TÌNH NGƯỜI
VƯƠNG VỊ CHẠP PHÔ
P hú Nhuận nơi tôi sinh ra, lớn lên học hành nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão...nhưng do hoàn cảnh chiến tranh tôi bỏ nơi này ra đi. Phú Nhuận trở thành chốn cũ thương nhớ không thôi! Những con lộ Võ Di Nguy, Nguyễn Huỳnh Đức...Chợ Lò Đúc, rạp chiếu bóng Văn Cầm, xóm Mả Đỏ...và những người bạn học thời trung học cùng học như điên để trốn lính. Có bạn ra nước ngoài định cư, có bạn đã mất. Mỗi lần về lại Thành phố gặp bạn năm xưa, mỗi lần là cuộc hội ngộ đầy cảm xúc. Và lần nào cũng vậy, đến sớm hoặc chia tay nhóm bạn trở về phố núi quê mới tôi luôn tìm cách vòng qua Đa Kao rẽ về cầu Kiệu để nhìn thấy ngôi chợ Phú Nhuận. Ngôi chợ gắn vởi tuổi học trò vương vị... chạp - phô!
...Năm 68, mười bảy tuổi đang học Trung học tôi đã là gia sư kèm trẻ, cách gọi lúc đó godautre (gõ đầu trẻ) ở ngôi chợ này. Nguyên do thật buồn, má tôi là cô giáo bậc Tiểu học. Ba tôi làm lính thợ. Đồng lương không đủ chăm lo việc ăn, học của bốn anh em tôi, sinh liền năm một. Do vậy má tôi tổ chức nhiều dây hụi (họ) để ăn tiền thảo mỗi đầu dây có thêm thu nhập cho gia đình. Đó cũng là năm Mậu Thân chiến sự hai miền diễn ra ác liệt kinh tế suy sụp, làm ăn khó khăn. Nhiều tay em chơi hụi không đủ tiền đóng lại, bỏ trốn. Không ai khác, má tôi phải vay mượn choàng đắp vào khoảng trống đó...và đổ nợ, phá sản. Chính lúc đó tôi hiểu nghĩa đen của cụm từ "hốt hụi dông luôn"! Ngôi nhà của ba mẹ đến nay tôi còn nhớ :142/2 Nguyễn Huỳnh Đức phải bán đi và thuê lại ở. Không cách nào hơn, trừ hai em còn nhỏ tôi và người anh tìm viêc làm thêm phụ giúp phần nào cho ba mẹ. Anh thứ Hai ngày học lớp đệ Nhị tối về chạy xe đưa đón các cô, các chị làm các quán bar. Và tôi thì dạy kèm hai em nhỏ lớp Nhứt, lớp Nhì của một người quen với má tôi có quầy hàng ở lối vào chợ. Ba là lính Hải quân vài tháng mới về thăm nhà. Một tuần ba buổi chiều, mỗi buổi hai tiếng tôi giúp các em làm bài tiếng Việt, Làm Văn và bài tập môn Toán trên căn gác nhỏ. Dưới nhà là quầy hàng chạp phô tương cà, đường đậu, mắm nuối, các thứ cá khô...Bận bịu việc khách mua khá đông nhưng lần nào đến kèm học chị Châu – chủ nhà đều mang chai nước ngọt hoặc ly nước chanh để tôi giải khát. Thù lao hai ngàn một tháng đủ cho tôi mua sách vở nhẹ gánh lo cho mẹ tôi lúc ngặt nghèo này. Má của chị tôi gọi theo hai em là bà Ngoại. Có lẽ bà biết cảnh ngộ gia đình tôi nên đôi lúc bà vỗ về động viên tôi, gắng lên cháu!
Việc làm thêm như thế cũng là chuyện thường thôi, đáng nói là chuyện bắt quân dịch ở miền Nam thời đó. Sau chiến sự Mậu Thân, thanh niên đủ mười tám tuổi không được hoãn, miễn dịch vì do sức khỏe hay không học lên Tú Tài, Đại học thì bị gọi vào quân trường rồi đưa ra chiến trường. Những câu hát chua chát tình đời ra đời là vậy. Ra chiến trường cái chết cận kề, thương tật gọi tên nhất là người yêu phụ bạc đi lấy chồng Mỹ - cái mốt làm giàu nhanh các cô gái lúc đó. "Rớt Tú Tài anh đi Trung sĩ/ Em ở nhà lấy Mỹ sinh con/ Bao giờ xong việc nước non/ Anh về, anh có Mỹ con anh bồng". Viễn cảnh tối mù đáng sợ thúc giục tôi đang học đệ Tam còn buổi tối tôi ghi danh học lớp đệ Nhị ở tường Tư thục Huỳnh Thị Ngà - Đa Kao Tân Định. Tôi, anh Hai tôi và mấy người bạn cùng trang lứa tối nào cũng tụ lại phòng trước nhà sẵn bàn học bảng đen lớn (má tôi mở lớp dạy thêm cho một số em nhỏ, giờ đã nghỉ hẳn) ôn thi Tú Tài phần nhứt. Chúng tôi ôn học mười một môn, truy bài lẫn nhau sát rạt. Tấm bảng đen của má thật hữu dụng để cả nhóm giải Toán Hình, Đại, Vật Lý của các giáo sư Ngô Văn Phú, Nguyễn Thanh Khuyến. Người xưa chống buồn ngủ lấy dây cột tóc, chúng tôi học mệt thì nằm trên bàn có độ nghiêng, ríu mắt thì ngã lăn ngay! Nhưng đến khi làm hồ sơ thì tôi rơi vào ngỏ cụt! Muốn được dự thi tôi phải nộp ba ngàn đồng (tương đương ba triệu đồng hiện giờ) mới có học bạ lớp đêm đệ Nhị ở trường Huỳnh Thị Ngà! Má tôi đang phá sản, cơm ngày hai bữa lo chưa xong...sao mà dám hỏi! Đánh liều tôi hỏi mượn trước chị Châu tiền dạy kèm để lấy học bạ thi Tú Tài. Hỏi vậy nhưng không chút hy vọng. Vậy mà chiều hôm sau, khi sắp về chị gọi tôi lại đưa cho tôi ba ngàn đồng chẵn có, lẽ có xếp phẳng phiu và chúc tôi thi đậu. Những tờ bạc còn lẩn quất mùi tương mắm, cá khô! Bà Ngoại ngồi gần đó móm mém cười khích lệ.
… Chắc là may mắn tôi thi đậu Tú Tài phần I. Và năm sau, 1969 đậu luôn Tú Tài phần II giúp tôi trốn lính hợp pháp và bước vào giảng đường Đại học Văn Khoa. Cũng nhờ đó tôi theo nghiệp sư phạm sau 75 cho đến lúc nghỉ hưu 2010.
Phú Nhuận nơi tôi sinh ra còn là nơi ghi dấu tình người của chị chủ nhà, bà Ngoại như những bà Tiên nhân hậu. Chợ không chỉ là nơi cân đong mua bán mà còn đẫm tình người. Bởi nếu không có những đồng bạc lấm vị chạp phô ở ngôi chợ nửa thế kỉ năm xưa có lẽ cuộc đời tôi đã trôi vào ngã rẻ nổi chìm không lường trước được. Về Thành phố, tôi lại chậm xe tìm lối Phan Đình Phùng (Võ Di Nguy cũ), bâng khuâng nhìn chợ Phú Nhuận tươi mới rộn ràng, tấp nập người mua bán…Bà Ngoại mất rồi, gia đình chị Châu đã dời đổi, nhưng mùi vị chạp phô như còn vương vấn đâu đây…
Xuân Lộc, 8 tháng 3 năm 2020