MẸ ƠI !
ÔNG GIÀ NOEL KHÓC
......................
Mọi hành khách trên máy bay mở giây an toàn, lục tục lấy hành lý cầm tay, nối
đuôi nhau chờ xuống máy bay . Nhóm hành khách Việt Nam "hồi hương" đã được xếp ngồi ở những ghế gần cuối nhớn nhác
nhìn bác Can, một người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi, thông thạo Pháp ngữ , nhận làm trách
nhiệm hướng dẫn bà con không biết nói tiếng Tây đi cùng chuyến bay. Bác Can hiểu ý đứng lên nói : - Các cô chú chờ cho hành khách ngoại quốc xuống trước đã, để tránh lạc nhau nhất là đám trẻ con, khi ra
khỏi phi cơ tôi yêu cầu nhóm người Việt mình phải đi sát nhau, mình cùng đến chỗ lấy hành lý rồi cùng đi ra
trình giấy nhập cảnh tại phòng kiểm soát, nhớ đi theo tôi đấy nhé ! . Liên sắp đặt chân ở một đất nước gọi là quê cha của nàng, nhưng nàng chưa thông thạo ngôn ngữ xứ này,
ngoài cái người cha mà Liên chưa bao giờ gặp mặt nàng chẳng có ai là họ hàng thân thích lại thêm một đứa con còn thơ dại ...
Liên cố nén hơi thở dài, gỡ chốt sợi giây an toàn cho con gái mà đôi mắt nó còn ngái ngủ ngước nhìn nàng .
Liên vừa sửa lại cho ngay ngắn tấm bảng tên nhỏ đeo trên cổ con vừa thủ thỉ : - Linh phải nắm chặt cánh tay mẹ nghe nếu không sẽ bị lạc con ạ !. Linh gật đầu đáp lại : - Dạ mẹ !. Đoàn người "hồi hương", trên người chỉ phủ một chiếc áo len đan mỏng manh, vừa co ro hít hà vừa than với nhau là lạnh rồi
theo bác Can , nối đuôi lần lượt rời khỏi phòng kiểm soát để ra một khu chờ đợi rộng thênh thang đầy ắp những người Tây đến đón thân
nhân đang chen chúc đứng đợi . Bác Can ráo
rác nhìn rồi giơ tay lên chỉ chỉ một tấm bảng trắng được đưa cao hơn đầu những người chung quanh ghi hàng chữ
"Chào đón những người Việt Nam đến từ thành phố Hồ Chí Minh trên chuyến bay Boeing 747...", bác giơ cánh tay lên cao quay qua quay
lại nói to với mọi người : - Mình đến chỗ đó đó ! Mọi người hớn hở như những người đi lạc gặp lại được thân nhân,
nhanh nhẹn len lách thoát khỏi đám đông tiến về phiá có tấm bảng trắng .
Bác Can đi trước gật đầu nói "bonjour" với ông Tây khá lớn tuổi cầm tấm bảng trên tay rồi quay sang
chào ngươì đàn bà Việt Nam khoảng độ năm mươi tuổi, trên cánh tay áo của bà một chiếc băng trắng có dấu thập đỏ, đứng bên
cạnh , bà người Việt tươi cười đưa tay về phía ngươì Tây giới thiệu : - Đây là ông Jacques, tài xế lái xe đi đón các ông các bà - sau đó tự giới thiệu mình
- Tên tôi là Bình, người của hội Hồng Thập Tự , chịu trách nhiệm đến đón tiếp và hướng dẫn bà con, xin bà con đứng tụ lại đây .
Bà Bình chờ cho mọi người đã tụ tập quanh bà rồi mở ra một tờ giấy gọi tên từng gia đình sau đó bà bảo mọi người hãy theo bà
ra xe để về trại. Ông tài xế Tây cùng mấy người đàn ông sắp xếp hành lý dưới gầm xe, bà Bình chỉ chỗ ngồi cho mọi người. Sau khi đã kiểm điểm lại đầy đủ 7 người lớn và 18 trẻ em, bà Bình bảo ông Jacques
đóng cửa , xe lăn bánh rời phi trường .
Xe chạy nhanh một lúc khá lâu qua những cánh đồng mờ trắng rồi vào thành phố, người tài xế giảm tốc
độ cho xe chạy chậm lại nối dòng cùng những chiếc xe khác tấp nập lưu thông trên đường phố. Trời đã sáng tinh,
trên những vỉa hè, người qua lại tấp nập, ai nấy đều ăn mặc thật trang nhã, khuôn mặt mỗi người toát ra một
vẻ nào đó của một sự thanh thản, bình an .
Xe chạy ngang những khu phố với những hàng trụ đèn nối liền nhau bởi những chùm đèn nhỏ đủ màu còn nhấp nháy
hình cây thông , hình ngôi sao, hình ông già Noel đeo tuí quà ...
Đèn đỏ, xe ngừng ngay trước một cửa tiệm trưng bày đồ chơi trẻ em đèn treo lấp lánh , trong cửa kính một chiếc xe lưả đang tự động chạy trên đường rầy, một món đồ chơi hình con trai đi tới đi lui , một con búp bê mặc chiếc áo đầm xoè tay muá trên bục gỗ bên cạnh những con búp bê khác thật xinh xẻo ... Lúc này mấy đứa bé ngồi trong xe như đã tỉnh ngủ hẳn, dán mũi vào kiếng xe chỉ trỏ với nhau một cách thích thú, rồi xì xào bàn tán cái nầy đẹp, cái kia ngộ quá, phải chi mình có ... .
Xe chở Liên và đoàn người Việt "hồi hương" rời những khu phố tấp nập để chạy sang một vùng êm ả hơn rồi rẽ vào một chiếc cổng lớn của một chung cư nhiều tầng lầu. Người tài xế dừng xe lại ở giữa một chiếc sân nhưạ sạch sẽ, rồi nhấn nút cạnh tay lái để mở cửa xe . Bà Bình ngồi ở ghế trước hàng ghế Liên và con gái nàng ngồi, đứng lên quay nói với mọi người trong xe :
- Các bà, các cô và trẻ em đi theo tôi vào phòng, còn các ông ở lại cùng với ông Jacques đem hành lý xuống !
Trước khi xuống xe, bà Bình nhìn Liên :
- Cô và cháu vào trong tôi sẽ nhờ họ mang đến giúp cô !.
Khi mọi người đã có mặt đông đủ, bà Bình yêu cầu im lặng nghe bà:
- Đây là trại tạm trú, nói đơn giản hơn "trại thông qua" , đón tiếp các ông các bà trong hai tuần lễ, tùy theo số người mỗi gia đình sẽ được một hoăc hai phòng ngay cạnh nhau . Những người độc thân thì ở trên tầng 3 , gia đinh có con ở tầng hai , mỗi ngày có 3 bữa ăn : sáng từ 07 giờ đến 09 giờ , trưa 11 giờ 30 đến 13 giờ , chiều 18 giờ đến 19 giờ 30 , ai đến không đúng giờ coi như không muốn ăn , phòng ăn nằm phía trái cầu thang . Vào cuối tuần sẽ phát tiền để mọi người chi tiêu riêng, nếu ai có thân nhân hay người quen biết có thể bào điện thoại cho họ tới đây thăm !. Bà ngưng một chút rồi tiếp :
- Tôi gọi tên từng gia đình để nhận chià khóa , mang hành lý lên phòng với sự giúp đở của các nhân viên làm việc tại đây....sau bữa ăn trưa , mời các ông bà có mặt tại phòng lúc 14 giờ để điền hồ sơ nhập cảnh .
Đúng 2 giờ chiều bà Bình bước vào phòng với cập giấy, bà kiểm điểm số người hiện diện, giải thích :
- Mỗi người lớn sẽ nhận một bản khai lý lịch viết bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, các ông, các bà đọc cẩn thận trước khi trả lời, ai không hiểu rõ điều gì thì để trống chờ tôi nói rành rẻ hơn . Những hồ sơ nầy sẽ gởi đến cơ quan dành cho những người tỵ nạn tại Pháp và không tổ quốc ... gọi tắt là OFRA . Nếu có ai vì lý do nào đó phải man khai giấy tờ giả mạo là vợ ông Y, là con ông X... bây giờ muốn lấy lại tên họ mình thì cứ khai sự thật trong vòng 8 ngày đầu tới Pháp, giấy tờ sẽ được điều chỉnh lại dễ dàng không có gì rắc rối. Vài ngày nữa các ông bà và trẻ em sẽ được khám bệnh tổng quát , ai có bệnh thì điều trị đến khi hết hẳn mới đi đến trại tạm cư chính thức.
Ông Can đưa cao tay , bà Bình hỏi :
- Vâng! ông muốn hỏi điều gì ?.
- Tôi sang đây theo quy định là nhân viên của cơ quan Pháp, sao lại cho tôi vào thành phần tỵ nạn?.
Bà Bình vừa cười vừa trả lời :
- Tất cả ông bà sang đây đều theo qui chế tỵ nạn Gènève 1951! .
Ông Can im lặng, bà Bình nói tiếp:
- Cơ quan nầy cấp một thẻ tỵ nạn màu trắng có hiệu lực trong ba năm và có thể xin gia hạn , các ông bà được bảo vệ bởi 2 cơ quan OFFRA và Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc , ông bà sẽ được hưởng những quyền như sau : quyền được phép làm việc , được cấp phát tất cả giấy tờ hộ tịch liên quan đến đời sống như bảo hiểm bệnh miễn phí , trợ cấp cho các gia đình đông con. Tuần lễ tới chúng tôi sẽ niêm yết bảng tên những thành phố có trại tạm cư để ông bà tự chọn lưạ ... cơ quan sẽ đưa gia đình ông bà đến tận nơi đó.
