THANH GƯƠM BÁU
C ách đây hàng vạn năm, loài người đã sinh ra nhiều thói hư tật xấu. Vua quan hiếp dân, kẻ mạnh hiếp yếu. Những người có của chèn ép đe nẹt kẻ nghèo. Trộm cắp nổi lên như rươi. Các đảng hoành hành khắp mọi nơi. Dân tình điêu đứng cơ cực… Ngọc hoàng muốn cứu người trần thế, nên ban xuống một thanh gươm, tháng ngày chờ đợi một nghĩa sĩ cứu nạn phò nguy.
Lưỡi gươm ấy được cắm trên đỉnh núi cao chín tầng. Ánh thép chói ngời hào quang. Hễ ánh thép chiếu về phía nào, thì người ở hướng đó bị rơi đầu, sứt trán. Không muốn để thanh gươm báu rơi vào tay cường bạo sát nhân, lừa thầy phản bạn, Ngọc hoàng tạo ra xung quanh chân núi hai dòng nước chảy ngược, và những con sóng đá gà. Sóng cuộn ngầu quanh chân núi chao lắc dữ dội. Những cái gì rơi xuống đó, đều bị hai dòng nước xoay tròn, cuốn hút xuống đáy. Trên bờ dòng nước là một cánh rừng già âm u, tán cây che kín đất. Dưới gốc cây, lá rung ủ dày. Dưới lớp lá đó, lúc nhúc những loài rắn, rết rất to, có thể cắn chết voi, nuốt cả trâu, ngựa. Phía ngoài cùng còn là một ổ hùm beo, gấu, báo… ngày đêm gầm hú rợn người. Ngọc hoàng còn thả bay trên mặt nước ngầu đục một loài chim cực kỳ to lớn, có cái mỏ rất khoẻ và mười móng chân nhọn như móc câu. Thế mà vẫn có nhiều vua chúa muốn chiếm thanh gươm để tăng thêm quyền thế. Càng có lắm kẻ bạo ngược, những tên tướng cướp muốn đoạt thanh gươm để chế ngự bè đảng, trấn áp người lành. Tất nhiên bọn chúng đều bỏ xác trước trảng rừng âm u. Bao nhiêu xương trắng phơi ngoài cửa rừng, sau khi làm mồi cho hổ, báo.
Bấy giờ có một chàng trai ở đợ chăn dê cho tên quan đầu triều. Bầy dê đông ngót nghìn con, không thể chăn chung với ai, nên anh phải thả riêng trong trảng rừng thưa và ngày đêm ở đó một mình để canh giữ. Một hôm có một lũ cướp đến cướp nữa đàn dê, đuổi vào rừng để dành ăn thịt. Anh chăn dê hết sức van nài, xin lũ chúng bắt ít dê thôi, để mình đỡ phải bồi thường. Tên đầu đảng cướp rút gươm ra doạ :
-Dê của chủ nhà mày, chớ của mày đâu mà sợ thiệt ?
-Ông nói đúng. Dê của chủ chớ không phải của tôi. Nhưng tôi để mất, thì chủ bắt thường !
-Mày nói thêm một câu, tao chém. Về bảo chủ mày : có muốn đòi lại dê thì ra đây !
Anh chăn dê chạy miết về báo tin cho chủ. Tên quan đầu triều chẳng những không thương người đầy tớ chết hụt mà còn trói anh lại, căng ra đánh đòn :
-Ai bảo mày để dê tao cho lũ cướp bắt ?
-Thưa ông, không ai bảo cả. Giá lúc đó có ông ở đó thì ông cũng chẳng làm gì được họ. Và… nếu bây giờ ông cần đến đó, thì tôi dẫn đi.
Tên quan đầu triều sợ rụt cổ, nhưng vẫn trâng tráo :
-Tao dại gì đến đó cho chết uổng mạng. Nhưng mày để mất dê của tao thì mày phải thường
Hắn sai gia nhân bưng ghế, đem nước ra uống, để tính số dê người đầy tớ phải thường. Trước khi làm việc đó, tên quan thâm độc còn tìm cách buộc người đầy tớ phải nhân thường dê cho nó là việc đúng. Hắn hỏi, giọng tĩnh khô :
-Mày ở chăn dê cho nhà tao đã ba năm rồi phải không ?
-Dạ phải ! Hơn ba năm…
-Ờ… những tháng lẻ đó, tao chưa kể. Lúc mày mới đến ở, đàn dê của tao chỉ có một trăm con, phải không ?
Dạ, cũng đúng. Dê mỗi năm đẻ hai lần, mỗi lần hai con. Một dê cái nhà ông mỗi năm đẻ bốn trăm dê con. Đẻ ngót bốn năm là một ngàn hai trăm. Ông đã bán hết dê đực, còn hơn một ngàn. Ấy là chưa kể dê con đẻ dê… cháu !
Đúng đúng. Mày nói thật đúng ! Vậy bây giờ tao bắt mày thường số dê mày công nhận đúng thôi. Năm trăm dê cái để mất, mỗi năm đẻ hai ngàn dê con, hai năm : bốn ngàn, ba năm : sáu ngàn… Mày thường số đó cho tao. Còn cái khoản… dê con đẻ dê… cháu thì tao cho mày. Kể ra thì mày ở cho nhà tao cũng lâu rồi !
Người đầy tớ chết ngất vì số dê ngồn ngộn mà tên quan đã tính. Những lời nài nỉ của anh đều vô ích.
Anh đầy tớ này vốn là một người chí thủ làm ăn, đã có vợ, có một đứa con trai, trong nhà cũng có mươi nái dê. Trước hết, tên quan bắt nợ mười con dê của anh, bắt vợ anh vào quét chuồng ngựa. Thế là trong chốc lát, gia đình nhỏ bé của anh chàng trai kia tan nát vì bọn cướp đường và tên quan khốn khiếp. Người đầy tớ tội nghiệp kia phải đem đứa con trai ba tuổi trở lại chăn dê cho tên quan đầu triều đình. Ngày ngày, hai cha con theo đàn dê vào rừng vắng. Đêm cùng ngủ trong lềugiữ dê quạnh hiu. Bưa cơm chia hai. Biết mình bị ức hiếp mà chẳng thể làm gì được. Một ngày kia, vào mùa nắng, vũng khô, suối cũng khô, cha con anh đuổi dê ra sông cho uống nước. Khúc sông chỗ này có một xoáy nước. Nước xoáy vào bờ tạo thành một vực thẳm. Bên cạnh đó là một cây to, có bóng râm. Trong khi đàn dê uống nước, anh dắt con trai đến bóng cây, ngồi ăn cơm trưa. Bông chỗ bờ sông lõm đỗ sụp xuống nước. Một tảng đá ở đó rơi theo. Anh chăn dê ngồi uể oải nhai cơm nguội, thấy dưới sông chỗ đất lở sủi lân mấy bọt tăm. Anh đã ăn gần hết bưa cơm, mà bọt tăm chỗ đó còn sủi mãi. Thấy lạ anh lội xuống mò thử. Tay anh đụng phải một con qui (rùa), bị tảng đá trên bờ sông lăn xuống, đè bẹp. Anh moi bùn kéo con qui lên. Con qui chỉ bằng bàn tay mà những năm sắc: yếm trắng, mai xanh, chân vàng, cổ đỏ, trên đầu có một viền đen như người đội khăn xếp. Toan thân con qui mềm nhũn như trứng gà đẻ non, mà trong suốt, nhìn thấy cả tim, gan, ruột, phổi. Thậy là một con vật ít thấy trong đời. nó đang thoi thóp vì bị ngợp nước và bị đá đè bẹp một chân. Trông thấy chân con qui bị què, anh nhai trầu thuốc quấn lại cho nó. Nhân có một con dê cái đẻ dọc đường, anh vắt luôn một ít sữa dê đổ vào mồm con qui đang thoi thóp. Bấy giờ đứa con trai anh nhớ mẹ và có ý đồi con qui làm đồ chơi. Anh thủ thỉ bảo con:
-Con nhớ mẹ, chắc nó cũng nhớ mẹ. Thôi… con nhịn chơi để nó về với mẹ nó.
Một ngày nữa trôi qua. Đàn dê vẫn đến uống nước bên khúc sông. Cha con anh lại vào bóng cây ngồi mát. Một lũ cướp khác bỗng hiện ra. Lần này chúng không bắt dê của anh, mà đuổi không biết từ đâu đến một bầy rất đông vừa trâu bò, vừa dê ngựa. Chẳng hiểu sao đến đây lũ cướp thay đổi ý định. Chúng chỉ cưỡi ngựa đi, rồi gọi anh chăn dê lại cho tấc cả trâu bò dê. Anh chăn dê cám ơn chúng và từ chối không nhận. Tên đầu đảng ngạc nhiên, hỏi:
-Tại sao chẳng mất tí công nào mà mày không lấy?
