Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







NGƯỜI VẼ THỜI GIAN




  
        

K hông ai ngờ anh Phương bước vào nghề hội họa. Mọi người ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy anh Phương mang đến một bức tranh tặng cho chủ nhà nhân ngày tân gia. Khi thấy chủ nhà mở lớp giấy bao ở ngoài rồi đưa lên cao cho mọi người cùng nhìn thấy. Ai cũng trầm trồ khen ngợi. Bức tranh mô tả cảnh sông Hương với cầu Trường Tiền dưới ánh nắng ban mai có bầu trời xanh biếc, cận cảnh là những khóm hoa tươi thắm. Nhìn bức tranh ai cũng khen ngợi tác giả đã đem đến cho mọi người cảm giác vô cùng thoải mái.

Trong số khách đến dự, có một ông lên tiếng:

- Tôi thấy bức tranh này không diễn tả hết vẻ đẹp của cầu Trường Tiền. Màu sắc không được hợp lắm.

Mọi người không ai đáp ứng lời phê bình của ông khách này mà chỉ phớt lờ như không nghe, không thấy. Chủ nhà đặt bức tranh lên một cái tủ sát tường để mọi người có thể nhìn thấy dễ dàng và mời mọi người vào bàn chuẩn bị ăn uống

Rõ ràng ông thực khách kia có cái miệng “không thơm” đi phê phán bức tranh không hợp tình hợp lúc chút nào. Ông ta muốn chứng tỏ mình hiểu biết về hội họa, nhưng sau này hỏi lại ông ta không phải là họa sĩ, cũng không hề làm việc gì liên quan đến công việc vẽ vời. Anh Phương cũng ngồi vào bàn ăn và cũng không hề quan tâm đến lời phê phán vừa rồi. Anh bước vào công việc hội họa này vì sở thích và ước mơ từ nhỏ nhưng không có cơ hội, hay là duyên để thực hiện hoài bão của mình. Mãi đến nay tuổi đã về chiều, về hưu, con cái đã thành đạt và có công việc làm tốt, và có hẳn gia đình riêng để chăm sóc. Anh đi mua cọ, màu và giá vẽ rồi bắt đầu làm công việc của một họa sĩ nghiệp dư. Ai thấy anh Phương cầm cọ múa may trên khung vẽ đều trầm trồ khen ngợi:

- Ông này tìm việc làm cho tuổi già thật là “trúng bề trúng khía”

Đúng vậy, tuổi già, về hưu rồi không có việc làm. Buồn lắm. Nhiều người lớn tuổi, không tìm việc gì làm cho hết thời gian đâm ra quẩn trí sinh cáu kỉnh, dễ dàng gay gắt với vợ con. Có người hết “đo” bộ sa-lon, đến “đo” cái giường ngủ, mải miết đọc báo, đọc luôn cả phần quảng cáo không cần biết có muốn mua sản phẩm nào không, rồi đọc qua phần rao vặt, bán nhà bán đất. “Đo” ở đây là nằm dài trên canapé(1) đã rồi nằm lên giường, có khi “đo” luôn sàn gạch cho mát những khi thời tiết nóng bức. Có ông đọc tới phần quảng cáo cho người mua lãi suất không (0) phần trăm rồi càu nhàu:

- Trên đời mới thấy chỉ có ở Việt Nam bán hàng trả góp lãi suất không phần trăm!

Ông già này càu nhàu cũng phải. Chỉ có thiểu năng trí tuệ mới không biết tăng giá bán lên rồi chia nhỏ ra thành số tiền trả góp hằng tháng sau đó quảng cáo là lãi suất 0%. Cũng có ông càm ràm về cái vụ quảng cáo miễn thuế giá trị gia tăng cho khách hàng:

- Cái tiệm này làm như người dân không có tố chất thông minh nào hết mới dám dành quyền của cơ quan chức năng để tuyên bố miễn thuế giá trị gia tăng cho khách hàng.

Gần xóm anh Phương có ông già tuổi cũng “gần miền” rồi. Buổi sáng bỏ một giờ để đi tập thể dục, rồi về nhà thơ thẩn ra vào, hết đọc sách, đọc báo đến nghe nhạc, và ngồi vào máy để “chéc meo”(2). Cũng hay, ông này còn may mắn làm quen với máy vi tính. Ông cũng biết lên mạng đọc báo điện tử, lên “phây”(3) làm quen với người này người nọ. Bạn bè ông cho ông là ông già “hai-téc”(4) và đặt cho ông cái tên là “chuột ăn khoai tây”(4). Nhờ đọc nhiều nên kiến thức ông cũng rộng thêm ra. Cho nên khi ông “lắng nghe” những chương trình quảng cáo các loại thuốc thực phẩm chức năng, ông mới “thấu hiểu” rằng các “nhà” quảng cáo đã đánh lận con đen với các cơ quan y tế. Họ đã đọc trên quảng cáo cái câu nghe hoài riết thuộc lòng: “sản phẩm không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” với tốc độ nhanh như tốc độ… ánh sáng. Một cô giáo dạy văn ở lớp 5 chắc cũng có thể cho 2 điểm với lời phê câu dài dòng cố ý làm cho câu trở nên tối nghĩa. Có lẽ các nhà quảng cáo muốn như vậy và các cơ quan y tế cũng phớt lờ không (?) điều kiện. Khán thính giả cũng không thèm để ý luôn rồi truyền khẩu từ người này sang người khác cho đó là thần dược. Nói về mặt tâm lý, một người chẳng may bị ai đó dụ dỗ mua một hộp thực phẩm chức năng về nhà uống không hết bệnh nhưng lại rất mạnh miệng đi dụ dỗ người khác mua về uống cho mau hết bệnh để lấy lại hoa hồng. Cho dù không lấy lại được hoa hồng, con người khờ khạo này cũng nói cho mọi người biết “thuốc này hay lắm tôi uống vô ăn được, ngủ được, da dẻ hồng hào nè, nè…” Chắc chắn ông ta nghĩ rằng nếu nói rõ lại câu quảng cáo: “đây không phải là thuốc, không trị được bệnh”, người ta sẽ cho là ông bị thiểu năng trí tuệ. Ông già “hai-téc” còn nói:

- Còn nữa, người ta dịch từ ngữ nước ngoài là “thực phẩm chức năng” không chính xác chút nào. Coi lại từ điển thì phải dịch là “thức ăn bổ dưỡng” chứ không làm chức năng, chức phận gì cả. Mà cũng lạ thức ăn bổ dưỡng mà lại cho bán ở nhà thuốc tây trong khi thức ăn này không trị được bệnh.

Thấy ông “hai-téc” hết phê bình chuyện này đến phê bình chuyện khác. Có người đề nghị:

- Xin nâng cấp ông này lên là ông “ba-téc” hay “bốn-téc” chứ ổng nhiều ý kiến quá…

Bữa tiệc tân gia ở nhà người bạn anh Phương còn đang rỉ rả kéo dài trong niềm cao hứng có chừng mực. Đột nhiên có người ngồi đối diện hỏi anh Phương:

- Anh ra tận nơi ngồi vẽ hay là vẽ bằng ký ức vậy?

- Dạ không vẽ tại chỗ mà cũng không vẽ bằng ký ức.

- Là sao anh?

- Đơn giản thôi. Tháng trước tôi ra Huế chơi tôi chụp mấy cảnh ở cầu Trường Tiền. Về nhà chọn tấm ăn ý vẽ lại. Khó là ở chỗ pha màu cho đúng.

- À ra vậy. Trước đây anh có học vẽ ở đâu không anh.

- Có chứ anh. Không học làm sao tôi vẽ được như thế này. Nhiều bạn tôi không biết tôi có đi học vẽ, thấy tôi có tranh tặng bạn bè, họ kháo nhau: “Nó mà vẽ cái gì!”

- Anh có học ở trường Mỹ Thuật không?

- Không! Tôi học một đàn anh ở Hòa Hưng gần chỗ tôi ở trọ. Anh ta là họa sĩ đồng thời với mấy ông thầy giáo ở trường Mỹ thuật. Lúc đó Liên Xô qua dập dìu. Anh ta vẽ tranh bán không kịp. Thấy tôi thất nghiệp anh bảo tôi đến cho anh dạy vẽ. Anh coi bộ thương tôi nên cho mượn giá vẽ, màu, cọ cứ lấy của anh mà xài. Tôi chỉ phải trả tiền khung vải do anh nhượng lại với giá bèo. Đó, rồi tôi vào nghề...

Nhưng chỉ bốn tháng sau, anh Phương tìm được việc làm phải thường xuyên đi tỉnh công tác nên phải giải nghệ. Thế rồi dòng đời trôi nổi, Khi hai con anh lớn lên có cuộc sống gia đình ổn định thì anh Phương cũng đến tuổi rửa tay gác kiếm.

