Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







NHÀ CỦA MẸ




“Nhà của mẹ luôn là nhà của con
nhưng nhà của con không phải là nhà của mẹ!”
(?)

   C uối cùng, không còn giải pháp nào tốt hơn, Kim đành gửi mẹ vào một nhà dưỡng lão của tư nhân.

Khi quyết định như thế, lòng anh buồn thấm thía. Anh thương mẹ phải xa con cháu, một mình sống cạnh những người dưng, chứ không chỉ vì ngại miệng đời dị nghị. Ở phương Tây, người già vào sống trong viện dưỡng lão là chuyện bình thường nhưng não trạng đa số người Việt chưa quen như vậy. Dẫu với lý do gì, đưa cha mẹ vào một nhà dưỡng lão -dù tiện nghi tương đương khách sạn cao cấp- vẫn là điều khó chấp nhận, khó cảm thông. Ngay chính Kim cũng nghĩ thế, chỉ là “lực bất tòng tâm”.

Ngày trước, cha mẹ Kim sống ở miền quê dưới mái nhà đã có thể gọi là “nhà cổ”, lọt thỏm giữa mảnh vườn trồng nhiều cây ăn trái. Còn Kim được cho lên thành phố học rồi cưới vợ, lập nghiệp ở đây.

Khi cha mất, Kim muốn mẹ lên thành phố sống với vợ chồng anh nhưng bà từ chối. Cả đời gắn bó với làng quê, bà không dễ tách rời cũng không muốn thay đổi. Năm ngoái, mái nhà và khu vườn của mẹ Kim rơi vào quy hoạch làm khu du lịch sinh thái, bà phải chấp nhận lên sống ở nhà con trai một cách bất đắc dĩ. Có thể bà ngại va chạm mẹ chồng nàng dâu, vốn xưa nay vẫn là nguyên nhân chính yếu đưa đến lục đục khó bề hòa giải.

Rất may, điều lo ngại đó đã không xảy ra ở gia đình Kim. Vợ Kim thảo hiền và hiểu biết, rất thông cảm với một người già từ lâu quen cách sống miền quê. Tính chị vốn sạch sẽ, cầu toàn nhưng mẹ chồng có thiếu ngăn nắp, chị chỉ lẳng lặng thu dọn mà không bắt bẻ hay kêu ca. Kể ra, con dâu như thế cũng… hiếm!

Buổi sáng đó, mẹ Kim ở nhà một mình. Có đôi nam nữ gọi cửa, tự giới thiệu là nhân viên một nhãn hàng điện tử nước ngoài, vừa ép vừa chào mời bà mua một số mặt hàng đang bán giá “siêu khuyến mãi”. Dù mẹ Kim đay đảy từ chối thì hai nhân viên mẫn cán ấy vẫn nấn ná ngồi lại rất lâu, kiên trì và nhiệt tình thuyết phục một cách vô vọng.

Đến khi cả hai bỏ đi rồi, mẹ Kim mới tá hỏa vì chiếc xe tay ga của con dâu vẫn dựng ở góc nhà thêm vài đồ vật như Laptop, đồng hồ treo tường đã đồng loạt bốc hơi, như có phép… tàng hình. Đôi nam nữ ấy làm cách nào lấy đi ngay trước mắt mà bà không hề hay biết? Chuyện như đùa!

Dù vợ chồng Kim không phiền trách mẹ, còn an ủi: “Của đi thay người”, may mắn là kẻ xấu chỉ lấy của chứ chưa làm hại thân thể, thì mẹ Kim cũng không nguôi buồn bực, ân hận tự trách mãi.

Từ sau hôm ấy, trước khi đi làm, Kim cẩn thận cửa nẻo kỹ lưỡng, nhưng băn khoăn không biết phải tính phần mẹ thế nào. Nhốt mẹ bên trong cánh cửa khóa kín thì không an tâm mà để mẹ cả ngày thơ thẩn một mình ngoài sân chờ đến khi hai vợ chồng trở về, Kim càng… không nỡ. Trong khi kẻ gian ngày một táo tợn, có đủ chiêu trò ma mãnh. Một người già quê mùa và thật thà như mẹ Kim làm sao không dễ dàng sập bẫy lừa đảo của chúng?

Do đó, theo tư vấn của bạn bè, Kim bất đắc dĩ gửi mẹ vào sống ở một nhà dưỡng lão tư, khi chưa tìm ra giải pháp nào tốt hơn.

Mẹ Kim cũng hiểu thế nên không buồn trách. Bà chỉ tiếc nhớ mái nhà và khu vườn vừa bị quy hoạch khiến bà phải rời xa làng quê quen thuộc mãi mãi. Nơi đấy, từ ngày cha Kim mất, bà sống một mình mà không hề đơn độc. Đã có tình làng nghĩa xóm chan hòa. Từ khóm sả bụi ớt cũng gắn bó thân thương; mỗi con vịt con gà cũng hiền lành chơn chất.

Sống ở nhà con, không hiểu sao mẹ Kim đau ốm vặt vãnh luôn. Tuy chỉ cảm sốt thông thường vẫn khiến vợ chồng Kim phải thay nhau xin nghỉ làm để đưa mẹ đi khám bệnh. Điều đó làm bà thêm ái ngại, đôi khi không khỏe trong người cũng âm thầm chịu đựng, giấu giếm chẳng nói ra.


**

Căn phòng khá rộng, thoáng mát và tiện nghi, gồm tất cả 3 giường. Lúc đầu, sợ mẹ khó thích nghi với người lạ, Kim chọn phòng đơn nhưng bà khăng khăng từ chối, bảo muốn ở chung phòng cho có người trò chuyện sẽ vui hơn.

Hai người kia: bà Hường và bà Nhan, đều lớn hơn mẹ Kim vài tuổi.

Tính bà Nhan trầm lặng, rất ít nói nhưng -như luật bù trừ- lại hay thở dài.

Cả bà Hường và mẹ Kim mỗi khi nghe tiếng thở dài sườn sượt ấy như lây nỗi buồn mà không nỡ nói ra, ít nhiều thông cảm tâm trạng người bạn chung phòng hẳn u uất lắm mới phát tiết thành thứ ngôn ngữ rên xiết không lời như thế.

Bà Nhan lại vướng nhiều bệnh, đau ốm luôn. Người ta kể, bà được gửi vào nhà dưỡng lão này hơn hai năm rồi mà không thấy thân nhân lui tới, trong khi ban giám đốc vẫn nhận từ một tài khoản nào đó thanh toán trực tuyến mọi chi phí cho bà, rất đúng hạn.

Tính bà Hường khác hẳn: sôi nổi, nói nhiều, thường thích ngân nga vài câu vọng cổ ngọt như đường. Bà Hường tâm sự rằng, thời trẻ bà là nghệ sĩ cải lương thanh sắc vẹn toàn, vì tin lời ngon ngọt của một đại gia mà nhận lời làm vợ y. Cô đào trẻ không màng tài sản của đại gia, chỉ đặt điều kiện được tiếp tục theo nghề. Y đã sốt sắng và long trọng thề hứa.

Cưới xong ít lâu, lời hứa vỗ cánh bay. Tối tối, y hậm hực chứng kiến trên sàn diễn cô vợ trẻ của mình tay ôm mắt liếc đong đưa bên chàng diễn viên chính. Y nghi ngờ “tuồng giả tình thật”. Y ghen. Y đay nghiến. Rồi y cấm đoán…

Thương bào thai mới tượng hình, đào Hường không nỡ chia tay. Đã không thể bỏ chồng thì đành bỏ nghề, chứ đâu còn chọn lựa nào khác? Bởi chồng cô có để yên cho nam diễn viên nào đóng chung với vợ mình đâu, bất kể đó là vai chồng, tình lang, anh em hay… cha của đào Hường! Đào Hường nhượng bộ, đã lùi lại, tình nguyện vùi chôn tên tuổi đang thời khởi sắc. Mà một khi phải từ bỏ đam mê rồi, cô như sống thân phận ai khác chứ không còn là chính mình nữa! Cuộc sống nhạt nhẽo và ức chế…

Đền bù lại phần nào là con trai bà Hường -đứa con mà để giữ cha cho nó, bà đã hy sinh nghề nghiệp- rất thảo hiếu, biết yêu thương mẹ. Chỉ đến khi anh cưới vợ thì sự thể mới xấu đi: Nàng dâu “nghịch” mẹ chồng nhiều điểm nên hai bên thường xuyên bất hòa, căng thẳng đến độ tưởng đi đến chỗ… “một mất một còn”.

Đấy là lý do con trai bà Hường buộc lòng phải đưa mẹ vào nhà dưỡng lão này, để tuổi già của mẹ bình yên, thôi dậy sóng. Thường xuyên đi công tác xa nên số lần anh đến thăm mẹ cũng hiếm hoi. Nhớ con, bà Hường chỉ biết diễn tả nỗi lòng người mẹ qua câu vọng cổ lâm li bi đát. Sáng chiều đều nhớ nên sáng chiều đều ca.

Thành thử ở phòng này, mẹ Kim là người hạnh phúc nhất vì có con cháu năng đến thăm. Lần nào vợ chồng Kim cũng mua nhiều quà và ở lại chơi rất lâu, trước ánh mắt thèm thuồng pha chút ganh tị của hai bà già chung phòng.

Thấy mẹ ở đây vui và khỏe mạnh hơn, Kim tạm yên tâm. Nhưng khi quay về nhà mình, anh lại chạnh lòng không hiểu được: vì sao ngôi nhà rộng lớn của anh lại không có nổi một chỗ nhỏ nhoi cho mẹ?

Sớm có ngày đưa mẹ về sống chung trong nhà mình vẫn là ý nguyện đau đáu của Kim.


***

Hôm nay, Kim đến nhà dưỡng lão từ sớm.

Vợ Kim đem theo nhiều món ngon, dọn ra mời hai người bạn chung phòng của mẹ cùng ăn bữa trưa. Không khí thân tình, vui vẻ và ấm áp.

Cao hứng, bà Hường ca một trích đoạn trong tuồng Nghêu Sò Ốc Hến giúp vui mọi người, còn bà Nhan vẫn ít nói nhưng đã thấy cười luôn, bỏ quên chuỗi thở dài u uất thường ngày.

Thằng bé con của vợ chồng Kim hôm nay đã quen thuộc chốn này, không còn sợ sệt giấu mặt sau lưng mẹ hay lấm lét nhìn trộm bà Nhan, bà Hường như những ngày đầu nữa. Nó mạnh dạn leo lên từng giường nhún nhảy rồi tung tăng chạy ra sân thám hiểm mọi ngóc ngách: nó săm soi ngắm nghía các chậu cây xanh tươi, từng khóm hoa rực rỡ hoặc đàn cá thả trong hồ. Nó chạy lăng quăng, đến phòng nào cũng tò mò thò đầu nghếch cổ nhìn vào, hiếu kỳ và thích thú.

Cho đến lúc mẹ gọi ra về, thằng bé vẫn tiếc nuối, dùng dằng muốn ở lại thêm. Nó nắm tay bà nội lôi tuồn tuột ra cổng.

Trước khi leo lên xe, thằng bé còn ngoẹo cổ nhìn lại khắp lượt rồi hồn nhiên gọi Kim:

-Ba ơi, nhà của bà nội đẹp quá! Con thích lắm…

Thấy Kim lặng im, vợ anh tưởng chồng chưa nghe nên cười, nhắc lại:

-Này anh, con nó khen “nhà của mẹ” đẹp đấy…

Câu nói hồn nhiên của vợ con khiến Kim se lòng. Anh chợt nhớ một câu đã có lần đọc đâu đó: “NHÀ CỦA MẸ LUÔN LÀ NHÀ CỦA CON NHƯNG NHÀ CỦA CON KHÔNG PHẢI LÀ NHÀ CỦA MẸ”…

Kim bùi ngùi nghĩ: nếu nhà dưỡng lão này đúng là “nhà của mẹ”, chắc chắn mẹ anh chẳng bao giờ mong muốn rồi sau này nó cũng sẽ là “nhà của con” mình!



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn .