QUAN ÂM TỰ
Ngôi Chùa Làng Việt Cổ
T hăng Long- Hà Nội. Một chiều cuối năm.
Lướt con thuyền Bát Nhã qua sông Hồng, sông Đuống, rẽ xuống ngôi làng cổ Xuân Canh- Đông Anh- Hà Nội, ta lạc vào ngôi chùa cổ với tên chữ “Quan Âm tự”.
Dưới mái tam quan mờ rêu ánh nâu Thiền, xa thoảng đâu đây, tiếng thôn nữ ngâm ngợi hồn thơ cổ:
Mai thôn phế tự
Hoang thảo tiền triều tự
Thu phong cựu chiến trường
Tàn bi trầm mộ vũ
Cổ Phật ngoạ tà dương
Thạch thất tàng vân nạp
Hoa đài cúng giã hương
Ứng thân vô xứ sở
Dữ thế cọng hưng vong
Chùa hoang ở xóm Mai
Triều cũ chùa hoang lẫn cỏ cây
Chiến trường xưa giãi gió thu nay
Trời chiều mưa ngập bia tàn đổ
Bóng ngả soi chênh tượng Phật bày
Áo pháp đã tàng trong tháp đá
Hoa đồng dâng cúng ngát hương bay
Ứng thân biết gửi nơi nào nhỉ
Cùng thế gian chung nỗi ngọt cay
Thơ Trần Quang Triều (1286-1325)
(Nguyễn Khắc Mai dịch)
Truyền thống Việt Nam mấy ngàn năm với Ngôi chùa- Một vùng tâm thức- Một vùng thi ca (Nguyễn Khắc Mai- NXB Tôn giáo- 2001) ngát hương luân hồi chuyển kiếp, ủ hồn bao con người, bao triều đại trôi đi trong hư ảo. Hết kiếp này sang kiếp khác, vạn vật, con người vần xoay, bánh xe luân hồi quay đi, rồi trở lại. Nghìn năm trước, nghìn năm sau vẫn vậy thôi. Ngôi chùa- Một vùng tâm thức- Một vùng thi ca.
I. Quan Âm tự- Ngôi chùa cổ trong làng cổ:
Quan Âm tự làng Xuân Canh- Đông Anh- Hà Nội. Cảnh trời chiều bảng lảng khói hương, dâng ta cảm giác gặp hồn xưa. Ngôi chuà của triều đại trước lẫn giữa đám cỏ hoang. Bãi chiến trường xưa phơi mình trước gió thu. Tấm bia tàn chìm đổ trong mưa chiều. Pho tượng cổ nằm phơi bóng xế. Tấm áo mây đã cất trong ngôi nhà đá. Mùi hương đồng nội dâng lên đài hoa. Ứng thân không có chỗ nhất định. Với đời cùng hưng vong.
Quan Âm tự trước đây được gọi là chùa Thượng Lão theo tên địa danh cũ của làng Xuân Canh. Đến khi hình thành thôn Xuân Canh thì chùa được gọi là chùa Xuân Canh.
Xuân Canh là một trong hai mươi ba làng thuộc huyện Đông Anh- Hà Nội. Phía Bắc giáp Cổ Loa, phía Đông và Nam giáp xã Đông Hội, phía Tây giáp ngã ba sông Đuống-sông Hồng và hai xã Tam Xá, Vĩnh Ngọc.
Xã Xuân Canh gồm sáu thôn: Lực Canh, Vạn Lộc, Văn Tinh, Văn Thượng, Xuân Canh, Xuân Trạch.
Triều Lê và Nguyễn đây là đất của xã Lực Canh, Xuân Canh và Xuân Trạch thuộc Tổng Xuân Canh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Trước năm 1945, nó thuộc tổng Xuân Canh, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, sau đặt thành xã Vạn Thắng, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, từ 1965 đến nay là xã Xuân Canh, huyện đông Anh- Hà Nội.
Hoa bưởi thoảng hương vườn Quan Âm tự ru hồn ta về làng Xuân Canh, một vùng đất cổ nằm trong xứ Kinh Bắc, lúng liếng mắt mưa quan họ, nổi tiếng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Thuở xa xưa, tổ tiên, ông bà đã dầm sương, dãi nắng, chống chọi và chinh phục thiên nhiên, sông nước nơi này, để sinh tồn và phát triển. Máu xương bao người đã đổ xuống khai phá đất hoang, bãi bờ, đầm lầy, rừng rậm, con nước cạn vơi đầy và thác lũ gầm gào, để lập nên làng xã. Cuộc sống tụ cư đông đúc được hình thành rất sớm trên mảnh đất này còn in dấu qua những di tích văn hoá vật thể và phi vật thể đã mờ rêu.
