NHỮNG MẢNH KÝ ỨC RỜI
B ác sĩ thông báo về tình trạng sức khỏe của chị. “ … ung thư… giai đoạn…”
Cô y tá đưa chị một phong bì lớn chứa nhiều giấy tờ.
Chị bước vào thang máy. Xuống tầng trệt.
Phải một lúc lâu chị mới tìm được chiếc xe của chị giữa bãi đậu xe mênh mông.
Ngồi vào xe, chị gục đầu trên tay lái. Phải một lúc lâu chị mới tập trung được tư tưởng vào việc cầu nguyện: “Chúa ơi, xin Thánh Linh Ngài ngự vào chiếc xe nầy, gìn giữ tay lái cho con, giúp con tránh gây tai nạn cho người khác, giúp con về đến nhà bình an…”
Mở cửa. Vào nhà. Chị thả người xuống sô- pha. Bây giờ mình làm gì? Ăn? Không, mình không đói. Uống? Không, mình không khát. Ngủ? À, đúng rồi, mình cần một giấc ngủ thật sâu.
Chị uống liều thuốc ngủ mà lẽ ra chỉ nên dùng vào ban đêm.
Ngay bây giờ mình cần làm gì? Đó là câu hỏi đầu tiên khi chị thức dậy.
Ly cà phê sữa nóng và lát bánh mì sandwich giúp chị tỉnh táo.
Chị vào Google, tìm hiểu về bệnh tình của mình.
Mình cần làm gì nếu chỉ còn chừng đó ngày để sống?
Rất nhiều… Rất nhiều nhưng mình phải sắp xếp theo thứ tự quan trọng. Đầu tiên là việc hậu sự.
Đám tang chị sẽ không nhận vòng hoa, phúng điếu. Thân xác chị sẽ được đặt ngay vào quan tài đóng kín để không ai phải nhìn thấy khi viếng thăm. Quan tài bằng cac- tông và đưa đi hỏa thiêu.
Chị dừng lại. Ngậm ngùi. Thoáng phân vân về chút tro bụi của mình. Nên đem rải ra biển hay vùi dưới một gốc cây nào đó?
Không dưng chị thẫn thờ trong dòng hoài niệm. Cả cuộc đời chị chợt diễn ra như những thước phim quay chậm, rất chậm. Những mảng ký ức rời rạc… Có phải khi sắp chết, người ta thường như vậy?
… Đó là một thị xã nho nhỏ hiền hòa ở miền trung, nhiều tiệm sách, hai rạp xi- nê và thỉnh thoảng có cuộc triển lãm tranh. Trước giờ vào học hoặc lúc tan trường, phố xá dập dìu màu trắng tinh khôi. Nữ sinh tóc thề, tà áo dài trắng quấn quít gót chân son, vành nón bài thơ nghiêng nghiêng thấp thoáng nụ cười e thẹn. Nam sinh chững chạc với áo sơ mi trắng quần tây xanh. Có những hôm chỉ học hai giờ đầu, chị và vài người bạn rong chơi trên chiếc xe thổ mộ, chiếc xe chạy lộc cộc trên những con đường nho nhỏ, vòng vèo qua nhiều ngôi nhà cổ kính mái lợp ngói âm dương, phủ dày rêu phong năm tháng. Cuộc đời đẹp, thơ mộng và tràn đầy mộng ước.
Rồi chị đậu tú tài, lên máy bay vào Sài Gòn học. Vừa học sư phạm, vừa ghi danh học bên Văn Khoa. Những con đường Sài Gòn bấy giờ sạch sẽ, thoáng đãng, yên bình cho chiếc xe mini màu đỏ của chị tha hồ lăn vòng trên những con đường quen thuộc: Thành Thái, Cộng Hòa, Duy Tân, Cường Để … Chị vẫn còn nhớ rõ hình ảnh các vị giáo sư uyên bác, khả kính: Thầy Lê Hữu Mục, Thầy Giản Chi, thầy Trần Văn Lạc, thầy Thanh Lãng, thầy Phạm Văn Diêu… Cuộc đời càng đẹp thêm và mộng ước càng đầy thêm.
Nhưng rồi cơn lốc xoáy kinh hoàng nhất trong lịch sử đã cuốn phăng, tung hê tất cả. Nước mất nhà tan. Trong những tháng ngày cuối cùng quá nhiều chuyện đã xảy ra và xảy ra quá nhanh, nhưng vài sự việc đặc biệt nổi cộm trong tâm trí chị: Trên chiếc máy bay quân sự từ Sài Gòn về Đà Nẵng vào ngày giáp tết năm 1974, chị và cô bạn được ngồi trên ghế treo (mà lẽ ra hai người nên ngồi xuống sàn cùng các anh), trong khi hàng trăm anh lính Việt Nam Cộng Hòa với ba- lô, súng ống quanh người phải ngồi bệt trên sàn. Ai trong các anh đã hy sinh trên chiến trường? Ai trong các anh đã bị vùi thây trong chốn lưu đày? Ai trong các anh giờ là những thương phế binh đang sống khổ nạn? Những ngày cuối cùng chị thường được người chú dẫn đi coi phim. Trước khi chiếu phim, bài Quốc Ca, bài Hồn Tử Sĩ vang lên, mọi người đồng loạt đứng dậy. Không khí nghiêm trang và buồn.
Thước phim bỗng chuyển sang màu xám xịt.
Nhớ ngày đầu tiên, khi trở lại trường Đại Học Sư Phạm sau biến cố 30/4/1975, tấm bảng “Lương sư hưng quốc” đã bị tháo gỡ vứt bỏ.
Bạn bè thì thầm rỉ tai nhau, rằng thầy A, thầy Z... nhắc sinh viên hãy ráng đọc sách, vì sách sẽ bị thu gom đem đốt.
Nhiều hình ảnh lạ đời diễn ra trong khuôn viên đại học. Sinh viên quay vòng với những lớp học chính trị, thảo luận, khai lý lịch, lý lịch, lý lịch… Một số sinh viên nữ đã thay những trang phục xinh đẹp sắc màu tươi sáng như váy đầm, quần loe áo thun bằng quần đen áo bà ba. Thỉnh thoảng nơi cổng, người ta bắt gặp hình ảnh vài vị giáo sư tay ôm mấy gói mì tôm, tay xách ký đường…
Và từ đó… Bể dâu…
Cha chị bị tù đày. Rừng thiêng nước độc.
Mẹ chị dắt díu bầy em thơ dại đi trồng sắn khoai nơi khỉ ho cò gáy.
Khóa học kết thúc. Một số sinh viên và chị chưa được nhận nhiệm sở vì lý lịch. Trong một năm lang thang đó, chị theo bạn bè đi buôn.
Giữa chợ trời, mấy cô cậu sinh viên ngày nào thư sinh nhã nhặn, nay đứng dạng chân mua bán quần áo cũ. Không thể nhịn cười khi thấy một chàng sinh viên Văn Khoa đang căng mắt soi cái đáy quần đen phụ nữ dưới ánh nắng cho rõ độ sờn mòn để định giá mua… Ngoài xa cảng Miền Tây, mấy cô cậu sinh viên chen lấn trong biển người để mua cho được cái vé đi Cần Thơ, Cà Mau… Buôn gạo, buôn tôm khô về Sài Gòn. Họ, dưới ánh điện vàng vọt, những khuôn mặt tái xanh mỏi mệt bơ phờ dắt díu nhau khi xuống xe qua phà Cần Thơ, Mỹ Thuận. Sau mấy lần bị các trạm kiểm soát cướp trắng cái vốn liếng nhỏ nhoi nhưng là sự sống của cả gia đình, họ đủ khôn khéo để bó những gói tôm khô nho nhỏ vào người, hay giấu mấy ký gạo, canh nước mỡ heo bên dưới đồ lót phụ nữ. Đủ khôn khéo để che đậy vẻ lấm lét, sợ sệt bằng cách giả vờ ngủ gà ngủ gật khi xe bị xét… Dĩ nhiên không phải lúc nào họ cũng được may mắn.
Và từ đó, người ta tìm mọi cách để trốn khỏi chốn quê hương. Chị cũng leo lên một cái ghe nhỏ trên một bến sông, nhưng chưa kịp ra khơi thì bị bắt, bị tù. Chị và chừng hơn hai chục người toàn phụ nữ và trẻ con, bị nhốt trong cái hội trường có treo hình các lãnh tụ cộng sản quốc tế và Việt Nam. Trên tường là dòng chữ khẩu hiệu khôi hài bên cạnh lá cờ đỏ màu máu với cái liềm cong và cây búa nặng đầy đe dọa. Mỗi ngày một lần, khoảng giữa trưa, đám tù nhân ngóng chờ một người đàn bà đội thúng cơm trên đầu sải bước về phía họ.
Đành thôi.
Đành cam chịu.
Đành buồn vui một mình.
Và từ đó…Vui là vui gượng kẻo là… (*)
Giờ đây, chị và cả đại gia đình đã được định cư nơi miền đất tự do.
Cảnh phim dừng lai.
Vậy chị cần phải làm gì? Phải làm gì?
Đây rồi! Chị sẽ khâu vá lại những mảng ký ức rời rạc kia.
Để rồi, mười năm sau… hai mươi năm sau… trăm năm sau… Con cháu chút chít của chị, những thế hệ nối tiếp trên miền đất nầy, sẽ hiểu tại sao ông bà tổ tiên của chúng là người Việt Nam mà phải từ bỏ quê hương máu thịt để tìm đến miền đất nầy dung thân. Chúng sẽ biết được ngày xưa ông bà cha mẹ chúng đã sống và suy nghĩ như thế nào. Dĩ nhiên, bi kịch của chị, của gia đình chị chỉ là một nét cọ mỏng mảnh và mờ nhạt trong bức tranh chung buồn đau, đẫm máu và nước mắt của cả dân tộc.
Mai sau… Mai sau… chúng có thể nguyên vẹn dòng máu Việt Nam.
Mai sau… Mai sau… chúng có thể lai trắng lai đen lai màu, nhưng trong huyết quản của chúng vẫn có dòng máu Việt, nguồn cội của chúng, âm thầm chảy.
Con cháu chút chít của chị, những thế hệ nối tiếp trên miền đất nầy, sẽ không phải gian nan lần mò tìm kiếm cội rễ của mình.
Phải! Chị cần làm điều nầy, trước tiên. Nó còn quan trọng hơn cả cái việc hậu sự của chị. Chút tro bụi của thân xác chị tan hòa vào đại dương hay làm phân bón cho thân cây nào đó cũng không có gì quan trọng.
Sau những lần xạ trị, hóa trị, tóc chị rụng dần. Rồi tóc mới mọc ra, đen mun, mềm mượt, mịn màng như tóc bé thơ.
Hổm rày chị tỉ mẩn làm mấy giỏ trứng phục sinh. Niềm hạnh phúc nhẹ nhàng, trong trẻo sáng bừng nét mặt, nụ cười chị.
Tuần trước, chị đi gặp bác sĩ. Kết quả chụp MRI thật đáng kinh ngạc, như thể phép lạ. Khối u trong chị đã biến mất. Vị bác sĩ có vẻ chăm chú lắng nghe câu chuyện của chị. Chuyện chị đã khâu vá xong những mảng ký ức rời.
(*) Truyện Kiều- Nguyễn Du