DUYÊN PHẬN ĐẦU NĂM
T ừ mấy tháng trước, tôi đã định năm nay sẽ về quê trọn vẹn mấy ngày tết với mẹ. Năm qua, sức khỏe mẹ tôi yếu nhiều, tôi muốn thêm thời gian gần gũi mẹ hơn.
Từ năm vào Đại Học rồi tới khi đi làm, dịp đầu năm tôi vẫn ở lại Thành phố để nhận làm thêm một việc gì đó. Khi tôi về quê thì đã qua mấy ngày tết. Nhưng không hệ trọng gì, các món ăn truyền thống mẹ nấu vẫn đầy đủ, mấy chậu cúc vạn thọ vẫn tươi rói, gia đình vẫn rộn tiếng cười. Nhà nghèo nên số tiền tôi làm thêm ấy rất giá trị.
Dự tính thế nhưng rốt cuộc, tôi cũng có về ăn tết với mẹ được đâu. Vì Thanh năn nỉ quá. Quan trọng hơn, thù lao Thanh hứa trả hấp dẫn khiến tôi khó chối từ. Tôi đang rất cần tiền để thay mái nhà dột nát cho mẹ. Vì nó dột nát mà tôi chưa dám dẫn Sinh về chơi. Chúng tôi đã tính chuyện làm đám cưới thì không thể chần chừ việc đưa Sinh về giới thiệu với mẹ được.
Tuy thế, số tiền Thanh đồng ý chi trả cũng làm tôi áy náy. Tôi thắc mắc:
-Với phân nửa số tiền đó, anh có thể thuê một người khác, sao cứ phải là em?
-Dĩ nhiên anh có thể. Nhưng nếu anh không đưa cô gái năm ngoái về, mẹ anh sẽ nghi ngờ. Có ai đó đã nói với bà là anh thuê người yêu.
Tôi bật cười:
-Thì đúng là anh thuê em làm người yêu thật mà?
-Vì thế anh cần phải đưa em về lần nữa cho mẹ anh tin. Chúng ta sẽ hứa với bà đầu mùa thu làm đám cưới.
-Rồi anh phải nói sao khi hết mùa thu, hết cả mùa đông vẫn không có đám cưới?
Thấy đầu dây bên kia im lặng, tôi cười xòa:
-Em biết rồi. Cũng như tất cả những người khác, anh sẽ bảo vì lý do gì đó mà chúng ta đã chia tay, hoặc chờ vài năm em đi tu nghiệp về, hoặc...
Thanh trầm giọng:
-Bác sĩ vừa nói với anh: thời gian sống của mẹ anh chỉ còn vài tháng nữa thôi, bệnh vào giai đoạn cuối rồi. Nhưng anh không dám để bà biết. Chút thời gian còn lại này, anh muốn làm bà vui vẻ, yên lòng… Đó là lý do anh phải tìm em bằng được. Hãy giúp anh.
Tôi sửng sốt ngây mặt ra, ái ngại và ân hận.
Tết năm ngoái, thông qua dịch vụ, Thanh đã thuê tôi làm người yêu, dẫn về quê “giải áp” thúc bách có đôi có cặp của gia đình anh. Là đích tôn dòng họ nên đòi hỏi đó là một áp lực không nhỏ với Thanh.
Khi đó, tôi chẳng cân nhắc nhiều. Ai thuê cũng được, chỉ là một hợp đồng kiểu “thuận mua vừa bán”. Dù sao làm người yêu giả cũng nhẹ nhàng, thú vị hơn nhận chân bán sạp dưa hấu hoặc bưng tô lau bàn trong một quán ăn. Vừa có nhiều tiền vừa được mặc đẹp và đi đó đi đây, tôi rất thích thú. Gia đình Thanh ai cũng đối xử rất tốt, rất thân thiện với tôi. Hết ba ngày tết ở quê anh là tôi xong nhiệm vụ.
Cho đây đơn thuần là việc làm thêm nên tôi không kể cho Sinh biết, sợ anh khó chịu, nghi kỵ mà cấm đoán. Những ngày tôi ở quê Thanh, Sinh tưởng tôi về nhà ăn tết với mẹ.
Sau đó suốt năm, tôi và Thanh cũng chẳng liên lạc gì. Tôi đã quên những người trong gia đình Thanh, quên luôn những ngày đóng vai người yêu của anh trước mặt họ.
Nên tôi rất bất ngờ khi nhận điện thoại của Thanh, đề nghị một hợp đồng mới. Lý do anh đưa ra làm tôi xiêu lòng, chấp nhận dời ngày về ăn tết với mẹ muộn hơn. Thêm một bất ngờ khác là dịp tết năm nay Sinh cũng phải ra nước ngoài với sếp. Anh bảo chuyến công tác vô cùng quan trọng, không thể vắng anh.
Tôi dè dặt thăm dò Thanh:
-Nhiệm vụ của em lần này sẽ thêm việc chăm sóc đặc biệt cho mẹ anh, phải không?
-Không phải. Mẹ anh tuy yếu nhưng vẫn đi lại, làm việc nhẹ được, không cần sự chăm sóc đặc biệt nào. Tốt nhất là giữ bình thường để bà khỏi sinh nghi. Chỉ cần em đừng để lộ cho bà biết về căn bệnh thôi.
Thanh không yêu cầu nhưng tôi vẫn chuẩn bị quà cho mẹ anh. Tôi bỏ thêm vào túi quà Thanh mua sẵn, một cái áo dài gấm rất đẹp mà tôi đoán mẹ anh sẽ thích. Nó sẽ là món quà duy nhất và cuối cùng của “cô dâu giả” tặng “bà mẹ chồng” đang đau yếu.
Quả nhiên, nhận cái áo, mẹ Thanh tỏ ra rất xúc động, khóe mắt rưng rưng. Bà nắm tay tôi vuốt ve mãi khiến tôi cảm động quá. Thanh cũng ngạc nhiên, bất ngờ lắm.
Mỗi khi nghĩ đến thời gian tồn tại của mẹ Thanh còn ngắn ngủi, tôi thấy lòng se lại, ngậm ngùi quá. Tôi muốn bày tỏ tình cảm thật của mình dành cho bà, hoàn toàn không phải vì một cam kết nào của hợp đồng.
