Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










HUYỆT CÁT








       

LỜI GIỚI THIỆU

Khi tôi viết cuốn tiểu thuyết này, giữa lúc giàn khoan HD 981 đang tiến vào biển Đông. Nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài không phân biệt giai cấp, tôn giáo, quốc tịch, xếp lại mâu thuẫn nội bộ, hận thù cá nhân… sôi sục khí thế tất cả hướng về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông thân yêu. Làm tôi nhớ đến lời hịch ngày nào của Hồ Chủ Tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Bất kỳ đàn ông đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”.

Sau này Bác đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, thời gian đủ để chúng ta hàn gắn vết thương do chiến tranh để lại. Thời gian đủ để chúng ta hòa hợp dân tộc cùng nhau đoàn kết xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và phát triển. Và chỉ có như vậy mới động viên được toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết để giành thắng lợi trong chặng đường mới bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Chúng ta hãy thoát khỏi suy nghĩ hận thù thiển cận, như người đàn bà- nhân vật Hằng trong tiểu thuyết suy nghĩ: “Nếu trong con người mình chỉ có dòng máu Việt thì viên đạn nào do ai bắn ra cũng đều là viên đạn của chiến tranh cả, cũng giết chết hai ông chồng của bà, bà vẫn góa bụa, hai đứa con vẫn hai lần mồ côi. Nghĩ thế thấy con người mình nó ở cái tầm cao hơn, đại lượng hơn. Đừng có nghĩ rằng viên đạn này do con người này, ở giai tầng kia bắn ra thì thế này thế khác làm cho cái tầm của mình nó thấp đi, hèn mọn. Suy cho cùng dân tộc Việt mình là quan trọng hơn cả, lớn hơn hết. Không có gì hơn máu đỏ da vàng. Trong gia đình cũng thế, có những lúc anh em, vợ chồng lục đục ấy là do bên ngoài nó thúc vào”.

Cuốn tiểu thuyết này tôi còn miêu tả trung thực khách quan, công bằng một số trận chiến vì Hoàng Sa, Trường Sa của những người lính của các Triều đại Việt Nam cho đến ngày nay, mục đích minh chứng phần nào lời Hồ Chủ Tịch, đồng thời khẳng định, khi kẻ thù xâm lược động đến tấc đất biên cương của Tổ quốc, đến chủ quyền biển đảo, đến lòng tự tôn dân tộc thì những người lính máu đỏ da vàng Việt Nam ( dù ở chế độ nào, giai tầng nào) đều cầm súng chiến đấu hy sinh đến giọt máu cuối cùng.

Chính vì những lý do trên tôi đã viết cuốn tiểu thuyết này, với quan điểm lập trường dân tộc. Trên tinh thần nói thẳng, nói thật, ca ngợi lòng dũng cảm hy sinh chiến đấu vì độc lập tự do, phê phán kẻ hèn nhát, lầm đường lạc lối biến mình thành giặc nội xâm, chối bỏ nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc.

Để tải được những nội dung trên tôi đã dùng hình thức, thể loại tiểu thuyết siêu thực để thể hiện.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.



CHƯƠNG IV



T ừ hôm Hải tìm được thằng Bộ về, Hằng càng biết ơn Hải vô cùng.Ngày trước Hải cứu Hằng, bây giờ Hải lại đưa được con trai Hằng trở về. Ơn này biết đến bao giờ mới trả được.Tuy hai người sống cùng chung một mái nhà với nhau đã gần ba năm, hàng xóm láng giềng ai cũng nghĩ họ đã thành vợ thành chồng. Nhưng thực ra vẫn mỗi người một giường.Nỗi đau khiến Hằng chết lặng bao nhiêu năm trời nay không thể nào trở lại được.Cứ mỗi khi Hằng nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình thì hình ảnh người chồng tan xác ở Hoàng Sa và hình ảnh hai đứa con thơ dại bơ vơ lưu lạc góc biển chân trời lại như một mũi kim xuyên thấu trái tim làm mọi tế bào cảm giác triệt tiêu hết. Tự dưng lúc đó cơ thể Hằng tê cứng, không còn nghĩ được điều gì nữa.Mới chưa đầy 30 tuổi, sức xuân còn đang hừng hực, Hằng lại là người phụ nữ đẹp duyên dáng nên rất hấp dẫn.Sức hấp dẫn của Hằng khiến người đàn ông nào đã tiếp xúc đều không cưỡng lại được lòng ham muốn gần gũi. Thực ra có lúc ham muốn thể xác của Hằng trỗi dậy, nhưng cùng lúc nỗi đau cũng xuất hiện. Và cứ mỗi khi nỗi đau xuất hiện thì tất cả mọi cảm giác, mọi suy nghĩ nhường chỗ cho nỗi đau hoành hành. Có lần Hải cởi trần mặc quần đùi ngồi vót nan đan chiếc sọt đựng thanh long ngoài sân, bắp thịt Hải cuồn cuộn đỏ au trông như một thuỷ thủ. Ngồi trong nhà Hằng nhìn ra không cưỡng lại được sự thèm khát. Cô đã tìm cách bưng ly nước chanh ra cho Hải rồi ngồi bên cạnh. Đôi má Hằng đỏ hồng, ngực cô căng lên, đôi môi cũng mấp máy. Đã ở cùng nhà, ăn cùng mâm hai ba năm, Hằng hiểu sức trai tráng của Hải như thế nào. Nhưng Hải hiểu nỗi đau của Hằng cũng giống như nỗi đau của Hải, nên anh tôn trọng tuyệt đối sự lựa chọn của cô. Họ càng né tránh nhau, thì nỗi khát khao của họ càng mãnh liệt. Sự mãnh liệt có lúc đã đến độ bứng phứt, thì tự dưng hình ảnh ba mẹ con Hằng trên con tàu định mệnh đêm nào thoáng qua trí não, thế là Hằng như nồi nước sôi bị rút lửa, đôi má Hằng tự nhiên tái nhợt, đôi môi run run. Hằng đơ ra. Hải hiểu, anh đã buông cái sọt dìu Hằng vào nhà, lấy nước cho cô uống. Khổ thân Hằng quá. Có cuộc đời mà nỗi đau giống như một vết thương không bao giờ liền sẹo, bất cứ một hành vi nào đụng chạm đến vết thương ấy sẽ bị tứa máu làm tê liệt tất cả cảm giác của hệ thần kinh.

Hải thương và yêu Hằng thực sự. Hằng là người phụ nữ chu đáo, ý nhị và thật nhiều duyên.Cái duyên như là cốt lõi của tầm văn hoá, nhưng đồng thời cũng là sức hút mãnh liệt đối với Hải. Cái duyên nó làm tan mọi vướng mắc, nó như mũi kim phá vỡ trở ngại để xuyên đến cái đích nó muốn mà người ngoài cuộc không thể nào hiểu nổi. Nhưng Hằng có nỗi đau như nỗi đau của Hải, có mất mát lớn như mất mát của nhau, vì thế anh không thể làm khác được, nếu Hằng không lựa chọn.

Khi Hằng đã trở lại trạng thái bình thường, ngồi dậy làm gì đó quanh quẩn, thì Hải cũng bước vào nhà chuẩn bị cho việc ra vườn thanh long hái trái, thấy Hằng đang cầm cuốn sách, anh nhìn cô ái ngại. Hằng lấy chiếc nón đưa cho Hải, tiện tay sửa quai nón rồi ướm vào cằm anh. Khi hai bàn tay chạm vào nhau, đậu lại một chút, Hằng nói rất nhỏ:

- Em có lỗi với anh!

Hải nắm nhẹ vào bàn tay thon nhỏ của cô, rồi cầm con dao nhọn xách chiếc giỏ bước đi. Nhìn theo dáng người lực lưỡng của Hải, trái tim Hằng như thắt lại vì nỗi thương đến xót lòng.

Bây giờ tìm được thằng Bộ về, Hải cũng thấy thoả được lòng đôi chút. Thằng Bộ từ ngày về với má, được ba Hải và má Hằng chăm sóc, nó lớn vụt lên.Nó gọi Hải bằng ba. Hải cũng cưng chiều nó như đứa con ruột của mình. Hải thương nó vì nhiều lẽ, nhưng cái điều làm Hải xót xa nhất là gần ba năm nó theo người phụ nữ vợ viên sỹ quan nguỵ đi ăn xin ăn mày, đầu đường xó chợ, rồi chứng kiến người mẹ nuôi làm đĩ để lấy đồng tiền nuôi chúng. Nó đã từng bị bọn bụi đời đánh đập, bóc lột bắt nó đi ăn xin về nộp tô và đã từng bị nhịn đói nhiều ngày, phải đi bới rác để tìm đồ thiu thối đút vào miệng. Nó kể, mẹ nuôi bắt nó băng bó chân tay giả người tàn tật, người mẹ thì giả mù loà bò trên đường nhựa nóng để đi xin ăn.

Căn nhà đã có thêm đứa trẻ, xua đi cái im ắng bấy lâu. Thằng Bộ được cắp sách tới trường, được ba má mua cho quần áo mới, và hàng ngày cứ tối tối ba Hải lại kèm Bộ học thêm. Hằng được Hải xin cho đi dạy học lại. Cái gia đình gá lắp lại sau chiến tranh này cũng tạm ổn.

Tìm được Bộ thì niềm tin con Đào còn sống đâu đó càng được củng cố.Hải và Hằng lại tiếp tục chuẩn bị cho một hành trình đi tìm con.Tìm con Đào sẽ khó hơn, vì lúc đi lạc, Đào mới hơn ba tuổi, nay nếu còn sống thì nó đã 6 tuổi. Hằng nhớ rất rõ con Đào có cái bớt bằng đầu ngón chân cái màu đỏ ở bắp chân trái. Đó là đặc điểm quan trọng để nhận ra nó. Thằng Bộ kể trong lúc lộn xộn khi quân giải phóng cứu vớt, em Đào được một nhóm người bế và dỗ cho em nín, rồi người ta ào lên bờ chạy tán loạn. Bộ được gia đình viên sỹ quan nguỵ mang về, còn em Đào ai mang đi, nó không nhận biết được gì nữa.

