Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







MÀU SẮC CỦA YÊU THƯƠNG







N hà cậu Tư tôi ở một xã của huyện Càng Long, nằm lọt thỏm giữa những cây dầu cổ thụ và đối diện một cái ao lục bình trổ đầy hoa tím ngát.

Vào những ngày lễ, tết, nghỉ hè, tôi thường đến thăm cậu mở và anh Lợi, đứa con trai duy nhất của cậu tôi.  Ở đấy, tôi tha hồ nhõng nhẽo và được nuông chiều tuyệt đối. Bởi vì tôi cũng là đứa con duy nhất của chị gái cậu.

Cậu tôi sống bằng nghề đúc chậu kiểng, tạo dáng  hòn non bộ. Cậu mua những tảng đá vôi về rồi chạm khắc tỉ mỉ, biến chúng thành những ngọn núi đẹp tuyệt, đứng chen chúc nhau với những dòng suối luồn lõi qua khe. Cậu chèn vài cây kiểng đứng rải rác dọc sườn đồi. Tạo dăm ba hang động và những tượng tiều phu vác rìu đứng ngẩn ngơ nhìn trời trong vắt. Ngắm tác phẩm của cậu, ai cũng phải trầm trồ:”Núi mọc giữa đồng bằng”.

Dù tài hoa nhưng cậu nghèo rớt mồng tơi. Chung qui chỉ tại cách sống lại đời “Làm kĩ, bán rẻ”. Mở tối xem đó là cá tính đáng yêu của chồng nên không hề phiền trách. Mợ lo chăm chút mấy nọc trầu vàng để hái lá bán đổi gạo. Do bây giờ mấy ai ăn trầu, mợ chỉ trông cậy vào các đám cưới gả cần trầu cau thôi. Thỉnh thoảng cả nhà cậu phải ăn cháo thay cơm.

Cuộc sống êm đềm, hạnh phúc của cậu mợ bỗng bị đe dọa bởi những tràng ho khan của cậu. Cậu sốt liên miên, nằm vùi, bỏ cây đục, cây dùi nằm chỏng chơ ở một góc, bên cạnh một hòn non bộ mới hình thành phân nửa.

Bao nhiêu đồ đạc quí giá, mợ tôi tôi đem cầm bán để có tiền lo thang thuốc cho cậu. Tiền hết, bệnh vẫn không thuyên giảm. Anh Lợi phải bỏ học để giúp mẹ kiếm sống.

Anh làm đủ thứ việc để có tiền: cắt hoa lục bình và đọt lá non đem bán cho hàng rau cải ở chợ. Vì đó là món ăn cùng mắm kho ngon vô cùng. Còn gốc lục bình già anh bồi mấy gốc trầu vàng. Thả bèo dâu xuống cái ao đối diện nhà và mấy cái ao nho nhỏ sau nhà. Chờ chúng sinh sôi xanh kín mặt ao, anh vớt lên đem bán cho những người nuôi vịt. Anh câu cá, nuôi chim yến phụng, nuôi cá lia thia mun, trồng khoai lang Diên Ngọc… Nếu cậu tôi không bị ốm nặng thì nơi nầy tuyệt biết bao. Đến đây, tôi được ngắm nhìn hàng dầu cổ thụ phía bên kia thả những đóa hoa hai cánh dài cong cong bay lửng lơ trong trời chiều, được ngắm những chú cá đen mun bơi lượn lờ trong cái chậu thủy tinh nho nhỏ, được lắng nghe tiếng chim hót ríu ran. Tôi còn được theo anh Lợi đi vớt bèo, đào khoai. Tôi thích mê, cảm thấy gần gũi và yêu thiên nhiên hơn nữa . Nhưng bây giờ đến đó, tôi chỉ muốn khóc vì cái dáng ốm o, tong teo nằm co rúm của cậu Tư khi ho, khuôn mặt hốc hác của mợ đầm đìa nước mắt và anh Lợi thì như con thoi nhỏ bé chạy tới chạy lui giữa chợ vì cơm và thuốc. Chần chờ mãi vẫn không thấy cậu thuyên giảm, cảnh nhà ngày càng sa sút mà mẹ tôi cũng nghèo không có điều kiện giúp đỡ, mẹ muốn gọi điện cho cậu Hai nhưng ngại vì cậu rất bận rộn việc làm ăn. Cậu Hai là bộ đội phục viên, tính tình rất khác em trai. Cậu thực tế và quyết đoán. Cậu xem việc phát triển kinh tế gia đình là quan trọng vì đó là điều kiện để sống tốt, để nuôi hai đứa con trai ăn học đến nơi đến chốn. Vì vậy, cậu sử dụng miếng đất chỉ mấy công thôi mà lợi ích vượt xa cậu Tư. Thấy làm ruộng vất vả mà thu hoạch có khi thất bát, phí công nên cậu hai biến chúng thành đất vườn. Cậu trồng cam sành và nghe đâu cậu đang thử nghiệm trồng vài trăm nọc Thanh Long. Chỉ mới lứa đầu, mẹ bảo rằng cậu đã thu hồi vốn và bắt đầu lời từ mùa này. Cậu Hai cũng từng hết lời khuyên cậu Tư nên... tỉnh táo. Nhưng cậu Tư đã gạt phắt đi rằng phận ai nấy lo, mỗi người có cách nghĩ, cách sống khác nhau, miễn không làm điều gì phi pháp, không làm phiền anh chị là được rồi. Vì thế, mẹ tôi cứ đắn đo, không dám cho cậu Hai hay tình trạng nguy kịch của em út. Chẳng biết cậu Hai sẽ nghĩ sao, liệu có xảy ra cãi vả nữa không!

Nhưng trái với suy nghĩ của mọi người, biết tin em trai út bệnh nặng, cậu ào đến như cơn lốc. Cậu xông vào buồng ngủ, ôm chầm thằng em gầy như que tre, khóc rống lên. Cậu làm cho mọi người nước mắt tuôn ra như mưa.

Khóc đã đời, Cậu đi từ trước ra sau, rồi từ sau ra trước, đánh một vòng quanh nhà, rẽ vào con hẻm nhỏ, lối đi bị những bụi cây hoa Mua chồm ra, che gần kín. Cậu hai đứng nhìn những cái ao bèo hồi lâu rồi thừ người khi bắt gặp những ngôi mộ nằm vất vưởng xa xa. Quay vào nhà, cậu ngồi phịch xuống cái ghế đặt cạnh giường bệnh của em trai. Cậu thở hắt ra, nói gọn lỏn:

- Bệnh là phải rồi!

Mẹ tôi và mợ Tư nhìn nhau, tôi không nén được ngạc nhiên hỏi:

- Sao cậu Hai nói kỳ vậy?

- Cậu quơ tay một vòng trước mặt, gằn giọng:

- Để chỗ âm u như va62y làm sao không bệnh? Nhà thấp như cái hang, cửa sổ đóng im ỉm.

Bây giờ gần đúng ngọ rồi mà chẳng thấy ánh mặt trời lọt vô. Lạnh tanh như buổi chiều mùa thu. Tôi mập mạnh như vầy mà nãy giờ hắt hơi mấy cái, huống chí bộ dạng mỏng như tờ giấy của thằng Tư. Hứ, có học mà sao nó sống không khoa học chút nào!  Thiệt tình…

Tôi chợt nhớ ra nơi nầy quanh năm mát lạnh. Ít khi nắng xuyên qua kẽ lá, in đậm lên nền đất. Anh Lợi thường than phơi quần áo lâu khô lắm. Bất giác tôi rùng mình hắt hơi. Cả nhà phì cười. Cậu Hai hỏi mợ Tư:

- Dạo này, chú nó tạo hòn non bộ kiếm được nhiều tiền không thím?

Mợ tư ấp úng giây lâu:

- Dạ, cũng đơ đở…Nhưng từ hồi phát bệnh đến giờ, công việc dở dang nên         nhưng em thấy miễn sao chồng em được làm những gì ảnh yêu thích là em vui rồi anh ạ. Với em tiền không quan trọng bằng cái vui của anh ấy.

Cậu Hai quay sang anh Lợi:

- Con có thích đi học không?

- Mắt anh Lợi sáng rỡ:

- Dạ thích, nhưng…ba con bệnh mà nhà không có tiền…

-Cậu Hai nghiêm giọng:

- Ra vậy! Chú Tư chỉ làm những gì chú thích, còn thím thì miễn chú thích là thím vui. Hai người có ai nghĩ tới thằng Lợi thích gì không?

- Mọi người bật ngữa khi nhận ra điều đó. Mợ Tư sụt sịt khóc. Cậu Tư cũng rưng rưng nước mắt.

Cậu Hai bỗng như giận dữ, nói như quát:

- Có con như hai người thật sướng! Bắt nó kiếm tiền nuôi lại hai người! Là một tay tay thợ hàn tiện giỏi nhưng không thích làm thợ. À, muốn làm một nghệ nhân đây mà! Hãy tỉnh lại đi chú em ơi! Chú cứ làm những gì chú thích sau khi chú lo cho gia đình chú no ấm, con chú được học hành như con người ta kìa. Chú thím có biết thằng Lợi đã đi bán máu không? Thằng Tuấn con anh đi hiến máu nhân đạo vô tình nhìn thấy thằng Lợi đang ngồi ở khu vực bán máu. Nó muốn đến hỏi thăm mà sợ thằng Lợi ngại nên lánh đi. Về kể cho tôi nghe tôi cũng hết hồn hết vía, định hôm nào rảnh đến hỏi tại sao đến nông nổi này mà chưa kịp thì em ba đã cho hay là chú bệnh nặng lắm. Tôi đoán chắc nhà không tiền thang thuốc cho cha, túng quá, thằng Lợi mới... bán máu chứ gì.

Vợ tôi khóc ròng, hối tôi mau về xem sao. Thiệt tôi không ngờ ...

Cậu Hai thở dài, rồi bỗng nói như ra lệnh:

- Bây giờ, việc trước tiên là đưa chú Tư nó vào bệnh viện. Chuyện đưa thằng Lợi trở lại trường học, chuyện phát quang, sửa nhà tính sau.

Tối đó, tôi thấy ba mẹ ngồi bàn bạc rất lâu. Hôm sau, đi học về, tôi ngạc nhiên khi thấy cái tủ cẩn xà cừ đặt dựa vách song môn đã biến mất. Thay vào đó là một cái tủ gỗ nâu bóng. Trông nó xa lạ làm sao. Thấy cử chỉ ngẩn ngơ của tôi, ba mỉm cười:

- Ba đã bán cái tủ cẩn xà cừ rồi.

Mẹ tiếp lời:

- Mẹ biết đó là di vật quí giá của bà ngoại con để lại nhưng đâu quí bằng mạng sống của cậu con.

Tôi cảm động đến nghẹn lời khi ba bảo:

- Vả lại, thằng Lợi phải được được đến trường. Cậu hai con đã cho tiền, ba mẹ cũng muốn góp phần.

  Tôi muốn nói với ba mẹ rằng tấm lòng của mọi người tốt đẹp vô cùng. Nhưng tôi lặng im nghe ba phân công:

- Ngày mai, mẹ con Quyên ở nhà lo cơm nước cho mọi người. Mợ Tư túc trực ở bệnh viện để chăm sóc chồng.

Tôi với thằng Lợi phụ anh Hai chặt mấy bụi cây rậm rì quanh nhà cậu Tư. Chắc phải mướn người lấp mấy cái ao  sau nhà rồi trồng vài chục cây dừa. Chừng vài năm sẽ sinh lợi. Còn mấy chục cái chậu của cậu tư đúc để bán mà ế nằm ì đó, anh Hai tính trồng thanh long trong chậu. Anh ấy bảo đó là mô hình độc đáo lắm. Thanh Long trồng trong chậu sẽ biến thành kiểng lạ mà bán rất đắt vào dịp tết. Vì ai cũng muốn chưng những loại hoa quả có tên mang đến điều may mắn, phúc đức cho gia đình. Làm vậy vừa bán được quả Thanh Long mà cũng vừa bán được chậu. Nếu cậu Tư bình phục, tiếp tục đúc chậu để mợ Tư trồng Thanh Long thay vì trồng trầu thì tuyệt biết bao. Xong rồi, chắc tính tới chuyện lợp lại cái nhà. Lần nầy phải đắp nền cao hơn, mở vài cái cửa sổ cho thông thoáng. Ý kiến của anh hai hay thiệt. May là anh Hai về kịp!

Tôi cảm thấy vỡ oà niềm vui. Chuyện tưởng như bí lối mà cậu Hai giải quyết gọn nhẹ đến vậy. Tôi chợt nhớ đến con heo đất của mình. Nếu bổ nó ra, số tiền dành dụm được trong đó chắc đủ để mua một cái áo trắng cho anh Lợi mặc đi học. Người anh... chẳng chút huyết thống gì với tôi. Nhưng cách anh nghĩ, cách anh hy sinh đã dạy cho tôi một bài học về nhân nghĩa. Dù vô tình biết được mình chỉ là một đứa con nuôi mà cha mẹ đã nhặt trước cổng chùa. Anh vẫn một lòng kính yêu cha mẹ. Sẵn sàng bỏ học để kiếm tiền lo cho gia đình. Thậm chí anh còn bán cả máu của mình. Khi tôi hỏi, sao anh gan quá vậy, không sợ bị bệnh sao thì anh bảo rằng không sợ. Dù bán hết máu anh vẫn vui vì ơn dưỡng dục của cha mẹ như trời bể. Hai người đã cưu mang anh khi người sinh ra anh còn vất anh bên vệ đường. Thì tại sao anh không đền ơn đáp nghĩa khi người có tấm lòng nhân ái như ba mẹ anh gặp khó khăn. Anh còn bảo, nếu có kiếp sau, anh vẫn mong được làm con của cậu mợ Tư, dù chỉ làm một đứa con nuôi. Tôi thật sự kính trọng anh, kính trọng những người thân của tôi. Họ là những tấm gương sáng đẹp vô cùng.  Khi soi vào đấy, tôi tìm thấy niềm tin cuộc sống tươi đẹp vô vàn.

Những người thân của tôi như những nghệ nhân tạo nên tâm hồn cao đẹp bằng màu sắc của yêu thương!