NHỮNG TIỆM SÁCH CŨ
C ô có cuốn “Hoàng tử bé” của Saint Exupery do Bùi Giáng dịch trước đây không? Lâu quá, hết rồi chú ơi. Cuốn này có tái bản mà. Nhưng người dịch khác, tôi không thích. Hay chú để số điện thoại lại, cháu tìm cho, biết đâu có chỗ còn. Ừ, cô ráng tìm dùm đi. Hình như của nhà xuất bản Lá Bối thì phải, sách in giấy cứng, ảnh màu, sang lắm. Giá cả không quan trọng nghe! Con ơi, quyển “Tâm hồn cao thượng” của Hà Mai Anh dịch trước đây còn không? Không, đừng lấy mấy quyển dịch sau này, con ráng kiếm dùm bác nghe. Bác muốn nhỏ cháu ngoại học tập lối văn trong sáng, đầy cảm xúc của dịch giả này thôi.
Mấy mẩu chuyện tôi vừa nghe được trong một tiệm bán sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những trao đổi quen thuộc ở đây. Mà đâu chỉ có một chỗ! Dài theo con đường này, đối diện với nhà sách lớn NTMK hay bên đường Cao Thắng, đường Nguyễn Văn Cừ vẫn nhan nhản những tiệm sách cũ như thế. Và tôi, mỗi lần về TP lại tìm đến đây như một thói quen ăn sâu vào tiềm thức. Quen đến nổi cô bé trong tiệm sách gần cuối đường kia mỗi lần thấy tôi như gặp bạn tri âm dù kể về tuổi tác cô chỉ đáng hàng con cháu. Mà cô bé hay thiệt, chỉ độ 19,20 tuổi chứ mấy, vậy mà sách cũ sách mới gì cô ta cũng kể vanh vách chứng tỏ một sức đọc ghê hồn. Hai cô cháu mỗi lần gặp cứ nói liên miên về cuốn này cuốn nọ, bất kể kẻ mua người bán, câu chuyện giữa những người đồng điệu cùng mê sách mà, nói sao cho xiết! Kho sách cô bé đã đọc từ truyện nước ngoài đến truyện trong nước, từ những câu chuyện phiêu lưu, mạo hiểm, chuyện trinh thám hình sự đến chuyện tình cảm lãng mạn và trăm thứ bà rằn khách khiến tôi phải bái phục, không biết con nhỏ lấy đâu ra thời gian mà ngốn hết ngần hay thứ. Có lẽ chỉ có say mê mới đọc được như vậy! Nhìn cô bé lại chạnh nghĩ đến lớp trẻ bây giờ, hình như rất hiếm khi chúng chịu đọc sách như vậy. Ngoài lên mạng chat, chit với bạn bè, đa số chỉ là bạn ảo thôi. Nếu có xem phim, đọc sách thì chúng thường tìm đến loại ngôn tình để đắm đuối vào những cuộc tình ảo kia, thậm chí có đứa còn chẳng quan tâm gì đến chuyện yêu iếc trong đời sống thật nữa là…Ngoài thời gian học hành ở trường, chúng chỉ ngồi ôm máy thôi! Vậy nên càng ngày, kỹ năng sống, hòa nhập với xã hội của chúng càng ngày càng yếu. Cũng bởi cha mẹ càng ngày hình như càng o bế, bảo bọc con mình quá đáng hơn.
Còn nhớ những ngày đại học, bọn sinh viên chúng tôi có khi phải lùng sục khắp các vĩa hè sách cũ trên đường Trần Quý Cáp, đường Cao Thắng rồi cả khu Chợ Cũ nữa để kiếm cho bằng được một quyển sách hay một tạp chí cũ mèm thầy bắt đọc, kiếm không ra thì liệu hồn, rớt môn đó như chơi. Cực khổ vậy nhưng quá trình chia nhau lục lạo sách cũ ấy cũng thật vui bởi ai đó từng nói “Tri thức giống như một người tình tuyệt vời, càng đi tìm càng thấy mờ mịt. Nhưng trong quá trình đi tìm đó, ta sẽ cảm nhận được vẻ lung linh huyền ảo của con đường...” Và cũng nhớ cả còn đèn dầu leo lét ở nhà trọ những ngày ấy. Mỗi tối, tôi chỉ dám để đèn sáng đến 10 giờ vì sợ ánh sáng rọi xuống dưới nhà chủ, muốn đọc sách khuya tôi phải đốt ngọn đèn dầu lớn đặt trên bàn cạnh giường ngủ. May mà tôi được ở một mình trên gác nên không ai thấy mà sợ việc hỏa hoạn.
Bây giờ TPHCM có rất nhiều tiệm sách cũ hẳn hoi, họ thu mua sách của những người không dùng rồi bán lại cho người cần xem, giá cả vô chừng tùy loại sách, tùy nhu cầu của khách hàng. Thế nên nhiều quyển sách cũ quý hiếm giá cao chót vót bởi không được tái bản. Nhiều lần tôi đành phải nhờ cô chủ tiệm phô tô lại để giá mềm hơn vì bản gốc đắt quá. Nhưng hay nhất là có những quyển sách ta tưởng đã “tuyệt tích giang hồ”, chỉ cần đặt hàng ở một tiệm quen, có thể năm ba ngày sau chủ tiệm đã “A lô” cho mình đến nhận sách. Nghề bán sách cũ trong mắt những người yêu sách, mê sách gần như đã trở thành một công nghiệp thậm chí một nghệ thuật chứ nào chỉ là chuyện mua bán qua đường. Bởi việc thẩm định sách cũ để mua lại đòi hỏi sự hiểu biết sâu về giá trị của nó. Dường như có một nghịch lý khi sách mới xuất bản thường bị “tuồn” ra ngoài bán bên vệ đường giá rẻ mạt do in lậu thì trái lại sách cũ tức sách xuất bản trước đây năm bảy chục năm, giấy in vàng xỉn, hình chữ trình bày đơn giản mộc mạc lại nằm chễm chệ trong tiệm, giá cả chủ tiệm “hét” có khi nghe hoảng hồn nếu thấy khách tha thiết muốn mua. Bù lại, có khi lật phía sau trang bìa , bắt gặp dòng chữ nắn nót, nghiêng nghiêng của ai đó thân mến tặng bạn bè, bên dưới ghi ngày tháng hẳn hoi, chợt nghe như có tiếng thở nhẹ thoát ra từ trang sách cũ khiến ta hình dung những bước thăng trầm của một đời sách, đời người mà man mác, ngậm ngùi.
Ôi, những quyển sách cũ bên vệ đường hay trong từng tiệm sách bề bộn, đông vui! Tất cả chúng như có đời sống riêng, có mảnh hồn riêng. Tất cả như ấm nồng hơi thở trong lòng thành phố thân quen đã trải lòng cùng tôi cả một thời tuổi trẻ hồn nhiên, xanh mướt.
Sáng hôm nay, bước vào tiệm sách cũ bên đường, lại càng thấy rõ những tiệm sách cũ, những quyển sách cũ ấy vẫn hồng hào tươi rói, vẫn thấm sâu vào mọi ngóc ngách nơi này như một mạch ngầm của văn chương, tri thức cứ miệt mài tuôn chảy cùng cuộc sống Sài Gòn…