Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








DẠ!




    N hà văn trẻ, ấy là nói ông mới cầm bút sáng tác chứ thực ra tính cho tròn tuổi đã bảy mươi. Nghề lạ cứ mới ra mới làm mới bắt đầu coi như trẻ không cần biết nguyên nhân căn cớ có sự mới đó từ đâu bao giờ?. Mà không rõ có phải nghề không?. 

Thôi như vậy cũng được nhưng Hà Nhơn không đồng ý:

"Nói thế hóa ra..."

Bạn ông cùng nghề nhưng nhỏ hơn ông cả hai chục tuổi thì bảo kệ thiên hạ ông không cầm bút thì mắc mớ chi ai đàm với luận. Đạo đời mà!.

Hà Nhơn nói:

"Sáng tạo. Đã viết văn là sáng tạo. Mà bảo..."

Ý của Hà Nhơn rõ mồn một. Ví như hàng trăm truyện viết ra tất cả đều không giống nhau mỗi truyện một sắc thái một dáng vẻ nhân vật thì muôn hình vạn trạng tốt xấu lẫn lộn không gian thời gian đan xen xưa có nay có nhiều khi lấy xưa nói nay...

"Dạ em biết nhưng..."

Thi Thi bạn đồng nghiệp từ tốn trả lời chưa dứt câu Hà Nhơn cắt ngang:

"Nhưng nhụy gì!. Cái buổi nhìn đâu cũng..."

Tới lượt Thi Thi:

"Dạ!. Em xin anh đừng huỵch toẹc em hiểu em hiểu..."

"Thời Vũ Trọng Phụng người viết văn bị coi là người thất nghiệp, giờ...?"

"Dạ!"

Thi Thi hay dạ:

"Dạ. Anh nói em nghe"

"Giờ..."

Thi Thi lẳng lặng nghe nhưng Hà Nhơn lại dừng rồi nhìn lơ đãng ra ngoài sân nơi những chậu kiểng đang thèm nước lá cành ẻo lả dưới ánh nắng chói chang. Bông mào gà một loại bông chịu đựng khô hạn thế mà trông có vẻ xàu xàu chứ không tươi màu huyết dụ.  Thi Thi nãy giờ pha xong tách trà là lá cây mật gấu. Độ này các loại cây lá vừa uống chữa bệnh vừa thay thế nước chè nước trà đang thịnh hành tác dụng tới đâu chưa chắc chỉ biết tự hái ngay trong vườn nhà thì yên tâm dùng.

Thi Thi chậm rãi rót nước lá mật gấu màu xanh nhạt vào hai ly thủy tinh.

"Ông anh yên trí. Cái gì đến sẽ đến. Em biết ông anh viết truyện là có ý. Bởi mọi chuyện như..."

Tới lượt Thi Thi bóng gió.

"Không bóng không gió nghe!, Mới nghe chuyện gì xảy ra?"

"Dạ!"

Thi Thi dạ xong rồi ngồi im nhìn Hà Nhơn. Con người là động vật lạ lùng bên trong cái đầu chứa những điều gì khó mà suy đoán trừ tin tưởng và tin tưởng... Có lần Thi Thi hỏi Hà Nhơn:

"Ông anh có khi nào đoán được em đang nghĩ gì?"

"Thành thực và dối trá"

"Ông anh muốn nói..."

"Cuộc sống vạn trạng muôn hình biết sao hết"

Hà Nhơn chợt nhớ điều gì.

"À Thi Thi nghe chuyện này:"

"Để nuôi mẹ mắc bệnh nặng và em trai đang học đại học, mỗi ngày cô gái trẻ đẩy một chiếc xe ba bánh nhỏ bày quầy bán hàng bên đường, nhưng người con gái nghèo khó ấy lại được một người đàn ông đặc biệt để ý tới.

Hàng ngày, cô có thể kiếm được 200 – 300 nghìn tiền lãi. Lúc buôn bán không tốt, có thể là do thời tiết lạnh, nếu như gặp phải đội trật tự đô thị thì chỉ biết liều mình chui vào trong hẻm nhỏ.

