Ông không xứng đáng ngồi ghế hiệu trưởng…
-Tôi đã hứa với anh… nhưng cần thời gian… chưa gì… anh đã lật tôi.
-Ông bán đề… và ông phải xuống… thế thôi.
-Tôi xuống… để anh lên chắc… không đời nào.
Đ bỏ ra khỏi phòng:
-Ông chờ xem… ai thắng ai…
Tin thầy hiệu trưởng Duy Tân sắp rời nhiệm sở được thông báo. Các trường cử đại diện đến để tiễn đưa.
Ban đại diện trường Nguyễn công Trứ gồm thầy hiệu trưởng C, Giáo sư K, M.K và tôi, chúng tôi mua tặng thầy hiệu trưởng Duy Tân một bức tranh sơn mài. Thầy tiếp chúng tôi trong phòng khách nhỏ của gia đình. Thầy nói:
-Tôi không thua Đ… nếu muốn, ngày mai sẽ có sự vụ lệnh điều Đ đi Cao Nguyên ngay… nhưng…
Thầy uống một ngụm nước:
-… tử vi nói: nếu tôi ở lại đây, trong hai năm tới, tôi sẽ chết… và sẽ chôn xác nơi này.
Thầy buồn buồn:
-Vì vậy mà tôi phải ra đi…
Chúng tôi chúc thầy về nhiệm sở mới bình an, mạnh khỏe… Lần đầu tiên chúng tôi thấy thầy chảy nước mắt.
Buổi trưa Hắn về nhà, vợ Hắn lo lắng:
-Tình hình này… anh đi đâu vậy?
-Anh lên trường
-Có ai ở đó đâu… mà lên làm gì?
-Thôi… em cho anh và -bốn đứa nhỏ – ăn cơm là vừa.
Bốn đứa nhỏ, con Hắn, được ra đời trong 6 năm. Việc chửa đẻ liền tù tì như vậy là tại vợ Hắn, khi có một trai, một gái, Hắn quyết “thôi” đẻ… Vợ Hắn biết Hắn thích con trai, nên dụ khị:
-Đứa tiếp, thầy nói… em sẽ sinh con trai…
Hắn hí hửng… lại ra con… cò “thị mẹt” Anh Thư. Hắn cương quyết “ngừng chiến”. Nhưng rồi lại bị vợ lời to, tiếng nhỏ. thủ thỉ:
-Gái –Ca Dao,Trai- Nguyễn, Gái-Anh Thư… đứa tiếp là Trai… đó anh.
-Sao em biết…
-Thì Gái –Trai – Gái… kế tiếp là Trai… trở đầu con mà… anh không biết sao… ?
Hắn không biết thật, câu hỏi có tính quyết định, không biết thì phải nghe người biết nói… và rồi…
Hắn đi qua đi lại ở hành lang bệnh viện Phụ Sản Thị Xã… chờ thằng… trở đầu con… như vợ nói, ra đời…
Cửa phòng Đỡ Đẻ mở ra.
-Thầy… thầy… cô sinh rồi.
Hắn hỏi nhanh:
-Gái hay trai?
-Bé gái… rất xinh…
Hắn ra ngã ba Tam Giác đón xe đi thẳng Đà Lạt. Sau vợ sinh 4 tiếng đồng hồ, Hắn có mặt ở cà phê Tùng. Bỏ vợ lẫn con. Bỏ cả giờ lên lớp. Hắn bị “sốc” nặng đến nỗi không làm chủ được cảm xúc, không làm chủ được bản thân… Nỗi thất vọng ụp xuống bất ngờ làm Hắn như hóa điên…
Đó là đứa út – Thiên Hương- tội nghiệp của Hắn.
Sáng 18 /4 có một đoàn cán bộ CS đến trường, họ mời những giáo sư – được alô thông báo đêm qua – đang đứng lóng ngóng ở hành lang, vào phòng giáo sư… Đoàn CS có 5 người, giáo sư Duy Tân có 15 người.
-Trường học là của nhân dân, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ… Hoan hô các anh “bám trụ” có mặt hôm nay….
Người cán bộ phát biểu tự giới thiệu tên N, ốm, đen, hốc hác… , tiếng nói như đứt hơi… nhưng rõ:
-Chúng tôi sẽ thông báo học sinh và các thầy… đến trường … Năm học tiếp tục vào ngày mai…
Ngừng một chút, rồi nói tiếp:
-Cách Mạng luôn luôn khoan hồng… các anh là những trí thức… chúng tôi tin tưởng các anh nhận thức đúng đắn, không lầm lẫn, không bị chi phối bởi những tuyên truyền xuyên tạc ác ý của bọn Ngụy quân Ngụy quyền…
Nhìn khắp lượt:
-Các anh có tin là: những móng tay sơn đỏ sẽ bị chúng tôi nhổ không… ? Nếu chúng tôi hành động như vậy thì không bao giờ thắng các anh… không bao giờ có ngày hôm nay…
Cuối cùng:
-Chúng tôi là bộ phận tiếp quản ngành Giáo dục, chúng tôi sẽ cùng các anh xây dựng nền giáo dục Xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ nền giáo dục nô lệ của Mỹ Ngụy.
Cán bộ nói rất lâu và rất nhiều vấn đề, nhưng thiếu sắp xếp ý tưởng thành hệ thống.
Họ như cố giải phóng cái đầu của 15 giáo sư Duy Tân… nhưng chưa thành.
Ngày hôm sau… năm học tiếp tục… từ hơn 100 giáo sư, giờ còn vỏn vẹn 25… rồi 30.
Học sinh đến trường đông dần… việc lên lớp tiếp tục, một giáo sư dạy bằng 4, bằng 5 bình thường.
-Bằng mọi giá… chúng ta phải hoàn tất năm học cho các em…
Cán bộ N nói tiếp:
-Các em chỉ còn 2 tháng… nếu bỏ là mất một năm…
Đây là quyết định đúng đắn, tất cả vì “học sinh thân yêu”, không dính dáng gì đến Chính trị, đến Xã hội chủ nghĩa… Bộ khung nhà trường nhanh chóng được tổ chức.
Giáo Sư K bên Nguyễn Công Trứ, có cha theo cách mạng, qua làm Hiệu Trưởng, còn những bộ phận hành chánh do người cũ đảm nhiệm, tăng cường bốn, năm cán bộ… .. Giáo sư vừa dạy vừa đảm trách nhiều việc, học sinh cũng không khỏi vừa học vừa làm công tác mà nhà trường yêu cầu.
Cán bộ N là người có chức vụ cao nhất của ngành giáo dục, thuộc Ban Quân Quản Phan Rang – Tháp Chàm. Ông ta là người mà đa số giáo sư cũ kính nể, không vì kiến thức – tiến sĩ Toán Liên Xô- mà vì thái độ làm việc, giao tiếp với người cũ: bình đẳng, tôn trọng, nhờ thế, tuy khổ nhưng tất cả đều thoải mái, an tâm.
Hắn dạy, như đồng nghiệp, 8 giờ một ngày, buổi tối Hắn cùng học sinh đi xóa cờ vàng ba sọc đỏ, và những khẩu hiệu “đừng nghe những gì CS nói”, và “đả đảo CS…” rồi viết lên chỗ vừa xóa “không có gì quí hơn độc lập tự do”-“đảng cộng sản VN quang vinh muôn năm”-“bác Hồ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”-“đả đảo Mỹ Ngụy” và… vẽ lá cờ Đỏ sao vàng.
Một hôm, ban giám hiệu gọi Hắn lên văn phòng, ở đây Hắn được thông báo là đã viết sai lời Hồ Chủ Tịch nói, một tội nặng, không thể chấp nhận được.
Một cán bộ hỏi:
-Tại sao đồng chí viết thiếu… chữ “có” trong câu nói bất hủ, đã đi vào sử sách… của Hồ Chủ Tịch?
Thì ra, thầy trò Hắn viết… không gì quí… câu đúng phải là… không có gì quí… thiếu chữ “có”.
-Đó là lời Vàng, lời Ngọc làm mất một chữ… là phản quốc… là có tội… với đảng, với nhân dân…
Hắn ngồi làm thinh, học trò On là đứa viết “khẩu hiệu” rất đẹp, nên được giao nhiệm vụ kẻ chữ… Tính On cũng rất cẩn trọng… không hiểu sao lại…
-Đồng chí… viết kiểm điểm…
-Tôi xin nhận thiếu sót…
-Không phải nhận thiếu sót là được…
-Tôi sẽ khắc phục…
May cho Hắn là lúc đó thì cán bộ N đến. Ông đứng bên ngoài nghe hết mọi việc, ông bước vô vào lúc căng thẳng nhất, vừa cười vừa nói:
-Tụi nhỏ nó viết thiếu… Ông này chỉ có tôi -liên đới chịu trách nhiệm -mà thôi…
Ông vỗ vai người cán bộ bắt Hắn viết “kiểm điểm”.
-Thôi… anh em mình cả… dạy cả ngày rồi… còn làm đêm… thiếu sót là không tránh khỏi.
Quay qua Hắn, cán bộ N nói:
-Nhớ từ nay… cẩn trọng hơn…
-Cảm ơn ông…
Dù Hắn đã cố gắng, nhưng không cách nào Hắn xưng hô “đồng chí” với cán bộ, như nhiều đồng nghiệp khác được, Hắn thấy ngượng miệng.
Dù rất thận trọng, kiểm tra, từng câu, từng chữ… nhưng một tuần sau, Hắn lại bị gọi lên văn phòng một lần nữa, Hắn ngạc nhiên, không hiểu phạm lỗi gì [?]
-Lần này thì đồng chí… tiêu rồi.
-Tôi không hiểu…
-Không hiểu?
-… Hoàn toàn không hiểu.
-Đồng chí… đến bùng binh chợ … đối diện quán… quán… Dê Bảy Món…
Cán bộ cao giọng:
-Đồng chí viết cái gì ở đó? Ai chỉ đạo đồng chí… làm việc này?
-Tôi không hiểu…
Cán bộ nạt:
-Không hiểu… đồng chí không hiểu thì ai hiểu… đồng chí là tên phản quốc, phản cách mạng… đồng chí…
Cán bộ nói to và có lúc như nghẹn họng:
-Tù mọt gông…
Hắn và học sinh, đi làm cái việc xóa cái cũ, tàn dư nô lệ, phản quốc, bán nước… của Mỹ Ngụy để lại… rồi kẻ lên đó cái mới của CS, đêm nào cũng đến nửa khuya, thầy trò mệt đứt hơi.
-Đồng chí đến đó khắc phục gấp… trước khi bên An Ninh đến…
Hắn lên chiếc 68 và chạy thật nhanh đến quán Dê Bảy Món.
Hắn nhìn và trời ạ, câu “bác Hồ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” màu đỏ, đè lên câu “đừng nghe những gì CS nói…… ”màu xanh, tuy mờ, nhưng đọc được.
Đây là lỗi… trời ơi… không tránh được… Lúc thầy trò Hắn hì hục lấy sơn quét lên… câu muốn xóa chìm mất dưới sơn… nhưng khi sơn khô, lớp sơn mỏng lại… chữ lòi ra… Hắn nhào vô cửa hàng gần đó mua hộp sơn và bắt đầu xóa… dĩ nhiên là xóa cả hai câu “bác Hồ…” và “đừng nghe…… ”, một rồi hai, ba …học sinh xuất hiện, làm phụ với Hắn.
Chúng chạy lui chạy tới… Cái thang được kê vào vách, Hắn leo lên:
-Thầy để em…
Và việc xóa một khẩu hiệu cần viết và một câu nói bậy bạ của tổng thống Ngụy được mau chóng hoàn thành, mảng vách trống, đối diện Dê Bảy Món được phủ kín một màu đỏ như máu. Và mặt Hắn lấm lem như một tên hề. Hắn đứng giữa Bùng Binh chợ rất đông người… Khó có thể hình dung, một giáo sư hôm qua nay trở thành tên hề như vậy. Hắn nói “cảm ơn các em” những học sinh vừa giúp Hắn xóa đi cái tội “phản cách mạng” rồi trở về trường, Hắn chạy xe như ma rượt.
Dĩ nhiên là Hắn bị làm kiểm điểm và đưa ra phê bình trước hội đồng Giáo Sư, cũng chẳng chết ai… Hắn nói đó là lỗi trời ơi… không mấy ai tránh được… Chỉ ở một nơi, một chỗ, sự thay đổi tiếp diễn… chồng lên nhau. Thực hư, trắng đen, xanh đỏ… chồng lên nhau, sự khai trừ tách biệt là không thể được, nó sẽ lẫn lộn hiện diện một thời gian nhất định, không thể một sớm một chiều xóa bỏ tất cả được, chưa nói đến những thứ ở trong tim, trong lồng ngực và trong đầu.
Chiều Hắn trở về nhà, Vân -vợ Hắn- đón Hắn ở đầu hẽm 15 Quang Trung, bên chân có đủ 4 đứa con, Hắn cười:
-Hôm nay em và các con đón anh… đông vui thế này.
Nụ cười chợt tắt, khi Hắn nhìn mặt vợ đầy u uẩn:
-Có gì vậy em?
-Họ…
-Họ làm sao… ?
Vân nói một hơi, không ngừng, như muốn chạy trốn sự thật:
-Một toán cán bộ đến nhà… .. Họ thu hết sách, đĩa nhạc và ba cái vali gỗ của anh… Họ nói có lệnh ghi… “đích danh” tên anh và “đích thị” địa chỉ này… Hình như có người chỉ điểm, họ lấy sạch kể cả tập thơ Tố Hữu mà anh đang đọc, chất đầy mấy xe ba gác… Trước khi đi… một cán bộ nói “lệnh phải tiêu hủy văn hóa đồi trụy, nô dịch… tay sai bọn Mỹ Ngụy”. Ông ta đi một vòng, quan sát … từ bếp lên nhà trên, khi chắc chắn là không bỏ sót “Chúng tôi sẽ kiểm tra… nếu có tài liệu… chống Cách Mạng… chống chế độ chúng tôi sẽ trở lại” và quăng lại một câu xanh dờn “không trốn thoát nổi đâu”…
Vợ Hắn dừng lại, lo lắng hỏi Hắn:
-Bây giờ… làm sao hở anh…
Hắn trấn an:
-Chẳng sao cả…. mất cả nước rồi… tiếc chi những thứ đó.
Nhưng thật tình, mất bản thảo mà Hắn viết trong bao nhiêu năm, mất số sách mà Hắn dành dụm mua từ năm 16 là mất cả cuộc đời. Hắn cố nuốt đắng cay vào ngực:
-Anh sẽ viết lại, mua lại… nhất là số điã hát cổ điển mà Ba em đã cho em mang theo từ ngày em theo anh.
Hắn bồng đứa út, cả gia đình ngược con hẻm trở vô. Hắn nhìn căn nhà trống trơn… lòng thấy ngậm ngùi.
Mỗi lúc đồng nghiệp của Hắn trở về đến trường nhiều hơn, học sinh cũng đông hơn, năm học tiến đều như cán bộ N mong muốn. Những ngày giáo sư vật lộn với năm học, với công tác Văn hóa thì bác sĩ –không di tản– ở bệnh viện Phan Rang, làm việc cả ngày lẫn đêm. Quân CS bị thương ở Cà ná, Phan Rí… chở ngược ra, cộng với số bị thương do máy bay oanh kích dọc quốc lộ từ Cam ranh, bị ở Du long, cao điểm 105, 300, Kiền kiền… …, bệnh viện tràn ngập thương binh CS. Bác sĩ đã cứu họ, gần như quên mất họ là người chiếm đóng mà trong chiến tranh, đó là kẻ thù.
Cuối tháng 6, mỗi giáo sư, bác sĩ… đều được nhận một bì thư, rất sang, rất tư bản, trong bì thư là thiệp mời in bằng quay roneo, khá sạch. Nội dung: Mời đến Phòng Giáo Sư trường Duy Tân lúc 8 giờ ngày tháng năm, mục đích “nghe báo cáo về nền văn học xã hội chủ nghĩa”.
Phòng Giáo Sư được trang hoàng, một màn màu đỏ, chiếm gần hết bức tường hướng tây, phía trên có treo câu ”Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh” phía dưới đính hai lá cờ Đỏ, và Xanh Đỏ sao Vàng, một tượng bác Hồ bằng thạch cao… một bàn dài, làm bằng hai cái bàn học sinh ghép lại, phủ khăn, cũng màu đỏ, đó là bàn chủ tọa. Khi buổi họp bắt đầu, có 7 cán bộ ngồi trên chiếc bàn này nhìn xuống, phía đối diện, phần còn lại của căn phòng có khỏang 60 giáo sư, bác sĩ ngồi ngay ngắn, yên lặng… nhìn lên.
-Tôi xin giới thiệu… đồng chí C, nhà văn Mặt Trận, đồng chí X nhà thơ từ A vào, đồng chí Q đoạt giải Nguyễn đình Chiểu…và cuối cùng -người sẽ nói về đề tài hôm nay- tôi là B, nhà văn.
Hắn nhớ có đọc đâu đó văn và cả thơ của cán- bộ- nhà -văn B. Ông có một tác phẩm, một truyện dài khá khá nổi tiếng… trước đây. Hắn và bằng hữu mê văn chương chữ nghĩa như Hắn- chuyền nhau đọc, vì đó là tác phẩm –đặt hàng- của Đảng CS, tính tuyên truyền nhiều hơn tính văn học, thời đó không hẳn cấm đọc, nhưng rất ít người muốn đọc.
Cán-bộ-nhà–văn B nói nhiều, rất nhiều về “gia tài đồ sộ “của nền Văn học XHCN, tính ưu việt, nhân bản v… v… khi nói đến văn học Miền Nam, cán bộ nhà văn B, phân tích tính thiếu nhân bản, tính lai căng, tính viễn mơ …và cuối cùng là tính phản động lộ liễu, trắng trợn, cái thối rữa của “bọn bồi bút” Ngụy quyền và đế quốc Mỹ.
Cứ nói chừng một giờ, thì “các đồng chí,chúng ta giải lao 15 phút”. Thời gian này, 7 cán bộ, ngồi ở bàn dài phủ khăn đỏ, bước xuống, mỗi người tiếp xúc với một nhóm bác sĩ, giáo sư thính giả… Những cán bộ này trao đổi những vấn đề mà thính giả thắc mắc. Họ tạo được không khí thân thiện, cởi mở đến nỗi có vài giáo sư vỗ vai, bắt tay, nói cười ồn ào hết sức tự nhiên với cán bộ CS. Giáo sư Đ, tóc mới hớt rất ngắn, cái nón tai bèo lủng lẳng sau lưng, và chân mang dép râu… tranh luận về văn học XHCN… như một cán bộ CS thực thụ, thậm chí còn lấn lướt. Bác sĩ K cũng na ná… chỉ thiếu cái nón tai bèo. Hắn nghe loáng thoáng từ ngày hôm trước, mục đích của buổi tập họp còn là “xem thử trí thức Miền Nam là người thế nào”. Hắn chột dạ, có gần phân nửa giáo sư, bác sĩ mang dép râu, vài người còn có cả nón cối, nón tai bèo. Trí thức Miền Nam tự nguyện đồng hóa và nhanh chóng hòa nhập… cho dù vài ngày trước sợ CS đến nỗi phải cướp xe mà chạy.
Hắn nghe đâu đó tiếng cười của đồng nghiệp như tiếng xé gió của lưỡi kiếm thép, đâm ngang trái tim nhọc nhằn của Hắn. Trí thức Miền Nam – nhất là nhà giáo, nhà sư phạm, người thầy, những người phải có nhân cách… 7 cán bộ CS kia sẽ nghĩ gì, nghĩ thế nào về họ!
Câu nói cuối cùng của nhà-văn-cán-bộ B, mà chắc suốt đời Hắn sẽ không quên:
-Tôi thấy các anh mang dép râu, những đôi giày sang trọng hôm qua các anh mang, lúc này các anh bỏ ở đâu? Tại sao? Chúng tôi cần thay đổi trong chính trái tim chứ không cần sự thay đổi hình thức có tính cách tình thế… không có qui luật nào khẳng định… ai mang dép râu là Cách Mạng cả…
Hắn bịt tai, không đủ can đảm nghe tiếp…
Buổi sáng cán bộ N đến, tập họp giáo sư biệt phái vào phòng họp. Cán bộ N sau khi đã cảm ơn sự có mặt “kịp thời” và “đúng lúc” và:
-Sự cống hiến nhiệt tình… của các đồng chí… Đảng và Cách mạng sẽ ghi công.
