Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









ĐÊM GIÁNG SINH Ở NASHVILLE




T ôi ít xa nhà trong những ngày lễ lộc đã nhiều năm. Nhớ thời trẻ chẳng làm sao ở nhà được với hoạt náo nơi nhà thờ, sắc màu lễ hội cuối năm. Lễ Giáng sinh ngày càng thoát ra khỏi giới hạn một tôn giáo để trở thành lễ trọng của mọi người, mọi giới. Nhớ lại thời trẻ và những Giáng sinh chỉ còn trong ký ức, vẫn là hình ảnh con gái đi nhà thờ thấy tây hơn con gái đi chùa. Một đàng mặc áo đầm, váy xếp, gương mặt hớn hở; một đàng ủ rũ trong chiết áo xám của gia đình Phật tử. May lắm mới thấy được chiếc áo dài thì lại quá đạo hạnh, họa tiết già nua, và gương mặt con gái đi chùa thường nghiêm nghị tới phì cười...

Nhưng tất cả dừng lại trên nóc nhà thờ Tân Định vào một đêm Giáng sinh. Tôi thấy Nguyễn Tất Nhiên khờ khạo đang nâng niu tuyệt vọng, “…nguyện làm cây thánh giá/ trên chót đỉnh nhà thờ/ cô đơn nhìn bụi bặm/ làm phân bón rêu xanh…” Cuộc chia tay lặng lẽ với tuổi trẻ trong đêm thánh vô cùng năm ấy đưa tôi về căn gác gỗ nhà thằng bạn, cô đơn nhìn váng nhện/ giăng mồ hóng/ đèn dầu… Đêm đó tôi đọc truyện “Cô bé bán diêm trên kệ sách của bạn. Nó còn đưa người đi vượt biên chưa về. Gói quà Giáng sinh trên bàn viết của nó nhỏ nhoi như tình yêu thời đào tẩu. Dĩ nhiên là tôi không rớ tới gói quà gói vội của nó. Tới gần sáng, nó về, cho tôi hay hy vọng con bồ nó trót lọt vì ăn thua lúc xuất phát thôi, bởi đi vượt biên ngay tại chợ Ông Lãnh, Sài gòn.

Tôi hình dung ra con nhỏ bồ của thằng bạn, chắc ra ngoại quốc làm cô bé bán diêm vì nó cũng hay mơ mộng như cô bé trong truyện. Rồi gói quà cuối cùng của một tình yêu thời đào tẩu được mở ra, là gói thuốc lá ba số 5.. Hai thằng tôi mò ra quán cà phê bình dân mà chúng tôi thường ngồi. Những người đạp xe xích lô, ba gác còn ngái ngủ, họ ngồi ho khan với điếu thuốc đầu ngày, những ly cà phê đen quánh như cũng uể oải bốc khói nóng… Và cái dự tính từ nhà là ra quán đốt hết gói thuốc một lần để khỏi vấn vương gì nữa. Thời đó bạn bè, đứa nào đi được thì mừng cho đứa đó, và coi như người đi đã chết vì mong gì gặp lại. Nhưng thằng bạn khốn khổ của tôi đổi ý, không cho xé bao thuốc lá ngoại vì còn nhiều cuốn sách học phải mua mà chưa có tiền. Nó quyết định bán gói thuốc ấy cho người chủ quán…

Đêm Giáng sinh cuối cùng của thời độc thân chỉ còn truyện ngắn “Cô bé bán diêm” trong tôi.

Là truyện cổ tích Đan Mạch của Hans Christian Andersen, kể về một cô bé đi bán diêm giữa mùa đông giá lạnh và từ giã cõi đời trong đêm Chúa Giáng sinh. Truyện được xuất bản năm 1848 với nhan đề, “Den Lille Pige Med Svovlstikkerne - Cô gái bé nhỏ với những que diêm” đã in đậm trong biết bao nhiêu ký ức tuổi nhỏ và truyện cổ tích của nhiều người trên thế giới. Hình ảnh cô bé tội nghiệp, mồ côi mẹ, bà mất sớm. Em phải đi bán diêm cho người cha hay đánh em. Vào một đêm Giáng sinh, em không bán được que diêm nào, nên không dám về nhà vì sợ cha đánh.

Đêm giá rét về sáng, em ngồi nép vào một góc phố, quẹt những que diêm để sưởi ấm. Mỗi que diêm loé lên từng ước mong của cô bé lung linh. Em thấy lò sưởi với que diêm thứ nhất; bàn ăn và con ngỗng quay với que diêm thứ hai, rồi em thấy bà hiện về, và thấy mình cùng bà bay lên trời với que diêm cuối cùng… Sáng ra, người ta thấy cô bé bán diêm đã chết giữa những que diêm. Nhưng đôi má vẫn ửng hồng và đôi môi em đang mỉm cười.

Tôi suy nghĩ về lối viết độc thoại độc đáo trong truyện, và sự kết thúc không giống với truyện cổ tích thường kết thúc có hậu, nên nhớ mãi, để từ đó trong mắt tôi: Ngoài đường xá Việt nam có quá nhiều cô bé bán diêm. Từ nam chí bắc, đâu đâu cũng thấy những cô bé bán diêm nói tiếng Việt. Và cô bé bán hoà bình ở Nghệ Tĩnh đã ở lại muôn đời trong ký ức tôi, cũng vào một đêm Giáng sinh. Hôm đó, tôi lái cái xe vận tải trong đoàn xe chở gạo từ Sài gòn ra cứu đói Nghệ Tĩnh. Đêm ở cái xứ buồn như đá ngây ngô, không một tiếng chuông nhà thờ, không manh áo mới nào làm ơn lướt qua mắt tôi cho đỡ buồn tỉnh lẻ.

Đoàn xe đậu dài ven đường để nghỉ đêm, cánh tài xế nhậu rượu dở chưa từng thấy, nhưng không có gì khác ở cái quán tả tơi ven đường. Tôi trở về cái võng mà thằng lơ xe của tôi đã mắc sẵn cho dưới gầm xe, phía sau. Nó ngủ trong ca-bin xe. Tôi với nó là một cặp tài-lơ ngược đời vì lẽ ra nó làm lơ thì phải ngủ ngoài để coi xe, nhưng nó hên gặp tôi lại không thích ngủ trong ca-bin tù túng.

Đêm dày sao, trời trong vắt, không một gợn mây, không một tiếng chuông nhà thờ... Gió u linh ai oán, nghe rởn tóc gáy. Oan hồn cô bé bán diêm bên Đan Mạch hiện về, khều chân tôi. Tôi cứ tưởng là mộng, nhưng hơi lạnh từ bàn tay gầy bé làm tôi tỉnh giấc, thì là thật! Đó là cô bé bán hoà bình ở quê tôi. Một con bé hắt hiu trong chút ánh đèn của quán bên kia đường mở cửa sớm với hy vọng được một ngày buôn may bán đắt vì đoàn xe gạo đậu trước cửa. Con bé chừng mười tuổi, nó gầy trơ xương, da xanh như người sốt rét kinh niên. Nó rao bán cả nền hoà bình sau hai mươi năm nội chiến cho tôi, “…ông cho cháu bát phở. Cháu hầu ông đến sáng. Cháu lạy ông!”

Tôi dắt nó qua căn tiệm mở cửa sớm. Ngồi nhìn nó ngấu nghiến tô phở còn tệ hơn phở gánh ở lề đường Sài gòn. Đôi mắt dại đi vì đói của con bé cùng khổ đã theo tôi mãi mãi. Tôi nhớ mẹ tôi kể chuyện chết đói năm Ất Dậu 1945 ngoài bắc, người chết đói không nhiều bằng người chết no sau nhiều ngày đói, đến khi được ăn… thì người ta lăn ra chết vì no. Nên tôi nói với con bé sau khi nó ăn xong tô phở, “Cháu đi đi, về nhà đi. Tiền chú cho, để dành ngày mai hãy ăn nữa. Cháu đừng quay lại ăn thêm một tô phở nữa, cháu sẽ bị chết ách đấy…!”

Đêm nay, Giáng sinh không ở nhà sau nhiều năm quây quần bên gia đình. Không biết cô bé bán hoà bình ở Nghệ Tĩnh đó còn hay mất. Tôi đang ngồi trên bàn ăn đầy ắp thức ăn ngon, ấm cúng ở nhà bạn. Ai cũng tươi cười, ăn mặc đẹp. Trẻ con hồng hào như những thiên thần… nên tôi càng không hiểu những người di dân như chúng tôi có công gì, sao thượng đế lại ban thưởng quá nhiều lương thực và hạnh phúc? Trong khi dân tộc tôi có lỗi gì, sao quê tôi có quá nhiều cô bé bán diêm, mà cô bé bán hoà bình ở Nghệ Tĩnh mới chỉ là một.

Tiệc về khuya vẫn không vơi thức ăn trên bàn. Thậm chí có những món đã được chuẩn bị sẵn nhưng không dọn lên bàn vì mọi người đã buông đũa. Thức ăn từ trên bàn người lớn ở nhà trước, dài xuống tới bếp - không còn chỗ để, dài xuống bàn sau của con cháu trong gia đình bạn tôi. Chúng tôi ra garage hút thuốc cũng vẫn thấy thức ăn la liệt nơi góc bếp-garage, là nơi nấu những món nặng mùi nên không thể nấu trong nhà…

Tôi lại ước gì được gặp thằng bé “Tề thiên đại thánh” để chia cho nó một ít. Đó là thằng bé bưng tô phở hoà bình mà tôi đặt cho nó cái tên “Tề thiên đại thánh”. Nó có nụ cười lém lỉnh của một tên ma giáo thứ thiệt trên đôi môi trẻ nhỏ, ánh nhìn ma quái trong đôi mắt lạnh lùng của nó, như cũng theo tôi đến dự bữa tiệc này. Lần đó tôi về nhà mẹ tôi đã chiều chạng vạng. Mẹ tôi đang nấu thức ăn chay, nên tôi biến ra đầu đường, ghé tiệm phở của người chị hàng xóm cho chắc ăn cái bao tử đã không ăn gì từ sáng.

Ngoài đường, mấy cô bé mới lớn hớn hở, vui cười cùng nhau trên đường đến nhà thờ. Nhưng tôi lại chẳng còn thằng bạn nào của ngày xưa để bình phẩm về mấy cô bé ấy nữa từ đêm Giáng sinh năm cũ ở nhà thờ Tân Định.

Tiệm phở vắng đến không một người khách nào hết. Chị tôi đang thái thịt bò tái để chuẩn bị bán giấc tối, và khi nhà thờ tan lễ nửa đêm sẽ bán rất đắt hàng vì thời ấy, ngay nhà có đạo cũng chẳng có gì để nấu bữa ăn nửa đêm Mừng Chúa ra đời.

Tôi ăn xong tô phở, ngồi uống ly cà phê, nghe chị tôi kể chuyện kinh tế mới mà chị vừa bôn tẩu về lại Sài gòn vì sống không nổi trên vùng kinh tế mới. Rồi một thằng bé chừng bảy hay tám tuổi, mặc độc một cái xà lỏn rộng thùng thình, hay dây thun giãn? Cả hai đều không phải, chỉ vì nó quá ốm nên cái lưng quần chả biết bám vào đâu. Nó đội cái tô nhựa lớn đến có thể gọi là cái thau nhỏ trên đầu. Nó nói một hơi với chị tôi, “Dì Hai bán cho má con hai trăm đồng nước lèo, cho thêm… thịt vụn nha dì Hai.”

Tôi cười thầm thằng bé hồn nhiên mà nhớ thời đi học. Trưa, ghé cơm bình dân. “Bán cho con hai trăm đồng cơm không, cho xin miếng nước chan…” Hai trăm đồng cơm không chỉ được một chén cơm gạo mốc. Nhưng những bà má bán cơm bình dân chỉ gian xảo đối phó với mảnh đất Sài gòn để sống còn. Trong tâm những người mẹ trôi dạt bởi chiến tranh ấy vẫn sống mãi từ tâm của người mẹ Việt nam. Thể nào cái giá bới cơm của mẹ cũng nặng tay hơn cho thằng con của ông bồ cũ của bà được chừng chén rưỡi. Miếng nước chan bố thí thường là nước giá-hẹ xào huyết, thì tình xưa nghĩa cũ với ông già bọn tôi, nên miệng mẹ đang chửi thề leo lẻo với người khác, nhưng tay mẹ lạng cái giá múc nước chan thế nào đó, mà thằng tôi (bọn tôi) đứa nào cũng có được nhúm giá để nhai đỡ thèm, mấy cọng hẹ xanh lên hy vọng, và miếng huyết (ứ) thời thế.

Bây giờ, tô phở nhỏ ở tiệm bình dân đã hai ngàn rưỡi, tô lớn bốn ngàn. Nó mua có hai trăm đồng nước lèo, mà xin thêm thịt…

Chị tôi nhận cái tô từ tay thằng bé, hỏi “tiền đâu?”

Nó giở lưng quần bên phải ra, lấy tờ hai trăm ra, vuốt phẳng lại, rồi đưa cho chị tôi.

Chị tôi nói, “còn lận bên đây - tay chị chỉ bên trái quần nó, - lấy ra mau. Tao đập mày chết tươi bây giờ!”

Đôi mắt cực gian của nó ánh lên ma quái - nhìn chị tôi. Nhưng nó từ từ giở tờ hai trăm mà nó cuộn, rồi lận vào lưng quần bên trái ra. Nó không thèm giả bộ tử tế là vuốt thẳng tiền chi nữa, cứ để nguyên thế, dúi vào tay chị tôi.

Chị tôi múc cho nó một tô nước lèo - chỉ chực tràn ra vì quá đầy. Chị bỏ hành ngò vô tô. Hốt mớ thịt vụn bỏ thêm vô tô nước lèo cho thằng bé.

Chị nói với nó, “… mày bưng về nhà cho đủ. Nghe chưa?”

"Dạ.”

“…mày ăn, mày húp cho hết đi nha. Má mày ra đây mắng vốn tao, là tao đập mày đó!”

Dạ.”

Nó bưng tô nước lèo như người ta bưng lòng thành đi tế thần linh. Nhưng chỉ đi mươi bước, nó phải dừng lại, đặt tô nước lèo xuống đất, để kéo quần lên. Mỗi lần như thế, nó lận lưng quần thêm một gấp nữa cho khỏi tuột. Nhìn xa, cứ tưởng thằng bé mặc quần xì-líp của người lớn.

Thằng nhỏ cực kỳ lợi hại, khi đã đi xa được một quãng. Nó không quay hẳn đầu để nhìn lại tiệm phở xem chị tôi có nhìn theo nó không. Nó chỉ lận lại lưng quần như thông lệ, nhưng kỳ thực đôi mắt quỷ quái của nó là nhìn chị tôi. Rồi nó yên tâm húp một ngụm nước lèo - thứ nhất.

Nó lận lại lưng quần sau cú húp thót bụng nên quần đã tuột xuống tới mông. Nó suy nghĩ, húp thêm một ngụm nước lèo - thứ hai.

Lần thứ ba thì nó đã đỡ thèm nước lèo mà thèm thịt. Nó khoan bưng tô nước lèo lên để đi tiếp, nó múa may những điệu bộ của Tề thiên đại thánh là bộ phim đang chiếu trên truyền hình. Kỳ thực là nó đang làm động tác giả để che mắt chị tôi. Nó tìm kiếm cái gì đó để vớt thịt.

Thằng bé nghĩ chắc đã xa tiệm nên chị tôi không thấy nữa, nó dùng cái que tìm được, vớt thịt bỏ vô miệng.

Chị tôi không nhìn nó, nhưng thấy hết theo miệng nói của chị,

Má nó là bà mua ve chai. Chiều nào cũng sai nó ra mua bốn trăm đồng nước lèo để về ăn cơm cả nhà. Chị không bán cũng tội, mà bán, rồi cho thêm thịt vụn, cho thêm xí quách, gì thì nó cũng ăn hết trước khi về tới nhà. Em ngồi nán chút, coi. Má nó bưng cái tô không ra đây mắng vốn chị cho mà coi…”

Tôi ngồi nán thêm chút nữa, để nhớ mãi thằng bé bưng tô phở hoà bình ấy vì nó đích thực là con người bị hoàn cảnh làm biến chất, nhưng bản chất nó không tệ. Đúng là má nó ra mắng vốn chị tôi, “Tui nghèo quá mà chị Hai. Cả nhà ăn cơm ngày có một bữa; chỉ mua được chút nước lèo để chan cho mấy đứa nhỏ có mùi thịt. Sao chị bán cho con tôi có mấy muỗng nước lèo mà lấy hết bốm trăm đồng bạc…”

Dĩ nhiên, chị tôi lôi tôi ra làm chứng. Nhưng thằng nhỏ đáng nhớ là nó không theo phe dì Hai mà cũng chẳng theo phe má nó để thoát đòn. Nó dõng dạc tuyên bố, “Nước lèo nóng quá, mà quần nó tuột hoài… Nó phải kéo quần lên một tay, nên còn có một tay bưng. Và làm đổ hết rồi!”

