Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ







Trong một lần lên Pleiku bằng máy bay để đi Kontum; chúng tôi gồm có: Anh Nguyễn Thành Tấn, chị Trần Ngọc Hải và tôi: Hồ Thủy. Qua sự giới thiệu của chị Ngọc Hải; chúng tôi được biết và quen với Cha Đông vì chị Hải là người thân của Cha. Mặc dù thời gian ở gần Cha, tiếp xúc chuyện trò với Cha rất ít nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được đây chính là "thiên sứ của người nghèo khó, bệnh tật... " Và trong lòng chúng tôi đã có sự kính phục, yêu mến lẫn ngưỡng mộ Cha.

Chuyến đi Kontum của chúng tôi thành công ngoài sự mong ước khi được Cha đưa đi viếng Đức Mẹ Măng Đen, đây là lần đầu tiên chúng tôi được viếng Mẹ Măng Đen.

Trên quãng đường đi và về chúng tôi được nghe Cha kể rất nhiều chuyện, qua cách kể chuyện dí dỏm của Ngài chúng tôi không cảm thấy " đường đi sao mà xấu và xa quá".

Trước giờ ra phi trường để trở về Sài Gòn, tôi ngỏ ý với Cha là muốn được viết những câu chuyện vê công việc mà Cha đã và đang làm, mỗi câu chuyện là một truyện ngắn, rồi tôi sẽ làm thành một "tuyển tập truyện ngắn" với tựa đề là:"Mùa Đông ấm áp". Nghe tôi "xin" như vậy thì Cha lưỡng lự. Nhưng khi về Sài Gòn rồi; tôi cứ gọi điện thoại; rồi email cho Cha, nói chung là "lì lợm làm phiền Cha", cuối cùng thì Cha cũng đành phải đồng ý nên bảo thư ký của Cha gởi cho tôi tập tàì liệu " Những Điều Chia Sẻ mà Cha đã kể bằng lời trong thời gian Cha bị bệnh và đang dưỡng bệnh vào năm 2011, rồi từ những lời kể của Cha viên thư ký đã chuyển thể qua chữ viết. Cha căn dặn tôi là:" Chỉ đọc cho thỏa tính tò mò của con mà thôi".

Nhận được tập tài liệu này tôi rất mừng và đã in ra để đọc, càng đọc tôi càng xúc động, nhờ tập tài liệu này nên chúng tôi được biết về những công việc mà các vị Linh Mục Thừa Sai đã làm khi qua Việt Nam để rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho người Dân Tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Rồi bây giờ, qua cách sống hòa đồng, khiêm tốn của Cha đối với mọi người, cùng những công việc Cha đang làm cho người Dân Tộc nghèo khổ, bệnh tật, các thai nhi bị phá bỏ được Cha chôn cất... nhất là những người đang bị bệnh phong cùi, thì Cha đã và luôn noi theo tấm gương của các bậc thầy và các vị Thừa Sai đi trước...

Tôi rất xúc động vì những ưu tư khắc khoải của Cha về việc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chưa có một chương trình, một kế hoạch cụ thể nào được đưa để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu đến với mọi người, nhất là những người không Công Giáo. Cha đã trăn trở và ao ước về điều này rất nhiều.

Những điều Cha ao ước không phải là quá to lớn, hay khó khăn mà không thể thực hiện được, nhưng chỉ vì:

* Một cây làm chẳng lên non,

* Một con Én không thể làm nên mùa Xuân.

Nhất là Cha luôn tha thiết kêu gọi mọi người hãy biết Chạnh Lòng nghĩ đến người khác>

Trong tập "Những Điều Chia Sẻ" này Cha kể về những khó khăn, gian nan vất vả của các vị Thừa Sai, các Linh Mục, cũng như các Nữ Tu trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho người dân tộc thiểu số, những người ở các vùng xa xôi hẻo lánh, nhất là những việc mà các vị Thừa Sai, các Linh Mục, các tu sĩ, các nữ tu đã làm cho người dân tộc nghèo khổ, người bệnh tật phong cùi và cả những người bị tâm thần nữa... Cha Đông là người Đã, Đang và Sẽ còn tiếp tục với những công việc này.

Những lời tâm sự của Cha trong những ngày nằm bệnh viện mà tôi may mắn được đọc, ấy chính là cơ duyên của tôi... nên tôi cảm thấy mình cần phải làm công việc là: Từ lời kể của cha "để nghe" mà người thư ký đã chuyển thành những trang viết trên giấy. Nay tôi muốn viết thành một cuốn sách " để đọc".

Tập tài liệu : Những Điều Chia Sẻ của Cha đầy ý nghĩa, rất có giá trị về tinh thần. Cả ba chúng tôi là anh Nguyễn Thành Tấn, chị Trần Ngọc Hải và tôi; Hồ Thủy đều cùng chung một nhận xét về Cha như sau: Cha là một Sứ Giả của người Dân Tộc thiểu số, của những người nghèo khổ bệnh tật, những người khốn cùng, và tập Những Điều Chia Sẻ này chính là một Thông Điệp cần được phổ biến rộng rãi cho mọi người.

Khi tôi có ý định chuyển thể từ " văn nói để nghe" thành "văn viết để đọc " tôi có xin ý kiến của Cha, Ngài phân vân: "để Cha suy nghĩ xem có nên đồng ý cho con viết hay không? Bởi vì Cha ngại lắm nếu... nói về mình; hay... được người khác viết về mình". Nhưng vì tôi năn nỉ mãi nên cuối củng thì Cha cũng ... Chạnh Lòng... tuy nhiên Cha bảo tôi là phải giử nguyên ý, kể cả từng câu, từng chữ cũng không được khác với tập tài liệu của cha, đồng thời Cha cũng không muốn đề tên Cha là tác giả. Tôi biết Cha sợ tôi sẽ "múa bút quá tay"... nên Ngài mới dặn dò như thế. Với Những Điều Chia Sẻ của Cha thì tôi chỉ là người chuyển thể và trình bày phần hình thức.

Tôi rất vui với công việc này, tôi cũng mong rằng sau khi chuyển thể xong và in thành sách, rồi từ cuốn Sách này sẽ truyền tải tới con tim mọi người, để có thật nhiều người biết đến những người nghèo khổ; bệnh tật cần giúp đở, cũng như những người chưa biết đến Tin Mừng của Chúa, những người Dân tộc thiểu số đang sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh; những người bệnh phong cùi... đang rất cần đến chúng ta, mà cha Đông là người đã lo cho họ từ mấy chục năm nay và Ngài vẫn còn đang lo..

.