Thành phần “biệt phái” của Duy Tân là trên dưới 10 người, ngồi yên lặng, chờ đợi. Một chiếc xe Lam chạy vô sân trước phòng Giáo sư, họ bỏ xuống những cái túi.
Cán bộ N, nói tiếp:
-Anh em… phải đi học tập chính sách… Đây là việc bình thường.
Như để trấn an:
-Thời gian học chính sách… hơn một tháng thôi…
Điều mà Hắn chờ đợi đã đến:
-Ngày mai –đúng 8 giờ – các anh em có mặt ở trường Nông Lâm Súc.
Hắn và các đồng nghiệp biệt phái như Hắn được chính cán bộ N trao tận tay một bao thư 3.000đ [?] và một bao gạo 30 kg mà chiếc xe Lam vừa chở đến.
-Các anh đem về cho vợ con…
Hắn tần ngần, nỗi ngậm ngùi nặng trĩu nơi lòng… rồi sốc bao gạo lên vai và bước nhanh ra khỏi cổng trường. Hắn bỏ lại sau lưng nơi biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, biết bao khuôn mặt học sinh thân thương. Hắn bỏ lại sau lưng chính cuộc đời Hắn. Đó là những bước cuối cùng, Hắn không còn trở lại ngôi trường thân yêu này lần nào nữa.
…
-Mai anh đi… “học tập chính sách” phải không?
Hắn ngạc nhiên…
-Sao em biết?
Không trả lời câu hỏi.
-Biết anh thích đọc, em đem tặng anh những thứ này… toàn sách báo Cách Mạng không đấy.
Hắn lấy một tờ báo.
-Thơ… truyện… ký… đủ bộ “tam sên”… ở đâu ra mà em có vậy?
-Em xin bên văn hóa…
-Cảm ơn em… đúng là thứ anh thích và cần trong lúc này.
Khánh là chú bộ đội Cụ Hồ, người được biệt phái theo toán Xóa Xóa-Vẽ Vẽ của Hắn, một trí thức trẻ, rặt Bắc Kỳ. Khánh và Hắn, lúc nghỉ, thường tâm sự với nhau, đủ thứ chuyện, dần dần thân thiết như anh em. Thỉnh thoảng Khánh nhét vào xách của Hắn mấy bánh lương khô.
-Anh đem về cho mấy đứa nhỏ.
Và ngược lại, Hắn mua thuốc chữa bệnh sốt rét kinh niên-nhất là thuốc nhức đầu- cho Khánh, tất cả giao thiệp giữa Hắn và Khánh đều diễn ra lúc công tác. Khánh chưa đến nhà Hắn bao giờ, người ta chưa chấp nhận một bộ đội cụ Hồ giao thiệp với Ngụy quân Ngụy quyền.
Khánh thuộc thành phần bộ đội chủ lực có mặt từ những ngày đầu Mùa Hè Đỏ Lửa ở Quảng trị 1972. Có lần Khánh đùa với Hắn:
-Giai đoạn 1, bên em đánh bên anh chạy…
-Bên cậu lấy thịt… đè người làm sao chịu nổi.
-Lúc bên anh phải rút qua cầu Thạch Hãn… bên em đã mệt đứ đừ… sao còn chạy nữa vậy?
-Đối diện gần 30.000 quân… liều chết bên cậu… đâu phải chuyện dễ…
-Vì vậy… bên anh chạy hai km nữa và trụ bên kia bờ Mỹ Chánh.
Hắn bực.
-…Ai chạy… ?
-Không chạy… ?
-Rút chiến thuật đấy… chú em.
-Rút chiến thuật và đợt hai… phản kích?
-Đúng, đợt hai, bên anh đánh bên em chạy té khói… luôn…
Hắn và Khánh, bỗng nín lặng.
-Chết nhiều quá anh nhỉ.
-Hy sinh chứ…
-Hy sinh…
-Đúng… cả hai bên…
-Máu đỏ dòng Thạch Hãn.
-Máu của anh em ruột thịt hai miền …
-Anh cố giữ gìn sức khỏe.
-Em khỏi lo… anh chỉ học tập chính sách… ở Nông Lâm Súc đây thôi.
Khánh yên lặng.
-Em cũng mong như thế.
Rồi nhìn sang vợ Hắn.
-Chị còn một mình… với mấy cháu….
Hắn lờ mờ thấy như có vấn đề gì đó Khánh muốn nói mà không nói được.
-Có thể anh về sẽ không gặp em.
-Em nói sao?
-Em sắp chuyển… về Bắc.
-Chừng nào?
-Nay mai thôi.
-Thế là quá tốt, bà cụ và cả nhà không đang mong em về đó sao.
-Dạ…
Khánh ra về, để lại cho Hắn cả cái balo mà Khánh đã mang trên lưng suốt đường Trường Sơn vào Nam, cái balo thấm đẫm mồ hôi và máu của chính Khánh …Hắn biết đây là kỷ vật mà Khánh yêu quí nhất, giữ gìn nhất… , nay Khánh trao cho Hắn, rõ ràng, Hắn và Khánh –cho dù đó là bộ đội cụ Hồ, cho dù đó là một Đảng viên CS, cho dù đứng bên kia chiến tuyến… cho dù là ai, Hắn với Khánh cùng mang trong người dòng máu Việt, Hắn nghĩ chẳng có gì khó trong việc hòa hợp dân tộc, thống nhất lòng dân trong tương lai. Đất nước sẽ qua một thời khó khăn nhất định, đó là qui luật xã hội phải gánh sau cuộc chiến tương tàn, vấn đề ở đây là bên thắng cuộc đi con đường nào, bằng chính sách nào … để đến đích và có muốn đến đích hay không [?]
Khánh cố vui:
-Em mong anh…
-Mong anh thế nào?
-Như… Papillon.
Khánh nắm chặt tay Hắn trước lúc giã từ. Hắn nhìn theo, lưng của Khánh được che bởi chiếc áo bộ đội bạc màu, chiếc nón cối như bám cứng trên đầu, đôi dép râu… vẫn y nguyên như lúc Khánh từ T.54 nhảy xuống, bước những bước đầu tiên trên thành phố này. Hắn xót thương, viên đạn còn nằm trong đầu Khánh… có thể do chính đồng đội Hắn bắn ở đoạn Đại Lộ Kinh Hoàng – Mỹ Chánh – Thạch Hãn của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Thời gian còn lại của buổi chiều, Vân chuẩn bị mọi thứ như cho người đi xa, cái balo Khánh để lại nhét đầy quấn áo, thuốc chữa bệnh thông thường, thuốc Ruby Queen, thức ăn khô và tất cả các tờ báo Khánh đem đến lúc chiều.
