Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










CHIẾC BÌNH ĐỜI MINH










C harles Lewis buồn bã nhìn vào bức tường lát bằng đá cẩm thạch ở cửa vào toà nhà, mà hắn là người gác cổng.

Toà bin-đinh, sân thượng của Thiên Đường là một trong những cư xá sang trọng nhất ở Tampa, thuộc miền duyên hải bang Florida. Nhưng tất cả mọi sự sang trọng trên đời cũng không làm vui được Charles Lewis – kẻ cả ngày chỉ có việc chào đón những tay cực kỳ giàu có ra vào toà nhà.

Cánh cửa ra vào chính vừa được mở. Charles Lewis toan chạy bổ ra để chào đón một người ở trong bin-đinh, hoặc xua đuổi những kẻ đến quấy quả - như mấy tên đi tiếp thị chẳng hạn. Nhưng hắn chuồn vội trở lại phòng, ngồi xệp ngay xuống, vờ đọc mục thể thao trong báo: kẻ mới đến đó là Kenneth Adamson, nhà tỷ phú sản xuất kẹo cao su.

Khi người ta là gác cổng, cần phải biết tỏ ra tế nhị. Và trong trường hợp hiện tại, vai trò của Charles Lewis là nên làm như không biết có ông ta đến…

Đã từ sáu tháng nay Kenneth Adamson, năm mươi lăm tuổi, thể thao gia, đã thuê căn hộ sang trọng nhất trong bin-đinh _ ở trên tầng cao nhất _ cho tình nhân của mình: một cô Molly Huston nào đó, hai mươi tám tuổi, tóc nâu mắt xanh, với thân hình bốc lửa của một người mẫu thời trang.

Cũng từ sáu tháng nay, ngày nào cũng như ngày nào, Kenneth Adamson luôn luôn tới vào lúc mười bảy giờ ba mươi và trở về đúng lúc mười chín giờ. Và cũng từ sáu tháng nay, Charles Lewis luôn luôn làm như mình bận xem mục thể thao trong báo, để không bao giờ dòm ngó tới việc làm của Kenneth Adamson. Thái độ tế nhị đó của hắn đã mang lại cho hắn rất nhiều tiền boa của Adamson.

Nhưng hôm nay ngày 12-8-1981, có chuyện gì khác thường đã xảy ra. Mới mười bảy giờ ba mươi lăm phút, cửa thang máy từ trên cao xuống đã mở ra, và người đi ra là Kenneth Adamson. Người gác cổng ngạc nhiên đến nỗi không kịp chúi mặt vào sau tờ báo. Vả lại nhà tỷ phú cũng không lưu tâm gì tới hắn. Nét mặt tái mét, ông ta lảo đảo bước vội qua hành lang và biến vào trong xe hơi của mình. Charles Lewis biết Molly Huston có nhà. Hắn vừa thấy cô ta về trước đó một lúc. Chắc chắn có điều gì nghiêm trọng đã xảy ra. Charles Lewis không thích dính vô, nhưng nhiệm vụ đòi hỏi hắn phải kiểm tra.

Cầu thang máy ngưng ở tầng lầu thứ 15. Charles Lewis bấm chuông: không ai trả lời. Hắn đành buộc phải dùng chìa khoá vạn năng mở cửa. Đứng ở ngưỡng cửa, hắn chẳng nói gì hơn ngoài việc hét lên:

- Chúa ơi! Cô gái đẹp nguy rồi!


Văn phòng Giám đốc của Kenneth Adamson thuộc loại mới nhất, xịn nhất, ghế xoay vòng, kính pha màu, các dụng cụ hiện đại nhất.
Người đang ngồi trước nhà tỷ phú có mớ tóc đã nhuốm bạc không thích hợp với khung cảnh tồi tàn này. Ông ta mặc chiếc quần gin đã bạc màu và áo sơ-mi ca-rô rẻ tiền, trên ngực mang một ngôi sao tượng trưng cho chức vụ cảnh sát trưởng; ông nhìn người đối thoại trong giây lát rồi lên tiếng:

- Tôi tới vì việc cô Molly bị giết.

Kenneth Adamson nhắc lại bằng giọng nói thờ thẫn:

- Molly Huston à?

Viên cảnh sát trưởng nở nụ cười miễn cưỡng:

- Ồ, ông Adamson, người gác cổng thấy ông lên phòng cô ta ngày hôm qua lúc mười bảy giờ ba mươi và thấy ông trở xuống năm phút sau, với vẻ mặt “luống cuống”, “ngơ ngác”. Đó là nguyên văn cách hắn ta diễn tả.

Nhà tỷ phú dùng hai tay ôm đầu và giữ im lặng. Cảnh sát trưởng Stanley Moore tiếp tục nhìn thẳng vào mặt ông ta:

- Thưa ông Adamson, khi khám phá ra một vụ án mạng thì việc đầu tiên là phải báo ngay cho cảnh sát biết. Tôi có thể nói là nếu không làm như vậy coi như đã phạm pháp. Nhất là khi người bị giết lại là tình nhân của ông…

Kenneth Adamson tỏ thái độ suy sụp hoàn toàn:

- Tôi đã hành động như một thằng điên: Như một đứa trẻ nít. Tôi biết rõ là ông nghi ngờ tôi… Để tôi xin kể với ông chuyện đã xảy ra như thế nào: chiều hôm qua, cũng như mọi ngày, tôi đến đó đúng lúc mười bảy giờ ba mươi; tôi thấy Molly nằm sóng soài ngay gần cửa và đã bị giết. Tôi quá hoảng sợ và bỏ chạy xuống ngay. Tôi đã thức trắng đêm và tự hỏi không hiểu ai đã sát hại nàng. Tôi hiểu rõ tôi phải báo cho ông hay, nhưng tôi sợ sẽ gây ra một vụ xì-căng-đan, và tôi cũng hy vọng người gác cổng không trông thấy tôi.

Nhà tỷ phú như nuốt nước bọt một cách khó khăn, nói tiếp:

- Tôi thấy tốt hơn hết nên nói ngay với ông rằng hung khí là của tôi, Molly muốn xin tôi một món đồ dùng cá nhân và tôi đã tặng nàng con dao rọc giấy bằng bạc… Ồ, ông cảnh sát trưởng, tôi sợ rằng ông sẽ tìm thấy vết tay của tôi trên cán. Khi thấy quang cảnh khủng khiếp đó, tôi đã như người điên và muốn rút con dao ra.

Cảnh sát trưởng Moore khẽ xoay cái ghế quay:

- Chúng tôi quả đã có tìm thấy vết tay của ông ở trên cán. Tôi rất tiếc phải hỏi tò mò một tí, nhưng xin ông kể cho tôi hay về những quan hệ của ông với nạn nhân.

- Tôi quen Molly từ một năm nay, hai chúng tôi đã trở thành một cặp rất hạnh phúc. Tôi tin – và tôi có thể chắc chắn – rằng Molly không yêu tôi vì tiền của tôi, mà vì chính bản thân tôi. Vợ tôi biết rõ, nhưng chúng tôi không ly dị vì có nhiều vấn đề quyền lợi khá rắc rối. Nhưng chúng tôi đã ngầm thoả thuận đường ai nấy đi, ai sống cuộc đời của người nấy… Còn giữa tôi và Molly không hề có một tí gì vẩn đục.

Viên cảnh sát trưởng im lặng gật đầu, Kenneth Adamson dường như đoán được ý nghĩa của cử chỉ này.

- Dĩ nhiên ông nghĩ tôi sẽ chả bao giờ nói với ông điều gì khác ngoài những gì tôi vừa nói. Nhưng tôi xin thề với ông đó là sự thực. Molly và tôi chưa hề bao giờ cãi lẫy nhau. Chúng tôi yêu thương nhau thật tình.

