Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









HUYỆT CÁT






       

LỜI GIỚI THIỆU

Khi tôi viết cuốn tiểu thuyết này, giữa lúc giàn khoan HD 981 đang tiến vào biển Đông. Nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài không phân biệt giai cấp, tôn giáo, quốc tịch, xếp lại mâu thuẫn nội bộ, hận thù cá nhân… sôi sục khí thế tất cả hướng về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông thân yêu. Làm tôi nhớ đến lời hịch ngày nào của Hồ Chủ Tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Bất kỳ đàn ông đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”.

Sau này Bác đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, thời gian đủ để chúng ta hàn gắn vết thương do chiến tranh để lại. Thời gian đủ để chúng ta hòa hợp dân tộc cùng nhau đoàn kết xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và phát triển. Và chỉ có như vậy mới động viên được toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết để giành thắng lợi trong chặng đường mới bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Chúng ta hãy thoát khỏi suy nghĩ hận thù thiển cận, như người đàn bà- nhân vật Hằng trong tiểu thuyết suy nghĩ: “Nếu trong con người mình chỉ có dòng máu Việt thì viên đạn nào do ai bắn ra cũng đều là viên đạn của chiến tranh cả, cũng giết chết hai ông chồng của bà, bà vẫn góa bụa, hai đứa con vẫn hai lần mồ côi. Nghĩ thế thấy con người mình nó ở cái tầm cao hơn, đại lượng hơn. Đừng có nghĩ rằng viên đạn này do con người này, ở giai tầng kia bắn ra thì thế này thế khác làm cho cái tầm của mình nó thấp đi, hèn mọn. Suy cho cùng dân tộc Việt mình là quan trọng hơn cả, lớn hơn hết. Không có gì hơn máu đỏ da vàng. Trong gia đình cũng thế, có những lúc anh em, vợ chồng lục đục ấy là do bên ngoài nó thúc vào”.

Cuốn tiểu thuyết này tôi còn miêu tả trung thực khách quan, công bằng một số trận chiến vì Hoàng Sa, Trường Sa của những người lính của các Triều đại Việt Nam cho đến ngày nay, mục đích minh chứng phần nào lời Hồ Chủ Tịch, đồng thời khẳng định, khi kẻ thù xâm lược động đến tấc đất biên cương của Tổ quốc, đến chủ quyền biển đảo, đến lòng tự tôn dân tộc thì những người lính máu đỏ da vàng Việt Nam ( dù ở chế độ nào, giai tầng nào) đều cầm súng chiến đấu hy sinh đến giọt máu cuối cùng.

Chính vì những lý do trên tôi đã viết cuốn tiểu thuyết này, với quan điểm lập trường dân tộc. Trên tinh thần nói thẳng, nói thật, ca ngợi lòng dũng cảm hy sinh chiến đấu vì độc lập tự do, phê phán kẻ hèn nhát, lầm đường lạc lối biến mình thành giặc nội xâm, chối bỏ nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc.

Để tải được những nội dung trên tôi đã dùng hình thức, thể loại tiểu thuyết siêu thực để thể hiện.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.



CHƯƠNG III



K hoảng 10 giờ sáng ngày 19 tháng 1, phía giặc dàn quân bao một vòng cung từ tây nam lên tây bắc đảo Quang Hoà.

Bốn chiếc tàu của Việt Nam Cộng hoà cũng đã bao một vòng cung phía ngoài chiến hạm giặc từ tây nam lên tây bắc đảo theo thứ tự HQ-5, HQ-4, HQ-10 và HQ-16. Mỗi chiến hạm Việt Nam Cộng hoà bám sát và ghìm súng sẵn sàng trực xạ vào 1 tàu chiến giặc.

10 giờ 30 phút sáng 19 tháng 1, tàu HQ-5 bất ngờ nổ súng. Các tàu khác của Việt Nam Cộng hoà cũng đồng loạt phát hoả. Ngay loạt đạn đầu tiên, tàu giặc số 274 bị trúng đạn của HQ-5 bốc cháy, bỏ chạy và ủi vào bờ san hô phía tây nam đảo Quang Hoà và coi như bị loại khỏi vòng chiến.

Năm phút sau, HQ-4 bị trúng đạn tại đài chỉ huy và vì ổ súng 76,21 ly trước mũi không sử dụng được nên chiến hạm di chuyển về hướng đông đông nam để có thể sử dụng khẩu 76,2 ly sau lái tiếp tục bắn vào tàu giặc số 271. Tàu HQ-4 bị hư hại và di chuyển về hướng bắc. Trong lúc đó HQ-5 vẫn bám sát 2 chiếc 271và 274. Mấy phút sau chiến hạm HQ-5 bị trúng đạn 37 ly, cháy phòng vô tuyến nên việc liên lạc bị gián đoạn.

Tại mặt bắc, chiến hạm HQ-10 được lệnh của chỉ huy, Trần Ngọc Phả xiết cò. Loạt đạn đầu của khẩu pháo 40 ly bắn thẳng vào phòng lái tàu 389. Một quẩng lửa bùng lên, khói tuôn mù mịt. Chiếc tàu 389 bốc cháy và mất lái nên quay vòng tròn. Lệnh của Nguỵ Văn Thà tiếp tục nhả đạn.

Trần Ngọc Phả nghiến răng xiết cò. Máu trong người anh như sôi lên, cộng với khói súng sặc sụa khiến mặt anh nóng bừng bừng, các cơ trên người anh căng cứng sẵn sàng bứt khỏi thân thể cùng những viên đạn lao vào tàu địch. Sau hai loạt đạn tiếp theo thì HQ-10 do quá đà lao vào phía sau lái chiếc 389. Bị loại khỏi vòng chiến đấu, chiếc 389 chạy về hướng đông bắc và ủi vào bờ san hô phía tây bắc đảo Duy Mộng.

Thấy chiếc HQ-10 nhỏ bé, hai chiếc tàu giặc còn lại tập trung hoả lực nhả đạn. Loạt đạn đầu HQ-10 tránh được. Trên đài chỉ huy, tiếng Nguỵ Văn Thà hét to át cả tiếng súng đạn:

- Thà chết không để một tấc đất của ông cha rơi vào tay địch!

Tiếng hô vừa dứt, một loạt pháo từ tàu đối phương nã trúng đài chỉ huy. Một luồng đỏ bùng lên, rồi tắt lịm. Nguỵ Văn Thà ngã xuống, nhưng anh cố gượng dậy một tay ôm ngực, một tay bám lấy thành lan can, mắt anh cố mở to nhìn về phía đảo Quang Hoà.

Hạm phó Nguyễn Thành Trí nghiến chặt răng, mắt ngàu lên nhìn thẳng hướng ghì tay lái. Khẩu 76, 2 ly sân trước xả đạn liên tiếp trực diện vào đối phương. Hai khẩu pháo 40 ly hai bên sườn vẫn từng loạt dồn dập nhằm hạm tàu đối phương phóng đạn.

Cùng lúc một loạt đạn của địch bắn trúng hầm máy, một tiếng nổ lớn phát ra, cơ khí trưởng Huỳnh Duy Thạch và một nhân viên thợ máy chết tại chỗ, khói từ trong hầm máy tuôn ra ngùn ngụt. Cùng lúc Nguyễn Thành Trí bị một mảnh đạn chém xả vai máu chảy ròng ròng. Anh buông cần lái, ôm lấy vai ngã xuống. Trần Ngọc Phả nhìn thấy chạy lại xốc Nguyễn Thành Trí dậy, băng vết thương cho Trí. Thấy tạm ổn, Trí ra lệnh cho Phả về vị trí chiến đấu. Không thể để chiến hữu hoạn nạn, Trần Ngọc Phả bất chấp đạn pháo, anh chạy lên đài chỉ huy. Nguỵ Văn Thà nằm sấp, một tay vẫn ôm ngực, một tay duỗi thẳng lên phía trên đầu đang thoi thóp thở. Trần Ngọc Phả nằm xuống tránh đạn và lật Thà nằm ngửa. Máu ở ngực Thà xối ra thấm đỏ cả một quầng áo phía trước, mắt anh nhắm nghiền. Phả vừa ôm vai bạn vừa gọi:

- Anh Thà! Anh Thà!

Nguỵ Văn Thà hé mở đôi mắt, giọng thều thào:

- Nói Trí …cho anh em …xuống mảng vào đảo…quyết giữ đảo…giọt máu…cuối…

Phả hiểu câu nói mà Thà chưa phát ra được thì cũng là lúc Nguỵ Văn Thà lắc nhẹ một cái, rồi đầu nghẹo sang một bên, tim anh ngừng đập.