Về hưu rồi anh Phương thấy sao nhàn rỗi quá. Anh ra mấy tiệm bán dụng cụ vẽ mua cọ màu, giá vẽ. Anh mua luôn sáu bảy cái khung vải đủ mọi kích cỡ. Anh tìm những tấm hình cũ về phong cảnh ở những nơi anh đã đi qua rồi dùng cọ và màu cóp-py lên khung vải. Vậy là anh đi vào con đường sáng tác nghệ thuật giống như những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Có khác chăng là anh không có bộ râu xồm xàm, đầu cạo trọc hoặc để dài rồi cột đuôi chồn phía sau và đeo kính đen như những hiệp sĩ đười ươi bảo vệ các yếu nhân trên màn ảnh.

Anh Phương quan niệm rất thoải mái. Cứ có tác phẩm là có nghệ thuật. Nghệ thuật rất bao la phong phú biểu hiện dưới mọi hình thức khác nhau. Không có một tiêu chuẩn nào hay một quy luật nào bắt buộc người làm nghệ thuật phải tuân theo. Ngay cả trường hợp nhiều người làm thơ 7 chữ 8 câu nhưng phá cả nguyên tắc, niêm luật của thơ Đường cũng không ai phê phán gì cả. Mỗi tác giả đều có cách riêng tư để diễn tả những cảm xúc, những rung động tình cảm của mình. Có người thấy bạn mình vừa cho xem bài thơ vội phê bình liền: “ý thơ không đạt”. Tác giả cảm thấy cụt hứng, nhưng không biện bạch gì cả vì biết rõ ràng anh bạn này chưa từng làm được bài thơ nào nhưng lại thích phê bình. Có người không biết còn lên giọng “thầy”, phán búa xua: “Từ ngữ này không hay nên thay bằng từ khác”. Thật ra tác giả một bài thơ, một bài văn khi dùng từ ngữ nào đều có ý đồ riêng biệt để diễn tả tâm tư của mình. Người khác nếu không thích thì đừng đọc bài thơ đó. Nếu thật sự muốn tìm hiểu thì nên hỏi tác giả để được giải thích.

Đa số những người cao tuổi đều muốn tìm những thú tiêu khiển, vui sống quãng đời còn lại, có người viết văn, làm thơ, viết nhạc, nghiên cứu các vấn đề xã hội, về hạnh phúc gia đình để đi diễn thuyết chỗ này chỗ nọ. Chỉ tiếc là có một số người thích tìm cách chê người khác như là: “anh ta viết nhạc, ai mà hát cho”. Cái tâm lý hay chê người khác do từ cái mặc cảm muốn che đậy sự kém cỏi của mính. Chê bai trước là đòn “phủ đầu” không muốn cho người khác giỏi hơn mình.

Ở một lãnh vực khác, anh Phương có người bạn thân lâu ngày gặp lại, trao đổi đủ thứ chuyện trên đời. Khi nói về một quan niệm sống, người bạn không đồng ý và trình bày với ý kiến ngược lại. Anh Phương muốn giải thích để quan niệm của anh được rõ ràng hơn, nhưng anh bạn kia đã lên mặt “thầy” và nói: “Mầy suy nghĩ như vậy làm sao dạy dỗ con cái?”. Anh Phương thấy rõ ràng trí tuệ của anh bạn này đã bị giới hạn đáng kể. Anh kết thúc vấn đề bằng cách chuyển sang đề tài khác.

Một buổi sáng anh Phương ra quán Bà Sáu nhâm nhi một ly cà phê đá. Một người bạn cùng xóm bê một ly cà phê sang bàn anh ngồi, gợi chuyện:

- Sao, bán được tấm nào chưa, họa sĩ?

- Cho tôi xin thêm một chữ “cùi”, “họa sĩ cùi”. Có bán được tấm nào đâu, chỉ là tặng bạn bè thôi. Mình đâu phải là dân chuyên nghiệp, hơn nữa già rồi. Vẽ vời chơi để giết thời gian.

- Sao anh không đem ra phòng Trưng bày gửi bán?

- Trời! Anh nói làm tôi thẹn thùng! Đó là nơi dành cho các họa sĩ tốt nghiệp trường lớp đàng hoàng, có thương hiệu rồi. Mình làm sao bì với các bậc cao nhân đó.

- Vậy là anh vẽ rồi để đó coi chơi, không nhằm mục đích gì hết.

- Dạ đúng, tôi vẽ thời gian và… để chính mình thưởng thức…/.
_________

1. Ghế nệm dài trong bộ salon.
2. Check mail
3. Facebook
4. High-tech = công nghệ cao
5. Lấy từ chữ “mouse potato”= người ghiền máy vi tính.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển