Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh của nữ họa sĩ Bé Ký

ĐÈN MÀU




    S ức khoẻ tôi dạo này có vấn đề. Đầu óc váng vất. Đêm khó ngủ. Mới lên đến cầu thang gác hai, trống ngực đã đập thì thõm. Tôi đi gặp bác sĩ. Sau khi khám, xem gần chục kết quả xét nghiệm của tôi, bác sĩ kết luận: Thần kinh suy nhược, rối loạn nhịp tim!

Buồn thật. Trong mấy anh chị em, đứa nhanh nhẹn, khoẻ mạnh nhất là tôi. Sao lại ra cơ sự này? Bác sĩ kê đơn xong, nhìn tôi, dặn dò là phải tránh xa những xúc động đột ngột làm hại tim. Gàn! Phàm đã là con người, tránh sao được điều đó? Như đoán được ý nghĩ của tôi, ông bác sĩ giảng giải thêm:

- Phải biết cách tự điều chỉnh cảm xúc của mình. Có thể dung hoà vấn đề bằng cách lật ngược hai mặt...

Được, hiểu! Tôi chỉ cần khỏi bệnh. Cuộc đời ngắn lắm. Nói dại chứ chẳng may tôi có làm sao thì hai con đang học đại học (đứa ở Thành phố HCM, đứa ở Hà Nội) có mà đứng đường cò lơ thất thểu...

Tôi thả bánh xe chầm chậm trên con đường mát mẻ. Cây hoa sữa cuối phố năm nao cũng nở muộn. Tháng mười, hoa mới bung ra như có ai tung những nắm xôi đỗ xanh lên tán lá. Trong năm, tôi thích nhất tháng này. Trời trong veo, mây trắng, nắng mỏng hoe. Gío nhẹ hều, đưa hương thơm nồng của hoa sữa phảng phất suốt đêm thu. Chao ơi, mùa thu! Chiếc lá vàng mối tình thơ năm nao trở mình trong cuốn lưu bút của tôi. Có cái gì đó dâng dâng, nghèn nghẹn cuộn lên trong ngực và... nhói một phát. Chết cha! ...Xúc động!... Tôi vội đưa mắt tìm kiếm. Kia rồi, một bãi phân chó ngay dưới gốc cây! Đêm nay, đôi tình nhân nào mải nghếnh trăng sao trên trời dứt khoát sẽ đạp phải “mìn”. Đấy, thế là cái “cục cảm xúc” trong lòng tôi biến mất. Tôi về nhà bình an.

Huỳnh, chồng tôi vẫn chưa về. Tan tầm hàng tiếng rồi. Có nguy cơ đây. Tôi phôn cho Hương, bạn thân, cùng công ty chồng tôi. Giọng Hương the thé: “Đến sàn giao dịch mà tìm, chắc chắn đang lỗ mắt ở đấy, hình như hôm nay cổ phiếu tăng điểm...”. Tôi hít một hơi dài, ngồi xuống giường. Đừng tức giận, hãy ghìm xuống, ghìm xuống... tìm cách giải quyết. Vô duyên cho lão hói, đúng lúc này, lù lù vác xác về. ào vào nhà, cười khằng khặc như ma ám:

- Phượng ơi! Phượng ơi! Thắng rồi, thắng rồi! Hôm nay mã BAX của anh tăng. Đã bảo cứ yên chí thế nào cũng vớ bẫm!

Trông đôi tai vểnh như tai chuột đỏ tía của hắn thật ghét! Hơn tuần nay, hắn đốc chứng, nghe bạn bè rủ rê chơi chứng khoán. Ngày nào cũng như ngày nào, buông bát là chúi mắt, chúi mũi vào internet, ghi chép, tính toán. Rời công ty là nhảy tót đến sàn. Tôi bận tối mắt với công việc dạy học ngày càng nặng nề, rối rắm của cái nền cải cách giáo dục – như một chuyên gia kết luận: “không giống ai” trên thế giới. Về nhà, cơm không ai nấu, nhìn bộ mặt lúc thẫn thờ, lúc quýnh quáng của hắn, tôi điên tiết. Hôm qua, tôi nhét quần áo của hắn vào túi, bảo ra sàn giao dịch mà ở. Hắn đã thề sống thề chết không chơi nữa, không cổ phiếu cổ phiếc gì nữa. Vậy mà... lại còn dám khua chiêng, gõ trống ầm ĩ lên.

- Thế có nghĩa những hôm nhà đầu tư im ỉm như lợn ăn khoai là thua bét nhè chứ gì? Chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và kĩ năng phân tích nó. Tôi hỏi ông: Thị trường trứng thối của ông từ sau Tết đến nay vận hành theo quy luật nào? Sàn AXB to đùng mà phải rút vốn chạy sang mua vàng kia kìa! Tôi để sẵn bị, gậy cho ông rồi đấy!