Những người nghèo khó, khốn khổ bệnh tật, nhất là những người bị bệnh phong cùi đang có rất nhiều ở quanh ta, họ rất cần đến sự chung tay, chung lòng và góp sức của chúng ta.

Sáng Chúa Nhật khi chúng tôi dự Thánh Lễ ở nhà thờ Thăng Thiên, cha Đông đã giảng một bài giảng làm chúng tôi vô cùng xúc động, nhất là khi Cha nói đến hai chữ Chạnh Lòng. Chỉ có hai chữ Chạnh lòng thôi nhưng mà thật đầy đủ ý nghĩa.

text-decoration:none;color:#333333">Với cảm nhận của chúng tôi thì cha Đông là một tấm gương sáng để chúng ta học hỏi và noi theo.

Cuốn sách này là cả tâm huyết của tôi; dù tôi chỉ làm công việc biên tập mà thôi.

Biên tập: Hồ Thủy




1 .

ĐỜI NGƯỜI VẮN VỎI

TÔI RONG CHƠI GIỮA ĐỜI BIẾT ĐÂU NGUỒN CỘI


Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui,

Những ngày vui sao lại thấy bùi ngùi...


(Tế Hanh).


Năm nay 2011, tôi được tròn 70 tuổi; nếu tính theo kiểu của mẹ tôi thì năm nay tôi 71 tuổi, bởi vì cả 9 tháng ở trong bụng mẹ nữa. Tôi sinh ngày 24 tháng 3 năm 1941 theo giấy rửa tội, nhưng mà nếu đi tu thì bắt đầu từ 12 tuổi; mà lúc đó tôi được 14 tuổi cho nên phải làm giấy khai sinh lại, hạ năm sinh của tôi xuống là 1943 theo giấy tờ. Tôi tên là Nguyễn Vân Đông, tôi cũng không hiểu tại sao không phải là Nguyễn văn mà là Nguyễn Vân. Có lẽ khi làm lại giấy tờ thì người ta để cái tên như thế, và bây giờ mãi mãi tôi là Nguyễn Vân Đông, những người nào không thân thiết thì người ta đề là Nguyễn văn Đông, mỗi lần tôi đi bưu điện để nhận tiền thì người ta phải hỏi lại người gởi để sửa cho đúng là Nguyễn vân Đông, lúc đó người ta mới cho tôi nhận tiền.

Quê tôi ở Bình Định, một xứ đạo kỳ cựu của Giáo Phận Qui Nhơn là xứ Nhà Đá, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Nhà Đá không phải là nhà tù, mà Nhà Đá là một cái nhà thờ làm toàn bằng đá ong ở Biên Hòa.

Tôi lớn lên ở đồng quê, từ nhỏ tôi không được đi học cấp Tiểu Học, học hành ít hơn đi chăn bò. Mỗi khi muốn học thì phải dở cơm (mang cơm theo) tới nhà một người nào đó, như thầy Biên chẳng hạn để mà học cho biết cái chữ, học được biết cộng, trừ, nhân, chia và chưa bao giờ tôi được học cấp một như các em bây giờ.

Khi tôi 14 tuổi thì có một cha của địa phận Kontum, quê cũng ở nhà Đá, chịu chức năm 1953, là khoảng thời gian mà Bình Định nằm trong vùng kháng chiến (1945- 1954) và là vùng Việt Minh, nên cha đó không thể về gia đình để Vinh Qui Bái Tổ được, cho đến khi chính thể Đệ Nhất Cộng Hòa của ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền vào năm 1955 thì Ngài mới về. Ngài là Linh Mục Nguyễn Thúc Nên ( bây giờ hưu ở Tòa Giám Mục Kontum). Sáng nào tôi cũng đi giúp lễ cho Ngài, hồi đó không có lễ đồng tế cho nên các Cha khách tới thì làm lễ ở bàn thờ bên cạnh.

Rồi một ngày nọ Ngài hỏi tôi:

- Con có muốn đi tu không? Đi tu ở Kontum.

Tôi cũng chả biết Kontum là ở cái chỗ nào. Ngày xưa mỗi lần tôi ở chỗ nhà mình thấy trên núi nó cháy thì tôi hay nói:" Núi cháy mọi chạy ngay đuôi".

Tôi trả lời ngay là tôi muốn đi Kontum; bởi vì đi Kontum thì tôi mới được dịp đi ôtô... Từ lúc nhỏ cho đến khi đó chưa bao giờ tôi được đi ôtô, cùng lắm tôi theo mẹ đi xe kéo, có người kéo chạy... còn nhanh hơn nữa là đi xe ngựa, đi xe ngựa thì 7 hoặc 8 người. Nhưng mà nếu đi xa thì đi ôtô. Tôi đồng ý đi Kontum ngay. Vì thế cuộc đời đi tu của tôi bắt đầu từ đó.

Khoảng cuối tháng 8 năm 1955 thì tôi lên Kontum. Tôi nhớ khóa tựu trường năm đó bắt đầu học là vào ngày 16 tháng 8 sau kỳ thi, cho nên để thi vào Chủng Viện thì tôi thi có một mình.

Lần đầu tiên tôi gặp một người Pháp là Đức Giám Mục Kontum. Sau này tôi rất yêu mến Ngài. Cha Nên dẫn tôi lên gặp Ngài, Ngài ôm tôi (mà ở quê Bình Định của tôi chống Pháp, tôi cũng nghĩ người Pháp là thế này thế nọ).

Ngài hỏi tôi bằng tiếng Việt mà giọng lơ lớ:

- Nhà con có mấy anh em ruột?

Tôi nghe không rõ, tôi tưởng hỏi "Nhà con có mấy đám ruộng"? Tôi trả lời với Ngài là:

- Con không biết nhà con có mấy đám ruộng.

Ngài bảo:

- Hỏi anh em ruột chớ hỏi ruộng làm gì?

- Hỏi anh em ruột thì con biết.

* Nhà tôi có tất cả là 8 anh em, 5 trai và 3 gái.

Và Ngài bảo các Cha ra bài thi cho tôi. Bài thi gồm có một bài luận văn (tôi chưa bao giờ làm luận văn) kể cuộc hành trình từ Bình Định lên tới Kontum, tôi cũng không biết làm cách nào để kể, nhưng mà tôi biết chắc chắn rằng tôi nói giọng Bình Định, mà có kể thì cũng không được bao nhiêu. Tôi đã làm bài luận văn như thế này: "Ngồi trong xe dòm ra ngoài thấy xe nó chạy, thấy cây nó chạy ngược hết". Rồi thì tôi làm 1, 2 bài toán đố, tôi cũng chưa bao giờ làm toán đố lần nào cả cho nên tôi cũng không biết phải làm sao, tôi làm được nữa bài đầu tiên: cộng trừ nhân chia gì đó, rồi sau đó làm 10 chữ tiếng Pháp. Qủa thật là tôi không biết một chữ tiếng Pháp nào... nhưng mà may phước có một chữ, ấy là tôi có một đồng xu để thắt kiện, có một cái lông gà để đá kiện, một bên có chữ Le Sou (là đồng xu), một bên có chữ đồng xu nên tôi làm được một chữ là "Le Sou". Và kết quả là các bài thi của tôi không đủ điểm vào Chủng Viện Kontum.

Nhưng để về đến Bình Định thì phải có người lớn dẫn tôi về. Mà hồi đó đi từ Bình Định lên tới Kontum là phải đi 2 ngày, bởi vì có mấy cái cầu trong thời kháng chiến bị sập cho nên khi qua bên kia phải chuyển xe để đi xe khác, nhất là cầu Hang Dơi trên đèo An Khê thì phải chuyển xe, rồi phải đi bộ một đoạn mới tới An Khê, tới An Khê là hết một ngày. Bây giờ đi chỉ có một tiếng rưỡi đồng hồ thôi là tới An Khê rồi.

Tôi nhớ khi tôi lên tới Kontum là vào buổi tối (cuối tháng 8-1955). Trời ơi! Ban đêm từ An Khê lên tới Kontum, lần đầu tiên tôi thấy bóng điện. Lạ lùng quá! Lạ lùng hết sức đối với tôi và tôi thấy các bạn của tôi nó rờ vô cái vách là tắt, mà rờ lại ở đó thì nó sáng. Tôi cũng không hiểu là thế nào, ăn cơm tối xong tôi lén lên gác, tôi rờ thì nó không có sáng. Sau này mới biết là phải vặn và vặn tròn thì nó mới sáng hoặc là nó mới tắt được.

Lần đầu tiên tôi lên hỏi một Cha già:

- Chớ con "đi gò " thì đi ở chỗ nào?

Cha già chỉ cho tôi vào một cái nhà có mấy cái phòng, tôi thấy cái chỗ đó (bây giờ cũng còn trong Chủng Viện Kontum), có cái chữ W và chữ C, tôi chả biết đó là chữ gì, tôi vào trong phòng đó, nó bốc ra một cái mùi giống... và có một cái lổ có nước. Tôi cũng chả biết phải làm thế nào mà "đi gò" ở đó. Tôi bèn nghĩ tới cái vườn ở Chủng Viện, nó là cái rừng không, đi gò ở đó thì sướng hơn nhưng mà dù sao tôi cũng hỏi Cha già:

- Làm thế nào để đi gò trong cái chỗ đó?

Thì Ngài mới chỉ cho tôi biết là phải đi như thế nào... thế nào... Lần đầu tiên ở tuổi 14 tôi mới biết "đi gò" một cách khoa học là như vậy đó.

Đi chăn bò tôi đi chân không, tôi thương bò hơn là yêu mến việc học hành. Bò của tôi, tôi nhớ tên hết: con bò Pháo, con bò Nu, con bò Mẫm, con bò Bét, con bò Kiệu... và con nào tôi cũng chăm sóc kỹ lưỡng.

Trời ơi! 14 tuổi mà tôi chưa bao giờ đi dép... vì tôi quen đi chân không. Cha tôi mua cho một đôi dép "bình trị thiên", tôi nhớ bạc tín phiếu lúc đó là 500.000 đồng. Tôi sợ mang nó mòn nên tôi bỏ vô trong cái rương, chừng đi lễ tôi mang vào. Lần đầu tiên tôi mang đôi dép râu vô đi lễ, các bạn của tôi ngó xuống chân tôi, chúng nó cười kêu tôi là: "ông việt minh con...ông việt minh con", làm tôi cũng mắc cở.

Rồi ông Cha già Nhạn cho tôi một đôi sandal. Trời ơi! Tôi xỏ chân vô mà nó rộng thênh thang, chắc là bơi trong đó cũng được nữa, nhưng mà nó không phải là chiếc dép "râu" cho nên... thôi thì trông nó cũng dễ coi.

Lần đầu tiên tôi mới thấy cái bánh mì. Sáng các bạn của tôi ăn bánh mì có pho mát nữa. Tôi ở nhà chỉ có ăn bánh tráng Bình Định thôi, cho nên tôi thấy người ta lấy bánh mì bỏ pho mát vô ăn, tôi cũng làm vậy, nhưng mà... trời ơi! nó thúi quá tôi ăn không được, tôi bèn bỏ miếng pho mát ra ngoài rồi đổ nước mắm vô bánh mì mà ăn. Các bạn tôi ngạc nhiên lắm.

Và khi Chủng Viện quyết định là tôi phải đi về, tôi cũng không lấy gì làm quan trọng , chỉ đợi người lớn dẫn về: "tôi về thì về". Những ngày đó tôi đi thu lượm những cái chai bằng thủy tinh, vì ở Bình Định quê tôi không có những cái chai như thế cho nên tôi thu, góp thật nhiều, định về cho cha tôi. Nhà tôi chỉ có một chiếc xe đạp, mà xe đạp đó nó cũ lắm rồi, tôi thấy trên Kontum xe đạp nào cũng có gắn một cái chuông, bóp nó kêu "cưng cưng". Tôi thích lắm bèn xin ông Cha già Nhạn cho tôi một cái chuông xe đạp. Ngài bằng lòng cho tôi một cái, tôi để dành cái chuông đó, tối tối tôi trùm mền lại rồi bóp cái chuông, nó kêu "cưng cưng" làm tôi vui lắm. Trù tính để đem về cho cha tôi.

Nhưng tôi lại có cái tính ưa tò mò. Trong Chủng Viện thì các Linh Mục là người Pháp hết - thuộc Hội Thừa Sai Paris - tôi nhớ có cha Décrouille (cố Tôn), cha Lantrade (cố Lãng), cha René Thomann (cố Mẫn). Tôi hay chui vô phòng của các Cha để xem mà không biết gõ cửa. Tôi coi người ta cạo râu, mấy ông Cha đuổi tôi ra ngoài và rồi các Cha cũng có ý kiến với Cha bề trên René Thomann về tôi thế này thế nọ.

Cha René Thomann hỏi tôi:

- Con có muốn học không?

Tôi trả lời:

- Con muốn học.

Tôi nhớ đó là đầu tháng 9 năm 1955. Cha René Thomann cho tôi một cuốn sách bằng tiếng Pháp, thêm mấy cuốn vở, rồi sách giáo lý và một cây bút. Tôi hỏi:

- Có cây bút mà có bình mực không?

Ngài cười bảo cái bút nầy mình bơm mực vô chỗ này... chỗ này rồi mình viết là khỏi cần bình mực. Lần đầu tiên tôi thấy một cuốn tập mà giấy nó lại trắng như thế. Ở dưới vùng quê của tôi là giấy Việt Thắng, nó hâm hẫm, viết bút mực dễ bị nhòe. Còn giấy này thì... ôi chu cha! Nó đẹp ơi là đẹp.

Rồi các bạn học, tôi cũng học. Tôi nhớ lớp tôi lúc đó là bốn mươi bảy người. Ngày nào làm bài thì tôi cũng làm bài, ngày nào học thì tôi cũng học và cuối tháng đó, trời ơi! Tôi đứng cao hơn hai người trong lớp, mà hai người đó đã thi đậu vào Chủng Viện. Cuối tháng 9 thì nhà trường quyết định cho tôi được ở lại tu.

Tôi thản nhiên không buồn cũng không vui.

Nhưng tôi không có đồng phục của nhà trường, tôi chỉ có áo dài đen với quần bà ba trắng mà thôi. Đồng phục ngày Chúa Nhật của nhà trường là áo sơ mi trắng với quần Pantalon trắng. Thế rồi khi quyết định như vậy thì nhà trường mới may đồ cho tôi. Chu cha ơi! Lần đầu tiên được bận đồ Tây, tôi thấy mình cũng đẹp! Ở Bình Định thời đó thì mọi người chỉ mặc vải ta mà thôi (vải thô, vải tám ú), và tất cả vải thì phải nhuộm đen bằng cách ngâm vải trong nước lá bàng nấu sôi, rồi sau đó ngâm lại trong bùn để nó thành màu đen. Ở trong quê tôi từ năm 1945-1954 là vùng kháng chiến chống Pháp, máy bay thả bom luôn nên chỉ được mặc đồ đen, đồ xám mà thôi, mặc đồ này khi gặp nước nó sẽ ra màu dữ dội lắm. Một bữa kia, lần đầu tiên tôi mặc bộ đồng phục màu trắng, bên trong tôi bận cái quần vải ta nhuộm đen. Nên khi đi chơi dọc đường về thì trời mưa to, cái quần xà lỏn đó nó ra nước, thấm qua cái quần Pantalon trắng của tôi. Các bạn chúng nó cười tôi. Chu cha ơi! Tôi khóc suốt một buổi chiều luôn, bởi vì tôi chỉ có một cái quần đồng phục đó mà thôi.

Như thế là tôi bắt đầu đi tu, tôi cố gắng học nên việc học của tôi nó cũng tiến bộ lên dần dần.

Nhà trường cho tôi biết là cuối năm tôi phải đi thi để lấy bằng Tiểu Học, vì có bằng Tiểu Học rồi tôi mới có thể học tiếp lên lớp trên cao hơn nữa... Hồi đó tôi cũng chả biết cái bằng Tiểu Học là cái bằng gì? Nhưng mà tôi cũng quyết tâm đi thi Tiểu Học cho nó đậu.

Tết đầu tiên tôi không được về nhà, bởi vì nhà tôi xa quá không có ai dẫn về cho nên tôi ở lại ăn Tết trong nhà trường, Cha bề trên René Thomann Ngài cũng thương tôi, Ngài bảo các bạn ở Kontum:

- Tết thì vô chơi cho nó vui.

Lần đầu tiên các cha Thừa Sai cho tôi pháo đốt. Chu cha ơi!... Tôi đốt pháo mà vui hết sức vui, các bạn của tôi cũng đốt pháo ném nhau chơi vui lắm. Đứa nào cũng được mặc đồ mới hết: một cái quần và một cái áo bà ba trắng có túi đàng hoàng. Thế rồi ba đứa tụi tôi thấy một bãi cứt bò, nó “ấy” ngay trước Chủng Viện. Tôi thì quen cái đó rồi thành ra tôi quì xuống cắm viên pháo vô đó. Ba đứa kia chằm hăm ngó, viên pháo bị đốt nó nổ cái "phạch", chu cha nó văng phân bò tùm lum lên mặt, lên áo. Các cha Thừa Sai đứng trên lan can nhìn xuống, các Cha cười tụi tôi quá chừng quá đổi.

Cha bề trên nói với chúng tôi:

- Chưa bao giờ Cha được " ăn" tết ở Việt Nam mà vui như vậy đâu.

Thế là các Cha cho chúng tôi pháo để đốt tiếp.

Năm đầu tiên tôi đi tu là như thế.

Rồi thì cuối năm tôi thi Tiểu Học, ngôi trường mà tôi đi thi tên là Trường Tiểu Học Ngô Đình Khôi ( bây giờ là chợ Kontum). Khi có kết quả thì người ta "alô" tên thí sinh, rồi hô phiếu báo danh số mấy... tôi đứng trên cái bàn để chờ nghe "alô" tên mình. Chu cha ơi! Tôi đậu Tiểu Học thì tôi mừng gì mà mừng... đang đứng trên bàn tôi nhảy nhanh xuống để chạy về. Nhưng trên bàn có một cái đinh, nó kéo rách cái quần của tôi từ dưới lên trên mà tôi cũng không biết, khi về tới trước Chủng Viện là cái đồi, tôi cảm thấy chân nó lạnh lạnh, tôi liền ngó xuống, "Trời!... Cái quần của mình nó rách hồi nào mình cũng không biết nữa". Tôi về khoe với cha bề trên:

- Con đậu rồi cha ơi... mà con bị rách cái quần.

Cha bề trên cũng rất mừng khi biết tôi thi đậu Tiểu Học để có thể học tiếp nữa.

Và tôi bắt đầu năm đầu tiên ở Chủng Viện là như thế. Đó là năm 1955-1956.

Tới kỳ nghỉ hè tôi về thăm quê nhà, tự nhiên tôi cảm thấy mình cao hơn và oai hơn.

Và Chúa đã gọi tôi sau đuôi những con bò.

Cũng vào năm 1955 thì Đức Cha mở trường và mời các Sư Huynh dòng Lasan lên dạy. Chúng tôi vừa học trong Chủng Viện, mà Trường Lasan ở gần Chủng Viện cho nên chúng tôi cũng qua học ở bên trường Lasan, nhưng lớp của tôi chỉ học tiếng Pháp ở bên đó, còn các môn khác thì học ở nhà.

Cho tới năm 1959, lúc bấy giờ Chủng Viện mỗi năm đều có tuyển chủng sinh. Nhất là các trại di cư ngoài Bắc vào sinh sống ở vùng Ban Mê Thuộc, tỉnh Đăk Lăk bây giờ, thì chủng sinh ngày càng đông. Thế nên nhà trường muốn tuyển một số học sinh đi học chương trình Pháp, và tôi là một trong số mười ba người được tuyển đi học ở Dòng Phanxicô -Thủ Đức. Học viện đó học chương trình Pháp. Tôi đã học ở dòng Phanxicô từ năm 1959 cho tới năm 1964 và thi đậu tú tài Pháp, sau đó nhà Dòng tổ chức cho các chủng sinh thi tú tài Việt và tôi cũng may mắn thi đậu.

Khi tôi về trình diện với Đức Cha Kontum thì Ngài nói:

- Bây giờ con có bằng tú tài rồi, tú tài Pháp có, tú tài Việt cũng có. Con hãy suy nghĩ cho kỷ... như con đã biết Kontum là tận cùng thế giới. Nếu con làm Linh Mục ở Paris thì con chỉ cần dạy giáo lý cho tốt, rồi con có thể đi thăm mục vụ, con có thể làm các phép Bí Tích cho mọi người... như vậy là cũng được rồi, còn như mà con muốn làm Linh Mục ở Kontum thì ngoài những việc đó ra, con còn phải biết cho người nghèo thuốc khi bị bệnh, con phải biết sửa xe đạp cho dân làng, phải biết quay cho máy điện nổ rồi con còn phải biết... đỡ đẻ nữa.

Tôi nghe nói mà cảm thấy mắc cười, nhưng quả thật là như thế, và tôi vẫn quyết tâm đi tu làm Linh Mục địa phận Kontum, vì từ những năm 1955 đến 1959 tôi đã rất thích núi rừng Kontum, tôi cũng rất thích đời sống đơn sơ mộc mạc, chất phác của người dân tộc, nhất là khi ở trong Chủng Viện cũng có một số anh em là người dân tộc.

Khi tôi quyết định đi tu ở địa phận Kontum thì Đức Cha giới thiệu cho tôi đi tĩnh tâm một tuần tại dòng Mỹ Ca ở Ba Ngòi - Cam Ranh. Sau khi tĩnh tâm về tôi vẫn nhất quyết đi tu ở địa phận Kontum.

Ngài sai tôi đi dạy học tại Chủng Viện Kontum niên khóa 1964-1965. Kỳ nghỉ hè 1965 Ngài lại giới thiệu tôi đi tĩnh tâm ở Dòng Thiên An - Huế- để xác định lại ơn kêu gọi của mình, tôi nhớ ở đó tĩnh tâm thì rất yên tĩnh, trong Dòng có một vườn cam trái rất ngọt và tôi đã từng được thưởng thức.

Lần tĩnh tâm này về tôi vẫn xác định với Ngài là tôi đi tu ở Kontum.

Ngài lại bảo tôi:

- Con phải đi dạy học nữa!

Tôi thưa với Ngài:

- Con còn trẻ... Đức Cha cho con đi Chủng Viện đi... chớ Đức Cha cho con đi dạy miết vậy?

Ngài bảo:

- Cứ đi dạy đi...

Sau đó Ngài hỏi:

- Con quyết tâm đi tu, vậy con có áo Dòng chưa?

Tôi nói:

- Áo Dòng con may, nay mai thì có chứ khó gì đâu.

Ngài lại cho tôi đi dạy học một tháng nữa. Rồi Ngài bảo:

- Con chuẩn bị lên học ở Giáo Hoàng Học Viện trên Đà Lạt.

Tôi đã lên học ở Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt 8 năm.

Năm 1972 tôi được thụ phong Linh Mục.

Ở Đà Lạt có hai nhà chủng viện Kontum ( vì lúc đó tỉnh Kontum bị chiến tranh ) một nhà gọi là Chủng Viện Kontum Anh ( CVK anh), học cấp III, các chủng sinh đi học ở trường Adran, còn một nhà nữa gọi là Chủng Viện Kontum Em (CVK em) dành cho chủng sinh cấp II. Nhà này Đức Cha mượn của Dòng Chúa Cứu Thế - ở đồi Tùng Lâm- Đà Lạt. Hai ngôi nhà này bây giờ Nhà Nước sử dụng hết rồi. Thế rồi Đức Cha sai tôi qua ở bên nhà CVK anh để dạy học, làm quản lý, làm linh hướng bởi vì trong nhà có mười một giáo sư nhưng chỉ có hai giáo sư là người Việt mà thôi.

Tôi ở đó cho đến năm 1975 thì đất nước xảy ra biến cố lớn, mọi người đều di tản, Chủng Viện của chúng tôi cũng bị giải tán chạy về Sài Gòn.

Tháng 5 năm 1975 lúc tôi đang phục vụ ở giáo xứ Thị Nghè thì Đức Cha nhắn với tôi:

- Cha về ngay Kontum, đừng có ghé Đà Lạt nữa.

Ngày 19 tháng 5 năm 1975 tôi về tới Kontum, Đức Cha rất vui mừng khi gặp tôi và Ngài bảo:

- Cha hãy chờ ở đây và chúng ta sẽ tìm cách gom anh em mình lại.

Năm 1972 Chủng Viện Kontum bị hư hại nặng, nhưng trong 3 năm, từ năm 1972-1975 Đức Cha đã cho tu sửa lại rất đẹp như chúng ta thấy bây giờ, Ngài quyết định sẽ mở Đại Chủng Viện tại Kontum.

Khoảng tháng 8 năm 1975. Cha Giuse Bùi Đức Vượng lên làm cha bề trên của chủng viện, còn tôi thì vừa làm quản lý vừa dạy môn Kinh Thánh, có thêm cha Giuse Hiệu, cha Luca Bùi Thủ, cha Phanxicô Phạm Hữu Thế làm giáo sư, dĩ nhiên là có Đức Cha Alexi Phạm Văn Lộc... chúng tôi cùng làm việc với nhau và rất yêu thương nhau. Tôi biết cái gì tôi dạy cái đó, và các vị khác có lẽ cũng như thế!

Anh em chủng sinh học mỗi ngày một buổi, thời gian còn lại thì đi làm mướn, làm cỏ lúa, làm cỏ đậu phộng và làm bất cứ cái gì có thể làm được...

Tháng 8-1976 thì Chủng Viện bị đóng cửa hoàn toàn nên không còn một chủng sinh nào, và vì thế mà tôi bắt đầu làm quản lý ở Tòa Giám Mục.