-Trời đất… em cho anh đi luôn chắc…
-Em chuẩn bị cho tình huống xấu nhất…
-Là sao… ?
-Là anh không phải học chính sách… mà đi cải tạo.
-Trời ạ… cán bộ N nói rõ ràng… ai cũng nghe chứ đâu phải mình anh…
-Anh tin họ à… ai biết được… lời họ nói hôm nay với ngày mai…
-Em đa nghi quá thôi
-Họ sử dụng anh vì tình thế bắt buộc. Họ dùng anh để tập hợp lực lượng học sinh để làm công tác họ cần phải làm. Và để hoàn tất năm học.
… Vợ Hắn thở rồi tiếp:
-Năm học đã xong, cờ Ba Que đã xóa, đồng nghiệp của anh đã trở về, cho dù họ di tản, nhưng họ không phải là ngụy quân… ..
Hắn vẫn giữ lập trường tin chắc “học tập chính sách ở Nông Lâm Súc…” như lời cán bộ N nói là đúng.
-Chẳng lẽ…
-Anh cứ tin… còn em thì không…
Hắn bâng khuâng, nhưng vẫn để lại nhà một ít lương khô cho vợ con, Hắn chột dạ.
-Nếu điều đó xảy ra…
-Ví dụ nó xảy ra… anh cho em biết em phải làm gì?
Hắn chưa chuẩn bị cho tình huống này.
-Anh là trung úy biệt phái.
-Đúng nhưng anh đã…
-Tích cực… phục vụ cho cách mạng 3 tháng phải không?
-Phải.
-Ba tháng của anh… không là gì cả… Họ dùng anh ở giai đoạn họ cần…… Bây giờ thì họ không cần nữa, chanh đã khô nước rồi, anh trở thành… thừa và anh là ai? Phải xác nhận lại như đúng với sự thật anh đã có…
Hắn và Vân, cả hai trằn trọc cả đêm không ngủ được. 3giờ sáng, Hắn trở dậy, châm điếu thuốc, nhìn vợ và 4 đứa con đang ngủ. Hắn quặn lòng, ngày mai một mình Vân sẽ phải bươn chải nuôi con.
-Anh không ngủ… ?
-Anh ngủ không được…
Vân cười, hình như muốn xua đi những lo âu.
-Hồi chiều Khánh chúc anh những gì anh nhớ không?
-Ý em……
-Nó chúc anh như Papillon.
Hắn nhớ, trước lúc chia tay ra về, Khánh nói như thế.
-Anh… đừng vượt ngục như tù khổ sai…. nhưng phải mạnh mẽ lên mới được.
-Anh… anh… đang mạnh mẽ đây thôi.
-Em biết … và chắc chắn anh không thua Papillon… anh sẽ chiến đấu tới cùng.
Vân xuống bếp pha cà phê, giấu nụ cười theo dòng nước mắt vừa trào ra trên mặt. Buổi sáng đến, không bình thường.
Mọi người chờ đợi trong lo lắng.
-Sao có… lính gác…
-Còn cầm súng… như…
-Thôi… im đi.
Những con mắt như mở lớn. Cán bộ N bàn giao những người tập trung về đây cho cán bộ Dép Râu.
-Các anh… tôi đọc tên ai… thì người đó ra khỏi phòng… đứng chờ ngoài sân.
Và cán bộ N bắt đầu đọc, cán bộ -nón cối Dép Râu- lấy viết đánh dấu…
-Người được đọc tên phải la lớn: ‘Có.’
-Đại úy…
-Có.
-Thiếu úy…
-Có.
-Thiếu tá…
-Có.
-Trung úy T.
Hắn hét lớn “Có” … rồi bước mau ra khỏi phòng. Giữa sân đã có vài người được gọi tên trước Hắn, ở rìa sân bên phải có bộ đội cụ Hồ, tay cầm AK… Hắn lờ mờ thấy rằng, vợ Hắn nói đúng, lời nói của cán bộ không đúng với việc làm của họ.
Dép Râu ra lệnh, giọng Bắc rất nặng:
-Tất cả xếp hàng hai…
Cán bộ N và nhóm cán bộ giáo dục thoát nhanh ra đường, ở đó có chiếc jeep đang chờ, phút chốc mất dạng, các giáo sư… bị bỏ lại…
-Ông kia … tôi nói xếp hai hàng… có nghe không?
Khi đã thành hai hàng ngay ngắn:
-Các ông nghe đây… từ giờ phút này các ông là tù binh… những kẻ thua trận…. phải tuyệt đối tuân lệnh… ai dở trò… chúng tôi có quyền bắn bỏ…
Ngừng lại để lấy hơi:
-Bây giờ thì… đằng trước… bước!
Dép Râu đi trước, bộ đội cụ Hồ cầm súng đi hai bên, đoàn người băng ngang đường, đi chừng 500m, dừng lại trước cửa trại Đồng Tâm, đây là nơi trước đây Mỹ Ngụy nhốt tù CS, quân cướp giật, trộm cắp… thành phần bất hảo của xã hội… Trại Đồng Tâm bao quanh nhiều lớp thép gai, muốn vào khuôn viên phải qua một cái cổng hẹp, một trạm gác ở bên phải, phía sau là dãy nhà ở của quản trại.
Dép Râu đứng bên trái. Đoàn người vẫn hai hàng dọc, thẳng, yên lặng:
-Tôi đọc tên người nào người đó nhanh chóng bước tới… người nào chậm trễ phải chịu hình phạt theo qui luật nhà tù… Dép Râu nói một hơi dài… thở…
-Đồng chí Tân … đồng chí Tân đâu?
-Có em.
Từ trong trạm gác, đồng chí… có em… chạy vọt ra.
-Đồng chí làm nhiệm vụ… lục soát.
-Rõ.
-Không để vật cấm lọt qua.
-Rõ.
Dép Râu hắng giọng, bắt đầu đọc tên, lần lượt bước đến, cán bộ Tân lục soát, rồi bước qua cửa…
-Không được mang thứ này.
-Dạ… đó là bơ…
-Bơ của đế quốc Mỹ phải không?
-Dạ…
Thức ăn, dao cạo râu, savon, khăn, quần áo… có ghi chữ nước ngoài bị cho là của Mỹ và phải bỏ lại…
-Trung úy T!
Hắn la lớn “Có” và bước tới, bỏ cái balo trường sơn khỏi vai. Tân kéo mấy tờ báo, xóc quần áo thức ăn…
-Những thứ này bỏ lại…
Hắn nhìn, cũng không thật rõ là bỏ lại những thứ gì… duy có mấy tờ báo.