Anh chăn dê bình thản trả lời:
-Nếu tôi nhận của ong thì nhiều gia đình khác phải tan nát. Ông có lòng tốt, hãy đem những con vật này trả lại cho chủ của nó
Lũ cướp cười nhạt rồi bỏ đi. Liền theo đó, trên bờ sông, chỗ xoáy nước, hiện ra một người, đầu đội khăn đen, cổ quàng khăn đỏ, áo xanh, quần trắng, đi hia vàng… dáng thanh thoát như thần tiên. Người ấy chào cha con anh chăn dê rồi hỏi:
-Anh không nhớ ta chăng?
-Tôi chưa gặp ông lần nào!
-Hôm qua… cha con anh bắt được con qui?
-Việc đó thì có, con ông thì tôi chưa được gặp!
-Ta là con trai Ngọc Hoàng, ta đang trên đường đi thiên sứ…
Anh chăn dê sợ hãi nằm úp xuống bãi cát, mồm lẩm nhẩm khấn vái. Vị thiên sứ đỡ anh dậy:
-Chính ta phải sợ anh, chứ việc gì anh phải sợ ta? Ta là người mang ơn. Anh là người cứu mạng. Ta đến để đền ơn anh cứu sống đây.
Thì ra con qui hôm qua chính là con trai Ngọc Hoàng được thiên đình cử làm thiên sứ xuống thăm lại thanh gươm. Gặp lúc trời nóng , thiên sứ hoá thành con qui, xuống sông tắm, Chẳng may bờ sông lở, nên bị đá đè và được chàng chăn dê cứu sông. Vì bị đau chân, nên thiên sứ về trời tìm thuốc tiên để chữa, hôm nay mới xuống đón người cứu mình để trả ơn. Trước khi làm việc đó, thiên sứ ngẫu nhiên trông thấy chàng chăn dê không nhận trâu dê… của toán cướp cho, thà để mình chịu tan nát nhà cửa, chứ không để người khác tan nả nhà cửa như mình. Thiên sứ nói với chàng chăn dê:
-Trước khi trở lại đây, ta chỉ có ý định đền ơn anh cứu sông. Nhưng khi gặp lại, thấy anh nhân đức hơn người, nên ta mách anh điều bí ẩn của thiên đình. Hàng nghìn năm nay, thân phụ ta ban xuống trần gian một thanh gươm báu. Ai được thanh gươm ấy sẽ đủ sức diệt trừ kẻ hung bạo, dẹp loạn phò nguy: Người nhân nghĩa đức độ như anh, đáng được thiên đình giao cho việc ấy.
Chàng chăn dê có lòng tử tâm, nhưng cũng chỉ là người lam lũ làm ăn. Nay nghe nói chuyện “ dẹp loạn phò nguy ”, “ diệt trừ hung bạo ”, lòng vừa thích nhưng cũng rất sợ. Con trai Ngọc hoàng an ủi chàng, giúp chàng có thêm can đảm và lòng tin. Nhưng nếu chỉ để riêng chàng đi làm việc đó thì cũng lẻ loi đơn độc, nên bằng lòng cho đứa con trai chàng cùng theo giúp sức. Con trai Ngọc hoàng cho hai cha con chàng hai viên thuốc. Uống xong, tự nhiên hai cha con thấy mình có dư ý muốn ngăn sông lấp biển. Người cha đến gốc cây thử sức. Chàng cặp gốc cây to vào nách, từ từ nhổ bậc rễ. Đứa con lại đến thử. Nó cầm cây gỗ kê vào đầu gối, bẻ gãy đôi ! Ngồi nhìn cha con chàng chăn dê thử sức, vị thiên sứ trầm ngâm một lúc rồi nói :
-Việc lớn anh sắp làm sẽ nhiều gian nan và vô cùng nguy hiểm. Ta cho cha con anh thêm hai viên thuốc sống, mới giữ được tính mạng trong lúc rủi ro. Có hai viên thuốc này, chẳng thần tiên ma quái nào làm cha con anh chết được.
Cha con chàng chăn dê nhận hai viên thuốc “ sống ”, kính cẩn gói vào vạt áo, rồi cùng quỳ lạy tạ ơn người nhà trời. Trước khi trở về thiên đình, con trai Ngọc hoàng còn dặn dò cặn kẽ :
-Cha con anh phải giữ kín ý định của thiên đình. Việc sẽ đến khi nào nó cần phải đến. Ta không thể trao thanh gươm cho anh, vì chính thân phụ ta muốn trông thấy tự tay người nào đó đến lấy. Từ bây giờ trở đi, cha con anh muốn làm gì tuỳ thích, nhưng không được giết con rác (một con chim khổng lồ) dù nó có giết cha con anh. Vì không có nó, cha con anh chẳng thể nào đi đến chỗ để thanh gươm. Nhưng cha con anh cũng đừng sợ. Ta biết trước việc đó nên đã trao sẵn hai viên thuốc sống. Chờ có làm sai những điều ta căn dặn…
Nói đến đó, con trai Ngọc hoàng giũ áo, bay về trời. Cha con chàng chăn dê trở về lều cỏ. Cả hai cùng âm thầm chờ đợi. Mùa mưa đã đến. Cánh đồng ngập nước. Cha con chàng phải đuổi dê vào rừng. Có một con cọp cái dẫn con đi ăn. Cả ba mẹ con con cọp cùng sông vào đàn dê. Hai cha con chàng ra đánh. Bị đòn đau lũ cọp hoảng sợ bỏ chạy. Hai cha con đuổi theo, chụp được chân sau của ba mẹ con chúng, vật chết tươi. Một đêm mưa gió dầm dề, một lũ voi xuống đồng phá lúa, rồi kéo ngược lên chuồng dê. Cha con chàng chăn dê lại ra đánh. Lũ voi cậy đông, xúm vào dùng vòi quất, dùng chân chà. Hai cha con chàng xông xáo giữa đàn voi dữ. Lũ voi khủng khiếp trước sức mạnh của hai người, nên dìu nhau chạy. Cha con chàng càng tin sức mình, càng kiên tâm chờ đợi.
Một buổi trưa, mưa như trút nước, hai cha con đang đốt lửa hơ khô quần áo. Bỗng có một trận gió rất lớn, cuốn tốc mái tranh đang ướt đầm đìa. Cánh cửa lều bật tung. Cha con ngơ ngác nhìn ra, thấy một con rác vô cùng lớn. Chân nó to như hai khúc gỗ, cánh rộng bằng bốn mái nhà, đầu to hơn chiếc nong. Nó bay, nước dưới đồng chao thành sóng. Con rác thấy hai người trong lều, liền bay vòng trở lại. Nó dùng đuôi móng quắp cha con chàng chăn dê, bay đến đổ trên gò đất nổi, rồi nói rõ như tiếng người :
-Tao thích ăn lươn. Chúng mày đi đào lươn cho tao ăn…
Con rác đã khoẻ, lại có cách phòng ngừa. Sợ cha con chàng chăn dê chạy trốn, nó để con trai chàng ở đó để đi bắt lươn, hẹn mỗi buổi chiều sẽ trở lại ăn, rồi quắp chàng chăn dê bay miết lên vùng núi cao xa tít. Chàng chăn dê chẳng còn nhận ra phương hướng nào, chỉ thấy lờ mờ đó là một vùng núi điệp trùng, cao chín tầng, đỉnh lẫn trong mây. Ở đó, con rác thả lỏng cho chàng đi kiếm rau dại trái cây. Chiều xuống, khi mặt trời đã ẩn sau rặng núi cao, nó lại quắp chàng bay xuống gò nổi, để ăn lươn của con trai chàng đã bắt, rồi lại thả chàng ở đó, quắp con trai chàng bay đi. Đến chiều mai, lúc mặt trời tà tà, nó lại quắp chàng bay xuống để đổi lại.
Con rác ăn rất dữ. Sức khoẻ của nó có thể đuổi kịp cọp, bẻ gãy gỗ, bứt đứt vói voi, cha con chàng chăn dê mỗi ngày bắt một giỏ lươn to, nhưng không lần nào con rác ăn đủ. Hết mùa mưa, sang mùa hè. Nắng nung khô đồng, cạn mương, lươn mỗi ngày càng ít, càng phải đi xa mới có. Cha con chàng chăn dê cực khổ vô cùng. Biết sức mình, lại có sẵn trong vạt áo viên thuốc sống, cha con chàng có thể định nổi con rác. Nhưng vì lời dặn của con trai Ngọc hoàng nên hai cha con đành nén lòng chờ đợi. Ấy vậy mà ngoài việc đi bắt lươn cho con rác ăn, chẳng hề thấy có chuyện gì lạ xảy ra.
Trong khi đó ở nhà, vợ chàng đang bị tên quan đầu triều hành hạ khổ sở. Thấy cha con chàng đi mất, đàn dê đi lang thang mỗi nơi vài con. Tên quan đầu triều tưởng cha con chàng sợ không trả nổi đàn dê bị mất, nên đưa nhau đi trốn. Lấy cớ đó, hắn bắt vợ chàng cắt cỏ ngựa, quét chuồng ngựa, nhưng không ăn cơm, mà bắt chị phải ăn cỏ của ngựa ăn thừa. Người đàn bà tội nghiệp khóc than. Tên quan nhẫn tâm trả lời :
-Tao phải làm cho mày khổ hơn. Có như thế, chồng con mày mới thương mày mà trở lại, trả nợ đàn dê cho tao.
Thật là trớ trêu ! Tronf khi vợ chàng chăn dê bị tên quan bắt ăn cỏ thừa của ngựa, thì chàng và đứa con trai ngày ngày phải đi bắt lươn cung phụng cho con rác. Nhưng bắt mãi rồi, dù sức chưa kiệt, mà lươn chẳng còn. Cha con chàng đã đào đi bới lại không biết bao nhiêu lần bùn đất trong mương trong đầm. Con rác không no bụng, càng làm hung. Một hôm, nó giận dữ nuốt vào bụng cả hai cho con chàng chăn dê. Nhờ cái cổ nó rộng nhưcái lu chứa nước, lại có viên thuốc “ sống ” đeo bên mình nên cha con chàng chăn dê lọt vô bụng con rác, mà chẳng hề xây xước. Phải chăng đến đây thiên đình đã cho biết ý định ? Cha con chàng chăn dê để mặt xem con rác làm thế nào. Nó vỗ cánh bay cùng trời cuối đất. Dưới đôi cánh khổng lồ của nó, lá rừng tuốt rụng, cành cây gãy nhừ, cỏ rạp sát đất, lăn tuốt cả những tảng đá chênh vênh. Khi bay đã mỏi, nó hạ xuống một bờ sông há mồm ra uống nước. Chàng chăn dê bò ra cổ nó, thét to :
-Mày muốn sống, phải chở tao đến chỗ thiên đình để thanh gươm ?
Con rác giệt mình. Nó cố khạc nhổ cha con chàng chăn dê ra khỏi cổ. Nhưng chàng đã chui sâu vào bụng nó. Nó lại lồng lộn bay vút lên, rồi cắm cổ xuống, lại lượn ngửa, bổ nghiên… Cha con chàng chăn dê lăn tròn trong bụng con chim. Nhớ lời thiên sứ căn dặn, cha con chàng không hại con rác chết, nhưng phải làm cho nó nghe theo ý mình. Hai người liền đạp ruột, bóp gan… buộc nó phải đưa đến chỗ thanh gươm. Con rác sợ chết, phải bay qua cánh rừng xanh âm u đầy rắn rết hùm beo, rồi vượt qua luôn nơi có hai dòng nước chảy ngược chiều. Nó đáp xuống đỉnh núi chín tầng, há rộng mồm, bảo hai cha con chàng cùng chui ra. Chàng chăn dê ngại con chim phản trắc. Muốn cầm chắc phần được, chàng bảo đứa con nằm lại trong bụng con rác, chỉ chui ra một mình. Trước mắt chàng là hai dòng nước chảy ngược chiều, bao bọc chân núi, tạo ra lớp sóng đá gà, lớp dội trở vào, lớp lại ngã ra. Dù chưa trông thấy hổ bào, thú dữ ẩn náu bên kia trảng rừng âm u, cũng chưa biết dưới lớp là khô rụng đầy bao nhiêu rắn độc, rết to đang cựa mình thè lưỡi, chàng chăn dê cũng nghiệm ra lời căn dặn của con trai Ngọc hoàng : con người dù có cánh cũng khó qua được hai dòng nước chảy ngược !
Chàng tĩnh tâm, đi bằng hai đầu gối, kính cẩn lên dần đỉnh núi chín tầng. Thanh gươm báu, lưỡi cắm sâu trong phiến đá tròn nhẵn mặt. Ánh thép phát hào quang sáng loà. Nhìn vào đó chói mắt như nhìn vào mặt trời. Nhưng khi chàng đến nơi thanh gươm tự nhiên trồi lên khỏi phiến đá. Đốc kiếm ngả vào hai bàn tay chàng. Lúc đó con rác mới quỳ mọp xuống. Nó tự nguyện làm tôi cho cha con chàng chăn dê. Hoá ra con chim khổng lồ này được Ngọc hoàng sai xuống canh giữ mặt nước, không cho ai liều lĩnh vượt hai dòng nước ngược chiều. Nó được sai trấn giữ, nhưng lại bỏ đi tìm lươn để ăn.
Chàng chăn dê bài tạ trời đất, rồi ướm thử thanh gươm. Trên sóng lưỡi gươm bỗng hiện lên hai hàng chữ chàm cỗ. Và cũng tự nhiên, từ lúc bé chưa hề được học hành, chàng cũng đọc được hai hàng chữ hiện trên sóng gươm :
-Xách cơlâu băng sách, cao cơlâu băng cao/ Pơnăm tađao clẻ cơi clé tran ! (Cứ để cho giặc đến cách ba bước / Đặt nghiêng thanh gươm, giặc sẽ rụng cổ, sứt trán).