Quản lý thời bấy giờ thì chỉ có nuôi heo, nuôi bò bán nghĩa vụ cho Nhà Nước, rồi làm ruộng, làm rẫy... Những năm đó là những năm vất vả, ăn cơm lúc nào cũng có ghé (độn) mì. Cho nên chúng tôi thấy những ngày, những năm tháng đó đúng là: Những ngày buồn nghĩ lại thấy vui vui. Mình thiếu thốn nhưng mình thấy trong lòng rất vui.

Cứ như thế cho đến năm 1983 thì tôi bị kiệt sức. Tôi đã khóc rất nhiều khi có lệnh phải giải tán Chủng Viện Kontum. Trước đó mấy ngày thì Cha giám đốc Chủng Viện bị bắt, tôi có cảm giác chới với, hụt hẫng như mình bị mất đi cái gì quí giá nhất. Trong nhà có 70 chủng sinh, điều làm cho tôi lo lắng là tiền cho các chủng sinh làm lộ phí đi về cũng không có. Tôi tự hỏi: "không biết ý Chúa như thế nào" ? Anh em chủng sinh đều ở xa, nào là Ban Mê Thuột, nào là Nha Trang, rồi Sài Gòn... Nhưng bây giờ nghĩ lại thì tôi thấy rằng Chúa đã sắp xếp hết mọi việc: khi giáo dân người này dấm dúi cho ít tiền, người khác cũng dấm dúi cho ít tiền, cuối cùng thì cũng giải quyết được việc cho các anh em chủng sinh về. Một số anh em ra nước ngoài và sau này trong số anh em đó, có những người đã trở thành Linh Mục như: cha Tiến ở Đài Loan, cha Lê Văn Thắng ở Hồng Kông, cha Thạch ở Mỹ, cha Giảng và cha Đích ở Singapo, cha Hải ở Australia, cha Thân ở Canada...Một số anh em khác thì về nhập Địa Phận nơi địa phương của mình. Cuối cùng ở lại Chủng Viện có cha Hiệu và tôi, còn có 8 con bò, nhiều con heo, một chuồng thỏ, mấy bầy gà, ngỗng, vịt nữa, rồi lại có một vườn rau xanh...như vậy mới thấy được là các thầy đã làm việc rất siêng năng và giỏi giang. Địa phận Kontum chúng tôi không có nhiều ơn gọi như các địa phận khác. Lý do: Kontum chúng tôi là một địa phận mà đa số giáo dân là người thuộc các sắc tộc thiểu số, không có điều kiện học hành như mọi người. Hiện bây giờ thì địa phận Kontum có khoảng gần 250.000 giáo dân, Linh Mục chúng tôi thì chỉ trên dưới 70 người. Trong khi Địa Phận Huế trên dưới 70.000 giáo dân thôi mà đã có cả trăm Linh Mục. Địa phận Qui Nhơn cũng thế, khoảng 70.000 giáo dân mà cũng có cả trăm Linh Mục.

Chúng tôi có gần 250.000 giáo dân, và trong 26 địa phận ở Việt Nam thì giáo dân người dân tộc là đông nhất, với khoảng 150.000 người, lại có 7 thứ tiếng khác nhau, và vì thế mà công việc của các Linh Mục trong Giáo Phận rất vất vả và gặp nhiều khó khăn. Các Linh Mục phải học các thứ tiếng dân tộc, cũng có Linh Mục học được vài thứ tiếng, thế nên việc thuyên chuyển Linh Mục từ vùng này sang vùng khác cũng là một vấn đề không mấy dễ dàng đối với các Linh Mục trong Địa Phận Kontum.

Người kinh trong địa phận chúng tôi có không tới 90.000 người, nhưng mà nói đủ thứ giọng: từ giọng Bắc, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... trong nhà thờ người kinh không thôi cũng đã khó đọc kinh chung với nhau rồi, nếu người Bắc xướng kinh thì người Quảng Ngãi chịu thua, mà người Quảng Ngãi xướng kinh thì người Bắc cũng không đọc được, cho nên chúng tôi cũng khá vất vả trong vấn đề mục vụ và luôn cả vấn đề phụng vụ. Một cuốn lịch mà đưa về Qui Nhơn thì chỉ việc bán cho giáo dân, còn ở Kontum thì chúng tôi phải dịch ra tiếng Bahnar, rồi tiếng Jarai...v.v... Đó là cả một sự cố gắng của địa phận Kontum. Kể từ năm 1975, thì chúng tôi bắt đầu cảm thấy thật khó khăn, nhưng dần dà thì nhà nước cũng có phần nào đổi mới về các chính sách đối với các tôn giáo. Có một Linh Mục đã chia sẻ:" thời bao cấp thì làm việc khỏe hơn nhiều, bởi vì không được đi làm lễ và ban các phép bí tích!”

Những năm tôi làm quản lý Tòa Giám Mục, ở đây thiếu thốn về mọi mặt. Thời kỳ còn ở Chủng Viện, từ năm 1975 - 1976, có 70 chủng sinh nhưng lại không có một hột lúa, hay một viên thuốc nào. Mọi người đều phải đi làm thuê làm mướn. Tôi nhớ có một lần chúng tôi đi làm mướn, người ta trả công cho chúng tôi một bao đậu phộng. Số đậu phộng đó nếu như tôi là người biết tính toán một chút - vì tôi là quản lý Chủng Viện mà - thì tôi sẽ bảo đem phơi khô rồi làm muối đậu phộng để dành trong nhà ăn từ từ cho nó đở, bởi vì chúng tôi ăn uống rất là thiếu thốn kham khổ, nào là ăn các thứ rau tập tàng, rồi mắm... còn nước mắm thì pha thêm nước muối vào, nếu nhỏ lên bàn một giọt nước mắm đó, đến chiều nó lại thành một giọt muối.

Không hiểu sao hôm đó tôi thèm ăn đậu phộng luộc quá chừng, cho nên tôi nói với thầy quản lý:

- Thôi, mình đừng có nấu cơm, mình luộc hết đậu phộng rồi cho mỗi bàn một thố.

Chiều hôm đó chúng tôi ăn toàn là đậu phộng luộc... trời ơi! Sao mà nó ngon thật là ngon, ai cũng ăn sạch bách luôn. Nhưng tôi lại không biết một điều là: vì lâu ngày (tôi nhớ đó là tháng 9- 1975) không có chất béo trong ruột cho nên tối hôm đó tự nhiên tôi cảm thấy đau bụng hết sức, còn muốn đi tiêu nữa... tôi chạy ngay xuống nhà tiêu thì... trời ơi! Trong nhà tiêu đầy người, kẻ thì ở trong, người thì ở ngoài chờ, tôi thấy cha giám đốc cũng đau bụng nữa, người ta chọc tôi: "mê ăn mà ra cả". Tôi bỗng nảy ra một sáng kiến là:

- Sao chúng ta phải chờ như vậy? Chúng ta ra vườn đi... vườn chúng ta rộng mà!

