Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










QUÊ HƯƠNG MÌNH




                Họ đã ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc để lót đường cho con cháu đi tới…

                                     (Bình Nguyên Lộc)


N gồi chễm chệ trên cái mui ghe cá dềnh dàng nhứt, nổi bật lên trong đám ghe đậu san sát ngoài sau lưng dãy vựa cá, thằng Đực khoái trá, đánh đòng đưa hai chưn, mặt vác hất ngó trời ngó đất. Bên kia sông lèo tèo mấy cái xuồng nhỏ của những gia đình ở dựa mé, sắm sẵn để đi chợ mà khỏi phải cuốc bộ qua cầu, đậu ơ hờ, rập rình theo sóng. Ống khói hãng thuốc Bastoz bữa nay theo lệ thường hàng tuần phun khói từng bựng, đen kịt. Thằng Đực đánh vần hàng chữ đập vô mắt nó mỗi lần ngó qua bên kia sông: Manufacture des tabacs Indochinoise. Maison fondée en 1887. Chữ đắp nổi được trình bày trong một cái vòng tròn thiệt bự có chữ ký tên J. Bastoz ở chính giữa. Mọi bữa giờ này thầy thợ trong hãng túa ra về đặc nghẹt một khúc đường, nón lá tủa ra mọi ngả, tràn vô mấy đường hẻm gần đó. Mấy thầy cai kha khá hơn, đi làm bằng xe máy, vác xe lên cầu, bước từng bực thang để khỏi đạp một đỗi đường dốc dài. Lần nào thằng Đực ngó cảnh người cõng xe cũng bắt tức cười. Bữa nay Chủ Nhựt, khung cảnh mất đi sự vui nhộn thường ngày. Buồn thiu. Phía dốc ngã đi về cầu Rạch Bần, một chiếc xe-cá chở đầy nhóc ván, con ngựa kéo hổn ha hổn hển nhưng cũng không nhúc nhích được nhiều. Trên cầu, bộ hành qua lại thưa thớt, vội vã. Mấy cây trụ đèn trên lan can cầu vượt lên trên nền trời trong, sừng sững như cột chống trời. Ban trưa cảnh tượng chìm trong không khí im lìm, hoạt cảnh xê dịch thật chậm chạp, chỉ có cảnh tụi bạn đương lặn hụp, rượt bắt ngoài giữa sông là coi mòi hấp dẫn. Thằng Đực nghĩ bụng: Chưa cần. Ngồi chơi một chút đã rồi tính sau.  

Gió trưa thổi như muốn lột bỏ lớp hơi nóng hừng hực dán lên mình mẩy nó nãy giờ. Mát rượi, sướng rơn, nó lim dim mắt, gõ nhịp đùng đùng vô mui ghe, tán thưởng nhịp song lang thiệt ngọt phát ra từ cái máy hát trong khoang đương mê hoặc thiên hạ bằng sáu câu vọng cổ ‘Đắc Kỷ thọ hình’ mùi rệu. Nhớ trực lại ghe cá họ ghét cay ghét đắng chuyện dộng rầm rầm trên ghe, sợ cá giựt mình quẩy mạnh sẽ bị hao hớt, nó lật đật sửa bộ lại tề chỉnh rồi lấm la lấm lét liếc xéo về phía mũi, nhóng chừng coi có ai lên tiếng lên tăm gì không. Được một đỗi hơi lâu, thấy bộ chừng đâu vô đó, nó vững bụng vảnh tai thưởng thức trạng thái vừa sợ sợ vừa khoái khoái của một đứa nhỏ làm điều cấm kỵ mà không bị quở trách rầy la. Một cơn gió thổi phất tạt hơi cá sình đằng sau tới. Nó day lại. Cá phơi nhiều vô kể, con nào con nấy bụng trắng hếu, ngay đơ, nằm chất chồng xếp lớp lên nhau, kín mít gần hết mui. Cha! cá ghe nầy chết bộn ha, hôm qua đâu có dữ tợn như vầy nè. Ham lời chở cho cố, đầy nhóc hầm, cá ngộp hao hớt bộn bàng, vậy mà vẫn cứ chùm nhum trong đó nghe đờn ca xướng hát như thường. Nhà giàu khoái thiệt, của lượm mót thôi cũng thấy mê, bằng cả gia tài người ta chớ ít ỏi gì sao? Nhưng trí thằng Đực không định được lâu để lý luận so đo vòng vo. Nó bốc lên một con, lật ngược lật xuôi, ngắm nghía săm soi, như từ trước tới giờ chưa từng thấy con cá nào lạ lùng như vậy. Cá chắc đâu đã được liệng lên mui từ hai ba bữa trước, mình đã hơi khô khô, vảy lưng đã cong queo, vảy khúc đuôi cuốn kèn cứng ngắc. Nó ấn ấn lên mình con cá. Thịt lưng hơi xốp xốp, còn bệu, nhưng chắc chắn sẽ thành khô khi phơi đủ nắng. Coi bậy bạ vậy chớ tiền là tiền. Nhưng mà bây giờ thì khó chịu quá, thúi còn hơn cứt. Thum thủm cái mùi ông Trịn mỗi lần ông ta mở cái chén úp ở chỗ mổ làm độc dưới be sườn non để gợi lòng thương thiên hạ. Thằng Đực nhăn mặt khịt khịt mấy cái như để tống lôi tống khứ mùi hôi thúi lẩn quất trong lỗ mũi, cái mùi cá có thiệt trước mặt và cái mùi ông Trịn liên tưởng. Cũng không ăn thua gì ráo trọi, còn nghe khổ lỗ mũi lắm, như thịt thúi, tanh ói thiếu điều muốn mửa. Phải rồi, mùi thằng chỏng chết trôi, giống thịt mùi tháng trước khi một thằng chỏng tấp vô sợi dây neo của chiếc ghe trước mặt. Nó sình chương, thịt nở ra thành mập ú, mình mẩy vừa tái mét vừa bầm bầm, hai tay quỳnh ra ngoài sau, mặt ngước cao lên trời đưa cái cổ dài thoàng, mấy cục xương cổ nổi cộm lên thấy mà phát ớn. Chén cơm bữa đó bỏ mứa luôn, nuốt đâu có vô! Khỉa luôn hai ba bữa sau cũng vậy, cứ và vài ba miếng là thấy nhợn, buông đũa ngó mông.  

Thằng Đực nín thở nhốm từ từ về phía sau lái. Nhớ tới ông Trịn chỉ hơi ghê ghê, nhưng nhớ tới thằng chỏng chết trôi thiệt tình nó thấy rởn tóc gáy, như ai lấy búa thầu quơ quơ trên đầu nên ý muốn lội chơi với chúng bạn hay đợi tàu kéo chạy ngang nhảy ùm xuống đu trên sợi dây dòng tự nhiên tiêu tán. Ông già bà cả thường nói hoài, tắm sông mà nghĩ tới hay thấy trong trí hiện ra hình ảnh thằng chỏng chết trôi, chém chết cũng gặp xui xẻo, hỏng bị ma da kéo cẳng nhận cho chết chìm làm ma thế chỗ cho nó đi đầu thai cũng bị vọp bẻ uống nước đầy nhóc bụng. Chắc như ba bó một giạ, hỏng trật được. Chuyện bà Thủy, bà Hỏa mà, đâu có giỡn đâu. Mà cho là người lớn đặt chuyện hù dọa con nít đi nữa cũng hỏng nên thử, nguy quá. Thôi nhịn thèm một bữa hỏng chết ai. Tắm mà trong bụng đánh-lô-tô thì có sướng ích gì đâu. Nó phát thinh nói thành tiếng, nói một mình như ông ứng bà hành mấy chữ bà nội nó thường rao ở cửa miệng. ‘Cẩn tắc vô ưu, cẩn tắc vô ưu’.  

Để lòng ham hố của mình thiệt tiêu tan, thằng Đực ngồi thẳng lưng lên ngó ngang ngó dọc, mấy ngón tay nhịp nhịp lên đầu gối, cố gắng tập trung ý nghĩ vô chuyện khác.  

Trên không trời trong vắt, chói chang. Ánh nắng giữa sông phản chiếu long lanh. Từng hơi thở nhẹ của không gian làm nhăn mặt tấm kiếng khổng lồ dài ngoằn như con rắn thủy tinh vảy lóng lánh bạc đương uốn mình tới xa mút mắt.  

Ngóng ba đồng bảy đỗi, chán chê, nó sửa bộ lại, day mặt hóng mỏ lên bờ. Cảnh chợ trưa buồn hiu. Chán phèo. Thưa thớt. Tan loãng. Bạn hàng chạy nhiều người đương sửa soạn ra về. Cặp mắt thằng Đực ngừng lại trên người ăn mày cụt hết hai cẳng, mặt buồn xo, ngồi trên tấm ván thùng sữa có gắn bánh xe lăn đương khan cổ van xin khách qua đường bằng một thứ văn chương bình dân có vần có điệu, có kinh có kệ, nghe rầu thúi ruột.  

“Lạy ông đi qua lạy bà đi lại, thân con đau ốm tật nguyền. Xin ông bà làm ơn làm phước cho xin đồng xu cắc bạc, con mua cơm ăn, tội nghiệp”.  

Nó quay đầu thêm một chút nữa. Ông ăn mày gặp mỗi ngày có gì lạ nữa đâu. Dòm càng lâu càng thấy sợ, thấy buồn chứ đâu hứng thú gì? Bài bản xin xỏ nghe mấy lần đầu còn hơi lạ lạ, vui vui, nhưng nhàm quá rồi, thuộc nằm lòng rồi. Chán chê, thằng Đực rảo mắt lục lọi khắp chỗ kiếm chuyện hào hứng hơn. Nó khoái chí khi bắt gặp bộ mặt của thầy phú-lít mũi trâu Năm Mành, điếu thuốc trên môi, đương uể oải đứng dựa cột đèn, tréo ngoãi chưn, đưa mắt ngó bao quát quang cảnh chợ. Điếu thuốc thơm ‘nút chuồn’ phong lưu của thầy mỗi ngày một gói cả chợ này ai mà hổng biết?  

Người sành điệu hút thuốc Bastoz
Khách phong lưu hút thuốc nút chuồn (Golden club).
 

Câu thơ quảng cáo mà mấy thằng đánh giày tập tành hút sách thường nghêu ngao hát khi buồn hay đọc lên thiệt lớn để châm chọc thầy Năm - nhảy vô trí nó. Bắt tức cười ghê. Ai đời mũi gì mà như mũi lân, vậy mà còn phì phà phì phèo để khói thuốc bay vô mắt rồi nhăn nhăn hỉn hỉn, trái chanh đỏ bự, gần bằng nắm tay, sần sùi, đo đỏ trên mặt chạy lên chạy xuống, thấy, ai mà nín cười được? Thằng Đực cười trong bụng, để trả thù mấy bữa trước thằng chả đã rượt nó chạy thục mạng, chạy thiếu điều tuột quần khi nó cùng với tụi bạn báo động ‘phú lít mũi trâu tới’ cho bạn hàng chạy, chạy vuột khỏi tay thầy. Nó còn nhớ rõ, bữa đó mặt thầy Năm đỏ gay như ông già say rượu, thấy mà phát sợ.  

Buổi trưa nóng nực thấm mệt, mắt thầy Năm coi tức cười thiệt, nhưng có bộ hiền lành hơn buổi sáng lúc chợ đông thầy còn phải thị uy để đuổi mấy người bạn hàng tràn ra lấn chiếm lề đường. Nó ngó theo ánh mắt của thầy, ngưng lại ở chỗ một đứa con gái trang lứa nó, đương sắp sắp xếp xếp mấy nhúm ớt tỏi, năm ba cọng hành lá, vài ba trái chanh trên cái tràn nhỏ đậy gá ngỡi vào cái rổ tre cạp vành. Con nhỏ mở tròn quây cái miệng, rao lên vài tiếng rời rạc mời mọc hiệp chót trước khi trút hết xuống rổ ra về hay bán đổ bán tháo vớt vát chút nào hay chút nấy bù gỡ bữa chợ ế. Tiếng rao khàn khàn, rời rạc như than vãn mệt nhọc, buồn như tiếng mèo rượn đực lúc nửa đêm. Nhão nhẹt, lạc lõng, gợi nhớ điệu đờn đám ma đêm tối trời mưa.  

Không thấy hứng thú, thêm vô trời cũng đã gần quá ngọ, thằng Đực đứng dậy nhóng thẳng vô phía đường lên bờ. Thinh không nó lật đật bò lom khom tới sau lái, a-thần-phù nhảy cái rột xuống sàn ghe, phóng mau như vượn chuyền nhánh, chuồn thẳng về ghe mình. Nó chun tọt vô mui từ phía sau lái, kéo cái thùng sữa đựng quần áo dưới gầm bàn ra, xốc xổ kiếm cái quần xà lỏn đen, thay vội thay vàng rồi quơ đại một cái áo trồng vô bất kể ngược ngạo. Đâu đó xong xuôi, thấy coi bộ qua mặt bà nội nó được, nó ngồi chò hỏ trong khoang dựa cái cửa lách, ngó mông ra ngoài như nãy giờ nó hiền từ lắm, ngồi ở nhà học bài. May quá, em nó không hay biết trời đất gì hết, cứ mải mê chơi đánh đũa phía đằng đầu mũi.  

Trên bờ, dì Tư đương tránh mấy quày dừa ngổn ngang, cố lựa chỗ trống để đi xuống ghe. Mấy người chủ vựa trái cây ngồi trong mát, ngó ra, làm thinh không nói gì. Dì Tư lầm bầm về trời nắng, về sự lấn chiếm của chủ vựa trong khi vẫn quày quả bước. Tấm bửng bắt từ bờ sông xuống cái ghe lu cao lênh khênh ngại ngùng bước. Dì ngừng lại, chuyển giỏ đồ qua tay trái, lật cái khăn đội đầu xuống vai, nhén nhẹ hai ống quần lên, từ từ bước từng bước. Tấm đòn dài, oằn xuống rung rinh. Dì ngó xuống sông, chỗ này gần bờ, vỏ dừa, vỏ mía, rau cải dập thúi thiên hạ đổ dồn ngày này qua ngày khác chất chồng thành ụ, thành đống cao gần bằng bờ, nước kéo đi không kịp nên thiệt khô, thiệt cạn. Trí dì Tư nghĩ thiệt mau về chuyện ông chủ vựa ngày nào đó sẽ kêu thợ lợp một cái mái gie rồi vừng vách, đóng cừ, lót sàn, mở rộng vựa một cách ngon ơ. Con đường băng qua dãy vựa mấy năm trước lúc mới đặt chưn lên đất Sàigòn này, rộng thinh thang vừa đi vừa múa cũng còn dư dật, bây giờ thì chật còn hơn nêm cối, đi phải tránh phải né, bắt mệt! Thiên hạ làm ăn mau khá thiệt, gầy dựng từ từ mà phát lên lúc nào không hay. Nhà mình cựa quậy ngày nào đủ đút vô lỗ miệng ngày đó. Chốn thành thị yên thân thì yên đó nhưng mà không thấy hứng thú chút nào. Tạm bợ thì được, chứ tính kế lâu dài coi bộ khó khăn. Làm đầu tắt mặt tối cốt khỉ cũng quờn cốt khỉ. Nghèo cũng hườn nghèo, không biết chừng nào mới dư dả chút đỉnh để dễ thở hơn. Ở đây mười năm rồi, chán thấy mồ, không thấy một ngày vui. Tình đời lạt nhách. Người quen bèo mây tương hội, lịch sự đãi bôi, ù ơ ví dầu, miệng lưỡi nhiều chơn tình ít. Trông mong cho giặc giã dứt, trở về quê nhà săn sóc miếng ruộng, vườn mía. Khỏe hơn, khỏi lo chạy ăn cầm canh. Khỏi chán ngán lòng người lạt lẽo.  