Stanley Moore nở nụ cười lịch thiệp:

- Tôi không nghĩ dứt khoát một cái gì cả, thưa ông Adamson… xin cho tôi biết ông có thường hay cho quà cô Huston không? Ví dụ như nữ trang, tác phẩm nghệ thuật?

Nhà tỷ phú có vẻ kinh ngạc:

- Đương nhiên là có! Tôi còn muốn tặng cho nàng cả thế giới này ấy chứ?

Viên cảnh sát trưởng ghi câu trả lời này vào sổ.

- Điều kỳ dị là người ta đã không tìm thấy một món nữ trang nào trong căn hộ, và cũng chẳng thấy một đồng đô-la nhỏ nào. Ông có thể cho tôi danh sách các món quà mà ông đã tặng cho cô Molly không?

- Đương nhiên là được…À, món quà cuối cùng mà tôi mới tặng nàng là một chiếc bình đời Minh tôi mang từ Viễn Đông về. Một món đồ cổ duy nhất, vô giá. Ông có tìm thấy cái bình đó không?

Viên cảnh sát trưởng lắc đầu:

- Không. Chúng tôi có làm một bảng liệt kê. Tôi có thể đoan chắc với ông là không có cái bình Trung Quốc nào.

- Vậy thì tên trộm chính là kẻ sát nhân, chứ không thể là tôi. Nếu tôi muốn nguỵ trang thành một vụ trộm cướp, và mang cái bình, nữ trang và tiền bạc theo thì người gác cổng đã phải trông thấy tôi. Cái bình đó cao hơn một mét mà.

Stanley Moore lại xoay ghế quay một lần nữa:

- Thưa ông Adamson, điều khó nói là người gác cổng không hề vắng mặt chút nào, và anh ta chẳng trông thấy ai đi xuống với cái bình đời Minh… Ông có chắc chắn là cái bình đó có thật không?

Lần này thì nhà tỷ phú nổi giận thật sự:

- Nè ông cảnh sát trưởng, có những giới hạn mà người ta không nên đi quá. Nếu ông muốn bắt tôi thì nói thẳng ra đi, để tôi gọi cho luật sư của tôi.

Viên cảnh sát trưởng có một cử chỉ hoà giải:

- Tôi không vô cớ bắt người, thưa ông Adamson. Nhất là bắt một người tầm cỡ như ông. Nhưng tôi đang làm nhiệm vụ điều tra, đơn giản vậy thôi.

Và ông ta ra về sau khi đã chào từ biệt rất lịch sự.


Cảnh sát trưởng Moore điều tra một cách tích cực. Ông yêu cầu người gác cổng xác định thêm một lần nữa rằng không có ai, ngoài những người cư ngụ trong bin-đinh, đã ra vào trong thời điểm xảy ra án mạng, nghĩa là trong khoảng từ năm tới sáu giờ chiều, theo lời vị pháp y. Ngoài ra ông còn cho gọi Ruth Farrel, người bạn gái thân thiết nhất của nạn nhân, và ông trông đợi rất nhiều ở những lời khai của người này.

Ruth Farrel là một cô gái tóc vàng khoảng hai mươi lăm tuổi, trông tầm thường, có thể nói là hơi xấu nữa. Vừa đến nàng đã nói ngay chẳng đợi viên cảnh sát trưởng hỏi:

- Tôi biết chắc là tấn kịch sẽ kết thúc bi thảm như vậy! Molly tội nghiệp thật đã hết chịu nổi. Hắn vừa ghen, vừa độc tài, vừa vũ phu. Mặc dầu hắn có bạc tỷ, Molly cũng đã quyết định rời bỏ hắn.

Stanley Moore ghi rất kỹ những sự kiện không phù hợp chút nào với những gì Adamson đã khai.

- Cô Huston có cảm thấy mình đang bị nguy hiểm không?

Ruth Farrel trả lời không chút do dự:

- Có, một hôm cô ta bảo tôi: “Nếu em rời bỏ hắn, chắc hắn giết em mất”.

Viên cảnh sát trưởng còn một điểm cuối cùng phải làm sáng tỏ:

- Cô Farrel ạ, cô có thấy ở nhà của Molly Huston một cái bình cổ cỡ lớn không?

Ruth suy nghĩ một lúc…

- Không, tại sao?

Lúc này sự việc trở nên rất xấu cho Kenneth Adamson. Bắt giữ một nhà tỷ phú không phải là chuyện hấp dẫn gì, nhưng Stanley Moore là một cảnh sát trưởng liêm chính, và ông quyết định bắt Adamson.

Ông đang ký lệnh bắt thì điện thoại reo. Cú điện thoại được gọi tới từ sở quan thuế ở El Paso, bang Texas.

- Thưa cảnh sát trưởng, tôi là trung uý quan thuế Carson. Chúng tôi vừa bắt giữ một tên Richard Scott nào đó có liên quan tới ông, vì tên này mang theo tất cả những món đồ mà ông ghi trong danh sách gửi đến chúng tôi.

Stanley Moore đớ người. Tuy không tin tưởng gì nhưng vì tính cẩn thận, ông đã gửi bản sao danh sách những đồ vật bị mất do nhà tỷ phú thiết lập đến cơ quan quan thuế và cảnh sát của tất cả các bang. Ông hỏi bằng giọng ít tin tưởng:

- Có thấy… có thấy một cái bình cổ của Trung Quốc không?

Viên sĩ quan thuế xác nhận:

- Có, và bình đó hoàn toàn đúng với sự mô tả. Không còn nghi ngờ gì nữa.

Viên cảnh sát trưởng nói lắp bắp mấy lời cảm ơn, rồi ông xé lệnh bắt với sự bối rối ra mặt. NHÀ TỶ PHÚ QUẢ LÀ CÓ NHỮNG LÝ DO ĐỂ NÓI DỐI, NHỮNG NGƯỜI KHÁC THÌ KHÔNG. VẬY TẠI SAO CHÍNH ÔNG TA LẠI NÓI THẬT? CÒN NHỮNG NGƯỜI KHÁC LẠI NÓI SAI SỰ THẬT? Điều trước mắt là phải hỏi cung tên Richard Scott mà cảnh sát ở El Pasco sẽ giải giao cho ông.

Được đưa tới cảnh sát cuộc vào sáng ngày hôm sau, Richard Scott là một tên tóc đỏ, râu quai nón, trạc độ ba mươi tuổi. Hồ sơ của hắn mà Stanley có trước mắt – vì Scott không phải là ai xa lạ gì với các đồn cảnh sát – cho thấy tên này đã có lần ở tù vì ăn trộm và một lần khác vì ăn cướp ở siêu thị.

Cảnh sát trưởng Moore là một cáo già trong nghề. Trong các cuộc thẩm vấn ông ta biết cách khôn khéo và cực kỳ kiên nhẫn. Sau nhiều giờ chối cãi, cuối cùng Richard Scott đành phải thú nhận đã giết Molly Huston và kể lại diễn tiến tội ác của mình như sau:

- Tôi đã mở được khoá và lẻn vào phòng. Tôi tưởng không có ai ở nhà, và bắt đầu tìm tiền và vàng hoặc nữ trang. Bất ngờ cô Huston từ phòng tắm đi ra. Cô ta loã thể. Thấy tôi cô ta hét lớn. Hốt hoảng quá tôi vớ đại con dao ở dưới tầm tay và đâm cô ta. Nếu cô ta không la lớn, tôi chắc đã không giết cô ta.

Và tên xác nhân xác định:

- Người gác cổng đã không trông thấy tôi, lúc vào cũng như ra. Tôi đợi lúc hắn đi khỏi mới lẻn vào toà nhà.