Mọi người đều ra vườn một cách vui vẻ. Tối đó vì chúng tôi không có được một viên thuốc nào, nên các sơ Phaolô mới nghĩ ra một cách là lấy lá ổi đem nấu chín, lá ổi thì có vị chát, mỗi người uống một ly nó cũng đở. Sáng bữa sau dậy đi lễ tôi thấy mắt của Cha bề trên trỏm lơ, và mắt người nào cũng trỏm lơ hết trơn. Chu cha! Nghĩ mình cũng dại thật, nếu mà mình làm muối đậu phộng ăn thì tốt hơn nhiều.

Những năm đó thật là vất vả, đi mua một chai thuốc đỏ mà thôi cũng phải chờ đến cả tiếng đồng hồ, khi gần tới phiên mình thì họ kéo cửa cái rụp rồi lạnh lùng nói:

- Hết giờ...

Thế là lủi thủi đi về, vừa đi mà trong bụng vừa ấm ức tức tối, miệng thì lẩm bẩm cằn nhằn...

Cũng vào những năm đó vì chúng tôi không có hộ khẩu cho nên không được mua vải, ai có hộ khẩu thì mỗi năm một người được mua 1m vải.

Tới tháng 8 khi có quyết định phải giải tán Chủng Viện, điều này làm chúng tôi nghẹn ngào, đắng lòng và đắng miệng...

* 13-6-1976: Cha giám đốc Chủng Viện bị đưa đi cải tạo.

* 8-8-1976: Có quyết định giải tán Chủng Viện và tôi được chỉ định làm giám đốc Chủng Viện.

* 25-8-1976: Không còn một chủng sinh nào được phép ở lại Chủng Viện.

Đây là những tháng ngày u ám nhất đối với chúng tôi. Tôi cảm thấy rất đau khổ và trong khoảng thời gian này tôi cũng đã khóc rất nhiều.

Kể từ năm 1976 tới năm 1983 tôi làm quản lý cho tòa Giám Mục.

Trong 7 năm ấy tôi đã làm đủ thứ nghề bất đắc dĩ như: làm lúa, trồng mì, trồng huỳnh tin, trồng gừng, trồng đậu phộng, rồi còn ép dầu đậu phụng mướn để lấy bã đậu nuôi heo, đặc biệt làm món cổ truyền của quê tôi là bánh tráng, rồi đem bánh tráng đổi lấy phân bò của người dân tộc, như thế họ có cái ăn mà mình lại có phân bò để bón cây. Trong chuồng heo không lúc nào là dưới 50 con, toàn là heo thượng, trông tướng mạo của nó thì xấu xí mà thịt lại rất ngon. Trong khuôn viên tòa Giám Mục có rất nhiều cây me, tới mùa me tôi trở thành “chuyên gia” hái me, rồi đem bán để có thêm tiền mua cái ăn cho tòa Giám Mục. Người ta gọi đùa tôi là Linh Mục theo "Dòng cây me", chứ không gọi tôi là linh mục của dòng Menkisêđê...

Năm 1983 thì tôi bị kiệt sức và người ta chở tôi đi bệnh viện Nguyễn Văn Học ở Sàigòn (bây giờ là bệnh viện Ung Bướu- đường Nơ Trang Long ). Tôi ở trong bệnh viện 33 ngày để chờ mổ bao tử, nhưng cuối cùng bác sĩ bảo:

- Cái vết thương nó lành lại rồi nên khỏi cần phải mổ... Và thế là tôi về lại Kontum.

Đức Giám Mục cho tôi nghỉ, không phải làm quản lý Tòa Giám Mục nữa. Đến tháng 3 năm 1983 Ngài nói:

- Công việc của Cha bây giờ là đi làm cha xứ ở Tân Phú.

Tôi làm Cha sở ở Tân Phú được ba năm rưởi. Tình nghĩa bà con giáo dân rất là mặn nồng, tôi cũng đi làm đổi công với giáo dân của tôi. Rồi dạy dỗ, tuy cũng có nhiều khó khăn nhưng rồi mọi việc cũng trôi qua tốt đẹp. Tình nghĩa của Cha sở với giáo dân, của giáo dân với Cha sở vô cùng đầm ấm.

Năm 1984 Đức Cha giao cho tôi coi thêm xứ Trung Nghĩa có khoảng 2000 giáo dân, thay cho cha Trần Khánh Lê vì Ngài bị bệnh nặng.

Tôi rất biết ơn giáo dân của 2 giáo xứ này vì tình cảm chân thành của họ dành cho tôi, cùng với những gương tốt trong đời sống đức tin của họ, điều này đã nâng đỡ cho cuộc đời làm Linh Mục của tôi rất nhiều.

Tới một ngày kia, vào khoảng cuối năm 1985 thì nhà nước chủ trương là tất cả các Giám Mục phó phải về tòa Giám Mục (Lúc đó Đức Cha phó là Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung đang ở Đức An - Pleiku, Đức Cha chính thì đang ở Tòa Giám Mục Kontum; hai nơi cách nhau 50 cây số) cho nên Đức Cha Chung cũng phải về tòa Giám Mục.

Đức Cha Lộc đề nghị tôi đi làm Cha sở Đức An, Ngài hỏi tôi:

- Cha có bằng lòng đi Đức An không?

Lúc đó tôi đang ở Tân Phú, tôi nói:

- Đức Cha sai con đi thì con đi, chớ mà hỏi con có bằng lòng không thì con không bằng lòng.

Ngài hỏi:

- Tại sao thế?

Tôi nói:

- Con không chịu được lạnh, mà Pleiku là xứ lạnh... con thì ở dơ mà bụi bặm của Pleiku là đất đỏ. Con đã ở dơ mà còn làm biếng tắm thì nó dơ lắm. Lại nữa (tôi cũng nói thật với Ngài) con là dân Bình Định, con không hiểu tiếng Quảng Bình cho lắm, dân Đức An là dân Quảng Bình, mà dân Quảng Bình nói giọng trọ trẹ khó nghe.

Thế rồi Đức Cha hỏi tôi:

- Như tôi thì sao? (vì Ngài cũng là dân gốc Quảng Bình)

Tôi nói:

- Mỗi khi Đức Cha nói giọng đó con cũng khó nghe, khó hiểu nữa.

Đức Cha làm thinh nhưng rồi Ngài bảo tôi:

- Khi nào Cha vui lòng thì tôi sai đi, chứ tôi không muốn Cha phải đi một cách miễn cưỡng.

Tôi nói:- Con không miễn cưỡng, nếu Đức Cha sai con đi thì con đi... nhưng mà bằng lòng đi thì con không bằng lòng đi.

Tới mùa Vọng năm 1985, Ngài cứ vận động các sơ cầu nguyện cho các Cha biết vâng lời. Các sơ cũng có nói với tôi. Tôi bảo:

- Không phải là tôi không vâng lời, nhưng tôi không bằng lòng mà thôi, phải phân biệt hai điều đó chớ.

Cuối cùng tôi thấy thương Ngài cho nên tới Chúa Nhật thứ tư mùa Vọng năm 1985 tôi nói với Ngài:

- Con bằng lòng đi Đức An.

Ngài bảo tôi:

- Phải đi sớm trước năm Dương Lịch.

Tôi nói:

- Thưa Đức Cha, Đức Cha trình với nhà nước cho con đi trước năm Âm Lịch thôi.

Tôi cũng định kéo dài thời gian một chút vì tôi có khóa giáo lý rước lễ lần đầu phải lo. Đến gần tết thì tôi xin Đức Cha:

- Xin cho con ăn cái tết này với giáo dân của con, qua tết rồi con sẽ đi.

Sau tết thì tôi xin Đức Cha:

- Cho con... sau Phục Sinh đi.

Đức Cha chấp thuận và nhà nước họ cũng đồng ý. Nhưng đến thứ sáu Tuần Thánh thì công an sở ( hồi đó Gia Lai và Kontum là một tỉnh) đến gặp tôi; lúc đó tôi đang giải tội mùa chay.

Họ nói:

- Anh Đông chuẩn bị sau lễ (lễ Phục Sinh) thì phải đi Pleiku.

Tôi nói:

- Cho tôi tới kỳ hè đi, sau tĩnh tâm năm thì tôi đi cũng được.

Công an họ nói:

- Tôi thấy giấy của Chính Quyền quyết định cho anh đi đấy, sau lễ là phải đi.

Tôi nói nữa đùa nữa thật:

- Chính quyến là mấy ông chớ còn ai nữa đâu...

Thứ hai sau Lễ Phục Sinh ( năm 1986) thì Đức Cha Lộc được gọi tới làm việc với Công An, sau đó Ngài cầm về một tờ giấy quyết định với nội dung là: "Ông Đông phải đi ngay xuống Đức An". Và ngày 19 tháng 4 năm 1986 Đức Cha Alexi chính thức bổ nhiệm tôi làm cha sở Đức An.

Tôi ở Đức An gần 20 năm, kiêm nhiệm luôn kinh tế mới Vườn Mít, kinh tế mới Lò Than, kiêm nhiệm cả xứ La Sơn, xứ Lệ Chí, làng Hà Bàu Jarai (bây giờ là xã ChưĐangYa, huyện ChưPah), làng YaLuh sắc tộc Sêđăng xã Nghĩa Hưng, ChưPah.

Ngày 27 tháng 7 năm 2005 tôi được bổ nhiệm về làm cha sở giáo xứ Thăng Thiên.

Năm 2011 tôi lại bị kiệt sức, rồi bị rối loạn tiền đình. Tôi lại về Sài Gòn chữa bệnh.

Bác sĩ bảo:

- Máy nó chạy đã 70 năm nay rồi nên thứ gì ở trong máy nó cũng bị... rơ... rơ một chút. Vì thế mà cha cần có thời gian nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, cũng như cái ao nước nó đã hết nước rồi, bây giờ phải chờ nước mạch nó lên.

Vậy nên Đức Giám Mục đã sắp xếp cho giáo xứ một cha Phó (cha Trí dòng Tên)... vì thế mà tôi được đi nghỉ dưỡng bệnh gần 6 tháng ở dòng Biển Đức tại Thủ Đức và Lộc Nam- gần Bảo Lộc -

Gia đình tôi có tám anh chị em 5 trai 3 gái, có một người đi tu sơ dòng Nữ Vương Hòa Bình, còn tôi làm Linh Mục...

Tôi muốn nói những lời tâm tình này: Bởi vì cuộc đời của mình thật là vắn vỏi. Con cháu của tôi đứa nào cũng lo bươn chải làm ăn mà ít khi nghĩ về đời sống đạo đức hay biết lo chuẩn bị về đời sau của mình. Tôi muốn những người thân của tôi được biết: Sức khoẻ thì nó mỏng và dòn, cuộc đời thì vắn vỏi, chúng ta phải sống như thế nào để chúng ta có thể mưu cầu cho đời sống hôm nay của chúng ta, ngoài ra mỗi chúng ta cũng phải có bổn phận phải mưu cầu cho đời sống đời đời của chúng ta.

* Sinh ký Tử qui: Cha ông mình đã nói như thế. Cuộc sống chỉ là tạm, khi mình chết thì mình mới đi vào cuộc sống vĩnh cửu của mình.

Tôi luôn nhớ câu nói của Đại Thi Hào Tagore:

" Nếu bạn yêu cuộc sống mình thì bạn cũng phải yêu cái chết của mình, bởi vì cái chết chính là cánh cửa mở ra để bạn bước vào cuộc sống đích thực của mình".

Tôi không có ý chỉ trích một ai mà đây chỉ là những tâm tình được bộc lộ cho những người mình thương, để làm thế nào khi sống chúng ta biết được mục đích sống của chúng ta là cái gì? Tại sao chúng ta sống? Và khi chết thì chúng ta sẽ đi về đâu?

Người xưa có đặt vấn đề:

Nhân sinh hà tại? Tại thế hà như? Hậu thế như hà?

Người ta đặt vấn đề mà chưa có câu trả lời. Chính niềm tin của Kitô giáo đã trả lời được những câu này:

* Nhân sinh hà tại?

Con người do đâu mà có? Thưa: Thiên Chúa dựng nên mỗi người chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta, Ngài ban sự sống cho chúng ta.

* Tại thế hà như?

Trong cuộc sống này thì phải sống như thế nảo? Cuộc sống này thì phải sống Đạo đức, sống Đạo Đức sẽ làm nên giá trị cuộc sống con người.

* Hậu thế như hà?

Sau cái chết sẽ ra sao? Thưa là khi chết chúng ta sẽ về Nhà Cha trên trời:

-" Thầy đi trước, thầy dọn chỗ cho chúng con, hễ thầy ở đâu thì chúng con ở đó với thầy".

... CÒN TIẾP ...


. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã gởi từ Kontum.