MẤT NÀNG
T ôi biết nàng, vô tình gặp. Chiều muộn ấy, đã vào tầm chập choạng, ở một thị trấn quê, nơi nhà nàng sơ tán. Nhà nàng, gốc gác dân Việt kiều, từ Thái Lan, theo tiếng gọi của Tổ quốc, gia đình kéo túm nhau về nước, điều ấy thì sau này tôi mới hay.
Lần ấy, từ trường đại học Tổng hợp, vật vã ngồi tàu hỏa ở ga Hàng Cỏ, về thị xã Hải Dương, rồi tranh nhau xếp hàng, chen chúc mua vé xe khách, rì rì ô tô bò quãng đường ba chục cây số, mò mẫm đến bến xe sơ tán thị trấn Ninh Giang. Chiều muộn lắm, đang thời kỳ ném bom của Johnson, dân sơ tán tiệt, phố thị đâm vắng tanh ngắt. Cái phủ lỵ từng vang bóng một thời, nay ra ngơ ngác, quạnh hiu, bói mãi mới ra bóng người. Cả thị trấn, duy chỉ còn sừng sững cái nhà máy xay xát gạo, cao vút bốn, năm tầng, to kềnh càng. Quái lạ, sao bọn Mỹ chưa mò tới thả bom nhỉ - tôi nghĩ thế. Trong tinh thần cảnh giác, đề phòng Việt gian cao độ của dân chúng - 3 không: không biết, không nghe, không trông thấy, tôi hỏi thăm mãi, mới lần mò ra bến đò Tranh. Qua sông, sẽ sang huyện Vĩnh Bảo, nơi nổi tiếng đặc sản thuộc lào - "chồng hút vợ say, thằng bé lăn quay, lại chồng say vợ rít".
Bến sông vắng ngơ ngác, chỉ còn mình con đò cắm sào đứng đợi, tịnh không bóng khách, tịnh không đến cả bóng lái đò. Chợt bên kia sông, ngã ba sông Sưa và sông Luộc, vọng sang: "Đò ơi...", buồn rười rượi, vô vọng tiếng gọi cầu may. Đáp lại, chỉ mặt nước sóng vỗ lờn vờn và như trêu ngươi kẻ gọi đò kia, vòng vọng tiếng đáp kéo đuổi nhau: "Đò... ơi... ơi!"
Ngó nhìn sang bên kia, con đường nhỏ trước bến, có mấy căn nhà quanh đấy, gần như đều khóa cửa, chắc dân sơ tán cả rồi, duy ngó thấy ngôi nhà ba gian lợp lá gồi, ép sát mép cống nước, hình như còn có người. Sau hàng rào cúc tần thưa, thấp thoáng khung cửa nửa đóng nửa mở và qua ấy, nhờ nhờ hắt ra thứ ánh sáng vàng vọt, thấp thó. Tần ngần, tôi ngập ngừng bước lại, rụt rè đánh tiếng vào nhà:
- Cho tôi hỏi...
Qua cửa, nhìn xuyên vào sân sau, xa một chút, trong ánh hồng lửa bếp, có bóng ai đó và vọng ra:
- Ai đó?
Một thoáng, bên cửa là cô bé, tóc tết đuôi sam, áo hoa, đặc biệt là làn da em trắng mịn, nổi bật trên khung cửa, dù trời đã nhập nhoạng. Nhìn khuôn mặt bé, gã trai tôi thoáng ngỡ ngàng, nghĩ, ở cái xứ sở nhà quê này, nở ra cô bé xinh, xinh quá! Bé ngập ngừng:
- Anh hỏi...
- Cho hỏi... đò?
- Đò á?
Nàng ta cười khúc khích, chả chút e lệ trước người lạ là tôi. Cười rồi, bé tỉnh queo:
- Lái đò nghỉ... mất rồi. Giờ này làm gì còn khách khứa.
Chất giọng đầy vẻ trêu chọc, nó như gáo nước lạnh đổ vào anh khách tôi đi đò.
- Chuyến xe chậm quá,...
Tôi giải thích vậy, hi vọng biết đâu đó, nhận được sự cảm thông, giúp đỡ của cô nàng. Chợt em cất tiếng hỏi, chất giọng đã ra chiều thông cảm, chả còn trêu chọc tôi nữa:
- Anh về đâu?
- Làng bạn tôi ở...
Tôi ngập ngừng, cố nhớ ra cái tên ngôi làng sẽ tới và nghe tiếp tiếng em tiếp, hồ hởi:
- Thế á. Làng ấy gần thôi mà. Em sang rồi đó, chợ Hà...
Nói rồi, em gái ngập ngừng, mời tôi vào nhà. Phân vân, vào hay không? Mình cần sang đò, vào nhà cô bé làm gì? - tôi nghĩ. Trong khi cô gái rót nước mời khách, tôi tò mò quan sát nhà nàng. Trong ánh đèn dầu leo lét, kịp thấy và thoáng nghĩ, chốn quê, mà nhà cửa tiện nghi phết, bài trí gọn gàng, có thể nói, một gia chủ khá giả là đằng khác. Trên tủ bày chiếc ra đi ô, ri đô hoa chăng phía sau, trên bàn nước bày chiếc cốc thủy tinh cắm dăm bông hồng. Mời nước xong, chắc nhìn bộ dạng thiểu não của tôi, vẻ mặt cô nàng thoáng chút ái ngại, thông cảm cho khách nỡ đò đêm và nàng à lên:
- A, được rồi. Con bạn em trả chìa khóa chưa. Chúng em mượn, vừa tập lái đò xong. Anh đợi nhé, em sang hỏi nó.
Nói rồi cô bé vụt đi, một thoáng quay về, miệng tíu tít:
- May quá, chưa trả.
Sau lưng cô bé, thêm một cô gái nữa. Thật ăn mày tôi gặp chiếu manh, họ giục, tôi vội vã xách túi, theo chân ra bến.
Trời tối sẫm, sông Luộc mùa đông ken, nước lững lờ. Trên đò, tôi ngơ ngơ đứng. Nghĩ lại, thật anh chàng tôi ngố tàu, thân nam nhi mà để yểu điệu thục nữ... chèo đò. Quả thật, có muốn giúp, thì tôi đã bao giờ chèo chống đò mảng đâu. Chắc mới tập chèo lái, hai nàng ta loay hoay, người phía trước khoát mái bơi chèo, kẻ phía sau khua mái lái, í ới nhắc hỏi nhau, đẩy ngang, hay bẻ dọc và rũ ra cười. Trên sông, tiếng cười khanh khách vang vọng trong đêm.
Ơ kìa, hình như con đò chả chịu nhúc nhích thì phải, hình như nó hết ngoắt ngang, lại quay dọc, bơi chạy theo kiểu vòng quanh. Tôi đâm lo, hay mình bị lừa, hai cô gái này là... ma? Rùng mình. Bạn kể, sông này lắm thủy quái, ngôi đền Đoan áp mép sông, rồi đền Tranh, thờ thủy thần – mãng xà nhá. Chợt nghe tiếng thất thanh: - Kìa, có tàu!
Tôi thờ phào nhẹ nhõm, họ không phải là ma. Trên sông, xa xa vọng lại ì ầm tiếng tàu và ánh đèn pha rọi. Vừa thoát cơn lo ma tà xong, thì nỗi lo khác ập tới, khéo con tàu sẽ xô vào đò của chúng tôi mất, tôi cuống cuồng buông phịch chiếc cặp đang xách trên tay, lao vọt lên mũi đò, vồ lấy mái chèo, cùng cô bé hối hả... chèo đò. Cũng may, đã gần bờ, thêm sức trai tôi, con đò lao tuồn tuột, xô đánh uỵch một phát vào bờ... cùng bến. Theo quán tính, hai đứa tôi nhao nhao...
Sông đêm, tiếng hai bé ré lên cười. Quay lại lấy cặp, tôi vội vàng nhảy tót lên bờ. Thật anh chàng tôi quá khú đỉn, chả hỏi họ tên hai bé, chỉ rối rít cảm ơn, con đò đã dời bến. Bóng hai nàng chìm lấp, chỉ còn vọng lại tiếng hô hét, nhắc bảo nhau lái dọc chèo ngang, tiếng cười đùa vang vọng, cùng mái chèo khua nước bì bõm.
Tưởng chỉ là khách qua sông, trên chuyến đò nơi bến sông lạ vắng. Thi thoảng lúc nào ấy chợt nhớ về em gái sau khung cửa, cả chuyện sợ hãi hồn ma, trên đò ngã chúi dụi, tôi tủm tỉm cười, tí toáy, còn làm đôi vần thơ nữa:
"Biết đâu mình lỡ đò đêm Mà anh gặp được người hiền trong mơ"
Vậy mà tôi gặp lại nàng, bất ngờ, y như buổi gặp bé bên bến sông quê.
Tối ấy trường tôi liên hoan văn nghệ, tôi giật mình, nhìn cô gái cùng tốp ca trên sân khấu, cũng tóc tết đuôi sam, cũng tấm áo hoa chiết eo, khuôn mặt trái xoan làn da trắng hồng... Tim tôi đập thình thịch, nghi nghi hoặc hoặc, phải bé chăng?
Tiết mục kết thúc, họ giạt vào cánh gà, ùa ùa nhau kéo xuống. Tôi kịp tiếp cận nàng, từ phía sau, ngập ngừng, đánh tiếng hú họa:
- Em gái... bến đò Tranh.
Vừa nghe, bé quay ngoắt lại, tròn mắt ngạc nhiên. Thôi đúng bé trong mộng của tôi rồi.
Nhận thông báo kết quả du học tiến sĩ, muốn người đâu tiên báo là vợ, à cả em bé nữa, tháng thứ năm đang trong bụng mẹ.
Nhà tôi trong con ngõ ngoại ô, đường quanh có đẹp. Vợ chồng tôi, thực đúng là hai trái tim vàng một túp lều tranh. Ngôi nhà vợ chồng mua, đôi khuyên tai, cái nhẫn cưới của hồi môn của vợ, mẹ tôi cho thêm chút chút nữa, còn lại là dành dụm và chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa. Trước sân nhà, tôi trồng cây bưởi diễn đã cao quá đầu người, nàng bảo, mùa hoa, bông bưởi thơm ngát sân nhá; lại cũng vừa trồng thêm cây hồng xiêm Xuẩn Đỉnh, mẹ bảo bồi bổ cho anh cu Ti, biết mẹ mong có cháu lắm. Vậy mà... tôi sắp phải tạm xa nó rồi.
Dựng xe ngoài sân, tơn tớn bước vào nhà. Tôi đâu ngờ, nàng phản bội tôi. Không thể tin nổi, người đàn bà thánh thiện, đoan trang. Gặp gỡ bên bến đò, rồi thì, kết cục sầu thảm. Trong nhà tiếng mẹ giận dữ vọng ra:
- Tú hú đẻ nhờ đây!
Bà gào lên, trên tay khư khư nắm sấp ảnh. Chợt nhìn thấy con trai:
- Đây rồi, mày... Thứ đàn ông nhục. Con ơi là con ơi!
Và bà ném những tấm hình thẳng vào mặt thằng con trai. Nó rơi lả tả. Tôi ngỡ ngàng, nhặt lên. Sừng sờ, không tin nổi mắt mình. Tháo cặp kính cận sáu, bảy đi ốp ra, xung quanh tôi nhòe mờ, thấp thoáng... Trừng trừng ngó lại, không hỏi, không nói với cô ta một câu. Đôi mắt không kính, tôi nhìn khuôn mặt cô ta méo mó, xệch xạc, chập chờn, bổng chìm, mờ mờ ảo ảo... Chắc sẽ tái dại, trắng phếch, sẽ ào ào tuôn ra những giọt nước mắt... giả dối. Nhưng nó là lời thú tội rõ ràng, hùng hồn: phản bội chồng.
Đau đớn, uất hận, muốn lao đến đấm đá, xé nát con người phản bội kia ra trăm, ngàn mảnh, mà tôi không làm nổi. Ơ kìa, mẹ tôi ngã sóng soài trên nền nhà.
Đau đớn quá, nỗi nhục và tội lỗi, thằng con trai tôi báo hiếu mẹ vậy đó. Tức tưởi, bà đột ngột ra đi.
Lo tang ma cho mẹ xong, nghĩa vụ của đứa con trai vậy đó và còn gì nữa, trong ngôi nhà ấy? Vĩnh biệt.
Người đàn ông mái tóc ánh kim, ngồi bên bàn đá kê ngoài vườn trước nhà, trên tay cuốn sách. Trời thu xứ tây rợn xanh. Mấy chục năm sống xứ người, hai, hay ba chục năm, ông chả để ý nữa. Thu khép mình sống, kể cả với dân gốc Việt, ông ít giao du, chỉ miệt mài công việc: phòng nghiên cứu, giảng đường,... Lúc nào đó thoáng nghĩ về tương lai,... buồn!
Nhớ chiều trước, dự đám tang, nghĩa trang hiu quạnh - một đồng nghiệp, vị giáo sư già, tịnh chả thấy bóng dáng người thân đưa tiễn. Ông rồi cũng vậy a? Lại thoáng ông thở dài, nghĩ, âu cũng là kiếp phận!
Tối qua bật ti vi, chẳng mấy khi ông xem, mở đúng lúc kênh ti vi thành phố tường thuật lễ trao học vị tiến sĩ và tốt nghiệp của sinh viên trường đại học nọ. Thấy một người Á. Dân nước nào nhỉ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,...? Nhìn dòng chữ chạy trên màn hình, tên tuổi chắc chắn người Việt rồi: Nam Nguyen Van. Khuôn mặt cậu chàng tiến sĩ nom quen quen, chắc ông từng gặp ở đâu đó, cũng có thể là sinh viên, nghiên cứu sinh, ông chịu?
Vì là đồng hương dân Việt, ông ngó ti vi xem tiếp. Chàng trai nom sáng sủa, đĩnh ngộ. Tiến sĩ đấy, trẻ thật. Chả bù cho ông, nhận bằng tiến sĩ tuổi ngót nghét bốn chục.
Chợt tiếng chuông cổng leng keng khua, dời mắt khỏi cuốn sách, ngó ra, ngỡ ngàng, thấy chàng thanh niên, hôm trước ông vừa nom thấy trên ti vi. Cậu ta cất lời ông:
- Chào giáo sư...
Mở cổng, ông mời khách vào nhà, phân vân nghĩ, có lẽ cậu ta từng theo học ông môn nào chăng, mới chào vậy – giáo sư. Thảo nào, nhìn trên ti vi, nom quen quen.
Phòng khách, cái ghế cậu chàng ngồi, đặt ngay dưới bức chân dung phóng to của ông thời trai trẻ, trang trọng lồng khuôn kính. Trong khi lúi húi pha trà, cái tục quen thuộc vốn ông mang từ quê hương, vẫn giữ mấy chục năm nay - dùng trà. Gần đây trà Tân Cương Thái Nguyên rất sẵn trong siêu thị.
Rót tách trà, ông mời và có dịp quan sát kỹ khách. Sao cảm giác vẫn quen quen nhỉ? Chắc chắn ông đã gặp cậu ta ở đâu đó rồi. Chàng trai có vẻ lúng túng, chưa biết bắt đầu câu chuyện từ đâu. Ông thoáng nghĩ, hay anh chàng định nhờ vả gì mình chăng? Chắc vừa bảo vệ xong luận án, định nhờ vả mình thư từ giới thiệu để làm việc ở một viện trong thành phố này? Thảo nào, cậu ta chào mình bằng học hàm giáo sư. Điều này ông đã từng giúp đôi ba người, với đồng hương người Việt, thì chưa lần nào.
Ông thoáng bừng bực và thất vọng, sao có thể đường đột vậy. Người Việt ta có thói xấu, thường lợi dụng, nhờ vả, cầu cạnh các mối quan hệ, kể cả bấu víu đồng hương - vùng miền, thậm chí cả đồng hương nước (!) Hình như anh chàng cảm nhận sự khó chịu của ông, đâm ra càng thêm lúng túng, mặt bừng đỏ.
Cúi xuống, lúi húi mở cái cặp xách, cậu ta rút ra túi giấy kiểu dạng đựng hồ sơ, rụt rè đưa cho ông. Ông già nghĩ bụng, chắc lại văn bằng, kết quả học tập và kèm theo lời giới thiệu của ai đó. Đã định khước từ, rồi không nỡ từ chối, theo phép lịch sự, ông lật mở... Không phải chứng nhận bằng cấp, kết quả học tập, mà là tập giấy kẻ ố vàng, mủn cũ. Nét chữ lạ, ông chưa nhìn thấy bao giờ. Lá thư của một người đàn ông xa lạ, mắc căn bệnh trọng, trước khi từ giã đời này, ông ta ăn năn hối lỗi.
Đọc xong, ông thật sửng sốt, ngỡ ngàng ngẩng lên, đăm đăm ngó nhìn chàng trai. Thật sao lúc này ông mới nhận ra điều ấy nhỉ, nét quen quen của cậu ta ấy. Ngõ lên bức chân dung thời trai trẻ của ông, treo ngay phía trên nơi cậu trai ngồi, họ giống nhau đến kỳ lạ, y như đổ ấy - hai giọt nước. Ông buột miệng:
- Con tôi...
Máy bay hạ xuống phi trường Nội Bài. Không thể hình dung nổi, quê nhà đổi thay nhiều quá. Cha con bắt tắc xi, ông ngỡ ngàng, con đường chạy về Thủ đô, khác xa thuở nào. Xe phi lên cầu, trụ khung bê tông sừng sững, ông nghe cậu chàng tắc xi giải thích: cầu Nhật Tân. Rồi xe chạy vào thành phố, ông không thể hình dung, mình đang ở nơi đâu của chính thành phố, nơi ông từ sống. Xe dừng, trên con phố rộng, tiếng con trai:
- Đến rồi bố ạ!
Bước xuống xe, nhìn qua hàng rào sắt, ô kìa, túp lều ngày xưa của mình kìa, vẫn nguyên y: ba gian lợp ngói, cũ thấp, trong sân cây bưởi lúc lỉu những trái bưởi diễn to, cây hồng xiêm trĩu trịt quả, chúng thành cây cổ thụ mất rồi. Sau lưng, tiếng con trai:
- Trước khi đi xa, mẹ trăng trối với vợ chồng con và anh cu Ti, để căn nhà này, đợi bố...!
Em ơi!
Ông nghẹn ngào gọi, cô bé bên bến đò Tranh năm nào./.
Hà Nội, 24/01/2017