Con rác nằm phủ phục, chớp đôi cánh, chờ chàng chăn dê bước lên lưng. Bấy giờ chàng mới bảo nó há mồm cho đứa con trai bước ra. Hai cha con bước lên lưng chim. Lập tức nó chớp cánh bay về đồng bằng, mồm kêu : Diệt trừ hung bạo… diệt trừ hung bạo. Trong cảnh trời chiều, tiếng chim kêu kinh thiên động địa. Ccá toán cướp hoảng vía tháo chạy ra rừng. Cậu con trai rút thanh gươm trong tay cha, nghiêng qua, nghiêng lại. Ánh thép chiếu ngời hào quan. Những tên cướp nằm trong vòng hào quang của thanh gươm đều co rúm, thân thể chúng thu nhỏ lại, rồi thiêu cháy ra tro.
Từ đó, con chim tự bay vút đến dinh cơ tên quan đầu triều. Cả nhà tên này đang quay quần bên mâm cơm dọn trước sân, đầy ụ những cao lươn mĩ vị. Riêng hắn ngồi một mâm, có hai người hầu đứng quạt. Cậu con trai toan lật nghiêng thanh gươm. Nhưng chàng chăn dê kịp giữ lại. Chàng chưa biết vợ mình bị tên chủ nhà hành hạ đến mức phải ăn cỏ thừa của ngựa. Hơn nữa trên đường đi, khi diệt xong các toán cướp, chàng thấy ghê tay. Vì trong các toán cướp ấy đều có tướng, có quân, có kẻ ác nhiều tội, cũng có người chưa đáng phải chết. Giết tất cả bọn, chàng không yên lòng. Bây giờ cũng vậy, nếu để con lật nghiêng thanh gươm, cả nhà tên quan sẽ bị thiêu chết, nhưng cũng chết theo hắn cả người ở, chết luôn cả người vợ của chàng. Trong lúc chàng đang do dự, con rác đảo lại một vòng. Nó dùng năm móng nhọn của một bên chân, quắp trọn cả gia đình tên quan đang ngồi xung quanh mâm cơm. Còn năm móng của chân kia, nó quắp lấy cái đầu của tên quan bắt đầy tớ ăn cỏ ngựa. Tất cả gia nhân tên này đều thác loạn kinh hồn. Vợ chàng chăn dê bị cánh chim quạt ngã sấp bên chuồng ngựa. Chàng chăn dê bảo con rác đỗ xuống, dìu vợ lên lưng.
Trời đã nhá nhem tối. Không biết nên đi đâu. Chàng chăn dê bảo con rác đưa về lại nơi dãy núi chín tầng. Kì lạ thay ! Dãy núi đã biến mất. Ở đó bây giờ là một toà lâu đài rực rỡ, lộng lẫy và trang nghiêm giữa một vùng nước xoáy hai chiều. Con rác đỗ xuống. Cha con chàng chăn dê một lần nữa, ngửa mặt lên trời cám ơn Ngọc hoàng ! Vợ chàng đã tỉnh. Vợ chồng cùng đứa con trai dắt nhau đi tham toà lâu đài tường vàng, mái bạc. Nền nhà, khung cửa đều được dác những loại ngọc quý, ánh lên những màu sắc rực rỡ chói ngời. Trong bầu trời đêm ánh sáng các loại ngọc trong toà lâu đài chói lên một màu rực rỡ ly kỳ, cao tận trăng sao, đứng bất cứ đâu cũng trông thấy.
Chàng chăn dê cùng vợ và con sống đầm ấm trong cảnh thần tiên rồi nghĩ cách đi diệt trừ hung bạo. Bản tính vốn trọng nhân nghĩa, không muốn khi diệt trừ một tên gian ác mà để cho người khác chết oan, nên chàng chăn dê chưa muốn dúng thanh gươm. Nhưng con rác đã hiểu ý định của chủ. Hàng ngày, khi cha con chàng cầm gươm bước lên lưng con rác là lập tức nó bay khắp mọi nơi. Hễ trông thấy tên nào đội mũ, đi hia, có lọng che, có quân hầu… là nó xà xuống dùng đôi móng quắp lấy, treo lòng thòng dưới chân, bao giờ tên đó chết cóng, nó mới thả xuống. Nhờ vậy, cha con chàng chăn dê chưa phải dùng đến sức, đến thanh gươm, mà kẻ hung bạo trong đời cũng phải vơi đi dần. Những tên còn sống sót đều trốn chui trốn nhủi, suốt ngày ru rú dưới gầm giường, trong xó tối.
Con rác bay dần về kinh thành. Lũ vua quan trong triều đã nghe tiếng con rác và cha con chàng chăn dê, nên càng trốn kĩ. Đôi cánh con rác quạt không đủ xiêu nhà tốc nóc vua chúa trong triều, nên lũ này còn tạm sống yên. Một hôm con rác bay qua chợ, trông thấy những rổ lươn của người ta bán. Thèm ăn đã lâu ngày, nó đáp xuống, ăn hết lươn trong dãy chợ. Hôm sau, rồi hôm sau nữa cũng thế. Con vật háu ăn không nhịn được. Biết được chuyện đó, tên vua sai lính đi bắt và đi mua thật nhiều lươn và trộn thuốc độc vào, rồi đem đặt ở những nơi con rác thường bay qua, nó hạ cánh xuống, nuốt gần hết số lươn tên vua đánh bẫy. Cũng may, nó cố đưa cha con chàng chăn dê về đến toà lâu đài rồi mới nằm rũ ra vì ngộ độc. Cũng từ đấy, cha con chàng chăn dê không thể đi diệt tiếp những tên hung bạo, vì không làm sao vượt qua hai xoáy nước chảy ngược chiều.
Vắng lâu không thấy con rác trở lại, bọn vua quan trong triều tưởng con rác đã chết. Chúng sung sướng vì đã trừ được một mối nguy, nên cùng nhau mở tiệc ăn mừng. Có một tên quan liều lĩnh và thâm độc, lạm dụng lòng nhân đức của cha con chàng chăn dê. Hắn tâu với vua:
-…Tâu bệ hạ… Ta phải giết cha con thằng chăn dê trước. nếu không sớm muộn nó cũng hại được ta…
Cả triều thần đều há hốc mồm ra nghe tên kia nói tiếp:
-Cha con thằng chăn dê không dùng gươm báu giết dân lành, chắc nó cũng không giết cả quân lính. Nhưng nếu nó có giết thì dân lành và quân lính chết chứ ta không chết …
Cả bọn vỗ đùi khen phải. Tên vua càng thích, vì đánh thắng cha con chàng chăn dê, hắn mới dẹp dược mối lo, lại chiếm được thanh gươm báu, và chắc chắn hắn sẽ dời đô về sống trong toà lâu đài bằng vàng. Hắn thưởng rượu cho tên quan liều lĩnh ấy và hỏi kế vượt qua khu rừng âm u, đầy hùm beo rắn rít và hai dòng nước chảy ngược chiều. Tên kia cao hứng:
-…Lửa…! Lửa đốt thì cọp cũng cháy, rắn cũng tiêu! Ta cứ bắt thật nhiều dân lành và quân lính chở rơm chở củi đến đốt khu rừng âm u. Đốt thật nhiều vào thì cọp beo rắn rết làm sao sống nổi? Sau đó… ta sẽ chặt tre, ngã gỗ, ném bổi, quẳng đá, đổ đất xuống lấp hố,… Hai dòng nước chảy ngược thì chỉ có thể nhận chìm cái gì nổi bên trên. Khi ta đã quẳng mọi thứ xuống nước đặc rồi thì làm sao mà có xoáy nữa.
Tên vua dắt tay tên kia đến gần chổ mình ngồi, rồi nói thêm:
-Lúc “nước đã đặc”, dẫu nó vẫn cứ chảy ngược chiều ta vẫn có thể làm bè đặt trên rơm bổi mà qua được. Khanh nói rất hợp ý trẫm.Trẫm giao việc đó cho khanh. Khanh hãy ráng lên, đừng để trẫm phải chờ đợi lâu…
Tên quan lịnh cho mỗi người lính và tất cả dân trong vùng phải chặt thật nhiều củi và gánh hết rơm khô. Hai thứ đó được đem để sẵn trong cửa rừng. Hắn chọn ngày khô ráo trong mùa gió mạnh, rồi nổi lửa lên đốt. Củi khô, rơm khô lại thuận gió, lửa bốc cháy ngút trời, khói bay mù mịt. Cánh rừng âm u bốc cháy dữ dội, hổ báo chạy toán loạn về phía sau. Rắn độc, rết to chết thiêu trong lớp lá mục củi khô.
Lửa chưa tàn. Mặt đất bị cháy còn nóng bỏng chân. Tên quan liều lĩnh đã thúc giục quân lính và dân lành đốn củi, chặt tre, cậy đá, chở đất đổ xuống hai dòng nước chảy ngược.
