Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





CHUYỆN NGÀY MƯA




   Đ ã vào mùa mưa dầm. Mưa không lớn nhưng cứ rỉ rả suốt. Không biết làm gì cho hết thời giờ, tôi và mấy thằng bạn hàng xóm đội mưa ra cái hồ lớn gần nhà đi câu, mong kiếm được vài chú cá lóc để nhậu lai rai cho vui.

Khi ra tới hồ, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy chị Mị đang cắm những cây cọc nhỏ cao xấp xỉ ngang ngực và buộc vào đó những tấm áo mưa, hay các tấm nylon; tất cả không lành lặn cho lắm và giăng rộng một khoảng bên bờ hồ có nước lên xăm xắp mắt cá chân. Tôi mới lại hỏi:

- Chị Mị ơi, chị đang làm gì đấy?

- À, chị đang che cho cháu khỏi bị ướt lạnh đấy mà.

- Nhưng ở phía dưới có nước mà chị…

- Các linh hồn thường lửng lơ trên mặt nước mà…

Chị Mị vội cướp lời tôi, rồi nói tiếp:

- Thằng nhỏ ở đây có chị che cho, còn ở ngoài biển xa lắc kia không biết có mưa không? Và lấy ai che mưa cho anh ấy. Đoạn chị khóc sụt sùi.

Chúng tôi nghẹn lòng, xót xa cho người thiếu phụ bị trầm cảm nặng này. Câu chuyện về gia đình chị ngập tràn bi thương mà xóm làng, ai ai cũng biết…

Khi trưởng thành, Mị đã chọn nghề dạy học làm hành trang vào đời, nhưng cô sinh sống ở nơi có đông dân cư lâu đời, nên các trường học thường đông đủ cô thầy nên việc tuyển chọn lứa giáo viên mới ra trường như cô thật là hiếm hoi. Hoàn cảnh cha mẹ khó khăn, cô cùng một vài người bạn lên Tây nguyên làm nghề gõ đầu trẻ ở những vùng xa xôi.

Ngôi trường Mị về dạy nằm trên đỉnh đồi cao nhìn xuống một hồ nước. Khung cảnh thật nên thơ nhưng ngôi trường thì xập xệ hết chỗ nói. Nó được dựng bằng những tấm tôn mục rách, chung quanh được dừng bằng các tấm ri lổ cho nên nắng dọi, mưa dột, gió mang cái giá rét tràn về hằng đêm. Ấy vậy mà Mị vừa dạy, vừa ăn ở suốt một thời gian dài!

Rồi một ngôi trường bằng gạch ngói cấp 4 cũng bắt đầu được xây dựng. Toán thợ hồ trong thời gian làm việc cũng ở chung với Mị trong ngôi trường tạm bợ và họ nhờ Mị cơm nước hộ. Có một anh chàng gốc Nam bộ, ở miền biển lên đây làm thợ cả trong đám; anh ta vui vẻ hay hát hò trong lúc nghỉ ngơi cùng với sự rộn ràng của đám thợ khi ăn, khi nhậu… khiến cô cảm thấy vui lây quên đi những ưu tư, những dằn vặt trong cuộc sống. Bất ngờ khi anh chàng nam bộ quay ra tán tỉnh cô; sự chăm sóc dịu dàng cùng những món quà mà mỗi lần có dịp về phố anh mua tặng Mị khiến cô động lòng và ngã vào vòng tay của anh.

Ngày ngôi trường khánh thành cũng là lúc Mị có bầu với anh chàng thợ cả tên Hai được vài tháng. Trước sự việc như vậy, Hai đành bỏ việc, không theo đám thợ hồ đi làm nơi xa vì như vậy không có điều kiện để chăm sóc Mị đang gặp nhiều khó khăn lúc bụng mang, dạ chữa.

Một đám cưới đơn giản được tổ chức với ít người họ quen biết; sau đó họ xin được miếng đất ven bờ hồ và gần trường. Nhờ vào chút tiền dành dụm, họ đã xây được ngôi nhà gạch nhỏ, ấm cúng. Mị dạy học, còn Hai làm nông, nhưng cuộc sống thời bao cấp không dễ dàng gì đối với họ: đồng lương dạy học của Mị thì ít ỏi, nông sản Hai làm ra không đủ dùng trong gia đình, đừng nói đến chuyện bán chác kiếm tiền. Cuộc sống ngày càng khó khăn, nhất là khi thằng bé ra đời; anh phải xách bay tìm việc thêm khắp nơi để mong cải thiện đời sống gia đình.

Ngày nọ, Hai về nhà, trong người có một chút hơi rượu nhưng khuôn mặt anh có vẻ trầm tư. Anh tắm rửa sạch sẽ xong lên giường nằm cạnh vợ; im lặng một hồi lâu, khẽ thở dài anh nói:

- Em ạ, cuộc sống bây giờ mù mịt quá, không thấy tương lai, nhất là khi con mình càng ngày càng lớn, không biết mai sau lấy gì mà lo cho nó đây… Hôm nay làm xong việc, ngồi nhậu giải mỏi thì có người bạn lính cũ của anh nói “hồi xưa mày đi biển kiếm sống giờ chắc chuyện lái tàu mày không quên chứ? Có một hội vượt biên đang tìm “tài công”, mày tính có thể theo tao dzọt được không?...”. Anh nói để anh về bàn với em đã. Em thấy thế nào?

Thế rồi hai người thủ thỉ bàn bạc trong đêm cùng với tiếng thút thít của Mị. Cuối cùng cô chấp nhận để anh ra đi.

Hai ra đi để lại gánh nặng cho cô, vừa phải lên lớp vừa phải chăm sóc con nhưng có lẻ không bằng sự mòn mỏi đợi tin chồng. Nỗi nhớ nhung ấy làm cô mất ăn, mất ngủ nên hao gầy thân xác.

Để tìm quên lãng trong nỗi nhớ ấy, Mị đã lao động cật lực, bắt chước dân trong xóm bằng cách đào hố, đi nhặt phân bò để trồng cà phê; đến mùa nắng cô phải xuống hồ gánh nước tưới cà phê. Có khi cô gánh hàng chục gánh nước, đến tối mịt để tưới cho hết những cây con cô mới trồng. Cũng may. sau một thời gian ngắn, người trong xóm sắm máy móc, sắm mô-tơ để bơm nước vào vườn, cô chỉ thuê tưới tắm nên cà phê nhà cô phát triển khá tốt. Có thu hoạch cà phê, cuộc sống của hai mẹ con trở nên đầy đủ và nhàn hạ hơn. Mị hối hận vì ngày đó đã để Hai ra đi, nếu chịu thương chịu khó thêm chút nữa thì đâu đến nỗi gia đình chịu cảnh phân ly như thế này.

Rồi một ngày mưa gió, có người khách lạ đi ô tô con tìm đến nhà Mị. Qua trò chuyện, hắn giới thiệu là bạn của Hai cùng vượt biên ngày ấy, hắn nói con thuyền do Hai lái có cấu tạo mong manh, lại chở “khẳm”, nên khi đi giữa chừng gặp gió to, sóng lớn khiến nó gãy vỡ và bị đắm. Trên thuyền ai may mắn vớ được các vật nổi như can nhựa, gỗ ván… thì sau khi lênh đênh trên biển thời gian ngắn, được các tàu nước ngoài cứu vớt thì sống sót và được định cư tại quốc gia mong muốn như trường hợp của hắn. Hắn nói chờ Hai trong mấy năm mà không nhận được tin nên nói có thể Hai và một số người trên thuyền đã chết.

Nghe tới đây, Mị ôm mặt òa khóc, liên tục gọi tên anh một cách thống thiết. Người bạn Hai cầm bàn tay cô cố nói nhiều lời an ủi và trước khi ra về hắn không quên đặt lên tay cô một số tiền…

Đau thương lại chồng chất đau thương. Chỉ mấy tháng sau khi cô chưa kịp tĩnh tâm vì chồng mất thì cô chứng kiến sự ra đi của thằng con nhỏ: chuyện là sau cơn mưa to đầu mùa, cô cuốc đất trồng bắp trên khoảnh đất gần bờ hồ; thằng bé chơi đùa ở gần cô, nhưng khi cô mãi mê làm việc, không để ý nó lội theo chỗ nước cạn ra theo hướng giữa hồ đến chỗ sâu thì bị hụt chân và đuối nước…

Khó có thể diễn tả được nỗi đau mất mát những người thương yêu nhất của Mị. Cũng may có người em của cô lên ở, chăm sóc chị trong quảng thời gian cô suy sụp vừa thể xác lẫn tinh thần. Nhưng kể từ đó chị sống như người vô thức; nửa tỉnh nửa mê. Nhà trường không cho cô dạy nữa vì tâm trí cô không như người bình thường; cô ở trong nhà đốt hương cho chồng con ngào ngạt suốt ngày đêm, rồi cô đi tìm các loại hoa trồng xung quanh rào, men ngõ đi… Cô bảo rằng có nhiều hương hoa tinh khiết, đẹp thơm thì người bên kia thế giới sẽ rất hài lòng… Thỉnh thoảng có tiền, Mị đi mua những bao quần áo xổ về ném xuống hồ, nói là gởi đến cho chồng, con mặc cho ấm…

Thật tội nghiệp cho người phụ nữ sống trong tình trạng trầm uất, mộng ảo. Nhưng có lẽ không còn suy nghĩ, vướng mắc nào khác nữa, nó giúp cho chị kéo dài thêm cuộc đời bình thản… Ôi số phận một con người!..

(Mùa Vu Lan 2019)