Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






ĐƯỜNG LÀNG





N ơi tôi sinh ra không có dòng sông, không có mái chèo đưa đẩy nhưng không vì thế mà kém vẻ nên thơ, đáng yêu của một làng quê thanh bình. Ai cũng có một vùng quê để yêu để nhớ, để canh cánh về một thời thơ ấu đã qua, để luôn mong mỏi quay về nếu phải lặn lội, bôn ba nơi xứ người bởi miếng cơm manh áo.

Làng tôi xanh. Xanh ngắt một màu khoai, lúa và lũy tre già đăm chiêu trầm mặc. Người ta lập làng trên những gò đồi thâm thấp liền kề nhau, tiện khi tối lửa tắt đèn còn đất bằng phẳng dành để canh tác.

Dọc dài theo làng là con đường khá rộng trải sỏi gan gà có màu đo đỏ, mùa mưa không bao giờ sình lầy. Hai bên đường là tre xanh. Đường đi đến đâu tre xanh đến đó. Tre che phủ hầu như kín mít con đường, chỉ chừa vài khoảnh trống lỗ chỗ để nắng vàng có nơi tung tăng nhảy múa, làm rực lên màu áo ai đó khi đi ngang qua.

Đời quê gắn với con đường, cánh đồng và lam lũ. Nên người quê có thể không ra đồng nhưng không thể không ra đường, trừ khi đau ốm, bệnh tật. Đường quê đưa họ tới chợ, đưa con cái họ tới trường, đưa đi chuyện này công kia.

Ngày qua ngày, người ta không nghĩ nó là con đường nữa mà liên tưởng đến một hình ảnh khác thật gần gũi, thật thân quen như sân nhà mình hay lối ngõ nhà mình nên một ổ gà, một vũng nước đọng người ta cũng nhớ như in. Càng nhớ hơn khi vào những mùa hoa như hoa gạo, hoa xoan, hoa phượng hay nhiều loài hoa khác nữa có tính báo hiệu về thời gian, thời tiết để người ta liệu định việc gieo cấy cho thích hợp. Với tôi, hay và dễ thương nhất là hoa dã quỳ, chúng mọc bất cứ nơi nào có đất trống và nở hoa vào cuối mùa mưa. Thấy hoa dã quỳ là thấy ánh mặt trời, điều đó chưa bao giờ sai nên người ta yêu mến gọi chúng là hoa báo nắng.

Làng tôi không có nhiều trâu bò nên con đường cũng vì thế mà thơm tho, sạch sẽ. Ngày xưa, người quê giữ lửa bằng than củi trong bếp, vùi lên một lớp tro mỏng để than không tắt và không nhanh tàn. Thời ấy, người quê cũng không có bật lửa hiện đại như bây giờ, nhà nào có cái bật lửa hiệu Bình Định là oách lắm. Loại này làm bằng nhôm, có nắp rút ra đậy vào, tim se bằng bông gòn nên rất nhạy lửa. Nhà nào không có bật lửa mà muốn đốt đồng thì phải mang theo que củi rều còn đang cháy ngún.

Ngày ấy, chúng tôi còn nhỏ nhưng không làm thế, chỉ cần một cục phân bò khô to bằng nắm tay lượm được trên đường là chúng tôi có thể mang lửa đi khắp đồng này đồng kia.

Phân bò khô cháy đượm như nhang nên buổi sáng đốt một đóm nhỏ ở nhà rồi đem ra đồng, cất ở đâu đó. Trưa, vò nhúm rơm khô rồi dúi vào cục phân bò ấy và thổi lên là có lửa ngọn để nấu cơm, canh nóng hổi ngon lành.

Đó cũng là “ bếp lửa “ của các bé gái quê chơi đồ hàng. Cắm ba que nhỏ xuống đất làm ông táo rồi lượm mẻ chén hay be sành gì đó làm nồi niêu xoong chảo nấu nướng. Gạo là cát sông, canh xào là rau cỏ, thịt thà là châu chấu, cào cào…Nghe, cũng thòm thèm đấy chứ. Chính vì thòm thèm nên nhớ mãi, nhớ hoài.

Giờ thì đường làng tôi đã bê tông hóa cả rồi. Màu đá gan gà ngày xưa chỉ còn trong ký ức, nhưng mỗi khi về quê đi trên con đường thảm bê tông ấy tôi vẫn nghe tiếng sồn sột, sào sạo của sỏi, của lá tre khô, của tuổi thơ chân chất ngày nào. Hàng tre hai bên đường làng tôi vẫn còn, hồn quê vẫn xanh biêng biếc.

Cảm ơn quê đã giữ gìn giùm tôi tuổi thơ.