Huỳnh trố mắt nhìn tôi, reo to:

- Trời ơi! Em cũng nghiên cứu chứng khoán à? Chớ coi thường nhà đầu Trư này nhớ! Bị gậy cái gì! Vợ chồng mình chung lưng đấu cật đi! Cơm nước, chuyện nhỏ như con thỏ, ra quán!

Không để cho tôi kịp phản ứng, hắn hổn hển:

- Cái hay của món này là thị trường dù có tăng, giảm thế nào vẫn tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư kiếm được tiền.Trong lúc nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng như của thế giới đang chững lại thì chứng khoán không thể tăng điểm nhanh được. Mình phải kiên trì. ý tôi nói, không phải cứ bỏ tiền vào là ngày mai có lãi ngay. Trong lúc cổ phiếu rớt giá, mình nên mua, khi rất nhiều người muốn bán tháo với giá thấp ...

A! thì ra hắn tính chuyện đặt lờ, đặt đó, chờ con nước, đơm cá. Thảo nào, say như lên đồng! Cái của nợ này phải có đủ lập luận mà bẻ lại, không thể nổi đoá lên được. Tôi lôi một tờ báo ra:

- Ông có biết cha này không? Có thể bị bắt. Nhân viên sàn mà dám lấy vốn cổ phần của các nhà đầu tư, thành lập công ty con, bán tiếp cổ phần lần nữa, kiếm lời cho riêng mình. Vậy, ông nói sao về cơ chế thị trường chứng khoán hiện nay? Đừng có quăng tiền mồ hôi nước mắt qua cửa sổ!
Cái trán bóng lọng của hói vẫn rắn câng:

- Với diễn biến thị trường lình xình khó đoán như hiện nay thì việc kiếm tiền từ chứng khoán lại chủ yếu từ kẽ hở của các khoảng trống pháp luật. Đây cũng là nguyên nhân kéo VN – Index thụt lùi. Cái chính là nhà đầu tư phải biết săn lùng thông tin nguồn thường xuyên, nhất là thông tin từ các doanh nghiệp...

Tai nóng lên, trống ngực tôi bắt đầu rộn ràng:

- Thông tin cái con khỉ! Đầy doanh nghiệp còn chưa có trang web, nếu có thì cũng là những thông tin ma, hoặc cũ rích từ đời tám hoánh, làm mồi cho bọn thao túng – Tôi gào lên: Ông muốn kiếm nhiều tiền để làm gì...ì...ì...

Lão hói bắt đầu sợ nhưng vẫn giở giọng cua càng:

- Mình đừng lo. Đợt này chính phủ sẽ can thiệp sâu đấy, sẽ kéo cho cân bằng thị trường, còn bộ mặt với quốc tế nữa chứ... tội gì không lướt sóng kiếm tiền vì có sự bảo hộ của nhà nước. Mình sẽ không phải dạy thêm nữa, ta sẽ mua một cái trang trại...Ôi, ối! Làm sao thế kia? Lại lên cơn à?

Đầu tôi phừng phừng và ngực tôi nhoi nhói. Hỏng, cứ thế này thì hỏng! Suy tim chứ chẳng chơi! Tôi thầm quát : “Sao lại để xảy ra sự ấy? Điều chỉnh... ”. Tôi lăn đùng ra ghế, rên rỉ, ra hiệu cho lão lấy nước và thuốc uống. Huỳnh im thin thít, làm theo ý tôi như một cái máy. Tôi se sẽ bảo cần ăn phở vì bệnh của tôi phải nghỉ ngơi nhiều và ăn ngon.
Huỳnh tần ngần:

- Mưa, rét thế này, liệu hàng phở còn mở cửa không?

Tôi nhướng mắt lên. Hắn quýp mắt xuống, vơ vội tấm áo mưa, cầm cặp lồng ra phố. Tôi nhỏm dậy, lục tủ. Có vài chục ngàn với mấy que vàng trong nhà gom hết. Ngày mai sẽ quy đổi ra EUR, gửi tiết kiệm ngân hàng nhà nước. Lương, thưởng của hắn, tôi tóm chặt. Hết giờ hành chính, tôi réo gọi liên tục. Qủa là hiệu nghiệm, hết đường tung tẩy. Hói phân bua với đám bạn sàn: “ Độ rày, bận quá. Bà xã lại mắc chứng thần kinh...”. Tôi thấy đầu nhẹ, lòng thư thái. Càng ngày, tôi càng hiểu ra rằng: hà cớ gì mà mắc chứng ưu phiền, khi con người ta sinh ra trên cõi đời đã là một tội lỗi rồi. Kinh Thánh chẳng bảo thế là gì! Cho nên, những đứa trẻ mới đẻ, có bố mẹ theo đạo Công giáo phải làm phép rửa tội ngay. Thế vẫn chưa đủ. Thượng Đế còn đày ải con người suốt cả cuộc đời, vì cụ tổ chúng ta, cái ông Ađam và bà Eva ấy, đã phạm tội ăn trái cấm!

Này nhé. Làm sao có thể giận ông trời được, khi ngày tôi để áo mưa ở nhà thì ông ấy lại mưa ào ào, còn ngày đem áo mưa thì ông lại nắng chói lói! Khi ruộng, nương nứt toác vì hạn hán thì ông ấy cứ nắng đến đỏ cả mắt, còn lúc nước đã thừa mứa, lụt lội dầm dề lại cứ tè tè mãi!

Rõ rồi! Thánh Thần cũng có thói thù dai nữa là con người!

Mà đời cũng khéo sắp đặt những sự chéo ngoe. Sáng, mừng anh trai trúng thầu; Chiều, chia buồn chị dâu mất xe máy. Cùng một ngày, bên này phố thì ò... ò...e...í...e...ò... ới bố ơi là bố ơi...! Bố bỏ chúng con đi đ...â...u...; Bên kia thì ...chát xình xình...chát xình xình... kính thưa quan viên hai họ!... Bà con xóm phố cả. Vừa mới tí toét bên đám cưới lúc sáng, chiều đã khăn mùi xoa chấm chấm nước mắt, thương người đột quỵ, sớm khuất núi, bỏ lại gánh đời dở dang. Tối về, soi gương, thấy mồm mình hình như hơi meo méo. Tôi sờ sợ. Chết thật! Có mỗi cái mồm để ăn, để nói, để cười, lại méo xẹo thế này... Tôi vận dụng bài thể dục cơ mặt, nhệch miệng sang trái rồi lại nhệch sang phải, mười lần, thế... thế... tuy hơi mỏi cơ hàm một tí nhưng miệng tôi lại cân bằng, chúm chím hoa đào như cũ. Đấy, có gì là khó!

Nhưng loài người lại là giống hiếu chiến. Bản thân cuộc sống đã chứa no ặc những sự trái ngược, đối đầu với nó đã đủ mệt, người ta lại còn thích cà khịa nhau. Không nơi này thì chốn khác, ngày nào con người cũng bới chuyện để gây sự. Nhìn thế giới thì biết. Mỗi quốc gia một lãnh thổ, cơm ai người nấy ăn, áo ai người nấy mặc, thế mà cứ chọc ngoáy, rồi nện nhau, gây bao thảm kịch cho chính đồng loại của mình.
Mà cũng lạ cho mỗi một cái thằng người, rất khoái khoản trêu gan nhau. Thần kinh tôi yếu lắm, bác sĩ bảo thế. Phải quyết tâm phát huy bài võ đội mũ phớt mới được. Hôm tôi được tăng lương. Lũ bạn nhao nhao đòi khao, tôi bảo: sướng quái gì, vào lỗ hà ra lỗ hổng. Y như rằng chiều đi chợ bị trộm móc ví! Tôi chẳng tiếc đến đứt từng khúc ruột như trước kia mà còn nghĩ: thôi thì cũng là tí chút đóng góp cho những kẻ khốn khó. Bọn ăn mày, ăn xin không trông vào cái đám công chức, đi xe máy lớ ngớ như chúng ta thì chết đói à? Kẻ khôn ngoan, lắm tiền, ngồi trong ô tô, đi chợ có Ôsin, trộm lấy làm sao được. Cả trường bảo tôi hâm. Hâm cũng được, miễn khỏi đau đầu, buốt tim. Ngồi bên tổ Xã hội, cái Liên ngoẹo đầu, ngoẹo cổ nhìn tôi:

- Dạo này bà Phượng trẻ ra, xinh hẳn lên!

Gía như trước kia tôi đã sướng âm sướng ỉ. Giờ hãy coi chừng! Có khi nó bỉ mình xuống xề cũng nên. Tôi dửng dưng:

- Tớ vẫn... bình thường!

Sang tổ Tự nhiên, con Linh béo chua luôn một câu:

- Dạo này làm sao thế? Da bủng bủng, hay viêm gan B?

Cũng chả sao. Thấy người ta xinh, ghen! Tôi cười nhạt:

- Tớ vẫn... bình thường!

Dự giờ đồng nghiệp, tôi không khen, cũng chẳng chê. Khen hay chê cũng thế thôi, có thay đổi được quái gì, tôi xếp loại... bình thường!
Cứ thế, hiện thực va đập vào tôi như đấm bị bông. Hễ đấm bên nọ lại phồng bên kia. Tôi chung chiêng ở giữa dòng đời bàng bạc trôi, mắt nhìn chốn vô định. Bệnh tôi giảm hẳn, má phính ra. Hàng ngày, cơm nước xong, tôi lăn ra ngủ. Chẳng hơi đâu mà đọc sách đọc báo. Rặt những tin giật gân với những chuyện tình nhăng nhít, chỉ tổ hại thần kinh. Đóng cửa sổ lại, khỏi phải thấy mảnh trời xanh với lũ chim xinh xẻo xếp hàng trên sợi dây điện. Nhìn chúng lại mơ màng vớ vẩn. Tôi béo ụ. Nhưng mặt tôi... Cái Hương bảo:

- Mặt cậu làm sao ấy! Chỗ bạn thân, tớ nói chân tình... Trông ngơ ngác, đần đần và ngay ngay như... ngỗng ỉa!

Cái con, đến bậy! Tôi đã từng là hoa khôi Sư phạm. Kệ xác nó! Nói thì đã chết ai! Tôi vo viên cuộc sống vào gia đình. Chồng chí thú, con cái ngoan, có tương lai. Tằng tằng đi làm dăm bảy năm nữa rồi... hưu. Mặc thiên hạ cứ việc múa may quay cuồng.

Cho đến một ngày, thằng Dương, con trai tôi đang học Đại học Kiến trúc, vác cái đầu xanh xanh, đỏ đỏ, lổm chổm từng búi như quả dứa về nhà. Nó dúi vào internet chát với một cô bé nào đó. Chốc lại thấy OK! Nhát lại thấy HE HE! Thôi thì thanh niên bạn bè chúng quan hệ với nhau thế nào là việc của chúng. Tôi đi chợ về, xào xáo, nấu nướng, cốt cho cả nhà được bữa ăn tươi, nóng sốt. Mâm bê ra rồi, gọi năm thôi, mười hồi nó lại bảo: Bố mẹ ăn trước đi, nó đang có câu chuyện quan trọng. Tôi tủi thân, mắng nó rằng mẹ đi chợ, nấu nướng hết cả buổi, muốn cả nhà quấn túm bên nhau, con coi bạn gái hơn cả bố mẹ thì từ nay đừng về nhà nữa... nó mới vội ra bàn ăn, nhưng lại lên giọng ông cụ. Rằng: thời đại này mà mẹ mất nhiều thời gian cho việc bếp núc, lạc hậu bỏ xừ. Mỗi tuần, chỉ cần đi siêu thị một hoặc hai lần là cùng. Trước khi đi tính toán kĩ đi, mua thứ có nhãn, mác, hạn sử dụng, nếu không, sẽ khổ về nạn tè re té tỏng, cảm phiền các bác sĩ phải rửa ruột. (Đang bữa mà nó nói năng bẩn thế đấy!). Rằng, thực phẩm cho vào ngăn đá; rau, củ, quả cho vào ngăn lạnh. Rằng, bếp ga, lò vi sóng có rồi, việc nấu nướng chỉ cần mười mấy phút là xong...vv và vv. Nó nhấn giọng:

- Bố mẹ nên giành thời gian cho việc giải trí, đi đó đi đây. Con thấy mẹ kì cạch suốt ngày trong bếp, mà ăn uống có được là bao!

Nó gắp chả mực vào bát bố, thao thao:

- Bây giờ, càng ăn ngon, càng chóng chết!..

Miếng cơm ắng trong miệng tôi. Con cái mất dạy! Chẳng nhẽ đang bữa ăn... Nhưng tôi biết con trai tôi, chỉ là cái mỗm ăn nói vô duyên thôi...

Thằng Dương chợt nhìn chúng tôi rồi cười, bắn cả cơm ra ngoài:

- Con xin lỗi! Là con nói chung xã hội... ý con muốn nói là phụ nữ muốn được giải phóng, trước tiên phải tự giải phóng mình đã chứ! Bố thì suốt ngày ôm ti vi như gà ấp trứng ấy. Ông bà già mốc quá!
Ghê chưa! Khác gì ông giời con. Nhưng ngẫm nghĩ, tôi thấy nó có lí. Ngắm mái tóc xanh đỏ, vuốt keo của con trai thấy cũng hay, trẻ trung và năng động. Giọng hơi trầm, dễ nghe. Mặc dù mới đang học năm thứ ba, nó đã tìm cách đi làm ngoài, ít khi cần tiền của bố mẹ. Nó không hút thuốc lá nhưng ghiền cà phê. Chồng tôi thấy cậu con nối dõi chê bai cả chính cái ông đẻ ra nó, nghe chừng tức khí, quay ra, cười nửa miệng:

- Thế theo con, bố mẹ sẽ vui chơi ở những chỗ nào?

Nó cười phe phé, tay vung vẩy, nguềnh ngoàng như tay vượn:

- Được, tối nay, con sẽ đưa bố mẹ đến tiên cảnh bồng lai. Chỉ xin song thân nhớ diện bộ đẹp nhất nhé. Mẹ mặc đầm xanh ngọc ấy, đeo trang sức vào. Bố com lê, cà vạt cho oách, suốt ngày may ô sánh với quần đùi. Gớm, thời trang đầy tủ, các cụ định lên Thiên đàng mới trưng mốt à?