“Tôi đợi lúc hắn đi khỏi” Vậy là Charles Lewis đã nói dối khi nói hắn không rời nhiệm sở trong suốt buổi trưa… Mấy giờ sau Stanley Moore thẩm vấn người gác cổng.

Người này nhìn cảnh sát trưởng Moore bằng con mắt van lơn:

- Vâng, tôi thú nhận tôi đã nói dối: Tôi có đi vắng trong khoảng hai mươi phút từ năm giờ tới năm giờ hai mươi chiều. Tôi đi đánh cá ngựa. Việc làm của tôi quá buồn nản, ngày nào cũng như ngày nào. Tôi luôn luôn cố gắng có mặt mỗi ngày khi ông Adamson tới.

Khai xong, Charles Lewis gục đầu buồn thảm, hắn nói tiếp:

- Tôi đã phải nói dối vì tôi sợ mất việc… Tôi không hề nghĩ tới việc tôi có thể làm một người vô tội bị kết tội oan. Vào lúc đó, nhìn cử chỉ lén lút của ông Adamson, tôi đã tưởng chắc chắn ông ta là thủ phạm.

Sau khi giải quyết xong trường hợp kẻ làm chứng gian thứ nhất, Stanley Moore giải quyết tiếp tới người làm chứng gian thứ nhì. Ông rất tò mò không hiểu lý do nào thúc đẩy Ruth Farrel đến chỗ làm chứng gian. Charles Lewis sợ bị mất việc là một lý do rõ ràng. Còn Ruth Farrel?

Người bạn gái thân nhất của nạn nhân tới gặp ông cảnh sát trưởng, hai mắt đỏ ngầu…

- Xin nhờ ông chuyển lời xin lỗi của tôi tới ông Adamson. Bây giờ tôi biết lỗi rồi. Nhất là tôi đau khổ hơn nữa vì tôi quý mến ông ta lắm.

Stanley Moore lộ vẻ thông cảm:

- Có thể vì say mê ông ta mà cô đã nói dối.

Ruth Ferrel nhìn ông cảnh sát trưởng với cái nhìn của đứa bé bị bắt quả tang đang phạm tội.

- Vâng, tôi ghen với Molly: Cô ấy bao giờ cũng đẹp hơn tôi, cũng thông minh, cũng xuất sắc hơn tôi. Đàn ông bâu quanh cô ấy. Khi cô ấy giới thiệu ông Kenneth Adamson với tôi, tôi buồn khổ lắm. Tôi ao ước được có một người đàn ông như ông ta: đẹp như tài tử lại có tiền tỷ. Nhưng khổ thay, ông ta chỉ dễ thương với Molly. Hai kẻ đó thương yêu nhau lắm, họ chưa hề cãi nhau. Do đó vì ghen, khi thấy ông ta bị tình nghi, tôi muốn làm ông ta phải đau khổ…

Cơn ghen của đàn bà suýt nữa đã trở thành nguyên nhân để kết tội oan một người vô tội… Nhưng cảnh sát trưởng Moore vẫn còn một điều bí ẩn cuối cùng cần phải làm sáng tỏ:

- Tại sao cô lại nói dối khi tôi hỏi cô có thấy cái bình đời Minh không? Cô không thể biết được sự khốc hại của câu nói dối này là như thế nào sao?

Ruth Farrel trả lời, lần này hoàn toàn thành thật:

- Đúng ra tôi chẳng hiểu quái gì về câu hỏi đó. Nhưng tôi đã quyết định cứ nói dối. Vả lại từ đầu đến cuối tôi hoàn toàn nói dối, vậy thì thêm một câu nói dối nữa hay bớt một câu có quan trọng gì?...

Richard Scott bị xử hai mươi năm tù giam. Charles Lewis và Ruth Farrel mỗi người lãnh sáu tháng tù vì làm chứng gian. Kenneth Adamson đã tặng cái bình đời Minh đó cho viện Bảo Tàng ở Tampa. Giờ này nó vẫn còn được trưng bày ở đấy…


một truyện của Bellemare

. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .