Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Cô Tô QuảngNinh






CHUỖI NGỌC XANH CÔ TÔ



  
        

I

Là huyện gồm năm chục đảo lớn nhỏ nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, có ba đơn vị hành chính cấp xã: một thị trấn mang tên Cô Tô, xã Đồng Tiến, Thanh Lân và một số dân đảo Trần. Ngót sáu ngàn người với 1500 hộ sinh sống và canh tác trên diện tích bốn mươi sáu cây số vuông địa hình đồi núi. Đỉnh Cáp Cháu trên đảo Thanh Lân cao 210 m. Đỉnh đài khí tượng trên đảo Cô Tô lớn cao 160 m. Chung quanh là những đồi núi thấp và những cánh đồng hẹp, ven đảo, những bãi cát nhỏ và vụng nhỏ. Chủ yếu là đất rừng thưa. Đất nông nghiệp hơn 700 ha chiếm 20% diện tích đất tự nhiên. Trong đó một nửa có khả năng cấy lúa, trồng màu. Phần còn lại chỉ chăn thả gia súc và trồng cây ăn quả.

Vì địa hình như thế, Cô Tô chỉ có một số con suối ngắn. Những năm hạn hán, các cô giáo phải mang theo ống bơ gạn chắt từng chút nước. Nay dân đắp đào hình thành 22 hồ đập lớn nhỏ với tổng dung tích trên 570.000 m3. Nhiều công trình đầu mối bảo đảm an toàn hồ chứa, bảo vệ dân cư sinh sống ở hạ lưu công trình. Nước ngầm đã phong phú, trong lành và ổn định. Trên các đảo có nhiều chủng loại thảm thực vật mà các nhà khoa học còn phải giành thời gian đi sâu, nghiên cứu kỹ. Rừng tự nhiên đa dạng với nhiều loại gỗ tốt. Chục năm gần đây, rừng trồng đã lên xanh, đã khép tán gồm phi lao, bạch đàn, thông đuôi ngựa...Trên đảo Thanh Lân còn cam, quýt, chuối…dần trở thành sản phẩm hàng hoá nổi tiếng trong tỉnh. Các đảo ẩn chứa nhiều loại dược liệu quý hiếm đã khai thác cạn kiệt. Động vật hoang dại từ xa xưa khá nhiều nhưng bị săn lùng đến tuyệt chủng. Ngay nghề đánh bắt sá sùng, tôm, cá, mực... ở đảo Cô Tô cũng cạn kiệt. Nhiều loại hải sản bị cấm khai thác. Các loài thú xưa rất nhiều như khỉ, nai, hoẵng, lợn rừng…giờ vắng bóng nhưng đảo đang xây dựng, tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu Mực ống, Cá ruội mang thương hiệu Cô Tô.

Theo lời các cụ già trên đảo, nơi đây có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng). Từ lâu đời, thuyền bè ngư dân Vùng biển Đông Bắc gọi Cù Su mỗi khi nhắc đến miền đảo đã giúp họ khai thác hải sản và tránh bão. Cô Tô có thể do chữ Cù Su gọi chệch mà thành. Dân chưa định cư lâu dài vì luôn bị những toán cướp biển quấy phá, giết chóc. Đầu thời Nguyễn, một số ngư dân Trung Quốc lùng bắt, đánh tan những toán cướp biển và xin được nhập cư sinh sống cùng với dân Việt.

Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng Đốc Hải An (Hải Dương - An Quảng) xin triều đình cho lập làng xã. Làng đầu tiên được đặt tên là làng Hướng Hoá. Nhà Nguyễn thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển. Dân cư đông dần, phần lớn là người gốc các dân tộc thiểu số ở vùng ven biển Quảng Đông, Phúc Kiến và đảo Hải Nam.

Thời Pháp thuộc, Cô Tô là một tổng gồm năm xã: Đông giáp, Nam giáp, Tây giáp, Bắc giáp, Trung giáp thuộc châu Hà Cối phủ Hải Đông tỉnh Hải Ninh. Sau ngày Nhật đảo chính, Pháp quay lại chiếm đóng Cô Tô. Chúng lấy đây làm địa bàn, đưa tàu chiến vào quấy rối vùng biển Hòn Gai và cảng Hải Phòng. Tháng 11 năm 1946, Đại đội Ký Con giải phóng quân từ Hòn Gai dùng tàu chiến Le Créyac mới chiếm được của Hải quân Pháp tiến ra giải phóng Cô Tô nhưng không thành công. Cuối năm 1955, thực hiện Hiệp định Genève, quân Pháp mới rút khỏi đảo.