Hải nhận định, như vậy Đào sẽ được một gia đình ai đó trên tàu nhận về nuôi. Công việc đầu tiên cũng như việc tìm thằng Bộ là phải tìm manh mối. Việc tìm manh mối sau chiến tranh thật khó khăn và phức tạp, có thể phải gặp gỡ rất nhiều người, ở nhiều nơi cũng giống như tìm kim đáy bể. Nhưng nhất định phải tìm.

Cuối năm 1978 sỹ quan nguỵ đi học tập cải tạo được về khá đông. Trong phường Hải cư trú đã có lác đác người trở về. Theo Hải, con tàu chở người đi vượt biên trong cái đêm định mệnh đó rất nhiều gia đình sỹ quan nguỵ ở khu vực này, vì vậy rất có thể trong số đó có những viên sỹ quan đi học tập cải tạo.

Một buổi tối mùa hè, Hải đang ngồi kèm thằng Bộ học, Hằng thắp ngọn đèn to, ngồi soạn giáo án, thì một người đàn ông dáng cao gày, đen nhẻm bước vào. Trông người thì khí khái, nhưng cử chỉ lại rụt rè như người phạm tội. Anh ta đến xin cho đứa con gái vào lớp học của cô giáo Hằng. Đứa con gái 12 tuổi, nhưng vì cùng mẹ đi xây dựng vùng kinh tế mới, nên việc học hành của cháu không đến đầu đến đũa. Gần đây gia đình chuyển về quê, nên anh muốn cháu tiếp tục đi học.Hằng rót nước mời anh ta, rồi câu chuyện câu trò:

- Anh được mấy cháu?Anh mần nghề chi?

Người đàn ông bẻ đầu ngón tay, giọng ngượng ngùng:

- Nói cô thông cảm, tôi là chuẩn uý quân đội Việt Nam Cộng hoà, vừa đi cải tạo về. Vợ tôi và cháu được chính quyền cho đi xây dựng kinh tế mới ở Lộc Ninh. Mấy tháng trước tôi mãn hạn cải tạo, được chính quyền cho về mần ăn, tôi đưa má con cháu về quê, cô ạ.

Câu chuyện của viên sỹ quan nguỵ lọt vào tai Hải. Không bỏ lỡ cơ hội, Hải bước ra tiếp chuyện viên sỹ quan. Hoá ra chính gia đình viên sỹ quan nọ cũng đã có mặt trên chuyến tàu định mệnh đêm đó. Câu chuyện một thiếu phụ xinh đẹp có hai đứa con, một trai, một gái bị hãm hiếp rồi bị ném xuống biển viên sỹ quan đã chứng kiến.Anh ta hứa sẽ tìm manh mối đứa con gái của Hằng.

Suốt đêm ấy Hằng và Hải nằm đếm những hạt sương rơi chờ sáng. Phải chăng tổ tiên bên nội nhà thằng Bộ đang dẫn lối đưa đường để Hằng có thể tìm được đứa con gái tội nghiệp trở về.Con ơi! Con gái bé bỏng của má, con lưu lạc phương trời nao? Con ở nơi nào? Hãy về với má.Cứ nghĩ đến đứa con gái côi cút lang thang đói rách, bị người ta ngược đãi là tim Hằng thắt lại, vắt cho những giọt nước hiếm hoi chảy ra từ khoé mắt.

Hải ngồi bên giường an ủi động viên Hằng. Rằng đã tìm được thằng Bộ thì nhất định Hải sẽ tìm được con Đào. Dù có tới chân trời góc bể nhất định Hải cũng đi. Chỉ mong sao vết thương của Hải không tái phát, trời cho Hải khoẻ mạnh. Hằng dạy học có lương nuôi gia đình, còn Hải đánh cá, trồng thanh long lấy tiền đi tìm con, suốt đời cũng vẫn tìm. Hằng nắm lấy bàn tay thô ráp của Hải áp vào má mình. Hằng thương anh Hải quá. Anh mất hết trong chiến tranh. Gia đình anh ngoài Bắc mà anh cũng không thường xuyên thăm viếng được, suốt ngày cặm cụi kiếm tiền để đi tìm con. Thương anh mà Hằng không thể làm cách nào bù đắp cho anh được. Phải chi Hằng quên đi được nỗi đau để đến với anh Hải.

♣ ♣ ♣

Hải sinh ra ở một làng quê miền biển thuộc thành phố Hải Phòng có tên là Đồ Sơn.Lên hai tuổi Hải theo cha mẹ đến một vùng biển mới thuộc tỉnh Thái Bình lập nghiệp. Để lưu giữ nguồn gốc quê hương, những người đến đây thành lập ra một thôn mới lấy tên là Tân Sơn, nghĩa là Đồ Sơn mới. Thôn Tân Sơn chủ yếu là ngư dân Đồ Sơn đi đánh cá, gặp bão gió thì tấp vào cửa sông Diêm Hộ trú ẩn.Thấy một cái eo biển an toàn, nước triều lên xuống để lại một vùng biển cạn màu mỡ, có cửa biển cho thuyền ra vào, đứng ở bờ biển lại nhìn thấu qua eo biển thấy quê cũ của mình thì rủ nhau trụ lại. Thế là tuổi thơ của Hải gắn liền với quê mới.Quê mới có dòng sông Diêm uốn lượn cõng đầy phù sa nhả vào vùng biển cạn, chiều chiều từng đoàn thuyền chở đầy ắp cá, căng cánh buồm nâu đỗ vào bến cá. Nhà nhà, mang quang gánh ra lấy cá về chợ Diêm Điền bán. Cũng chiều chiều Hải cùng bạn bè tụt phăng quần áo lao xuống dòng sông Diêm bơi lội thoả thích, chán chê lại lên bờ thả diều. Những cánh diều no gió biển, tiếng sáo vi vu suốt đêm như tiếng mẹ ru con vào giấc ngủ. Cái âm thanh vi vu ấy hoà lẫn với nhịp sống của mỗi người, trở thành thứ âm thanh không thể thiếu được của Tân Sơn, lặn vào đời Hải vo thành kỷ niệm.

Học hết cấp hai, rồi 18 tuổi Hải nhập ngũ. Thanh niên quê Hải đi bộ đội đa đa vào lính hải quân. Hồi ấy Hải thuộc lớp chiến sỹ bơi lội giỏi, lại có một thân hình cường tráng, nên anh được chọn vào làm thuỷ thủ của một chiếc tàu chiến.Lính tàu chiến quen ăn sóng nói gió.Hải ít nói, nhưng đã cất lời thì tiếng gió rít cũng chào thua. Thân thể Hải như khúc gỗ lim, bóng lịm và tròn lẳn cứng như cái trục đá. Mắt Hải hiền mà đẹp, làm nên nét đẹp của đôi mắt chính là những làn nước mỏng lúc nào cũng tưới ướt đôi tròng mắt, khi nhìn ai vừa ánh lên sự kiên nghị nhưng lại rất dịu hiền pha một chút đa tình. Khúc gỗ lim mà lại có đôi mắt hiền đa tình thì chao ôi chiếc cưa nào cũng phải chịu.

Chiến tranh ngày một ác liệt. Ở miền Nam cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong thời kỳ củng cố lực lượng. Việc chi viện sức người, sức của của miền Bắc là điều kiện quan trọng để đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Bộ Tư lệnh Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập đoàn tàu mang biệt danh không số, bí mật dùng đường biển để chuyên chở vũ khí vào miền Nam. Hải là một thuỷ thủ được chọn vào một chiếc tàu như thế.

Tàu của Hải làm nhiệm vụ chở vũ khí vào Phú Yên.Được hai chuyến an toàn trót lọt, đến chuyến thứ ba thì bị lộ khi tàu chuẩn bị cập bến. Theo phương án đã chuẩn bị, thuyền trưởng lệnh cho thuyền viên rời khỏi tàu bằng phao cứu sinh, riêng thuyền trưởng ở lại làm nhiệm vụ phát hoả để thủ tiêu con tàu.

Đêm biển Phú Yên mênh mông dập dềnh sóng nước. Phía trong bờ dải đất Vũng Rô mờ mờ hiện lên như một hòn đảo lớn. Đó là đất liền của một vùng đất như lòng mẹ, nếu mà Hải được sà vào lòng thì chắc chắn sẽ sống. Nhưng bây giờ Hải cùng thuỷ đoàn đang ôm chiếc phao nhỏ nhoi thoi thóp mặt biển đông. Trên trời cao phía gần bờ chiếc trực thăng của quân lực Việt Nam Cộng hoà đang quần lượn để tìm mục tiêu tiêu diệt.

Hải ôm chiếc phao nhìn ra chiếc tàu thân yêu đã cùng Hải và mọi người sống chết bao phen. Chỉ chút nữa thôi, chờ cho anh em bơi xa chiếc tàu đủ độ an toàn, thì người thuyền trưởng cùng chiếc tàu sẽ hoá thân mãi mãi nằm sâu dưới lòng biển. Mới chỉ nghĩ đến đó, toàn thân Hải đã mềm ra, không muốn bơi nữa.

Người thuyền phó bơi bên Hải nhắc nhỏ:

- Ta bơi chếch về hướng phải, tránh trực thăng. Bơi nhanh lên, tàu sắp nổ rồi đấy.

Hải quay đầu lại nhìn con tàu lần nữa, một cơn sóng táp vào mặt, một làn nước mặn thọc vào miệng mặn chát khiến Hải suýt bị sặc.

Thuyền phó lại nhắc:

- Giữ chặt phao, tàu nổ đấy.

Tất cả mọi người, không ai bảo ai, đều ôm phao quay đầu lại nhìn con tàu như vĩnh biệt. Con tàu lúc đó chỉ mờ mờ như một chấm đen giữa biển khơi.

Một tiếng nổ ục. Không một tia lửa, không một đụn khói, nhưng sóng biển thì dềnh lên như tiếng nấc của đại dương. Chiếc tàu từ từ chìm xuống.

Hải và mọi người cúi mặt. Cho đến khi tiếng người thuyền phó ra lệnh:

- Tất cả quay lại tìm thuyền trưởng.

Lúc đó Hải như chợt tỉnh, sau một phút tim như ngừng đập, phổi anh ngừng thở, chân và tay Hải đạp mạnh để đến nơi người thuyền trưởng vừa cảm tử, biết đâu đấy, anh không chết.

Tất cả sống, chỉ duy nhất người thuyền trưởng mãi mãi nằm sâu lòng biển cả với con tàu không số. Và sau đó đoàn thuỷ thủ đã làm một cuộc vượt Trường Sơn để trở về đơn vị. Đó là một cuộc hành quân bộ có một không hai của những người lính thuỷ. Họ đã trở về miền Bắc sau rất nhiều ngày sống như bầy người hoang dã. Nhưng thật không may, Hải đã bị thương nặng trong một lần đụng nhau với biệt kích Mỹ. Anh em buộc phải gửi Hải lại cho một gia đình chạy chữa nuôi giấu.

Và nơi đây đã là quê hương thứ hai của Hải. Anh trở thành một xã đội trưởng gan lỳ, mà địch gọi anh là con cá mập biển Đông. Rồi chính con gái của gia đình cưu mang chạy chữa cho anh, sau này là một du kích dũng cảm đã mang lòng yêu thương Hải. Họ có một gia đình hạnh phúc, ba đứa con lần lượt ra đời. Họ vừa đánh giặc vừa đi biển để nuôi con. Ấy rồi một hôm lính Mỹ tràn vào làng càn quét. Hải phân công vợ ở lại hợp pháp để chỉ đạo bà con chống địch bắt bớ, hãm hiếp phụ nữ. Vợ Hải đã bị lính Mỹ hãm hiếp đến chết, rồi thả xác xuống giếng. Ba đứa con Hải gào khóc gọi mẹ. Bọn lính xách cả ba đứa trẻ ném theo, rồi xả súng bắn chết. Chưa đã chúng còn lấy vôi thả xuống giếng cho sôi ùng ục.

Sau trận càn, Hải trở về cùng mọi người bới giếng lấy xác vợ con. Từng thùng vôi nóng được xúc lên bới ra, đến khi thấy được xác vợ và con thì đã chín nhừ. Nhìn những đống thịt lầy nhầy, mắt thì nổ tung, xương tũa ra, tim gan phổi phèo luộc chín Hải không chịu nổi đã ngã vật ra ngất lịm. Một trận ốm thừa sống thiếu chết sau đấy khiến Hải gục ngã, không đủ sức chỉ huy du kích nữa.

Hải vốn đã ít nói, sau nỗi đau bất tử ( anh nói như vậy) Hải gần như câm lặng. Anh lầm lũi bên căn nhà đầy ắp kỷ niệm, nhìn vào đâu anh cũng ứa nước mắt. Cho đến khi hình như nước mắt đã cạn kiệt, cây gỗ lim vùng dậy lấy một chiếc thuyền gỗ lao ra biển trong một đêm mưa gió. Thì ra anh đã phát hiện thấy một chiếc ca nô địch đỗ ở gần bờ. Anh gói thuốc nổ, gài kíp nổ hẹn giờ, và như một con rái cá anh đã tiếp cận đặt được vào chiếc ca nô. Một tiếng nổ lộng trời trong đêm. Chiếc ca nô bốc cháy nhấn chìm 24 xác địch.

Sau chiến công đó, Hải trở lại người bình thường. Sức khoẻ anh dần hồi phục và công việc hàng ngày của anh là cùng chiếc thuyền gỗ đánh cá kiếm sống. Nhưng thực ra là chỉ chờ sơ hở của những chiếc tàu, thuyền địch là anh cho nổ tung. Hải gan lỳ như không bao giờ nghĩ đến cái chết nữa, bởi bây giờ Hải đánh giặc bằng lòng căm thù, hơn nữa cái chết oan nghiệt và đau đớn của vợ con khiến Hải trơ lỳ, do vậy cứ hễ thấy địch là bằng mọi giá phải nghĩ được cách diệt chúng, diệt bao nhiêu cũng không thể cân bằng nỗi đau mà Hải đã hứng chịu.

Một lần Hải đã chứng kiến thằng Mỹ bắt một người lính nguỵ quỳ xuống chắp tay lạy. Chưa hết, tên Mỹ còn tụt quần vạch chim tè vào mặt người lính. Tự nhiên lòng tự trọng dân tộc trong Hải trỗi dậy. Lần đầu tiên Hải cảm biết đến sự sỉ nhục quốc gia, danh dự dân tộc. Bất chấp nguy hiểm, Hải từ trong bụi cây vút ra vung lưỡi dao làm chiếc đầu tên Mỹ lìa khỏi xác, lăn lộc lốc trên đường nhựa.Sự xuất hiện của người du kích như quỉ nhập thần, làm bọn Mỹ đứng đó há hốc mồm, không kịp trở tay, khi hoàn hồn thì Hải cũng đã biến mất. Cũng từ đấy, Hải lại câm như người trúng bệnh. Hải suy nghĩ rất nhiều về sự kiện hôm đó, về người lính nguỵ và cũng từ đây Hải như người đổi óc, chỉ chuyên săn tìm lính Mỹ để tiêu diệt.

Cái đêm định mệnh Hải đã cứu được Hằng. Đó là cái đêm Hải biết sẽ có tàu, thuyền đưa người đi vượt biên di tản.Theo thường lệ Hải lại đưa con thuyền nhỏ của mình lang thang trên biển, vừa đánh cá, vừa tìm địch để diệt. Rồi số mệnh đã đưa Hằng về với Hải. Nỗi đau của Hằng hoà với nỗi đau của Hải trở thành nỗi đau quá sức chịu đựng và tự nó biến thành sự cảm thông, lòng yêu thương vô bờ bến, vượt qua tất cả cám dỗ thấp hèn.Với Hải, chỉ người đàn bà có nỗi đau lớn như nỗi đau của Hải thì mới có thể chia sẻ được. Hải chiều chuộng, chăm sóc, nâng niu Hằng như chăm sóc, nâng niu, gượng nhẹ một vết thương. Ngày đêm mong chờ cho vết thương ấy mau lành. Hải phấn khởi khi thấy vết thương ấy có dấu hiệu khô miệng, và đau khổ khi biết vết thương biểu hiện tứa máu. Cứ thế đã mấy năm rồi Hải cần cù, kiên nhẫn để chữa một vết thương cho người đàn bà và cho cả mình. Hải nguyện sẽ làm việc này suốt quãng đời còn lại, giống như người ta hàn gắn vết thương sau chiến tranh.

Cho mãi sau này, khi vượt qua sự khổ đau cùng kiệt, Hải mới nghiệm ra một điều rằng cho dù sự đau khổ có nghiêm trọng đến mức nào đi nữa thì công việc tốt nhất cho nội tâm là nhận biết chính xác sự có mặt của nó. Chỉ nhận biết thôi, mà không cần có thêm một nỗ lực nào khác nữa. Hãy kham nhẫn và quan sát mọi cảm giác chứ không nên thích thú hay chối bỏ chúng, hãy cố giữ sao cho nội tâm được chuyên nhất không thiên lệch. Cái cần thiết lúc này chính là sự hiểu biết: Ngồi trong sự hiểu biết, đi trong sự hiểu biết. Trong khả năng ý thức này, Hải thấy được rằng mọi sự đều rỗng tuếch ngay trong chính bản chất của chúng. Mọi đau khổ và bức xúc chỉ đơn giản là các cảm giác phù du, chúng không phải là mình cũng không thuộc quyền sở hữu của mình. Chúng được xem là quan trọng chỉ vì mình nắm bắt chúng bằng những khái niệm. Trong khi đó mọi thứ luôn vô thường, cái cũ sẽ được thế chỗ bằng cái mới một cách liên tục. Bản thân chúng chỉ là những gì mà mình vẫn gọi là vô thường, khổ não, vô ngã.

Nói một cách chính xác, mình đau khổ chỉ vì mình chấp thủ. Phải học được cách đào luyện nội tâm mình cho trở thành một nguồn sức mạnh đủ để đối diện và chấp nhận mọi sự: có thấy được sự đổi thay liên tục của các cảm giác, mình mới thấm thía được định lý vô thường. Và định lý vô thường thì luôn gắn liền với định lý vô ngã.

Hải đã không bao giờ đồng hoá mình với bất cứ một đau khổ nào khác. Sự đau khổ không phải là ta và ta cũng không phải là sự đau khổ. Sự đau khổ không tồn tại bên trong bất cứ ai và cũng không có ai sống trong sự đau khổ. Sự đau khổ tự nó xuất hiện, tồn tại rồi biến mất. Hải chỉ có mỗi một trách nhiệm đơn giản là nhận ra được từng diễn biến của sự đau khổ để xem nó đến và đi như thế nào. Hãy nhìn ngắm đau khổ mà không cần thiết phải bận tâm xem nó ở mức độ nào, nhiều hay ít. Nhờ vậy Hải mới có thể chấp nhận được nó một cách can đảm, bởi bổn phận của Hải chỉ đơn giản có bốn chữ "can đảm chấp nhận".

Thế là Hải có một món hành trang tâm lý để anh có thể đối mặt với cuộc đời nói chung và sự đau khổ nói riêng. Ở đây Hải đã đạt đến độ "bao dung" trong tinh thần thấu đáo được cái lẽ tương đối trên đời.Cũng vì thế mà Hải mới sống và yêu thương Hằng được đến vậy.

♣ ♣ ♣

Có được chiếc ghế Giám đốc dự án Đào đã tốn khá nhiều công sức và tiền của kể cả tình. Nhưng chỉ đến khi anh trai Đào được bổ nhiệm Thứ trưởng thì mọi việc mới xuôi. Giám đốc một Dự án lớn dự toán đến hàng ngàn tỷ đồng đối với Đào như một giấc mơ. Đào không ngờ cuộc đời Đào lại có được như ngày hôm nay rạng rỡ thế này. Con lính nguỵ, lại là một đứa trẻ đầu đường xó chợ, ăn xin ăn mày, đĩ điếm, trộm cướp… vậy mà phút chốc đã trở thành bà Hoàng của chế độ mới. Nằm trên chiếc giường đệm mút cứng, máy điều hoà nhiệt độ mát lạnh, Đào quay lại thước phim quá khứ tuổi ấu thơ đau khổ của mình.

…Khi chiếc tàu được kéo vào bờ, người ta ào xuống nước rồi nhao lên bãi cát như bị thần chết đuổi. Người phụ nữ một tay bế Đào, một tay ôm chiếc túi đồ đạc bị người ta đè xuống bãi cát để dẫm lên, đạp lên mà chạy. Đào sợ quá không khóc nổi, cứ ôm choàng lấy người đàn bà. Rồi như có một luồng gió lớn thổi tốc Đào khỏi tay người phụ nữ. Trong phút chốc Đào bơ vơ trơ trọi giữa bãi cát vàng.Bãi cát vắng hoe vắng hắt, không một bóng người.Sóng biển lớp lớp đuổi nhau. Từng đàn hải âu chao lượn. Những con còng gió vừa chạy và nấp như chơi trò ú tim khi thấy Đào. Đào đói quá, bắt những con còng nhai rau ráu, miệng đã gào mẹ đến khản tiếng.Ấy rồi từ xa xuất hiện một chú bộ đội giải phóng. Chú khoác tấm dù xanh, đầu đôi mũ tai bèo, hông đeo súng ngắn đi lại phía Đào. Chú ngồi xuống nhìn Đào trìu mến. Chú hỏi:

- Mẹ cháu đâu?

Đào vừa khóc vừa mếu máo trả lời:

- Con hổng biết.

Chú lấy lương khô cho Đào ăn. Đào hau háu nhai, nuốt không nổi vì lương khô vón cục ở cổ họng. Chú lấy bi đông nước đeo bên người tưới vào miệng Đào. Ăn uống xong, chú cho Đào một phong lương khô rồi dặn Đào vào bờ mà chơi, đừng ra mép nước. Chú đi. Đào chạy theo túm lấy quần chú khóc đòi theo. Ngần ngừ một lát rồi chú bế Đào về đơn vị. Từ đây Đào được bố nuôi và các chú bộ đội nuôi dạy cưng chiều cả năm trời trong doanh trại. Lên năm tuổi người bố nuôi được điều ra Bắc, Đào theo bố nuôi về quê để sống cùng với gia đình.

Quê bố ở Vĩnh Phúc. Bố có một người vợ và một đứa con gái 10 tuổi Đào gọi bằng chị. Hai chị em chơi với nhau rất thân thiết. Nhưng người mẹ thì nhìn Đào không thiện cảm ngay từ phút đầu tiên. Mãi sau này lớn thêm một chút nữa, Đào mới hiểu, người mẹ nghi ngờ Đào là con riêng của chồng. Vì thế mà Đào bị ngược đãi.

Bố nuôi của Đào công tác xa nhà. Có khi hàng tháng trời mới về một lần. Khi biết Đào bị ngược đãi, bố nuôi càng thương hơn. Bố càng thương thì Đào càng bị mẹ nuôi đối xử tàn nhẫn. Cơn ghen khiến bà sáng tạo ra nhiều kiểu để hành hạ. Có khi bà bắt Đào uống hết bát nước mắm còn thừa sau ăn vì Đào rót quá nhiều. Hoặc khi bị lỗi, bà bắt Đào tụt quần ra, lấy xe điếu cứ âm hộ mà vụt. Đào đau nhói đến tận óc. Nhưng khổ nhất là bà bắt Đào ăn cám lợn. Cám lợn chua và thối. Chua và thối ăn mãi rồi cũng quen, nhưng Đào cảm thấy mình như con lợn.Một hôm bà đang ngồi gọt khoai lang, Đào ngồi xem bà làm. Hình như trong đầu bà đang ngùn ngụt ngọn lửa ghen tình. Ngọn lửa cháy ra bàn tay, rồi cháy đến củ khoai. Tức thì củ khoai bay thẳng vào mặt Đào, làm Đào tối tăm mặt mày, máu mũi máu mồm chảy ậng ra. Tiếng khóc của Đào lặn vào trong làm mặt mày sưng lên tím lịm. Đào đau xót, nhưng đau hơn là cảm thấy vô lý, mình chả có tội tình gì mà bị đối xử tàn nhẫn.

Lên chín tuổi, Đào quyết định trốn khỏi nhà. Cứ trốn để thoát khỏi nanh vuốt mẹ nuôi đã, rồi ra sao thì ra. Đào cứ đi, đi mãi gặp được một cái chợ quê. Đào lân la vào chợ, thấy người ta bán nhiều thứ đồ ăn, trông đã thèm. Nhưng không làm sao được. Đến khi cơn đói hành hạ, Đào buộc phải ngửa bàn tay nhỏ xíu ra xin. Người phụ nữ bán xôi ngẩng lên, lấy chiếc đũa lớn đánh bốp vào bàn tay Đào đau điếng. Đào rụt tay lại khóc. Đào không dám xin ai nữa, mà chỉ đứng nhìn hau háu.

Hai ngày, hai đêm Đào nhịn đói. Đói quá không chịu nổi, Đào chờ tan chợ, đến hàng phở nhặt những cục xương dưới đất gặm lại. Răng Đào yếu, miệng lại nhỏ mà những cục xương lại lớn, không thể nào gặm được, chỉ mút cho đỡ thèm. Một buổi sáng Đào ra cổng chợ, thấy đầu nhà một quán cơm có con chó bec giê to lớn và dữ tợn. Cổ con chó là cái dây xích bằng sắt. Đầu kia dây xích được đính vào một cái cột bê tông. Trước mặt bec giê có một chiếc chậu thau. Trong chiếc chậu thau đựng khá nhiều cơm, xương và có cả thịt. Những vầng cơm trắng, những cục xương to và những miếng thịt nạc, thịt mỡ lưng một chậu. Con bec giê lười nhác không chịu ăn, chỉ cúi mõm cắn một miếng thịt cho ra ngoài đặt xuống ngửi ngửi.

Đào nhìn hau háu vào chậu cơm thịt thèm chảy rãi. Đào chỉ nghĩ được bốc những thứ thức ăn kia cho vào miệng thì sung sướng lắm. Đào thèm chậu cơm đến nỗi không chớp mắt. Đào không dám, nhưng đôi chân Đào cứ lân la từng bước đến gần chậu cơm lúc nào không biết. Cho đến khi sự thèm khát lên đến tột đỉnh, thì Đào lao đến vồ lấy một miếng thịt trong cái chậu cơm đút vào miệng.Con bec giê bị kẻ khác ăn tranh, nó tru lên rồi xông vào cắn xé. Đào bị con chó táp vào vai một miếng, nhưng đồng thời chậu cơm cũng bị xô ra xa hơn. Đào bất chấp vết thương trên vai, lao theo chậu thức ăn, hai tay bốc, nhét vào miệng nhai nghiến ngấu. Con bec giê bị mất mồi, tru lên ầm ĩ. Nhưng vì chiếc dây xích ngắn hụt tầm, nên con chó cào xuống đất, rồi lồng lên, nhảy dựng kêu ông ổng làm vang động cả khu chợ.

Người chủ quán mặc quần cộc, cởi trần người đỏ au, béo nung núc cầm chiếc thuốn sắt dùng để chọc lò chạy ra. Trước mặt ông ta là một đứa con gái chừng bảy tuổi đang nằm sấp xuống vục mặt vào chậu cơm, hai tay cào vơ lấy thức ăn trong chậu vả vào miệng. Con bec giê đang nhảy dựng lên nhưng bị sợi xích kéo lại, vẫn tru tréo ầm ĩ. Người chủ quán giơ chiếc thuốn sắt quất vào mông Đào một nhát. Bị đau quá, Đào giật thót bật dậy. Mặt mũi đầy cơm, đất và máu. Người chủ quán quắc mắt:

- Cút! Không tao đánh chết!

Đào quệt nhớt dãi trên mặt và miệng rồi bỏ chạy.

Đào lớn lên nhờ những miếng cơm thừa canh cặn của những bà bán rau, bán cá ở chợ. Khi thì Đào xách cho họ thùng nước, khi thì bổ mấy khúc củi, khi thì dọn dẹp chợ để họ bố thí cho chiếc bánh mỳ, hay miếng cháy, miếng khoai. Tối tối Đào ngủ trong những cái sạp bán hàng. Một hôm trời rét quá, Đào leo lên thùng một chiếc xe ô tô chuyên đi mua rau về Hà Nội. Nửa đêm xe chạy, thế là sáng hôm sau Đào thuộc cư dân Thủ đô.Ở đây Đào theo bọn bụi đời gồm năm đứa con trai nhỉnh hơn Đào vài tuổi. Thủ lĩnh là một cậu choai choai khoảng 15, 16. Bọn này đi ăn cắp, ăn trộm và làm tất cả mọi trò kể cả ăn xin, ăn cướp để kiếm sống. Đêm thì chúng nằm gầm cầu, hoặc bến xe, bến tàu hay trong chợ. Đào nhỏ nhất lại là con gái, chúng giao cho việc giữ đồ và nấu nướng khi chôm chỉa được thứ gì.

Đào sống bằng những thứ chúng kiếm được và bố thí. Đào thừa hưởng của má một thân hình óng ả, khuôn mặt xinh đẹp, nên dù lăn lóc bụi đời Đào vẫn là đứa trẻ hứa hẹn sẽ trở thành cô gái kiều diễm, chính vì vậy mà lũ trẻ rất chiều Đào, dành cho Đào những miếng ăn ngon khi chúng kiếm được, bảo vệ Đào khi bị lũ trẻ khác bắt nạt.Và cứ thế Đào càng lớn càng hấp dẫn.

Đêm ấy, sau khi lũ bụi đời no nê, say sưa vì trúng quả. Chúng lăn ra gầm cầu Long Biên ngủ.Nửa đêm thủ lĩnh mò đến chỗ Đào. Nó chả nói chả rằng, cứ thế tụt quần Đào ra rồi hiếp.Lúc đầu Đào để kệ vì quen phục tùng thủ lĩnh, hơn nữa cũng chả biết chuyện đó là thế nào. Nhưng rồi, sau đó Đào đau quá giãy dụa, kêu la. Cho đến khi nó đâm thủng, tưởng như bị con dao nhọn chọc tiết thì Đào ngất xỉu. Khi tỉnh dậy máu me đầy đùi, nó bảo Đào lau đi, chả sao đâu, đàn bà ai cũng phải một lần như thế. Từ đó, cứ đêm đêm là thằng thủ lĩnh lại ngủ với Đào, có lần nó cho bọn đàn em cùng tập làm trò người lớn. Đào trở thành đồ chơi của tất cả nhóm và coi sự ấy là chuyện thường tình.

Bây giờ nằm nghĩ lại cái thời tủi nhục, Đào thấy sống mũi cay cay. Đào không biết hận ai bây giờ. Đời ba má Đào cũng chẳng lấy gì sung sướng. Giả sử ba Đào không chết?Liệu Đào có sung sướng không?Chưa chắc, lúc đó Đào là con nguỵ quân nguỵ quyền.Vì ba nuôi Đào là liệt sỹ, bây giờ Đào mới là con liệt sỹ, mới có ngày thành bà Hoàng như hôm nay.Đời, cũng chẳng biết đâu mà tính. Tất cả là số phận. Đào vào Đảng là do anh trai Đào thúc ép và đạo diễn. Anh cô bảo, cô có muốn giàu sang không? Muốn hả? Muốn thì cô phải vào Đảng. Như anh đây này, không có Đảng làm sao được thăng quan tiến chức. Có chức là có quyền, có quyền là có tất cả đấy cô ạ. Ở ta nó thế. Và Đào đã làm theo lời anh. Anh cô đúng. Rất đúng.Trong cái lớp tuổi trẻ mới đứng vào hàng ngũ của cô phải chiếm đa số người có lý tưởng như cô. Đó là một sự thật.Nhưng lại có một sự thật hơn nữa là cô và họ đều được khoác một chiếc áo cà sa rất đẹp. Đó chính là bùa phép để cô và họ đứng trước phật tử mà khua môi múa mép.

Chiếc điện thoại nhoá lên báo có tin nhắn. Đào cầm lấy thấy màn hình hiện tên người tình. Cô bấm phím rồi đọc:

- Anh chào em yêu! Em đang làm gì đấy?

Đào trả lời tin nhắn:

- Em đang nhớ anh!

- Chỉ nhớ anh thôi sao?

- Con thánh vật nhớ thằng giời đánh sắp khóc đây này.

- Em đang trên giường à?

- Vâng ạ.

- Anh đi vào trong em nhé?

- Ok, em sẵn sàng.

- Em lốc xoáy lên đi.

- Việc ấy là của gió chứ.

- Mưa chưa em?

- Anh làm cho mưa đi chứ!

- Thằng giời đánh cứng đầu cứng cổ quá cơ.

- Anh để con thánh vật dạy cho nó một bài học, dúi đầu nó vào.

- Em nghiền cho nó chừa cái thói cứng đầu đi.

- Em dạy nó bao nhiêu lần rồi mà nó chả nghe. Anh cho nó vào tử cấm thành để em riềng cho nó một trận.

- Anh cho rồi, em có thấy không?

- Em thấy…Giời ôi! Nữa đi anh!


CHƯƠNG V



L iễu sành điệu lái chiếc Land Crui ser mang biển số xanh lao vun vút trên phố về nhà. Đường phố Hà Nội giờ cao điểm đông hơn ga Hàng Cỏ thời bao cấp. Mặc, Liễu cứ lạng lách để lao lên phía trước. Trong lòng Liễu đang sôi ùng ục. Trước lúc về nhà Liễu gọi điện cho chồng phải về ngay để giải toả.

Một chiếc Camry chạy phía trước, mặc cho Liễu bấm còi xin đường chiếc xe vẫn giữ tốc độ, không nhường. Phải đến hơn một cây số Liễu mới vượt được, tạt xe sang bên, tắt máy. Liễu bước xuống đứng chặn trước chiếc Camry. Người lái xe không vừa lao chiếc xe đến tận chân Liễu rồi khựng lại, làm Liễu phải xiêu người suýt ngã.Cơn thịnh nộ trong người Liễu lại được thể bùng to. Cô chồm đến muốn đập vỡ cửa kính, nhưng người lái xe ngoặt tay lái sang một bên rồi vù thẳng, khiến người trên đường được một phen hú vía, dạt cả lên vỉa hè.

Liễu chửi thề một câu rồi mở cửa xe ngồi vào ghế, lái đi. Về đến nhà cô ném chiếc túi lên bàn trang điểm, rồi nằm ịch ra giường, với chiếc điều khiển bật điều hoà nhiệt độ, điều chỉnh xuống 18 độ.Chưa đã cô còn mở toang hàng cúc áo, để lộ chiếc nịt vú màu đen như hai chiếc mộ song song úp lên ngực.

Bộ bước vào phòng, gỡ chiếc áo comple, chưa kịp treo vào mắc, thì Liễu đã bật dậy:

- Lão phó chủ tịch tỉnh bảo, 5.000 ha mình định mua ở Vũng Hầu, chỉ làm sổ đỏ được 4.000 thôi, vì 1.000 ha đã có một người đàn bà mua rồi. Con đàn bà đó là đứa nào?

Trước khi hoàn thành dự án trình Bộ trưởng, vợ chồng Bộ đã bắt tay với lãnh đạo tỉnh mua và làm sổ đỏ 5.000 nghìn ha đất Vũng Hầu, để khi Dự án có quyết định chính thức thì bên B phải đền bù thoả đáng. Vậy mà đứa nào còn hớt tay trên của vợ chồng Bộ đến 1.000 ha. Bộ bình tĩnh, rút máy điện thoại. Đầu dây bên kia tiếng một người đàn ông sau một hồi vâng dạ, Bộ đặt máy xuống, rồi đứng lên gỡ chiếc quần dài.

Liễu nóng ruột muốn biết thông tin, nên cứ ngóng theo chồng chờ trả lời. Cho đến khi không chịu nổi, Liễu đành phải thốt lên:

- Đứa nào, anh?

Bộ bước vào phòng tắm, để rớt lại một tiếng:

- Đào!

Nghe tiếng Đào, Liễu như chiếc bánh xe bị đinh đâm vào lốp, xì hơi xẹp lép. Cô ngả xuống giường, mắt trơ ra chả biết nghĩ thế nào. Dù sao nó cũng là em gái của Bộ. Anh em họ gắn bó như răng với môi. Liễu hiểu thế, nhưng vẫn có cảm giác bị thua thiệt. Trên đời này Liễu chưa bao giờ thua thiệt cái gì. Với Liễu mọi việc chỉ có thắng chứ không có thua. Thua thiệt đối với Liễu đó là sự sỉ nhục.Không có chồng Liễu, làm sao Đào có được như ngày nay. Dù có là Giám đốc Dự án thì cô vuốt mặt cũng phải nể cái mụn đinh râu chứ.Ăn tranh cả phần của anh trai thì quá đáng. Được rồi, chị sẽ tính sổ với cô. Đương nhiên là chị sẽ không bàn việc này với anh trai cô đâu.

Khi Bộ từ trong nhà tắm bước ra, Liễu đã tươi cười mang cái máy sấy tóc sấy cho chồng.Miệng nhoẻn cười như không có gì xảy ra. Bộ nói:

- Dù sao cô ấy cũng là Giám đốc dự án…

- Thì em có nói gì đâu. Tưởng ai, chứ cô Đào thì lọt sàn trên xuống sàn dưới, đi đâu mà thiệt…

Sau bữa cơm tối, Liễu kéo chồng vào phòng bàn nốt chuyện chạy vào Trung ương khoá tới và chuyện tính toán cho cái dự án Vũng Hầu. Theo Liễu chuyện vào Trung ương mặc dù còn gần ba năm nữa nhưng phải nước rút từ giờ. Mọi việc mua bán chạy chọt Liễu sẽ lo. Nhưng để thanh toán cái vật trở ngại thì phải có sự vào cuộc của Bộ. Cái vật trở ngại đó chính là người đồng cấp với Bộ. Anh ta được chọn vào Trung ương thì có nghĩa là Bộ phải bị loại. Để thanh toán đối thủ, bước một Liễu bàn với chồng song song thực hiện hai phương án. Phương án một tạo sì căng đan cho đối phương. Phương án hai chạy lãnh đạo. Theo Liễu, ở Việt Nam cơ cấu nhân sự là do lãnh đạo bố trí quyết định, việc bầu bán chỉ là hình thức. Mà lãnh đạo ở Việt Nam là tập thể. Vì vậy phải chạy cả tập thể. Sau khi tất cả các phương án trên nếu chưa chắc ăn, thì sẽ có phương án cuối cùng - loại đối phương khỏi vòng chiến đấu.

Nghe đến đây, Bộ sởn da gà. Hoá ra Liễu không phải vừa.Từ lâu Bộ chỉ biết Liễu là người đàn bà nhan sắc, đanh đá cá cầy ở con cá, lá rau chứ đâu ngờ Liễu đã tham gia vào bàn cờ chính trị của đấng mày râu với vai trò ghê hiểm.Thực ra việc này Bộ cũng đã nghĩ, nhưng Bộ định đến một lúc nào đó sẽ bàn với đàn em, cái nhóm đã hùn vốn để Bộ leo lên chức Thứ trưởng. Không ngờ Liễu lại sắc sảo và có mưu sâu đến thế.

Về dự án Vũng Hầu, theo Liễu đây là việc lớn, quan trọng, cấp bách phải tiến hành gọn. Nó là tiền đề cho những công việc tiếp theo. Nếu thành công, ngoài chuyện bên B lại quả, thì việc đền bù 4.000 ha đất mới có đô để lo việc lớn.Việc này cũng đã nằm trong tầm rồi, chỉ lo cô Đào non tay, tham lam để hỏng việc, nên phải quan tâm, kiểm soát cho chặt chẽ, đúng thời cơ là bóp cò.

Bộ lắng nghe tất cả kế hoạch của vợ trong tâm trạng vừa mừng vừa lo.Mừng vì đây là một kế hoạch khá chặt chẽ, khả thi. Lo vì không hiểu sao Liễu lại tinh quái ghê gớm đến thế. Bộ đâu có biết, đó chính là ý nghĩ trong đầu Bộ, mà đàn em trong nhóm cùng có lợi đã phát hiện, biến nó thành kế hoạch cụ thể, rồi qua Liễu để tham mưu trở lại cho Bộ. Nếu Thủ trưởng đồng ý thì đàn em cứ thế thực hiện.Quy trình là thế.

Bộ nhìn lên trần nhà, mắt ráo hoảnh:

- Cái Vũng Hầu ấy, cô Đào là Giám đốc chịu trách nhiệm thiết kế dự án, nghe đâu cũng đã bắt đầu. Thằng bên B cũng bí mật gặp gỡ tất cả các đối tượng cần gặp. Việc bỏ phiếu đấu thầu theo anh chỉ là hình thức. Bên B là một Công ty của nước ngoài nó máu lắm, bao nhiêu nó cũng chi. Cô Đào làm việc này khá hiệu quả, em yên tâm đi.

Sau đó hai người bàn bạc sơ qua kế hoạch chạy vào Trung ương mà Liễu đề xuất. Theo Liễu, nếu Bộ đồng ý thì cứ để Liễu cùng nhóm cùng có lợi lo. Khi nào cần xin ý kiến Bộ thì Liễu sẽ xin ý kiến. Làm thế tốt hơn, cứ coi như Bộ không biết.

Mọi việc bàn bạc với chồng tạm ổn, cuối cùng Liễu không thể không nhắc đến bà mẹ chồng tai quái. Với Liễu thì anh em Bộ là con ông Hải, nghĩa là con liệt sỹ, mang họ Vũ. Còn câu chuyện thâm cung bí sử của bên nhà chồng thì Liễu hoàn toàn chưa biết. Đã từ lâu, Liễu không muốn chung sống cùng mẹ chồng, mặc dù đã vài lần Bộ gợi ý đưa mẹ về Hà Nội. Chả mấy người con dâu thích ở với mẹ chồng, tốt đẹp thì ít mà chuyện mẹ chồng nàng dâu thì đâu cũng xảy ra. Bỗng dưng mẹ chồng Liễu quyết định trở về Nha Trang sinh sống những năm tháng cuối đời.Liễu như người thoát được món nợ nhưng nhức trong lòng, nhưng vẫn tỏ ra luyến tiếc. Liễu bàn với chồng:

- Anh này, em tính hôm nào đó mình về thăm má, rồi tiện thể xem Vũng Hầu nó như thế nào?Chả lẽ mình có 4.000 ha đất mà không biết mặt mũi nó ra làm sao?Hơn nữa để má một mình trong đó em cứ thấy lo lo…

Trong thâm tâm Bộ không muốn Liễu có mặt ở Nha Trang, biết đâu lịch sử gia đình Bộ bại lộ thì chả ra làm sao. Tuy nhiên Liễu cũng không dại gì mà tố chồng. Nhưng tốt nhất là Liễu không nên biết cái mảng tối của anh em Bộ. Nghĩ thế nên Bộ gạt phắt:

- Em ạ, theo anh thì việc Vũng Hầu tốt nhất là mình tránh mặt để đàn em nó lo. Mình không nên lộ diện bất cứ cái gì để giữ gìn cho thực hiện mục tiêu lớn... Còn má, anh đã lo chu toàn, kể cả tới đây anh định tìm cho má một con ô sin trọn đời.

Con ô sin trọn đời! Liễu suýt reo lên, nhưng may mắn Liễu kịp kìm lại được, với cái điều khiển bật ti vi chọn kênh thể thao nằm xem để chờ bữa tối.

Mọi việc bàn bạc đã ổn thoả, Bộ lấy cặp kính, mở tờ báo Thể thao & Văn hoá thả người xuống chiếc ghế bố, cử chỉ và khuôn mặt toát lên vẻ thoả mãn.

♣ ♣ ♣

Vừa mới bảnh mắt, bà Hỏng đã bô bô ngoài cổng gọi bà Hằng sang uống cafe. Bà Hằng biết rằng hôm nay bà Hỏng có chuyện không thể nhịn lâu hơn được nữa. Vì thế bà Hằng rót siêu nước sôi vào chiếc bình thuỷ rồi thong thả sang nhà bà Hỏng.

Bà Hỏng mặc chiếc áo mỏng màu nâu, hàng cúc trước ngực căng ra để lộ những mảng thịt bụng trắng mịn. Toàn thân bà là một khối thịt bùng nhùng như những chiếc phao bơi chồng lên nhau đặt trên ghế, ngoài hiên nhà. Bà đang hý hoáy pha cafe. Bàn tay bà tuy nhỏ nhưng dày, những ngón tay mập ú cầm chiếc thìa nhỏ tíu đang múc từng thìa cafe đổ vào phin. Trông thấy bà Hằng bước vào, bà Hỏng đã choang choang:

- Ối giờ ôi! Tôi mong bà suốt đêm, heng.

Mặc dù đã rất quen giọng nói của bà Hỏng, nhưng mỗi lần cất tiếng vẫn làm bà Hằng giật mình. Hình như năng lượng của bà Hỏng dư thừa, nên cứ mỗi lần xả nếu không có người thì chó cũng đột ngột sủa, hoặc gà té chạy ngác ngơ.

Bà Hằng nhỏ nhẹ ngồi xuống chiếc ghế tựa đối diện. Bà Hỏng xô bồ, ục ịch bao nhiêu thì bà Hằng dịu dàng duyên dáng bấy nhiêu.

Bà Hỏng ném chiếc thìa đánh roeng xuống bàn, rồi lấy cái bình thuỷ mở nắp rót nước vào hai chiếc phin cafe, té cả ra bàn. Bà Hằng nhón lấy hai chiếc nắp nhẹ nhàng đậy vào, rồi tiện tay lấy chiếc khăn lau đám nước loang trên bàn. Đôi mắt lá răm của bà Hằng nhìn bà Hỏng:

- Có chuyện chi hả bà?

- Ối giời ôi!Bực ôi là bực, heng…

Cùng với giọng nói choang choang, bà Hỏng xoay người. Khối thịt của bà chuyển động khó nhọc, làm chiếc ghế gỗ kêu ken két. Định hình cho xong tư thế, bà Hỏng xa xả:

- Cái tiệm bún bò o Hư của tôi đó đông thì đông khách thiệt, nhưng chi phí cũng lớn lắm, heng. Ấy zậy mà cái thằng thuế zụ nó làm khó dễ. Thuế má đóng góp đầy đủ, hổng thiếu một xu, rồi sáng nào cũng mời cả nhà nó, bạn bè nó ăn bún hổng lấy tiền, heng. Ấy zậy mà nó còn đòi phong bao, phong bì nữa. Hổm qua nó biểu, tháng tới có thể tăng thuế. Cha tổ mi nó, ăn thì cũng ăn nó zừa zừa thui, heng.

Bà Hằng ngồi thu lu nhìn ra ngõ. Cái thói quen uống cafe sáng bà Hằng mới tập lại từ khi trở về Nha Trang. Mấy chục năm ngoài Bắc bà đã bỏ hẳn. Người ngoài đó họ uống trà sáng, mà chủ yếu cũng đàn ông thôi, đàn bà rất ít.

Cafe sáng hay trà sáng có cái thú vui riêng của con người. Bà Hỏng bô bô:

- Bà hổng coi con chó nhà bà, heng? Ban đêm tui thách bà đuổi nó ra khỏi ngõ. Nó biết nhiệm zụ của nó là trông nhà. Nhưng sáng ra, khi chủ nhà zậy, là thể nào nó cũng chạy ra đường tụ tập nhau một lát, rồi mới trở zề nhà. Cũng giống như bà với tui đó.Sau một đêm ngủ, sáng zậy ngồi với nhau bà la bà lô một chút bên ly cafe rồi zề làm gì cũng khoái, heng.

Câu chuyện của bà Hỏng chủ yếu xoay quanh tô bún bò và xấp bánh tráng. Có lan rộng hơn thì cũng chỉ ra đến đường phố, công an, thuế vụ là chấm hết, mà công an thuế vụ cũng chỉ liên quan đến tô bún bò và xấp bánh tráng của bà mà thôi. Bà không quan tâm đến thời cuộc. Với bà dù là ai làm Tổng thống, làm Chủ tịch cũng được, miễn là tiệm bún bò, lò bánh tráng của bà dễ thở. Sau khi xả xong, bà Hỏng lại ngồi nghe bà Hằng nói chuyện thời cuộc. Những câu chuyện thời thế bà Hỏng nghe không hiểu mấy, nhưng cách diễn giải, cách biểu đạt của bà Hằng nghe rất hay. Cái hay mà bà Hỏng tiếp nhận không phải nội dung, mà là xem cái miệng bà Hằng nói, nghe cách lập luận, lý giải của bà Hằng.

- Tối qua bà có coi ti vi không? Có hả. Bà có thấy cảnh công an mình giải tán nhân dân tụ tập biểu tình không? Họ bắt những người hung hăng đưa hết lên xe đem đi. Khác với Thái Lan, ở nước này họ có luật biểu tình. Chính Phủ coi biểu tình là một động lực phát triển của xã hội. Biểu tình là đem tiếng nói dân chủ của nhân dân đến với chính quyền. Vì vậy nếu chính quyền đàn áp làm dân bị thương, hoặc chết khi biểu tình là vi phạm pháp luật, phải bồi thường đấy bà ạ. Kỳ thiệt bà nhỉ?

Đúng là tối qua bà Hỏng có ngó thấy cảnh trên ti vi thật, nhưng bà thờ ơ. Bây giờ nghe bà Hằng nói thì mới thấy lạ, thấy có vấn đề thiệt.Tiếng bà Hằng nhỏ nhẹ, thánh thót nghe cũng đã hay rồi, lại được bà phân tích ngọn nguồn và có cái nhìn sắc sảo nên nghe thấy hay hay.

Ly cafe đặc quánh đen sậm như ly thuốc bắc của bà Hỏng được chiêu ra ly lớn có đá. Sau khi ngoáy cho đều, bà Hỏng đưa lên môi. Ngụm cafe như liều thuốc tan vào cổ họng vừa thơm, vừa ngọt vừa có vị đắng làm từng tế bào bà Hỏng như giãn ra, bừng tỉnh. Hình như con mắt bà Hỏng sáng hơn lúc chưa nhâm nhi ly cafe, tiếng nói của bà mạnh mẽ hơn, cái lò xo nơi bụng bà bật tưng hơn. Bà sảng khoái nói bô bô tất cả mọi chuyện bà đã nhìn thấy hôm qua, vừa nãy và bây giờ.

Bà Hỏng không bao giờ hỏi bà Hằng về quá khứ. Thực ra hồi trước gia đình bà Hằng ở căn nhà này thì bà Hỏng buôn bán dưới chợ kia. Lúc đó hai gia đình không biết nhau. Sau này, khi bà Hằng đã ra Bắc, căn nhà được chuyển cho người ta rồi, bà Hỏng mới đến đây ở. Việc ai nấy làm, họ thân nhau và chỉ nói chuyện hiện tại, hàng ngày.Mọi sự chuyển động của hai gia đình, nếu bên này không nói thì bên kia cũng coi như không biết. Cái sự không biết không phải giả vờ lờ đi mà là không nên biết.Ai cũng nhắc mình như vậy.Người ở phố khác một chút với người thôn quê là chỗ ấy.Hơn nữa, bà Hằng muốn thế. Phương châm sống của bà được bà đặt ra từ khi trở lại Nha Trang, các con bà lại luôn gọi điện nhắc nhở. Đối với người cao tuổi thay đổi một cách sống là rất khó, nhưng để vì quyền lợi của con cái họ sẵn sàng ép mình thực hiện.

Tự nhiên bà Hỏng đứng dậy ục ịch vào nhà lấy ra một xị rượu và hai chiếc li. Bà rót rượu ra li rồi mời bà Hằng. Mặc bà Hằng từ chối, bà Hỏng đưa li rượu lên môi nhấp thử rồi tợp gọn. Thỉnh thoảng có tâm sự, bà Hỏng hay uống rượu kiểu này. Buổi sáng dậy chưa ăn gì chỉ cần một li là say mê tơi luôn. Hễ say là bà khóc. Bà tu lên ông ổng:

- Ố ông ơi!Sao tôi lại nhớ ông vào lúc này?

Tiếng khóc của bà Hỏng làm trái tim bà Hằng thổn thức. Giống như bà Hỏng, bà Hằng cũng hay nhâm nhi kỷ niệm. Kỷ niệm cho bà sức mạnh để duy trì sự sống hiện tại. Tự nhiên như một căn bệnh lây truyền, bà Hằng nhớ người đầu tiên của mình, nhớ về cái thời xa lắc xa lơ ấy, cái thời bà còn là một nữ sinh đang đi học làm cô giáo. Hồi đó Hằng được bạn bè đồng lứa tôn làm hoa khôi của trường. Bộ áo dài trắng tinh, mái tóc dài óng ả càng làm cho cái dáng yểu điệu thục nữ của Hằng nổi trội. Khi Hằng bước đi eo lưng cô thon nhỏ chuyển động mềm mại, cặp mông tròn vo cong lên lắc nhẹ bên phải bên trái khiến bao chàng trai mềm lòng ước ao được đặt đôi bàn tay mình vào vòng eo mê hồn của cô.

Thường thường vào mỗi buổi sáng Hằng đến trường qua cổng xưởng máy dành cho đám lính hải quân Việt Nam Cộng hoà tập sửa chữa máy móc.Trong số lính hải quân Hằng vẫn gặp, có một anh lính thợ máy hiền lành, đẹp trai trông dáng tri thức. Mỗi lần chạm nhau, anh ta đỏ mặt và cười. Hằng không mấy ưa khi bắt gặp con trai đỏ mặt, nhưng nụ cười của anh lính thì chao ơi, nó làm cho trái tim Hằng đu đưa, bước đi lỡ nhịp. Hằng không hiểu sao trên đời này lại có nụ cười lạ như thế.Khoé môi dưới hồng nâu mềm như lụa hơi chếch ra một chút như mời gọi. Không gian trước mặt Hằng sáng bừng mỗi khi có nụ cười của người lính ấy. Nhiều đêm khi nằm xuống giường rồi mà nụ cười vẫn sáng trong trí não của cô.Cứ thế, lâu dần nó trở thành liều thuốc sống không thể thiếu được của Hằng.

Một buổi trưa Hằng cắp sách đi qua cổng xưởng máy thì gặp anh đi ra, khi nụ cười anh vừa rạng lên thì Hằng vấp ngã. Gấu quần trắng vướng vào chiếc xăng đan làm Hằng khuỵ đầu gối xuống đường.Chiếc cặp văng ra, sách văng toé, Hằng đau đến ứa nước mắt. Anh đã chạy đến dìu vào chiếc ghế đá trong trạm trực, rồi chạy ra thu dọn sách vở. Anh lấy cồn nhẹ nhàng rửa vết thương cho cô, lấy nước cho cô uống. Hằng mắc cỡ, nhất là chiếc quần trắng của cô bị rách ở đầu gối. Không nề hà anh lính còn mượn chiếc Honda chở cô về nhà.

Thế là từ đó hai người quen nhau. Những buổi tối họ hẹn nhau đi dạo mát, rồi có những lần, Hằng còn để anh lính cầm tay dắt qua cửa, lấy khăn lau vết kem trên má. Những động chạm vô tình làm tim Hằng thổn thức đợi chờ ...

Nhưng anh lính thật lịch sự không bao giờ đi quá giới hạn. Mỗi lần đi chơi sắp tới chín giờ tối là anh tự động đứng dậy đưa Hằng về nhà, còn nhắc Hằng vào cổng sợ ba má rầy la. Hằng có muốn nấn ná cũng không được, anh bảo sắp đến giờ thiết quân luật của trại rồi, anh cũng phải về.

♣ ♣ ♣

Cư dân sống ở Vũng Hầu ngày nay chủ yếu là những người đã tử trận hoặc chết ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Hậu Lê cho đến sau này ( Từ thời Hậu Lê họ gọi Hoàng Sa là Bãi cát Vàng). Họ quây quần trong ngôi đền, thường ngày họp mặt để làm cái việc giữ hai quần đảo cho dân tộc. Người duy nhất còn sống ở Vũng Hầu chính là Phạm Hầu đã xây cất 239 ngôi mộ và ngôi đền này. Phạm Hầu ngày đêm hương khói, kinh kệ, chăm sóc các ngôi mộ gió.Ông ta sống gần như biệt lập với thế giới đương đại, tự sản xuất lương thực, thực phẩm để sinh sống, mỗi tháng đôi lần ông đi bộ vào cái chợ cách đó mười cây số để bán con gà, con vịt, trái cây lấy tiền sắm những thứ cần thiết cho đời sống của mình.

Ngày mồng một âm lịch hàng tháng, các vong tụ tập tại ngôi đền để thượng hưởng lễ lạt và họp hành giao ban như người trên trần thế. Những ngày tử trận của mỗi người, các vong cũng quây quần để Phạm Hầu đọc kinh, hương khói gọi là lễ tưởng niệm. Trong các cuộc tụ họp các vong nghe thông báo những việc về biên cương, rồi phân công nhau giúp người dương thế gìn giữ biển khơi.

Ngay từ đầu năm sau tết âm lịch, các vong đã xôn xao bàn tán việc người dương thế chuẩn bị một dự án san phẳng Vũng Hầu. Tin này được báo lên viên quan Đề Lĩnh, người đứng đầu 239 vong.

Quan Đề Lĩnh là viên quan thời Hậu Lê, cao niên nhất. Năm 1488, nhận chiếu chỉ vua Lê Thánh Tông, quan Đề Lĩnh cùng đội thuỷ binh ra Bãi Cát Vàng khảo sát để phục vụ cho việc lập Hồng Đức bản đồ. Đây là lần đầu tiên vua cử một viên quan nhà binh có chức vụ khá lớn ra đảo đủ thấy được tầm quan trọng việc gìn giữ biển đảo.

Quan Đề Lĩnh cùng 10  hỏa chiến thuyền và  2 tiểu tiêu thuyền. Trang bị vũ khí cho đoàn thủy binh gồm có 1 hỏa đồng đại tướng quân, 10 hỏa đồng lớn, 12 hỏa đồng hạng trung và 80 hỏa đồng hạng nhỏ. Lực lượng thủy quân trên mỗi chiến thuyền được phân công nhiệm vụ rất cụ thể tới từng người. Nếu trên đường ra đảo gặp quân cướp biển thì sẵn sàng đánh trả, tới đảo gặp quân cướp đã trấn giữ đảo thì phải đánh bật chúng ra khỏi đảo.

