LỜI TỪ NON XA
T
ôi quen anh từ lâu lắm rồi. Ngày ấy tôi là cô nữ sinh lớp 12 của Mường. Tôi không sắc sảo, kiêu sa nổi trội. Bù lại tính nhút nhát là dáng vóc thanh mảnh, tóc dài lướt thướt đen huyền với đôi mắt lúc nào cũng chứa đầy lo âu. Anh bảo tôi quyến rũ chính là ở đôi mắt. Ngược lại anh có vóc dáng của người yêu tennít, cầu lông. Da anh lúc nào cũng hồng hào như có men.
Tôi vào học cao đẳng sư phạm sau ngày anh xa bản, xa Mường. Nhập trường hàng tháng trời rồi tôi mới biết mình đã yêu. Mỗi lúc học bài xong tôi đưa ngón tay lên đôi môi mọng đỏ như sợ nụ hôn ngày nào của anh biến mất. Tôi rạo rực, khát khao, nhung nhớ. Còn anh đã đi xa, thật xa theo các công trình.
Ba năm học với tôi sao dài là vậy. Say mê học tập để lại nghỉ hè. Một tháng hè như một năm chôi vì anh không về Mường. Tôi nhắm mắt lại thấy bóng dáng người trai với mái tóc bồng bềnh, lời nói ngọt ngào như mía tím. Thế rồi tôi cũng gác được ưu tư và tốt nghiệp loại khá. Tôi dự thi công chức trúng ngay đợt đầu. Mế chạy khắp bản phô tin:
- Cái Thanh Hà nó đỗ cô giáo rồi đấy!
Nơi tôi được điều đến mới là đáng nói. Nơi ấy chỉ có núi đá cao thăm thẳm, sương mờ dăng mắc quanh năm. Nơi ấy người ta còn xúm đen xem chiếc xe máy. Mọi người xuống huyện bằng ngựa, bằng đôi chân nhỏ bé ngàn đời nay. Mấy đêm tôi sống như kẻ mộng du, không ngủ, ngày chán ăn, đôi mắt thăm thẳm lo âu. Mỗi lúc nằm ngửa đếm từng cái nút lạt trên mái nhà, tôi thở dài thườn thượt. Tôi đã sang tuổi hai bốn, nếu ở dưới này may ra có cơ tìm lại anh. Tôi lên trên đó dạy vài năm sẽ giao lưu với ai, ai đến với tôi đây. Hạnh phúc, tình yêu bỏ dở dang sao. Đã có bao cô giáo làng sau hàng chục năm dạy học ở vùng sâu đến nay vẫn đơn côi ôm gối khóc một mình. Lo lắng, dằn vặt, ngổn ngang trong lòng như gai đùm đũm. Vậy mà tôi vẫn phải đi, người hiểu và giúp sức, nâng chân tôi là mế. Mế thức cả đêm cùng tôi to nhỏ:
- Con à, có phải ai học xong cũng may mắn như con đâu. Còn chuyện riêng của con, mế hiểu. Thôi có duyên khắc có phận, người thương người sẽ đến. Đất lành chim đậu, con cứ đi!
Anh Thẩm hiệu trưởng đã gần tuổi năm mươi. Đôi mắt sáng, da tai tái, lưng gù. Mỗi lần anh khoác chiếc áo bông bộ đội biên phòng trông như con gấu. Giọng anh ồm ồm, thẳng thắn:
- Trường này còn một chi nữa cách đây năm cây số. Cô được phân vào đó phụ trách lớp 4D mới. Khó khăn nhiều đấy, mình phải bám sát cán bộ bản, sát nhân dân mới có học sinh đến lớp. Nếu mình ngồi một chỗ, sao nhãng là coi như tan lớp!
Mới chân ướt chân ráo, nghe anh nói tôi đã nao lòng. Đêm ấy tôi ngồi, mắt trong trong. Có hai chị em, cái Liên nó quấn chăn như con kén, ngáy tựa dế mèn. Tôi thấy nó vô tư mà sướng.Tôi bước ra sân trong tĩnh lặng, trăng rải ánh vàng như dát bạc khắp núi rừng. Những ngọn núi đá nhọn chon von, nhấp nhô trong màn sương trắng đục. Tiếng hú của vượn, tiếng kêu của nai, tiếng vọng của thác nước lúc xa, lúc gần. Tôi lại ngồi bó gối, viết những dòng đầu tiên vào cuốn sổ nhật ký, bắt đầu cuộc đời người giáo viên vùng cao.