-Thưa… số báo này là báo cách mạng… báo của các anh…
-Ông là trung úy Ngụy… đã từng tham dự những trận đánh… tội ác bằng trời… lại còn là thứ biệt phái… là CIA của đế quốc Mỹ…
Dép Râu nói như hét, giọng Bắc nặng, hắn trợn đôi mắt đỏ như máu:
-Anh là tên trực tiếp hay gián tiếp bỏ bom Hà Nội 12 ngày đêm, Khâm Thiên đổ nát là vì… vì mày… mày hiểu tội ác của mày chưa…
Dép Râu như hóa rồ, Hắn quên một điều mà một cán bộ phải biết trong thời bình là phải chứng tỏ là người có học… Hắn tức gịân, căm thù… nên từ ANH chuyển sang Mày… Hắn bình tĩnh lại:
-Từ đây… ông không đủ tư cách đọc tiếng Việt… chứ đừng nói đọc báo cách mạng…
Dép Râu gằn giọng:
-Hiểu chưa?
Hắn hét “Hiểu”, nhưng thật tình thì chẳng hiểu gì.
Cái balô trở nên nhẹ tênh. Những thứ Vợ Hắn mua ở chợ trời đều phải bỏ lại, kể cả số báo Khánh cho…
Hắn ngủ ở chỗ tận cùng tầng trên, bên ông G, Trưởng ty Giáo Dục chế độ cũ. Ông không phải là Sĩ quan Ngụy biệt phái như Hắn.
Cán bộ Tân nói:
-Các anh tự thu xếp chỗ ở, một giờ nữa sẽ tập họp… nên khẩn trương lên.
Buổi tập hợp, chia 60 người ra làm 4 tổ, có tổ trưởng, tổ phó và ban Quản trại gồm 3 người, mỗi người phụ trách một việc, riêng Quản trại trưởng -giáo sư K- thì có trách nhiệm tổng quát. Việc bầu bán đều do tù lựa chọn biểu quyết.
K nói:
-Mỗi tổ phụ trách cơm nước một tuần… nhận gạo, cá… ở cán bộ trại…
Và phân công làm vệ sinh, nhất là những hố xí lộ thiên v.v. Số còn lại chỉ mỗi một việc là ngồi ngay chỗ ngủ, nghe và ghi chép cán bộ quản giáo – ngồi cái bàn đặt ở cửa ra vào, qua một cái loa, dạy cho tù học chính trị, Bác Hồ và Đảng ta, Miền Bắc xã hội Chủ Nghĩa, Toàn Dân Toàn Quân đánh Mỹ cứu nước… và… Mỹ Ngụy và chế độ nô lệ thối nát, ngu dân….
Không biết sao Hắn lại bị kiết, đi cầu suốt đêm, Hắn nhớ có đêm gió thổi vù vù, có đêm sương rơi… Hắn ngồi, nhìn bên kia lớp lớp thép gai… lớp lớp bóng tối… lớp lớp âu lo.
-Đêm nào… anh cũng ra cầu tiêu… để làm gì… có mục đích gì?
Hắn bị phát hiện và được gọi lên ban cán bộ quản trại.
-Thưa… tôi bị kiết…
-Kiết… ?
Hắn phát khùng:
-Thưa… ỉa… ỉa… rặn hoài mà không ra cục nào cho đã cả.
-Có thật như vậy không?
Hắn trả lời rất rõ:
-Thật 100%!
-Chúng tôi hiểu …chẳng cần nói… 100%.
-Không cần…
-Đúng… 100%… là thứ của bọn tư bản nói…
Hắn thầm hiểu, hãy nói thứ ngôn ngữ bình dân, của nông dân, của công nhân, hãy nói đến sản phẩm… không được nói đến tiền, thứ phi sản phẩm, mà 100% là cách tính của dân buôn… .. của tiền… Không nói thứ ngôn ngữ học thức của… tư bản.
-Ỉa… cũng phải báo cáo… xin phép… Ai biết được nửa đêm anh đi ỉa hay có ý đồ gì.
-Thưa, tôi ỉa thiệt chứ chẳng có ý đồ nào cả.
-Ý đồ nằm trong đầu… anh nói bằng cái miệng… sao tin được.
-Dạ.
-Biệt giam 3 ngày.
Phòng gọi là biệt giam nhỏ xíu, tường và mái đều đúc bằng ciment, chỉ duy nhất một cánh cửa ra vào làm bằng kim loại, màu xám tro, luôn luôn đóng kín, ban ngày tối lờ mờ, ban đêm tối đen như mực, mùi tanh nồng. Việc đầu tiên là Hắn hít thở đều để lấy lại nhịp tim bình thường, giống Papillon, người tù khổ sai, phải chuẩn bị sức khỏe trước đã, Hắn thầm nghĩ.
Có tiếng gõ, âm của cánh cửa rền như tiếng búa đập vào chuông, tai Hắn lùng bùng, áp lực trong phòng làm Hắn choáng váng. Cứ cách khoảng 3 giờ, tiếng búa gõ lại vang lên. Hắn bịt kín tai, nín thở, chờ cho âm rung lắng xuống, Hắn lờ mờ hiểu ra, đó là hình phạt cho những ai bị biệt giam.
-Cơm đây… ăn đi.
Phía dưới cánh cửa có cái lỗ nhỏ, tô cơm độn trộn muối được đút vô từ cái lỗ này… không đũa, không muỗng. Hắn ăn bằng tay như những thày tu người Ấn Độ. Hắn nhai chậm, kỹ và mót không sót hạt cơm… Buổi trưa nóng bức, Hắn cổi áo, mồ hôi ra nhễ nhại… Hắn thở mạnh, nơi ngực Hắn như có đá đè. Hắn tuột quần, chỉ mặc quần tà lỏn, ngồi bẹp xuống và tìm quên. Hắn đo bề ngang phòng biệt giam bằng gang tay… 1… ,2… ,3… , mỗi gang 2 tấc, vậy bề ngang là 1m7… Hắn gang tay đo bề dài… 1,. 2,… 3…4… , mỗi gang 2 tấc vậy bề dài là 2m5. Hắn gang tay trên mặt sàn ẩm ướt, như con sâu đo đang búng mình đi tới, miệng đọc… .. Hắn cứ lập đi lập lại như kẻ cà tửng, mất trí… 1,2,3…… 1,2,3, …-1m7-…1,2,3,4.-2m5-…. Nửa khuya trời lạnh, Hắn đứng thẳng, dậm chân một chỗ nhịp nhàng như thời Hắn học ở quân trường Thủ Đức –Hắn nhớ lại– Đại úy trung đội trưởng Nghiêm đã phạt Hắn hít đất 100 lần vì tội “không đều bước với đồng đội”. Việc dậm đều bước là việc quá nhẹ, quá đơn giản và quá dễ ở Quân trường, nhưng Hắn bị hít đất hoài, vì… vì lúc đó Hắn lại nhớ đến người yêu, Hắn chìm đắm trong quá khứ… mà quên mất hiện tại…
Buổi sáng ngày thứ hai, trong lúc Hắn đang chuẩn bị bịt tai chờ tiếng búa nện vào cửa sắt…
-Đi ra… mau lên…
Lệnh ra rất to, Hắn giựt mình.
