Việt Văn Mới
Việt Văn Mới











GỬI CHÚT HƯƠNG BAY







V ừa viết xong đoạn cuối của chương kết truyện dài “Một Ngày Dài Một Đời Người”; tôi thấy lòng nhẹ hẫng, như vừa trải qua một cuộc leo núi, đầy cam go, thử thách, đã về đến đích. Tôi tắt máy, mỉm cười đứng dậy, rời bàn viết để mở cửa phòng bước ra sân; thì nghe tiếng reo của chiếc đồng hồ treo trên vách tường đổ chuông đúng 6 giờ sáng, như thường ngày.

Tôi bước lại mở cửa phòng với lòng hân hoan vui vẻ. Có lẽ buổi sáng hôm nay, là buổi sáng đi bộ thể dục vui nhất, khoan khoái nhất, trong tháng này - tháng cuối cùng của năm 2019.

Trời bên ngoài đã sáng rõ, mây trắng phau, da trời trong xanh; báo hiệu hôm nay là một ngày nắng đẹp. Một niềm vui mới lạ dấy lên xao xuyến trong lòng tôi, vì sau bao tháng năm ấp ủ, trăn trở; sống theo từng nhịp sống, hơi thở, và cuộc đời trôi nổi với những nhân vật thân yêu; như đã cùng họ đi qua những tháng năm buồn vui, bất hạnh và hạnh phúc; đã cùng họ vượt qua những nỗi đau, để tìm được niềm ước mơ, hạnh phúc cho mình, cho người.

Từ buổi sáng theo chân bà Kim Trâm cùng hai con trong cuộc chạy loạn khi rời thị xã Pleiku; chấm dứt những tháng năm sống êm ả nơi phố núi mù sương, vào tháng ba năm 1975, trên con lộ Bảy đầy máu và nước mắt.

Buổi sáng của một ngày dài dằng dặc, mà bà Kim Trâm, cũng như tôi, và có lẽ cũng như nhiều người khác, đã trải qua, dù muốn hay không muốn. Tiếng chó sủa hằng đêm, tiếng súng đì đùng, những cái chết vì đạn lạc, pháo kích ngày ấy, làm tôi hãi hùng, đau lòng; và tôi luôn mơ ước, được sống trong cảnh thanh bình, không còn chiến tranh, tang tóc, thù hận.

Tôi đã sống cùng bà Kim Trâm suốt mấy tháng nay, lòng bồi hồi xúc động, ray rứt, vì cảnh lạc mất con, cũng như sự khổ nhọc tìm kiếm hạt máu yêu thương đã rơi mất của bà Kim Trâm. Tôi cảm nhận được sự đau đớn ấy, như mình đã trải qua; nó dai dẳng, âm ỉ, suốt một đời người.

Tôi bước chậm rải, ngang qua dãy nhà có những hàng quán bán cà phê, ăn sáng, dọc bên đường, đã mở cửa chuẩn bị cho một ngày mới; rồi rẽ vào con đường bê tông thường ngày vẫn đi, hai bên là ruộng lúa xanh mượt. Tôi hít thở bầu không khí trong lành của buổi sớm mai giữa đồng lúa quang đãng mát mẻ; hai tay đung đưa theo nhịp chân bước đều, thật thoải mái, an vui. Tôi gát lại mọi suy nghĩ, bận rộn lo toan hằng ngày đang chờ sẵn.

Tôi đi mấy vòng từ ngã rẽ vào cánh đồng, đến chỗ bụi tre bắt đầu dẫn vào xóm nhỏ phía trong, rồi lại ngồi xuống bên đường, thư giãn. Chị Linh và Minh - hai người bạn thường gặp mỗi sáng đi bộ thể dục, từ trong xóm đi ra, cả hai vui vẻ đến ngồi cạnh tôi như thường ngày. Chúng tôi nói chuyện vui, cùng cười, thoải mái. Một nhóm bốn người đi bộ ngang qua, rủ chúng tôi cùng đi; nhưng chúng tôi chỉ ngồi bên nhau nói chuyện, thăm hỏi việc nhà, vui đùa một lát rồi về, không có ý dịnh đi tiếp nữa, vì cũng đã gần đến giờ phải trở về.

Nhìn cánh đồng lúa xanh mượt, mát dịu, trong sáng sớm, tôi chợt nhớ lại những năm tháng trên cánh đồng hợp tác giữa quê nhà. Cuộc sống khó khăn, gian khổ trong thời bao cấp, luôn là nỗi ám ảnh, trong suốt cuộc đời tôi. Đó còn là nỗi bàng hoàng mỗi khi ngồi nhớ lại, vừa chua xót, vừa buồn tủi. Những ngày phải khom người trên cánh đồng hợp tác để tập cấy; tập gánh những gánh lúa nặng trĩu, ngượng nghịu khi vừa mới rời chiếc ghế nhà trường; những lần xếp hàng chờ mua từng lít dầu lửa ở cửa hàng mua bán - tất cả như sống lại, qua nhân vật Kim Trâm, mà tôi đã thể hiện trong “Một Ngày Dài Một Đời Người”.

Tôi bâng khuâng, xúc động, và nghĩ rằng, mình đã gởi gắm được những ước mơ, hoài bão, ấp ủ bấy lâu qua trang văn, trọn vẹn. Chiến tranh tàn khốc đã để lại bao nỗi đau, bao nỗi mất mát, cho bao cuộc đời, phải trả bằng máu và nước mắt. Cuộc chiến đã đi qua, như cơn lốc dữ, càn quét tất cả, để lại những hoang tàn, đổ nát; người ta có thể xây dựng lại cây cầu, trường học, nhà cửa…, nhưng vết thương trong tâm hồn mỗi con người luôn âm ỉ, ray rứt, làm sao hàn gắn nhanh chóng được, nếu không có sự “chuyển hóa” để cảm thông, chia sẻ sâu sắc?

Tôi luôn tin, chỉ có tình yêu thương, mới có thể xoa dịu được nỗi đau thầm lặng này; và tôi mong muốn được sống trong sự khoan dung, bình đẳng, không phân biệt, để cuộc sống được an vui, cho tất cả. Tôi nghĩ, những người có tâm thành, có niềm tin vững chắc, rồi sẽ được hạnh phúc; cho nên, tôi xây dựng nhân vật, dù bất hạnh, đau đớn đến tột cùng, luôn có niềm tin và hy vọng, vững vàng, tự mình đứng lên. Cái “quả sau cùng” sẽ luôn được tốt đẹp, an vui cho những ai sống thiện lành với niềm tin và hy vọng của chính mình!.

Ánh nắng ban mai sáng lấp lánh trên những cây lúa còn đẫm hơi sương; một cơn gió nhẹ thoảng qua, rập rờn sóng lúa như rượt đuổi nhau trên cánh đồng xanh mượt. Tiếng cười vui của ba chúng tôi vang trong nắng sớm, và tôi chia sẻ với hai người bạn thể dục về niềm vui lớn của mẹ con bà Kim Trâm, cũng như của tôi, sau khi đã hoàn thành bản thảo tập truyện dài; làm hai người bạn ngẩn ngơ, không hiểu tôi muốn nói gì. Tôi mỉm cười: “Hôm nào sẽ tặng hai bạn tác phẩm mới tâm huyết của mình, đọc để chia sẻ nhé!”. Hai người bạn vẫn chưa hiểu hết niềm vui đang sổi nổi trong tôi; đôi mắt còn ngơ ngác, hỏi lại: - “của ai”? - “của mình chứ của ai nữa!” - Thì ra, bà …? Tiếng cười cả ba vui đến nỗi, những người đi đường phải quay lại nhìn, ngạc nhiên.

Tôi nhìn về hướng tỉnh lộ Bảy (nay là quốc lộ 25), xa xa phía cuối chân trời kia; rồi thầm thì kể lại cho hai người bạn nghe thêm về sự mầu nhiệm trong cuộc gặp gỡ, tìm được nhau của mẹ con bà Kim Trâm nơi ngôi chùa Khải Tâm, sau hơn 30 năm thất lạc. Chị Linh đồng ý với tôi rằng, người đàn bà đó, có quá nhân hậu, tâm thành, lúc nào cũng khao khát tìm lại con, tin tưởng con của bà ở nơi nào đó đang mong đợi bà chứ không chết như nhiều người đã nghĩ. Điều quan trọng là bà lại có tâm hướng về sự thiện lành, kính ngưỡng, cúng dường tam bảo; thì chư Phật, chư Bồ Tát sẽ độ trì cho bà tìm thấy con mình, vậy thôi. Chị bạn vui vẻ góp chuyện, hôm nào giới thiệu, phát hành, chị và Minh sẽ cùng đi với tôi, về thăm làng Gò Tre, tham dự buổi giới thiệu và phát hành, một lần cho biết.

Trời đã sáng hẳn, những cô cậu học sinh từ trong cái xóm nhỏ, đạp xe ngang qua chỗ chúng tôi ngồi, để đến trường. Chị Linh cười thật tươi: - “về thôi, hết giờ rồi!”, rồi đứng dậy. Ba chúng tôi đều mãn nguyện, chia tay. Tôi cảm thấy trong lòng niềm hân hoan rộn ràng, khó tả. Có lẽ, tôi đã “tâm sự” được đôi điều thầm kín với hai người bạn? Sự lắng nghe, cảm thông và đồng cảm chia sẻ của họ, đã là nguồn động lực cho niềm vui tôi lớn lên?

Tôi nhìn lướt qua cánh đồng lúa đang thì, xanh mượt, lần nữa; chợt nghe hương thơm của ổi chín thoảng qua từ những lùm cây bên gốc xoài phía sau lưng, theo làn gió nhẹ; gợi nhớ trong tôi một thời tuổi thơ, nơi ngôi làng quê, đầy tre xanh và bóng mát - những trưa hè đón gió nồm mát rượi, bên cạnh gốc cây Sầu Đông, với những chùm hoa tim tím, trăng trắng đung đưa, thoang thoảng hương thơm; nhớ quá những chùm ổi chín thơm lừng; nhớ những trái keo vừa chát vừa ngọt; những trái trứng cá chín đỏ mọng nước. Nơi ấy cũng là quê hương của mẹ con bà Kim Trâm, trong “Một Ngày Dài Một Đời Người”, mà tôi đã gởi gắm.

Chúng tôi đi hướng ngược lại để trở về nhà, trên đường đã nhộn nhịp người qua lại, những hàng quán bán ăn sáng đã đông người. Chúng tôi chia tay nhau ở chỗ ngã ba, tôi rẽ phía trái, chị Linh và Minh rẽ phải. Chị Linh đưa tay vẫy chào, hẹn sáng ngày mai sẽ gặp lại. Tôi mỉm cười, gật đầu.

Ánh nắng buổi sớm mai đã bừng lên, như reo vui trên cành cây, ngọn lá; lòng tôi cũng bâng khuâng, rạo rực theo ánh nắng reo vui. Tôi khẽ hát mấy câu trong bài “Để Gió Cuốn Đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em có biết không? Để gió cuốn đi! Để gió cuốn đi!”; lòng rộn lên niềm vui. Có lẽ, chưa bao giờ tôi có được giây phút tuyệt vời như sáng hôm nay? .

Tôi chợt cảm thấy tất cả dường như đã đổi thay, đang rạo rực một nỗi niềm, hòa cùng niềm vui của tôi. Tôi thoáng nghĩ, đó như chút hương tươi mát, dịu dàng, bay trong gió sớm mà tôi mong ước gởi đến tất cả - một tấm lòng, chỉ để gió cuốn đi… trôi xa…

Tháng 12/2019