Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





DÒNG ĐỜI








Đôi lời tâm sự Nay đã qua ngưỡng ngũ tuần, sau mấy mươi năm miệt mài làm thơ, trên bước đường phiêu lãng, gửi nỗi niềm trong gió bụi muôn phương. Chợt một chiều tôi muốn nhờ giấy bút kia, ghi lại chuyện đời mình, với những buồn vui, thăng trầm trong cuộc sống. Vốn là kẻ tự tuổi thơ, đã thích sống đời phiêu lãng. Nên khi bước vào đời, chán chường cho sự nghiệp công danh,tôi đã dứt áo ra đi,thả chân vào gió bụi, sống rầy đây mai đó,phiêu bạt bốn phương trời. Tôi muốn gửi lại nơi đây, những điều mà thơ tôi chưa nói hết,những biến cố nổi chìm, đôi lúc không theo trình tự thời gian, khi viết liền một mạch, về những người thân thuộc sống quanh tôi.

Nghĩ thế mà mấy tháng nay, chưa viết được chữ nào. Bỗng một đêm, hay tin đứa em bạn xe ôm ra đi đột ngột. Tôi đã viết về em, với tất cả những gì tôi biết,cùng tình cảm của mình, dành cho em suốt mấy năm qua. Câu chuyện có thật về em viết xong, tôi lại viết tiếp chuyện đời mình. Để lỡ đâu mai kia, vì một lý do nào đó, khiến cho ta không kịp viết, những điều ta muốn viết. Và những ý tưởng kia, sẽ mãi mãi là ý tưởng, đến muôn đời cũng chẳng thành văn. Bởi thế đêm qua, khi bài viết đầu tay “Tập thơ tặng muộn” vừa khép lại, khui một lon bia giải khát, phì phèo đôi khói thuốc xong, ngồi vào bàn viết liền một mạch, chẳng hay bình minh đã bừng lên, ấm áp tự khi nào.

Sài Gòn mùa đông 2013


IV : Mộng điền viên


K hi công việc kinh doanh của công ty, bắt đầu đi vào bế tắc, bởi Liên Xô và Đức, không còn đầu tư, trao đổi hai chiều nữa. Phần lớn anh em, tính chuyện chia tay với Dầu Thực Vật, tìm nơi nào đó, có công ăn việc làm ổn định, mà xin xỏ. Riêng tôi vẫn cứ tà tà. Một hôm, anh Trần Bảo Phát, chủ tịch huyện đến chơi, vui miệng bảo thủ trưởng đơn vị, hãy cho tôi về ủy ban làm thư ký văn phòng. Chú Tuân thủ trưởng của tôi, nói rằng chuyện ấy tùy ở tôi, chú không thể dài tay quyết định thay. Sau khi Trần Bảo Phát ra về, tôi nói với chú Tuân rằng: "Một mai, nếu công ty thực sự giải thể, con sẽ về vui thú mộng điền viên, chứ không chuyển đến một cơ quan nào nữa cả. Con chán đời sống công nhân viên chức lắm rồi". Đúng là lời lẽ non nớt, của một kẻ trong mơ ngoài mộng, coi thường phú quý công danh, giữa cuộc sống xô bồ.

