Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Hàng Lược ngày Tết








NÉT XUÂN HÀ NỘI







V ào những năm 1970, cứ mỗi khi chợ hoa tết được mở ở phố Hàng Lược, Hàng Mã và những con phố quanh đó là tôi rất hay đứng ngắm chợ hoa từ trên ban công tầng 4, ngôi nhà 14 Thuốc Bắc. Bởi từ trên cao nhìn xuống, thấy dòng người qua lại rất vui mắt, từ khi chợ hoa mở cho đến khi chợ tàn. Nhìn thấy hoa đua sắc là thấy mùa xuân ùa vào Hà Nội, từng ngõ ngách, từng lối đi, xuân phủ dày không gian Hà Nội.

Sau khi dùng cơm chiều xong, cả nhà tôi đi thăm chợ hoa. Từ khi chợ hoa mở, tối nào cả nhà cũng dạo chợ hoa, vì lúc ấy các con đã nghỉ học, tối không phải lo học bài.

Tôi và chồng đi bên nhau, để hai con trẻ tung tăng ngắm nhìn những bông hoa đẹp, và những đồ chơi dân gian làm bằng bìa, làm bằng bột nếp, bằng nan tre…nhưng trông rất bắt mắt. Các cháu rất thích một đồ chơi bằng bìa cứng cắt rất khéo, đó là một chú khỉ đang gảy đàn. Khuôn mặt chú rất hài hước, nụ cười rộng ngoác như xé rách cái hàm choắt của chú. Tay chú đang gảy cây đàn ghi ta trông khá thiện nghệ, chân giơ lên, hạ xuống theo nhịp của đôi tay gảy đàn. Đồ chơi sinh động, các con không dứt ra được, chúng tôi mua cho con, giá phải chăng nhưng chúng rất vui, cứ chơi hoài, cho đến khi không chơi được nữa.

Hoa tết đủ các loại. Tôi thích ngắm những bông hồng. Hồng nhung đỏ thắm, gợi nhớ tình yêu nồng đậm của các đôi tình nhân. Bông phấn hồng e ấp như cô gái mới lớn. Hồng trắng tinh khiết, mỏng manh như đời người thiếu nữ. Những bông hồng vàng như sự bí ẩn của đời người. Có người nói màu vàng là màu của sự bội phản, có người lại lại nói, bông hồng vàng chứa đựng những tình cảm sâu nặng của các mối tình ngang trái… Riêng tôi, cứ bông hồng nào thơm ngát, màu gì cũng được, tôi đều rất thích Tôi nâng niu bông hồng, cắm nó vào chiếc lọ thuỷ tinh nhỏ, đặt trên chiếc bàn nhỏ mà tôi hay ngồi để được ngắm hoa cho lòng thư thái. Hoa hồng Hà Nội hồi đó rất thơm và không độc bởi những chất bảo vệ hoa như bây giờ. Người trồng hoa bây giờ dùng thuốc cho hoa nở đúng ngày Tuần, Rằm và mồng Một âm lịch hàng tháng, những ngày kỷ niệm, như ngày Valentine, ngày 8/3…

Những năm ấy chưa có nhiều hoa ngoại, chủ yếu là hoa của vùng Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân và những vùng gần Hà Nội đưa về. Người ta có thể ôm hoa, ngửi hoa mà không sợ bị chất độc đe doạ.

Những loài hoa khác như thược dược, cẩm chướng, địa lan, những bình thuỷ tiên với hoa vươn thẳng, trắng muốt được gọt tỉa công phu điểm tô cho chợ hoa phong phú. Hoa phong lan, đủ loại, hồi đó rất quí hiếm.

Rồi những cành đào tuyệt đẹp được đem bán, cành đào đó đã nuôi dưỡng trong vườn. Đào Hà Nội phần lớn được trồng ở làng Nhật Tân. Cứ mùa xuân đến, trai thanh, nữ tú và những người yêu đào hay đến vườn đào tươi thắm của Nhật Tân để chiêm ngưỡng. Chủ nhân của các vườn đào chăm bón, nâng niu hàng năm trời để tết có đào kịp hé nụ đem bán. Các cây đào thế được trồng trong chậu, tạo dáng rất mềm mại với những hình, thế phù hợp với thị hiếu người mua.

Cành đào mua về có thể cắm vào lục bình, cân đối với không gian của nhà mình. Những chậu đào thế thì lại hợp với những gia đình ưa bài trí theo kiểu văn hoá xưa, mang tính truyền thống.

Hồi ấy, chẳng có những cành đào to tướng được chặt từ núi rừng Tây Bắc mang về như ngày nay, bởi, người Hà Nội có thú chơi tao nhã, vả lại, nhà cũng chẳng to như bây giờ, phương tiện đi lại khó khăn, làm sao chở được những cành đào lớn, như bị phạt đi, lấy cắp đi những nét đẹp của núi rừng, mang về Hà Nội phục vụ cái thú chơi ngông của một số người ! Và nữa, vườn đào Nhật Tân đâu còn như xưa, cái mênh mang, bạt ngàn của làng hoa đào đã đi vào dĩ vãng, đem lại cái nhớ day dứt cho người yêu đào.

Còn quất thì, lá nhỏ, xanh thắm, quả cũng nhỏ, nhưng hoa và quả quất rất thơm. Tết, chơi quất qua rằm, hái từng quả quất, rửa nước muối, ngâm đường sẽ đươc một loại nước giải khát lành, để lâu lại giống như một vị thuốc dùng để chữa ho. Quất ngâm muối cũng vậy, là vị thuốc của mỗi gia đình. Quất nay khác hẳn quất xưa, trông quả to hơn, màu quả đẹp hơn và quả ở trên cây lâu hơn nhưng chỉ để ngắm chứ không dùng quả làm vị thuốc quí được vì cả cây quất đã được phun thuốc để giữ cho cây, quả lâu hỏng.

Người bán hoa ở chợ hoa xưa mời chào nhẹ nhàng, vui vẻ. Họ nói, phải có cách giữ hoa, giữ quất để tết hoa mới làm nụ và nở đúng vào những ngày tết đấy. Cây quất phải có quả chín, quả xanh, có hoa thơm ngát người mua mới thích.

Hồi ấy giữ hoa đâu có dễ như bây giờ. Vì thế, kỹ thuật giữ hoa được tươi và nở đúng ngày khách mong đợi trước đây rất kỳ công, chỉ những nghệ nhân trồng hoa mới nắm được kỹ thuật này.

Có những người bán hoa, gần đến giao thừa, hoa chưa bán hết, quần áo mong manh, cái rét cuối năm như cào xé, họ mong chờ những người khách cuối cùng. Họ vừa bán vừa tặng người mua, vì, chẳng ai đi chợ mà lại mang hoa về, bán rẻ một chút cũng được để khỏi vương vấn với món hàng hoa của mình, để kịp về nhà đón giao thừa.

Thời bao cấp, chẳng có nhiều thứ để dùng đón xuân. Từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn để gói bánh chưng, làm giò lụa, giò thủ và nhiều món ăn khác nữa cho ngày tết, người Hà Nội phải chuẩn bị từ khá lâu. Thực phẩm cho ngày tết được bán theo tem phiếu, rất hạn chế cho việc làm cỗ ngày tết nhưng người Hà Nội vẫn xoay xoả được. Có người còn tự nuôi lấy lợn, gà ngay trong những ngôi nhà nhỏ bé của mình để cùng bà con, cô bác ăn tết. Cái khó ló cái khôn, lâm vào hoàn cảnh nào người Hà Nội cũng có những ứng xử phù hợp.

Nay, Hà Nội đã khác nhiều. Đời sống của người dân, cảnh quan của Thủ đô đổi mới từng ngày. Đường phố Hà Nội đẹp, hiện đại, khang trang. Những siêu thị, trung tâm mua bán, những ngôi nhà đẹp, hiện đại mọc lên khắp nơi. Người Hà Nội, đa phần không phải lo nhiều đến cơm áo, gạo tiền. Tết nay, người Hà Nội có nhiều thú vui hơn, họ hay đi du lịch. Xa Hà Nội, xa nhà, nhưng trước khi đi họ vẫn chỉnh chang ngôi nhà thân thương của mình để đón tết. Hoa đào, quất, cây cảnh…là nét xuân không thể thiếu của người Hà Nội. Người Hà Nội khá tinh tế khi thưởng thức những món ngon ngày tết. Ăn, uống là thú vui được lựa chọn, không xô bồ, chém to, kho mặn.

Xuân về, tết đến, sắc xuân phủ trên đôi môi của những cô gái Hà Thành và trên những nụ cười của các chàng trai Hà Nội. Người và cảnh, cây và hoa xuân của Hà Nội hoà quyện tạo nên cái đẹp riêng của Hà Thành mà không phải nơi nào cũng có được. Bạn cứ đến Hà Nội chơi tết sẽ thấy, nơi này đa dạng sắc màu, trong cái ồn ào vẫn tìm được sự tĩnh lặng. Trong cái mênh mang của đất trời vẫn tìm thấy sự sâu lắng của tâm hồn người. Người Hà Nội sẽ tiếp bạn bằng những món ăn ngon, vừa mang tính truyền thống vừa hòa quyện với ẩm thức sáng giá của bốn phương. Mến khách, một biểu hiện nét đẹp của người Hà Nội.

Sự chân tình và lịch thiệp níu khách đến thăm nhà. Thăm nhà nhau, chúc tết nhau đầu năm là truyền thống mà các gia đình Hà Nội, cũng như các gia đình người Việt khác thường làm.

Ở Hà Nội có nhiều chỗ chơi Tết lắm. Có những người, tuổi đã cao, nhưng trước thời khắc giao thừa vẫn đi xe máy hoặc trải bộ trên phố phường Hà Nôi để ngắm người, ngắm phố phường tĩnh lặng đêm cuối năm. Vì những ngày này, Hà Nội rất vắng. Ta dạo chơi trên đường phố, trên các bờ hồ ở ngay trung tâm Hà Nội như Hồ Gươm, Hồ Hale, hồ Ngọc Khánh, hồ Bảy mẫu, hồ Ba mẫu, Hồ Tây, hồ Trúc bạch…mới thấy Hà Nội đẹp, đa sắc với sự phối hòa của thiên nhiên và sự xây đắp của con người. Mặc dù, có những công trình mới xây có phá nét cổ kính xưa, nhưng đa phần, hình hài của Hà Nội vẫn được lưu giữ . Những di tích lịch sử của Thành đô luôn luôn dập dìu người thăm viếng. Hầu như phường nào cũng có chùa hoặc nhà thờ công giáo, nhà thờ tin lành được người dân góp công tu bổ, để cho mỗi năm, khi tết đến, tâm linh của con người được thỏa nguyện, họ đến các cơ sở tôn giáo để cầu chúc cho gia đình mình, cá nhân mình được Phúc- Lộc- Thọ - An khang và hạnh phúc.

Hàng chục năm nay, những cô cậu học sinh, sinh viên, những văn nhân và trí thức Thủ đô hay chọn Văn miếu Quốc tử giám làm nơi xuất hành đầu năm. Cái sự học đã được người Hà Nội coi là cái gốc của sự phồn vinh và nếp sống hiếu nghĩa trong các gia đình. Vì họ tin, khi trí óc được khai sáng, con người sẽ biết phân biệt cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác…con người sẽ đến được với Chân- Thiện- Mỹ.

Những chàng trai, cô gái đang yêu, những người muốn hạnh phúc gia đình viên mãn hoặc gặp những trắc trở trong tình yêu đôi lứa, họ hay chọn chùa Hà- thuộc Cầu Giấy Hà Nội làm nơi đi lễ đầu năm, cầu cho mình được hạnh phúc và tai qua, nạn khỏi.

Ở đường phố Hà Nội cổ, xưa, những ngôi nhà kiến trúc theo kiểu Pháp vẫn giữ được nét đẹp hài hòa, thanh thoát mà sang trọng. Nhà Hát Lớn, xây dựng 1901, nhà Viễn đông Bác cổ xưa- nay là Viện bảo tàng lịch sử, Phủ Toàn quyền hay Phủ Chủ Tích, xây dựng năm 1902. Nhà khách chính phủ- Bắc Bộ phủ trước đây và khách sạn Metropole trên đường phố Ngô Quyền. Tòa án Tối cao trên đường Lý Thường Kiệt . …vẫn là những nơi du khách đến chơi xuân Hà Nội nên lưu tới.

Những hàng cây cổ thụ trên đường Phan Đinh Phùng. Hoàng Hoa Thám, Trần Phú, Chu Văn An, Đường Láng…vẫn uy nghi, xanh bốn mùa, tỏa bóng râm trong ngày hè oi ả và tĩnh lặng, trầm tư trong những ngày đông lạnh giá, đâm chồi nảy lộc xanh mướt khi xuân sang.

Xuân đến, Hà Nội đẹp lạ lùng. Những nét thanh lịch trong nếp sống của người Hà Nội có bị phôi pha bởi một số người không có ý thức gìn giữ. Nhưng, đa số người Hà Nội xưa, nét thanh lịch đã ngấm vào máu, chẳng thể mất đi. Và nữa, có người không có gốc gác lâu đời ở đây, nhưng họ ý thức được mình sẽ học được nếp sống văn minh, thanh lịch dễ dàng hơn khi được sống ở đất đô thành ngàn năm văn hiến. Bởi cái đẹp không dễ tìm nhưng cũng lại rất khó mất nếu nó được lưu giũ trong thẳm sâu nếp sống, tâm hồn của những người Hà Nội.

Hà Nội, viên ngọc quí của nước Nam vẫn đẹp đến nao lòng khi ai đã từng sống và qua đây ./.