Tên vua chưa dám đến đây, nhưng đã rời khỏi ngai vàng, lên lập dinh đóng ở một khu vực gần đó. Đêm đến, hắn ra sàn trong đôi mắt thèm muốn nhìn những luồng ánh sáng kì ảo từ toà lâu đài toả lên. Từng khắc một, hắn hỏi việc làm cho “đặc nước” để lấy đường sang đó. Tên quan liều lĩnh cũng nóng ruột, hò hét dân, lính đỗ nhiều tre gỗ xuống hai dòng nước chảy ngược. Chẳng hiểu những thứ chúng nó trút xuống trôi đi đường nào, mà hai dong nước chảy ngược vẫn toà ra vô số sóng đá gà, ngầu đục bun đất. Vợ chồng chàng chăn dê và đứa con trai vẫn ung dung ở trong toà lâu đài vàng ngọc. Con rác không chết, nhờ hai liều thuốc sống của cha con chàng chăn dê nhưng nó nằm rũ rượi, bọt mép sùi mãi, lông xù lên và rụng dần. Vợ chồng chàng chăn dê ngày ngày mài ngọc mài vàng cho nó uống.
Công việc tiến triển không làm cho tên vua hài lòng. Ruột hắn nóng như lửa đốt. Và đêm đêm hắn vẫn trong đôi mắt them muốn nhìn những luồng ánh sáng hắt lên từ toà lâu đài. Hắn hò hét, quát tháo như điên, mắng chửi luôn mồm:
-Ta còn phải chờ đến bao giờ? Dong nước chưa biết sâu bao nhiêu, nhưng rõ ràng là không rộng. Chừng ấy người lấp không xuể thì lấy thêm quân thêm dân… lấy thêm voi, ngựa, trâu, bò,… Biển có thể lấp không cạn, chớ cái hồ bằng ấy mà lấp không nổi thì… lưỡi gươm của ta sẽ không chừa ai đâu?
Tên quan liều lĩnh đã biết mình mắc vạ. Vua xỉ vả hắn thậm tệ. Những tên quan khác cũng chửi bới hắn, vì phải chịu cảnh trên dao dưới thớt, nên hắn càng phải theo cuộc. Hắn xin vua cho đem hết quân lên đây, lại bắt hết dân chúng quanh vùng đem theo xe, trâu, rùi rựa… Dưới chân dãy núi chín tầng trước đây vắng vẻ tĩnh mịch, bây giờ ngày đêm ồn ào tiếng hò hét thúc giục, vang rền tiếng đốn gỗ, bẫy đá… Tên vua hầu như tin sức chừng ấy người, có thể lấp cạn dòng nước, nên đem cả triều thần lên đấy đôn đốc trợ lực.
Bấy giờ con rác đã được giải độc tuy lông nó vẫn còn xù và rụng hết quá nữa. Một hôm vợ chồng chàng chăn dê đang cạy mỏ nó để đổ nước ngọc nước vàng vào. Bỗng nhiên con rác nắm phục xuống, chớp lia hai đầu cánh. Chàng chăn dê biết đó là dấu hiệu nó muốn chở mình đi, nên cầm thanh gươm báu bước lên lưng nó. Vợ và con trai chàng cũng đòi theo. Chàng bảo :
-Con rác đang bệnh không đủ sức chở cả ba người. Để một mình ta đi. Hai mẹ con ở lại.
Con rác bay vù đến chỗ tên vua đang lập dinh ở giữa rừng. Tên vua đang lâm triều. Cả triều thần văn võ của chúng không thiếu mặt nào. Con rác nghiêng cánh. Chàng chăn dê biết cơ hội tốt đã đến rồi. Bây giờ diệt lũ này, cầm chắc sẽ không lầm một ai. Chàng nghiên thanh gươm. Thép gươm toả ra muôn ngàn ánh hào quang, nóng hơn sắt nung lửa đỏ. Tên vua và cả triều thần đều co rúm. Thân thể chúng thu nhỏ lại, vàng sém rồi cháy thành than !
Đám dân lành và những người lính đang chặt tre, đốn gỗ… chỉ chờ có thế. Khi thấy ánh hào quang của lưỡi kiếm báu, rồi lửa cháy bùng lên chỗ dinh vua, họ lập tức kéo nhau ra về; lòng hể hả sướng vui, vô cùng cảm ơn chàng chăn dê.
Từ đó vợ chồng chàng chăn dê sống hạnh phúc trong toà lâu đài vàng ngọc. Sau lần đi cuối cùng, con rác đã đuối sức. Tuy được vợ chồng chàng chăn dê ngày đêm săn sóc, sem nó như ân nhân, nhưng con rác chỉ còn đủ sức làm chiếc cầu cho cha con chàng qua lại hai dòng nước ngược chứ không đủ sức chở cha con chàng bay khắp vòm trời diệt trừ hung bạo như trước được nữa…./.