Con Gái đứng đằng mũi ghe tay vịn cây sào, chưn nhón tới ngóng bóng dáng bà nội. Thoáng thấy dạng dì Tư ló đầu lên từ sau cái ghe lu, nó lớn họng réo om sòm bát nhã, giọng con gái trong veo, dễ thương cách gì!  

- Nội ơi nội! Nội dìa trễ quá, con đói bụng muốn xỉu luôn.  

Thằng Đực đã lấp ló sau lưng em, nói giọng đàn anh, luôn dịp để khỏa lấp chuyện trời ơi đất hỡi mình làm nãy giờ.  

- Gái, mầy đứng xích vô. Coi chừng té chết trôi đó. Bộ mầy muốn làm thằng chỏng hả?’ Nó vừa nói vừa quỳnh hai tay ra phía sau ngửng đầu lên, con mắt trợn dộc, miệng mở tàng hoạt làm bộ tịch thằng chỏng để dọa.  

Con nhỏ bị hù sợ quýnh, lật đật bước thụt vô khoang, mắt lấm la lấm lét nhưng cũng còn ngoái cổ về phía bà nội ở ngoài xa cách hai ba chiếc ghe. Dì Tư sau khi bước nhờ nhè nhẹ trên mấy cái ghe thiên hạ, thở hắt ra khi bỏ chưn xuống sàn ghe mình. Thấy cặp mắt nheo nheo vì chói nắng của con Gái, dì nóng ruột quở thương.  

- Bây dang cái đầu trần ra nắng chan-chan, nói hoài không được, cứng đầu cứng cổ có bữa nứt đít đó.  

Dì rờ đầu nó, chắc lưỡi nói giọng ấm hơn:  

- Đầu nóng hổi, nó biết thì bây chịu nghen, đòn bọng cũng đừng kêu réo tao. Tao xin không được đâu. Như bây biết đó, nó nóng như lửa, còn hơn là Trương Phi nữa. Lần nào đánh con cũng đánh như đánh giặc, đâu có bao giờ biết nới tay!  

Nghe rầy, con Gái mặt xụi lơ như bánh bao chiều. Thằng Đực tỉnh queo, chế dầu vô lửa bằng một câu em nó nghe không lọt lỗ tai chút nào hết.  

- Thuốc cảm ‘con cọp cỡi ngựa’ uống chua lè chua lét, mà còn dính ở cần cổ sặc muốn nghẹt thở luôn. Cho mầy uống một ngày ba gói cho mầy hết dang nắng.  

Nó làm bộ quay mặt chỗ khác nói lẽ theo điệu đã đạp cứt người lớn:  

- Lớn rồi, nói hoài mỏi miệng quá, như nước đổ lá môn.  

Con Gái bực mình vênh mỏ bêu xấu địch thủ:  

- Tao có bịnh, tao biệt cửa cho mầy ăn ké. Lần nào cũng xin, húp hùm hụp như đồ chết đói bảy đời vương. Lại còn ước được bịnh để có cháo thịt bằm ăn mỗi ngày. Hứ! Thứ đồ anh dụ ăn của em. Hỏng biết xấu. Dì Tư không bằng bụng về lời nói hỗn hào đó, liếc mắt lườm cháu gái. Thằng Đực mắc cỡ sượng trân. Con nhỏ chu chu vảnh vảnh cái mỏ lông ben thấy phát giận cành hông, ước sức muốn xán một bộp tay cho thấy ông bà ông vãi. Nhưng nó kịp nghĩ lại. Chắc con Gái sùng trong bụng lắm mới đổ quạu lớn tiếng mầy tao nầy nọ. Tốt hơn hết nhịn nhục để khỏi đổ bể chuyện tắm sông. Nó nuốt giận làm lơ, đánh trống lảng bằng cách chào hỏi lăng xăng lích xích rồi nói với dì Tư một câu mua lòng được ớn:  

- Nội coi kìa, con Gái bữa nay coi mướt ghê, trổ mã rồi. Có vẻ con gái rồi. Nội thấy nó đẹp hơn mọi bữa không?  

Dì Tư cười xòa. Thằng này nịnh cũng hay. Con nhỏ có khác gì mọi ngày đâu? Tuy vậy dì cũng liếc qua cháu gái với một chút xíu hãnh diện trong lòng. Con Gái mắc cỡ háy anh nó một cái dài sọc rồi tủm tỉm cười.  

Dì Tư như một cách giảng hòa, đưa cái giỏ đi chợ cho thằng Đực, đưa mấy gói vụn vặt cho con Gái. Ba người lần lượt bước vô mui. Con Gái đã quên hết giận hờn, chót cha chót chét với anh nó trong khi nội nó lo bày biện đồ ăn ra một cái bàn nhỏ kê sát vách mui, sửa soạn bữa cơm trưa.  

- Con Gái lãnh phần vo gạo nấu cơm, một lon rư ỡ i gạo thôi. - Dì, giọng thiệt vui, sai phái giống như chủ tướng truyền lịnh.- Nhớ đậy khạp kín, vo bằng nước đổi cho sạch rồi đổ vô bốn lon nước. Làm vén khéo nhe con, bung thùa đổ tháo tội trời lắm đó.  

Dì quay lại thằng Đực, tiếp:  

- Thằng Đực lãnh phần rửa rau, rửa rau bằng nước sông, nước chót mới xài nước ngọt. Coi chừng đó, hụt chưn thì bà Thủy kêu đó, nội già rồi không nhảy xuống vớt được đâu.  

Con Gái làm theo lời dặn. Nó lấy nồi, lui cui dở khạp gạo quơ tay kiếm cái lon sữa bò, đụng nhằm trái mảng cầu xiêm và hai trái vú sữa nội nó dú trong đó, nó rờ rờ bóp bóp nhưng thấy còn sống nên không nói gì. Thằng Đực cũng làm theo lời nội dặn nhưng nó cười hì hì nho nhỏ. Bà nội có tuổi nên lẩm cẩm, sợ bóng sợ gió mất công vô ích, chẳng khác nào lo bò trắng răng. Mình còn dám leo lên chót vót cột đèn trên cầu nhảy xuống, huống hồ... Trọng cải rồi chứ bộ nhỏ nhít gì nữa sao! Có chuyện gì thì chỉ cần sải hai sải là nắm được be liền. Dễ ợt! Nghĩ vậy, nhưng nó cũng dạ dạ cho qua chuyện. Nói qua nói lại cù cưa cù nhầy mất công mà có khi còn lòi chành mấy cái tội dàng trời của mình không biết chừng, hổng tắm sông thì mỗi chiều thứ năm bỏ đi ba đồng bảy đỗi chứ không ở nhà học bài. Bả nổi giận mét cha thì bà hú.  

Nó ngó lên cái chổi lông gà ba nó giắt trên mui, rồi xách gói rau ra ngoài sau lái chổng mông xuống múc nước rửa rửa lặt lặt, chăm chăm chú chú như một đứa con gái chánh hiệu.  

Đương xé bỏ mấy chỗ rau úng, thinh không thằng Đực réo lên thiệt lớn, giọng vui thiệt là vui:  

- Nội nè!  

Dì Tư ngước lên ngó cháu. Cái thằng! Tánh như con gái, réo nội ơi nội hỡi tối ngày như mình mắc nợ ba bốn đời chưa trả!  

- Nội nè, tại sao nhà mình không ở trên đất liền mà ở dưới sông? Mấy đứa bạn nghe mình ở ghe, cười quá mạng. Người ta xài ghe để chở đồ đi bán chứ ai ở dưới ghe năm nầy qua năm khác bao giờ.  

Nó ú a ú ớ ngó nội nó một hồi mới rào đón sau:  

- Nói nội đừng giận, tụi nó nói nhà mình dị hợm, hổng giống ai. Con hổng biết nói làm sao nữa!  

Dì Tư ngừng tay đánh vảy con cá, ngó cháu một đỗi hèn lâu mới nói thiệt chậm rãi. Giọng không một chút giận hờn nào hết:  

- Có nhiều điều mà con nít không biết được đâu con. Người ta nói con nít con nôi là như vậy đó. Chỉ lo ăn, ngủ thôi, chớ biết cái khỉ gì đâu. Xứ mình sông rạch chằng chịt, xe cộ ít ỏi, đường sá lỗ hang, dùng ghe đi đâu cũng tiện. Vài người, một gia đình, hoặc là làm ăn không khá, hoặc là thời thế đẩy đưa, chỗ làng nước khó ở, dắt díu nhau lên ghe, chất theo đủ tam tứ thứ thập vật, từ cái áo rách, cái chén bể, tới cái ông lò, chiếc chiếu, nồi niêu chảo đụn, nương theo con nước, theo lạch theo ngòi, ngừng lại ở một d oi một vịnh, một xẻo nào đó, lên bờ coi cuộc đất hơi tốt tốt có thể trồng trọt được thì chặt cây, chầm lá, dựng chòi, cất nhà. Ngoảnh đi ngoảnh lại không bao lâu khoảnh đất trước đây dầu cho hoang vắng cách mấy cũng thành chỗ có người của mình. Ban đầu thì thưa thớt, vài ba gia đình, leo-heo mấy cái nhà, độ chừng vài ba năm thì xum-xuê, rộn-rịp, có làng có xã đàng hoàng. Bây biết hông, xứ mình rộng lớn minh mông, đi già đời cũng hổng hết đất mà đâu đâu cũng thấy người là nhờ ghe đó. Đừng có phụ rãy nó. Ghe là thứ chưn có bùa có phép để đi trên nước đó con.  

Dì Tư ngừng nói, bốc một miếng trầu đã têm sẵn để dành trong cái hộp thiếc thuốc con mèo, bỏ vô miệng nhai bỏm bẻm rồi tiếp tục:  

- Còn chuyện tụi bạn bây nói nầy nói nọ hơi sức nào bây để ý. Trối kệ chúng, coi như không có. Thói thường người ta ở không thì ưa bươi móc chuyện thiên hạ. Hễ giống họ hay thua họ thì không sao, hễ khác một chút hay hơn họ thì... ối thôi đủ điều. Nhưng mà mỗi người có một hoàn cảnh. Nếu hoàn cảnh ai cũng giống ai thì đời đâu còn người nghèo người giàu.  

Thằng Đực không bằng bụng bà nó xử chìm xuồng về chuyện châm chọc của chúng bạn nhưng nó khoái thiếu điều muốn nhảy dựng lên vì câu ví von của bà. Phải rồi, trong truyện Phong Thần, truyện Tây Du có thiếu gì ông tiên có phép thần thông, ghe cũng là một thứ thần thông chứ bộ! Có tài độn thủy cũng chỉ đi được một mình mình. Có ghe chở được nhiều người mà còn đem theo được đồ đạc vật dụng. Nó ngó dì Tư rồi tủm tỉm cười tán đồng.  

Dì được dịp nói rộng hơn ý mình.  

- Bây nghe chuyện tàm thực của ông bà mình chưa? Sẵn đây tao nói luôn trót thể, bây học được chút nào hay chút nấy, để nữa tao quên.  

Dì Tư trầm ngâm như nói với riêng mình:  

- Ngày xưa đất nầy của người đàng thổ, dân mình ở ngoài Trung từ từ nhích lần vô, đâu phải đi bộ thôi đâu, phần lớn đi ghe để tới được những chỗ khó khăn, trong hóc, trong xó, trong xẻo, trong gành. Mình tới ở chung ở lộn với họ một thời gian, họ không ưa chung đụng với dân lạ nên bỏ vô sâu hơn, thét rồi làng nước chỗ đó thuộc về người Việt. Đất đai nước mình rộng lên từ từ. Đó là chánh sách tàm thực do dân mình tự ý thực hiện để mở rộng nước. Công ơn ông bà mình đã lớn, mà công lao của ghe xuồng càng lớn hơn. Bây đừng khi dễ nó.  

- Vậy người đàng thổ chắc ghét người Việt Nam mình lắm phải không nội, con Gái hỏi một câu nghe được ớn.  

- Chuyện đó thì đương nhiên rồi. Đất đai của họ thinh không mình tới ở, chiếm, làm chủ, chuyện ghét thương làm sao tránh khỏi? Cũng như trong lòng mình cảm thấy sao sao đó khó chịu về chuyện mấy người ‘cắc chú’ có nhà có cửa, có đất đai, có xe cộ vẻn-vang trên đất nước mình. Thí dụ như bây giờ bỗng nhiên mình qua Tây, qua Mỹ, ăn nhờ ở đậu trên đất đai của họ năm nầy qua năm khác chắc chắn là họ ngó mình bằng nửa con mắt thôi... Hai bên ngấm ngầm xung khắc, đụng chạm là cái chắc. Bịnh bài ngoại dân nào cũng chứa trong máu. Mà tao thấy cũng đúng, không trách ai được!  

- Người ta ghét rồi người ta có chém giết mình không nội? Lúc ban đầu họ đông mình ít mà? Mình đánh đâu có lợi.  

- Chắc là có. Quyền lợi mà! Có lúc tao nghe chuyện thổ dậy, chặt đầu người mình liệng xuống sông lềnh khênh, tôm càng, cá chốt mập ú, no tròn mà đâu có ai dám ăn. Người ta cũng hỏng dám chài vớt bán nữa, sợ người khác ăn mình bị tội. Lâu lâu mấy tay bạt mạng túng tiền làm ẩu đem bán xa xa cũng được nhắm mớ, nhưng mà bị rủa, tội trời lắm! Trở về chuyện thổ dậy, nói cho đúng ra, tao cũng không thấy tận mắt. Chắc có lẽ ở xa. Đâu miệt dưới. Dầu sao đi nữa có người chết mới có miền đất đai trù phú nầy. Mới có sông rạch cho mình đậu ghe. Nếu không thì dân mình chùm nhum lại ở ngoài kia chật chội ứ hơi chứ đâu có thong thả như bây giờ. Tiên phong lót đường luôn luôn thiệt hại nhưng ích lợi cho công cuộc đường dài. Tao nghĩ nếu ông bà mình ngày xưa mà ngán dao ngán búa thì bây giờ đất mình ước chừng chỉ bằng cái bụm tay thôi, có khi bị Tàu lấy mất tiêu rồi cũng không chừng.  

- Vậy quê mình không phải ở đây sao nội? Thằng Đực không muốn nghe vòng vo tam quốc, nó thắc mắc chuyện dính dấp tới mình hơn.  

- Tứ xứ ở trên đất nước nầy, gần thì Sàigòn, Lục Tỉnh, xa thì Hà Nội, Hải Phòng, đâu đâu cũng là quê hương mình hết thảy. Có điều chỗ chôn nhao cắt rún, chỗ ông bà của dòng họ mình lập cơ ngơi ban đầu không phải ở đây. Mình là lưu dân, đâu phải chánh gốc ở đất Sàigòn nầy. Người ta gọi xách mé ‘trai tứ chiếng, gái giang hồ’ là vậy đó. Mà thôi! Bỏ qua chuyện đó đi. Quê thiệt của mình có cái tên hơi ‘lạ tai’ một chút. Chợ Đệm.  

Dì Tư tự thưởng mình bằng nụ cười khi đã kiếm được một chữ đặc biệt diễn tả quê hương. Lạ tai chớ không phải quê. Dì nhấn mạnh:  

- Chợ Đệm cũng gần đây chớ không xa lắm. Xe cộ bây giờ nếu chạy một mạch chỉ cần một buổi thôi, sớm mơi đi trưa đã tới rồi.  

Thinh không dì Tư trầm ngâm ngang. Tên quê nhà lâu không được nghe nhắc, bây giờ lại nghe từ chính miệng mình, gợi trong lòng dì cảm giác bồn chồn xao xuyến. Đường về không xa, nhưng sao bao năm nay đâu dám nghĩ tới! Bà con không còn, người quen phân tán, làng xã khó dàng trời! Nẻo về bị chận nhưng đi về bằng tâm tưởng, bằng trí tưởng tượng vẫn có đủ sức để sụt sùi lòng. Kỷ niệm xưa, không gian và thời gian cũ chập thành hiện tại trước mặt, bào xé ruột gan, nước mắt sống chực hờ rớt xuống theo nỗi bùi ngùi.  

Thằng Đực trong lúc đó vẫn cứ ngơ ngơ, đủng đa đủng đỉnh lật qua, lật lại mấy cọng rau sà-lách cố rửa mấy hột đất dính ở bẹ lá. Đối với nó, chợ Đệm, chợ Quán, chợ Rẫy, chợ Đũi, chợ Gạo hay chợ gì đó cũng chỉ là một cái tiếng, cái tên như Thị Nghè, Bà Chiểu, Đất Hộ, Đakao, không ăn nhập gì với nó hết, có lẽ còn thua, còn không gợi cảm, không êm đềm bằng mấy chữ chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối mà nó nghe hằng ngày, sống ở đó, lớn lên ở đó với kỷ niệm và bạn bè ở đó.  

- ...Còn nhớ nhà ông cố bây ở gần sông, bên kia sông cách nhà chưa dập bã trầu có cái chợ nhỏ, mỗi lần tao muốn đi chợ đều phải kêu xuồng của con Thơm, con bác Hương Hào Ngọ, để xin quá giang. Lắm khi phải réo rát bản họng nó mới nghe. Sông không rộng lắm, nhưng hai bên bờ trống trải, lùm buội không nhiều, chỉ le-que mấy cây bần thôi. Tiếng kêu nó huốt đi. Quá giang sướng là khỏi phải chèo chống gì hết, thiên hạ đâu có cho! Mình dầu sao cũng là khách trên xuồng họ. Nhưng lại phải mang ơn thiên hạ. Có nhiều bữa con Thơm nó không vui, mình ngồi cũng phải ké-né. Dì nói một câu không ăn nhằm gì hết với chủ đề buổi nói chuyện. Ở đời nó vậy đó. Nhờ cậy ai thì lúc họ ể mình khó chịu, mình cũng ngại cũng sợ, bởi vậy tao ngán nhờ vả lắm. Cực chẳng đã!  

Tiếng Dì Tư nghe chua chua xót xót như muốn ám chỉ đứa con dâu vắng mặt. Con Gái ngước mặt lên ngó bà nội, trù trừ một lúc mới hỏi:  

- Như con có giang từ cầu tới trường phải không nội? Nhiều bữa ông xe ngựa không muốn rước nói là tụi con xuống gần quá, ổng bị mất mối.  

- Ừ! Nói có giang, hay quá giang, gì cũng được. Bây giờ xe cộ chạy trên đường, trên đất, có chèo chống gì trên sông đâu mà nói giang, nói hà. Có một điều là bây quá giang xe ngựa là bây đi một đỗi đường thôi, không đi hết lộ trình. Mà quan trọng là bây có trả tiền. Nói quá giang là mình nói cho nó lịch sự vậy mà. Lời nói không mất tiền mua.  

Con Gái khen lấy khen để:  

- Nội cắt nghĩa nghe hay quá. Cũng như bữa hỗm nội cắt nghĩa tại sao ghe nước họ bán nước ngọt cho mình mà họ chỉ rao ‘đổi nước không’. Hồi trước con cứ lấy làm lạ, mình có đổi gì với họ đâu. Mấy tiếng như vậy chừng nào con lớn lên, con đi học trường lớn hơn, con mới biết hết phải không nội?  

Dì Tư quậy quậy khứa cá trong cái nồi nước đang đỏ màu máu để rửa lần chót rồi bỏ vô nồi, bắc lên lò. Củi chẻ nhỏ, khô, bắt lửa nãy giờ, nổ lốp bốp văng tàn tùm lum. Mắt dì rưng rưng cảm động. Thằng Đực, con Gái hỏi nhiều câu được ớn, coi cũng có đầu óc lắm chứ đâu thua ai. Tụi nó mà còn ở nhà quê chắc nổi bật lên giữa đám con nít trong làng. Mình cũng nở mặt nở mày. Ở đây ai cũng như ai, anh hùng tứ xứ, chuyện ai nấy lo, hồn ai nấy giữ, giỏi dở gì cũng như nhau. Thiệt uổng!  

- Ừ! Tiếng mình có nhiều chữ mắc mỏ, - dì gật đầu. Nhiều người nói thì nói vậy chớ không biết trúng trật. Bây càng ngày càng lớn, để ý sẽ học được từ từ. Mình nói trúng thiên hạ không khi dễ. Cũng như ông Trịn đó. Nít nhỏ chọc ông ta tại vì ông ta nói chữ trật lất trật lơ. Ai đời ‘tụi bây ăn ở độc dược với tao, trời đảng mạng tụi bây! hay là ‘bà con ăn ở có nhơn duyên thì Trời Phật độ bà con ’ .  

- Nội nói chuyện ông cố nữa đi nội.  

Thằng Đực lên tiếng, nóng ruột vì đề tài đã đi quá xa. Dì Tư ngó thẳng về trước mặt nhưng trí không thu nhận ngoại cảnh nào, mơ màng, nói thiệt chậm rãi, sống lại quá khứ qua những điều dì nói, một quá khứ thiệt tầm thường, nhưng thời gian không thể làm phai mờ.  

- Ừ! Thì nhà mình là dân cố cựu nên cũng đủ ăn đủ để, rân rát. Tao còn nhớ nhà mình bự xộn, bốn năm gian, lại còn có mấy lẫm lúa. Tao là con út, mấy anh chị có gia đình ra riêng hết. Nhiều người theo vợ, theo chồng đi ở xa. Ông cố già rồi. Chừng độ bảy mươi. Trong nhà có chứa cái hàng, kêu là hậu sự, cái hòm đó, mua hờ để có sẵn, khi lỡ theo ông theo bà khỏi phiền nhiễu con cháu. Ông cố bây... Mà thôi! Nói hoài chuyện xưa thêm rớt nước mắt chứ ích lợi gì.  

Dì kéo khăn chậm nước mắt. Con Gái ngó sững nội. Nội nó cười với nó:  

- Đâu để coi, lúc lớn ông cố gả tao cho ông nội bây, cũng là người cùng xứ, gia đình không khá giả nhưng là người chơn chất làm ăn. Ra riêng, cha mẹ hai đàng cho đủ tiền cất nhà cửa, mua sắm ghe cộ. Nội có một cái ghe lớn bộn dùng để đi lên tỉnh bổ hàng về bán. Hàng xén ấy mà. Đâu không được bao lâu, gặp năm giặc giã lung tung, đánh nhau long trời lở đất, thiên hạ bị chặt đầu mổ bụng rần rần. Cả nhà rút lên ghe, chèo thả theo sông kiếm chỗ tản cư. Ở chỗ kinh Tàu Hủ một đổi. Ở chỗ kinh Lò Gốm cũng lâu ớn rồi lần hồi mới trôi dạt tới đây. Đổi ghe nhiều lần khi túng ngặt để lấy tiền ăn. Cuối cùng mới tới cái ghe nhỏ nầy đó chớ? Bao nhiêu năm rồi!  

Thằng Đực hỏi chuyện tâm tình:  

- Rồi nội nhớ nhà không?  

Con Gái cũng nhao nhao:  

- Phải rồi! Nội có nhớ nhà, nhớ chỗ nội sống hồi còn nhỏ không?  

- Nói cho cùng mà nghe, xa quê ban đầu phải nhớ, ai mà hỏng vậy? Tao nghe bây đọc như con két mẹ ‘Chỗ quê hương đẹp hơn cả’ mà...  

Dì trầm ngâm:  

- Ban đầu thì cũng nhớ... nhưng năm nầy qua năm nọ, mọi chuyện rồi cũng đâu vô đó. Con người ta ăn theo thuở ở theo thời, ở đó nhớ hoài còn làm ăn gì được. Tao chỉ buồn là ba bây mọc gốc mọc rễ ở đây. Chỗ nầy nó đã quen nước quen cái cho nên không dám nghĩ tới chuyện trở về quê hương xứ sở. Còn bây thì khỏi nói. Nghe tới hai tiếng Chợ Đệm lạ quắc lạ quơ bây cho là chỗ quê mùa hủ lậu, chó ăn đá gà ăn muối, làm sao bây nghĩ tới chuyện về?  

Dì Tư nhích tới chỗ con Gái ngồi, dở nắp nồi, cơm vừa chín tới thơm mùi nhựa gạo, đưa đũa bếp xới xới. Tay dì quậy mạnh mẽ, thành thạo, nhưng để ý mới thấy Dì cố tránh đụng mạnh mấy cái hột vịt luộc ké trong đó. Xong xuôi dì đập lên vành nồi cho mấy hột cơm dính trên đũa bếp rớt xuống, đậy nắp nồi, xây xây, lựa chỗ cho nắp vung khít khao với miệng nồi để hơi khỏi bay ra.  

Con Gái biết ý nội, lấy đôi đũa sắt quậy trong lò, than vụn lọt qua vỉ, rớt xuống phía dưới đỏ au. Nó vói tay dụi mấy cây củi đương cháy đỏ vô thau nước dơ cạnh đó, rồi chất vô đống củi, tiết kiệm để xài lần sau. Dì Tư ngó cháu mỉm cười bằng bụng, đưa tay xấp xấp xếp xếp mọi thứ gọn gàng, kéo cửa sổ, hất hết rác rến xuống sông rồi đứng dậy đi lấy chén đũa. Cử chỉ của dì Tư thiệt tự nhiên, thiệt bình thường nhưng thằng Đực thấy bà nó cố gắng đè xuống đáy lòng một thứ tình cảm gì đó mà nó lờ mờ hiểu rằng đó là nỗi buồn nhớ quê của người xa xứ lâu năm không được trở về, giờ đây nghe nhắc tới. Nó ngó theo từng cử chỉ của bà nội. Mường tượng nghe một tiếng thở ra. Thương bà và cũng phục bà. Bà nói trúng phóc, hổng trật một chút nào hết. Hôm qua đây chứ đâu lâu lắc gì, trong lúc chờ con Gái từ trường Tôn Thọ Tường băng qua để đi về chung, nó đã tò mò đứng ngó gần rớt con mắt ba bà nhà quê đương sà xuống mua thuốc Nam của mấy người Chàm bày bán trên lề đường. Nó lấy làm lạ về mấy người Chàm thì ít. Họ nói bằng thứ tiếng líu líu lo lo bổng trầm. Họ bận quần áo màu mè, lòe loẹt thùng thình. Họ đeo cả chục cái vòng ở mỗi cườm tay. Mấy chuyện này mới gặp lần đầu thì lạ. Nhưng bây giờ thì quá thường rồi, quá quen rồi. Cứ vài ba tuần, thì thế nào cũng có năm bảy người, đàn ông có, đàn bà có, bày thuốc ra bán. Thuốc rễ cây, lá cây khô. Họ còn bày biện ra trên mấy tờ giấy dầu những sản phẩm đặc biệt của rừng núi, rất thu hút người thành thị như là mật gấu, nanh heo rừng, gạc nai, củ sâm, răng cọp, lông đuôi voi. Có bận họ còn chưng nguyên một con khỉ khô, nguyên bộ dạng ngồi chòm hổm, nhăn răng như khi còn sống, giành ăn khọt khẹt làm cho người ta bu lại coi đen nghẹt, chật hết lề đường. Hôm qua nó cũng lấn vô để hy vọng được coi con khỉ khô lần nữa. Nhưng không có gì hết. Chỉ thấy mấy người đàn bà nhà quê, bận hai ba cái áo một lượt, khi móc tiền ra trả, rụt rà rụt rè vén từ cái lên, tiền ở trong túi cái áo chót. Họ lây quây mở kim tây, lấy từng đồng bạc mới tinh ra, mấy tấm giấy một đồng thẳng thớm vừa thơm mùi giấy, vừa thơm mùi long não, họ đếm tới đếm lui, năm lần bảy lượt mới chịu đưa tiền. Đưa rồi mà họ thiếu điều tiếc của hỏng muốn rút tay về.  

Nó đứng ngó trân trân cảnh tượng đó, quên mỏi cẳng, quên con Gái đứng ngoài sau kéo áo nó mấy lần đòi về. Nó như á khẩu, hồn trí bay bổng lên cung Dao Trì, lên vườn Tây Vương Mẫu, mất hút không còn biết gì nữa. Lạ quá, phải ngó, phải dòm. Họ như cha căng chú kiết nào đâu á, không giống ai hết. Họ nói chuyện với nhau thì phải biết. Lạ lùng về tiếng đã đành mà còn lạ về cách nói nữa! mình ên, chời ơi, xấu như ma móc, ếm-cùm-cum, chèn-đéc-ơi, quỷ thần thiên địa ơi, giùm làm. Họ rụt rụt rè rè, lơ ngơ, láo ngáo. Không giống ba nó cười cười nói nói vui vẻ, không giống má nó bận có một cái áo túi năm nầy qua năm khác. Tiền, khi ba nó hỏi, thì đưa liền chứ không tiếc hùi hụi con mắt ngó theo hoài. Cũng không giống mấy người bạn hàng ồn ào, sôi nổi, miệng bằng tay, tay bằng miệng. Không giống mấy chú khiêng hàng, bất kể quân thần trời đất, chạy càn chạy lướt, xô đẩy mấy người chậm chân lóng cóng, hễ ai than phiền thì cự nự, chửi thề, bậm trợn.  

Người ở đây vậy đó. Mau lẹ, lanh lợi, dữ dằn, vui vẻ, liến thoắng. Họ không làm người khác sợ thì thôi, chứ ai mà cà rờ, cà rờ, cà rịch, cà tang, mua có một mớ thuốc mà tốn hết cả buổi trời, khóm ra khóm róm như sắp bị ăn tươi nuốt sống. Chỉ cần gặp một lần thì biết là nhà quê rồi.  

Nó ngửng đầu lên khi trí nó đụng nhằm một thắc mắc không giải quyết được:  

- Nội nè! Bộ mấy người dưới quê hết thảy đều quê mùa sao nội?  

- Không vậy, nhưng những người ở quê không nhiều thì ít đều có những cử chỉ mà người ở chợ cho là nhà quê. Cũng có người có ăn có học đến đó chứ. Mấy ông hương chức hội tề, mấy cô cậu tiểu thư công tử con chủ điền, chủ lò đường, lò gạch, chủ chợ, chủ ghe đò... Mấy thầy giáo nữa chi? Đâu phải ai cũng cày sâu cuốc b ẫ m ù ù, cạc cạc, củi lục hết, có người từng đi học trên tỉnh, thậm chí có người từng lên Sàigòn học nữa! Nhưng mà sống dưới quê, lâu ngày nhiễm cách ăn nói, quen cử chỉ của người chung quanh nên có hơi lạ đối với người ở chợ. Bây thấy đó, khác chớ đâu phải quê, mà cho là quê đi, cũng không có gì xấu hết. Họ coi lẫm rẫm vậy mà xài được ớn chứ hổng chơi đâu. Họ thiệt thà chơn chất, cục mịch nhưng một là một, hai là hai... Nói cho cùng mà nghe, nếu tao còn ở Chợ Đệm tới giờ thì thằng tía bây đã thành nhà quê. Bây là con nít nhà quê. Người ta nói là quê rít quê rang, quê từ đầu tới đít là vậy đó. Quê ba bốn đời.  

Con Gái vỗ tay cười, nói một câu thiệt là lạc quẻ:  

- Ha! Ha! Mày là đồ nhà quê.  

Thằng Đực mơ màng, nó như không nghe em nó cười ngạo vô lý. Nó thấy mình lớn bộn sau câu chuyện, lên giọng nhận xét tài khôn.  

- Như tụi con đây cũng nhà quê phải không nội?  

Tên gì mà thằng Đực, con Gái, mấy cái tên đó để kêu ở nhà mới phải, vô trường phải có tên khác chứ.  

- Thì tao đặt bậy vậy mà. Ba má bây không chịu cũng phải chịu. Có sao kêu vậy. Gái, Đực, Bông, Lành, Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Trâu, Bò. Tao cũng biết đặt đẹp cho cháu vậy. Huỳnh Hoa, Trí Dũng, Hiền Tâm, Thiên Kim. Nhưng mà tên quê có cái dễ thương riêng của nó. Bây không thấy nó đơn giản, mộc mạc thiệt thà đó sao? Tên đẹp mà làm gì, lòng mình đẹp tốt bằng mười... Với lại con nít mà đặt tên đẹp quá ông bà quở, ấm mỏ ác, khóc đêm ọc sữa tối ngày ai chịu cho n ổ i. Nhờ tao đặt bậy vậy cho nên bây mới sởn sơ mạnh dạn cho tới bây giờ. Nêu không, nói bậy mà nghe, biết đâu bà hú tụi bây hồi năm rồi. Nhứt là thằng Đực. Đã là con so mà lại xấu háy nên lặc lìa lặc lọi năm nầy qua năm khác, hỏng có tao thì bây đã đi đầu thai mấy kiếp rồi. Một tay tao chạy thầy chạy bà, kiếm thuốc kiếm thang, chớ mẹ mầy còn nhỏ quá có biết cái mốc gì đâu?  

Thằng Đực sợ bà nó nhắc lại những trận đau ngày xưa của tụi nó. Xáp vô chuyện nầy bả xà quần cầu nửa ngày chưa hết. Nó nói với sự cảm xúc dào dạt trong lòng:  

- Như vậy có nghĩa là quê hay không quê tùy thuộc chỗ mình ở. Mà quê cũng không có gì là xấu. Thấy ai quê mùa mình phải thương chớ không được khinh khi phải không nội?  

Dì Tư cúi xuống cắt cắt mấy cọng hành không ngó lên. Dì chần-chờ một đỗi mới trả lời thiệt nhỏ, giọng mơ hồ, xa vắng:  

- Xứ quê chứ người không quê.  

Mắt dì Tư ươn ướt. Một giòng nước đọng lại, chỉ chờ một cái chớp mắt là nhiễu xuống. Dì nhớ tới xứ quê mùa hủ lậu của mình. Con sông êm đềm nước chảy, lâu thiệt lâu có khi cả ngày trời mới có một chiếc ghe đi ngang. Cảnh buồn hiu nhưng chứa chan bao thân thiết khi còn nhỏ, nào tập tễnh lội bập dừa, nào chơi đập nước quậy bùn khi mới lớn, nào thẹn thùng tắm dưới trăng lúc nửa đêm nóng nực. Vườn mía Tây mập cùi cụi trước sân, chỉ nghe tiếng lá xào xạc trong gió cũng đủ ngọt miệng huống hồ gì được tự do ngồi trong luống cạp mấy lóng vàng lườm, tươm mật rít tay. Phải biết! Ngậm mà nghe! Cả xứ chỉ có vườn mía mình là một, căn nhà nữa, lót gạch Tàu lên nước bóng láng từ trước tới đằng sau, buổi trưa nắng đổ lửa mà ngả lưng xuống thì nghe mát rượi hết cả tứ chi. Buổi sớm tiếng chim kêu ríu rít trong bụi quanh quất đâu đó khi trời mới thả vài tia nắng sớm, se sẻ, chào mào, chích chòe đua nhau hòa tấu điệu bình minh. Cái giếng hộc lấp ló sau mấy thân cây chuối lửa bự bằng cột nhà....  

- Con phải thương mấy người nhà quê phải không nội?  

Thằng Đực hỏi khôn hỏi khéo, nhắc lại bổn phận tự đặt khi thoáng thấy một thứ tình cảm gì đó lạ lùng lắm, hiện diện trên gương mặt xương xẩu của nội nó. Nó xốn xang vì giọt nước mắt thì ít mà vì sự im lặng đương phủ trùm trong ghe thì nhiều. Nó bỗng nhiên có cảm tưởng mình được nối kết thật chặt chẽ với một khung cảnh mà lâu nay chỉ mường tượng là vắng vẻ, đìu hiu nhưng đã chứa chấp tổ tiên ông bà mấy đời trước đó, với những quần vải áo bô, mặt xương, chưn mốc, tóc hớt cao, những người mà trước đây nó thờ ơ, xa lạ thậm chí còn khi dể.  

- Mà con nói cho nội biết tại sao con nghĩ tới chuyện đó?  

Thằng Đực câm họng, không biết nói sao để diễn ý thành lời. Lớn đại, mười hai, mười ba tuổi đầu, nhưng nó chưa hề suy nghĩ trừu tượng, cũng như diễn tả tình cảm của mình. Nó đứng đực mặt, bậm môi, rặn lắm, nhưng cũng không nói được hết ý:  

- Con nghĩ là... là con hên hơn họ... Họ... xui xẻo... chớ không phải ai tài giỏi gì hơn ai?  

Dì Tư không ngờ được có câu trả lời như vậy. Dì tưởng mình sẽ nghe về tình người, tình dân tộc, đồng bào, trái lại đụng nhằm một câu nói trúng ngay thực tế. Phải, người hên người xui nên thành người chợ búa kẻ quê mùa thôi. Không có gì khác hơn chơn lý đó.  

- Ừ! Ở đời mỗi người đều có phước có phần riêng. Trời cho ai nầy hưởng. Quê chưa chắc xấu, thành thị chưa chắc hay. Hay là quê mà không ngu dốt, không hủ lậu, thành thị mà không lém lỉnh, gạt người và che đậy một cách tức cười cái gốc gác của ông bà tổ tiên. Tao thấy có người mới tới đây đâu có bao lâu, gặp thời xưng hùng xưng bá, nói láo ngang láo dọc mà không biết mắc cỡ miệng tao bắt tức cười... Với tao thì quê hương tao luôn luôn là hình ảnh sáng chói trong lòng mặc dầu đã xa xứ từ lâu.  

Con Gái bình thường bô bô cái họng hỏi không liền da non, bữa nay cũng thấy khớp trước những điều mới mẻ vừa được nghe. Nó bâng khuâng vừa bồn chồn vừa bùi ngùi. Nó nhớ tới một đứa nhỏ cũng chừng trạc tuổi nó, cặp mắt ngơ ngác, khô cằn, cái kẹp ba lá kẹp sau đuôi tóc, bận cái áo túi bông xanh xanh, cả ngày lúc thúc, lủi thủi trong khoang chiếc ghe chở nồi ơ, cà ràng, ông lò mấy bữa rày đậu kế bên ghe nó mà mỗi lần nó trừng mắt làm bộ bậm trợn để hù nhát thì con nhỏ lấm la lấm lét quay mặt đi hay cúi gầm xuống im thin thít. Nó ước thầm trong bụng. Ưng ai mai mốt ghe đó đậu chỗ này nữa để tôi làm quen với con nhỏ đó, tôi xin lỗi nó. Lúc đó tôi đâu biết giỡn chơi như vậy là bậy. Ưng ai ông địa làm phước!  

Nó ngó ngọn lửa đã tàn trong lò, mấy cục than đã cháy gần hết đương bắt đầu phủ một lớp tro trắng xám chung quanh, ánh lửa lâu lâu sáng hực lên, chiếu bóng khói lên vách ghe mỗi khi có cơn gió thổi lòn vào trong mui. Nó nhìn chăm chú ánh lửa, mơ màng thấy mình với con nhỏ có cặp mắt ngác ngơ, nắm tay nhau đi xuống phía chưn cầu, chỗ xác mía chất chồng đầy dẫy, tay trong tay vừa cười nói thân thiết vừa dòm thán phục mấy chị đàn bà đương lanh lẹ róc mía chất lên mấy cái xe ba bánh, và nó đã mạnh dạn nài một khúc ngon ớn bẻ hai chia cho con nhỏ.  

Thằng Đực vẫn đeo đuổi ý nghĩ của mình. Quê hay không quê khác nhau chỉ là rời xứ sớm hay không mà thôi. Không hay ho gì hết trơn hết trọi. Cái hay ho là biết nhớ biết thương xứ nhà quê của mình, hay nói theo cách của bà nội nó ‘Quê hương phải là hình ảnh sáng chói trong lòng’.  

Lâu lắm dì Tư mới đứng dậy lấy chén đũa dọn cơm. Dì nói lớn một câu vớt vát để phá tan không khí đặc biệt đương trùm phủ không gian:  

- Thôi ăn cơm bây, trưa trờ trưa trật rồi. Kiến cắn bụng quá! Nãy giờ mấy bà cháu mình lo nói chuyện tầm-ruồng bá-láp không.  

Bên ghe đậu gần đâu đó, có chị đàn bà buổi trưa nằm nói thơ giải buồn, hứng chí nói lanh lảnh mấy câu thơ Sáu Trọng thiệt ngọt ngào, nhưng lời thơ thiệt thấm thía:  

Trọng rằng: ‘Buôn bán không lo,
Nói chuyện đưa đò chè cháo lạnh tanh.’
Đẩu rằng: ‘Lòng khiến thương anh
Cháo chè nguội lạnh cũng đành bụng tôi.’  

Thằng Đực vảnh mỏ ra nghe, mỗi lần chị ta nói thơ Sáu Trọng là nó khoái trong bụng. Nghe ngày nầy qua ngày khác nó gần như đã thuộc nằm lòng nguyên cuốn thơ. Nó nhớ tới Sáu Trọng người lưu lạc mà anh hùng, thẳng thắn, gan dạ. Nó thấy bà nội nó coi quê mùa dốt nát mà nói ra những điều thiệt đáng kính phục, những điều nó chưa từng học ở nhà trường, chưa từng nghe ai giảng giải mà tạo được xúc động lớn lao như vậy.  

Nó lập lại trong bụng, tầm ruồng, bá láp, đưa đò! Không tầm ruồng bá láp đâu nội, không đưa đò đâu chị. Ích lợi còn hơn uống mười thang thuốc bổ nữa đó nội. Đáng giá còn hơn bạc ngàn đó chị. Nội đã dạy con yêu mến quê hương, thân thiết với người nhà quê tội nghiệp. Chị đã dạy em nghĩa khí can trường, biết phẫn nộ trước những bất công của cuộc đời.  

Con Gái đã trở về thực tại sau câu nói của nội nó. Nó tiếc tiếc hình ảnh hồi nãy nhưng cũng nghe lời đứng dậy dọn cơm.  

Đương bưng nồi cơm xuống để lên cái rế bỗng nghĩ ra một điều, nó lật đật để xuống, phủi tay lia lịa, hỏi một câu thiệt đáng đồng tiền:  

- Chừng nào mình mới về quê thăm quê mình hả nội?  

Dì Tư cảm động ngó cháu:  

- Cái đó còn tùy nhiều thứ lắm con!  

Dì không nói thêm gì, nhưng tiếng con được kéo dài thiệt ngọt ngào, thiệt bao la. Thằng Đực và con Gái ngó nhau, lờ mờ trong trí chúng nó đại để chuyện về quê còn tùy thuộc nhiều thứ mà bà nội chưa thể kể ra ngọn ngành nhưng chắc chắn là sẽ về một ngày nào đó. Câu trả lời của bà, người ngu cách mấy cũng cảm thấy ẩn dấu trong đó một tình cảm dạt dào, sâu đậm, một sự ngóng trông, hướng về; một nỗi niềm tiếc nuối... Hai đứa thấy mình đã hiểu bà, hiểu tại sao ánh mắt bà vời vợi, tại sao câu trả lời như một lời than, một cái chép miệng. Và thằng Đực bới một chén cơm thiệt đầy, kính cẩn đưa hai tay mời bà nó. Con Gái lặng lẽ trở mấy chiếc đũa lộn đầu về một phía, so so rồi lựa đôi tốt nhứt kiếng cho nội. Đôi kế tiếp nó đưa cho anh nó. Thằng Đực đưa tay ra nhận mà lòng tràn ngập khoái cảm. Nó ngước lên ngó em bằng ánh mắt thân thiết. Hai anh em cùng mỉm cười, lâng lâng nôn nao, khác với lúc bình thường hằng ngày như được cho một đồng bạc, một gói xôi, hay ổ bánh mì cá hộp. Lạ lắm. Khác lắm.  

Bên ghe kia, chị đàn bà đã bỏ thơ Sáu Trọng qua thơ khác, chị ngâm nga nghe đứt ruột đứt gan:  

Mười giờ tàu lại Bến Thành
Xúp lê vội thổi bộ hành xôn xao.
 

Thằng Đực và con Gái lại đưa mắt ngó nhau lần nữa. Trong trí hai đứa hiện lên đồng loạt khung cảnh bến tàu đò nhộn nhịp ở đằng đầu kia chợ với những người đàn bà áo quần tươm tất từ dưới bước lên, tay dắt mấy đứa nhỏ, ngơ ngác ngó cảnh vật lạ chung quanh. Hai đứa đều ước ao mình được ngồi trong tàu đò đi về miền quê hương trong tâm tưởng, một thứ quê hương được cấu tạo trong thần trí bằng tình cảm thiêng liêng chớ không bằng một chút kỷ niệm nhỏ nhoi nào.  

Dì Tư ngồi chống đũa. Con sông trống trải hai bên bờ, vườn mía Tây xào xạc, tiếng chim kêu líu lo buổi sớm, và cái giếng hộc ngọt lịm kế bụi chuối sau hè đã che mất thực cảnh trước mặt.

(Trích Ngày Tháng Bềnh Bồng, Gió Việt, TX, 1987)