Cùng với sự hình thành và phát triển xóm làng, đời sống chính trị và kinh tế ổn định, kéo theo đời sống tinh thần hướng thượng cùng các nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và sự sáng tạo nghệ thuật phong phú, đã xây nên một vùng văn hoá làng xã đậm phong vị đồng quê, sông nước Xuân Canh, mà Quan Âm tự là một danh thắng chùa làng mẫu mực cổ xưa.
II. Quan Âm tự- Kiến trúc chùa làng truyền thống:
Qua cầu Chương Dương theo dòng sông Đuống lấp lánh trôi, đến dốc Vân bảy cây số, xuống làng Xuân Canh, gặp Quan Âm Thiền tự, mái nâu trầm, thấp thoáng vườn xanh, chùm bưởi thơm nắng Đông về.
Quan Âm tự tọa lạc trong vườn cổ, vùng đất Việt cổ xứ Kinh Bắc xưa dùng dằng quan họ.
Quan Âm tự nằm trên ngã ba sông Hồng và sông Đuống, nơi đây trên bến dưới thuyền, bãi mía nương dâu ngút ngàn xanh và cánh đồng làng thơm hương gạo tám xoan… Những người nông dân hiền hòa, một nắng hai sương, chăm lo cày cấy, thả thuyền giao thương, đã lập chùa Quan Âm giữa bãi sông, thờ Quan Âm Nam Hải, nguyện cầu mưa thuận, gió hòa, thuyền thong dong về bến, lòng người ấm yên…
Tương truyền Quan Âm tự có trước thời Lý, gắn kết tình người thủa hoang sơ vật lộn khai khẩn bãi bờ, đầm lầy, rừng rậm cùng tín ngưỡng Việt cổ, thờ Mẫu, Thần, Phật, Thánh, Tam giáo đồng nguyên… Trải bao mùa lũ nổi nênh, Quan Âm tự giầm mình sóng bão. Người đời sau rước chùa vào trong đê, ngự giữa vườn làng, sớm tối nguyện cầu thơm hương khói.
Theo các nhà nghiên cứu, trong hệ thống di tích kiến trúc hiện còn ở Xuân Canh, Quan Âm tự là di tích có niên đại tạo dựng sớm và còn giữ được nhiều di vật quí. Tấm bia “Quan Âm tự bi” có niên đại Vĩnh Trị V (1680) ghi rõ: “Thôn Thượng Lão, xã Xuân Canh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc có cổ tích danh lam là chùa Quan Âm. Chùa này cảnh vật đẹp lạ, qui mô rộng rãi, trong điện có tượng Phật, trên án đặt lư hương. Tượng Phật óng ánh màu sắc, gác treo chuông đồng, cầu bắc trên ao… Địa thế có sông ôm núi chắn, khí thiêng hun đúc, cầu có ứng, cảm ắt thông, che chở cho thôn làng được lắm của đông người, cung chúc cho Hoàng vương gặp vận lớn trường cửu. Thật là danh lam đứng đầu xứ Kinh Bắc.”
Tấm bia “Quan Âm tự bi” cho biết vào những năm 1680 “có người nhà của một cung nhân trong thành Nghị Lang tên là Vũ Thị Ngọc Bông tới tham quan các chùa ở Kinh đô, tới thôn Thượng Lão, thấy Quan âm tự đất đẹp người tài, có thuần phong mỹ tục… mở lòng từ thiện, cúng một ngàn cân đồng tốt, cộng với các thửa ruộng, một tấm bia đá cho chùa Quan Âm…”
Một tấm bia khác được dựng sau đó là “Quan Âm Thiền tự” với niên đại Vĩnh Thịnh VI (1710) đã ghi lại việc tu bổ ngôi chùa và ca ngợi vùng đất đẹp tươi này:
Cảnh đẹp có Ngạn Xuân
Danh thơm có Thượng Lão
Chùa gọi là Quan Âm
Nơi đây thật kỳ diệu…
Quan Âm tự thuộc khối công trình kiến trúc theo thiết chế văn hoá làng Việt Nam truyền thống: Đình, Đền, Chùa.
Chùa Quan Âm nằm phía sau bên phải đình làng theo lối cổ “tiền Thần- hậu Phật” tạo nên khối kiến trúc văn hóa nguồn cội, thanh thản hồn làng, thẳm xanh màu thiền. Chức năng chính của chùa là thờ Phật, một tôn giáo dạy cách sống làm người, du nhập vào nước ta từ những năm đầu Công Nguyên và phát triển mạnh mẽ ở các làng trung du và đồng bằng Bắc bộ. Tấm bia hậu của chùa còn ghi rõ: “Đạo Phật ở đâu cũng được tôn sùng, ngay cả những nơi đầu núi, ngọn khe, heo hút ít có chân người, dẫu ở đâu đạo Phật đều đến được”.
Người nông dân Việt Nam tâm tính hiền lành, chăm lo nghèo khó, ngày đêm lăn lộn trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chân trần bám chặt vào đất, tâm hồn rộng mở, hiền hoà, bản năng sống mạnh mẽ, chân thật, nên dễ tiếp nhận hệ thống giáo lý sống của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khuyến thiện, trừng ác, công bằng, bình đẳng, yêu thương.
III. Quan Âm tự- Mái châu chùa ngọc:
Quan Âm tự cùng với đình Xuân Canh, mái ấm nâu trầm, như bông hoa sen nở giữa ngôi làng rủ bóng tre xanh. Trước đây chùa toạ lạc ở bãi Quan âm, cách địa điểm ngày nay khoảng bốn trăm mét, hiện ở đó vẫn còn hai tháp mộ cổ. Ngôi chùa Quan Âm cũ có qui mô kiến trúc nổi tiếng một vùng. Tấm bia “Quan Âm tự bi” (1680) ghi chùa có qui mô bề thế và hoàn chỉnh: “Phía trước, phá sau nhà nhị đường muôn cây um tùm, bên phải bên trái hai dãy hành lang trăm hoa đua nở…”
Vào năm 1710, sau khi được tu sửa thì chùa càng thêm nguy nga lộng lẫy: “Tất cả đều hòan hảo, đó đây hoàn thành, ngắm xem nhà cửa nguy nga, trông như sao trời lấp lánh”.
Bia “Quan Âm tự hậu Phật” ca ngợi cảnh đẹp của chùa : “Chùa tên là Quan Âm, phong cảnh hữu tình, tinh khí qui về, mái châu chùa ngọc nối liền một cụm, hoa thơm cỏ lạ bốn mùa rực rỡ. Phàm những người theo đạo Phật đều đến đây mà hương khói”.
Ba trăm năm sau. Mưa nắng bụi trần. Luân hồi vần vụ. Quan Âm tự ngày nay không giữ được vẻ hoành tráng của kiến trúc, nhưng vẫn còn ẩn sâu nét đẹp linh thiêng, xanh ánh Thiền ngày xưa. Song mặt bằng qui hoạch của chùa còn nguyên vẹn với khối kiến trúc cổ: cổng tam quan, chùa chính, nhà Mẫu, nhà Tổ và nhà khách. Toàn bộ vùng kiến trúc chùa đan xen giữa vườn cây xanh mát, tạo vẻ hài hoà, quấn quyện giữa thiên nhiên làng thôn với kiến trúc dân gian truyền thống, dâng nguồn linh khí tĩnh lặng, êm đềm pha niềm u tịch thẳm sâu nơi cửa Thiền.
Dấu tích kiến trúc chùa làng cổ kính, thơm hồn cha ông thủơ hồng hoang vẫn còn đây, mờ rêu nền gạch.
Cổng chùa được xây bằng gạch đơn giản với hai cột trụ vuông. Hai bên cổng, phía ngoài tường bao đôi nghê đá nghênh chầu. Nghê đá bên trái được đặt trên lưng cụ rùa trường tồn cùng mưa nắng. Nhưng nay, nghe đứng lặng một nơi. Cụ rùa đá trơ gan đứng đợi. Nghê đá bên phải đặt trên phiến đá mỏng, dựng dọc trang nghiêm, thanh tịnh đợi người qua cổng đi trên con đường lát gạch bên vườn nhỏ, vào chùa.
Chùa chính có kết cấu chuôi vồ, hay còn gọi là chữ Đinh gồm: tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Chùa quay hướng Nam, phía trước là vườn nhỏ, nền chùa cao hơn mặt vườn khoảng năm mươi phân.
Tiền đường xây gạch kiểu tường hồi bít dốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa bờ nóc gắn một hình trang trí mặt trời lửa. Hai tường hồi xây vượt ra khoảng nửa mét với hai trụ biểu hai bên. Trụ vuông cao lưng chừng mái, trên cùng đắp hình búp sen. Phần lồng đèn phía dưới gồm bốn ô trang trí Tứ linh: long, ly, qui, phượng. Lòng nhà tiền đường gồm bảy gian, phía trước mở cửa hình chữ nhật ở năm gian giữa. Hai gian hồi xây bịt, mở hai cửa sổ nhỏ. Bộ khung đỡ mái của chùa gồm tám bộ vì, sáu bộ vì ở giữa được làm theo kiểu vì giá chiêng, bào trơn, kẻ soi, không trang trí. Các bộ vì này dựa trên kết cấu bốn hàng chân cột. Trên đỉnh là một Thượng lương (xà nóc). Xà này tỳ lực trên một đấu hình thuyền, đấu này tỳ trên một rường. Hai đầu rường lại tỳ lực lên cột trốn qua hai đấu vuông thót đáy, chân hai cột trốn cùng đứng trên câu đầu, qua hai đấu vuông khác. Toàn bộ hệ thống này được tỳ lên một câu đầu to khoẻ. Câu đầu lại tỳ lực trên hai đầu cột cái và cột quân là một cốn được làm kiểu chồng rường. Từ thân ngoài của cột trốn, một rường cụt khác chạy ra đỡ một hoành mái mà không cần cột hiên. Hai bộ vì hồi kết cấu lối “thượng chồng giường, hạ kẻ chuyền” với hệ thống kẻ chuyền ăn mộng vào cột trốn. Cột trốn lại đứng trên quá giang chạy suốt từ cột cái này sang cột cái khác.
Phần trang trí chủ yếu tập trung ở hai bộ vì này với những văn mây, lá thực vật được chạm nổi và rất mềm mại.
Tiền đường có mười cột gỗ. Bốn cột cái gian giữa có chu vi 115cm, cao 3,5m. Sáu cột gỗ khác cao 3m, chu vi 90cm. Toàn bộ cột cái đều được đặt trên các chân đế bằng đá.
Thiêu hương nối liền gian giữa với tiền đường, nền nhà ngang bằng gian ngoài. Nhà một gian hình vuông, nền xây bệ gạch cao hai mươi phân, nơi hành lễ của các sư và tín đồ. Gian này treo một bức hoành phi, dưới là một cửa võng chạm nổi, chạm thủng, chạm bong các đề tài hổ phù, rồng, phượng… hai bên đường chạy đàn treo bức cuốn thư sơn thếp đẹp.
Thượng điện chạy dài từ gian thiêu hương theo chiều dọc gồm ba gian một dĩ. Phần khung nhà được đỡ bằng năm bộ vì làm theo các kiểu khác nhau, trong đó ba bộ vì giữa có kết cấu giá chiêng. Bộ vì ngoài cùng có kết cấu chồng giường và bộ vì cuối làm kiểu quá giang.
Các kiểu kiến trúc gỗ ở đây đều bào trơn, kẻ soi nhẹ nhàng, không trang trí gì.
Thượng điện là phần quan trọng nhất của chùa, vừa là nơi hành lễ, vừa là nơi toạ lạc của các pho tượng thờ. Vì vậy, Thượng điện được trang trí rất nhiều các y môn, cửa võng, hoành phi, câu đối… khiến cho kiến trúc ở đây rất trang nghiêm mà lộng lẫy.
Trong lòng nhà Thượng điện, có xây những bệ gạch cao dần từ ngoài vào để đặt các pho tượng hợp lại thành “Tam bảo”, sát hai tường hồi xây bệ gạch hẹp chạy dài trên đặt các pho tương Thập điện Diêm vương.
Nhà Mẫu và nhà Tổ là một dãy nhà năm gian nằm phía sau bên dưới chùa chính, cách một sân rộng lát gạch Bát Tràng. Nhà xây gạch kiểu đầu hồi bít dốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Bộ khung nhà được đỡ bằng sáu bộ vì, trong đó bốn bộ vì giữa làm kiểu “giá chiêng chồng giường con nhị”. Hai bộ vì nối làm kiểu quá giang đơn giản.
Bên trong lòng nhà dùng ba gian giữa đặt ba pho tượng Mẫu. Gian bên phải thờ các vị sư Tổ từng trụ trì chùa đã viên tịch. Gian bên trái thờ bốn pho tượng hậu là những người đã đóng góp nhiều công xây dựng chùa.
Nhà khách là một nếp nhà ba gian chạy dọc áp sát bên trái thượng điện, tạo thành góc kiến trúc nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà khách mang phong cách truyền thống thể hiện tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam, thờ Thần, thờ Mẫu và thờ Phật.
Trong khu vực chùa còn có những căn nhà nhỏ, giản dị, ấm áp, dành cho các vị sư trụ trì, giống ngôi nhà ở đời thường.
IV. Quan Âm tự & những pho tượng cổ:
Chiều chậm rơi. Không gian tĩnh lặng êm đềm. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trong Thượng điện trang nghiêm, thanh tịnh, tỏa ánh son nâu hồng trầm ấm. Hồn tôi xôn xao trước vẻ đẹp lộng lẫy màu thời gian của những pho tượng cổ bằng đất được sơn những lớp sơn ta nồng nàn màu năm tháng.