Anh thường xuyên đến chỗ của cô ăn mì, hơn nữa luôn ăn mì thịt lợn có giá rẻ nhất. Ngẫu nhiên, cũng biết trò chuyện với cô mấy câu, phần lớn là hỏi một ngày cô kiếm được bao nhiêu tiền, bán hàng có tốt không, v.v…

Anh ăn mặc rất bình thường, mỗi lần đều là đi bộ đến ăn mì cho nên cô chưa từng nghĩ anh là một người có tiền tài gì. Thậm chí, cô cảm thấy anh rất nghèo, nhất định còn rất lười, chẳng bao giờ tự mình nấu cơm nên mỗi ngày mới đến cửa hàng vỉa hè của cô ăn mì.

 Cho đến một ngày, anh hỏi cô có bạn trai chưa. Cô nói: “Cô nghèo như thế, trong nhà còn có một người mẹ bị đột quỵ, còn có một em trai đang đi học, ai mà dám yêu chứ?”

Anh buột miệng nói một câu: “Cô thật chân phương, vừa hiền hậu lại nết na… “. Cô không dám nhận lời làm bạn gái của anh, nhưng sau đó mỗi ngày vào 6 giờ chiều anh đều xuất hiện đúng giờ, giúp cô thu dọn. Cứ như vậy, anh qua lại với cô.

Anh đã mấy lần muốn đưa cô về ra mắt cha mẹ của anh, nhưng cô cảm thấy rất áp lực, luôn tìm mọi lý do để không đi. Tới năm sau, sức khỏe mẹ cô đỡ hơn nhiều, cô mới quyết định theo anh về nhà ra mắt cha mẹ. Khi đến nhà của anh, cô đã hết sức kinh ngạc. Nhà anh ở là biệt thự, mà cho đến bây giờ anh không nói cho cô biết điều này.

Anh nói, cha anh đang mắc bệnh Alzheimer, có lúc tỉnh táo có lúc hồ đồ.

Anh kể lại: Có lần cha đi ra ngoài không nhớ đường trở về, vừa lúc đói bụng ngồi ở quầy hàng của cô ăn một tô mì còn thừa của người khác. Lúc ấy cô không có trách mắng ông, chỉ đi thu dọn tô mì còn thừa rồi mang tới cho ông một tô mì mới. Cho đến khi dọn quán, phát hiện ông lão vẫn chưa đi, cô hỏi thăm mới biết ông lạc đường tìm không thấy nhà, vì vậy cô đưa ông đến đồn cảnh sát.

Hành động rất bình thường này rõ ràng đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời của cô. Sau khi ông lão về nhà, nói đến cô, từ đó chồng của cô thường xuyên tới quán của cô ăn mì. Anh nói, ban đầu anh chỉ đến quán của cô ăn mì, tìm một cơ hội trả cho cô một ít tiền cảm ơn. Nhưng sau đó, không biết tại làm sao, cảm thấy mì càng ăn càng ngon…

Bây giờ, chồng cô đã tìm cho cô một mặt tiền, cô đã có sự nghiệp của mình, cha mẹ chồng rất yêu thương cô, cô rất cảm ơn cuộc sống hiện tại. Hôm nay, em trai của cô cũng tốt nghiệp, cô cũng đã mang thai, cuộc sống mới tốt đẹp chẳng phải vừa bắt đầu sao? Trải qua những khổ cực trước kia, bây giờ cô có được những gì? Mỗi lần nghĩ tới điều này cô đều cảm thấy ấm áp.

♣ ♣ ♣

Cô gái thật may mắn! Một người phụ nữ phải cố gắng để sống, cuối cùng cũng được thần may mắn mỉm cười. Không bị số phận đánh bại, không hề cúi đầu trước khó khăn, không buông bỏ tương lai của mình, chỉ cần cố gắng hết sức, phía trước nhất định sẽ có ánh rạng đông.

Tình yêu chân thành, có thể gặp nhưng không thể cầu, quý trọng người yêu hiện tại. Cho dù bạn đã bị tổn thương như thế nào trong cuộc sống, chắc chắn một ngày sẽ có người ấy xuất hiện, cho bạn sự chân thành và thông cảm với tất cả khó khăn của bạn, san bằng tất cả những đau đớn trong lòng bạn.

Bạn đã từng ra tay giúp đỡ một người, lúc này bạn là quý nhân của họ. Có lẽ một ngày, người ấy cũng sẽ trở thành một người dang tay giúp đỡ bạn, trở thành quý nhân của bạn. Cảm ơn người khác đồng thời cảm ơn chính mình đã có được phẩm chất thiện lương kiên cường. Mang theo sự cảm ơn trong tâm, tiếp tục cuộc sống hạnh phúc."(*)

     "Cuộc sống là vậy đó!. Đôi khi..."

Hà Nhơn kể xong câu chuyện rồi nói với Thi Thi. 

Thi Thi nãy giờ ngồi bắc chân chữ ngũ mắt lim dim như ngủ kỳ thực đang nghe Hà Nhơn kể không sót chữ nào. Thi Thi chưa bao giờ mất hết niềm tin vào cuộc sống nhưng bảo không dao động là chưa đúng. Hỏi vật thể trong cái ao vẩn đục chóng chầy cũng nhiễm bẩn chứ khó bề miễn được. Lý luận suông có thể thế này thế kia khi thực tế mới rõ. Sự vô đạo ở đây không với tới tông giáo chỉ nói lý lẽ cuộc đời đã thiên biến vạn hóa..

Vô đạo nằm ở trong bụng chứ ở đâu. Hà Nhơn tính nói nhưng kịp dừng lại. Thi Thi giờ khác. Tiền và bạc đi đôi. Nhớ hồi Thi Thi chưa có tiền nhiều như glờ (có tiền nhiều chứ không giàu) mọi chuyện khác xa. Trước hết là làm ra vẻ "có" tiền. Có chút rủng rỉnh thôi đã này nọ... Thi Thi lại thêm chút quyền gì nữa mọi sự việc càng chóng vánh thay đổi.

Hà Nhơn nghĩ mung lung trong khi Thi Thi có vẻ ngộ ra điều gì đó sau khi nghe câu chuyện về cô gái hình như những tranh giành bon chen mà Thi Thi thường cảm nhận ở xung quanh nơi làm việc tựa ở chợ khác chút không ồn ào sự câm lặng có thể do nhiều lý do khách quan hoặc chủ quan đưa lại dần dần thành thói quen đến nỗi vô cảm không hay biết Thi Thi khen Hà Nhơn viết truyện nào cũng hay hay nhất là chi tiết truyện rất thật.  Không như Thi Thi chủ yếu lách nhiều viết ít hễ việc gì lợi lộc khó mấy cũng chui còn không xin lui đúng quy trình vừa giữ được cái tiếng lại chẳng rầy rà. Thi Thi biết làm thế bị khinh khi nhưng...

Cho nên khi Hà Nhơn nói đến sự trung thực và dối trá mặt Thi Thi đổi sắc Hà Nhơn đánh trống lảng:

"Nói vậy mà không phải vậy!."

Thi Thi nói như kiểu mớ ngủ:

"Dạ!. Em biết!"

"Mà cụ thể biết gì?

Hà Nhơn hỏi.

"Ông anh không đánh đĩ ngòi bút"

Hà Nhơn  không ngạc nhiên khi Thi Thi nói thế. 

"Còn Thi Thi?"

"Dạ ông anh kể em làm gì!"

"Không được! Đừng... Dẫu gì..."

"Dạ vì vậy em mới..."

Thi Thi dừng câu nói nữa chừng.

"Thôi đừng...!"

"Dạ!."

Thi Thi lại dạ./.

(*) Huy Hoàng