Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



LỄ HỘI TÂY SƠN BÌNH ĐỊNH :

KỲ DIỆU và TỰ HÀO



     Qui Nhon - 03 tháng 8- 2008

K ỳ diệu. Buổi khai mạc Lễ Hội Tây Sơn-Bình Định lần đầu đã được tổ chức một cách thật quy mô và hoành tráng trong một bầu không khí đầy huyền thoại tại Quy Nhơn, một thành phố rất đẹp và duyên dáng nằm trên miền duyên hải ở miền trung Việt nam.

Nhiều năm trước đây, tại các thị trấn vùng cao như Tây Sơn và Phú Phong dân làng thường tổ chức các nghi lễ ở đình làng, trên danh nghĩa là để tưởng nhớ thành hoàng1 nhưng trên thực tế là nhằm tưởng niệm Quang Trung (1753-1792), một vị vua thông minh và cũng là một nhà lãnh đạo tài ba, người đã dẫn dắt dân tộc Việt nam chiến thắng quân xâm lược Siam và Trung Hoa, đồng thời dẹp tan các thế lực phản động và phong kiến để thống nhất đất nước sau bao năm nồi da xáo thịt vì nội chiến.

Năm nay, nhờ sự đóng góp của các nhà tài trợ (các công ty du lịch, ngân hàng, các công ty địa phương...) và sự trợ giúp của chính quyền tỉnh Bình Định, lễ hội quốc tế Tây Sơn -Bình Định đã được tổ chức tại Quy Nhơn từ ngày 31-7 đến ngày 3 tháng 8-2008.

Ngay tối 31 tháng 7 đã được tổ chức một buổi trình diễn về "Hát bội", một loại hình nghệ thuật giống như Opera nhưng được diễn xuất chủ yếu bằng bộ điệu và lời hát, có đệm và ngắt câu bằng các nhạc cụ đặc biệt như trống chầu, các loại đàn và kèn.

Bình Định là cái nôi phát xuất loại hình nghệ thuật Hát bội, nhờ sự đóng góp của một danh nhân địa phương tên là Đào Tấn (1845-1907)

Trang phục của các diễn viên hát bội rất đặc thù, rất việt nam, tuy bề ngoài cách trang trí thêu thùa, cẩn, đính có nét hao hao y phục của sân khấu truyền thống Trung hoa. Điều đáng chú ý là khuôn mặt của diễn viên được hoá trang thành những mặt nạ điển hình, phù hợp với tính cách nhân vật ...nhằm phân biệt một cách rõ ràng vai trò trung, nịnh, tốt xấu trên sân khấu. Đề tài các vở diễn chính là các sự kiện lịch sử, và nhắc lại các hành động anh hùng của Nguyễn Huệ, nhà lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam và sau khi thống nhất đất nước, đã lên ngôi và lấy tên hiệu là Quang Trung

Nhưng thực ra trong đêm 1 tháng 8 Lễ hội Quốc tế Tây-Sơn Bình Định mới được chính thức khai mạc.

Ngay phần mở đầu, quang cảnh đầy huyền thoại trên quảng trường dùng làm sân khấu đã khiến cho khán giả có cảm tưởng là mình đang được đưa vào một không gian và thời đại khác, khi một đàn gồm 5 con voi xuất hiện ; trên lưng voi đầu đàn, trên một ghế bành phủ lụa vàng và đỏ, có vị vua anh hùng Quang Trung đang uy nghi tiến vào, vẫy tay chào tất cả thần dân. Tiếng trống dập dồn của các chiến binh miền núi và hằng trăm thanh gươm tuốt trần, loé sáng dưới ánh đèn và giơ cao lên khỏi đầu rầm rập chạy sau đàn voi đã thực sự hâm nóng không khí quảng trường. Nhiều khán giả đã reo hò vì kích động xen lẫn thán phục.

Tất cả những hình ảnh sinh động đó như còn được nhân rộng lên trên một màn ảnh lớn, thỉnh thoảng có chen vào một hình ảnh tiêu biểu của Bình Định và một hiệu kỳ màu đỏ viền vàng đang tung bay trong gió, trên đó có thêu hai chữ Quang Trung bằng chữ Hán. Nhưng đó chỉ là phần mở màn cho những tiếp nối bất ngờ, nhất là sự xuất hiện đột ngột, giữa tiếng súng và những tràng pháo hoa, khi như từ cõi vô hình, 2 con đường màu trắng nổi bật giữa các sắc màu rực rỡ, từ 2 bên sân khấu, tiến ra và giao nhau thành một chiếc cầu : đó là chiếc cầu dài nhất Việt nam ( dài gần 7km) vừa được xây dựng và trên đầm Thị Nại , nối liền thành phố Quy Nhơn với khu công nghiệp Nhơn Hội.

Nhưng hình ảnh kết hợp đó lại còn có ngụ ý rằng sức mạnh cũng trở thành vô ích nếu không có sự đoàn kết giữa các chiến binh.

Rất tiếc là giữa buổi khai mạc, một cơn mưa hoàn toàn không chờ không đợi sau nhiều tháng nắng hạn đã bất ngờ xuất hiện.Thoạt đầu tiếng trống và tiếng sấm nổ lên giữa lưng chừng trời có vẻ như một phối hợp của người và trời cho buổi lễ, nhưng cơn mưa ào ạt và tầm tã sau đó đã buộc khán giả phải tìm cách che chắn rồi cuối cùng tán loạn bỏ chạy đi tìm chỗ nấp. Thế mà trên sân khấu các diễn viên, các vũ công, các vai phụ ... vẫn bình tĩnh và tiếp tục trình diễn dưới cơn mưa như trút nước; còn khán giả vừa chạy trốn mưa, vừa ngoái đầu, hay liếc mắt theo dõi buổi lễ trên màn ảnh truyền hình đặt trong phòng khách của các căn nhà dọc theo con phố.

Mưa vẫn rơi và nước từ trên cao cứ tuôn xối xả như đã tích luỹ từ mấy tháng nắng để dành đổ xuống trong 1 đêm thôi.

Sáng ngày 2 tháng 8 tại sân vận động Quy Nhơn có một buổi biểu diễn và thi đấu quốc tế về võ thuật và có sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có đại diện của các nước từ Âu Châu như Bồ đào nha, Pháp và ngay cả đội Ý, đến từ vùng Settimo Torinese. Cũng cần nói thêm rằng Bình Định là cái nôi phát xuất của môn võ đặc biệt, "võ Bình Định", rất nổi tiếng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Mấy năm gần đây môn võ này cũng đã bắt đầu phổ biến ở Đông nam Á và bắt đầu phát triển ra toàn thế giới, nhờ sự đóng góp của các võ sư Bình Định sinh sống ở nước ngoài.

Một màn trình diễn của một võ sinh Việt Nam đã làm khán giả vô cùng sửng sốt và đã để lại một ấn tượng rất sâu sắc : một võ sinh mình trần bước ra khán đài, anh leo lên vai các đồng môn và chân trần tung người nhảy xuống một tấm thảm đặt dưới nền nhà , trên đó trải đầy các mảnh ve chai và gương đập vụn, rồi đứng yên trên đống mẻ chai, anh đã vận sức chịu đựng và dùng cổ uốn cong một chiếc giáo được hai đồng môn đang đẩy mạnh để đâm vào cổ họng. Động tác dùng cổ họng uốn cong chiếc giáo đã lập đi lập lại những 3 lần làm khán giả phải nín thở theo dõi. Cuối cùng, như để tạo ra hiệu quả kinh khủng hơn, khi ngọn giáo đang đẩy mạnh vào cổ họng từ phía trước, một đồng môn khác còn đặt lên gáy võ sinh một chồng gạch, nện một búa từ phía sau lưng để làm vỡ vụn! Sau một phút thất thần, tiếng hò reo và tiếng vỗ tay của khán giả vang lên làm vang động cả hội trường.

Nhưng nhóm võ sinh người Ý cũng đã gây rất nhiều thiện cảm và mến phục trong một scen trình diễn: nhóm gồm ba cô gái và 3 thanh niên đang tán tỉnh và chọc ghẹo một cách thô lỗ. Sau một hồi lời qua tiếng lại, tiếp đến là những cử chỉ và hành động khiếm nhã của 3 chàng, cuối cùng đã làm các cô mất kiên nhẫn và bắt đầu sử dụng những kỷ thuật tự vệ học được từ "võ Bình Định" và đuổi các chàng phải ba chân bốn cẳng chạy dài trong hốt hoảng.

Trong đêm 2 tháng tám , trên đồi thi nhân, nơi chôn cất một thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mạc Tử 2, còn được tổ chức một buổi ngâm và bình thơ có trình diễn âm nhạc và vũ điệu, với sự tham gia của những người yêu văn thơ đến từ nhiều vùng khác nhau.

Đêm 3 tháng 8 là đêm bế mạc: Sau lời chào mừng và vinh danh chính quyền địa phương và cảm ơn các nhà tài trợ, một buổi trình diễn văn nghệ được bắt đầu, trong đó màn trình diễn của nhóm nghệ sĩ Hàn Quốc và Lào rất được khán giả tán thưởng. Nhưng sự thu hút của lễ bế mạc chính là cuộc thi chung kết của Hoa Hậu các miền đất võ. Đây thực sự là một cuộc thi đúng nghĩa, và không chỉ có thi sắc đẹp, mà còn có cả các đánh giá về cá tính, khả năng, và sau các phần trình diễn võ nghệ còn có các câu trả lời về đề tài văn hoá, xã hội... cuộc thi đã kéo dài đến quá nửa đêm.

Ngay giữa cuộc thi và khi chấm dứt cuộc thi hoa hậu, đã có một màn trình diễn bắn phao hoa rất ngoạn mục : màu sắc pha trộn rất đẹp mắt nhờ các kỷ thuật viên điêu luyện và khoảng thời gian bắn pháo hoa đã kéo rất dài.

Với sự nuối tiếc của mọi người vì cuối cùng tất cả đã chấm dứt : giải hoa hậu đã được thắng bỡi một thiếu nữ rất đẹp, sau đó là lễ trao giải cho các người đẹp đã tham dự cuộc thi và tất cả các khán giả đều ước mong rằng lễ hội này trong tương lai sẽ được lập lại, nhằm tạo lại những giây phút đầy những điều kỳ diệu và tự hào, sức mạnh và trí tuệ. Niềm tự hào, và kiêu hãnh, còn được nhắc nhở bỡi hào khí của tinh thần Quang Trung, kêu gọi người dân Tây Sơn-Bình Định và nhất là tầng lớp thanh niên, đứng lên kế thừa để phát triển du lịch và kinh tế cho tỉnh nhà.

Sau hai năm nữa Lễ Hội sẽ được tổ chức lại, nhưng Bình Định vẫn còn có rất nhiều thắng cảnh và di tích để du khách có thể thăm viếng. Đáng kể nhất là các tháp Chăm di tích còn lại của một dân tộc hoà bình, có nền văn hoá Ấn Độ đã từng sống trước đây ở vùng đất này, nhưng sau bị người Việt xâm chiếm và đồng hoá , ngoài ra còn có các thắng cảnh khác như Ghềnh Ráng, bãi cát trắng tuyệt đẹp của biển Qui Nhơn, hay ngắm bình minh hay hoàng hôn trên chiếc cầu hiện đại và xinh xắn vừa được bắc qua đầm Thị Nại.

Nhìn chung, Lễ hội Tây Sơn-Bình Định chính là một cơ hội tuyệt vời để giới thiệu danh lam thắng cảnh, lịch sử, con người của vùng đất nổi tiếng về võ thuật và cũng là một thứ danh thiếp cho thấy một đất nước Việt Nam trên đường phát triển.

Và tất cả, du khách và các thành viên tham gia lễ hội, khi trở về nhà chắc chắn sẽ mang theo trong tim hình ảnh một nụ cười thân thiện của dân tộc anh hùng này. Và đây mới đích thực là một kỷ niệm chắc chắn dài lâu, và sẽ có nhiều người, khi có cơ hội, sẽ đến Quy Nhơn để tìm lại những hình ảnh sống động trong mỗi lần quay lại Việt Nam.

PS: Từ thành phố Hồ Chí Minh có thể đến thành phố Quy Nhơn bằng máy bay, bằng xe lửa, bằng xe đò hay mới đây còn có dịch vụ xe pullman có giường nằm hoặc bằng xe lửa đặc biệt Golden-train chỉ chạy tuyến HCMCity-Quy Nhơn với toa nằm rất thoải mái và giá vé tương đối rẻ.
Ngoài ra người ta có thể thuê xe hơi hay các loại xe vừa để phục vụ du khách tùy theo nhóm người và theo nhu cầu. Tại Quy Nhơn có rất nhiều khách sạn đủ các hạng, có loại 4 sao với Spa và các tiện nghi khác, ngoài ra ngay tại bờ biển còn có 2 Resort, nghĩa là du khách có thể thoải mái tận hưởng những ngày vui vẻ trên bãi biển tuyệt đẹp của thành phố.

(Viết từ Qui Nhon-Vietnam, Itala Elena Pucillo Trương)