Ngàn Luông, ngày 29/10
Đêm đầu tiên ở mái trường này, bắt đầu cho cuộc đời làm thầy với mình là thức trắng. Thức để nghe cái Liên nó ngáy như con dế mèn. Thức để ngắm đất, ngắm trời trong gió lạnh sương sa. Thức để nghĩ tới tương lai ở đất này. Mình đọc lại lá thư anh viết trước lúc vào trường cao đẳng. Đã hơn ba năm rồi xa nhau, anh có tệ bạc không? Giá ngày ấy mình đừng run rẩy ngã vào vai anh, mình đừng nghiêng khuôn mặt chờ nụ hôn của anh, mình đừng… thì bây giờ đỡ trăn chở, hoài niệm. Có phải chăng bi kịch của người con gái nhiều khi bắt đầu từ một nụ hôn???
…Thôi đành, đã đến đây phải ở lại đây. Sự nghiệp bắt đầu từ nơi non cao, suối thẳm, sương dày Ngàn Luông…
Tôi gấp sổ lại, mắt đăm đắm nhìn những tia nắng đầu tiên xuyên qua màn sương mỏng. Nó dọi vào đám sương trên ngọn cỏ lung linh. Năng lượng làm loãng tan màn nước bé nhỏ, lộ ra những chùm cỏ non xanh mơn mởn trên sân trường đỏ au.
- Các đồng chí giáo viên mới bảy giờ có mặt ở văn phòng nhé!
Tiếng anh Chúc chi trưởng vọng vào phòng. Tôi dục cái Liên, nó dụi mắt, vươn vai và lần ra khỏi mền bông tựa chú mèo lười. Lớp 4D của tôi có sĩ số 28 học sinh. Buổi đầu tiên để gặp mặt, tôi chờ đến chín giờ hơn mới gom được hai mươi em. Nhìn những đứa trẻ nhếch nhác, đen nhẻm lòng tôi nao nao. Có em chiếc quần lành lặn, áo lại hở vai, chân trần co ro, tay cầm nọn rơm khói như hun chuột.
Một phần ba học sinh là lớp trước lưu ban, một phần ba chuyển từ trường ngoài vào còn lại là học sinh mới. Sau giờ dặn dò, chúng tụ đến phòng tôi phần chính là do hiếu kỳ. Chúng tôi là những cô giáo trẻ đầu tiên lên đất này dạy học. Mấy đứa con gái bẽn lẽn nhưng cũng sán dần đến. Chúng vuốt tóc tôi hỏi thật đáng yêu:
- Cô ơi, có phải cô ăn muối i-ốt nhiều nên tóc cô dài không?
Mấy cậu con trai thấy tôi cười trò chuyện với bạn nữ líu lo cũng tiến vào:
- Cô ơi, cô có ăn ngô rang không? Ngày nào đến lớp em cũng mang đầy túi đây này!
Nó vục tay vào túi quần vốc cho tôi một nắm. Tôi chìa hai bàn tay ra hứng lấy nói với các em:
- Nào chúng ta cùng ăn cho vui!
Trống trường dóng lên một hồi tan lớp. Tiếng trống âm xa vọng vào từng vách núi, dội lại như có ngàn chiếc trống cùng thúc lên. Nắng lấp loá trên núi xanh, mây trắng vờn ngang sườn non như những dải lụa. Bây giờ tôi mới chợt nhận ra cái hùng vĩ của đất Mường quê mình. Có lẽ chỉ lên tới đây người ta mới nhận ra điều đó. Cái Liên nhẩy cẫng lên như con sóc đứng trước mặt tôi và reo lên như trúng sổ số: “Tao có cái này tuyệt vời!”. Nó liến thoắng:
- Đổi đây một chùm bồ kết, tao đưa cho!
Tôi buông bút đứng dậy, chìa tay:
- Đã biết giá thế nào mà đòi đặt cược?
- Hơi có giá đấy cô em ạ!
Nó đưa tay ra với chiếc phong bì màu xanh. Tôi nhào tới chộp, Liên lùi lại, hai đứa ngã vào nhau cười như nắc nẻ. Giằng nhau mãi Liên không đưa, tôi giả vờ rỗi bỏ lại bàn ngồi viết tiếp. Nó ghé sát mặt tôi:
- Không cần chứ gì, được rồi tao xem trước!
Liên bước ra khỏi phòng, tôi sợ chạy theo doạ:
- Này, xem thư trộm sẽ bị truy tố và phạt từ ba tháng đến ba năm tù đấy!
Nó cười chế riễu:
- Ôi, cô giáo Thanh Hà giỏi luật quá nhỉ. Nhớ rằng ở đây là vùng cao, vùng xa nhé. Mày nói chỉ có núi nghe, gió nghe còn suối thì sâu, trời thì cao chẳng ai thèm nghe đâu!
Cuối cùng nó bảo tôi gọi bằng “chị” nó mới đưa. Tôi mong chờ, khát khao đến cháy lòng một cánh thư nên đành phải xuống thang.Tay tôi run run khi nhìn thấy nét chữ quen thuộc của anh. Tôi bóc vội, đọc ngấu nghiến quên mất rằng Liên đang đứng cạnh mình. Tôi buông lá thư xuống bàn, nó hỏi dồn:
- Sao vui hay buồn?
Tôi thẫn thờ đáp:
- Cả hai!
Hình như nó đọc được điều gì trong mắt tôi. Liên bước ra khỏi cửa quên cả đòi bồ kết gội đầu…
Ngàn Luông, ngày 4/2
Anh! Biết kể cho anh những gì sau gần nửa năm em ở Ngàn Luông. Biết bao việc em tưởng rằng mình không thể làm nổi. Em đã mất tính nhút nhát ngày xưa. Bây giờ chuyện tối đốt đuốc, cầm đèn đi đến nhà học sinh ở dưới bản là thường. Em còn đi bộ, trèo đèo nửa ngày mới đến chợ để mua sách, vở, bút cho các em học sinh nghèo. Em đã biết cắt may quần áo rồi đấy. Mế cho em chiếc máy khâu, em học tự cắt may. Hàng đêm sau lúc soạn bài, em may quần áo cho học sinh gặp khó khăn. Còn ăn uống ư, ở đây đơn giản lắm. Thường ngày là rau rừng với muối vừng, chợ cách trường cả nửa ngày đường. Vậy mà em tăng cân hơn ngày ở bên mẹ, quen anh. Nửa năm em gắn với mảnh đất lạ nay đã dần quen. Em chẳng lý dải được sự đổi thay trong con người mình. Chỉ biết ở đây em đem lòng thương yêu tụi trẻ con nhiều lắm. Chúng còn sống trong nghèo khó, thiếu chữ nên thiếu niềm tin. Em phải là người đem niềm tin đến cho chúng. Anh, anh bảo đến thăm em ư? Anh không đi được đâu. Đường ô tô mới vào đến trung tâm xã, xe máy chẳng leo nổi dốc đá. Con đường gian nan ấy chỉ có cô giáo vùng cao chúng em đi được thôi. Anh là người ở phố phường quen đừng dại gì lao vào chỗ khó, đừng dại lao vào trông gai, trắc trở…
Có lẽ tôi giận hờn anh mà viết những câu như thế chăng. Nhưng thôi người chiến thắng đầu tiên phải là chiến thắng khoảng cách, chiến thắng thời gian…
Ngàn Luông, ngày 28/5
Mình đã đứng trên bục giảng, đã trở thành cô giáo thực thụ một năm học rồi. Sáng nay trong buổi họp hội đồng
nhà trường với các giáo viên dạy giỏi mình thấy hạnh phúc quá. Lớp 4D của mình có hai mươi ba em đạt khá giỏi, năm em đạt trung bình.
Bao nhiêu đôi mắt cứ dồn về mình làm hai má nóng dan lên. Ôi, có niềm vui sướng nào bằng, có hạnh phúc nào thay được. Ước gì có anh ở đây,
em chẳng ngại ngần lao vào ôm lấy anh mà thì thầm: “Anh ơi, em là người hạnh phúc nhất lúc này”. Nhưng anh ở xa, xa quá. Xa đến nỗi
em dăng nhớ nhung chín tháng mười ngày mà vẫn không đến, không đầy. Hai hôm nữa em về quê nghỉ hè với mế. Anh có biết ở phòng em bây
giờ có những gì không? Trao ôi nào măng khô, mộc nhĩ, gạo nếp và cả mấy con gà, hai con chó con rất đẹp. Tất cả là của học sinh đem cho đấy.
Trước lúc chia tay, em nào cũng dặn: “Cô giáo Thanh Hà ơi, nghỉ hè rồi lại lên với chúng em, với Ngàn Luông nhé!”.
Em hy vọng gặp anh ở Mường, anh sẽ giúp em nhân niềm vui này lên trăm ngàn lần...
Mế khen tôi rạng rỡ hơn ngày mới ra trường nhưng khi chải tóc cho tôi mế thở dài:
- Cái nước ở trên ấy độc lắm, tóc con gẫy và rụng nhiều đấy!
Tôi đã soi gương và nắm từng lọn tóc hàng ngày biết vậy đành chịu. Tôi thầm nghĩ nếu rụng nữa sẽ cắt ngắn, ốp như mấy chị ngoài phòng là xong. Đêm ngủ, thấy tôi lăn ngang lăn ngửa mế cũng thức hoài. Tôi rón rén bước ra sân sàn ngắm sao, hứng gió từ cánh đồng bát ngát của Mường. Mế nào có ngủ, ra theo ngồi bên tôi và nói nhỏ nhẹ:
- Con à, Mạnh nó về nhà thăm mế hai lần sau ngày con đi. Nó cũng khổ tâm lắm, chuyện nhà rắc rối tơ vò. Nó bảo đành lao vào công việc cho lấp đi những nỗi buồn, cô đơn!
Tôi im như thóc nằm bồ, mế biết tính tôi lại vào nằm. Tôi nghe tiếng sàn kêu ken két khía vào trong tĩnh lặng đêm trường, biết là mế thức lo lắng cùng tôi…
Mường, ngày 20/8
Những ngày hè đã chôi qua. Em đợi anh, chờ anh nhưng anh không tới. Ngày mai em phải xa Mường, xa mế để trở lại với Ngàn Luông, với đàn em thơ nơi heo hút xa xôi. Có lẽ chỉ có mình em mong đợi anh thôi, còn với em có hàng chục hàng trăm những công dân bé nhỏ nơi non cao ngóng chờ. ở đất Mường quê em còn bao em thơ như thế, chúng mặc chưa đủ, ăn chưa no và thiếu sách học hành. Thôi em phải đi, phải xa anh để đến với bao người. Biết là có thể lỡ làng cũng đành chịu vậy. Em hy vọng học sinh ở Ngàn Luông sẽ lấp đầy nỗi nhớ trong em suốt tháng ngày phải xa anh…
Ngàn Luông, ngày 31/8
Mái trường đây rồi, núi Ngàn Luông đây rồi. Khiếp quá sau hơn một tháng nay leo dốc dài năm sáu cây số mình chùn hết cả chân. May sao anh Ngọ có con ngựa nên thồ hết hai thùng sách vở, quần áo. Số sách vở này mua hết hơn ba trăm ngàn mà chưa đủ cho cả chục đứa học sinh nghèo. Cái Thắm, cái Thảo, cái Hồng, thằng Vượn được quần áo mới chắc vui lắm đây. Ngày mai mình xuống bản để cho chúng mừng. Ước gì mình có tiền lương thật cao, thật nhiều để mua cho chúng được đủ sách học, vở viết nhỉ? Thôi dần dần vậy, mong sao người Ngàn Luông ngày một no ấm để con cháu khỏi khổ, các thầy cô đỡ vất vả hơn…
Ngàn Luông, ngày 5/9
Anh! Đêm đầu thu trời se lạnh nhưng lòng em ấm lên hơn bao giờ hết bởi có hai lá thư anh về một lúc. Anh đã đem lửa đến cho lòng em đúng vào ngày khai trường. Năm nay em được phân công dạy lớp cuối cấp. Vẫn hai mươi tám học sinh ấy nhưng sau mấy tháng hè chúng tự tin hơn nhiều. Anh Thẩm hiệu trưởng nắm tay em thật lâu:
- Chúc Thanh Hà đứng vững ở Ngàn Luông!
Em mạnh dạn hứa:
- Bao giờ có cô giáo người Ngàn Luông về dạy thay, em sẽ chuyển vùng để lấy chồng!
Nói cho vui chứ chờ ngày ấy có lẽ em chết già. Người Ngàn Luông còn mong bao cô giáo như em đến. Học sinh Ngàn Luông yêu thầy quí chữ như thế làm sao em xa được. Anh yên lòng, em đã có tình yêu của người Ngàn Luông. Em không buồn đâu. Em sẽ đứng vững chờ anh...