Chồng tôi quát lên. Không đi đâu hết, lạ gì mấy cái ổ xí xớn, nơi đốt tiền của bọn nhà giàu dửng mỡ. Tôi cười thầm trong bụng. Chỉ nói khoác. Từ ngày lấy nhau đến nay, tháng đủ ba mốt tối ở nhà (trừ tháng trước, lên cơn hấp, chơi chứng khoán) ăn no, ngủ kĩ, ôm ti vi, có bao giờ biết tăm hơi cái chỗ dửng mỡ ấy ở đâu. Cậu cả nhà tôi chẳng vừa. Nó nói giọng mũi rằng ông bà già bảo thủ, sợ đổi mới, thế thì tìm chốn cú ho, cò gáy, trâu gõ mõ, chó leo thang mà sống cho thành... khỉ đỏ đít, ở thành phố làm gì! Mất dạy thế là cùng! Nó còn cược rằng: đến cái nơi vui vẻ đó thế nào cũng gặp vợ chồng cô Thắm (bồ cũ của chồng tôi). Không hiểu sao thằng quỷ con này lại biết hết chuyện “tình tọt” xưa của bố mẹ. Không giấu nổi tò mò, chồng tôi đồng ý. Tôi cũng thấy hồi hộp. Hình như ruột gan tôi lại chộn rộn.
Mới bảy rưỡi, chúng tôi đã cơm nước xong xuôi, ăn mặc tinh tươm. Ông hói đang chuẩn bị dắt xe ra thì ...xịch... chiếc tắc xi bóng nhoáng đỗ ngay trước cửa. Thằng Dương lại phe phé cười:

- Bố mẹ định đội mấy quả dưa hấu đi chơi phố chắc? Mà com lê, váy đầm đẹp thế kia đi xe máy, guê goá!

Đường phố ban đêm rực rỡ như hoa muôn sắc. Lông lốc mũ xe máy, nhoang nhoáng các loại ô tô, rền rền tiếng động cơ. Hàng bánh xe xếp đều tăm tắp trước vạch sơn trắng khi có đèn đỏ. Thằng Dương chỉ lên búi dây điện quấn chằng chịt trên cây trông như búi rắn của phim kinh dị:

- Bao giờ phải gỡ được cái búi rắn ấy ra thì mới gọi là biết quy hoạch.

Phía tây nam, những dãy nhà chót vót của khu đô thị mới nhấp nhánh ánh điện màu như những chùm pháo hoa mới bắn lên. Sau nửa tiếng dạo phố, xe chúng tôi dừng trước một cánh cổng đồ sộ: “Câu lạc bộ Thuỷ Thủ”. Khách khá nhiều, đang giờ đông. Nam thanh, nữ tú dắt tay nhau dập dìu. Những chàng thuỷ thủ tàu viễn dương, da nâu bóng, ngực căng phồng gió biển, cười nói oang oang. Mấy cậu lính Hải quân, chắc mới ở hải đội nào về, “nguyên đai nguyên kiện” bộ quân phục xanh nước biển, dải mũ bay lật phật. Có cả những gia đình đầy đủ vợ, chồng con cái cũng bồng bế nhau, ríu rít đi vào làm tôi hơi ngạc nhiên. Dương dắt chúng tôi lên tầng hai, chọn chỗ ngồi góc trái, rất thích hợp với việc quan sát toàn cảnh. Nó bảo hai cụ cứ ở đây, muốn làm gì thì làm, nó lên tầng ba, bao giờ về, nó sẽ nháy di động. Tôi gọi hai tách cà phê sữa, một đĩa hoa quả. Cậu bồi, tóc chẻ ngôi giữa, thắt nơ mèo đen, bê khay, đặt ly, dẻo như múa. Phần lớn những người vào đây đều đã luống tuổi, thậm chí còn có cả mấy cụ râu tóc bạc phơ đang nhâm nhi bánh Moka với rượu màu.

- Tầng này, giành cho các khốt, những anh chị chỉ thích gặm nhấm quá khứ – Người phụ nữ ngồi gần bàn tôi rỉ tai. – Muốn tìm cảm giác mạnh, lên tầng ba, mạnh hơn nữa, lên tầng bốn...

Tôi lo lắng, chẳng biết thằng Dương lên đó làm trò gì? Chồng tôi bảo không sao, có đi theo nó được cả đời mà giữ không, ngồi đây mà cứ nhấp nhổm như kiến đốt thế thì về còn hơn. Tôi nhìn khay hoa quả. Mấy miếng táo mỏng được tỉa thành cánh hoa xoè xoè vây quanh hai quả quýt chín đỏ bóc sẵn. Khấu mía chẻ hình kẹo sô cô la và những chiếc lá măng xen mấy cánh hoa đỏ. Chấm hết. Trông hoa hoè hoa sói thế này chẳng biết bao nhiêu tiền nhỉ? Tôi lại rỉ tai cô bạn ngồi bên cạnh. “Bốn trăm nghìn”. Trời ơi, bốn trăm nghìn! Ruột tôi như có ai xát muối. Tôi bấm di động gọi thằng Dương. Nó chạy xuống:

- Con có việc quan trọng, không thể về ngay được. Việc gì á? Chốc về con nói. Mẹ lại hỏi giá tiền trước chứ gì? Con mời bố mẹ, để con thanh toán. Mẹ cứ ngồi cho hết buổi đi đã, còn nhiều món khác...

Huỳnh gắt khẽ. Người ta cười cho đấy, có im đi không? Tiếng nhạc bắt đầu nổi lên rộn rã. Đèn sân khấu bật sáng, sương khói mịt mờ, nước biển nổi sóng cuồn cuộn trên nền phông xanh mát. Giọng nam trung trầm, ấm:

Biển đã ru anh như hằng ru đời em, biển đã cho anh khao khát những bến bờ...

Thật tuyệt! Lâu lắm rồi, tôi mới lại được nghe một giọng ca ngọt ngào đến thế. Sóng dạt dào, tung bọt trắng xoá trong tôi. Tôi ngả đầu vào vai chồng, lịm đi trong giai điệu đằm thắm xiết bao lưu luyến. Giai điệu đẹp, lời hát cũng đẹp. Phút chốc, kí ức tuổi thơ nghèo khó, thời con gái xuân thì với những khát vọng cháy bỏng sống dậy trong tâm khảm tôi.

Anh, anh rất muốn đưa em về biển, đi trong nắng cháy môi em hồng thêm...

Con tim tôi thổn thức, nhưng không nhói nhói mà mềm ra, mềm ra vì thấm đẫm những xúc cảm êm đềm, nhung nhớ. Huỳnh xiết chặt tay tôi. Tôi thầm cám ơn con đã đưa bố mẹ đến chỗ này. “Thế mà mình định về”. Tôi ngường ngượng liếc sang bàn bên cạnh. Cả gian phòng lặng đi trong tiếng đàn du dương tha thiết. Những ánh mắt mơ màng, những đôi tay quấn quýt, những đôi bông tai lung linh huyền ảo trong ánh đèn màu...

Người ta đến đây, dù chỉ phút chốc, để quên đi những ưu phiền của cuộc sống hàng ngày đã gặm nhấm, huỷ hoại con người cả phần xác lẫn phần hồn. Tiếng vỗ tay vang dậy làm tôi sực tỉnh. Đèn laser xanh, đỏ, hồng, tím trong các hộc tường quét lên loang loáng. Các bàn đều hết chỗ ngồi. Mấy cô tiếp viên áo trắng vai bồng, xinh như mộng, hai tay cầm hoa đăng (ngọn nến đặt trong bông sen hồng làm bằng sáp) đứng đu đưa theo nhạc của điệu Valse. Một vài đôi dời chỗ ngồi, tiến ra sân khấu. Họ không còn trẻ, tầm tuổi vợ chồng tôi. Thế mà nhảy rất điệu nghệ. Chắc đến đây thường xuyên. Tay trong tay, vai kề vai. Tà váy dài lả lướt mềm lượn sóng. Họ dìu nhau những bước nhẹ nhàng, thanh thoát. Chàng mỉm cười nhìn nàng, nàng mỉm cười nhìn chàng. Cuộc đời sao mà mộng thế! Lòng tôi lâng lâng, chân tay động đậy. Còn chàng hói vừa lim dim mắt vừa ghé tai tôi : “Học khiêu vũ chắc khó lắm nhỉ!”. Tôi bảo chẳng khó tẹo nào, ở trường tôi, ối người già hơn vẫn học được. Hai chúng tôi nhìn nhau, thấy mình đẹp đôi tệ! Chợt, Huỳnh cấu tay tôi, mắt nhìn ra cửa. Trời, Thắm kia rồi! Nhưng dắt tay Thắm không phải là đức lang quân mà là một anh chàng cao lớn, râu tóc rậm rì. Chúng tôi thụp vai xuống. Chỗ này, ít người để ý.

Thắm và Râu Rậm (Sau này, tôi mới biết tên là Hoàng) nhập cuộc luôn. Khi họ bước lên sân khấu, tiếng huýt sáo, tiếng vỗ tay rầm rầm. Thì ra, theo như cô bạn ngồi gần cho biết, đôi này mới được tung hô là Đôi giày vàng của câu lạc bộ Thuỷ Thủ. Lập tức, dàn nhạc sôi động hẳn lên, kèn săc xô phôn dập dìu Bản Tango giành cho em rộn rã cả gian phòng. Ba đôi khác cũng bước tới. Thắm cười tươi như hoa, mắt ngời hạnh phúc, xoay gót uyển chuyển. Râu Rậm say sưa, nhịp nhàng, lưng dẻo như rắn, rất ăn ý với Thắm. Sân khấu rực lên muôn ánh đèn màu đan chéo, nhấp nhoáng. Như gió, như mây, như nắng, như mưa, như niềm phấn khích của những trái tim đang cuồng nhiệt. Huỳnh ngây người nhìn Thắm làm tôi chạnh lòng. Bỗng, ngay trước mặt tôi, hai phụ nữ lao lên sân khấu, vừa chạy vừa la lối:

- Con đĩ!... Con đĩ!... Cướp chồng bà!... Tao giết mày!...

Nhanh như cắt, họ bổ lên, kẻ túm tóc, người túm áo, loang loáng con dao xỉa vào Thắm. Có tiếng rú kinh hoàng. Râu Rậm nhẩy vào giữa, đẩy hai người đàn bà điên khùng ra. Bảo vệ xô đến. Chúng tôi ùa lên. Thắm loạng choạng bưng mặt, máu loang khắp mặt, cổ. Chiếc áo viền đăng ten trắng muốt đỏ lòm máu. Nhìn thấy máu đỏ, mắt tôi tối sầm, ngực đau nhói. Tôi xỉu đi...

Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện. Hai khuôn mặt thân yêu đang nhìn tôi. Cái đầu lổm chổm của thằng Dương làm tôi nhớ ra “Câu lạc bộ Thuỷ Thủ”. Con ơi là con! Tiên cảnh bồng lai của mày như thế à? Đưa bố mẹ dạo mát trên Thiên đàng rồi... Uỵch một phát, cho xem cảnh Địa ngục là ra làm sao? Con làm gì ở trên lầu? Mẹ sợ lắm.

Chẳng hiểu cô Thắm có sao không? Trời ơi! Máu và nước mắt... Chuông điện thoại reo. Con gái bé từ Sài Gòn gọi, vừa khóc, vừa nghẹn ngào hỏi thăm mẹ. Nó rất sợ tôi bị chết. Sống mũi tôi cay cay, nước mắt lại trực trào ra.

Huỳnh nắm tay tôi, nét mặt lo lắng:

- Em thấy đỡ chưa? Ăn cháo nhé!

Thằng Dương cúi sát xuống giường, nó đoán trúng ý nghĩ của tôi:

- Mẹ thư giãn nào, con nói hai việc để mẹ yên tâm. Thứ nhất, cô Thắm chỉ bị thương phần mềm thôi, chồng cô ấy mất lâu rồi, bố mẹ không biết. Người nhảy với cô ấy chính là thầy giáo của con. Vợ thầy tác quái, yêu xà lắm. Mông thì xệ như đít vịt, mắt gián nhấm... chuyên trị gọi thầy bằng “thằng”... Thế mà nhất định không chịu kí đơn ly hôn...

Tôi ngắt lời nó:

- Được rồi, gác chuyện cô Thắm lại, mẹ hỏi: Con lên tầng trên làm trò ma quỷ gì? Lắc à? Tao nghe rõ tiếng uỳnh uỵch trên đầu...

Thật lạ, nghe tôi hỏi tội, mặt nó lại tươi hơn hớn như bắt được vàng:

- Mẹ hay nghĩ xấu về con quá! Con lên đó trình bày với chủ nhà bản thiết kế đại tu lại câu lạc bộ, sang năm họ làm lại, sẽ rất hoành tráng. Họ là người có đầu óc thẩm mĩ đấy, chỉ tội cách tổ chức câu lạc bộ còn lộn xộn... Con sẽ tư vấn...

Trong tôi, ánh đèn màu của câu lạc bộ lấp loáng màu máu đỏ.

- Từ nay, con đừng nhắc đến cái câu lạc bộ ấy nữa, mẹ nhức đầu lắm!

Thằng bé tiu nghỉu, nhìn tôi đầy vẻ xót xa. Tôi thương con quá.

***

Một tháng sau.

Con trai về kia rồi. Chỉ một, hai tuần không được nghe tiếng cười phe phé của nó là tôi lại nhớ. Mặc dù mỗi lần nó về là một lần tôi thêm rối ruột. Hôm nay, nhìn mắt, tôi biết, nó sắp giở chứng gì đây. Đừng có hòng mà rủ chúng tôi đi câu nọ với chả lạc kia nhớ! Cơm nước xong, cả nhà ngồi uống nước. Nó sán lại, gác cái mồm đang nhai kẹo chọp chẹp lên vai tôi:

- Mẹ iu quý ơi! Bố cưới mẹ năm bố bao nhiêu tuổi nhỉ?

- Hai mươi ba, mẹ mới có mười tám, trên giấy tờ, mẹ khai tăng hai tuổi.

- Eo ôi! Trẻ thế, thảo nào mẹ ra đường khối người nhầm... Mẹ vẫn đẹp lắm! Chả ai đoán đúng tuổi! Lập gia đình sớm cũng có cái hay mẹ nhỉ!

Tôi thấy vui trong lòng. Huỳnh tủm tỉm. Hình như hai bố con nó âm mưu gì. Thằng lỏi cười cười nhưng ánh mắt đầy vẻ nghiêm trọng:

- Mẹ à, người yêu con xinh xỉnh xình xinh nhé! Rất hiền, đang học cùng con, mẹ có ưng không?

Điểm này thì tôi mát ruột. (Sau này tôi mới biết thằng nhóc chơi đòn tâm lý – Vợ nó mới tốt nghiệp phổ thông, đang ôn thi đại học). Chợt, nó tụt xuống khỏi ghế, quỳ gối, chắp hai tay:

- Muôn tâu Thái Hậu kính yêu của con! Thái tử đòi lấy vợ bây giờ thì trời có sập không ạ?

Nó giở trò gì thế? Tôi bắt đầu đề phòng:

- Đừng có vớ vẩn, đang học, còn lâu!

- Cô ấy chót có mang với con, mấy tháng rồi! Con xin phép bố mẹ cho bọn con tổ chức đám cưới!

Tôi giật nảy mình.

- Là con gái út của chủ “Câu lạc bộ Thuỷ Thủ” đấy!

Mắt tôi tối sầm, tim lại đập như gõ trống . Tôi chới với:

- Con ơi!... con...ơi!

Thằng con trời đánh vuốt vuốt ngực tôi:

- Mẹ! Con xin lỗi... Mẹ bình tĩnh nghe con trình bày đã nào...

Chồng tôi phụ hoạ:

- Thì để yên cho con nó nói ra đầu ra đũa...Việc đã rồi, mình cũng nên rộng lòng... Nước đây, uống đi! Có cần mua phở không?

Á à! Thì ra bố con nó đã thoả hiệp ngầm với nhau chống lại tôi. Tôi mở mắt, uống nước, hít một hơi dài. Không, kiểu gì cũng không thông gia với cái nhà Câu lạc bộ... ấy được. Dòng họ nhà tôi là dòng họ gia giáo... Làm cách nào đây? Tôi biết mình không thể ngất xỉu lúc này. Tôi nhổm người, với con dao gọt hoa quả:

- Dao đây, đâm chết mẹ đi rồi hãy cưới nó!

Thằng giời con giữ chặt tay tôi, lại còn nhăn nhở:

- Mẹ tiếp tay cho con phạm tội nhá! Con sẽ tố cáo! – Nó van lơn: Con xin mẹ, chúng con rất yêu nhau... Có phải nhà hàng, vũ trường nào cũng xấu đâu. Sau này, bọn con sẽ...

Tôi không thể đùa với cả một tương lai được:

- Không nói nhiều!... Lên trường ngay! Đừng bao giờ nhắc đến chuyện này với mẹ một lần nào nữa! Cút!

Thằng con cúi đầu, lút cút ra khỏi nhà.
Hai tháng liền, nó không về, chỉ gọi điện hỏi thăm sức khoẻ bố mẹ. Chồng tôi thở dài, lặng lẽ xem ti vi. Tôi nẫu cả ruột nhưng chẳng biết làm cách nào. Sao ông trời lại thù dai tôi thế này? Đến tháng thứ ba, không chịu nổi, tôi đi thăm con. Hai đứa thuê nhà trọ. Gian nhà nhỏ nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Cô gái trẻ măng, mang thai có lẽ đã đến tháng thứ tám, trông nặng nề và mệt nhọc quá. Tại sao nhà cô bé giàu có như vậy, lại phải chui vào đây ở với con trai mình? Nó yêu con trai mình đến thế, đó mới là thiêng liêng chứ. Những tai ương chúng vấp phải có khi lại do chính mình gây ra... Nhìn chân cô bé có vẻ sưng to. Tôi hốt hoảng:

- Trời ơi! Cháu có đi khám thai thường xuyên không? Phải xét nghiệm nước tiểu nhé! Không khéo bị phù...

Cô bé nước mắt rưng rưng, nhìn tôi đầy vẻ mãn nguyện:

- Con cảm ơn cô! Con không việc gì, thai hơi to nên bị xuống máu thôi ạ!

Thằng Dương nhe răng ra cười:

- Hồi xưa mẹ có thế không ạ?

Cha bố thằng mặt dày! Kiểu này lại giống y lão hói.

Hôm sau, cả ba chúng tôi về nhà.

Thì ra, chủ “Câu lạc bộ Thuỷ Thủ” chính là vợ chồng ông bác sĩ đã khám bệnh cho tôi dạo nọ. Ông thông gia nhận ra tôi ngay: “Ngày nghỉ, mời ông bà sang bên này thư giãn cho khuây khoả, thần kinh bà không được khoẻ lắm...”. Huỳnh nhay nháy mắt với tôi. Ghét tệ!

Thắm và Hoàng đã làm lễ cưới. Chúng tôi trở nên thân thiết như người một nhà. Chủ nhật, cả ba gia đình thường đàm đạo với nhau bên tách cà phê ấm áp. Tôi rất thích nghe những bản nhạc về biển.

Tết, gia đình tôi đón thêm một thành viên mới. Suốt ngày, tôi quanh quẩn bên cháu nội, nựng nịu:

- Âu! Âu!... Chó con của bà, sao cái mặt giống thằng bố mày thế!

Ai dè, thằng chó bố đứng lù lù ngay sau, dẩu mỏ ra, bắt trước tôi:

- Âu! Âu!... Con lớn nhanh lên để đưa ông bà đến câu lạc bộ nhé!

Rồi nó vừa tủm tỉm, vừa lấm lét nhìn tôi, rụt cổ, lè lưỡi, chạy. Hai vợ chồng trẻ cười khanh khách, đèo nhau sang bên ngoại giám sát công trình.

Tôi mở cửa sổ, trời ấm rồi. Nắng xuân phơi phới, sáng bừng trên tán lá sấu già xanh thẫm.

Tháng 4/ 2008


                                                                           




| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com