Tại tiền đường, sát tường hậu là hai ban thờ bộ tượng Thánh tăng với hai trợ thủ là Diệu Nghiên, Đại Sĩ ở bên trái và Đức Ông cùng Anan, Ca Diếp ở bên phải. Hai bên lối đi vào thiêu hương và Thượng điện là hai tượng Hộ Pháp: Khuyến Thiện và Trừng ác. Tôi ngắm ông Thiện, ông Ác. Cả hai đều đáng yêu. Mặt mũi các ông phương phi, trán cao, thân vạm vỡ, mắt nhìn phúc hậu, bao dung, má bầu ngồ ngộ, rất Việt Nam. Thân mình các ông thơm mùi đất ruộng đồng bờ bãi, thơm màu sơn ta. Trần gian cần cả hai ông. Khuyến Thiện phải trừng Ác. Thiếu một ông là thế giới người lộn sòng. Náo loạn. Tôi yêu cả hai ông. Những người tạc tượng xưa, cũng yêu cả hai ông. Nên hai pho tượng lộng lẫy sắc nâu hồng sáng tháng năm.
Hiên phải tiền đường đặt hai bia, phù điêu và đá khắc tượng hậu tạc trong tư thế ngồi.
Tượng Phật chùa Quan Âm còn khá đầy đủ với số lớn tượng cổ được đặt ở phần Thượng điện.
Thượng điện có sáu lớp tượng, hòa sáng một màu son hồng thắm thiết tình quê, cao dần lên.
Lớp thứ nhất ở vị trí cao nhất, sát tường là bộ tượng Tam thế thường trụ diệu pháp thân với ba pho, tượng trưng cho ba thế hệ tinh khiết của thế giới Phật: Thích Ca Mâu Ni Phật tượng trưng cho hiện tại, ADiđà tượng trưng cho quá khứ, Di Lặc tượng trưng cho tương lai. Ba pho có kích thước giống nhau, nhỏ, sơn son thếp vàng, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Lớp thứ hai là tượng Adi Đà- người chỉ đường cho chúng sinh đến tương lai tươi đẹp ở giữa, tượng Quan Thế Âm và Đại thế chí đặt hai bên. Lớp thứ ba một mình pho ADiđà kích thước lớn, nghệ thuật thế kỷ XVIII. Lớp thứ tư là tượng vua cha Ngọc Hoàng. Lớp thứ năm có tượng Quan Âm tọa sơn ở giữa và hai nhân vật Nam Tào, Bắc Đẩu giữ sổ sinh tử trên Thượng giới. Lớp thứ sáu đặt một tòa Cửu Long tái hiện Đức Phật ra đời với tượng Thích Ca sơ sinh.
Sát tường hậu Thượng điện bên trái thờ Quan Âm tống tử. Giữa tường hậu có hai bức phù điêu đá tạc chân dung các vị hậu.
Dọc hai tường hồi Thượng điện có hệ thống Thập điện Diêm vương, mỗi bên năm pho.
Tượng chùa Quan Âm có đủ ba loại hình: tượng Phật, tượng Mẫu, và tượng Tổ. Mỗi lọai ẩn chứa nét đặc trưng riêng và bàn tay nghệ thuật tài hoa. Hiện tại chùa còn ba mươi lăm pho tượng Phật, ba pho tượng Mẫu và bốn pho tượng Tổ bằng đất nâu, thắm màu sơn ta, ủ hơi ấm bàn tay tổ tiên người Việt.
Tôi say đắm trước ba pho Tam thế và pho ADiđà ngự trên tòa sen trong tư thế Thiền định vững như thạch, mặt trái xoan, đầy đặn, hai mắt khép hờ, tỏa từ bi nhân hậu. Tượng tạc bằng đất mà hai lớp áo khép mở hững hờ, lộ hình chữ “Vạn” ở ngực, lớp la bào phủ ngoài khoác qua vai, tạo các đường cong mềm mại bao phủ thân người…
Tiếc không đủ thời gian để ngắm hết những pho tượng cổ đẹp mê hồn của Quan Âm tự. Mỗi pho tượng đều toát vẻ đẹp nhiệm màu, được tạo tác tỉ mỉ, tinh tế, chau chuốt đến từng chi tiết, các đường chạm khắc nổi khối, chắc khỏe, nét mặt hiện rõ tính cách của từng nhân vật, mà gợi vẻ thân thuộc đời thường.
Toàn bộ hệ thống tượng chùa Quan Âm đều được sơn thếp, tạo vẻ đẹp thâm trầm mà lộng lẫy. Sơn ta ngày xưa nổi tiếng vùng Phú Thọ được chưng cất bởi những cây sơn mọc trong rừng. Mỗi sản phẩm sơn bảy tám lớp sơn. Bàn tay người thợ đưa đi, quét lại, gửi vui buồn vào đó, thành sắc độ đậm nhạt, nhiều lớp sắc màu giao nhau, chìm ẩn trong nhau, tạo hồn trầm lắng, chan chứa tình sâu xa…
V. Quan Âm tự- Di vật cổ & giá trị Nghệ thuật:
Trải bao hoang phế thời gian, thế sự thăng trầm, nhiều di vật quí của Quan Âm tự và các chùa cổ Việt Nam đã mất. Tuy vậy, số di vật cổ còn ẩn hiện nơi Quan Âm tự, mang trong mình nó những giá trị nghệ thuật triều Lê- Nguyễn, độc đáo Việt Nam.
Riêng vẻ đẹp của những pho tượng cổ Quan Âm tự đã hút hồn du khách, chưa nói đến kiến trúc ngôi chùa kết cấu chuôi vồ và những di vật đậm phong cách nghệ thuật dân gian, gần gũi đời thường, thân thiện lòng người.
Nét đẹp trong điêu khắc tượng cổ Quan Âm tự còn hiện ra ở nét mặt có hồn của từng pho tượng Tổ. Khác với tượng Phật, tượng Tổ không đi theo những qui chuẩn khắt khe mà được tạo tác dựa trên những con người có thật là các vị sư Tổ của chùa đã viên tịch, nên cách thể hiện ít gò bó hơn. Ở các pho tượng Tổ, tư thế và cách ăn mặc đều giống nhau, nhưng nét mặt thì hoàn toàn khác. Người nghệ nhân đã nắm bắt được mảnh hồn của các vị Tổ mà thổi vào bức tượng. Cả ba pho tượng Tổ chùa Quan Âm đều đậm hồn nét chân dung từng người, trên từng nét mặt, dáng ngồi, uyển chuyển, tinh tế. Quần áo của tượng được thể hiện một cách chân thực, dung dị như chính con người thực vậy.
Tượng Mẫu được đặt trong khám gỗ, cả ba pho đều được tạc trong tư thế ngồi, khuôn mặt Mẹ Việt Nam tròn bầu phúc hậu, mắt nhìn thẳng, hai môi khép, gương mặt hiền thánh thiện, sáng vẻ đẹp hiền dịu cao sang. Chiếc áo choàng yểu điệu, trang nghiêm, thanh tịnh, nhẹ nhàng hiện ra tư cách đôn hậu, phúc đức của từng vị.
Khối lượng di vật đồ đá ở chùa Quan Âm rất phong phú, bao gồm nhiều loại hình khác nhau: bia đá, phù điêu đá, nghê đá, phù điêu đá. Mười ba tấm bia đá, ghi tháng ngày sửa chữa chùa. Các bia trán bia đều khắc hoạ hình lưỡng long chầu mặt nguyệt, phượng chầu mặt nguyệt, hai diềm khắc văn hồi, chữ “Vạn”, mặt kia trán và diềm chạm hoa văn, dưới là mặt nguyệt và mây chầu…
Bốn bức phù điêu đá đều tạc tượng các vị hậu trong tư thế ngồi xếp bằng, hai chồng lên nhau đặt trước bụng, toàn bộ dáng ngồi thật tự nhiên trong tư thế Thiền định, gương mặt tròn đầy, đôn hậu, gần gũi đời thường.
Hai chú nghê đá chầu ngoài tường rào cửa chùa. Đôi nghê được tạc tỷ mỷ, công phu chau chuốt, dáng thon, đầu to, mồm há rộng, hai mắt lồi, hai tai to, cong ra phía sau, tư thế nằm quay mặt vào nhau như đang trò chuyện trong im lặng. Không năm tháng.
Quan Âm tự thơm hương án gỗ sơn son thếp vàng, chạm trổ các đề tài truyền thống: tứ linh (long, ly, qui, phượng). Tứ quí (thông, trúc, cúc, mai).
Năm bức cửa võng lộng lẫy sơn son thếp vàng. Bức cửa võng lớn treo phía trên Tam bảo chạm trổ khá đẹp, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Phía trên cùng là đôi rồng chầu vào mặt trời được cách điệu mặt hổ phù, phía dưới bổ ô chạm tứ quí, chính giữa trang trí các hình đỉnh, lọ hoa sen, ống quyển. Bức cửa võng treo chính giữa bên trong chạm đề tài : “lưỡng long chầu nguyệt” cách điệu với cúc đại đoá tượng trưng cho mặt trời và hình rồng hoa dây. Đây là bức chạm thủng đẹp, các đường nét mềm mại, uyển chuyển, sinh động.
