Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

tranh của Egon Schiele (1890-1918)









DỰ ÁN CHÔN DỌC







Kermaranga gạch đỏ, Kermaranga lửa đỏ,
Kermaranga máu đỏ, quy luật người chao đảo tận hoàng hôn.


    B ài hát cửa miệng của tôi là: “Thôi em hãy về đi… Em chớ sầu bi…”. Rất nhiều phen bài hát sến sẩm gây cười tung ra đúng lúc này của tôi đã cứu những pha bất đồng, căng thẳng của các sếp đàn anh. Vì vậy mà nhắc đến tôi họ nhớ bài hát này và ngược lại. Họ tên đầy đủ của tôi là Lê Tung, từ ngày tôi được tuyển vào làm cơ quan nhà nước thì mọi người gọi tôi là Tung Rác vì tôi được giao quản lý việc thu gom và xử lý rác thải trong toàn huyện. Thoạt đầu nghe gọi như vậy tôi cũng sốc nhưng rồi quen dần, mọi thói quen đều dễ chịu mà. Bí quyết thành công của tôi là lúc nào cũng cười hề hề và ai nói gì tôi cũng dạ, chửi cũng dạ, đá văng ra vẫn lom khom quay lại dạ dạ rối rít nên không ai ghét được tôi. Thật ra điều khiến tôi chấp nhận cái tên đầy miệt thị, khinh bỉ ấy là vì quyền lợi, làm giỡn mà ăn thiệt, nhờ đóng vai Tung Rác ngu ngơ mà tôi dần chui sâu, trèo cao, thu tóm và dần được chia phần thêm nhiều tài sản, nhiều công việc “thơm tho” trong những dự án “thơm tho”. Triều đình nào, tổ chức quyền lực nào cũng cần một thằng hề ma mãnh được việc như tôi. Tôi cũng xin nói thêm, “thơm tho” là một từ lóng trong giới cán bộ dùng để chỉ những vị trí có khả năng đem lại thu nhập cao hoặc những dự án được tính phần trăm hậu hĩnh cho người ký duyệt, người quản lý, điều hành, trong loại dự án này thì tính khả thi không phải là vấn đề, người chịu trách nhiệm chính là một người mơ hồ nào đó mang tên “chúng ta” và thường khi chúng tôi chỉ xin và dạ, còn lại bên tài chính họ có người làm từ A đến Z.

A Béo người làng Xa Lu ở tận bên Tàu sang làng tôi đóng hàng thanh long. Tôi không biết gã có phải là chủ của những ông chủ không nhưng quanh gã lúc nào cũng có một nhóm người cúi cúi khom khom xì xồ xì xồ. A Béo có một cái ghế xếp và bộ cần câu máy, gã thường ngồi câu dưới bóng cây sến bên bờ hồ nuôi cá của vườn tôi. Gã câu nhưng không quan tâm mấy đến cá, gã có thể ngồi hàng giờ im lặng với cần câu trên tay, thỉnh thoảng trán nhíu lại. Tôi cho gã thuê vựa thanh long nên A Béo và người của gã có mặt ở đây khoảng năm ba năm nay. Nhiều người cho rằng tôi bị cái bẫy tiền của A Béo xiết cổ nên giao nhà đất tài sản cho gã giống như số phận chung của các vựa thanh long xuất khẩu qua đường tiểu ngạch trong tỉnh, tôi cũng không cãi lại, chuyện thời này ai làm nấy biết nhưng quả thật chuyện của tôi có căn nguyên sâu xa nên cũng khó nói hết thành lời. Lý lẽ đối phó của tôi thật nhẹ nhàng: “Công việc cơ quan bận quá nên cho thuê vựa”, thật ra là tôi vào làm nhà nước sau khi cho A Béo thuê vựa. Lý lẽ đối phó của A Béo cũng thật nhẹ nhàng: “Tôi thuê chỗ anh Tung đây để thu mua thanh long”. Kỳ thực tôi cũng mơ hồ nghĩ A Béo có tên thật khác, có làm gì đó ngoài công việc mua bán thuần túy này nhưng đó là gì thì tôi không biết.