Bà Bình ngưng lại một chút rồi tiếp:
- Ông bà phải ở trong trại 4 tháng hoặc 6 tháng tùy theo quy chế cuả mỗi thành phố. Nói là trại nhưng thật ra là chung cư như ở đây thôi. Chung cư được trang bị đầy đủ tiện nghi , mỗi gia đình sống riêng rẽ, được lảnh tiền trợ cấp, tự đi chợ nấu ăn lấy. Ở đấy sẽ có người lo liệu tất cả giấy tờ như thẻ cư trú , sổ gia đình , sổ bảo hiểm bệnh hoạn . Phần trẻ em thì tất cả sẽ đi học một lớp đặc biệt dành cho trẻ em chưa biết tiếng Pháp . Phần các ông các bà cũng phải học nói tiếng Pháp mỗi buổi sáng để có ít ngôn ngử, chuẩn bị tìm việc làm hay theo học khoá huấn nghệ cấp tốc .
Bác Can lên tiếng:
-Tôi có phải học không bà ?.
- Mọi ngưoí phải có mặt , nếu ông đã rành thì ông gíup những người chưa biết ! bà Bình ngưng lại giây lát rồi tiếp:
- Phần cô Liên và cháu Linh thì theo tôi vào trong văn phòng.
Bà Bình bảo Liên ngồi đối diện trước bàn giấy của bà, Liên mở tờ giấy trên tiếng Việt , hàng dưới chữ Pháp , bà cầm một cây bút đưa cho Liên:
- Cô điền tên họ cô và cháu bằng tiếng Việt, có gì không rõ cô cứ để phần đó lại rồi hỏi tôi, tôi sang phòng bà Jacqueline có chút việc rồi trở qua ngay .
Liên đọc cẩn thận từng chữ , bàn tay run theo nhịp tim , nàng cắn môi dưới thu hết nghị lực để viết .
Bà Bình quay trở lại vừa lúc Liên điền xong trang cuối , và trao tờ giấy cho bà , bà Bình đeo cặp kính trắng rồi bảo với Liên :
- Tôi đọc cho cô nghe lại những gì cô ghi nhen : Tên Lê Duy Liên (Juilienne), sinh ngày... tháng ... năm ... tại ...
Đến câu hoàn cảnh gia đình , bà nhìn Liên hỏi :
- Cô khai chồng mất tích ! đối với luật gia đình của xứ nầy thì cô vẫn mang họ chồng , bà Trần, Trần Văn Mai, ngay bây giờ thì trung tâm nầy có thể viết chỉnh lại hồ sơ cuả cô.
Bà Bình nhìn chăm chú gương mặt dễ thương của người đàn bà trẻ tuổi đang ngồi trước mặt bà rồi với giọng dịu dàng bà giải thích :
- Cô Liên à, nếu một ngày nào đó cô gặp một người đàn ông hợp ý, cô muốn tiến tới hôn nhân , cô phải làm giấy tờ ly dị lung tung , lúc đó cô tìm chồng cô ở đâu để ký giấy chấp nhận ? thủ tục ly dị ở xứ Pháp này rắc rối lắm !.
Liên thắc mắc :
- Cháu chưa hiểu rõ ý bác muốn nói gì ?.
- Tôi thí dụ, cô khai không có chồng thì dễ cho cô về sau nầy, bà đọc lại chi tiết trong hồ sơ :
- Mất tin từ năm 75 . Vậy tính ra cũng đã hơn 4 năm rồi!.
Liên ngắt lời bà Bình :
- Cháu tin chồng cháu vẫn còn sống, cháu sẽ gặp lại chồng cháu, xin bác cứ ghi đúng những gì cháu đã khai ở bên Việt Nam!.
Nghe giọng cứng rắn của Liên , bà Bình thở dài:
- Tôi cho cô biết những luật cuả xứ này, tùy cô chọn lưạ , bây gìơ tôi đọc cho cô nghe lần chót, nếu có gì sai cô nói tôi sửa lại nghe .
Liên im lặng nghe , nàng gật đầu . Đọc dứt bà Bình hỏi Liên : Tất cả đều đúng phải không ?
- Dạ !.
Bà Bình đưa hồ sơ chỉ :
- Nếu cô nhất quyết như thế thì đành vậy. Bây giờ cô chép câu nầy "lu et approuvé" (đã đọc và đồng ý) rồi ký tên ở dưới là xong. Liên cắm cúi trên tờ giấy, chép lại câu mà bà Bình chỉ. Bà xếp hố sơ Liên vào ngăn tủ, rồi cầm quyển tập khá dầy trên bàn trao cho Liên :
- Mấy năm trước khi những người con lai vừa sang đây có nhiều người Pháp đến tìm thân nhân, nhưng có vài người ở xa họ đi nhiều lần không tìm được nên họ nhờ cơ quan dán hình ảnh và ghi địa chỉ để lại, cô nhìn xem có người nào là ba cô không ? nếu có thì cho tôi biết để liên lạc báo tin , cô cầm sang cái bàn vuông kia ngồi , khi nào xong trả lại tôi .
Bà Bình mở cửa phòng gọi tên gia đình khác, Liên và con gái mở cuốn tập . Mỗi trang trang giấy trắng đều có dán những tấm hình đen trắng nhưng đã ngả vàng ghi chữ Việt tên tuổi, năm sinh, quê quán . Lật tờ thứ nhất rồi tờ thứ hai , thứ ba , thứ tư , nàng thở dài thầm nghĩ "chắc ông ấy không còn nhớ mẹ nàng và nàng nữa đâu"...như mẹ Liên thỉnh thoảng trách móc lúc mẹ còn sống mỗi khi nhắc đến ông . Liên muốn gấp cuốn tập trả lại cho bà Bình, nhưng bé Linh vẫn tiếp tục lật , bỗng Linh nói lớn, rồi chỉ :
- Mẹ coi nè! Hình này coi giống cái hình mà bà ngoại thường đưa cho mình coi đó! Hình nè mẹ đang để trong valise của mình.
Liên lặng người nhìn bức ảnh mẹ nàng đứng cạnh ông Tây đang bế nàng trên tay trong thảo cầm viên Sài Gòn - bức ảnh mà mẹ Liên còn giữ, thỉnh thoảng đưa cho Liên và bé Linh coi .
Nàng đọc từng chữ ghi phía dưới : Tôi tên Paul sinh 1925 tại Bordeaux, số quân .... tìm bà Lê thị Diệp sinh 1932 tại huyện Gia - Lộc tỉnh Hải Dương ....và con gái tên Juilienne sinh năm 1950 tại Sài gòn.
Liên nhắm mắt tưởng như mình nhầm lẫn , rồi mở mắt chăm chú đọc lại vài lần nữa , tim nàng đập nhanh, từng giọt nước lăn dài trên má, nàng gập quyển sách đứng lên trước đôi mắt ngạc nhiên cuả bé Linh, ngây thơ hỏi:
- Mẹ thấy ông ngoại tây rồi hả mẹ?.
Liên không trả lời, gấp cuốn tập lại để ngay ngắn trên bàn giấy của bà Bình:
- Cháu xin trả lại bác ! Cám ơn bác!.
- Kết quả ra sao ? Bà Bình ngước nhìn Liên.
Hai ngày trôi qua , câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu Liên , nàng làm như vậy có đúng không ?
Bé Linh được bà Bình cho con búp bê với vài bộ áo quần, cô bé thay hết áo đầm nầy sang áo khác và nói với búp bê như một người chị,
nó thấy lạ sao mẹ nó lại cứ đứng im bên cửa sổ . Nó nghĩ chắc mẹ đang nhớ tới ba nó !
Bỗng có tiếng gõ cửa, rồi giọng bà Bình :
- Cô Liên , tôi đây !.
Nàng ra mở cưả :
- Dạ chào bác .
Bà Bình nói nhanh :
- Cô xuống văn phòng với tôi ngay . Có ông Paul đang đợi cô , nhớ đem theo mấy tấm ảnh và giấy tờ cô nhé , tôi xuống trước đây!.
- Dạ vâng ! - Liên choáng váng đáp lại thật nhanh.
Nàng mặc áo len cho bé Linh , mở vali lấy một phong bì , nắm tay bé Linh phập phòng từng bước xuống cầu thang, bé Linh ngây thơ hỏi :
- Chắc là ông ngoại Tây đến gặp mình hả mẹ ?.
Liên gật đầu không trả lời , bé Linh hỏi tiếp :
- Ông ngoại biết nói tiếng Việt hả mẹ ?.
- Mẹ không biết !.
Bé Linh thắc mắc:
- Vậy mình làm sao nói chuyện vớí ông ngoại ?.
- Bà Bình thông dịch cho mình !.
Nhờ sự liếng thắng của con nên Liên lấy lại được một chút bình tĩnh, gõ cưả văn phòng, bà Bình lên tiếng:
- Vào đi cô Liên.
Bàn tay Liên lại run run lên khi đẩy cánh cưả bước vào.
Cạnh chiếc bàn vuông, một ông tây tóc bạc khi trông thấy Liên vào đã rời ghế đứng ngay lên, nụ cười nở rộng trên gương mặt chử điền, chiếc ghế bên cạnh ông là một người đầm còn trẻ cũng đứng lên. Liên nhận thấy hai nụ cười của họ có nét giống nhau một cách lạ lùng . Linh bám cứng cánh tay mẹ :
Bà Bình vồn vã :
- Đây là ông Paul và cô Valérie con gái ông.
Bà quay sang ông Paul :
- Cô Liên và bé Linh !.
Ông Tây cười nhìn mẹ con Liên :
- Bonjour chau (cháu), dứt câu ông quay sang đưa bàn tay về phiá Liên tiếp : Bonjour Liên!. Liên rụt rè bắt tay ông Paul và Valérie trong khi bé Linh chăm chú bẽn lẽn nhìn ông Tây và cô đầm .
Liên nhìn sâu qua cập kính trắng , đôi mắt màu xanh trong vắt của ông Tây, mà mẹ nàng thỉnh thoảng nói "mắt con mèo tam thể", và cái nốt ruồi đen như hạt đậu trên chóp mũi mà nàng còn nhớ lại hình ảnh chập chờn lúc bé Liên thường đưa những ngón tay nhỏ bé lên rờ rờ ... còn ba nàng mở miệng làm bộ cắn làm nàng sợ hãi rút tay lại để ba không cắn được, đứa bé gái thích chí cười nức nở. Tiếng bà Bình mời tất cà ngồi vào ghế kéo Liên về thực tế , nàng ngồi bên cạnh bà Bình chờ đợi.
Valérie nhìn Liên:
- Tôi ngồi bên cạnh Juilienne nhen !.
Bà Bình thông dịch cho Liên hiểu , nàng mỉm cười gật đầu
Ông Paul ngồi đối diện Liên với cái nhìn quan sát , ông từ tốn nói :
- Tôi đã đến đây mấy lần nhưng không gặp đúng tên họ những người mà tôi tìm, tôi hiểu hoàn cảnh chiến tranh ở ViệtNam, khó mà giữ giấy tờ hay hình ảnh ... tôi xin xem hình mẹ cô ... hay kể tôi nghe vài kỷ niệm mà mẹ cô nói về tôi ...
Bà Bình vưà chấm dứt lời thông dịch, Liên mở bao thơ đang cầm trên tay lấy ra hai tấm ảnh và giấy chứng minh quân đội cuả ông, ông cầm đọc với đôi mắt kính của ông càng lúc càng mờ nước, ông hôn tấm ảnh hai người chụp tại Hồ Hoàn Kiếm !
- Em yêu , xin tha lổi cho anh ! .
Liên cuối mặt dấu xúc động , ông Paul ngẹn ngào hỏi :
- Mẹ con chết lúc nào ? Tại sao chết vậy ?.
Liên thổn thúc đáp:
- Mẹ con chết vì bệnh tim năm 1974 ở Nha Trang , lúc con sinh cháu Linh được hai ngày.... mọi người đều dấu con nên con không được gặp mẹ lần cuối !.
Valérie tò mò xem những tấm hình và thắc mắc :
- Sao chị đổi tên vậy ?.
- Khi tôi đi học , mẹ tôi phải làm khai sinh chữ Việt, lấy tên Liên chữ cuối Juilienne nên tên gọi là Duy Liên ...
Ông Paul cầm bàn tay Liên :
- Xin con tha lỗi cho ba !.
Tuy rằng tình phụ tử như nẩy chớm mầm lại trong lòng Liên, nhưng nàng cúi mặt nói nhỏ:
- Xin lỗi ông cho tôi thời gian, tôi chưa thể gọi ông là ba hôm nay ...
Ông Paul nhìn Liên chớp chớp đôi mắt :
- Ba hiểu ! Điều nầy không quan trọng đâu con! Hôm nay gặp được con là môt diễm phúc cho những ngày còn lại cuả ba, một lần nữa ba mong con tha lỗi .
Nụ cười mếu máo , Liên ngập ngừng nói :
- Ơ .....ông hứa trở lại đón mẹ ... Ông Paul gật gật chiếc đầu hói của ông :
- Đúng vậy, ba chờ đợi giấy tờ được qua Sàigòn trở lại thì bất ngờ được tin quân đội Pháp ở Đông Dương phải trở về nước, chỉ còn vài cơ quan hành chánh quan trọng ở lại chờ lệnh mới. Ba cùng vài người bạn trong quân đội phải tự tìm việc làm ... ông Paul ngừng nói nhìn Valérie, 6 tháng sau ba làm việc ở một nhà máy sản xuất rượu, tiền lương mấy tháng đầu ba nhờ một người quen làm trong sứ quán ở Sàigòn chuyển đến địa chỉ mẹ con, bà chủ nhà cho biết mẹ con dọn đi chỗ khác mà không biết địa chỉ.
Liên tiếp lời :
- Khi biết tin ông không trở lại, còn ít tiền, mẹ ra Nha Trang sống với gia đình mợ Trí !. Mẹ tìm mua lại một chỗ nho nhỏ trong khu chợ bán trái cây tươi ! Dứt câu Liên nhìn ông Paul hỏi:
- Ông còn nhớ gia đình mợ Trí không ?.
Ông Paul gật nhẹ đầu:
- Nhớ chứ ! Mợ Trí là chị dâu lớn cuả mẹ con ! mợ theo gia đình vào Nha Trang năm 1953 ...lúc đó con được một tuổi ... ba nhớ mãi buổi sàng hôm đó , mẹ con vừa để bàn chải đánh răng vào miệng thì nhợn ói , buổi trưa ăn xong lại ói ra hết , ba đem khám bác sĩ thì ra mẹ con có mang được hơn một tháng, mẹ con thèm ăn xoài, mỗi lần ăn hai trái to, năm phút sau cho ra hết ..... đến tháng thứ ba thì ăn uống bình thường .... Liên tiếp lời :
- Sau đó bà ăn cua biển trừ cơm !.
Mọi ngươì cùng cười vui với quá khứ .
Liên nhìn Valérie tò mò :
- Valérie bao nhiêu tuổi ?.
Valérie đáp :
- Em nhỏ hơn chị 9 tuổi !.
Ông Paul cắt ngang lời Valérie , vội hỏi bà Bình bằng tiếng Pháp:
- Tôi muốn đón gia đình Liên về nhà chúng tôi ăn Noel và Tết, ở trại có cho phép không ?.
Bà Bình vui vẻ trả lời ông Paul:
- Dĩ nhiên chúng tôi đồng ý vì Noel là đêm họp mặt đoàn tụ của gia đình.
Ông Paul nhìn Liên nói :
- Ba muốn mời con và cháu về nhà từ Noel đến Tết Tây con có nhận lời không ?.
Liên ngần ngừ , bà Bình sau khi dịch câu nói của ông Paul khuyên Liên :
- Ông rất xúc động gặp lại cô , với ngươì Tây Phương Noel rất quan trọng, cô nên nhận lời coi như xoá bỏ hờn giận xưa cũ !.
Liên nhìn ánh mắt tha thiết cuả ông Paul nàng gật nhẹ đầu, bà Bình xin lỗi mọi người rồi bà cầm cuốn sổ tay trên bàn đọc :
- Thứ ba 18 tháng 12 chụp hình phổi , thứ tư 19 nhân viên phòng thí nghiệm đến lấy máu ... ông có thể đến đón ngày 20 tháng 12 ....và trở về trại trước ngày 3 tháng giêng ..... vì có hẹn nha sĩ ngày 5 tháng giêng ...
Ông Paul gật đầu lia liạ. Valérie ra xe lấy hai hôp giấy màu đỏ in hình những cây thông xanh trao Liên:
- Qua sự diễn tả của bà Bình, mẹ em gởi chị và cháu !.
Bà Bình bảo Liên mở ra xem , mỗi ngươì một áo lạnh dầy, nón và găng tay len đi cùng màu áo , Liên cảm động :
- Cám ơn má của Valérie.
Valérie trao bà Bình hai chai rượu một trắng một đỏ đặc sản vùng Bordeaux :
- Mẹ cháu xin biếu bà !.
- Cám ơn mẹ cô, mong có dịp gặp bà!.
Ông Paule nói liền :
- Lúc nào bà có dịp đi ngang nhà chúng tôi xin cứ nghé vào, cổng nhà luôn mở rộng đón bà !.
Ông Paul nhìn đồng hồ 15 giờ 45 phút, bầu trời cũng đã ngả xám , ông đứng lên bắt tay bà Bình:
- Cám ơn bà ngàn lần, chúng tôi đã chiếm quá nhiều thời giờ cuả bà, tôi sẽ đến ngày 20 tháng 12 để đón Liên và cháu gái nghe bà , xin chào bà!.
Valérie ôm Liên và hôn trên má Linh từ giã rồi đi ra xe. Máy nổ chờ cho xe nóng , trước khi bước vào xe ông Paul cầm chặt bàn tay Liên :
- Ba cám ơn con đã nhận lời về với ba vào dịp Noel này, Noel đoàn tụ ... . Ba sẽ trở lại đón con và cháu.
Nói xong theo thói quen người tây phuơng ông ôm choàng Liên và Linh và hôn nhẹ trên má nàng ,
rồi bịn rịn bước vào xe đưa bàn tay vẫy vẫy chào tạm biệt .
Liên và Linh đứng nhìn theo bóng chiếc mất dạng sau cổng , hai mẹ con lững thững bước lên lầu .
Ông Paul đón gia đình nhỏ bé của Liên vào sáng ngày 20 tháng 12, không quen ngồi xe hơi chạy đuờng xa,
Liên bị say xe ói mấy lần, Valérie ghé tiệm thuốc tây tìm mua thuốc chống say xe , nhờ vậy Liên và Linh
được một giấc ngủ trên đọan đường còn lại .
Liên tỉnh giấc khi xe vưà tới một thành phố , ông Paul nói đó là Libourne, đèn Noel rực sáng hai bên đường dẫn về nhà ông Paul .
Valérie cho xe vào cổng lớn cuả một ngôi nhà hình chữ nhật nằm cách đường xe chạy một khoảng sân rộng
bao chung quanh bởi hàng rào thông xanh được cắt bằng phẳng , xe ngưng ngay gần nhà đậu xe .
Trong nhà tiếng chó sủa dồn dập đánh thức Linh đang gối đầu ngủ trên đùi Liên, cánh cửa mở lớn, đứng
dưới ánh đèn trang trí Noel sáng rực, một người đàn bà khá lớn tuổi với khuôn mặt và nụ cười đầy vẻ phúc hậu .
Ông Paul xuống xe, bước tới hôn nhẹ trên má người đàn bà rồi quay lại mở cửa xe cho Liên và Linh .
Ông Paul giới thiệu Cécile, Liên chỉ nghe tên bà ta , ngoài ra nàng chẳng hiểu gì ông nói gì nữa , nàng gật đầu chào bà Cécile
theo phong tục người Việt. Cécile một tay nắm tay Liên tay kia cầm tay Linh dẫn hai mẹ con Liên bước vào nhà.
Trong phòng khách người đàn ông đang bế trên tay
một đứa bé trai mái óng vàng như tơ , đôi má ửng hồng như trái đào , mở to đôi mắt màu xanh nước biển nhìn Liên
rồi nhìn Valérie gọi to:
- Maman! Maman !.
Valérie để chiếc túi tay xuống bàn nhỏ, giang tay đón thằng bé , kề má hôn người đàn ông trẻ , quay sang giới thiệu Liên với Bruno chồng nàng và Benoit đứa bé trai. Liên muốn nói câu chào bằng Pháp ngữ mà nàng đã được học, nhưng sao nó nghẹn cứng trong cổ nên nàng đành cũng chỉ đành gật đầu chào.
Phần bé Linh thì im lặng đứng ngắm cây thông xanh cao viền vòng quanh những giây đèn nhỏ đủ màu, trên đầu
1 ngôi sao sáng chói. Ông Paul mang hành lý của Liên lên lầu, Cécile ra dấu bảo Liên theo mình, mở cưả một
phòng vuông có chiếc gìường lớn được phủ drap màu trắng với những chùm hoa hồng nhạt điểm .
Cécile trao cho Liên chiếc khăn lông nhỏ bảo nàng vào phòng rửa mặt và nói với Liên là ông bà chờ Liên
ở dưới phòng ăn. Liên hiểu ý, nhưng nàng cũng chỉ biết nói lời cám ơn bằng nụ cười.
Hai mẹ Liên vào bước phòng ăn thì mọi người đã có mặt đầy đủ quanh chiếc bàn ăn tròn, ông Paul kéo hai chiếc ghế trống cạnh tay mặt ông rồi bảo Liên và Linh ngồi; mọi người mở lời chúc nhau "bon appetit" (chúc ăn ngon), ông nhìn Liên :
- Mời ăn ! tiếng Việt không dấu âm thanh quen thuộc ngày thơ ấu, Liên mỉm cười nhìn ông .
Cécile để thức ăn vào diã cho Linh , con bé đón nhận nhanh nhẹn nói :
- Merci madame !.
Cả bàn reo lên, vừa vỗ tay vưà nói :
- Bravo! bravo Linh !.
Cô bé e - thẹn cúi mặt ...
Xong bữa ăn, gia đình Valérie từ giã để trở về Bordeaux . Nhìn đồng hồ hơn mười giờ đêm , Paul chúc hai mẹ con Liên "ngủ ngon" nàng gật đầu chào rồi lên lầu , cả ngày ngồi co ro trong xe bây giờ được nằm thoải mái trên chiếc mện, bé Linh cũng đã mệt nên chỉ nói với mẹ vài câu rồi im lặng !.
Hai mẹ trở mình thức giấc thì đã hơn 9 giờ, Liên cố gượng dậy bước vào phòng tắm những tia nước nóng như xoá dần nỗi băn khoăn của nàng. Liên tự nhủ lòng phải can đảm ... nàng gọi bé Linh vào tắm thì nó đã rời phòng từ lúc nào cũng không biết nữa. Ông Paul đợi nàng ở cuối thang lầu với ánh mắt dịu dàng đầy tình thương, ông chào "buổi sáng" và hỏi thăm Liên ngủ ngon không .
- Bonjour !.
Cécile nói lớn :
- Bravo Juilienne !. (hoan hô Liên) Bà Cécile gọi Liên vào phòng ăn, Linh đang uống ly sữa chocolat , Cécile bảo Liên ngồi rồi mang một mâm có sẵn cà phê, bành mì, beure, đường ... để trước mặt nàng , Liên ái ngại khi được chăm sóc như một đưá trẻ con , nàng cố nói rõ :
- Merci ...
Bà Cécile vỗ nhẹ vai nàng !. Ông Paul bước vào đưa cho Liên một quyển sách đã cũ với những trang giấy chuyển màu vàng, nàng cầm nhìn : Tự điển Pháp - Việt, Việt - Pháp ... Nàng nói lời cám ơn cũng vừa lúc bé Linh uống xong ly sữa quay sang hỏi mẹ :
- Con ra phòng khách nhen mẹ ?. Liên chưa kịp trả lời thì ông Paul đã cầm tay dẫn nó đi .
Trong bếp còn lại hai người đàn bà, Liên và bà Cécile trao đổi với nhau bằng cuốn tự điển , bà Cécile viết
tiếng Pháp Liên tìm chữ Việt ghi chú kế bên, bà phát âm và Liên lập lại, sau đó là những tiếng cười cuả
hai người đàn bà ròn rã vang lên như những tiếng pháo hạnh phúc trong nhà ông Paul .
Ngoài phòng khách bé Linh trong tay ông Paul, quyển sách mở rộng giữa hai người, ông vưà chỉ bức
tranh vẽ vừa nói: Đêm Giáng Sinh ông già Noel đi vòng quanh trái đất với xe chất đầy quà được
kéo bởi hai con rennes (tuần lộc) , ông già Noel sẽ chui qua ống khói lò sưởi những nhà có trẻ con để
quà dưới gốc cây thông, đưá trẻ nào ngoan ngoãn ông cho đúng quà nó ước muốn .
Không biết Linh có thể hiểu như thế được hay không nhưng gương mặt con bé như say mê theo từng trang hình
vẽ cho đến khi chấm dứt câu chuyện , bé ngước nhìn cây thông với ánh mắt mơ màng .
Bé Linh thức dậy sớm hơn thường lệ, nhìn mẹ còn say ngủ , nó rón rén xuống giường, nhón gót bước nhẹ nhàng rời phòng, ngôi nhà lặng yên, hình như chưa ai thức giấc, bé ngồi cạnh cây thông tay chống cầm thì thầm :
- Ông già Noel ơi, cháu có gởi cho ông tờ báo có hình ngôi nhà nhỏ cho búp bê, ông đã nhận được không ?
Bé Linh đưa con búp bê đang ôm trên tay đến gần ánh đèn rồi tiếp :
- Búp bê của cháu, nó chưa có cái nhà, chưa có cái giường để ngủ...ông thương nó nghe! Mấy hôm nay nó ngoan lắm không khóc nhè...vưà nói bé Linh vừa vuốt mái tóc dài óng ả cuả con búp bê .... Bé không biết có một đôi mắt xanh mướt như mắt mèo sau cánh cửa phòng ăn đang nghe và nhìn bé .
Gia đình Valérie về vào lúc trời vừa xuống thấp , bữa ăn gia đình rộn rã tiếng cười, Liên bây giờ phát âm tiếng Pháp khá tự nhiên, đôi khi sai chữ thì bà Cécile lập lại hay làm người thông dịch, riêng phần bé Linh gưong mặt mang nét suy tư, ăn uống chậm chạp ...mọi người nhìn nhau mỉm cười bằng những ánh mắt . Liên lên tiếng :
- Hôm nay có bánh kẹo chocolat ngon quá mà sao bé Linh không ăn như mọi bữa vậy ?.
Bé Linh trả lời vẻ không vui :
- Con cảm thấy không đói bụng !.
Gần mười giờ đêm, Liên bào Linh đi ngủ, cô bé ôm búp bê im lặng lên giường, nói nho nhỏ vài lời rồi thiếp ngủ ...
Tiếng "đinh đong" cuả một chiếc lục lạc đánh thức bé Linh, nó bụi mắt ngồi bật dạy lay gọi mẹ. Liên dấu nụ cười làm bộ nói như ngái ngủ :
- Ơ ...ơ...gì đó ?.
Bé Linh không trả lời mẹ, ôm con búp bê vội vã xuống lầu. Bên cạnh cây sapin với những chiếc hộp xanh, đỏ, óng ánh vàng là một ông già Noel, ông già Noel đúng như trong hình vẽ mà bé Linh trông thấy. Ông già Noel mặc một chiếc đỏ rộng thùng thình, trên đầu chiếc nón đỏ đầu nhọn, mắt đeo kính, đi một đôi giầy màu trắng, nó nói như hét :
- Mẹ ơi có ông già Noel đang đứng ở cạnh cây thông nè !.
Không cò gì sợ hãi, con bé chạy nhanh tới nắm lưng áo ông già Noel như sợ ông sẽ biến mất. Ông già Noel quay lại, bộ râu trắng của ông che gần kín khuôn mặt. Bé Linh rút lại bàn tay, đôi mắt ngước lên chăm chú nhìn ông già Noel rồi ngây thơ hỏi :
- Búp bê của cháu có quà không hả ông ?.
Ông già Noel gật đầu ngồi xuống cầm một chiếc hộp đó bên cạnh cây thông đưa cho Linh. Bé Linh không cầm chiếc hộp mà ôm cánh tay ông rối rít cảm ơn. Bàn tay nhỏ của con bé đưa lên vuốt nhẹ vòng râu bạc chung quanh gương mặt ông...nhưng con bé cảm thấy những ngón tay của nó bị ươn ướt nước.
Linh ngước nhìn chăm chú mặt ông già Noel, đôi mắt mèo màu xanh biếc những giọt lệ đang tuôn rơi, nó nói to như để mẹ nó nghe :
- Mẹ ơi! Mẹ ơi! Ông già Noel khóc nè mẹ !!! .