Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









NGƯỜI CỦA PHẬT





   

CHƯƠNG I

III-LÀNG NHỎ BÊN SÔNG


Hà Yên là một vùng đảo trũng thấp hơn mực nước biển, tựa hình một con cá nổi giữa cửa sông Vân Cừ hùng vĩ và sông Tranh thơ mộng. Sông Tranh là một nhánh lớn của sông Vân Cừ chảy qua huyện An Bang, đổ ra vịnh Bắc Bộ. Qua nhiều trận vỡ đê, theo từng thời đại mà nó được bồi lấp, cao dần lên. Gọi là vùng làng đảo nhưng không hề có một mỏm đồi, một ngọn núi, một khối đá nào. Nó là sản phẩm đất đai của những cư dân Thăng Long khai thác từ giữa thế kỷ XV. Vâng chiếu vua Lê mở rộng kinh thành, họ được lệnh đi đến đâu mở đất đến đó để lập nghiệp. Cuộc hành trình dọc dòng sông Hồng qua các làng quê châu thổ, qua sông Vân Cừ, đã đưa họ đến cửa biển này lập nên những hương ấp đầu tiên. Mỗi độ mùa màng, Hà Yên như một chiếc mâm vàng đong lên khi đầy đặn, lúc lưng vơi. …

Ngày xưa, Hà Yên chỉ có một con đường độc đạo ở phía tây, gọi là đường cái quan chạy qua làng Hải Triều, làng Đông An, vào làng Lưu Thượng. Sang giữa thế kỷ XX mới đắp thêm con đường cái phía đông chạy qua làng Lụa Vân đến Ngã Ba đình Lưu Thượng nhập cùng con đường phía tây xuống các làng phía cực nam. Dưới làng Vị Hương cực nam là nhìn ra biển, ra quần đảo Cát Bà. Cả ngần ấy làng xã chỉ có một cổng làng lớn chốt ở đầu làng Đông An. Cổng làng Đông An ra đời khi xây cất xong đình Đông An. Cổng làng trang trí đơn giản, không cầu kỳ như cổng làng các nơi đồng bằng Bắc Bộ. Ngay bên cổng dựng một tảng đá lớn đắp hai chữ “Hạ mã” với hàm ý mọi người qua lại phải chấp hành luật lệ cương thổ địa phương: Từ cổng làng qua cửa đình phải bỏ mũ nón, đang cưỡi trâu phải xuống dắt trâu, đang cưỡi ngựa phải xuống dắt ngựa. Dân gian làng Đông An còn một chuyện kể rằng:

Có một vị quan Tham tán triều Nguyễn về làng Lưu Thượng đi qua làng Đông An bỗng gặp cổng làng. Ngồi trên lưng ngựa, thấy hai chữ “Hạ mã” mồn một ngay trước mặt, chắc ông nghĩ bụng: Là quan lớn triều đình về nơi xứ quê này, hà cớ gì ta phải hạ mình xuống ngựa? Nên ông lỏng cương cho ngựa đủng đỉnh cùng đám lính qua cổng. Chức sắc, trương tuần của làng đang ở trong đình biết đấy là quan lớn, rất khó xử. Vừa sợ vừa bực. Ai nấy nhìn nhau: ông quan này tự phụ quá lắm! Phép vua thua lệ làng. Về làng phải tuân thủ lệ làng…

Không thể bắt quan xuống ngựa, lý trưởng bèn sai đám tuần đinh vác gậy ra đường, không nói năng gì, cứ thế theo sau đập gậy suông xuống bóng người, bóng ngựa. Quan lớn tái mặt, vội thúc ngựa kéo đoàn tùy tùng rảo nhanh. Biết thâm ý người làng này, ông giận lắm, nhưng không làm sao được cái thâm thúy của họ. Sau đận đó, đêm nằm ngẫm nghĩ, lại thêm bọn xiểm nịnh bẩm hót, ông quan uất đến tận cổ. Ông liền bỏ quan sang Tầu học nghề địa lý nhằm về “giết đất Đông An” để “cái làng thâm nho này sẽ không có người thi đỗ!”

Nhưng đến bây giờ làng Đông An vẫn là đất học vào hạng nhất nhì tổng Hà Yên. Làng có nhiều người đỗ đạt, vinh qui, quan tỉnh quan bộ đều có cả… Sông nước và đất đai cùng con người vùng làng đảo sinh sôi và bảo tồn cả một nền văn minh Sông Hồng di lưu từ nguồn cội Thăng Long! Phong tục tập quán, văn hóa thờ cúng, văn hóa lễ hội rất được coi trọng, gìn giữ và kế thừa. Sông nước và đất đai ấy đã chiết xuất, kết tinh nên một thứ men rượu ngấm vào hồn người, thành di sản mê say bao thế hệ cư dân...

Dân gian Hà Yên đặc biệt tôn vinh tuổi thọ và sự chết của con người bằng nghinh rước và tế lễ. Sống “lên miếu”, chết “lên nghè”. Sống thì mừng thọ, rước thọ. Lệ này thành ngày hội đầu xuân, gọi là Lễ hội Rước Người-một phong tục tri ân người xưa khai hoang lấn biển, lập ấp dựng làng và tôn vinh tuổi vàng tuổi ngọc của các bậc đại lão. Tám mươi thì rước bằng võng đào. Chín mươi, một trăm tuổi thì rước bằng kiệu vàng kiệu đỏ. Lễ hội rất độc đáo, nhiều tình tiết, màu sắc và hấp dẫn. Ngày xưa, mỗi độ xuân về, khôn nguôi nhung nhớ kinh thành, nhớ những hội hè, đình đám… dân làng đã vời các bô lão tuổi tác cao nhất trong phường xã đóng y phục giống như đức vua ngồi trên võng đào, kiệu rồng để con cháu nghinh rước lên Miếu đường và bày soạn tế lễ. Không khí diễn ra như thể ở triều đình, cũng lọng che, tàn dựng, cũng phường nhạc bát âm, trống khẩu cầm nhịp, hát xướng ca ngâm… Lọc qua thời gian và đời sống, Lễ hội Rước Người đã là một di sản văn hóa của cư dân Hà Yên!

Đấy là sống. Còn chết thì rước tang. Rước tang bằng đòn rồng, có bài vị, cờ phướn, có tàn lọng, hương án đầy đủ. Đám tang rất coi trọng tiếng kèn, dàn nhạc tế lễ. Khi về thiên cổ dù già hay trẻ, giàu hay nghèo, đều mời thợ kèn đến tấu thổi để thờ phụng và cử hành tang lễ. Tiếng kèn không chỉ thay cho tiếng khóc, khiến đám tang thêm phần trang trọng, thiêng liêng mà còn mang tính giáo dục con cháu... Tuy là phường nhạc dân gian, nhưng âm hưởng của nó phảng phất âm hưởng của những khúc nhạc cung đình. Với tâm thức mang theo văn hóa, nhạc lễ kinh thành, cư dân những lớp đầu tiên thâm ý gợi nhớ, nhắc nhở hậu thế sống xa nguồn gốc chớ quên nơi chôn rau cắt rốn. Thêm nữa muốn đưa linh hồn người chết được thanh thản về cõi âm sau khi ở cõi thế họ từng làm lụng cực nhọc, lo toan, vui buồn, đau đớn... "Sống dầu đèn, chết kèn trống", coi đó là một nhu cầu của cuộc đời mỗi con người. Cho đến bây giờ, cũng là tiếng kèn đám ma, nhưng ở Hà Yên tiếng kèn mang giai điệu rất riêng, không giống tiếng kèn các nơi khác. Rất riêng bởi lẽ nghề thổi kèn đám ma ở đây chỉ dành cho những người mù lòa, vô nhân cấp dưỡng. Người sáng thổi kèn bị cho là cướp cơm người mù, là vô đạo. Tiếng kèn là tiếng lòng phát ra tự tâm cảm hờn tủi, day dứt, trách oán tạo hóa bất công, nghe như xói như bào và thức tỉnh lương tâm. Ở đây còn có tục ca kèn. Ca kèn là tiếng kèn hòa cùng lời khóc của người thổi kèn thay cho tang chủ. Tiếng kèn tiếng khóc vận theo từng cảnh từng người diễn ra vào lúc gà gáy trước khi rục rịch đưa tang, rất não lòng. Dù ở đâu chỉ cần đi qua nghe thấy là người ta đã nhận ra tiếng kèn quen thuộc của thợ kèn Hà Yên!  


Cư dân Hà Yên rất coi trọng tế lễ và tổ chức tế lễ trọng thể. Tế là một trong những nghi lễ tín ngưỡng hằng năm, không chỉ tỏ lòng tri ân đối với các vị thánh thần và tiền nhân phù trì, gây dựng nên làng mạc, mà còn mang nguyện vọng cầu bình an cho tất cả dân làng. Ngoài các khoa tế thánh, tế thành hoàng, tế tổ tiên… người ta còn tế thọ ông bà, cha mẹ khi còn sống và khi quá cố.

Nghi lễ cúng tế theo các tục thờ ở các làng xã cơ bản giống nhau. Có chủ tế và các thành viên gọi là các “quan viên”. Tế thánh, tế thần ở đình, ở nghè từ chủ tế đến các quan viên đều là người trong các làng, trong một làng chọn hợp lại. Tế họ thì người trong họ do các chi ngành cử ra. Tế tang lễ thì người trong họ nội đảm nhiệm; nhưng không cử người nội thân gia đình đang hữu sự.

Một đoàn tế họ thường sắp xếp đội hình khoảng 24 người, tế đình tới 40 người. Đội hình tế gồm một chủ tế, hai phân hiến, hai bồi tế, một hoặc hai xướng tế gọi là Đông xướng và Tây xướng, chấp sự ngoài sân và trong nhà, sáu dâng hương, du rượu, một bổng chúc, một che chúc, một đọc văn, một “Tứ phúc lộc”… Phục vụ dàn tế có chiêng trống, dàn nhạc dân tộc “nhị huyền bát âm” và dàn múa sênh tiền. Những người tham gia vào dàn tế phải qua tập luyện, am hiểu và thành thuộc các nghi thức, nghi lễ khoa tế. Các quan viên mặc trang phục chỉnh tề áo dài màu xanh lam, quần lụa trắng, chân dận hia, đầu đội khăn xếp. Riêng chủ tế trang phục màu đỏ có thêu “bá tử’ hình hoa văn và đội mũ chủ tế. Trong hành tế, chủ tế bước đi nhịp một, lên xuống rất bệ vệ, oai nghiêm. Tế đám tang thì con trưởng làm trọng tế, đầu đội nọn, bịt miệng tì đầu gậy gọi là “mũ gậy”, diễn vai chính. Hai bên dưới là hai hàng con cháu. Con cháu khấu quì xếp trai, rể một bên; dâu, gái một bên. Trai và dâu bao giờ cũng xếp đứng trước rể, gái. Con trưởng không còn thì cháu trai đích tôn thay cha chú làm chủ bái và dẫn đầu đám tang…

Đồ tế lễ gồm các vật phẩm tinh khiết: bánh dày hoặc xôi, thịt gà, lợn, rượu, trầu cau, hoa quả, chanh tiền, vàng hương… Mọi thứ phải được chuẩn bị và hoàn tất từ trước. Trước khi vào khoa tế, gia đình ông chủ tế phải biện lễ ra đình hoặc đền, miếu để báo yết, tạ ơn. Người được dân làng chọn làm chủ tế là một điều phúc của bản thân, gia đình và dòng họ. Chủ tế đảm nhận khá nhiều trọng trách. Từ trang phục đến việc chuẩn bị lễ bái phải cẩn trọng, tập luyện thuần thục sao cho buổi tế diễn ra suôn sẻ, đúng nghi lễ, phong tục của cha ông xưa, ít lỗi, ít tiếng chê bai. Đây cũng là cơ hội để đoàn tế giới thiệu nghi thức tế lễ như một vở diễn trên sân khấu làng xã, mang tính giáo dục và đề cao nhân văn, hướng thiện.


♣ ♣ ♣

Làng Lụa Vân nằm cận hai bên con đường phía đông. Làng có thế đất hình chim phượng cất cánh về phía bắc. Có lẽ nhận thấy đây là thế đất đẹp nên người xưa yêu cái làng của mình ghê lắm! Nên mới đặt tên là Lụa Vân, dải lụa đẹp tươi màu như áng mây sa. Làng tuy nhỏ nhưng tồn lưu khá nguyên vẹn văn hóa làng Việt cổ, hội tụ đủ cả đình chùa, miếu đền, điện phủ, quán, chợ cùng hệ thống nhà thờ họ và các phong tục, tập tục lễ hội, văn hóa thờ cúng… Trước đây, các hội hè đình đám của các làng xã hầu như tập trung ở làng Lụa và đều do chức sắc lý dịch làng Lụa cầm trịch, xếp đặt.

Giữa làng có một gò đất cao, cư dân lập miếu “Tứ xã” thờ các Thủy Tổ là những người đầu tiên của các dòng họ có công “Trúc hải thành điền” lập nên vùng quê làng đảo. Đây là nơi trung tâm diễn ra Lễ hội Rước Người. Sau miếu là Nghè Lụa. Do biến đổi thăng trầm của thời thế, đình Lụa Vân, miếu Tứ xã và Nghè Lụa đều cùng chịu chung số phận: rệu rã và hoang tàn, dẫn đến sập đổ. Pho tượng Thành hoàng đang ngự trong đình Lụa Vân, khi đình đổ nát, dân đem giấu vào chùa Lụa. Khi bình thời, vì mất đình, Nghè Lụa được tu dựng, dân làng lại rước tượng từ chùa Lụa về thờ ở Nghè Lụa! Cùng với đình chùa, đền miếu, các xóm cổ ngày xưa còn có quán: quán Ngòi, quán Ốc, quán Hạ, quán Giữa, quán Kiều… thờ thổ thần, thổ địa. Quán còn làm nơi hội họp của dân xóm, nơi nghỉ chân của các toán tuần đêm, nơi cất giữ đòn rồng nghinh rước. Không chỉ thế, quán còn là chỗ cho những kẻ ăn mày tha phương cầu thực tới trú ngụ qua đêm. Nay các quán xóm đều không còn. Để có một tập quán, một tụ điểm, một nền văn hóa dân gian, làng Lụa đã phải trải qua cả một quá trình dài lâu, chắt lọc qua hàng đời người.

Làng có người rạng danh hàng xứ, quân tử, ăn chơi có hạng hàng xã hàng tổng. Làng có Anh hùng đánh giặc giữ nước, có người làm quan hàng huyện hàng tỉnh, có văn nghệ sĩ tài hoa. Nhưng cũng có kẻ mang tai mang tiếng, “xỏ nhầm giầy Tây”. Có kẻ đánh được gấu, nhưng cũng có người bị hùm vồ. Có những người đàn bà trâm oanh. Nhưng cũng có cả những ả đàn bà lẳng lơ gầm giời… Tất cả làm nên một xã hội làng, một bức tranh làng. Bức tranh làng nhiều màu sắc và thay đổi sắc màu theo từng thời đại.

…....... CÒN TIẾP



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ QuảngNinh ngày 27.02.2021 .