Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








MÓN QUÀ NGÀY XA XƯA



M ẹ tôi qua đời khi tôi mới lên 4 tuổi. Sau này, tôi vẫn nghe họ hàng kể rằng, dù được cô em họ của ba tôi thường xuyên tới lui chăm sóc nhưng thiếu hơi ấm người mẹ, tôi vẫn còi cọc như cây thiếu nước, mặt mày lúc nào cũng ngơ ngác, buồn thiu.

Ba tôi làm công trong một tiệm sửa xe. Tiệm có tiếng tăm, nên được đông đảo khách hàng tín nhiệm. Do đó ba tôi vất vả luôn tay từ sớm tới tối mịt mới về, áo quần luôn lấm lem dầu mỡ. Nhưng cái mùi đặc trưng ấy với tôi lại rất thiêng liêng. Mỗi đêm tôi sẽ trằn trọc không thể ngủ yên nếu không được ôm chặt ba, hít làn hơi nồng nặc dầu máy mà dù ba đã tắm rửa thật kỹ vẫn không thể tẩy xóa hết.

Gà trống nuôi con gần 3 năm thì ba tôi tục huyền với dì Đoan, con gái duy nhất của ông chủ tiệm sửa xe. Bắt đầu từ đấy, hai cha con chấm dứt chuỗi ngày ở nhà thuê: ba tôi dọn đến tiệm ở với vợ mới còn tôi sang ở nhà của người cô họ.

Thời gian đầu tôi rất nhớ ba, nhớ mùi dầu máy quen thuộc nên đêm ngủ cứ thút thít khóc cả trong mơ. Vài ngày ba ghé đến thăm tôi một lần, mua nhiều món ăn ngon. Tôi không màng ăn uống, chỉ muốn gặp ba thôi nên tôi thường xuyên trốn cô, tìm đến tiệm sửa xe (bây giờ chính thức được giao cho ba tôi quản lý), đứng lấp ló từ xa ngắm ba cặm cụi làm việc. Đến khi mỏi mệt, tôi mới chịu lủi thủi quay về.

Vào tuần cuối tháng Chạp năm đó, có một gia đình hành khất đi ngang xóm nhà cô tôi: hai vợ chồng đều khiếm thị cùng đứa con gái sáng mắt, cũng cỡ tuổi tôi. Con bé gầy còm một tay dắt mẹ, một tay cầm cái nón rách luôn chìa ra phía trước chờ đợi bố thí. Ba người vịn vai nhau, cứ đi một quãng thì dừng lại để chồng dạo đàn cho vợ hát. Nhiều người tò mò xúm lại nghe, có người khen tiếng đàn người chồng điêu luyện và giọng hát người vợ khá ngọt. Những tờ tiền lác đác thả xuống cái nón của con bé.

Đúng lúc đó thì ba tôi chở dì Đoan đến, mang theo túi quà tết cho tôi. Dì Đoan chu đáo mua cho tôi đầy đủ bánh kẹo, thêm đôi giày, chiếc nón cùng bộ váy 3 tầng màu đỏ tươi kết ren và gắn đầy hạt cườm lóng lánh. Bộ váy lộng lẫy như của Công Chúa trong tranh vẽ bao năm tôi từng mơ ước mà chẳng bao giờ ba mua nổi.

Ba nói:

-Vài ngày nữa ba và dì đi Đà Lạt hai tuần. Con ở nhà ăn tết với cô ngoan nhé…

Vừa nghe thế, lập tức tôi giãy lên, nước mắt lưng tròng, nằng nặc đòi đi theo. Dì Đoan vuốt tóc tôi, dỗ:

-Để lần sau cả nhà mình cùng đi chơi chung với nhau, con nhé… Con ở nhà đừng buồn, dì sẽ nhắc ba mua thật nhiều quà về cho con…

Câu nói nhắc tôi nhớ ra thực tế phũ phàng: rằng mấy tháng nay người phụ nữ này đã “cướp” mất ba của tôi. Quà thì thích thật nhưng đâu bằng có ba. Được nhìn thấy ba mỗi ngày mới là mong mỏi nhất của tôi. Vậy mà lúc này dì Đoan sắp đem ba đi xa, bỏ rơi tôi lại. Tôi sẽ buồn vì cô đơn biết mấy. Mấy năm qua đã mất mẹ, giờ tôi lại phải xa ba thì ngày tết còn vui sao được, thì mặc váy đẹp làm gì?

Thế là cơn giận bộc phát khiến tôi không còn biết sợ. Tôi gạt phắt tay dì Đoan ra, hất luôn những gói quà xuống đất, hét lên:

-Đừng đụng vào tôi… Tôi ghét bà lắm... Bà là mụ phù thủy độc ác…

Lần đầu tiên cũng là lần duy nhất, ba nổi giận giáng cho tôi một bạt tai và quát:

-Im ngay, đồ mất dạy!

Rồi ba hầm hầm kéo tay dì Đoan ra về, không đoái hoài đến tôi lăn xuống đất ăn vạ, vừa giãy giụa vừa khóc như mưa. Tôi khóc không phải bị tát đau mà vì tủi thân, nghĩ ba không còn yêu thương quan tâm đến mình nữa. Tôi bị ba bỏ rơi thật rồi. Con bé nghèo khổ rách rưới mà mọi người đang thương hại ngoài kia hóa ra cũng đâu bất hạnh như tôi. Lúc nào nó cũng được ở chung với cha mẹ nó. Còn tôi…

Tôi nhìn những gói quà nằm lăn lóc kia bằng đôi mắt đầy thù hận. Rồi căm ghét cả bộ váy 3 tầng nhiều năm vẫn khát khao, tôi quyết định sẽ không thèm mặc nó.

Thế là một ý nghĩ điên rồ hiện ra trong đầu, tôi vơ tròn bộ váy, vùng chạy ra đường, dớn dác nhìn quanh. Gia đình ba người kia đã đi một quãng khá xa rồi. Tôi cắm đầu đuổi theo, mãi mới bắt kịp họ. Tôi ấn vội cái váy vào tay con bé, vừa thở hổn hển vừa nói mấy câu đứt quãng:

-Tao… cho mày… mặc Tết đấy…

Khi biết hành động trẻ con ngốc nghếch ấy, cô tôi thưởng thêm cho tôi mấy roi vào mông đau quắn. Cô còn bắt tôi tìm con bé ăn mày lấy lại áo nhưng chẳng bao giờ tôi gặp lại người nào trong gia đình hành khất đó nữa.

Đã mấy chục năm trôi qua, mỗi dịp đi mua sắm cuối năm, tôi lại bồi hồi nhớ chuyện bộ váy đỏ 3 tầng và cái Tết đầu tiên thiếu vắng cả cha lẫn mẹ.

Khi đó tôi đâu hiểu chuyến đi Đà Lạt ngày Tết ấy là dịp cho ba tôi và dì Đoan hưởng tuần trăng mật, cũng là kỷ niệm đáng ghi dấu của một đời người. Tôi chỉ ghim trong lòng ký ức tồi tệ, hành hạ tôi khổ sở nhiều năm sau mới phần nào nguôi ngoai.

Nên tôi vẫn luôn nhắc nhở con cháu đừng quên rằng: không có món quà Tết nào thiêng liêng bằng sợi dây tình cảm gia đình, cũng như không một món ăn nào nuôi dưỡng con trẻ bổ ích bằng bàn tay yêu thương chăm sóc của mẹ cha.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn ngày 26.01.2021 .