Tôi giúp bà thay áo mới rồi lấy điện thoại selfie khá nhiều hình: dù bà âu yếm ôm vai tôi hay tôi thân thiết kề mặt vào ngực bà thì mắt nhìn nào cũng ấm áp và môi cười nào cũng rất tươi. Dĩ nhiên tôi chỉ chụp riêng với bà thôi, không bao giờ có bóng dáng Thanh lảng vảng cả.
Chỉ một năm mà mẹ Thanh già đi nhanh quá, người gầy xọp, nước da rất xấu, tóc bạc trắng và rụng nhiều, chỉ còn lơ thơ. Chúng tôi về, bà vui lắm, như khỏe hẳn lên, bảo lâu lắm rồi hôm nay ăn mới thấy ngon miệng. Bây giờ thì bà đã tin chắc tôi là người yêu của con trai mình rồi nên tình cảm dành cho tôi càng đậm đà, gần gũi. Đôi lúc khiến tôi áy náy đã lừa dối một tấm chân tình như vậy.
Trong bữa cơm tất niên, bà hỏi Thanh:
-Hai đứa đã định tháng nào tổ chức cưới chưa? Ông bà bảo “cưới vợ thì cưới liền tay”, không nên để lâu, con ạ.
-Chúng con tính đầu mùa thu, mẹ có chịu không?
-Con cưới ngay tháng này, mẹ cũng chịu.
Thanh bật cười:
-Mẹ ơi, sao thế được? Nhà mình chưa gặp nhà Ngọc mà.
-Mẹ hối hoài mà lúc nào con cũng than lu bu công việc. Việc công ty bao giờ hết được, làm xong hôm nay rồi ngày mai cũng lại có việc khác…
Thanh đỡ lời:
-Vâng, con biết rồi. Để con sắp xếp.
Mẹ Thanh còn dặn chiều mồng bốn tết, chúng tôi theo bà đến nhà cô Năm Giàu dự tiệc đính hôn con gái cô. Cặp đôi này làm cùng công ty chuyên lắp ráp điện tử, tết mới được nghỉ dài ngày về quê, do đó làm đám hỏi luôn cho tiện. Gia đình nhà trai tận miền Trung xa xôi nên buổi sáng đó chỉ có một vị đại diện đem lễ vật đến cùng chú rể thôi. Con gái đã khá “cứng” tuổi, cô Năm Giàu chẳng đòi hỏi hay bắt bẻ gì. Ngoài họ hàng, cô Năm mời đông đủ hàng xóm dự tiệc lúc chiều tối, để cô “khoe” chú rể với mọi người.
Thanh bảo:
-Mình con đi với mẹ được rồi, để Ngọc ở nhà…
Thanh tính “giải vây” cho tôi nhưng mẹ anh đã ngắt ngang, khăng khăng buộc tôi phải đi cùng. Lý do: tết năm ngoái về quê, Thanh đã không dẫn tôi đi trình diện từng nhà rồi. Nhân đám hỏi này cho mọi người biết mặt tôi là thuận lợi một công đôi việc. Tôi không từ chối được.
Thế là lẽ ra tôi chỉ ở nhà Thanh đến trưa mồng ba, vì phát sinh tình huống này buộc tôi phải ở thêm vài ngày. Không sao, Thanh sẽ chẳng để tôi thiệt thòi. Nhưng tôi có phải là người yêu thật của Thanh đâu, phải miễn cưỡng thân mật với anh trước mặt họ hàng, cũng khó cho tôi.
Thanh thật tinh ý, đọc được tâm trạng tôi nên trấn an:
-Em yên tâm, thoải mái đi. Cả năm mới gặp nhau một lần, thế nào anh em cũng lôi anh vào bàn nhậu với họ, không để anh có thời gian ở cạnh em đâu.
Quả thật, tiệc miệt vườn không như tiệc Thành phố. Ở Thành phố, trai gái từng cặp tự do ngồi cạnh nhau, còn dưới này chia bàn nam nữ riêng biệt. Người ta kéo Thanh vào bàn các anh em trai còn tôi ngồi với các cô gái, chẳng được gần mẹ Thanh nữa.
Không phải kè kè bên Thanh nhưng tôi vẫn không thoải mái, vì quanh mình toàn người xa lạ. Chẳng biết nói chuyện với ai và nói chuyện gì, tôi ngồi im thin thít nghe họ bàn tán xoay quanh cô dâu chú rể.
Khi hơn chục bàn tiệc đã đầy người, cặp nhân vật chính ra trình diện. Cả hai mặc quốc phục áo dài khăn đóng nền nã. Chú rể có vẻ ngượng ngùng cứ cúi nhìn xuống đất, còn con gái cô Năm Giàu mặt rạng ngời hạnh phúc. Lúc vị đại diện nhà trai “giới thiệu” chú rể, tôi nghe dậy lên nhiều tiếng trầm trồ.
Mặt cô Năm Giàu rạng rỡ, hẳn cô đang sung sướng và tự hào lắm. Bất giác, tôi vơ vẩn mỉm cười, tưởng tượng đến ngày cưới của tôi và Sinh. Mẹ tôi hẳn cũng sung sướng chẳng kém cô Năm Giàu, tôi cũng ngập tràn hạnh phúc giống con gái cô. Còn Sinh, chẳng hiểu có bối rối ngượng ngùng như chú rể kia hay không?
Bỗng, tôi giật nảy người, suýt làm rơi ly nước trên tay xuống đất. Vừa nghĩ tới Sinh thì đột ngột, anh sừng sững xuất hiện khiến tôi bàng hoàng. Tôi như không còn là tôi nữa. Tôi tỉnh hay đang mơ? Tôi có hoa mắt không? Tim đập loạn nhịp, tay chân lạnh ngắt như ướp đá, tôi thảng thốt nhìn người con trai đang kề vai sóng bước bên cạnh con gái cô Năm Giàu. Là Sinh!
Sao lại là Sinh? Không thể là Sinh được!
Sinh chưa nhìn thấy tôi mà hình như anh cũng không nhìn vào một ai cả. Hóa ra chuyến công tác nước ngoài vô cùng quan trọng của anh là đây. Hóa ra bấy lâu nay tôi cả tin, ngu ngốc, bị lừa gạt mà không mảy may ngờ vực. Những lời yêu thương của Sinh còn rót bên tai khiến lòng tôi nhói buốt. Bẽ bàng. Đau đớn. Uất hận…
“Sinh ơi, anh đứng đấy làm gì thế? Em đây! Sao anh không lại gần em, với em?” Tôi muốn kêu to nhưng hàm như cứng lại, không bật thành lời, chỉ hai hàng nước mắt ràn rụa chảy. Nếu tôi không theo Thanh về đây, làm sao phát giác sự dối trá tày đình này?
Nhớ đến Thanh, tôi vùng bật dậy, chạy như lao đến chỗ anh, một cách hoảng loạn. Mất hết bình tĩnh, tôi ôm chầm anh, khóc tức tưởi.
Thanh cuống quýt hỏi:
-Sao thế em?... Sao thế em?
Tôi lăn vào vòng tay Thanh, càng khóc to hơn, bất chấp mọi ánh mắt đổ dồn vào mình.
Thanh không hỏi nữa, lẳng lặng dìu tôi ra sân, tìm một chỗ ngồi yên tĩnh, không ngừng vỗ về cho tôi dịu lại:
-Có chuyện gì bình tĩnh nói anh nghe, có thể anh giúp được cho em. Khóc thế đủ rồi, không sợ mặt mũi tèm lem xấu xí đi à?
Tôi nức nở, lắp bắp mãi mới thành câu:
-Anh ấy… là… người yêu… của em…
-Em nói ai?
-Chú rể.
Thanh trợn mắt, sửng sốt lẫn ngờ vực. Nhìn tôi đau khổ nghẹn ngào, anh như hiểu ra, buông tiếng thở dài, rất tâm trạng. Anh xiết chặt bàn tay tôi như cảm thông, như muốn san sớt nỗi niềm. Tôi lại gục vào vai anh mà khóc.
Bỏ quên buổi tiệc cùng mọi người trong nhà, buổi tối đó, tôi cứ ngồi bên Thanh như thế, không nói gì thêm, chỉ khóc. Khóc đến lả người, đến mệt rã rời không mở mắt ra nổi. Tôi mơ hồ cảm nhận nụ hôn ấm áp nào vừa rụng xuống môi tôi. Say đắm. Nồng nàn.
Hôm sau, tôi đổ bệnh nằm rã rượi suốt ngày, hai mắt sưng húp. Dĩ nhiên tôi không thể ra về như dự tính được. Sinh có điện thoại nhưng tôi không nghe, khóa máy. Lúc này tôi không muốn liên lạc với anh hay bất cứ ai.
Mẹ con Thanh chăm sóc tôi chu đáo. Tôi rất cảm động vì những quan tâm ngọt ngào Thanh dành cho tôi, một người dưng. Đúng thế, thực sự tôi và anh chỉ là người xa lạ, ràng buộc bởi giao kèo với những điều kiện phân minh. “Tiền trao cháo múc”, thế thôi. Tôi nghĩ Thanh không có trách nhiệm gì với tôi cả khi hợp đồng đã hết hạn. Nhưng dường như Thanh không cho là thế. Biết tôi đang đau khổ, anh thường xuyên ở cạnh, an ủi xoa dịu, tìm cách giúp tôi khuây khỏa.
Thanh còn khuyên tôi gặp Sinh hỏi rõ ràng mọi chuyện, “Biết đâu có uẩn khúc gì bên trong. Đừng để sau này phải ân hận, em ạ!” Tôi thầm cám ơn anh nhiều lắm. Mỗi khi nhớ lại nụ hôn bộc phát tối đó, tôi ngượng ngùng không dám nhìn thẳng anh.
Thêm mấy ngày sau, sức khỏe khá hơn đôi chút, tôi nằng nặc đòi về. Thanh đề nghị đưa tôi về tận nhà nhưng tôi không cho, chỉ nhờ anh đưa ra bến xe khách rồi tự đi. Thanh mua vé, dắt tôi lên tận ghế ngồi, xếp gọn hành lý, dặn dò cẩn thận rồi mới xuống xe.
Hạn nghỉ tết đã cạn, tôi chỉ còn đủ thời gian ghé về ăn một bữa cơm với mẹ rồi lại ngược lên Thành phố chuẩn bị đi làm.
Nhìn con gái ủ dột thảm thương quá, mẹ tôi không hỏi cũng đoán hiểu phần nào. Mẹ thở dài bảo:
-Chuyện tình cảm không thể cưỡng cầu, con ạ. Là duyên phận cả. Đúng duyên đúng phận mới đến được với nhau…
Lấy tiền trong bao thư Thanh bỏ vào giỏ xách của tôi, đưa mẹ, tôi mới ngớ người vì thấy nhiều quá. Tôi ái ngại, cảm thấy rất khó nghĩ.
Về đến Thành phố, tôi điện thoại ngay cho Thanh, ngỏ ý muốn hoàn trả bớt tiền, chỉ nhận đúng theo cam kết từ đầu thôi.
Đầu dây bên kia, tiếng Thanh cười:
-Coi như anh lì xì em ngày tết. Đừng suy nghĩ gì.
-Nhiều thế làm em áy náy lắm. Cho số Tài khoản đi để em gửi lại…
-Tiền lì xì mà trả lại, em muốn anh xui xẻo suốt năm hay sao?
-Nhưng mà…
Thanh cười xòa:
-Thôi thì xem như anh góp vốn với em vậy. Hình như em cũng cần thay lại mái nhà cho mẹ đấy nhỉ?
Tôi sửng sốt:
-Ủa, sao anh biết nhà em?
-Em không được khỏe mà không để anh đưa về tận nơi, sao anh yên tâm được, đành âm thầm theo sau để bảo vệ em thôi.
Tôi ngỡ ngàng không biết phải nói gì, trái tim lại loạn nhịp. Ấm áp. Ngọt ngào. Thanh lại nói:
-Biết nhà em rồi, nếu năm sau cần ký hợp đồng lần ba, anh không phải gọi qua điện thoại nữa.
-Em hy vọng anh sẽ không phải cần đến bất cứ tờ hợp đồng nào nữa.
Giọng Thanh thoáng buồn:
-À, em muốn nói mẹ anh…
-Không, không phải!... Là em mong anh sớm tìm được một người yêu thật sự.
-Cám ơn em. Anh cũng hy vọng thế. À, em đã liên lạc với Sinh chưa?
-Chưa. Em không muốn gặp anh ấy nữa. Với em, xem như chuyện kết thúc rồi.
Và cũng vẫn là lời khuyên chân tình:
-Đừng thế, em ạ! Hãy một lần nghe anh ấy nói cho rõ ràng câu chuyện. Quyết định vội vàng có khi em sẽ ân hận, sẽ nuối tiếc.
Lần đầu tiên, tôi bạo dạn hỏi đùa:
-Câu đó rút ra từ kinh nghiệm tình trường của anh, phải không?
-Phải. Ngày trước cũng vì anh vội vàng mà phạm sai lầm để rồi ân hận tới hôm nay. Đó cũng là lý do bao năm qua anh chưa thể mở lòng đón nhận một cô gái khác.
Tự nhiên tôi cảm thấy bất nhẫn thế nào. Tôi bùi ngùi hỏi:
-Sai lầm không sửa chữa được sao anh?
-Không. Muộn rồi.
-…
-Anh mong em được hạnh phúc. Anh không muốn em phải khóc.
-…
-Hãy nghe anh: nói chuyện với Sinh đi!
-…
-Bao giờ gặp Sinh xong, nhớ gọi cho anh nhé.
-Chi vậy anh?
-Để anh nói với em một câu…
-Nói bây giờ không được sao?
-Không được.
Tôi mỉm cười, tinh nghịch:
-Em sẽ gọi, nếu câu anh nói không phải là ba từ quen thuộc người ta vẫn nói.
Thanh cười nhẹ:
-Dĩ nhiên không phải rồi.
Thanh đúng là người sâu sắc, giàu trải nghiệm. Nếu không nghe theo lời khuyên của anh, chắc tôi sẽ ân hận thật. Nhưng có nuối tiếc hay không thì thú thật, tôi không dám chắc.
Nghe những lời buộc tội gay gắt của tôi, Sinh ngồi như phỗng, sắc mặt chuyển dần hết đỏ lại xanh. Anh không chối cũng không bào chữa, chỉ nhìn tôi đăm đăm, rất khó hiểu. Tôi không thể biết anh đang nghĩ gì, muốn gì. Tôi càng thêm hoang mang:
-Anh không có gì nói hay sao?
Sinh thở ra rất nhẹ:
-Em đã biết cả rồi, anh còn nói gì nữa?
-Còn đấy. Em muốn anh xác nhận thời gian làm đám cưới với em. Vẫn là cuối năm chứ?
Tưởng Sinh sẽ sượng sùng ấp úng, ai ngờ anh gật đầu ngay, quả quyết:
-Phải. Anh sẽ cưới em, không thay đổi. Anh yêu em.
Tôi cười mỉa:
-Nếu anh cưới em, người vợ anh vừa đính hôn dưới quê sẽ ra sao?
-Ra sao là chuyện của cô ấy. Anh không quan tâm.
Tôi trợn mắt, há hốc miệng không nói ra lời. Không ngờ Sinh có thể vô trách nhiệm, tệ hại đến thế?
-Anh xin lỗi đã giấu em. Tại anh sợ em phản đối, sợ em giận, sợ em khinh anh. Sự việc em nhìn thấy chỉ là công việc thôi: cô ấy thuê anh làm giả một lễ hỏi cho gia đình yên lòng. Em không thấy cô ấy đã khá nhiều tuổi rồi sao?
Tay run bần bật làm sóng sánh ly nước đang cầm trên tay, tôi lắp bắp:
-Có… có… thật không?...
-Em biết rồi thì anh không giấu nữa. Em có thể hỏi bạn thân của anh, người cũng được thuê giả làm đại diện nhà trai đó…
-!
-Anh xin lỗi. Anh sai rồi… Lẽ ra anh không nên làm việc đó, dù có cần tiền… Hãy hiểu anh, đừng giận anh…
Tự dưng nước mắt lại đong đầy không ngăn giữ được, tôi gục đầu xuống bàn, nức nở.
Như đang trong cơn mộng du, tôi mất hết tỉnh táo, không biết phải nói gì, làm gì lúc này nữa. Dĩ nhiên tôi hiểu tại sao Sinh nhận làm việc ấy, việc mà tôi cũng đã làm mấy tết rồi.
Không còn đau khổ hay uất hận như mấy ngày qua nữa nhưng dường như vẫn có một rạn nứt vô hình khiến lòng tôi ra lạnh lẽo, hững hờ. Khác hẳn những nồng ấm, dịu ngọt từ Thanh. Tôi nhận ra dù yêu nhau đã lâu, tôi và Sinh vẫn chưa tin tưởng nhau đủ, nên thiếu sẻ chia.
Ngay giờ khắc này cũng thế. Thấy tôi khóc, Sinh lúng túng, chỉ biết vỗ nhẹ lên cánh tay tôi, nhắc nhở:
-Đừng khóc, em!... Người ta nhìn kìa… Anh xin lỗi…
Tâm trạng tôi thế nào, Sinh không cần biết, chỉ sợ người ta nhìn thôi sao?
Tôi chợt nhớ khi tôi khóc, vòng tay vỗ về của Thanh đã xoa dịu lòng tôi, tạo cho tôi một tựa nương vững chãi. Tôi nhớ ra dù trong lòng còn ngập tràn đau buồn nhưng nói chuyện với Thanh, tôi vẫn có thể cười được. Tôi cũng nhớ lần Sinh muốn về nhà tôi chơi, tôi đã từ chối “Rồi em sẽ đưa anh về nhưng bây giờ chưa phải lúc” thì Sinh chấp nhận ngay, không thắc mắc. Trong khi Thanh không cần nói mà âm thầm theo sau bảo vệ tôi về đến tận nhà. Giả sử trên đường có sự cố gì, chỉ Thanh có mặt bên tôi như người thân duy nhất.
Tôi ngạc nhiên thấy mình nghĩ về Thanh nhiều quá. Nhớ câu nói, ánh mắt, nụ cười của Thanh ngay khi đang ngồi với Sinh. Và dường như ở gần Sinh, tôi lại càng hay so sánh hai người với nhau.
Cho đến lúc chia tay, câu trả lời cho Sinh về ngày cưới vẫn treo lơ lửng. Làm sao tôi trả lời dứt khoát được khi lòng còn đầy lưỡng lự, băn khoăn? Có lẽ tôi cần thêm thời gian nữa. Tôi cũng “treo” luôn câu Sinh hỏi: “Ủa, hôm mồng bốn tết, em có mặt dưới đấy để làm gì?” vì tôi không biết phải trả lời thế nào cho hợp lý.
Nhớ lời Thanh dặn, ngay tối đó tôi gọi điện kể về buổi gặp trưa nay.
Thanh im lặng nghe, cuối cùng mới đưa nhận xét:
-Trên đời vẫn có những sự việc như thế, điều mình nhìn tận mắt vẫn không chắc đúng như mình đã thấy. Chúc mừng em nhé.
Giọng tôi chợt nhuốm chút dỗi hờn:
-Chúc mừng gì chứ?
-Chúc mừng em đã sáng tỏ sự việc, không phạm sai lầm rồi phải ân hận như anh ngày ấy. Vậy cuối cùng “và con tim đã vui trở lại” rồi, phải không?
-Anh nghĩ thế à?
-Anh không nghĩ. Anh chỉ hỏi thôi. Bộ em không vui sao?
Tôi thật thà thú nhận tâm trạng mình: không còn đau, không còn hận nhưng cũng không vui, hơn thế, còn ngổn ngang cảm giác đầy bất an.
-Trong tình yêu không nên đòi hỏi điều tuyệt đối, Ngọc ạ! Đôi khi người ta cứ mắt nhắm mắt mở lại hay hơn.
-Cũng là một kinh nghiệm tình trường của chính anh, phải không?
-Phải. Em thông minh lắm.
-Này anh, theo đúng lời khuyên của anh, em đã gặp Sinh rồi…
-Ừ, em ngoan lắm.
-Giờ thì anh nói câu gì định nói đi.
-Nhưng em chưa trả lời dứt khoát cho Sinh mà?
Tôi chu môi:
-Em không chịu đâu. Hôm đó anh chỉ dặn khi em gặp Sinh xong thì anh sẽ nói, có bảo em phải trả lời dứt khoát trước đâu?
Hình như từ đầu dây bên kia, Thanh đang mỉm cười:
-À, vậy là anh sơ suất rồi...
-…
-Thì nói cũng được…
-…
-Em chú ý nhé, anh chỉ nói một lần thôi.
Tôi gần như nín thở, hồi hộp đợi chờ.
-Không phải ba từ quen thuộc người ta hay nói đâu. Anh chỉ nói: Ngọc ạ, cho anh được chăm sóc em, nếu Sinh không thể…
Tôi nhắm mắt lại, thả rơi điện thoại xuống gối khi màn hình còn rực sáng.
Tôi và Sinh yêu nhau đã mấy năm, đang hướng đến hôn nhân. Xét cho cùng, Sinh đâu có lỗi gì, đâu có phản bội tôi. Khuyết điểm nếu có chỉ thuộc về tính cách nên đôi lúc Sinh thành vụng về, thiếu tâm lý, có đáng cho tôi quay lưng không? Còn Thanh cũng đi vào tình cảm tôi, từng bước nhẹ nhàng mà vững chắc, đến bất ngờ.
Tôi phải chọn ai? Tôi nên chọn ai? Hai tiếng “duyên phận” mẹ tôi nói lại văng vẳng. Đã là duyên phận thì làm sao tôi có thể cưỡng cầu?
Là Sinh hay Thanh? Tôi không biết, chỉ trái tim tôi biết! Tôi chờ nó mách bảo tôi.
Chuyện tôi chưa lấy được chồng luôn là lo lắng của mẹ tôi, vào thời điểm này. Theo logic “suy bụng ta ra bụng người”, mẹ tôi đinh ninh đấy cũng là nỗi buồn lớn nhất của tôi. Nên cứ thấy tôi rầu rĩ là mẹ lặp lại câu cũ rích để an ủi:
-Chuyện tình cảm không thể cưỡng cầu, con ạ. Là duyên phận cả. Đúng duyên đúng phận mới thành được với nhau…
Mẹ tôi không bao giờ hiểu được điều đang dày vò tôi: chọn lựa giữa hai chàng trai.
Thì ra, điều làm tôi vô cùng đau khổ không phải chưa lấy được chồng, mà chính là được hai người cùng lúc nói lời yêu. Thật vậy, sau câu tỏ tình nhẹ nhàng mà sâu sắc như tính cách vốn có của người thứ hai, tim tôi như vỡ ra, ngổn ngang cảm xúc trái chiều: hạnh phúc, lo lắng, ngờ vực… Hạnh phúc biết mình được yêu. Lo lắng bởi sẽ gây thất vọng cho một chân tình. Ngờ vực do chưa xác định được tình cảm nào là tha thiết nhất.
Nhiều ngày sau đó, tôi vẫn còn bấn loạn, không biết xử sao cho tốt đẹp mọi bề. Tôi giống bà khách khó tính đứng trước món hàng chỉ được quyền mua một, nên cứ đặt xuống cầm lên, cân nhắc mãi chưa chọn xong! Ngày lẫn đêm, tôi đau đáu băn khoăn, đúng như lời một câu thơ, hai chàng trai “như hai giọt nước” cho lòng tôi “nghiêng bên nào cũng thấy long lanh…” (*)
Tạm thời, tôi phải đổi sim điện thoại để khỏi nhận cuộc gọi hay tin nhắn của cả hai người. Vì tôi sợ nếu họ đặt lại câu đã hỏi, tôi không biết trả lời sao.
Một người đã vài lần đến công ty tìm tôi. Tôi sợ, trốn biệt, nhờ đồng nghiệp ra trả lời thay. Tôi dựng ra những chuyến công tác liên miên, xa xôi và dài ngày để cắt luôn hẹn hò quen thuộc. Người ta khi yêu trở nên tốt hơn, còn tôi lại tệ hại đi, chỉ vì tình yêu… thừa một người. Thật cám cảnh!
Tôi chỉ còn biết đặt trông cậy vào trái tim, chờ nó mách bảo tôi.
Nhưng thật đáng thương cho cả tôi lẫn trái tim yếu đuối của tôi! Mỗi khi nó vừa thỏ thẻ lên tiếng là lý trí hùng hổ phản bác, đưa lập luận đanh thép để đe dọa, để dập tắt. Thế là lập tức cả hai chúng tôi -tôi và trái tim bé bỏng- sợ hãi, nín thinh, không còn chút phản kháng.
Những lúc như thế, lý trí vừa đạo mạo như nhà truyền giáo rao giảng chân kinh, vừa đóng vai luật sư trưng đủ lý lẽ sắc bén bênh vực người yếu thế, vừa là vị quan “mặt sắt đen sì” nghiêm khắc kết án tội nhân. Cũng có khi y hệt một mụ vợ lắm điều, cay nghiệt và hay ghen!
“Chiến trường không tiếng súng” âm thầm để lại hậu quả đáng buồn cho cả hai phía: tim đau, óc mệt. Trái tim đau vét của tôi không ít nước mắt. Tôi vốn dễ khóc và lại khóc dai, thời gian này càng thường xuyên rơi lệ. Ngay bàn làm việc. Khi đang ăn. Trong chiêm bao… Khóc bởi bế tắc. Khóc do thương thân. Khóc vì… nhớ anh. Rất nhớ! Càng bị kìm nén, nỗi nhớ càng da diết hành hạ tôi khổ sở. Nên tôi sút người nhanh chóng. Vài đồng nghiệp đã nhận xét lúc nào thấy tôi cũng “ủ ê, ngơ ngác như đi trên mây”!
Óc mệt mỏi dĩ nhiên ảnh hưởng không nhỏ tới công việc, đe dọa nghiêm trọng cả… nồi cơm. Tâm trạng càng thêm bất an, tôi làm việc mà nhầm lẫn lung tung, sai sót liên tục khiến Sếp rất giận, mấy lần đã phê bình công khai ở buổi họp đầu tuần khiến tôi rất áy náy lẫn xấu hổ. Tôi có chủ ý thế đâu. Chẳng qua lúc tâm bối rối thì đầu óc cũng lãng đãng, quên trước nhầm sau.
Bắt tôi sửa đi sửa lại tài liệu nhiều lần quá, Sếp càng cáu, mặt khó đăm đăm, trán luôn nhăn tít. Vốn trước giờ, Sếp có dễ tính đâu, cả công ty đặt biệt danh vẫn gọi lén “Sếp hắc ám” đấy thôi!
Tính Sếp rộng rãi, ngày lễ tết đều thưởng cho nhân viên hậu hĩnh nhưng trong công việc đòi hỏi rất nghiêm ngặt. Ai làm việc đó, không được xao nhãng, tắc trách. Chỉ cộng nhầm một số lẻ hàng thập phân hay một câu đặt sai ngữ pháp là đủ cho Sếp quở trách.
Thỉnh thoảng thấy một nhân viên nào phạm lỗi bị gọi vào gặp riêng Sếp, chúng tôi lại rụt cổ le lưỡi nhìn nhau, ngầm hiểu một “cơn địa chấn” ra trò đang diễn ra bên trong cánh cửa phòng đóng kín.
Buổi sáng nay, tôi vừa đến công ty đã có lệnh Sếp gọi vào phòng Sếp gấp. Tôi càng căng thẳng, hồi hộp một linh cảm xấu.
Chờ tôi khép nép ngồi xuống ghế ngay ngắn rồi, Sếp hất hàm hỏi:
-Em còn muốn tiếp tục làm việc ở đây không? Nếu muốn , em có thể gửi đơn xin nghỉ việc cho anh ngay hôm nay.
Tôi tái mặt, ngồi im thin thít, không biết phải trả lời sao.
-Cho em mười lăm phút cân nhắc thấu đáo rồi trả lời.
Không cần đến ba phút, tôi ấp úng nói:
-Em… xin lỗi… Em không muốn nghỉ việc… Chỉ là em…
Hình như môi Sếp thoáng một nụ cười bí hiểm:
-Nhưng em không thể làm việc mà đầu óc lơ mơ thế được. Lúc nào em cũng thẫn thờ như mất hồn vía. Em có nhớ đã gây sai sót bao nhiêu bản kế hoạch của anh rồi không?
Tôi cúi mặt, lí nhí:
-Em xin lỗi… Em sẽ cố gắng không nhầm lẫn nữa.
-Vấn đề không phải xin lỗi hay cố gắng, anh chỉ muốn biết nguyên nhân làm em xuống tinh thần như vậy.
-…
-Nào, nói thật cho anh biết: em gặp rắc rối thế nào?
-…
-Có phải gia đình em xảy ra chuyện gì không?
-Dạ… không.
-Hay em xích mích với đồng nghiệp?
-Hoàn toàn không có chuyện này đâu ạ.
-Sức khỏe em…
Tôi vội đỡ lời:
-Em không có bệnh gì.
Sếp gật gù:
-Vậy anh hiểu rồi. Lại chuyện tình cảm thôi. Em và người yêu đang giận nhau, phải không?
Nghe Sếp gợi lại, tôi chạnh lòng muốn khóc quá. Tôi cắn môi cúi mặt, không biết nói sao.
-Ai đang yêu chẳng thế? Giận rồi thương, thương rồi giận, lòng vòng như trẻ con chơi bịt mắt bắt dê... Anh không nghĩ chuyện nhỏ nhặt ấy lại ảnh hưởng đến em nặng nề vậy.
“Chuyện nhỏ nhặt” ư? Không, với tôi là đại sự, có thể gây tai họa khôn lường đấy, Sếp ạ!
Thấy tôi im lặng mãi, Sếp giục:
-Nói đi chứ! Chuyện thế nào?
-!
-Những trục trặc tình cảm không nên giữ âm thầm một mình trong lòng , em ạ... Nói ra, biết đâu anh có cách gỡ rối cho.
Sếp có lý. Tôi ôm ấp tâm sự một mình chẳng ích lợi gì. Đang bế tắc, tôi cần có một ai đó thấu cảm, chỉ cho hướng giải quyết trọn nghĩa vẹn tình. Sếp hơn tôi cả chục tuổi, khôn ngoan, đĩnh đạc, nhất định đầy kinh nghiệm tình trường, sẽ giúp tôi nhận ra vấn đề cách sáng suốt nhất.
Thế là tôi đánh bạo ấp úng kể với Sếp điều nan giải của mình. Sếp chăm chú lắng nghe rồi lại mỉm nụ cười bí hiểm, khẽ hắng giọng:
-Có gì khó đâu? Dễ ợt!
Tôi mừng rỡ, hí hửng hỏi ngay:
-Dễ lắm hả anh?
-Ừ. Trường hợp như em đâu hiếm, thiên hạ đầy ra!
-?
-Để anh cố vấn cho. Có một giải pháp tốt nhất là em hãy chọn…
Mặc tôi háo hức lắng tai chờ nghe, Sếp chợt ngưng lại một lát rồi mới nheo mắt, thủng thỉnh buông một câu tinh quái:
-Hãy chọn… người thứ ba!
Tôi ngỡ ngàng, kêu lên:
-Người thứ ba? Ở đâu ra?
-Ở đây chứ ở đâu!
-Anh nói ai, em không hiểu.
-Là anh!... Anh yêu em từ lâu, em không biết à?
Tôi xanh mặt, tay run lên, đã bấn loạn càng bấn loạn hơn.
Sếp tỉnh bơ, tiếp:
-Nếu đang phân vân giữa hai chàng trai thì cách tốt nhất là chọn… chàng thứ ba, em ạ!
Tôi thầm kêu: “Tốt nhất” cái gì chứ? Hai người đủ làm khổ tôi rồi, thêm Sếp nữa chắc tôi… tan tành như xác pháo!
Mà có thật Sếp yêu tôi không? Tôi lạ lùng quá. Bao lâu nay tôi nghĩ Sếp đối với tôi cũng như với mọi người khác trong công ty, thuần túy do công việc thôi, không ngờ… Thế này thì đã rối càng thêm rối, mối tơ vò chưa gỡ xong lại chằng chịt thêm mối khác!
Ý nghĩ ấy khiến lòng tôi bỗng rưng rưng, lại muốn khóc quá. Mắt tôi đã bắt đầu nhòe ướt. Nếu bây giờ nhìn thấy tôi trong bộ dạng thất thần này cắm đầu chạy như ma đuổi từ phòng riêng của Sếp ra, chắc chắn mọi người sẽ tưởng tượng rồi thêu dệt rất nhiều chuyện gay cấn.
Nghĩ thế, tôi đành chịu trận, ngồi chết lặng trên ghế, không cả nhúc nhích.
Chợt, Sếp cười phá lên:
-Ô hay, khóc rồi à? Vì sợ hay vì cảm động đấy?...
-!
-Anh đùa thôi, không có chuyện yêu em đâu…
Tôi càng ngỡ ngàng, không hiểu.
-Lúc nào anh cũng xem em như em gái... Anh sắp cưới vợ rồi... Yên trí đi, anh chỉ giỡn cho vui thôi.
Rồi Sếp đổi giọng, rất nghiêm túc:
-Em còn băn khoăn không biết nghiêng về ai, nghĩa là em chưa thật sự yêu ai cả. Nếu yêu rồi, em sẽ chọn được ngay, không đau khổ dằng xé như thế.
Tôi thật thà khai báo:
-Em đắn đo mãi cũng không biết nên nghe theo lý trí hay trái tim?
Sếp lại nheo mắt, tinh nghịch:
-Nếu em muốn đi buôn thì nghe lý trí còn muốn yêu thì nghe trái tim. Vì yêu là chuyện của trái tim mà.
Nhìn mặt tôi hoang mang, Sếp phì cười:
-Không đùa nữa, anh nói nghiêm túc đây: hãy nghe trái tim mách bảo, em ạ. Nó nhạy cảm hơn em tưởng nhiều lắm đấy, nhưng đừng bỏ qua nhắc nhở của lý trí, có hiểu không? À, vậy là anh biết tại sao em đau khổ rồi. Vì em đặt tình và lý vào thế đối nghịch một mất một còn, thay vì để cả hai song hành hỗ trợ nhau.
Tôi nhăn nhó:
-Anh nói văn hoa quá, em chưa hiểu hết.
Sếp tặc lưỡi:
-Cứ suy nghĩ sẽ hiểu. Em ơi, lý trí phải đặt ra những dự phòng chứ, đó là nhiệm vụ của nó mà. Không phải để hù dọa, chỉ nhắc ta chuẩn bị chu đáo, có giải pháp ứng phó nếu bất trắc xảy ra. Thế thôi.
Vậy là tôi đã biết mình có thể nghiêng về ai rồi, lúc nào tôi chẳng nhớ anh da diết? Chỉ vì còn chút nghi nan nên lòng tôi nặng nề, không thanh thản.
Sếp gật gù:
-Anh đã từng trải qua tình cảnh tương tự nên hiểu cảm giác đó. Em băn khoăn vì chưa chắc chắn người ta có đủ chân thành hay không. Khó gì mà không nhận ra? Người yêu ta chân thành là người làm mọi điều cho ta vui vẻ, hạnh phúc. Nói gọn lại: trong tình yêu, đó là người không vị kỷ, chỉ vị tha. Còn nữa, cảm giác nặng nề trong lòng em cũng bắt nguồn từ nỗi sợ đang tình yêu đổi sang tình… hận. Em đừng lo! Nếu đã thật sự yêu em, người ta không hận em đâu, dù sẽ rất buồn…
Tôi bùi ngùi:
-Em không muốn làm tổn thương người nào, anh ạ.
Sếp khẽ nhún vai, gõ gõ cây bút đang cầm trên tay xuống mặt bàn:
-Đành thôi, không thể tránh được. Tình yêu luôn luôn là một, không phải món hàng để em có thể cùng lúc chọn cả hai. Hoặc một người tổn thương hoặc cả ba cùng đau khổ vì bế tắc như bây giờ… Em suy nghĩ thấu đáo đi rồi sẽ biết phải làm gì.
Tôi biết phải làm gì rồi, nhưng vẫn còn một câu cần hỏi Sếp:
-Em quen anh ấy lâu rồi mà vẫn ngại ngần chưa muốn cưới. Anh có nghĩ do thời gian em tìm hiểu anh ấy chưa đủ không?
Sếp ngẫm nghĩ khá lâu mới thong thả đáp:
-Trả lời câu này hơi khó đấy, vì có thể đúng với người này mà không đúng với người kia. Nhưng theo anh nghĩ: đủ thời gian không quan trọng bằng tình yêu đã đủ đầy chưa?
Nghiền ngẫm từng lời khuyên của Sếp, tôi vỡ ra nhiều điều. U uất tan dần cho lòng tôi lại rạt rào, mơn mởn non tươi.
Lúc tôi chào định đi ra thì Sếp giơ tay ngăn lại:
-Khoan đã. Anh còn hai chuyện cần nói với em, kẻo muộn… Đây cũng là hai mệnh lệnh buộc em phải chấp hành…
Tôi bồn chồn, đứng ngây mặt hồi hộp nhìn Sếp. Sếp mỉm cười:
-Thứ nhất: Anh không muốn công ty mất một nhân viên giỏi như em. Thứ hai: tháng sau anh mời đám cưới, em phải đến cùng bạn trai, cấm đi một mình đấy.
Tôi cũng mỉm cười.
Sếp tốt bụng lại vui tính nhỉ? Từ nay còn ai gọi “Sếp hắc ám” nữa không? Tôi thầm ân hận đã nghĩ sai về Sếp nhiều quá. Giờ mới nhận ra Sếp rất tâm lý, tình cảm chan hòa với nhân viên. Nếu Sếp đòi hỏi cao trong công việc cũng chỉ là phương pháp đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho chúng tôi.
Tôi lại nghĩ ra: những lần có một nhân viên bị gọi vào phòng riêng gặp Sếp, hẳn cũng giống tôi bây giờ: Sếp chẳng ậm ọe mắng mỏ gì, chỉ gợi mở, gỡ rối một cách chân tình thôi.
Ôi, “Sếp hắc ám” của tôi dễ thương quá! Nhờ Sếp mà tôi thấy mình mạnh mẽ lên nhiều. Nhưng tật “mít ướt” vẫn không hề giảm, nên tối đó, lúc chạm ngón tay run rẩy vào danh bạ, tôi lại rơi nước mắt. Lúc này ở đây chỉ có một mình chẳng sợ ai nhìn thấy, tôi thả sức sụt sùi, nghẹn ngào không nói được một lời. Nhưng có lẽ cũng chẳng cần thiết nữa vì cái câu duy nhất tôi muốn nói thì vừa nhận cuộc gọi là anh đã nhanh miệng nói trước mất rồi:
-Anh… nhớ em!
Như tất cả các người vợ khác, tôi hỏi chồng:
-Anh yêu em từ khi nào?
-Anh không biết. Chỉ biết lần đầu tiên chia tay em, anh thấy lòng thấm thía nỗi buồn lạ lắm. Nhẹ nhàng thôi mà day dứt rất lâu. Anh nhận ra em là nguồn an ủi lớn của anh.
-Xạo đi! Anh có liên lạc gì với em đâu?
-Vì mấy lần anh bắt gặp em cười hạnh phúc khi nhắn tin với ai đó, anh hiểu em đã có người yêu nên anh dừng lại. Ngoài ra, anh tin duyên phận. Nếu là duyên thì sẽ còn gặp. Đôi lúc nhớ em nhưng anh không tìm ra lý do gì gọi cho em cả, phải đợi khi đề nghị bản hợp đồng thứ hai.
-Mục đích lúc đó là anh muốn dối mẹ mà?
-Dối mẹ một phần, phần lớn anh rất muốn có em trong những ngày tết ở quê, ngốc ạ!
-Bây giờ chê em ngốc rồi, không còn khen thông minh nữa!
Câu chuyện cuối cùng bao giờ cũng quay về buổi tối ngày mồng bốn tết:
-Em không biết lúc nhìn em vật vã khóc lóc, anh đau lòng thế nào đâu. Anh thầm hứa làm gì cho em vui vẻ hạnh phúc thì anh làm ngay.
-Em không tin. Thế sao anh luôn khuyên em đến với người ta?
-Hoàn toàn không có, nhé! Anh khuyên em đến với người ta bao giờ? Chỉ khuyên em hỏi cho rõ ràng mọi chuyện thôi. Anh không muốn em ân hận hay nuối tiếc về sau.
-Lỡ em chọn người ta thì sao?
-Nếu chọn người ta em mới hạnh phúc thì anh cũng yên lòng. Nhưng đã nói, anh tin vào duyên phận. Những ngày em im lặng cắt liên lạc, anh biết em yêu anh.
-Tài nhỉ? Sao biết?
-Có gì khó đâu? Anh là người đến sau, nếu không yêu anh, em đâu phải băn khoăn cân nhắc lâu như thế?
-Ừ, biết anh nhiều kinh nghiệm tình trường lắm rồi!
-Em biết không, lần đầu tiên hôn em, anh đã linh cảm sẽ có em trong đời. Nụ hôn mặn đắng nước mắt em càng khiến anh quyết tâm phải xóa sạch những đắng chát ấy, để chỉ còn ngọt ngào ở lại với vợ anh thôi.
-Lúc đó em như sắp chết đến nơi, có tỉnh táo đâu?
-Hừ, ai cần em tỉnh táo? Lúc tỉnh táo, em ngồi gần anh cũng ngại ngùng,
đời nào có chuyện lao vào lòng anh? Anh đã nói rồi: trong tình yêu, đôi khi cứ mắt nhắm mắt mở thế lại hay hơn!
(*) Thơ Từ Thế Mộng