Và ngày ấy đã đến, tôi dẫn bầu đoàn thê tử, chuyển đồ đạc về quê, sớm hôm cùng mưa nắng bãi đồng. Dù trước đó đã thỉnh thoảng về, tập làm quen với cày cuốc gánh gồng. Nhưng khi về thực sự được nửa năm, cái thằng tôi đã không còn là tôi nữa. Mình thì râu tóc bơ phờ, vợ con thì héo hắt lem hem, sao mà buồn tủi quá. Ngày trước lâu lâu về làm diễn viên phụ, gặt hái cấy cày, trồng tỉa với anh em, đỡ đần cho cha mẹ. Tôi thấy quê sao mà, yên vui ấm áp thanh bình, không có cá lớn nuốt cá bé, đồng trên đè đồng dưới, lọc lừa nhau như chốn thương trường. Nhưng khi thực sự bán mặt cho đất, bán lưng cho trời đổi lấy bát cơm, tôi mới vô cùng thấm thía, cái nhọc nhằn của nghiệp nông gia. Tiếng là con nhà nông thứ thiệt, nhưng từ nhỏ vốn mê chơi, lắm mơ nhiều mộng, thường chẳng để tâm, đến những việc đã làm. Nên tôi chưa hề, được trang bị chút gì, gọi là kinh nghiệm hiểu biết, để làm một chú nông dân thực thụ. Hơn nữa, ngày ngày tiếp cận với cuộc sống nông thôn, tôi mới thấy ngao ngán cái cảnh : Khi nay nghe đằng tây ẩu đả với nhau, vì mống tre buồng chuối, mai nghe đằng đông chửi xối xả vào nhau, vì lợn ủi gà bươi, mốt lại chứng kiến đôi bên tranh chấp, lấn bờ nhau một chút đất ông bà. Than ôi! Chàng tỉ phú mộng mơ ngày càng tiều tụy, ngồi nghẹn ngào bên bát canh rau. Những đêm dài vắng bạn, lệ chực tuôn trào bên chiếc ly không. Thế rồi tôi ngán ngẩm, gắng gượng qua ngày trong thiếu thốn, chẳng còn gì là vui thú mộng điền viên. Xót con trai, mẹ già cũng âm thầm đêm đêm nhỏ lệ, cũng giúp hết khả năng có thể cho con mình. Ôi! Viễn cảnh tương lai quá mịt mờ tăm tối, nếu ăn bám mãi gia đình thế này, có lẽ nuốt không vô. Ngày về địa phương, cầm tờ quyết định 176, của hội đồng bộ trưởng, nói rõ là yêu cầu, chính quyền địa phương giúp đỡ, cấp cho 500m2 đất, tạo điều kiện cho tôi, sinh sống ở quê nhà. Nhưng khi bước đến cửa chính quyền, các anh cán bộ ủ hoài, hẹn rày hẹn mai mãi không giải quyết. Tôi nộ khí phàm phu, xé vụn tờ quyết định tại ủy ban, rồi cay đắng ra về. Sau đó ủy ban có đánh giấy mời tôi, xuống tham gia công tác

mấy lần, nhưng tôi đều từ chối, và âm thầm tính chuyện ra đi. Cuối mùa xuân 1992, nghĩa là sống với mẹ cha, cùng bà con hàng xóm, vỏn vẹn nửa năm trời. Tôi đã đoạn đành bỏ lại vợ con, cùng bãi thấp đồng cao, vai mang túi xách tay cầm đàn, theo thuyền đánh cá ra đảo Cát Bà. Suốt hai năm, về có hai lần, đời tôi từ đó, lắm vui buồn trong gió bụi muôn phương.


V : Đời phiêu bạt


N hà tôi ở cách biển chỉ có bốn cây số, nhưng dân làng quen làm rau quả lúa má, không ai biết gì về nghề biển cả. Duy chỉ có anh Thế Vũ, con bác ruột của tôi, đang theo thuyền đánh cá làm ở ngoài Bắc. Mùa xuân 1992, anh về quê ăn Tết. Anh em gặp nhau, bia rượu tưng bừng như pháo nổ. Sau một hồi hàn huyên tâm sự, bởi bao năm xa cách, giờ mới gặp lại, anh hỏi tôi đủ điều. Khi cuộc nhậu đã tàn, tôi mới tỏ bày tâm nguyện cùng anh. Thế là sau nửa tháng nghỉ Tết, anh dẫn tôi xuống biển, giới thiệu với anh Thành, là chủ phương tiện (trang lứa với tôi), cùng thuyền trưởng và anh em thuyền viên, đang chuẩn bị lưới chài, dầu mỡ, đá cộ, lương thực, cho chuyến ra khơi vào ngày mai. Nghe anh Vũ nói nguyện vọng của tôi, tất cả anh em, đều nhìn tôi rồi phì cười, làm tôi vô cùng ái ngại. Sau một hồi lâu, anh Thế Vũ mới nói: "Bởi cái tướng của chú mày đó, mà làm biển làm giã gì. Hãy thông cảm cho anh em, ai nhìn vào cũng sẽ, nghĩ là chuyện khôi hài, làm sao chú mày, chịu đựng nổi sóng gió kia chớ. Thôi để đó! Nếu quyết tâm quá, tối nay tao sẽ thưa lại một lần nữa, với anh Thành xem sao. Giờ hãy dọn chén ra, anh em cùng ăn cơm chiều. Chén đũa ở trong khoang đó, bước vào đi. Tôi cúi xuống chui vào, khổ nỗi không ước lượng chính xác, độ cao của gầm cabin, và sàn trước cửa khoang quá thấp, nên va đầu vào cái trốc rõ đau. Đang lưỡng lự, thì em Tâm (thằng nhỏ trên thuyền) kéo tôi ra và bảo rằng: "Anh ở ngoài, để em vào trong chuyền ra cho". Nói rồi, nó chui vào một cách nhanh nhẹn, chuyền tất cả ra mà phải đợi, chứ tôi làm không kịp. Bởi nào chén đũa, cơm canh cá, thịt rau dưa mắm, nó chuyền một lèo, đựng trong những cái nồi niêu xoong chảo, bên ngoài dính đầy nhọ nồi, lâu ngày không được lau chà sạch sẽ. Kết hợp với dầu mỡ, dính đến đâu là như in đến đó, làm tôi ngại quá. Khi ngồi vào ăn cơm, dọn trước mũi thuyền cho thoáng mát, anh Thành mới hỏi tôi, ở nhà làm gì. Tôi cười: "Dạ, em làm nông". Bỗng anh Thành nhướng đôi mắt lên, miệng đang đầy cơm, mà vẫn nói: "Ông làm như tôi không biết, dân nhà quê như thế nào dễ, làm nông mà để móng tay móng chân như zầy, quần áo thì an tơ ni (bỏ áo vào trong quần) tóc tai thì mướt rượt. Ông mới làm được cái gì, dân cày đường nhựa thì có. Lúc ấy, tôi mới nhìn xuống thân mình, và thấy rằng anh nói đúng. Biết trả lời sao đây, khi sau thời gian nghỉ Tết, không lăn lộn ngoài đồng bãi nữa, tóc tai cắt tỉa gọn gàng, và mái trước để dài theo sở thích của tôi. Râu ria tỉa tót, da dẻ trắng trẻo hồng hào trở lại, tương phản hoàn toàn, với tất cả anh em biển cả, đang ngồi ăn cơm hôm ấy. Thấy tôi bí rị, anh Thế Vũ nói hộ cho:" Nó mới làm nông được nửa năm, nên chưa nhuộm màu sương gió đó mà, còn móng tay thì nó chỉ để một bàn tay phải, để chơi đàn chứ mấy. Có gì đâu, rồi đây anh em sẽ thấy, nó siêng năng cần mẫn lắm, tui chỉ sợ nó say sóng, rồi bỏ cuộc mà thôi ». Đến lúc đó, anh Xí thuyền trưởng mới lên tiếng: "Đó mới là điều mấu chốt, dù có muốn làm mấy đi chăng nữa, mà say sóng mãi, cũng phải về chọn nghề bờ, chớ cần phải nói nhiều. Nói thật với anh! Ở đây tụi tui sẵn sàng nuôi cơm anh, đến khi nào hết say sóng, rồi hãy làm việc chẳng sao cả. Nhưng nhìn cái tướng của anh, chắc là ba lần bảy, là hai mươi mốt mà thôi. Ha ha!". Buồn quá! Tôi châm điếu thuốc, lên mũi thuyền ngồi tư lự. Chợt tôi nghe vị thuốc mình hút, hôm nay sao ớn ớn, hôi hôi, chứ chẳng thơm ngon như thường nhật. Vứt điếu đó, châm điếu khác, tôi thấy lạ kỳ, chẳng lẽ mình bị bịnh rồi sao. Cùng lúc đó, anh Vũ gọi tôi đến, và nói với thằng nhỏ: "Đây là anh Toàn. Chắc rồi anh em, sẽ chấp nhận ảnh thôi. Mày hãy dẫn ảnh vào trong khoang, chỉ những thứ lặc vặc linh tinh, để khi anh em sai bảo, ảnh không bị lớ ngớ nghen chưa". Tôi theo nhỏ Tâm xuống khoang thuyền, tay vẫn cầm điếu thuốc. Nghe nó bi bô đủ điều, mà tôi chẳng hiểu chi, bởi những từ biển giã trong nghề, mới tiếp xúc làm sao hiểu được. Xong nó nắm tay tôi, kéo vào khoang máy và chỉ: " Đây là bồn dầu, nhìn vào mực dầu cao thấp, hiện lên mờ mờ trong cái ống ti zô nhỏ, là ta biết dầu còn nhiều hay sắp hết. Còn kia là cái bánh trớn to tròn đó, đây là cái tay quay, đem gắn vào cái lỗ này, rồi anh em mình quay thử cho nó nổ, để em cọ nước nghen!" Đoạn nó chỉ vào cái cọ nằm bên hông, với ống nước được đặt nơi thấp nhất, dưới đáy lòng thuyền, và đầu trên được thông ra ngoài, bằng một cái lỗ, gần lỗ ống nước của máy cạnh cửa hông. Theo lời nó, tôi cầm phụ tay cùng nó, vào tay quay, rồi trụ người xuống quay thật mạnh, nhưng chưa ăn ý, nên cả ba lần đều không nổ. Thấy vậy, anh Thế Vũ chui vào, bảo tôi đứng qua bên, xem anh ấy quay rồi học hỏi. Nãy giờ tôi cố gắng, chịu đựng mùi dầu dưới khoang, để tập quay máy thử ra sao, rồi hãy ra ngoài. Ngờ đâu, khi máy nổ, thuyền lắc lư, mùi khói mùi dầu cùng xông vào mũi, một cơn ớn lạnh, khiến tôi rùng mình một cái, vội bước ra ngoài, nhưng không kịp nữa. Tôi đã nôn thốc nôn tháo, ngay mé cửa khoang, đầu óc choáng váng, miệng nhợn liên hồi, vẫn gắng múc nước dưới mạn thuyền lên, dội cho trôi đi tất cả. Rồi rửa mặt, rửa tay, mở túi xách lấy dầu thoa khắp người, trước sự cười nhạo của anh em. Tức quá tôi nói: "Tôi sẽ đi biển được! Rồi sẽ quen thôi. Chỉ có một điều cầu xin anh em, là đừng để tôi vào khoang máy, đừng bao giờ. Tôi sợ cái mùi ấy lắm". Tôi vừa dứt lời, đã nghe một giọng nói khàn khàn, lạnh lùng cất lên từ phía anh em: "Mới ở trong bờ, đã như con mèo ướt, ngữ này mà đòi đi biển cái nổi gì. Đi ra biển cho cá ăn cơm thì có." Biết tôi đang mệt và buồn, Thế Vũ đến bên tôi an ủi: "Chú mày đừng lo, chủ yếu là anh Thành thôi, anh em họ nói gì mặc họ. Tối nay tao sẽ nói chuyện riêng, về hoàn cảnh chú mày, cho anh Thành hiểu. Giờ có muốn lên bờ không? Hay ở dưới thuyền. Thôi! Leo lên cabin nằm nghỉ đi, để tao vô nói chuyện rồi còn ra ngủ nữa.

Tôi bước lên cabin, ngả lưng nhắm mắt, mà thấy lòng ngao ngán. Theo thói quen, châm một điếu thuốc cho đỡ buồn cái miệng, không ngờ hít vài hơi đã thấy ớn lại rồi, nên ngóc đầu dậy, vứt điếu thuốc đi, nằm nhắm mắt chờ đợi Thế Vũ về. Khoảng một tiếng sau, nghe giọng Thễ Vũ gọi: "Toàn ơi! Lên bờ vào nhà anh Thành nói chuyện". Tôi liền ngồi dậy bước xuống xuồng, nhờ nhỏ Tâm đưa vào bờ. Không ngờ anh Thành, tiếng là chủ thuyền, mà ở cái nhà tuềnh toàng bé tí, với cái nền cát không là cát, tư trang vật dụng sơ sài, chẳng có gì đáng giá. Sau một hồi thăm hỏi, anh ấy nói rằng, đồng ý tiếp nhận tôi. Nhưng nói trước, nghề biển vất vả lắm, có khi vừa mới ngủ đã dậy, vì trục trặc lưới cộ, hay chuyện này chuyện nọ. Anh em thuyền viên thì ăn sóng nói gió, dễ mất lòng nhau, nên đừng có trách làm gì. Cứ đi một thời gian, nếu cảm thấy không thich hợp, thì về nghỉ tìm việc khác mà làm. Riêng dân biển các anh, không đi biển thì biết làm gì. Chứ thực sự lênh đênh ngoài biển, xa vợ con lâu ngày, xung quanh chỉ có mênh mông trời nước, sóng và gió đẩy xô, những bóng thuyền thấp thoáng gần xa, trông quạnh hiu buồn tẻ lắm. Tôi dạ một tiếng và nói rằng, tôi chịu đựng được tất cả, chỉ sợ say sóng thôi. Anh Thành nhìn tôi, có thiện cảm hơn và nói: "Say sóng thì sẽ hết, buồn bã nhọc nhằn thì vẫn vậy. Xác định làm thì phải kiên trì chịu đựng, rồi học hỏi anh em. Việc chẳng có gì khó, ngày nào cũng lặp đi lặp lại, mấy công chuyện đó mà thôi. Hãy cố gắng nghen! Tui đi nghỉ đây".

Trở lại thuyền, anh Vũ kéo tôi ra ngồi sau lái, tâm sự suốt một hồi lâu, rồi anh em mới đi ngủ. Đêm đầu tiên trên thuyền, tôi thật sự không thể nào ngủ được, bởi sự bồng bềnh, dao động mãi không thôi của nó, do gió nước tạo nên. Nằm trằn trọc mãi, thấy ngột ngạt quá, tôi tụt xuống đi tới trước mũi, ngồi một mình trong đêm khuya tĩnh mịch, nghĩ đến vợ con mà nghe nhói ở trong lòng. Cả bến thuyền neo đậu san sát vào nhau, chỉ nghe tiếng nước khua, nho nhỏ dưới mạn thuyền. Và thỉnh thoảng gió nước bừa neo, vài con thuyền xê dịch nằm không đúng hướng, va vào những thuyền khác, nghe kịch kịch mấy tiếng khô khan. Buồn quá! Tôi ngửa người ra, nhìn sao trời lung linh lấp lánh, nhảy múa nhịp nhàng, theo nhịp chao nhè nhẹ của thuyền. Rồi ngủ thiếp đi giữa trời sương lạnh, chẳng biết bình minh tỏa rạng tự khi nào. Mãi đến khoảng ba giờ chiều, anh em mới tập trung đầy đủ để ra khơi. Vì loại giã cào này, chỉ đánh bắt về đêm ở biển nhà, chiều ra sáng vào, chứ chưa đến lúc đi xa.

Lần đầu tiên, được đứng trên thuyền ra cửa biển, tôi có cảm giác, vừa thích thú vừa khiếp sợ. Bởi cửa đại ở quê tôi, có một cồn cát chìm, mờ mờ dưới mặt nước. Khi sóng ngoài xa dội vào bờ qua cồn cát, nó cuộn lên thành những lượn sóng tròn, cao khoảng gần hai mét, ào ạt tiến vào bờ. Thuyền muốn ra khơi, phải đủ bản lĩnh vượt qua, những ông lượn dũng mãnh hung hăng, luôn tấn công chớp nhoáng, bất ngờ yếu mạnh này, vào những đêm, đài báo gió cấp năm cấp sáu. Sợ tôi đứng không vững, anh Thế Vũ bảo tôi, leo lên cabin ngồi cho chắc, để anh cùng đứng với anh em, lèo lái con thuyền, cởi trên lưng hết ông lượn này, đến ông lượn khác, để tiến ra khơi.

Khi thuyền ra khỏi cửa, được một đoạn thì biển êm trở lại, chỉ còn sóng bạc đầu, vỗ đều đều lên mạn thuyền thôi. Đến lúc này tôi mới dám, tụt xuống phía sau lái, tay vịn trụ cabin nhìn vào bờ, và chỉ thấy mờ mờ, đỉnh đồi Thiên Ấn xa xa, cùng làng mạc, ảo huyền giữa ngàn yên ba, trong buổi hoàng hôn, cũng chẳng mấy đẹp trời. Đến khi chẳng còn nhìn thấy được gì nữa, ngoài trời nước mênh mông, tự nhiên lòng dâng lên, một nỗi buồn khó tả. Và cơn say sóng ngày qua, lại sắp sửa quay về, để báo khổ thân tôi.

Tưởng đâu mình, chỉ say sóng vài hôm rồi hết. Thật không ngờ, tôi say đúng hai mươi mốt ngày đêm, không một bước lên bờ. Ói tới mật xanh mật vàng, đắng ngắt và ớn nhợn, ăn chẳng được cơm. Thằng nhỏ thương tình, hôm nào cũng nấu cho tôi miếng cháo. Vào đêm thứ hai mươi, một thuyền viên bảo nhỏ Tâm, đi lấy chén muỗng, xuống nạo cáu bẩn, bám đen thui dưới mê đà, mang lên cho tôi uống. Anh ấy bảo rằng, lấy độc trị độc vậy. Uống vào xong, tôi nôn đến độ, không còn gì có thể nôn được nữa, cứ nấc khan. Nhỏ Tâm mới tội làm sao. Nó liên tục lấy nước cho tôi uống, mãi đến khi uống vào, không ói ra nữa mới thôi. Mệt lã người tôi thiếp đi, và chẳng biết trời trăng gì nữa. Đến lúc anh em vào bờ, bán tôm cá xong xuôi, anh Thế Vũ mới bảo tôi gắng dậy, chà rửa đồ trên thuyền, cùng anh em ăn sáng.