♣ ♣ ♣

Chuyện tôi kể ra hôm nay là một bí mật, ít nhất thì nó cũng là một bí mật của riêng tôi. Những điều xảy ra trong câu chuyện này đã làm thay đổi tôi, một sự thay đổi lớn lao, ít nhất thì nó cũng lớn lao đối với tôi. Nó đã làm cho tôi trở thành một con người khác. Năm đó tôi bốn mươi ba tuổi, cái tuổi mà tôi cứ ngỡ mình đã trưởng thành và đã hiểu về cuộc đời, thậm chí tôi còn nghĩ quãng đời bốn ba năm, từ khi tôi sinh ra đến nay, đã là quá đủ cho một đời người, cả những cô đơn, gian nan thời thơ ấu và cả những lên bờ xuống ruộng, té sấp té ngửa trong một đoạn dài mưu sinh, những nếm trải nhục nhã, những cung bậc buồn vui, những lặng điếng đau đớn và cả những được mất theo suy nghĩ của riêng tôi lúc ấy... Lầm. Tôi đã lầm. Tôi chưa biết gì về xung quanh và cả chính mình. Cái điều tôi chợt hiểu ra và bàng hoàng thay đổi con người mình đây chắc chưa phải là bí mật của những bí mật nhưng có một điều chắc chắn đây là bí mật thay đổi cuộc đời tôi. Mọi sự bắt đầu từ cái đêm tôi… chết đi.

Những bông cỏ gà và đất cát mà tôi ngậm đầy trong miệng còn ám ảnh tôi tới tận bây giờ. Lúc ấy, tôi chạy chiếc xe CP 100 phân khối, trên người choàng một cái túi to đựng máy quay phim, là cần câu cơm của tôi hàng ngày. Yên sau xe, tôi ràng rịt cả một bó lớn dây điện vàng chạch dùng để kéo đèn quay, đó cũng là hình ảnh mà người ta thường nhìn vào đó để phân biệt tôi với người khác khi nhìn từ xa. Thường ở Lư Sơn, người ta tổ chức một đám cưới gồm hai tiệc, tiệc đãi người lớn vào giờ trưa và tiệc đãi thanh niên vào ban đêm. Đám cưới người theo đạo Thiên Chúa thì thêm lễ hôn phối ở nhà thờ vào giấc khuya. Đám cưới của người Chăm sống bên kia sông Lui, con sông nước chảy ngược, thì phải đi sớm cho kịp chuyến thúng chai đưa qua đưa lại ngày chỉ hai lần. Tôi đã quay phim, chụp hình cho nhiều đám cưới ở đây nên rất thông thuộc tập tục, giờ giấc, đường đi nước bước.

Chín giờ đêm, tôi cuốn dây điện xếp máy vào giỏ rồi nói với chú rể về công việc quay phim đã hoàn thành và xin ứng một số tiền nhỏ. Chú rể và cô dâu đều nằn nì tôi ở lại thêm chút nữa để dùng bữa tối nhưng tôi một mực từ chối vì đường về quá xa và cũng vì mệt nên không thích ăn uống gì. Chiếc xe lao đi trong đêm bỏ lại sau lưng cả một rạp cưới sáng đèn và tiếng nhạc xập xình. Gần như trong mùa cưới từ tháng chín đến tháng chạp, khi nơi này khi nơi khác nhưng ngày nào tôi cũng bỏ lại sau lưng một cuộc ồn ào náo nhiệt như thế. Một ngày trọn vẹn trong kế sinh nhai, rã rời vì mệt mỏi nhưng tâm hồn thanh thản, những lúc xong việc thuận lợi như thế này tôi thường hình dung bộ não trên đầu mình là một khối xanh biếc không vướng bận gì cả, ít nhất cũng trên suốt chặng đường từ chỗ đám cưới về đến nhà là như thế. Điều tôi mong muốn duy nhất lúc này là về tới nhà và ngã lưng xuống đánh một giấc ngon lành.

Giấc ngủ. Phải, giấc ngủ đã đến từ lúc nào, làm như có ai đó đã bật nút tắt trong cơ thể của tôi. Hai mắt vẫn mở, xe vẫn lao đi trên đường, ít nhất cũng với vận tốc năm mươi cây số giờ, không biết có lạng lách gì không nhưng chắc chắn là đang lao đi, vậy mà tôi đã ngủ từ lúc nào. Ngủ thật, giờ nghĩ lại tôi vẫn còn nhớ lúc ấy mình đang mơ một cảnh trong đám cưới ở nhà thờ Lư Sơn. Bên trái của dàn ca đoàn là một cô gái đánh organ tóc dài mượt mà, tôi còn nhớ rõ mình đã zoom ống kính vào cái nhãn hiệu của cây đàn Yamaha PSR. F51 thân màu đen rất hợp với cái dáng mảnh mai và mái tóc của cô gái…Các lễ hôn phối trước đây, người đánh organ là một ông trung niên bụng phệ, có lẽ cô gái mới ở đâu đó về thay. Thế rồi cô gái từ từ rời ánh mắt khỏi các phím đàn và nhìn lên. Một sự ngạc nhiên quá lớn đối với tôi. Đôi mắt đen láy ấy chính là của cô gái Chăm trong trong giấc mơ đêm hôm qua tôi đã nhìn thấy. Tay máy của tôi một thoáng chao rung do tôi bối rối vì thấy lạ lùng quá. Càng lúc tôi càng chao rung hơn, máy móc chao rung, cả người chao rung không cưỡng lại được. Bỗng tôi nghe tiếng của một người đàn bà văng vẳng, văng vẳng nhưng giật giọng, gấp gáp. “Dậy! Dậy… Dâ…ây…y!”. Tôi giật mình mở mắt liền kinh hoàng nhìn thấy phía trước là một hố sâu người ta đào để xây lại cái cống lớn, hố đất do xe múc sâu hoắm, đen ngòm. Bánh xe trước của tôi đã chạm vào sợi bẹ ni lông buộc hờ hững. Trong tích tắc tôi quyết định giật tay lái ngang sang phía ụn đất lớn trong lề. Và không còn biết gì nữa.

Một loáng sau, cảm giác mình nhẹ bỗng, tôi dợm bước và kinh ngạc thấy bước chân mình là là trên mặt đất, đúng ra là đang trôi đi cách mặt đất một khoảng. Tôi thử cử động cánh tay, nó chỉ như một ống bóng khí quơ quơ trước mặt. Ngay lúc ấy, đôi mắt đen rợp của cô gái đánh đàn organ lại hiện ra xa xa, chỉ đôi mắt, trên khuôn mặt không có gì ngoài đôi mắt đen rợp, từ từ một người đàn bà hiện rõ trước mặt tôi, không phải cô gái ấy, chỉ là người có đôi mắt đen rợp giông giống, lúc bấy giờ tôi thấy rõ hơn, hình như có dấu vết rám nắng làm cho da đậm sắc vàng nâu, đôi mắt với hai hàng mi cong vút, mắt to, đuôi mắt dài, khoé mắt bên phía sống mũi cũng nhô ra gần bằng với đuôi mắt. Đẹp, lạ và hoang dã hơn. Người đàn bà này và cô gái đánh đàn thật ra chỉ đôi mắt hao giống, với tấm da thú khoác trên người có lẽ bà ta cách cô gái đến mấy chục thế hệ hoặc ở hai bộ tộc khác nhau. Tôi rùng mình. Sao người đàn bà kia lại xuất hiện lúc này? Tôi tự hỏi và chưa kịp thử đặt ra các lý do có thể và các tình huống có thể như thói quen thông thường của tôi thì người đàn bà bắt đầu lướt vòng tròn quanh tôi, nhanh dần, nhanh dần, ảo dần ảo dần, tôi xoay cả người và tia mắt theo bà một lúc thì thấy mình không còn ở chỗ lúc nãy nữa. Tôi cố nhớ lại chiếc giỏ giả da màu đen có đựng máy quay phim và các thứ đồ nghề lỉnh kỉnh của đã văng qua bên kia ụ đất, hình như đó là hình ảnh cuối cùng thoáng lưu trong mắt tôi nhưng tuyệt nhiên không có ụ đất nào ở đây, cả những tổ mối hình nhân bên dưới đám ruộng gần đó cũng biến mất, cảnh vật đã bị giản lượt đi rất nhiều, chỉ còn bãi cỏ gà rách xơ trải ra tít tắp, mênh mông. Miệng tôi vẫn còn ngặm mớ cỏ gà và đất cát. Mắt tôi tự điều tiết dần để thấy rõ hơn không gian ban đêm, không có chuyện bóng tối đặc quánh, tôi thấy được cả cánh đồng cỏ gà kia mà, cũng lạ, tôi không hiểu sao mình lại thấy được như thế. Người ở trong tối nhìn rõ bóng đêm. Có vẻ như đó là điều khả dĩ, tôi chỉ duy nghĩ được lúc này, còn lại đầu óc tôi cứ ngơ ngơ, ngu ngu.

Bỗng gió xoáy thành vòng tròn quanh tôi, người đàn bà áp sát vào tai tôi thì thầm mấy tiếng gì lạ lắm, tôi chỉ nhớ loáng thoáng: Ker… ma… ran… ga…, 8… 3… 5… Tôi bàng hoàng nghe như vậy, nó như một thứ mật ngữ gì đó hơn là tên của một tiểu vương quốc cổ hay một bộ lạc cổ đã không còn trong trí nhớ nhân loại. Lẽ nào tôi đang bước vào thế giới biến mất ấy?! Ngay lúc đang tự hỏi thì cơ thể tôi lên cơn ớn lạnh, những cơn ớn lạnh liên tục, rùng rùng. Trán tôi như một khối lửa nóng rực, tôi cảm giác phần da giữa hai đầu lông mày co dùn nhiều lần. Tự dưng có một khung cảnh như là âm bản nhá nhem hiện ra trước mắt tôi. Tôi nhắm hai mắt lại vẫn cứ thấy cảnh vật âm bản, rồi tất cả trở nên rõ dần, rõ dần, tầm nhìn xa hút về phía trước. Tôi nhắm mở mắt mấy lần để kiểm tra lại vẫn cứ thấy như thế. Hàng trăm, hàng ngàn người chết bị chôn đứng trong lòng đất, những hốc mắt sâu hoắm, đen ngòm xin xít thành hàng thành lối bên dưới cánh đồng cỏ gà, tôi loay hoay và vô cùng kinh hãi khi thấy những hốc mắt đen lòm lòm ấy ở sát ngay bên mình. Không gian ngập tràn âm khí vì có quá nhiều những vong hồn không siêu thoát được và tiếng gió rít ghê rợn, những hốc mắt của người bị chôn đứng bắt đầu nhảy múa cuồng loạn xung quanh tôi. Tôi xoay tròn trong cơn mê hoặc và điếng người vì quá sợ hãi, tim đập loạn xạ, tôi chúi đầu xuống đất, mắt nhắm nghiền như kiểu con đà điểu thường làm vậy khi quá sợ. Và hình như tôi đã chết đi sống lại mấy lần nữa trong cái vòng quay, vòng múa, vòng đen ma quái đó.


♣ ♣ ♣

Thời gian thắm thoát đã ba năm, từ cái đêm tôi chết đi sống lại nhưng cuối cùng chỉ gãy ba xương sườn bên phải đó. Không hiểu bằng cách nào mà tôi có được một miếng da cũ mốc đầy những chữ lạ, hình như tôi đã nhặt nó trong một đống đồ cũ hay là con chó nào đó tha vào sân vườn nhà khi tôi đang quét sân. Tôi đè nó dưới một viên đá cảnh nhưng cứ sáng ra quét sân tôi lại thấy nó trước mặt, tưởng vợ hoặc con vứt ra, tôi nhặt lại và lại đè dưới viên đá cảnh. Sáng hôm sau, tôi lại ngạc nhiên thấy lại mảnh da cũ nâu nâu ấy. Tôi cầm lên nhìn và rùng mình vì thấy có nhiều dấu máu mờ mờ, đưa lên ánh sáng ngược xem thì thấy có dòng chữ in ẩn bên mép da, căng mắt mãi tôi cũng chẳng đọc được gì, nó giống mấy ký hiệu gì đó hơn là chữ.

Mãi ba ngày sau tôi vẫn còn băn khoăn về miếng da ấy vì tôi chợt băn khoăn không hiểu cái lần chết đi sống lại của mình cũng có gì đó liên hệ đến mảnh da này. Tôi nhờ một người bạn nghiên cứu ngôn ngữ cổ dịch cho tôi những ký hiệu mòn vẹt qua thời gian ấy, anh khẳng định đây không phải chữ Chăm, cũng không phải chữ Miên, chữ của nước nào anh cũng không biết, chắc là xa xưa lắm rồi. Nhưng mò một hồi thì anh cũng đoán ra sơ sơ nội dung từ những ký hiệu tượng hình đó. Có một ông vua ngăn cấm người bộ lạc thất trận nào không được cúng tế thần linh của mình. Sau đó, họ còn buộc người bộ lạc đó bỏ tục hỏa táng khi chết mà phải an táng người chết như cách của người thắng. Lễ hỏa táng dù khô hay tươi đều phải bỏ. Hỏa táng tươi tức hỏa táng liền sau khi qua đời, chỉ dành cho các vị đứng đầu bộ lạc. Hỏa táng khô là hỏa táng dành cho người dân bình thường. Bỏ thì được rồi, xóa bỏ sự phân cấp, hủy hết quyền lực trong bộ lạc nhưng chuyển sang địa táng như người chiến thắng lại nảy sinh ra vấn đề khác. Lúc bấy giờ, có quan sợ rằng nếu người chôn nằm ngang thì nghĩa địa bị chiếm chỗ nhiều quá, ảnh hưởng đến một trong những điểm quan trọng của kế hoạch đồng hóa là thu hẹp làng mạc, nơi sinh sống của bộ lạc này…

Chuyện các bộ lạc tuyệt diệt như thế nào tôi cũng đã từng nghe người già kể và vì tôi sống ngay chính trên vùng đất tầng tầng lớp lớp trầm tích đời sống từ cổ chí kim này nhưng việc chôn đứng người chết làm cho tôi bị chấn động mạnh. Tôi nhớ lại mồn một những gì mình nhìn thấy trong cái lần chết đi sống lại. Có thể sau này lệnh cấm ấy không còn hiệu lực khi quá trình đồng hóa đã kết thúc nhưng nó đã diễn ra trong một thời đoạn quyết định. Điều đó ám ảnh đến mức trong một lần ngồi với A Béo bên bờ hồ tôi đã ngứa miệng kể ra tất cả, tôi mô tả lại những gì tôi nhìn thấy khi chết, tôi cố lý giải với gã trong ý nghĩa của câu chuyện lịch sử rất cổ xưa mà tôi suy đoán. Tôi quá ngạc nhiên khi nghe tới đó đôi mắt của gã chợt lạc thần, đồng tử mở to nhìn căng ra xa, nhìn mà không nhìn gì cả, đôi má nung núc thịt của gã chuyển nhanh từ hồng hào sang trắng bệt. Ở giữa trán một nếp nhăn hơi nhíu lại, hơi hằn sâu hơn. Nhưng với bản lĩnh của một tay làm ăn chuyên nghiệp gã nhanh chóng vui vẻ trở lại, các cơ mặt rùng sập, sắc diện hồng hực. Gã sửa cổ áo và một nụ cười bí hiểm hiện ra khi vành môi dưới của gã giật giật mấy cái rồi kéo nhẹ về một bên. Gã vỗ vai tôi nói lảng sang chuyện khác như chẳng có gì xảy ra, đoạn như chợt nhớ ra, gã hỏi tôi có muốn làm cán bộ không, gã có thể giúp được. Tôi thực sự chưa hiểu hết thâm ý của A Béo nhưng nghe làm cán bộ thì tít mắt lại, ở xứ tôi, làm cán bộ tức là làm cái nghề siêu thu nhập, chịu khó khom dưới vài người nhưng lại đứng trên thiên hạ nên tôi đồng ý ngay. Chỉ việc ừ thôi, tất cả đã có A Béo lo. Thế là tôi trở thành một cán bộ mẫn cán và được việc trong hai nhiệm kỳ qua, nhất là việc làm cầu nối của sếp với các phi vụ làm ăn khó nói. Từ một anh chàng thất nghiệp lấy nghề quay phim, chụp hình tạm bợ mưu sinh, rồi đến ông chủ vựa thanh long chuyên thu mua thanh long từ các đầu mối, mướn xe container chuyển sang biên giới Trung Quốc cho các ông chủ ở đây. Giờ, tôi nghiễm nhiên trở thành một cán bộ cấp huyện đắc lực, dù cái tên Tung Rác chẳng hay ho gì nhưng bù lại mỗi khi trái gió trở trời tôi cứ kê mấy bó sổ đỏ, sổ hồng, nằm lên sẽ hết đau lưng ngay. Thật ra nhiều lúc tôi cũng thầm cảm ơn A Béo.


♣ ♣ ♣

Họp liên tịch! Ừ thì họp, đầu tuần họp liên tịch có gì là lạ đâu, giới cán bộ chúng tôi khi nhậu thường hay hát nhại “Đâu có họp thì ta cứ đi” mà. Thế nhưng cuộc họp liên tịch này tôi được sếp gọi nhắn ăn mặc tươm tất. Tôi chưa hiểu ý nhưng hỏi thì sếp chỉ nói “có đối tác lớn” và “vậy đi” rồi tắt điện thoại.

Vào cuộc họp, tôi ngạc nhiên thấy A Béo ngồi ở vị trí trang trọng cạnh người chủ tọa, ngoài các cán bộ đầu ngành quen thuộc còn có một số người lạ. Một người lạ đứng lên thao thao bất tuyệt về dự án thu hẹp các nghĩa địa của dân ven biển, dự án có tên 8.3.5. Nghe tên dự án tôi chợt nhíu mày lại, hình như cái tên này tôi đã nghe đâu đó. Khi thấy A Béo nháy mắt tôi mới nhớ lại, hiểu ra, mà hình như chỉ tôi và A Béo hiểu nó tường tận hơn cả, hóa ra cái tên dự án với những con số và dấu chấm bí hiểm này liên quan đến bộ lạc Kermaranga, 835 chính là năm bộ lạc này thực sự bị hủy diệt hoàn toàn. Khi đã “thảo luận” khá sâu sát tất cả các khía cạnh lợi và bất lợi của dự án 8.3.5, tôi chợt hiểu thêm bước nữa người lập dự án này chính là A Béo, gã đã dựa vào những chia sẻ của tôi với gã mà đẻ ra dự án này. Một số cán bộ dự họp mặt xám ngoét, nhấp nhỏm trên chỗ ngồi nhưng rồi cũng không nói được gì. Một số thì ngây ngô ồ lên khi nghe mức lương quá cao. Tôi đang trĩu ngực nghĩ tới những vấn đề lớn hơn, những trách nhiệm về lâu về dài thì lòng chợt lâng lâng, sướng khoái quá đỗi vì tất cả đều thống nhất giao dự án này cho tôi đứng tên và chịu trách nhiệm, A Béo sẽ chịu phần đầu tư và cố vấn. “Tên dự án là con số ngẫu nhiên thôi nhưng người được chọn thì không ngẫu nhiên. Sở dĩ tôi chọn giao dự án này cho ông Tung vì chỉ có ông mới hiểu sâu, ông có khả năng thực hiện nó và xứng đáng với mức lương người đứng đầu một trăm triệu đồng một tháng…”. A Béo nói như thế để dẫn tới kết thúc cuộc họp, đưa một dự án nhà nước và doanh nghiệp kết hợp này vào biên bản cuộc họp liên tịch. Khi nói xong câu đó, gã ngước mặt lên trần nhà, môi dưới kéo trề xuống để lộ một nụ cười bí hiểm.

Tâm trạng của tôi lúc này thật khó diễn đạt, một bên là con số trăm triệu, tức sau một năm ngồi chơi xơi nước có gọn trong tay một tỷ hai, một bên là nỗi sợ hãi khi đụng tới dân chúng, quả thật việc này là quá đáng, tôi hiểu dự án này chính là bước lặp lại lịch sử cổ xưa rất thâm độc, năm 832, Kermaranga đã bị xóa tên nhưng đến năm 835 bộ lạc này mới bị xóa hoàn toàn. Tôi hiểu ra một điều gì đó xa hơn, hình như gã này định dùng gậy ông đập lưng ông, dùng chính câu chuyện của tôi để đập tôi. Nghĩ vậy, trong đầu tôi chợt hiện lên toàn bộ khung cảnh cái lần tôi chết đi sống lại, cái lần vô tình bước vào thế giới đã mất với cả cánh đồng cỏ gà chôn đứng người đó. Những hốc mắt đen lòm lòm thẳng hàng thẳng lối hiện lên xoay vòng trước mắt tôi. Có chút gì đó ẩn sâu trong tâm hồn khốn nạn của tôi chợt trồi dậy.

Lần đầu tiên một thằng hề cơ quan là tôi, Tung Rác, người lúc nào cũng cười hề hề, lúc nào cũng dạ dạ luôn mồm, không cần đúng sai chỉ cần có lợi, lại cất giọng kiêu hãnh nói không trước một dự án “thơm tho”, béo bở. Cái chính là tôi quá sợ chịu trách nhiệm, dù sao tôi cũng còn có gia tộc, gia đình, có hàng xóm láng giềng, tôi làm những chuyện động trời như vậy họ sẽ không tha cho tôi, cho gia đình tôi.

Mặc dù tôi nói rất khéo, mình chẳng có đủ khả năng và uy tín để làm việc lớn như vậy, lại viện cả cái cớ bị gãy ba sườn, sức khỏe xuống dốc nhưng mắt A Béo vẫn vằn lên đỏ hực, môi gã giần giật liên tục. Thái độ của gã khi nhìn tôi có thể nói là quay một trăm tám mươi độ. Len lén nhìn thái độ đó tôi sợ, không biết rồi đây tai họa gì sẽ đợi mình phía trước. Từ cuộc họp liên tịch hôm đó về sau, tôi đi ra đường nhìn trước ngó sau cẩn thận lắm. Và thú thật là đầu óc liên tục bị những cơn ác mộng hành hạ, khi thì thấy tôi bị bắt trói treo rút lên cao, miệng vẫn cười ngây dại, khi lại thấy gã A Béo ngồi câu còn mình chính là con cá bị lưỡi câu móc vào ngay yết hầu, khi lại thấy mấy bó sổ đỏ, sổ hồng đất đai tài sản mình thâu tóm được từ mấy năm làm cán bộ, đúng hơn là gần cả chục năm đóng vai thằng hề ranh mãnh trong cơ quan công quyền, không biết sao lại vào tay A Béo, gã cười giật môi dưới xuống một cái rồi ném tất cả vào thùng chiếc container đỏ chóe…

Nhiều lúc chỉ một mình, không hát để đánh trống lảng, không hát để xoa dịu, không hát để cho qua chuyện khó xử, chuyện căng thẳng, cũng chẳng để trấn an mình nhưng tôi lại rống cổ thật to, giọng ngọt như mía lùi: “Thôi em hãy về đi… Xin chớ sầu bi…”, chỉ hát suông vậy thôi, trên đời còn lắm chuyện vô nghĩa hơn mà.


♣ ♣ ♣

Sau cuộc họp liên tịch định mệnh đó, A Béo vẫn tiếp tục thuê vựa thanh long của tôi. Gã vẫn thường ngồi câu trên chiếc ghế xếp, thỉnh thoảng lại có một đám người đến xì xì xồ xồ gì đó. Gã chỉ xuất hiện một lần ấy nơi cơ quan nhà nước rồi thôi. Mỗi khi gặp tôi mặt gã đanh lại. Có lần không hiểu sao gã biết mấy dự án liên tiếp của địa phương không có tên tôi, gã giả hỏi qua rồi nheo nheo con mắt ti hí mà chép miệng: “Nếm mùi rồi hả? Không nghe lời ngộ mà… Ngộ đưa ai đó lên được thì cũng hạ xuống được.” Quả thật nếu lúc trước mà bị cô lập như vậy chắc tôi lồng lên nhưng giờ đây lòng ham muốn của tôi làm như đã nguội lạnh. Tôi vẫn đi làm đều đặn với vai thằng hề cơ quan, ai nói gì cũng cười, chửi cũng cười, cô lập cũng cười, chỉ là thói quen không bỏ được nhưng những mưu cầu chia phần “thơm tho”, mưu cầu lương mười số, tỷ hai một năm, không còn là một phần đời sống của tôi nữa, tôi tự hào, tôi mừng thầm vì đã nói không với dự án chôn dọc 835. Tất nhiên tôi biết không mợ chợ vẫn đông, tôi không nhận sẽ có người khác nhận thay.

Nhưng thật sự thì tôi sợ điếng mỗi khi cặp mắt ti hí rất lạnh, rất thâm của A Béo nhìn tôi. Dạo này, hồ cá nhà tôi đột nhiên có rất nhiều rắn độc lởn vởn. Có lần A Béo còn chỉ cho tôi một cặp rắn cứ đi song đôi trên mặt hồ, đang cười cười chợt các cơ trên mắt gã kéo xuống một cái thật nhanh, mặt gã trở nên nham hiểm lạ lùng. Linh tính báo cho tôi biết chuyện chẳng lành. Đề phòng. Tôi nghi là gã muốn giết tôi bằng cách này để tránh mắt soi của pháp luật. Nhiều khi tôi nói thầm trong bụng “Giết tao không đơn giản vậy đâu!”. Tôi thật sự đề phòng từ mọi phía nhưng đêm ngủ vẫn thường gặp ác mộng, khi thì thấy mình ngủ dậy bước chân xuống giường thấy sao mặt đất trơn nhớt quá, dụi mắt nhìn lại thì hóa ra cả nền nhà nhung nhúc rắn, co chân hét lên thì thức giấc. Thức rồi, tỉnh rồi vẫn soi đèn pin vào các hốc nhà xem có dấu vết gì của rắn không. Có lần tôi mơ thấy mình đã chết rồi và bay về theo dõi việc triển khai dự án chôn dọc 835.

…Làng tôi khánh thành khu nghĩa địa mới, thật ra cũng là nghĩa địa đó như co hẹp lại, đây là phần đất để di dời các mộ phần từ khu nghĩa địa trên khu đồi ngoài biển vào. Toàn bộ vùng đất bờ biển và gần biển cả ngàn mẫu đều nằm trong dự án chung cư- biệt thự biển của mấy ông lớn, mấy nhà đầu tư lạ nên cần được dọn sạch. Một mẫu đất gọn gàng có rào xây quanh với những ô mộ nhỏ xít nhau thẳng tăm tắp, đó chính là hình ảnh nghĩa địa mới. Hai cột cổng to lớn và hàng hàng kim tĩnh chưa dùng đã được đào xây trước đó, một tấm bia liệt sĩ lớn làm bằng đá đen, khắc kín tên liệt sĩ qua các thời kỳ kháng chiến cũng được dựng lên bên phía phải.

Từ sáng sớm, các quan chức địa phương đã lăng xăng kiểm tra lại cờ xí và băng- ron kính chào các đại biểu khách mời về dự. Mặt trời lên một cây sào, các xe hơi to nhỏ đủ kiểu, biển số đủ màu, từ trên huyện, trên tỉnh lần lượt de vào bãi đậu xe.

Phần mộ mới nhất đầu hàng thứ ba bên trái chính là mộ của tôi. Cả tuần nay, thịt da, phèo phổi tôi do thực hiện theo chủ trương chôn đứng nên đang tụt dần xuống khỏi bộ xương. Vì người và xe cộ quá đông tôi tạm bay lên một cành cây chập chờn sáng tối để quan sát. Tôi thấy A Béo cùng đi hàng đầu với các quan chức từ trên xuống nhưng chẳng ngạc nhiên chút nào. Người đàn bà khoác tấm da cổ, có đôi mắt đen rợp, người dẫn tôi vào thế giới đã mất xa xưa ấy cũng chợt có mặt. Bà ấy xoay một vòng tới gần bên tôi và thì thào: “Lịch sử …lặp lại…”. Tôi đưa một ngón tay lên miệng, ý nhắc bà ấy và các vong hồn không siêu thoát được ở chung quanh, đề nghị họ lặng im để nghe cái người thay tôi nhận dự án 8.3.5 nói gì. Tôi không nghe được gì cả, tên này cúi đầu vào tờ giấy đọc một thôi những kính thưa, kính thưa và sau đó là những từ ngữ vô nghĩa nối tiếp nhau. Chợt tôi bàng hoàng thấy một hiện tượng lạ: A Béo hiện nguyên hình là tay phù thủy đang đứng trên bục nói huơ tay múa chân, tay chân gã xoay tít như đang hô phong hoán vũ. Đám người còn lại, người nào cũng mang một chiếc áo quan trên người, những chiếc áo quan trong suốt nhưng tôi thấy được. Vỗ tay, ăn uống, chúc tụng một lúc rồi đồng loạt di chuyển theo hàng theo lối trật tự và đồng loạt nhảy xuống những ô kim tĩnh sâu hút, những ô kim tĩnh dọc. Mặt đất đang toác ra, những ô kim tĩnh dọc mở ra, tăng lên, tăng lên, hàng nọ nối hàng kia tăng lên, tăng lên. Mặt đất đầy kín những người bị chôn đứng, những hốc mắt sâu dần, tối dần, đen dần. Và khi từ cái bục thuyết giảng, bàn tay to múp míp của A Béo hạ xuống thì tất cả đột ngột co lại, có một thế lực ghê gớm nào đó đang nén những đôi mắt, những cơ thể chôn dọc ấy lại cho đến khi chỉ còn một chấm nhỏ ở cuối chân trời. Tôi kinh hãi thấy mình bị cuốn hút đến gần mép cái lỗ đen nào đó, bị hút đi với một sức mạnh khủng khiếp không cưỡng lại được, tôi kinh hãi quá gào thét đến khản cả cổ. Khi thức dậy, cổ vẫn còn rát, mồ hôi lạnh đầm đìa cả hai bên thái dương. Từ đó về sáng, tôi ngồi với bình trà và không chợp mắt được chút nào nữa cả.

Ác mộng về đêm nhưng ban ngày tôi vẫn tỉnh queo đi làm, vẫn cười hề hề, vẫn hát sến sẩm. Đoạn cuối con đường làm cán bộ của mình vậy là coi như hạ cánh an toàn. Tôi vui vì đã nói không với sự cám dỗ ghê gớm đó.

Một đêm khuya, chợt tôi nghe từ phía gốc sến bên bờ hồ có tiếng thét rất to của A Béo, tôi giật mình choàng dậy, đợi mãi không thấy động tĩnh gì thêm, cũng chẳng thấy đám người của gã chạy ra, nghĩ chắc gã câu được gì đó nên tôi thản nhiên nằm xuống và nhanh chóng chìm vào giấc điệp. Không ngờ vừa sáng sớm đã nghe om sòm, người từ trong vựa thanh long đổ ra kín một góc hồ. Tôi chạy vội đến thì thấy cái ghế xếp xẹo xọ văng một bên, dính đầy sình lầy, A Béo đã ngã lăn xuống hồ nước, người bầm tím, nhiều bọng nước to bằng cái trứng vịt nổi khắp cơ thể, cặp mắt ti hí đã đứng tròng từ lâu. Đầu cần câu của gã vẫn đang còn loằng ngoằng một con rắn lớn mắc câu, một con rắn khác, chắc là con rắn đi cùng, cắm ngập răng vào huyệt hợp cốc bên tay trái, nhất định không chịu nhả ra. Một người nào đó nói lớn: “Rắn độc cắn huyệt hợp cốc chỉ có chết thôi”. Tôi bước lên bờ đứng nhìn, thở ra. Tôi thấy cơ thể to lớn của A Béo đang phình to, càng lúc càng phình to ra, chết chắc rồi, không còn hơi thở mà vẫn cứ phình to ra trông thấy. Tôi hình dung đến một lúc nào đó A Béo sẽ nổ tung như một quả bom, thịt da phèo phổi văng ra mười hướng, mùi của cái bụng nước lèo to kềnh ấy mà bung ra thì ngay lập tức làm chết hết vạn vật xung quanh. Tôi lại thở ra một hơi dài và chầm chậm lui gót, lui gót. Tôi định cất giọng hát cái bài sến sẩm “Thôi em hãy về đi!...” nhưng cơ mặt cứ cưng cứng, buốt buốt nên chỉ ngáp một cái, miệng toác tận mang tai.

Trại sáng tác Sao Việt, Phú Yên 12/4/ 2019