Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







TẾT XƯA CỦA CU LI MỎ



T ôi viết bài này do có bạn hỏi Tết nay có gì hơn so với tết xưa. Xin khẳng định một điều là nhiều cái khác lắm. Tết nay không có sự réo nợ, không còn người trốn chạy tết nữa. Đây đó có tồn đọng những sự chưa vừa lòng, chưa toại ý nhưng nhìn chung, không khí vui vẻ, trong lành tràn ngập. Bao nhiêu sự bận bịu tất bật thiếu thốn vật vã ngày xưa không còn xuất hiện. Tôi xin kể các bạn nghe về những cái tết mà tôi trực tiếp hay gián tiếp thấy qua lời kể của mẹ, của bà.

Trời âm âm u u. Không gian xam xám, trở lạnh là lúc Tết gần kề. Người người tất tả, bận rộn. Một không khí căng căng khác hẳn bình thường. Những ngày cuối đông đã đến. Gió rít ào ào làm mấy lá bàng cuối cùng rơi tơi tả. Cu li co rúm người trong mảnh bao hay quần áo vá chằng vá đụp. Chỉ chục hôm như thế, khí lạnh hòa lẫn chút gió xuân mơn man và nắng nhẹ đem đến sức sống cho cỏ cây, cho vạn vật. Ai ai cũng náo nức. Những tấm áo cũ được đem ra, giặt giũ, phơi phóng lại. Người có điều kiện, dắng nhau về quê. Làm lụng quanh năm, vất vả rồi, sửa soạn nghỉ ngơi mà hưởng tết. Họ hẹn nhau, chờ dịp kéo nhau, đi xe khách, đi bộ tùy theo xa gần. Những người ở lại, rủ nhau đợi dịp túm tụm cờ bạc. Người khá giả dông dài, lượn lờ quanh chợ, mua tranh treo tường. Các bà các chị nhẹ nhàng tung tăng trên đường, rổ thúng chật những lá dong gói bánh, những khóm mùi già về gội đầu. Có nhà náo nức, quét vôi trắng toát. Trong xóm thợ, giắng giả tiếng đòi nợ, lời than vãn, hứa hẹn đan xen.

Sau ngày hăm ba thổ công về giời, không khí tết đã tràn ngập. Những khu vườn cành khô uể oải nhú chồi non, những nụ mầm ngậm sương, thẹn thùng bật lên, chào xuân mới. Ai nấy buồn vui cầm chừng, thật giả phấn khởi, lòng bất chợt nao nao, cồn cào tưởng như tâm hồn cũng đang chuyển mình cùng vạn vật.

Những ngày giáp tết yên ắng hơn ngày thường. Đường phố thi thoảng một vài bóng người đi bộ co ro. Những cơn gió lạnh làm lá bàng rơi tơi tả, chạy trên đường lạt xạt. Mấy bà già dân tộc quẩy đôi bồ thuốc đi bán dạo. Họ đi lầm lũi với gương mặt nửa người, nửa thú. Hai gò lưỡng quyền nhô cao, đôi mắt sâu dưới đôi hàng lông mày cạo nhẵn. Cái đầu nhỏ, tóc búi thành cục vuông vuông khiến bọn tôi thấy rờn rợn.. Tuy vai gánh nặng nhưng họ đi, ngồi, giở những bọc thuốc khá nhanh.

Tết trong lòng mỗi người mỗi khác. Những gia đình khá giả, ăn ra làm nên, công việc thông đồng bén giọt thì niềm vui háo hức tràn trề. Nhiều người mong ngày trở lại thăm quê bận rộn tíu tít. Những người ở lại thì lo, nhấp nha nhấp nhổm. Quà cáp biếu xén mừng năm mới, tuổi mới cho cai ký, cho những người cầm cân nảy mực, định đoạt đồng lương, cuộc sống hàng ngày, họ đã đóng rồi. Thức ăn, gạo nước trước, trong và sau tết đã đủ hay còn phải lo từng bữa?

Hăm bảy tết, sở mỏ thu đồ, đóng cửa. Mỗi sáng ra, đường phố vắng ngắt. Ánh nắng non bấy hoe lên một lúc mới thấy người đi. Ai cũng lo lắng Tết nhất nhưng mấy người liệu nổi? Đồng tiền ít ỏi mà miếng ăn không ngớt réo đòi. Những ngày giáp tết, sở mỏ yên ắng hơn ngày thường. Đường phố thi thoảng mới có một vài bóng người co ro trước những cơn gió lạnh. Lòng đường xưa có rộng cũng chỉ dăm ba mét. Thôi thì đang rỗi, cứ lững thững cuốc bộ khoảng một giờ là hết tất cả các dãy phố. Mấy người lên núi Trọc, chặt trộm đào vác về phố chơi tết. Người ta nghĩ đào phát âm gần với vào. Ai mà không mong tài lộc đến đầu năm. Ngày tết, màu hồng của hoa đưa niềm vui, của cải tới nhà nên ai cũng háo hức, cũng chờ mong, cũng thích thú. Ông bác tôi, nhà khá giả. Tối ba mươi, bố mẹ dẫn tôi mang sang nhà ông chai rượu trắng lễ tổ với lời dặn dò, đến nhà ông không được ngồi, không được nô đùa, chăm chú nghe ông dạy bảo. Chúc ông sống lâu muôn tuổi. Ông đưa cho cặp bánh chưng mang về. Vì thế, tôi nhớ hàng chục năm, nhà không phải gói bánh chưng. Mấy đời làm mỏ nhưng nghèo, bố mẹ chỉ mong sáng mồng một có đĩa xôi cúng gia tiên rồi chia cho mỗi người một thẻo. Cả năm vất vả, cố mua đâu con gà hay con ngan nấu ninh xì xụp cho qua tết. Cu li thời đó, những người ở lại, xo xúi, trốn chạy nợ réo đòi, rình rập. Có người không trốn được, tiếng van lơn, khất chịu chen lẫn tiếng chửi tục tĩu rủa xả. Người nợ đã khốn khổ rồi; người không nợ cũng xa xót cảm thông. Không gian nặng nề tù túng. Mẹ tôi gọi chúng tôi nhắn nhủ, không được ra đường sớm, không được đầu tiên xông vào bất kỳ nhà ai. Mẹ mừng tuổi mỗi đứa mấy xu lẻ, mới. Những đồng xu này cùng những đồng hào mà bà và bố cùng vài người trong họ mừng tuổi mấy hôm sau liền bị mẹ tịch thu lại với những lời hứa hẹn chả bao giờ thấy thực hiện cả.

Tết đối với chúng tôi vui lắm, quần áo mới, bánh trái, được mừng tuổi, khoe cùng chúng bạn, được đi chơi. Còn nhỏ nhưng tôi quen sống nội tâm nên thấy tết khổ hơn vui kéo dài suốt cả một đời. Tôi biết Tết đến với người lớn có niềm vui chung trộn lẫn không ít nỗi buồn, nỗi lo toan. Người lớn phải bận bịu nhiều thứ, phải tranh thủ làm lụng cật lực những công việc còn lại trong năm, phải chuẩn bị những công việc khởi đầu sau Tết, phải trang hoàng nhà cửa, chăm sóc mồ mả tổ tiên, quà cáp biếu xén bà con thân thuộc, bạn bè, lo mua sắm sửa soạn áo quần, thức ăn cho ba ngày Tết.

Sau giao thừa, khoảng ba bốn giờ sáng, có người được dặn trước mang thùng đòn ra chỗ máy nước công cộng gánh vài ba gánh về đổ vào ang thùng cho những cửa hàng. Chủ nhà đợi sẵn, vừa trả công vừa mừng tuổi. Người gánh nước dẻo miệng chúc chủ nhà làm ăn phát tài phát lộc, của cải chất đầy nhà, tiền vào như nước

Sáng mồng một, phố xá vắng teo. Người ta không muốn ra đường, sợ dông cho những người đầu tiên bất chợt gặp. Không khí tết vẫn rạng rỡ trên mặt mọi người, trên mặt phố làng. Tiếng pháo đì đoành, đùm đụp nổ. Rồi có dăm ba người, quần áo gọi là tươm tất kéo nhau ào đến ngõ, vừa chào vừa chúc tết. Chủ nhà ra mời vào hoặc cũng chả mời, nhẹ nhàng cố làm ra vẻ vui, đưa cho họ vài hào trả công lấy may kèm những lời chúc của cả chủ cả khách mà chả ai nghe rõ. Trong cảm giác chung, Tết vẫn vui, vui lắm. Vui với gia đình giữa không gian ấm áp. Vui vì kết thúc những tháng ngày bận rộn, kiểm lại năm qua mình làm được những gì, những gì còn trở ngại, còn phải cố gắng trong năm tới. Vui vì có thời gian ngơi nghỉ, tham gia, thưởng thức hội hè đình đám. Vui vì có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên ông bà, bày tỏ tình cảm đối với người thân, bè bạn, vui vì được tham gia hội làng, được đi cà kheo, đánh đu, đi ne vịt, đi trèo cột đập niêu…

Thoáng đã tới mồng năm, ngày khai tầng mở mỏ. Đồ đạc, dụng cụ cất giữ sau mấy ngày tết được mang ra, đưa lên tầng. Cai chúc tết, mừng tuổi cu li. Dập dà dập dền đến qua rằm tháng Giêng mới thực sự bước vào làm việc. Một cái tết, nhiều cái tết… nặng nhọc như thế qua đi.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Quảng Ninh ngày 08.02.2021.