Đặt Thà nằm ngay ngắn trên đài chỉ huy, Phả chạy xuống nơi Nguyễn Thành Trí truyền đạt mệnh lệnh của Nguỵ Văn Thà. Lúc đó mọi người cũng đã tập trung xung quanh Trí. Anh ra lệnh xuống mảng. Nhưng Trí cũng đã thều thào do máu ra nhiều, nên mọi người phải dìu anh trong lê lết.

Khi ba chiếc mảng vừa thoát khỏi tàu được một quãng thì chiếc HQ-10 cũng nghiêng dần, nghiêng dần và từ từ chìm xuống. Phả gục mặt xuống nước. Trong óc anh hiện lên thi thể Nguỵ Văn Thà trên đài chỉ huy cùng Huỳnh Văn Thạch và các chiến hữu từ từ chìm xuống, chìm xuống mãi mãi dưới lòng biển…Vai Phả hơi dô lên vì một luồng hơi thở vào như để trấn tĩnh ngay cơn xúc động lúc này.

Phát hiện thấy mảng của đối phương, địch xả súng liên tiếp. Lần lượt các chiến hữu bị trúng đạn chìm xuống lòng nước. Mảng của Phả có ba người thì hai người đã trúng đạn chơi với rồi chìm hẳn. Phả lặn xuống để tránh địch phát hiện. Nhưng một viên đạn 76, 2 ly đã xả đúng vào chiếc mảng Phả đang núp dưới. Một mảnh đạn chém đúng vào cổ anh. Máu Phả xối ra thành tia đỏ ối một vùng nước.Anh buông tay, chới với rồi từ từ như một vật thể không trọng lực rụng xuống đáy đại dương.

♣ ♣ ♣

Chiếc Nokia đặt ở đầu giường bỗng rãy lên đạnh đạch. Bà Hằng giật mình, như người đang trong cơn ác mộng thức tỉnh. Bóng ông Phả phảng phất rồi biến mất. Bà quờ tay cố níu, nhưng lại cầm được chiếc điện thoại di động. Tiếng chuông của nó réo gọi một hồi rồi tắt ngấm. Bà Hằng vẫn trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, đó là không khí trận chiến ở Hoàng Sa mà chồng bà đang bị trúng đạn, chìm xuống lòng biển cả. Bà đang muốn hỏi thi thể ông sau này có ai vớt được và chôn cất ở đâu? Thì chính tiếng chuông điện thoại này đã đánh mất cái giây thiêng đó. Bà vứt chiếc điện thoại xuống giường, chỉ được một lát thì nó lại rung lên xòe liệng trên chiếu. Bà nhìn nó thờ ơ, rồi như không thể chịu được bà lại cầm lên bấm phím OK, áp vào tai. Phía đầu bên kia, tiếng thằng Bộ:

- A lô, má à? Sao má đi đâu con gọi mãi mới được?

Bà Hằng trả lời con trai rằng bà đang bận, rồi hỏi thăm vợ con nó khoẻ không? Các cháu của bà có ngoan không?Thằng Tũn là hay viêm họng lắm con phải bảo vợ con chú ý. Con Mèo nó hay ăn kim chi, nhớ bảo mẹ nó thường xuyên mua cho nó ăn nhé.

Thằng Bộ dặn bà không được nói cho ai biết anh em nó đang làm gì ở đâu? Má thiếu gì thì anh em chúng con sẽ gửi đầy đủ cho má. Nếu cần sẽ thuê ô sin về phục vụ trọn đời.

Bà bảo với con trai rằng một mình bà tiêu phụ cấp tuất liệt sỹ của ba con cũng đủ rồi, lại còn lương hưu của bà nữa. Ốm đau đã có bà con làng xóm, họ hàng giúp đỡ và thân nhân gia đình liệt sỹ cũng được chính quyền quan tâm chu đáo.

Thằng Bộ chào má rồi tắt máy. Đặt chiếc điện thoại xuống giường, đôi tay bà Hằng thõng thượt, mắt nhìn vào khoảng không vô định. Chỉ còn mấy ngày nữa là giỗ ba nó, người đã sinh ra anh em chúng, người đã bỏ xác ở trận chiến Hoàng Sa đầu năm 1974 ấy.

Ngẫm nghĩ về cách ứng xử của con mà chán cho cái sự đời. Chúng nó say mê công danh sự nghiệp hơn cả máu mủ ruột thịt. Chúng nó sợ người ta biết nó là con của ai?Bà không hiểu nổi tại sao bà và ông Hải đã kỳ công nuôi dạy chúng rất chu đáo. Bà lại là một nhà giáo đứng trên bục giảng dạy bao nhiêu thế hệ làm người, vậy mà hai đứa con của bà nó lại như này. Một nỗi buồn man mát pha chút hoang mang đang lan toả trong tâm thức của bà.

Bà bước lại ban thờ đặt mấy bát nhang thờ hai người chồng. Rút ba nén nhang thắp lên cắm vào bát nhang, rồi chắp hai bàn tay trước ngực. Các ông ơi! Những cái cây chúng ta vun trồng công phu là thế, ấy vậy mà bây giờ nó lại không thể cho trái ngọt. Các ông sống khôn chết thiêng, hãy giúp tôi kéo chúng về.

Những sợi khói trắng từ đầu ba nén nhang như những sợi tơ trời nối âm với dương, toả ra mùi thơm ấm áp. Không gian trong ngôi nhà đang chuyển dần về trạng thái của thế giới người âm. Và cũng tại căn nhà này bà mới thường xuyên được gặp gỡ hai người chồng, trò chuyện với họ, ôn lại quá khứ bi hùng, bàn cách cứu các con cháu của họ thoát nạn.

Ông Hải tuy không đẻ ra thằng Bộ và con Đào, nhưng công lao của ông thật không có trời bể nào sánh được. Cái hồi sau chiến thắng năm 1975 ấy, đất nước thì thống nhất, mà gia đình ông Hải và gia đình bà Hằng thì tan nát. Hai đứa con của bà mất tích. Ông Hải bỏ ra biết bao công sức để cùng bà tìm được chúng.Ông dò hỏi chuyến tàu định mệnh cái đêm ấy và được biết, sau khi bọn lừa đảo lột hết tiền vàng, hãm hiếp phụ nữ, giết những ai chống đối thì xuống xuồng vào bờ, mặc cho chiếc tàu lênh đênh ngoài biển. Mấy ngày sau quân giải phóng tiến vào. Chiếc tàu được cứu vớt đưa vào bờ. Như thế là đa số họ còn sống. Cơ may thằng Bộ và Con Đào cũng còn sống.Còn sống thì ai cưu mang? Hay đã bị bọn cướp ném xuống biển?

Ông Hải lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm. Có hôm ông đi đến tận khuya. Lại có lần ông cơm đùm cơm nắm đi cả tuần, lên tận Đà Lạt, vào tới Sài Gòn, rồi đến cả Tây Ninh… để dò hỏi. Năm 1975 qua mau, rồi cả năm 1976 cũng qua nữa, nhưng tin tức về thằng Bộ và con Đào vẫn bặt vô âm tín. Bà Hằng suốt ngày âm thầm, ảo não, chăm chút vườn thanh long để lấy tiền sinh sống và tiền cho ông Hải đi tìm con.

Ấy rồi một lần vào đầu năm 1977, cái năm mà cả nước mặc rách và chỉ nghĩ đến ăn, thiếu thốn đủ bề, bà được tin ông Hải bị đói và ốm rất nặng ở Tây Ninh. Bà vay mượn, rồi bán non nửa công thanh long lấy tiền đi tìm ông. Ở một cái chợ giáp biên giới Cămpuchia có tên Kà Tum, ông Hải được một gia đình buôn bán cưu mang, chạy chữa thuốc thang cho ông.Ông bị sốt rét ác tính.Người ông gày nhẳng, xanh rớt như tàu lá nằm dán xuống chiếc giường tre ọp ẹp. Đôi môi ông thâm tím, những sợi tóc còn lại dính bết vào trán. Chủ nhà cho biết đã cứu ông qua được cơn ác tính hiểm nghèo, bây giờ cần thuốc thang tẩm bổ mới giữ lại được tính mạng.

Bà Hằng thương ông quá. Vì bà, vì những hòn máu của bà mà ông đã vất vả bao nhiêu ngày tháng, đến nỗi suýt mất cả mạng. Ông bảo, đã tìm ra manh mối thằng Bộ rồi. Ngày ấy nó được một viên sỹ quan quân đội Việt Nam Cộng hoà mang về nuôi. Nhưng chỉ sau vài tháng giải phóng, người sỹ quan đó đi học tập cải tạo. Người vợ anh ta đã mang cả ba đứa con bỏ nhà đi đâu không rõ.Ông đã dò tìm được nơi viên sỹ quan đang học tập cải tạo, đó là một trung đoàn đóng ở Kà Tum. Ông đã đến đây để tìm cách liên lạc. Nhưng nơi viên sỹ quan cải tạo lại ở trong rừng sâu thuộc xã Bổ Túc, canh gác rất cẩn mật, ra vào không được. Ông đành lui ra chợ Kà Tum bốc vác thuê kiếm sống để tìm cách tiếp cận. Ban ngày ông làm việc cật lực để dành dụm tiền, ban đêm ông ngủ trên những sạp hàng bỏ trống. Thiếu thốn lại vất vả, vết thương trong người ông không chịu ngủ yên, cộng với bệnh sốt rét cũ tái phát. Thế là một trận ốm khiến ông gần đất xa trời.

Có được cái tin hé mở manh mối thằng Bộ, bà Hằng như người sống lại. Cái cây mất nước từ lâu héo hắt, nay như được tưới vào nguồn nước mát, bùng lá đâm chồi. Bà sốt sắng nhờ ân nhân của ông Hải giúp đỡ.Gia đình ân nhân đã tìm được một thiếu uý Quân đội Nhân dân Việt Nam làm công tác hậu cần của trung đoàn cải tạo sỹ quan nguỵ. Sau khi được gặp ông Hải và bà Hằng, viên thiếu uý hứa sẽ cố gắng. Chỉ trong một thời gian ngắn, thông tin người sỹ quan quân đội Việt Nam Cộng hoà đang cải tạo cho biết địa chỉ bên vợ anh ta ở Long Khánh. Từ địa chỉ này có thể tìm được nơi vợ con anh ta và thằng Bộ đang sinh sống.

Mặc dù chưa tìm được con, nhưng ông Hải và bà Hằng cũng gặt hái được chút ít hy vọng sau mấy năm cố công tìm kiếm. Họ đưa nhau về nhà, vực cho sức khoẻ của ông Hải tốt hơn, kiếm tiền để chuẩn bị cho một cuộc tìm kiếm mới.

Ở Long Khánh, ông Hải và bà Hằng đã gặp được gia đình bên ngoại viên sỹ quan Việt Nam Cộng hoà. Nhưng họ cho biết, khoảng gần một năm nay không liên lạc được mấy mẹ con chị. Nghe đâu chị ta dắt con về Sài Gòn đi ăn xin, hay làm đĩ điếm gì đấy vì không thể nuôi nổi ba đứa con, trong đó có một đứa con nuôi, lại bị chính quyền o ép là gia đình sỹ quan nguỵ đang cải tạo.

Vào Sài Gòn ông Hải và bà Hằng tiến hành một cuộc đi tìm rau câu đáy biển. Họ lang thang ở bến tàu, bến xe. Thậm chí đêm đêm ông Hải còn ra cả đường tìm gặp nhưng cô gái điếm để hỏi dò tin tức. Biết đâu đấy, trời phật xui khiến lại tìm được cũng nên.

Vào một buổi trưa, bà Hằng và ông Hải đang ngồi bên vỉa hè nghỉ mệt, có thằng bé tay xách chiếc hòm gỗ, tay cầm đôi dép rọ đi đánh giày ngang qua. Bà Hằng như chợt thấy hình bóng ông Phả thoáng qua. Bà không giải thích được… có lẽ đó là cái lưng, không phải, đó là cặp chân khuỳnh khuỳnh khi bước. Bà có linh tính thằng bé có thể là con bà. Nếu nó còn sống thì nay đã 8 tuổi rồi. Tám tuổi thì phải lớn hơn thằng nhỏ kia chứ. Dẫu vậy, bà vẫn đứng dậy vội vã đi theo.

Thằng bé gặp một người đàn ông tay xách ca- tap, chân đi giày đen, nó lại gần:

- Chú! Đánh giày đi chú.

Người đàn ông dừng bước, cúi xuống nhìn thằng bé. Thằng bé ngẩng lên như khẩn cầu. Người đàn ông lại bước đi, miệng nói:

- Thôi.

Thằng bé thất vọng, phịch xuống vỉa hè. Chừng như nó đói quá, nên duỗi thẳng đôi chân, đôi mắt hau háu nhìn một bà béo cũng đang ngồi tiệm bún bò huế gắp miếng chân giò bóng nhẫy đưa lên miệng gặm.Rồi cái miệng thằng bé cũng nhai theo.Không thể chịu nổi sự hành hạ của cơn đói, thằng bé dò dẫm đến bên bà béo, đứng nhìn thèm khát một lúc rồi chìa tay:

- Dì cho con miếng!

Lão chủ quán trông thấy liền xua thằng bé đi chỗ khác.

Nước mắt bà Hằng ứa ra khi chứng kiến thằng bé. Nếu nó là con bà thì bà thà chết đi cho rồi. Làm má mà để con đến nông nỗi này thì đốn mạt quá. Bà bước lại gần nó rồi lấy mấy đồng bạc:

- Này con, dì cho. Con cầm lấy đi mua chiếc bánh mỳ.

Thằng bé mừng quá, đặt chiếc hòm đồ xuống đất rồi cầm lấy mấy đồng bạc, cúi đầu cảm ơn.Khi nó vừa quay đi, bà gọi:

- Bộ!

Thằng bé quay lại, nhìn bà, rồi lại bước đi. Nó mặc một chiếc quần xà lỏn, chiếc áo trên người rách xả một bên vạt. Tóc vàng hoe, mặt mũi nhem nhuốc. Thoạt nhìn bà thấy nó giống ông Phả. Bà bước tiếp và gọi:

- Có phải Bộ không con?

Thằng bé dừng lại nhìn bà lần nữa, rồi nó tiến lại gần:

- Dì gọi con ạ?

Bà Hằng ngồi xuống, nhìn vào mắt nó:

- Cho dì hỏi… con có phải con má Hằng ba Phả không?

- Dạ hổng phải, con là con má Mận ạ.

Bà Hằng thất vọng, định đứng lên. Thì ông Hải đã đến bên lên tiếng:

- Có phải má Mận ở Long Khánh. Con còn có ba đi học tập cải tạo phải không con?

Thằng bé nhanh nhảu trả lời:

- Dạ phải.

Bà Hằng bỗng ngã vật ra vỉa hè bất tỉnh.

♣ ♣ ♣

Sau cái đêm bà Hằng được ông Phả cho trở về trận chiến Hoàng Sa tháng 1 năm 1974 mà ông Phả tử trận, bà cứ mong ngóng ông về nói rõ cho bà rằng thi thể ông có được chôn cất không? Hay đã làm mồi cho cá biển. Đêm nào cũng thế, bà cứ thắp hương khấn ông hiện về. Bà khấn cả ông Hải và trách ông Hải rằng ông Phả về được, mà tại sao ông Hải lại đối xử với bà thế.

Đêm ấy, một cái đêm nóng như mùa hè ngoài miền Bắc. Cây cối trong vườn nhà lặng phắc. Đom đóm lập loè, lượn lờ ngoài ngõ rồi sà vào trước thềm. Cây núc nác đầu ngõ lặng lẽ, nghiêm túc như người lính gác. Vài chú dơi chao đi chao lại vợt muỗi sát hiên nhà, thỉnh thoảng lại đập cánh vào cửa giống như có người gõ nhẹ. Đêm đã khuya, khu xóm đã nồng nàn chìm sâu trong giấc ngủ.Ngoài khơi xa tiếng sóng biển vẫn ì ầm dội vào làng mạc.

Bà Hằng vẫn đang âm thầm ngồi trước ban thờ khấn vái. Chiếc quạt cây đứng ở góc nhà vẫn nhẫn nại dang cánh tay tát những luồng gió mát toả khắp gian nhà. Rồi dường như không gian lặng đi, ánh sáng mờ ảo của ngọn nến trên ban thờ chuyển thành màu xanh nhạt. Từ đâu đó một thứ âm thanh của thế giới người âm rót vào tai bà Hằng:

- Tôi đây, bà ơi!

Tiếng ông Phả, tiếng của người âm như tiếng kim khí, tuy lạnh lẽo nhưng với bà Hằng thì vô cùng thân thuộc. Tiếng người âm rất khó nghe, tiếng được tiếng mất, phải nghe quen mới hiểu.

Ông Phả vẫn bộ quân phục lính hải quân Việt Nam Cộng hoà phảng phất trong không gian, lúc ẩn lúc hiện, bay lên, bay xuống.

- Ông nói cho tôi nghe, ngày đó có ai ví như tàu thuyền nước ngoài, hoặc tàu đối phương vớt được xác ông rồi chôn trên đảo chẳng hạn. Để má con tôi biết mà có dịp đi tìm.

- Tất cả 73 anh em chúng tôi đều mất hết xác, kể cả hai người chết trên đảo cũng bị chúng kéo xuống biển làm mồi cho cá. Những khúc xương còn lại cá không ăn được cũng bị sóng biển đá đi tứ phía và bây giờ thì tan thành nước rồi.

Bà Hằng thấy sống mũi của mình cay xộc. Từ sống mũi đẩy lên hốc mắt tia máu tinh khiết rồi toả ra làm cho mắt bà nhoè đi. Tiếng ông Phả:

- Nhưng tôi có mộ. Có người thờ cúng…

Bà Hằng thảng thốt:

- Ông nói sao?

- Trong số 73 anh em chúng tôi có một người thoát chết. Anh ấy được một chiếc tàu buôn nước ngoài cứu. Sau này anh ấy trở về sống biệt lập ở một cái vũng trên bờ biển gần đây. Tại đó anh ấy đã lập 239 ngôi mộ gió gồm tất cả những người chết vì Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Hậu Lê cho đến ngày nay, có bia mộ khắc tên tuổi đầy đủ. Mộ tôi ở hàng thứ ba, số 201.

Bà Hằng thật sự bất ngờ:

- Thật thế sao ông?

- Anh ấy còn lập một ngôi đền thờ. Ở đây 239 chúng tôi từ thế hệ cha ông cho đến con cháu sống với nhau ấm áp lắm.

- Ông nói thế thì tôi đỡ áy náy rồi. Hôm nào cho tôi đến thắp hương cho mọi người ông nhé? Nhưng cái điều tôi còn muốn hỏi ông là cái hoạ mà lần trước ông đã nói đấy.

- Bà có biết không cái vũng mà có 239 ngôi mộ gió ấy là Vũng Hầu. Đó chính là địa huyệt quốc gia để trấn giữ hai quần đảo lớn trên biển Đông. Mất địa huyệt thì quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam sẽ bị mất bà ạ. Vậy mà hai đứa con của chúng ta đang lập một dự án san phẳng cái địa huyệt này. Một công ty của ngoại bang đang rất muốn trúng thầu với mục đích phá tan địa huyệt.

Bà Hằng như người thoát xác. Bà đơ ra không nói, không cử động và cũng không biểu hiện được cảm xúc gì nữa. Chiếc quạt điện vẫn vù vù vô tư làm phận sự. Ánh sáng màu vàng của ngọn nến đã chuyển dần sang màu đỏ. Thế giới hư ảo của người âm đã biến mất. Ông Phả cũng trở về cõi âm, chỉ còn lại bà Hằng với gian nhà trống vắng.

Một lát bà Hằng tỉnh lại, toàn thân bà run rẩy như người được tin mình sắp bị tử hình. Trời ơi! Bà không thể tưởng tượng nổi cái hoạ mà lâu nay bà vẫn tưởng cùng lắm là chết người, thì bây giờ nó lại lớn ngoài tầm hiểu biết của bà. Cái chết chưa thấm là gì với cái tội với cha ông, tổ tiên, đất nước. Cái tội tày đình này không dừng lại sự vô phước của một gia đình, dòng họ, mà là sự vô phước của một quốc gia ngàn đời không rửa hết nhục. Cái tội phải khắc ghi vào lịch sử, không bao giờ tẩy rửa được. Bà là một giáo viên dạy sử dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa. Bà đã đứng trước hàng trăm học sinh nói về Trần Ích Tăc, Lê Chiêu Thống và Nguyễn Ánh …Bà muốn truyền cho thế hệ trẻ sự khinh bỉ, lòng căm thù với những kẻ vong ơn bội nghĩa Tổ quốc. Vậy mà bây giờ nó lại vận đúng vào con bà. Trời ơi! Không phải nghĩ suy gì nữa, ngay lúc này đây bà Hằng đã nghĩ ngay đến cái chết để thức tỉnh con bà. Cái chết! Phải, nhiều người bất lực đã tìm đến cái chết để hoàn thành một nhiệm vụ tối thượng. Làm thế nào bây giờ?Không còn cách nào khác, phải chết. Nhất định phải chết thôi!Nhưng chết bằng cách nào để chúng tỉnh ngộ.

Lòng quyết tâm của bà đã như nồi nước sôi bùng lên đến cao độ. Suốt đêm còn lại bà suy nghĩ cách thực hiện cho hiệu quả thì lại thấy không ổn. Có thể chúng đang muốn bà không có mặt trên thế gian này, vậy thì cái chết của bà đâu có đạt được mục đích. Hơn nữa chúng có bao giờ được học, được dạy dỗ đến cái học thuyết tâm linh phương Đông này đâu. Bốn năm đại học thì có đến nửa thời gian học tư duy luận của phương Tây.Tiêu chí làm người của chúng là lòng trung thành với tư duy luận ấy chứ đâu có phải trung thành với cái Vũng Hầu, mấy trăm ngôi mộ gió của đất nước. Và nếu có đứa nào biết đến lòng trung thành thì chúng lại trung thành với khái niệm Tổ quốc, với Nhân dân, hoặc cùng lắm là bộ phận người chứ đâu có trung thành thực sự với cây khế, bờ mương, làng xóm hoặc cha mẹ, anh em chúng. Cứ suy các con bà thì biết.Chúng không tin vào bất cứ gì ngoài bản thân chúng.

Không ổn, rất không ổn. Bà lại phải cầu xin ông Phả, ông Hải cho bà một phương pháp. Bà biết người âm không có sức mạnh như mọi người đã tưởng. Họ chỉ có khả năng nhận biết được cái sắp tới để thông báo. Nhưng ngay cả khả năng thông báo của họ cũng rất khó khăn. Đặc biệt nếu người trần không tin, hoặc nhạo báng thì họ không thể làm gì được.

Trời đã gần sáng. Con gà bên hàng xóm đập cánh rồi gáy lên một hồi vang động cả làng Hồi. Cùng lúc những con gà trống trong xóm cũng lần lượt gáy vang, như thể chúng đã hợp đồng với nhau cùng làm một bản hòa tấu là báo thức hay chỉ để khoe tiếng gáy của mình với đồng loại, với con mái.

Thế là một đêm bà Hằng thức trắng. Bà nghĩ quá nhiều về những đứa con. Bà sống hai chế độ, trời lại cho bà làm một giáo viên dạy sử, thành ra bà không thể làm ngơ trước thời cuộc. Óc tư duy của bà, cùng với một cuộc đời bầm dập, vần xoay của thế sự đã thấm vào máu bà, nên dù muốn hay không bà vẫn phải quan tâm đến thời thế.Hơn nữa hai đứa con của bà là một chiếc đinh ốc trong cái guồng quay mà người ta gọi là cơ chế. Chúng phải sống chết đối với cái guồng quay cơ chế này.

Bà bạn hàng xóm làm nghề tráng bánh cũng đã dậy, đang lục cục đốt bếp, sắp đồ tráng bánh. Bà ấy có cái tên rất chi là kỳ cục: Bà Hỏng. Tiếng miền Nam hỏng có nghĩa là hư. Nhưng bà không hư một chút nào. Bà béo lớn gấp hai bà Hằng.Nhưng ăn lại chỉ bằng một nửa suất so với bà Hằng. Nhà bà Hỏng có đến bốn đời làm bánh tráng không có ai tư duy đến thời cuộc, chính trị. Gần đây khi có con dâu, bà mở tiệm bún bò ở ngoài phố, còn gọi là bún bò O Hư. Tiệm bún bò O Hư nổi tiếng ở vùng đất du lịch này. Đến Nha Trang chưa được ăn bún bò O Hư thì kể như bị Hỏng/ Vô bến Đá chưa được thưởng thức bánh tráng cô Hỏng thì xem như cũng bị hư… Từ ngày bà Hằng vào miền Nam sống, bà Hỏng là người bạn thân nhất của bà. Sáng nào dù bận mấy, hai người cũng bên ly café ít phút. Bà Hằng thì nói chuyện thời cuộc, còn bà Hỏng thì nói chuyện chợ búa, chuyện bánh tráng.Vậy mà ai cũng thú vị khi được nghe chuyện của nhau.


CÒN TIẾP ....



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ HàNội ngày 08.01.2021 .