Những bức hoành phi, bộ tranh tứ quí, cuốn thư, câu đối, chữ vàng trên nền sơn đen… tất cả đều được tạo tác đẹp, sơn son thếp vàng, hiền hoà một không gian cổ kính, trang nghiêm, tài hoa, dân dã.
Những đồ thờ cúng bằng sứ: bát hương, chân đèn, lọ hoa, quả nước, mâm bồng, cây nến… sáng màu men trắng, men da lươn, men lam, vẽ hình rồng chầu mặt trời, lưỡng long triều nguyệt, gợi vẻ đẹp thân thương cuộc sống đời thường của cụ kỵ, tổ tiên.
Nhưng hiện trạng ngôi chùa sắp sập, nền nghiêng lún, cột gỗ mọt… Ngôi chùa nghèo, không có sư, một bà vãi tuổi gần chín mươi đã cùng dân làng sớm tối khói hương.
Một hôm, sư thầy Thích Minh Đăng về thăm chùa. Nhìn gương mặt nhà sư trẻ phúc hậu, thông thái, bà nói: “Nếu thầy có duyên thì sẽ về chùa”. Sau đó ít lâu, bà mất. Hai ngày sau khi vãi mất, thầy Thích Minh Đăng về trụ trì chùa Quan Âm như tiền định.
Nhà sư Thích Minh Đăng tuổi ba mươi, từng học Phật Pháp tại Pháp, Bỉ, học cao cấp giảng sư tại thành phố Hồ Chí Minh, về chùa Quan Âm đã làm sống lại ngôi chùa làng hồn Việt, dạy dân học Phật pháp một cách bài bản. Tìm mọi nguồn giúp đỡ tài chính sửa chữa chùa phong quang, nghiêm trang, nghi lễ. Tổ chức dân làng học Phật pháp, tọa Thiền, chăng đèn kết hoa đón mừng Phật Đản và đèn hương sớm tối nguyện cầu. Đặc biệt sư thầy Thích Minh Đăng thu hút trẻ em sinh hoạt Câu lạc bộ Hiếu Hạnh, dạy các em biết kính lễ Phật, chăm sóc hiếu thảo với ông bà, cha mẹ qua những bài giảng Phật pháp nhẹ nhàng, những trò chơi gia đình Phật tử, cắm trại… Câu lạc bộ Hiếu Hạnh mang tính giáo dục cao đã thức tỉnh tình yêu thương mẹ cha nơi tâm hồn non trẻ. Các em tự làm báo tường, những câu thơ khóc mẹ trào nước mắt: “Tuổi thơ con đứng trên đê gọi mẹ/ Dưới bãi sông có tiếng Mẹ ơi!”
Niềm tin tràn trong tôi khi nhận ra sư thầy Thích Minh Đăng đang nỗ lực mang tri thức uyên thâm của mình, xây dựng chùa Quan Âm, xây đắp hồn người dân quê, thấm tinh thần Từ, Bi, Hỷ, Xả của Phật và xây lại văn hóa chùa làng.
Quan Âm tự đang dần trở lại hồn mái chùa làng đúng nghĩa ngày xưa, vừa là nơi tụ hội tâm linh, vừa là mái trường dạy làm Người ngay từ tuổi ấu thơ.
Trước nguy cơ sụp đổ của chùa Quan Âm cổ kính sư thầy Thích Minh Đăng vô cùng lo lắng, vun đắp, thỉnh cầu những người có tấm lòng nhân đức cùng chung tay dựng lại chùa. Chờ Nhà nước cấp kinh phí thì quá lâu, e không kịp. Nhà sư Thích Minh Đăng tha thiết nhờ chúng tôi chứng giám lòng thành, tâm nguyện của sư và dân làng muốn tự thỉnh cầu sự giúp đỡ của thập phương.
Chúng tôi đã chứng kiến lòng thành, xin Phật tử mười phương ghé thăm Quan Âm tự, dâng kế cứu lại ngôi chùa làng Xuân Canh cổ kính của Thăng Long- Hà Nội.
Và chúng tôi nguyện cầu Quan Âm tự ngày nay, được trùng tu lại, giữ nguyên nét cổ kính xưa của ngôi chùa làng cổ với kiến trúc mẫu mực, như nó từng lộng lẫy, to đẹp, linh diệu, thánh thiện, u trầm của những thế kỷ XVII, XVIII.
Thế kỷ XXI. Những ngôi chùa Việt Nam được xây lại kiến trúc bề thế, với những ông Phật lớn. Nhưng hồn Việt vẫn nôn nao tìm về Ngôi chùa làng Việt cổ trong tiếng chuông thu không nhè nhẹ lá rụng chiều rơi, mà ký thác hồn mình:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
VI. Chùa làng Xuân Canh- Sáng đạo trong Đời:
Đêm trăng rằm. Ngày Phật Đản PL 2554 năm 2010.
Trở về chùa Quan Âm làng Xuân Canh, tôi ngỡ ngàng trước một không gian bừng sáng. Ánh sáng Phật pháp toả lan một vùng. Cờ phướn, hoa đăng, hoa trong lòng người, như những ngọn nến, lung linh dưới trăng mờ. Tôi theo dòng người từ Hà Nội, từ các làng quê đổ về, kéo dài hàng cây số trên đê sông Hồng, sông Đuống, hoan hỉ vào chùa.
Ba hồi trống Bát Nhã vang lên. Làng quê rạo rực. Hoa Sen nở ngát hương. Tâm người hướng Thiện. Lễ mừng Đức Phật ra đời.
Trên hai nghìn năm nay, Đức Thích Ca Mâu Ni là một bậc thầy cao quí, đã dạy con người biết cách sống Từ, Bi, Hỷ, Xả, để vượt qua bể khổ trầm luân. Ánh sáng Đức Phật thắp lên trong lòng người dân Việt, hướng ta sống theo đạo lý yêu thương và tỉnh thức, dẫn đến chấm dứt mọi khổ đau.
Đêm trăng mờ. Một nghìn ngọn hoa đăng sáng hình bông sen được hàng nghìn bàn tay truyền trao, thả xuống ao làng Xuân Canh. Sông Hồng, sông Đuống rì rào khúc ca dâng Phật, nghiêng chào mảnh đất Thăng Long nghìn tuổi, ngập tràn Ánh sáng Phật toả nghìn năm.
Tĩnh lặng thẳm sâu, giữa dòng người đông chật, tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp thánh thiện của dòng đời đêm Phật Đản nơi chùa làng Xuân Canh. Những cụ ông, cụ bà, nam, nữ, trẻ nhỏ, tay nâng ngọn hoa đăng, dâng nụ cười hàm tiếu. Nụ cười an lạc của Đức Phật trao truyền.
Một cụ bà hỏi tôi:
- Vị Thượng toạ gương mặt thánh thiện, dáng đĩnh đạc, an nhiên tự tại, vừa thả ngọn hoa đăng xuống ao làng là ai, mà tôi thấy quen quá.
Tôi trả lời:
- Thượng toạ Thích Thọ Lạc từ Tổ Đình Kim Liên, chùa Đồng Đắc, chùa Yên Phú sang. Chắc cụ nhìn thấy Thượng toạ trên ti- vi?
Bà cụ nói:
Không. Thượng toạ luôn sang chùa Quan Âm, làng Xuân Canh của chúng tôi.
Ánh sáng Phật huyền diệu tràn ngập, khi tôi biết nhà sư Thích Minh Đăng trẻ trung, tâm huyết, hết lòng mang Ánh sáng Phật pháp để gìn giữ, cứu lại ngôi chùa Quan Âm- làng Xuân Canh, mà tôi đã gửi niềm tin, lại là học trò của Thượng toạ Thích Thọ Lạc ở Học Viện Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy và trò giờ đây tay nắm tay giữa Đất- Trời Thăng Long- Hà Nội nghìn tuổi, cùng nhau xây đắp những ngôi chùa làng “Sáng Đạo trong Đời”.
Đêm trăng mờ. Chùa Quan Âm làng Xuân Canh hẻo lánh bên đê sông Hồng, sông Đuống, bừng sáng niềm an lạc. Đi trong Ánh sáng Thiền định, tôi nghe tiếng những nhà thông thái báo tin lành- Đức Phật ra đời: “Những điềm lành xuất hiện khắp nơi như vậy xưa nay thật hiếm có. Hôm nay là ngày trăng tròn tháng Tư, chắc chắn đây là một ngày đặc biệt”.
Đêm trăng mờ. Nứơc sông Hồng và sông Đuống mơ màng trôi. Dưới mái Tam quan Chùa Quan Âm, hồn tôi ngất ngây cảm xúc giao hoà cùng Ánh sáng Phật:
Chùa Quan Âm
Hai sông hoà nước một dòng
Chảy êm tĩnh lặng giữa lòng Thăng Long
Ao làng, giếng Phật trong ngần
Quan Âm vọng nguyệt ngân nga nhạc Thiền
Niềm vui ngào ngạt hương sen
Nụ cười hàm tiếu, dạt dào gió mây
Ba sinh ai dệt lụa đào
Cho mình gặp Phật hào quang sáng hồng
Đất- Trời- Tinh tú ca vang
Tình thương- Trí tuệ, thênh thang cõi Người.
(Mai Thục)