Đầu năm 1954, Cô Tô là xã thuộc huyện Móng Cái, sau đó là hai xã đặc biệt trực thuộc tỉnh. Từ 1964, hai xã đã sát nhập vào huyện Cẩm Phả.

Kinh tế Cô Tô phát triển đến đỉnh cao. Vào năm 1977, Cô Tô - Thanh Lân đã trở nên sầm uất, dân số tới 6740 người. Đến cuối năm 1978, người gốc Hoa về Trung Quốc, trên đảo chỉ còn lại 10% dân số. Mọi hoạt động sản xuất suy giảm đáng kể.

Năm 1994, chính phủ ra quyết định tách quần đảo Cô Tô ra, thành lập huyện Cô Tô. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ về giá điện, giá xăng dầu, xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng. Hàng ngày nếu điều kiện thời tiết thuận lợi đều có tàu khách Vân Đồn - Cô Tô, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Ngày 16 tháng 10 năm 2013, Cô Tô chính thức có điện lưới quốc gia sau khi hoàn thành dự án đưa điện ra đảo trị giá 1106 tỷ đồng đã làm nức lòng bà con sinh sống tại nơi đây. Có người đã khóc khi dòng điện về sáng choang sân nhà, góc bếp.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã đưa Cô Tô vào danh sách 1 trong 10 đảo, cụm đảo trên lãnh thổ Việt Nam được lựa chọn để tiến hành điều tra cơ bản là khu vực quan trọng trong việc quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia.


II

Theo tàu cao tốc hiện đại đưa khách ra Cô Tô. Chỉ sau bảy mươi phút, chúng tôi đã đặt chân lên đảo. Vào ngày nghỉ cuối tuần công sở không làm việc, chúng tôi vẫn được anh Phạm Quang Huy và cô Nguyễn Thị Mai chánh, phó văn phòng huyện chỉ dẫn chu đáo, tận tình. Anh Huy đã lái xe đưa chúng tôi đi tham quan những phong cảnh, vị trí đặc biệt trên Cô Tô. Chúng tôi được giới thiệu vào nhà cụ Bùi Đức Bổng - một cựu chiến binh - cùng cụ bà Nguyễn Thị Thau ra Cô Tô tháng 4 năm 1976. Cụ Thau làm công tác hội phụ nữ hơn hai mươi năm trên đảo.

Với giọng nói sục sôi của người vùng biển, cụ Bổng kể chúng tôi nghe về những năm tháng khổ nghèo của miền đảo xa. Qua lời kể của cụ, tôi nhớ lại hình ảnh mấy chục năm trước. Bát cháo khoai lõng bõng nước. Mấy đứa trẻ cởi truồng nồng nỗng, xì xụp chen nhau. Mãi những năm chín mươi, dân đảo còn nhọc nhằn vất vả. Tôi đi công tác, ăn cơm dân nấu. Chị chủ nhà dọn mâm lên. Một đĩa cá ruội khô và bát canh rau mồng tơi nhìn thấy đáy. Bất ngờ, bát canh đổ. Chị ngước cặp mắt hốt hoảng lên nhìn tôi rồi lấy cái muôi hớt vội vàng cả nước cả cái đang tràn trên mâm vào bát. Tôi đã cùng gia đình họ ăn như vậy. Kinh tế hôm nay đã khác xa rồi. Nhiều ngành nghề mới phát triển, nghề cũ xây dựng, phục hồi. Huyện đã có bốn chục xưởng chế biến sứa đang hoạt động. Đến mùa, những thuyền vớt, xưởng chế biến sứa nô nức biến đêm thành ngày. Đời sống được cải thiện rõ rệt nhiều mặt. Cô Tô chỉ còn tám hộ nghèo và là huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn tỉnh. Ngày 05/10/2015 UBND tỉnh Quảng Ninh đã có tờ trình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thẩm định trình Thủ tướng chính phủ công nhận huyện Cô Tô đạt chuẩn nông thôn mới.


III

 

Không phải ngẫu nhiên, từ lâu người ta đã ví mảnh đất này như một hòn ngọc xanh. Cô Tô không chỉ là thiên đường nghỉ dưỡng lý thú với những cảnh đẹp, bãi biển còn nguyên sơ. Nó còn làm người ta khi đến đây như lạc vào một thế giới của tình người. Phải có lòng yêu quê hương đến mức nào, cụ Bùi Đức Bồng mới say sưa kể về những đổi mới trên vùng đảo này thiết tha đến vậy. Từ những đứa trẻ chạy chân trần trên cát bỏng những ngày nắng chang chang đến những buổi rét run người trong manh áo vá cũn cỡn. Lòng chất chưa bao nhiêu cảm xúc cùng sự mến khách của những người dân nơi huyện đảo xa xôi mới khiến cụ ở tuổi bảy lăm nói giọng to, tự hào, mạch lạc, rành rẽ non giờ đồng hồ những dẫn chứng cụ thể sâu sát. Đây thực sự là một thế mạnh mà không phải ở mảnh đất du lịch nào cũng có được.

  Để xây dựng sâu rộng một tinh thần mến khách như vậy, không thể không kể đến công lao của các cấp chính quyền đã gắn bó mật thiết, sống chết với nơi đây suốt bao nhiêu năm.

Trạm Hải đăng Cô Tô là một trong số hơn ba mươi con mắt biển đêm đang hoạt động khắp vùng lãnh hải Việt Nam. Nó được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Để leo lên được ngọn hải đăng, bạn phải vượt qua những khúc cua dốc đứng, sau đó leo tiếp lên bảy mươi hai bậc cầu thang từ dưới chân lên đến đỉnh. Đến đây, bạn có thể thoải mái bao quát tầm mắt toàn cảnh đảo Cô Tô. Từ thị trấn biển đẹp như mơ, xen lẫn những rừng cây xanh mướt, êm đềm đến những mái nhà khiêm nhường và giản dị; từ bãi cát chạy dài đến những con đường bê tông dọc ngang...

Con đường dài hơn hai cây số được lát gạch đỏ ngay sát bãi biển, nằm cách Trung tâm thị trấn Cô Tô khoảng trăm mét. Hai bên hai hàng dương xanh ngắt chính là con đường tình yêu dành cho lứa đôi. Gọi con đường tình yêu thật chính xác. Bởi khi dạo quanh đây, dù đi bộ hay đạp xe chầm chậm, thanh thản hít thở những làn gió mát lành, thấy tâm hồn vô cùng lãng mạn. Con đường yên tĩnh với cây với lá thì thầm, nhắn gửi, đổi trao. Bạn sẽ được nghe tiếng hàng dương vi vu, tiếng sóng biển rì rào. Trước mắt xanh ngắt màu của rừng cây, vàng của ánh nắng và đỏ hồng của gạch lát, không thua gì cảnh đẹp trong mộng mơ tưởng tượng.

Tượng đài Bác Hồ vị trí trung tâm huyện đã hóa thành cột mốc linh thiêng về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm tại Khu 3, thị trấn Cô Tô gồm: Tượng đài, bia, nhà lưu niệm đã xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Khu di tích được xây dựng vào năm 1968 và tôn tạo lại năm 1975, nằm cách bờ biển chỉ năm mươi mét. Đây là nơi duy nhất Bác đồng ý cho dựng tượng lúc người còn sống. Một điểm đến luôn nằm trong danh sách ưu tiên của khách du lịch đảo Cô Tô.

Bãi tắm Bác Hồ chạy dài gần mười lăm cây số về phía cuối đảo. Huyện Cô Tô đã dựng gần đó tượng đài Bác Hồ kỷ niệm ngày Bác về thăm. Vì thế, bãi cát dài này được người dân đặt tên là bãi tắm Bác Hồ. Bãi biển toàn cát trắng mịn viền quanh những rừng phi lao xanh mát với con đường lát gạch chạy dọc ven biển. Đây là điểm đi dạo ưa thích của người dân đảo và cũng là nơi đông người tắm nhất khi mùa hè tới Cô Tô.

