Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







CHUYỆN BUỒN VIỄN XỨ




T hanksgiving, trời nắng nhưng rất lạnh vì trận tuyết cách đây hai ngày vẫn chưa kịp tan hết. Những ngày tuyết tan là những ngày rất lạnh vì tuyết đang phả hơi lạnh vào không gian. Denver – vùng Bắc Mỹ có khí hậu rất lạ, rất hiếm những cơn mưa. Sau thời gian về Việt Nam thăm nhà, trờ về Denver đã sáu tháng nhưng tôi vẫn chưa thấy một cơn mưa nào. Tuyết mênh mông trắng xóa cả đất trời nhưng tuyết vừa hết rơi là trời nắng liền. Nắng xứ lạnh vàng óng vương vãi trên những cành cây trơ trụi sau khi bị mùa Thu vặt hết lá vàng.

Nam – con rễ tôi xách về một con gà Tây thật to. Nam nói con gà nặng 23 pounds ( hơn 10 ký ). Gà Tây trông to lớn nhưng không ngon bằng gà ta. Nhưng đã là truyền thống rồi, không thể bỏ. Kiểu như tết Việt Nam mà không có hạt dưa, thịt mỡ dưa hành, bánh chưng xanh… Kiểu ăn gà tây là theo phong tục những người da đỏ, những người đã có công khai khẩn ra nước Mỹ này. Thanksgiving cũng là ngày tạ ơn đất đai mùa màng…một ngày lễ lớn nhất trong năm của người Mỹ, cũng lả dịp người Mỹ nô nức đi mua hàng giảm giá. Buổi sáng Thanksgiving cả nhà dậy sớm chuẫn bị cho tiệc trưa. Theo phân công của gia dình tôi chỉ phải nấu một nồi mì Quảng cho có hương vị quê nhà. Hôm từ Việt Nam qua đây tôi có đem theo một gói củ nén để ướp thịt nấu mì Quảng nhưng đã bị hải quan Mỹ thu mất khi quá cảnh ở phi trường San Francisco. Trước đó anh hải quan đã chỉ vào valy của tôi và hỏi: “ You có đem theo các loại hạt không? “ Tôi quên mất gói củ nén nên lắc đầu: “ Không “. Đến khi va ly chạy qua máy kiểm tra liền phát ra tiếng kêu. Anh chàng hải quan nhìn tôi bằng cặp mắt trách móc và bảo: “ Đưa chìa khòa đây “. Lúc đó tôi mới nhớ ra gói củ nén. Mấy đứa chàu tôi sinh ra và lớn lên ở xứ Mỹ này nên không thích mùi củ nén và mùi nghệ - hai mùi đặc trưng của món mì Quảng. Cũng như tôi không chịu được mùi gia vị Mỹ mà bọn nhỏ thường dùng mỗi khi nấu món Mỹ.

Mấy đứa cháu phụ trách món sườn nướng kiểu Mỹ. các cháu chặt sườn từng miếng to bằng nửa bàn tay, cho vào nồi áp suất đun sôi một giờ cho thật mềm, rồi ướp gia vị của người Mỹ xong cho vào lò nướng. Người Mỹ cũng như người Châu Âu bao giờ làm món thịt cũng nấu thật nhừ. Có lẽ vì vậy mà răng họ giữ được bền hơn người Việt Nam. Nam phụ trách quay gà tây. Năm ngoái nó quay gà vào khoảng bốn giờ sáng. Vì ngủ quên nên con gà bị cháy sém một mảng. Năm nay rút kinh nghiệm quay vào buổi sáng nên đến gần trưa là gà vừa vàng ruộm một màu rất đẹp.

Thanksgiving năm nay đúng vào lúc mùa Covid 19 đang bùng nổ khốc liệt trên đất Mỹ. Thật chưa có một trận dịch nào kéo dài lâu đến thế. Đã giáp năm rồi mà dịch vẫn đang ở chiều hướng đi lên. Không hề suy giảm. Tết Việt gần đến rồi mà phi trường Việt Nam vẫn chưa mở cửa. Hàng ngày tôi đoc báo, nóng lòng chờ một tin tức sáng sủa hơn nhưng vẫn chưa có một tín hiệu nào. Nhiều khi thấy mình chẳng khác nào Kinh Kha sang Tần. Ngày về chỉ còn chờ vào may rủi. Mọi năm giờ này tôi đã cầm trong tay vé máy bay, chỉ đợi đúng ngày giờ là ra phi trường về Việt Nam ăn Tết. Thời dịch chẳng khác nào thời chiến. Nhiều nước đóng cửa phi trường, đóng cửa biên giới. Thế giới đang rơi vào cuộc thế chiến thứ ba, chỉ khác lần này các nước đều là đồng minh, cùng chiến đấu với một kể thù vô hình nhưng vô cùng khốc liệt. Buổi trưa con gái tôi order thêm mấy món ăn vặt kiểu Việt Nam như bánh bèo, bánh bột lọc, bánh ít ram. Một bàn tiệc Thanksgiving vừa tây vừa ta tổng hợp. Vì đang mùa dịch nên ngoài những thành viên gia đình, chỉ có thêm ba mẹ con Thu ( một đứa cháu xa ) và thêm một cô gái người Mỹ, bạn của con gái Thu. Tổng cộng vừa đủ mười người. Cô bé người Mỹ tên Sandy, mười tám tuổi, dang học năm thứ nhất đại học tại California, vì trường đang đóng cửa, sinh viên học online nên cô bé vẫn còn ở lại Denver, vừa làm vừa học.

Tôi đã gặp cô bé này một lần, trong tiệc sinh nhật của Alice, con gái Thu. Thu cũng đã nói với tôi về hoàn cảnh đáng thương của cô bé. Sandy dong dỏng cao, khuôn mặt đẹp, mái tóc suôn dài màu mật ong. Như phần lớn các gia đình Mỹ, con cái đúng mười tám tuổi là phải ra khỏi nhà sống tự lập ( khác với người Việt bảo bọc con cả đời), Tôi nhớ có lần đứa cháu gọi tôi bằng dì, dang sống ở Atlanta kể lại có hôm một cô giáo của nó vào lớp với vẻ mặt vui tươi khắc hẵn ngày thường. Bà ta phấn khời kể với lớp rằng hôm nay là ngày vui của bà, ngày con gái bà vừa tròn 18 tuổi. từ hôm nay trở đi bà sẽ không phải nuôi con nữa. Tôi còn nhớ cảm giác bàng hoàng hụt hẫng của mình khi nghe tin này. Vẫn biết tập quán của người Mỹ là như thế. Nhưng rồi đứa con gái mới 18 tuổi đầu sẽ ăn đâu, ở đâu, trong lúc nó ở ngưỡng cửa của lứa tuổi chưa có nghề nghiệp gì cả. Đó là chưa nói nó còn phải tiếp tục học hành.

Sandy cũng bị gia đình yêu cầu ra khỏi nhà tự kiếm sống. Cô bé xin làm tiếp viên trong một nhà hàng của người Hoa – cùng với Alice - mỗi giờ kiếm được mười ba đô la. Với số tiền ít ỏi đó, cô bé còn phải trả tiền phòng trọ. Alice thương tình xin mẹ cho Sandy ở nhờ dưới tầng hầm nhà mình, vốn bỏ không. Tầng hầm nhà Thu thì tôi biết, vì mỗi lần tiệc tùng Thu đều tổ chức dưới tầng hầm. Tầng hầm vốn nằm không sâu dưới mặt đất nên khá sáng sủa, có cửa sổ mở ra vườn, có một phòng khách rộng, một phòng ngủ và một phòng vệ sinh. Sandy mua một chiếc xe hơi chỉ ba trăm đô. Theo lời Thu mô tả thì chiếc xe vừa đi vừa ho sù sụ. Bà nội Sandy vừa qua đời để lại một số tiền ba trăm ngàn đô la, chia cho ba Sandy một trăm, cô của Sandy một trăm, còn một trăm chia dều cho Sandy và cô em gái. Sandy dùng một phần số tiền đó để đóng học phí cho năm đầu đại học. Nó chọn một trường học phí tương đối thấp. Và chọn học một ngành về vật lý. Vì Thu chỉ cho ở miễn phí, còn chuyện ăn uống hàng ngày thì nó phải tự túc. Sandy kể có lần nó đói quá gọi điện về xin mẹ cho ăn buổi trưa, hai bữa còn lại trong ngày nó sẽ tự lo. Vậy mà bà mẹ đành đoạn từ chối. Thu kể có hôm Thu thức dậy lúc hai giờ khuya, tình cờ xuống bếp thấy Sandy đang ăn vụng bánh mì quét bơ đậu phụng. Sợ nó xấu hổ, Thu động viên:

-Gì chứ bánh mì và các loại thức ăn nhanh thì con cứ ăn tự nhiên. Đừng ngại.

Thu kể, mẹ nó thỉnh thoảng lại nhắn tin cho Thu, bảo Thu bắt nó trả tiền nhà, không nên cho nó ở miễn phí. Tôi nghĩ không biết mẹ nó có phải là mẹ ghẻ không? Hay là ba nó đã giấu không cho nó biết sự thật này?

Sandy đến nhà tôi với vẻ rụt rè, mặc dù cả nhà niềm nở với nó. Sandy mặc một cái áo len hơi cũ, mái tóc màu mật ong được tết lại gọn gàng, dôi mắt buồn xa xăm. Ngày Thanksgiving với người Mỹ là ngày lễ lớn nhất trong năm, là ngày đoàn tụ gia đình mà nó lại lang thang, lạc lõng. Nó ăn mấy món ăn Việt Nam như bánh bèo, mì Quảng với vẻ lạ lẫm vì cầm đũa chưa thạo. Nghe Thu kể nó xin về nhà ngày lễ này để thăm ba nó và em nó, nhưng mẹ nó không cho. Sao lại như thế được nhỉ? Trong khi người Việt lại bảo bọc con cả đời. Có lẽ người Mỹ đối xử với con như thế nên khi về già họ thường sống một mình. Con cái không quan tâm đến. Có đủ vợ chồng thì họ tự chăm sóc nhau. Đến khi một trong hai người qua đời thì họ vào viện dưỡng lão, nếu không thích vào viện dưỡng lão thì họ tiếp tục sống một mình. Có khi họ chết trong nhà mấy ngày sau con cái mới biết.

Gần nhà tôi cũng có một bà già người Mỹ sống một mình. Thỉnh thoảng những ngày nắng ấm mới thấy cụ ra vườn, có khi tưới nước cho mấy cây hoa trồng trước sân, có khi ngồi sưởi nắng trên chiếc ghế đá trước hiên nhà. Mỗi khi thấy tôi ra sân cụ đều vẫy tay chào. Tôi được nghe cụ kể cụ vốn làm nghề y tá. Có hai con một trai một gái. Anh con trai là dược sì, cô con gái là luật sư. Cả hai đều đã có gia đình và sống cách nhà bà hai giờ lái xe. Họ ở xa thế nên khi cụ có chuyện gì họ cũng khó có thể đến kịp thời. Lâu lắm tôi mới thấy họ đến thăm bà một lần, thường là đến một mình, hiếm khi có vợ hay chồng đi theo. Bẵng đi một thời gian không thấy bà cụ ra ngoài những khi có nắng ấm. Tôi sang nhà bà bấm chuông, xem bà có vấn đề gì không. Không thấy bà ra mở cửa nên tôi cũng hơi lo. Nhưng vì không biết số phone của con bà nên tôi đành chịu. Mấy hôm sau con gái tôi bảo:

-Bà cụ bên cạnh nhà mình đăng lên mạng “ Sell the fortune “* đấy me. Ngày mai sẽ bắt đầu. Me rãnh qua xếp hàng sớm xem có mua được gì không. Sẽ đông người mua lắm đấy.

Tôi bàng hoàng. Như vậy là bà cụ sắp vào nhà dưỡng lão rồi. Người Mỹ có nhiều cách bán đồ gia dụng của gia đình mình. Có khi họ bày bán ngoài ga ra, nhiều hơn thì bày bàn ngoài sân. Người đi mua thường là tò mò, xem có gì đẹp không, nếu hàng đẹp mà lại được mua giá hời thì càng thích. Nên họ đi mua khá đông. Xe hơi đậu xếp hàng dài bên lề đường. Có khi họ bán cả gia tài thì thường là chủ nhân sắp đi vào Nursing home, có khi là chủ nhân đã chết.

Buổi sáng hôm đó vì ở gần nên tôi xếp hàng vị trí thứ tư. Cụ già không xuất hiện, có lẽ vì yếu nên ở trong phòng. Chỉ có cô con gái đứng tiếp khách. Vì biết mặt tôi nên cô mĩm cười chào. Người Mỹ vốn thân tình và niềm nở. Hàng ngày đi bộ ngoài đường để rèn luyện, tôi vẫn thường gặp những người Mỹ dắt chó đi dạo, bao giờ họ cũng chào mình trước. Tôi hỏi thăm bà cụ, cô bào mẹ cô yếu nên cho vào viện dưỡng lão cho tiện chăm sóc. Nhìn những món đồ bày ngỗn ngang ở phòng khách, tự nhiên tôi thấy buồn. Những kỷ vật kia gắn với cả một đời người, mỗi một vật lại gắn với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Đến một lúc nào đó, con người lại từ bỏ hết, cuối cùng là từ bỏ cả tấm thân trần tục của mình. Vẫn biết là quy luật, nhưng vẫn không khỏi chảy nước mắt.

Nhưng trong cái chung cũng có những cái riêng. Thập niên đầu thế kỷ 21, khi còn sống ở Đà Nẵng, tôi có quen với hai vợ chồng một người Mỹ già qua trung gian một cô em họ xa làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Hai ông bà đã trên bảy mươi, nhưng vẫn cùng nhau đi du lịch. Đặc biệt hai ông bà rất thích thành phố Đà Nẵng. Mỗi lần đến đây họ thường lưu lại ba, bôn tháng. Mấy năm sau tôi định cư ở Sài Gòn, rồi sau đó định cư ở Mỹ. Có đến hơn mười năm không liên lạc với Trâm, cô em họ xa. Tôi cũng không biết là Trâm cũng định cư ở Mỹ trước tôi năm năm. Tình cờ qua facebook Trâm liên lạc được với tôi, tôi được biết Trâm hiện sống ở Florida. Trong cuộc điện thoại đầu tiên qua messenger, hai chị em nói chuyện hàng giờ không ngớt. Trâm hỏi tôi:

Chị có còn nhớ vợ chồng ông David và bà Liz chị quen hồi ở Đà Nẵng không?

Còn nhớ. Ông bà còn sống không?

Chết hết rồi chị à. Ông sống đến 96 tuổi. Sau khi ông chết rồi bà buồn quá bán nhà vào viện dưỡng lão, rồi qua đới sau ông hai năm. Con cái họ rất tệ, hồi ông bà còn sống họ cũng không hề quan tâm. Đến chuyện thăm viếng cũng không.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại em à. Người Mỹ họ chỉ nuôi con đến mười tám tuổi thôi. Sau đó thì họ vất con ra ngoài đường tự kiếm sống, không phải như người Việt đâu em.

Trang yên lặng vài giây rồi thở dài:

Theo em biết thì ông bà David không tệ như thế đâu chị. Em có liên lạc với hai ông bà nên em biết. Họ nuôi con cũng như người Việt mình, lại còn giúp đỡ con suốt thời gian con học xong đại học ra trường rồi vướng vào ma túy. Nhưng cả hai đứa đều rất tệ với cha mẹ mình. Không phải người Mỹ nào cũng như chị nghĩ đâu. Cũng có rất nhiều người ngoại lệ chị à.

Tôi cũng từng nghe con gái nói về chuyện này. Hình như qua trường hợp của Sandy nên tôi có thành kiến với người Mỹ.

Sau Thanksgiving, Denver trãi qua những ngày tuyết rơi tầm tã. Noel đến rất nhanh. Cháu tôi đã rinh cây Noel cất dưới tầng hầm lên, trang trí đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy suốt ngày đêm. Sau lễ Noel năm ngoái, mấy bà cháu đã đi mua một cây Noel cao to hơn cây Noel cũ gấp hai lần. Mua vào dịp sau Noel thì giá chỉ còn một nửa so với giá trước ngày lễ. Năm nay có cây Noel mới nên các cháu trang trí dẹp lộng lẫy hơn. Đêm Noel ba mẹ con Thu vẫn có mặt nhưng thiếu Sandy, mặc dù gia đình tôi có mời. Thu nói Sandy bệnh mấy hôm nay, Thu đã báo với mẹ nó nhưng vẫn không thấy ba mẹ và em nó đến. Biết nói thế nào nhỉ, nếu giải thích theo giáo lý nhà Phật thì Sandy đã sinh vào một gia đình mà kiếp trước em đã mắc một món nợ truyền kiếp.

( Denver – Co. USA )
*Bán cả gia tài.