Để gây thanh thế và khẳng định chủ quyền, quan Đề Lĩnh còn cho cắm cờ lớn ở mui thuyền, cờ loại vừa thì cắm ở đuôi thuyền. Từ Kiệu thị hầu Ưu trạch cho đến các thuyền lớn, loại trung thì từ Thị tuyển, Thị vệ, Trung lục, Hải đạo và các thuyền khác, mỗi thuyền cắm một lá cờ ở đuôi. Loại nhỏ, từ Thị nội, Thị trù, Thị vật, Trung hầu, Thị siêu và thuyền Long, Thiện hải cùng các thuyền mảnh, chử, mỗi thuyền cũng cắm một lá cờ ở đuôi. Hàng tả, Hàng hữu, mỗi thuyền cắm 2 lá; Hàng Thập quan, mỗi thuyền cắm 4 lá. Các thuyền Hành tùy, Thị hầu, mỗi thuyền cắm 1 lá.

Hạ tuần tháng hai âm lịch quan Đề Lĩnh phát lệnh. Mười hai chiến thuyền căng buồm nhằm hướng đông nam thẳng tiến.

Về mùa này biển Đông êm ả. Ngồi trên thuyền quan Đề Lĩnh nhìn trời mây non nước, gió nam lăn tăn, khiến sóng biển tựa hồ như trong hồ Gươm ở Thăng Long. Giang sơn nước Đại Việt thật là đẹp và giàu có. Quan quân trên các chiến thuyền ai nấy đều phấn khích, họ kéo hết ra mui thuyền ngắm cảnh biển trời.

Ba ngày ba đêm, đạo quân thuỷ binh cung đã cập đảo. Khi còn mấy hải lý, quan Đề Lĩnh qua ống nhòm đã phát hiện trên đảo có người. Ông đã phát lệnh cho quân lính chuẩn bị sẵn sàng đối phó.Các hoả đồng nạp đạn, quay nòng về hướng đảo. Binh lính mặc áo giáp, vũ khí cầm tay.

Quan Đề Lĩnh ra lệnh cho các chiến thuyền tiến thẳng đến hòn đảo có người, rồi toả vòng ra bao vây.Trên đảo khi phát hiện có chiến thuyền thuỷ binh Đại Việt thì họ chia ra làm nhiều tốp nhỏ, lợi dụng những tảng đá chuẩn bị đánh trả.

Đứng trên mui thuyền, quan Đề Lĩnh nói to:

- Hỡi những người chiếm giữ Bãi Cát Vàng của Đại Việt hãy nghe đây. Bãi Cát Vàng này đã được vua Đại Việt cắm cột mốc từ xa xưa để hàng năm cho quân ra khai thác sản vật. Nay các người thừa cơ sơ hở ra chiếm giữ để vơ vét sản vật, tài nguyên. Muốn sống thì xuống thuyền mà rút.Nhược bằng, ta cho hoả đồng Đại tướng quân phát hoả, các ngươi sẽ không mang được thân xác về với vợ con.

Ở dưới đảo hình như họ không nghe được tiếng nói của quan Đề Lĩnh. Một chùm tên độc từ trong các hốc đá vút lên lao thẳng tới đáp trả. Quan Đề Lĩnh dùng thanh long đao kịp thời gạt hết được các mũi tên. Ông phát lệnh cho các hoả đồng đại, hoả đồng trung và hoả đồng tiểu cùng đồng loạt phát hoả. Địch chưa kịp trở tay thì quan Đề Lĩnh ra lệnh cho thuỷ binh trên thuyền binh giáo mác, long đao, búp đa nhảy xuống nước, tràn vào đảo. Trận huyết chiến diễn ra khá kịch liệt vì quân địch lợi dụng được các hốc đá dùng cung tên bắn ra khá lợi hại.

Sau hai giờ huyết chiến, toàn bộ quân địch trên đảo bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống. Quan Đề Lĩnh xuống đảo thị sát. Ông ra lệnh thả bọn bị bắt xuống một chiến thuyền rồi tha họ về. Trong lúc ông thị sát, không may một mũi tên độc từ hốc đá bắn ra trúng mắt. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông dặn binh lính hãy thực thi chiếu vua nghiêm ngặt và quá trình đo đạc thì chú ý đề phòng địch đến đánh úp. Cuối cùng ông yêu cầu mai táng ông ở giữa đảo, ở đó lấy một phiến đá khắc một chiếc bia chủ quyền của Đại Việt. Nhiều đời sau, sóng gió, rồi thời gian đã khiến nấm mộ ông không còn nữa, xương cốt tan vào cát bụi và hoà lẫn nước biển Đông.

Hôm nay, tại Vũng Hầu quan Đề Lĩnh ngự trên một chiếc ghế thủ lĩnh điều khiển cuộc giao ban. Bên dưới là các vong đội quân triều hậu Lê, kế đến các vong đội quân triều Mạc, triều Tây Sơn, triều Nguyễn, rồi tiếp nữa các vong đội quân Triều Minh Mạng, cuối cùng là các vong đội quân của Việt Nam Cộng hoà và đội quân của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…Mỗi đội quân có một vị thủ lĩnh.

Phạm Hầu thắp hương xong thì quì xuống chiếc chiếu phía trước. Ông chắp hai tay cung kính vái. Mỗi vái của ông các vong đều cúi rạp người vái theo. Khi Phạm Hầu gõ mõ tụng kinh thì tất cả các vong đều cúi rạp đầu xuống, cho đến khi Phạm Hầu đọc xong đứng dậy về phòng nghỉ.

Người dương thế đi rồi, lúc ấy các vong mới cùng nhau bàn bạc. Quan Đề Lĩnh nói:

- Thượng sỹ nhất Trần Ngọc Phả hãy nói cho các vong đây nghe xem kế hoạch hai đứa con bất hiếu của ông xoá Vũng Hầu ra làm sao?

Trần Ngọc Phả bay vút lên trước nói hết ý đồ của Bộ và của Đào, rồi bay về vị trí của mình.

Một viên quan đời Minh Mạng vừa bay vừa nói:

- Đây là ý đồ của bọn ngoại bang, chúng biết ở Vũng Hầu có huyệt đạo quốc gia trấn giữ Bãi Cát Vàng, nên đã tìm cách hối lộ để có dự án này. Mục tiêu cuối cùng của chúng là thanh toán biển Đông. Thần xin đề nghị một mặt chúng ta khống chế hai đứa con của vong Trần Ngọc Phả và những người cộng sự Việt Nam, mặt khác phải có thái độ với chủ Công ty bọn ngoại bang thì may ra mới được.

Một viên quan thời Tây Sơn bay vút lên xin tấu:

- Công ty ngoại bang này có một thầy phong thuỷ rất giỏi đi theo để phá huyệt đạo của Vũng Hầu, hắn rất cao tay triệt hạ người âm chúng ta. Vì vậy việc ngăn chặn ý đồ của chúng rất khó khăn.Bên ngoài thì kẻ địch nham hiểm, bên trong thì con cháu chúng ta vì tham tiền mà mất cảnh giác.Vì vậy các vong cần phải hiến mưu hiến kế thì mới có thể giúp đất nước giữ được giang sơn.

Sau khi đã nghe hết tấu trình, quan Đề Lĩnh thoảng chốc biến thành ông quan dương thế lừng lững trước ngai. Giọng ông oang oang người thường cũng nghe được:

- Các vong nghe ta nói đây.Mấy chục năm nay, từ ngày đất nước thống nhất, con cháu chúng ta mải làm giàu mà sao nhãng việc bảo vệ giang sơn. Đó chính là điểm yếu mà nhiều thế hệ nước Nam ta thường mắc phải. Năm 1974 mất cảnh giác mà để mất Bãi Cát Vàng phía Bắc. Năm 1988 cũng mải chơi mà để mất một số đảo ở phía nam Bãi Cát Vàng. Từ đó nó lăm le định thôn tính cả biển Đông của chúng ta.Chúng dùng nhiều kế sách để lấn chiếm. Nhưng con cháu chúng ta lại tham vàng bỏ ngãi, thường mắc mưu bọn tiểu nhân mà phạm lỗi lớn. Vì vậy, các vong hãy coi đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Một mặt nhắc nhở con cháu, nhược bằng chúng không nghe thì phải trừng trị để vì lợi ích quốc gia. Mặt khác phải nghĩ kế giúp con cháu diệt âm mưu thâm độc của chúng.

Quan Đề Lĩnh lại biến mất, nhưng tiếng ông trên ngai vẫn oang oang:

- Trước mắt ta yêu cầu vong Trần Ngọc Phả dùng cách báo mộng để cảnh báo cho gia đình Bộ và gia đình Đào biết mà khiếp sợ dừng lại.Khi nào vong Phả làm không được, lúc đó các vong mới ra tay giúp. Nếu chúng không nghe cho đi âm một độ. Nếu vẫn chứng nào tật ấy thì xử vào tội bất hiếu, bất trung. Đồng thời các vong theo dõi sát tình hình, để có cách đối phó kịp thời. Bằng mọi giá ta phải giữ được hai quần đảo lớn, mảnh đất mà cha ông chúng ta đã đổ bao xương máu để có được.Con cháu bán đất tổ tiên mà ăn là tội lớn.

Cuộc giao ban của các vong vừa xong, cũng là lúc tuần nhang vừa hết, Phạm Hầu lên để hạ lễ. Không khí trong ngôi đền như loãng ra, lửa các ngọn nến díu về một phía. Ấy là lúc các vong cùng nhau bay về âm giới.

CÒN TIẾP ....


. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ HàNội ngày 27.02.2021 .