Một thiên đường bất kỳ ai đến Cô Tô cũng không thể bỏ qua. Đó Cẩu Thàu Mị. Bãi đá Cầu Mỵ như hình con chó nằm ở phía nam đảo Cô Tô Lớn. Khung cảnh hùng vĩ là nơi đặc biệt nhất để thưởng lãm ánh mặt trời đầu tiên trong ngày. Mặt trời nhô lên từ mặt biển còn ướt át tinh khôi. Cầu Mỵ với hệ thống đá trầm tích được bào mòn qua hàng vạn năm bởi nước biển, tạo dựng thành kì quan hiếm có so với các đảo nổi tiếng khác của Việt Nam.

Bãi đá Pheralit - nơi lưu dấu rõ nét quần thể kiến tạo của tự nhiên. Các lớp đá hiện rõ ngay khi bạn đặt chân đến với nhiều màu sắc khác nhau. Đá xếp tầng, nhiều màu, nhiều hình thù khiến cả khu vực như một bức tranh sống động về quá trình kiến tạo của thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ; Ngọn Hải đăng - điểm quan sát lý tưởng vẻ đẹp toàn cảnh vùng biển đảo Cô Tô; Bãi biển Nam Hải - nơi thích hợp cho mọi người thưởng thức tiệc hải sản đêm, đi dạo dưới ánh trăng; Rừng chõi nguyên sinh, gốc cành nghiêng ngả, vặn vẹo chống lại bao mùa bão táp - cánh rừng ôm trọn cả con đường bằng vòm những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi; Đê chắn sóng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá vịnh Bắc Bộ, nơi tránh trú bão an toàn tính mạng và tài sản ngư dân...

Đến với Cô Tô, bất cứ ai cũng bị những bãi biển hoang sơ, tuyệt đẹp hút hồn. Bãi Hồng Hải là một trong những điểm đến sẽ khiến bạn lâng lâng cảm giác yên vắng, trong lành, mát mẻ. Nằm ở phía đông đảo Cô Tô, biển Hồng Hải tĩnh lặng êm ả. Sóng biển lăn tăn nhẹ nhàng do có đảo Thanh Lân nằm chắn gió từ ngoài biển thổi vào. Được đón bình minh trên biển, Hồng Hải là một điểm đến tuyệt vời với những bờ cát mềm mại cùng với nước biển trong xanh như ngọc khiến bạn chẳng nỡ rời chân.

  Nằm tận cùng đảo là bãi Vàn Chải xinh đẹp với bãi cát mịn trải dài. Nước biển ở đây luôn có màu xanh ngắt đẹp nao lòng. Màu xanh phản chiếu ánh mặt trời, biến đổi sắc thái xanh khác nhau theo những con sóng nhỏ dập dềnh xuống lên.


IV

Bãi biển Cô Tô về đêm càng đẹp. Ánh đèn tưng bừng từ các nhà nghỉ nhà khách, từ những con đường ngách phố ngày thêm rộng mở khiến lòng người đắm say. Tôi đi dạo trên đường viền quanh biển, qua các dãy nhà mà lòng dạt dào cảm xúc. Có những ngôi nhà, căn phòng sáng đèn. Những dáng người loáng thoáng. Xe máy ngổn ngang ngoài sân, ngoài hiên. Tôi lại nhớ lời cụ Bùi Đức Bổng. Ở Cô Tô còn có nhà nghèo. Nghèo là nói vậy chứ cũng sung sướng gấp trăm lần ngày xưa. Đường sá được trải nhựa, đổ bê tông toàn bộ. Cả đảo không có tệ nạn trộm cắp, ma túy... Đó là một lí do để lượng khách khá lớn quay trở lại Cô Tô kéo theo anh em bè bạn và cả gia đình nghỉ ngơi sau những ngày làm việc căng thẳng. Ngoài không khí trong lành và cảnh sắc độc đáo, đặc biệt, đây là một minh chứng thuyết phục nhất có lẽ không phải nói thêm nữa về tiềm năng du lịch của đảo.

Người dân Cô Tô dù làm bất kỳ công việc gì đều mong ước quê hương mình ngày một tốt đẹp, cuộc sống ngày một đàng hoàng, sang trọng, sáng tươi. Họ đang nỗ nực cùng nhau vươn lên. Và Cô Tô mãi mãi là Hòn ngọc, chuỗi ngọc xanh, rạng ngời giữa biển trời vùng Đông Bắc Tổ Quốc Việt Nam.

 

. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Quảng Ninh ngày 21.11.2020.