Hắn lách người bước ra, ánh sáng làm mắt Hắn chói lòa.
-Tập họp… tập họp… khẩn trương lên… anh kia…
Tiếng chân trại viên, tiếng thúc dục của cán bộ…
-Trại trưởng K… .. K đâu…
Hắn chạy nhanh đến nơi tập trung, đứng vào hàng, vừa thở.
-Chuyện gì thế?
-Có trời mới biết chuyện gì…
Cán bộ Dép Râu hỏi lớn:
-Đủ… chưa?
Trưởng trại K la to:
-Đủ.
Dép Râu cầm trên tay một sấp giấy, nhìn trại viên đã vào hàng…
-Các anh nhìn thấy cái gì ngoài cổng kia không?
Chẳng cần trả lời, nói tiếp:
-Ai có tên… tôi đọc… trong 5 phút phải nhảy lên xe đang mở bạt kia…
Như lấy trớn để nói to:
-Thấy xe Quay Đít … đó không?
Gần 60 cái miệng hả to:
-Thấy…
Ngưng một chút.
-Mang theo đồ cá nhân… đi là không trở lại…
Có tiếng xầm xì:
-Không trở lại… không trở lại…
Dép-Râu–cán–bộ quay sang trao đổi với Dép-Râu-Quay-Đít… Hắn không biết hai Dép Râu nói gì, chỉ nghe loáng thoáng:
-Đồng chí … đồng chí mình…
Cuối cùng
-Tôi đọc tên… 5 phút phải lên chiếc xe Quay Đít kia…
Và gằn giọng:
-Ai trễ… bắn bỏ … rõ chưa?
-Rõ.
Dép Râu Quay Đít nói
-Suốt lộ trình… cấm mở bạt ló đầu… nhìn ra ngoài… cấm nói chuyện, cấm trao đổi linh tinh…. cấm…
Hắn nói nhỏ chỉ đủ Hắn nghe:
-Cấm thở… cấm đái… cấm…
Người đứng bên Hắn hỏi:
-Mày nói gì vậy?
Hắn nheo mắt:
-Cấm … địt…
Tự dưng Hắn mỉm cười, nhưng cổ họng nghẹn cứng dòng nước mắt. Chiếc xe tải Quay-Đít chạy ra QL 11, bẻ bên phải và lao đi.
-Về… về… phố.
-Im đi.
-Phụ Thành… Duy Tân… Tuyết Sơn… Chợ PR …. Cầu Đạo Long…
Trong thùng xe, phủ bạt phía sau, đóng hai lỗ gió phía trước, kín bưng, có khoảng 20 người trong một diện tích chật, nóng bức. Giáo sư Duy Tân biệt phái, kể cả Hắn là 8. NLS: 2… Võ Tánh TC 1, và 3 giáo viên… , còn 6 người của Tiểu Khu NT, Hắn không quen.
-Hướng Sài Gòn…
-Không lẽ…
Mọi người cố hình dung, tưởng tượng, đoán mò, rồi suy diễn lung tung, dĩ nhiên là không ai dám thổ lộ… Xe bóp còi… rồ máy… đảo nghiêng… mùi xăng… Có người ói, rồi nhiều người ói tiếp theo… Mùi tanh, nồng nặc… Nhiều người bắt đầu thở than, một vài người khóc… Những đôi mắt gần như tuyệt vọng, mở to. Cảnh đó làm Hắn vừa mũi lòng vừa nộ khí xung thiên… Hắn muốn hét như cơ hồ không còn sức… Cái phòng biệt giam chó chết đã bào mòn sức khỏe của Hắn.
Hắn cố suy nghĩ xem bọn CS chở đi đâu. Chẳng lẽ chúng tập trung -ở đâu đó- để bắn bỏ [?]. Xe cua phải rồi chạy thêm một giờ nữa trên đường gập ghềnh, hình như trời đã chiều.
Một chút nắng vàng xuyên qua khe tấm bạt, xe chậm lại và dừng hẳn. Tấm bạt kéo lên, mặt trời xuống ở xa, một buổi chiều vàng… Tất cả đều che mắt vì chói… cách chừng non 100m, một toán bộ đội cụ Hồ đứng hình vòng cung, súng AK cầm tay thế sẵn sàng nhả đạn…
-Xuống xe… xuống xe…
Không phải một mà đến hơn chục xe chở tù như xe của Hắn, các xe kia lục tục từng người nhảy xuống.
-Tất cả tập họp!
-Tập họp!
-Mỗi xe một hàng dọc.
Một toán cán bộ, tới lui, ra lệnh, và như lùa đám người vào hàng. Cán-bộ- Quay- Đít chở tù và cán bộ nhận tù bắt đầu kiểm tra số lượng, bàn giao; bên trái chúng tôi là nơi dành cho ai mang lon từ Đại úy trở lên… và bên phải từ trung úy trở xuống, chức vụ nào thì đi đường đó.
-Rõ chưa?
-Rõ.
Và bắt đầu đọc…
-Trung úy A!
– Có.
A vừa la vừa chạy đến vị trí dành cho trung úy.
-Thiếu tá D!
-Có.
… Chạy qua bên trái…
-Trung úy VT!
Im lặng…
-Trung úy VT!
Im lặng….
Cú rướn cuối cùng:
-Trung úy VT!
Im lặng…
Cán bộ nuốt nước miếng hét:
-Ai tên VT.?
-Tôi đây.
-Sao nãy giờ không lên tiếng?
-Tôi là thiếu úy VT… không phải trung úy VT.
-Tại sao trong danh sách này ghi… trung úy?
-Tại… tại…- VT tức khí -…. mấy thằng cha cán bộ viết sai.
-Anh nói sao… nói rõ lại xem!
-Tại cán bộ viết sai.
-Sao anh không nói?
-Dạ…
-Cái miệng anh để ở đâu…
VT phân trần:
-Có ai cho nói đâu mà nói.
Ông cán bộ nhận tù, đi chiếc honda Nhật đời 68 có ghi-đông cao dềnh dàng trông rất chịu chơi, ông nói năng ạch đụi, giống… tư bản… hơn là CS. 68 đến gần VT, nói nhỏ:
-Không được gọi cán bộ bằng “thằng” ….rõ chưa?
VT la:
-Rõ.
68 vỗ vai VT.:
-Rõ… điếc cả tai… Lần sau “rõ” nhỏ thôi… anh bạn!
Đó là điều khó tin –“anh bạn”- nhưng có thật, kẻ thù gọi nhau bằng bạn. Nếu nó xảy ra ở trại Đồng Tâm thì trời nhất định sập, ở đó tập trung những Dép Râu cực đoan, căm thù Mỹ Ngụy sâu sắc, hay có mối thù … riêng. CS nói: đó là hiện tượng chứ không phải bản chất của chế độ. Đó là lời nói thật lòng chứ không ba xạo và yêu cầu gần như bắt buộc mọi người phải tin. Hắn đã và đang cố tin như vậy.
VT, người to cao, da trắng, có lông ở tay, ở ngực hơn mức bình thường, nhưng rất hiền tính, đồng nghiệp ai cũng mến… nên gọi VT phải kèm theo chữ “lông”, VT Lông, đó mới là bạn vàng. VT dạy môn sinh vật, khối A.
Lớp lớp rào kẽm gai bao quanh khu nhà lợp tôn, hai toán vượt qua cổng, có một khẩu đại liên kê trên gò cao, bên hông trạm gác. Toán Đại úy trở lên, rẽ trái, chỉ duy nhất C, giáo sư Duy Tân rẽ ngã này, nhóm trung úy trở xuống rẽ phải đến một khoảng sân trống, đứng lại và…
-Các anh ngồi xuống nghỉ… Đi cả ngày mệt đứt hơi phải không?
68 nhìn đảo một vòng:
-Sao lại có… quần đùi áo thun … ở đây?
-Lệnh có 5 phút… nên không kịp… mặc quần…
-Anh nói sao? Lệnh gì có… 5 phút.
-Lệnh ở trại Đồng Tâm…
68 có vẻ sốt ruột:
-Nói đi… lệnh gì…
-Ở đó, cán bộ trại Đồng Tâm chỉ cho thời gian 5 phút để về phòng, lấy đồ, chạy ra, nhảy lên xe Quay Đít … khi nghe gọi tên…
68 hỏi gằn:
-Xe Quay Đít… là… là…
-… là chiếc vê–lua đầu hướng ra Quốc Lộ 11, đít quay vô… cửa trại… ..
Sau khi nghe xong, 68 nghiêm mặt. Ông lẩm bẩm điều gì như… chửi thề.
-Thôi… quên… 5 phút đó đi…. bây giờ mặc quần vô…
68 cười, nụ cười hết sức dễ thương, mà từ 16/4 đến nay Hắn chưa thấy trên mặt cán bộ CS nào, kể cả cán bộ giáo dục N. mà Hắn đánh giá cao về lương tâm và đức độ.
-Mặc quần… mau đi…. coi chừng “thằng nhỏ”… biểu tình.
Lần đầu tiên, lúc từ NLS ra đi, hôm nay Hắn mới nghe một câu nói từ miệng cán bộ CS “tếu” đến như vậy. Có rất nhiều anh em vô trại trước, đứng xa xa nhìn đến:
-Đ M…. thằng X kia …… Đ M thằng B kia…. Đ M.thằng L kia…
Họ nhận ra người quen và tán thán như vậy, cán bộ nghe rồi nhe răng cười, như khuyến khích:
-Đ. kiểu đó đẻ lủ khủ… ai nuôi?
-Cán bộ khỏi lo… tụi em bao…
Cán bộ và tù cùng cười, người nhát gan, khóc lúc xe chạy, nói nhỏ:
-Ở đây… có… có… tình người.
-Phải, không như ở trại ĐồngTâm.
Và mừng đến nỗi:
-Coi như tao về… gần đến nhà rồi.
Hắn ngạc nhiên, tù sao lại ăn nói có vẻ bình đẳng như thế với cán bộ, còn diễu cợt nữa.
-Đ M thằng T. Lai kìa… bây ơi.
Hắn giật mình, bạn Hắn cũng đã vào đây, tụi đánh đấm ở Đường Chín Nam Lào, Khe Sanh, có đứa Dù, có đứa Biệt động… thứ dữ dằn, tội ác đầy trời. Hắn thắc mắc không biết tại sao, do đâu mà chúng lạc quan, tự do phát ngôn như vậy.
Người cán bộ mở chiếc cặp giấy màu đỏ, đọc tên 5 người:
-Các anh bầu 1 trong 5 người này làm khối trưởng. Khối của các anh là khối 13.
Và cán bộ bắt đầu đọc tên 5 người đều có người thân tham gia cách mạng thời chống Pháp hay chống Mỹ cứu nước, theo lời khai trong lý lịch lúc nhập trại, mà 68 đã nghiên cứu.
-Trung úy Phan văn X, tiểu khu NT, cha hy sinh thời chống Pháp… ai đồng ý giơ tay…. và đếm 1, 2, 3, 4, 5… còn ai đồng ý nữa không?
Nhìn lướt một lượt, không còn cánh tay nào đồng ý… Cán bộ lấy viết ghi ghi và tiếp tục…
-Thiếu úy Ng. văn P, biệt phái NLS, cha mẹ tham gia cách mạng thời chống Mỹ cứu nước… và đếm 1, 2, 3, 4… còn ai nữa không?… ghi ghi… và đọc…
-Trung úy P.M.T, biệt phái Duy Tân… có cha hy sinh thời chống Pháp…. 1, 2, 3, 4, 5, 6,.
Cuối cùng Hắn có số người đưa tay bầu nhiều nhất, dính khối trưởng, người kế tiếp là một trung úy tiểu khu NT, tên X, làm khối phó khối 13.
Cán bộ giao danh sách 130 sĩ quan VNCH vừa chuyển đến, và nói lớn:
-Từ nay các anh dưới quyền chỉ huy của anh khối trưởng này.
Cán bộ lấy tay đặt lên vai Hắn và cười:
-Các anh… chúng ta vỗ tay chào thủ trưởng khối 13…
Tiếng vỗ tay rào rào, trong đó có tiếng vỗ của người cán bộ CS-đi xe Honda Nhật đời 68- là to nhất.
-Anh… biên chế tổ, ban.… thành lập các bộ phận phục vụ
68 hạ giọng chỉ vừa đủ Hắn nghe:
-Chỉ huy 129 người, sĩ quan… đủ loại binh chủng… từ nhiều mặt trận… không dễ, nhưng tôi tin ở anh… cố lên nhé.
Bóng tối đã che khuất mặt người, những ánh đèn vàng cháy lên. 130 người, 130 sĩ quan … 130 tù nhân… 130 nỗi lòng. Sương bắt đầu rơi.
-Các anh… di chuyển đến khối 10… ăn cơm…
-Anh nói sao?
-Khối chúng tôi được lệnh chuẩn bị cơm tối cho các anh từ trưa nay…
Khối trưởng khối 10 đưa chúng tôi về trại, một nhà ăn khá rộng, bàn ăn làm bằng vạt tre, ghế đòn dài bằng gỗ tròn, chén bát có sẵn. Khối 13 bắt đầu ăn bữa cơm đầu tiên ở trại học tập cải tạo A.38. Hắn bắt đầu nhai cuộc đời của chính mình.
Bỗng Hắn nghe, ở đâu đó từ hướng Tây Nam, tiếng còi tàu kéo dài trong sương đêm… Lòng Hắn trĩu nặng.