Má nó dồn con vô thế bí để đánh đòn. Nhưng nó gỡ được mới tài,

Đổ ở đâu, mày chỉ tao coi! Dì Hai nói, còn cho mày thêm thịt… thì đâu?”

Ừm. Chó ăn hết rồi!”

Thằng nhỏ thoát đòn nhờ lanh trí. Nhưng lớn lên trong mưu mẹo như nó thì hoà bình có đáng không?

Sao tôi lại đi kể những chuyện này với những người bạn di dân trong đêm Giáng sinh dư thừa thực phẩm, ấm cúng và hạnh phúc. Dù ai trong chúng tôi cũng công nhận là mình may mắn so với nhiều bạn bè còn ở lại; gia đình mình may mắn so với nhiều gia đình trong nước bây giờ; con cái mình may mắn hơn lớp trẻ trong nước biết bao nhiêu… Nhưng hầu như cảm nghĩ về ân sủng nhân mùa lễ chỉ dừng lại ở lòng biết ơn.

Sao tôi không thể quên đi quá khứ như lời khuyên của người không thích, không muốn nghe đến những chuyện không vui trong đêm Giáng sinh. Lỗi tại tôi không dồn hết tâm trí vào Đêm Thánh vô cùng để Mừng Chúa Giáng sinh. Tôi đúng là có lỗi vì đã để ký ức làm mất vui hạnh phúc đang có. Nhưng nói cách nào thì khi được ăn ngon, không quên tạ ơn người ban phát là chính đáng. Khi hạnh phúc không quên kẻ khổ đau; khi lò sưởi lan toả trong nhà sự ấm áp, mấy ai nghĩ đến những Cô bé bán diêm thời hiện đại còn đang không có một nơi để về trong buốt giá cuối năm…

Bình an cho người không hận thù, hạnh phúc cho người có đức tin. Nhưng chia sẻ lại cần cho người bất hạnh. Một người bạn tôi ở Nashville, anh qua Mỹ từ 1975, khi còn nhỏ. Nhưng cứ tới đêm Giáng sinh, đứa con gái nhỏ thường theo mẹ đi nhà thờ trước; còn con lớn thì nhắc cha chuẩn bị chưa cha? Tới giờ chưa cha. Mình đi…”

Chuẩn bị là vô nhà bank rút năm trăm đồng nhưng chỉ toàn tiền một đồng. Tới giờ, là hai cha con vô downtown Nashville để chúc mừng Giáng sinh cho những người homeless. Tặng mối người một đồng với ý nghĩa lucky money - khuyên họ nên mua vé số. Sau đó hai cha con mới đi nhà thờ.

Nghĩ về cô bé con nhà di dân, sinh ra ở Mỹ, chưa tới hai mươi tuổi đời đã có thói quen từ nhỏ trong đêm Giáng sinh là đi chia sẻ chút niềm vui với những người không nhà. Phải như gia đình người di dân Viêt nam nào cũng có những người cha và những cô bé như thế thì bình an thật sự cho người không hận thù, hạnh phúc thực sự cho người có đức tin. Và bất hạnh vơi đi cho người được chia sẻ… Cảm nhận được ân sủng đã hạnh phúc, nhưng hạnh phúc hơn lòng biết ơn về những ân sủng là sự chia sẻ ân sủng. Cảm ơn câu chuyện nhỏ trong đêm Giáng sinh ở Nashville. Cảm ơn bạn bè đồng quan điểm hay khác quan niệm cũng xài chung thứ tiếng ngoại quốc trên nước Mỹ là tiếng Việt để chia sẻ với nhau những suy tư trong một đêm Giáng sinh ở Nashville.