Tôi đứng lên, nhợt nhạt như xác chết, yếu ớt làm qua loa, những việc có thể làm, trước sự cảm thông của tất cả anh em. Hôm ấy xong việc, tất cả sẽ được, nghỉ vài hôm để chuẩn bị, trước lúc lên thuyền đi đánh bắt phương xa. Nghe đâu tận đảo Cát Bà. Đang ngồi thừ lừ một cục, thì anh em hỏi tôi ăn gì, để gọi luôn thể. Thằng nhỏ Tâm mau miệng bảo rằng, Minh Tàng chỉ ăn cháo mà thôi. Tôi cố gắng gượng cười, và tập làm quen với cái tên Minh Tàng, anh em trên thuyền đã đặt cho tôi. Là tên của một nhân vật trong vở cải lương, mà người dân biển quê tôi rất thích nghe, hay xem những tuồng như thế. Húp được nửa bát cháo, tôi không dám ăn nữa vì sợ ói ra ngoài. Ngồi nghỉ được một lát, anh Thế Vũ hỏi tôi: "Sao! Có thể đi ra Bắc được không? Vài hôm nữa là thuyền sẽ nhổ neo, đi cùng đoàn mấy chục chiếc lận. Hãy suy nghĩ đi, rồi trả lời với anh Thành, để ảnh lo đầy đủ thuyền viên, trước khi thuyền rời bến". Tôi yếu ớt trả lời: "Em mệt lắm! Nhưng em sẽ đi, và sẽ cố gắng, làm được cái nghề này". Nói xong tôi theo anh, bước xuống xuồng để vào bờ. Không ngờ chân vừa chạm đất, tôi đã ngã chúi dụi. Hình như biết trước điều này có thể xảy ra, anh Thế Vũ kịp đỡ lấy, và dìu tôi đi, không một chút bất ngờ. Đi được một đoạn, tôi thấy mặt đất như gập ghềnh, thế giới trước mặt tôi quay cuồng đảo lộn, trong cảnh trời nghiêng đất ngả. Rồi mắt nổi đom đóm, nhìn chẳng thấy chi, tôi ngồi bệt xuống cát, đành để cho, nửa tô cháo mới ăn xong, chào giã biệt, cái dạ dày trống rỗng. Lại cũng thằng nhỏ Tâm, nó kéo xuồng sát vào bờ, chạy đến bên tôi, tay cầm gô nước chanh đường nóng, nó bảo tôi hãy uống đi. Hồi xưa nó cũng ở trên quê xuống biển, những ngày đầu thấy mệt, nó tự làm nước chanh nóng, uống vào thấy đỡ hơn rất nhiều. Nên nãy giờ, nó đã chuẩn bị sẵn cho tôi. Cảm động quá! Tôi cố gắng uống một hơi hết sạch, ngồi nghỉ một lát, và thấy đúng thế thật. Tôi đứng dậy và nghĩ mình, chắc có thể đi được rồi. Thật không ngờ, trời vẫn nghiêng đất vẫn ngả, tinh tú vẫn quay cuồng. Anh Thế Vũ nhìn tôi, lắc đầu ngao ngán: "Để anh dìu chú mày đi, hiện tượng này, người ta gọi là say sóng đất, khi rời biển lên bờ, vẫn say là vậy. Tôi nhắm mắt chân bước theo anh, người mềm như con bún. Thế Vũ bảo, sắp đến nhà anh Thành rồi, hãy cố gắng lên. Tôi mở mắt ra, và thấy mình quá yếu đuối. Nếu Thế Vũ buông tay ra, chắc mình ngã chúi dũi mất thôi. Nhìn thấy tôi trong tình trạng kiệt sức, sau hai mốt ngày đêm say sóng, người tơi tả sút đi, chắc cũng ba bốn kí, anh Thành bảo: "Theo tui nghĩ, ông nên tìm nghề bờ mà làm, nghề biển không hợp với ông đâu. Xưa nay chưa từng có ai đi biển, say sóng hai mươi mốt ngày liên tiếp, mà vẫn đòi đi nữa. Chỉ mươi hôm trở lại thôi, đã cút biến hết rồi" Tôi vội vã đáp lời, giọng yếu ớt nhưng cương quyết: "Không! Anh hãy cho tôi cơ hội. Tôi sẽ làm được, rồi anh sẽ thấy". Thễ Vũ cũng nói thêm vào: "Anh Thành chưa biết tính nó đâu, nó đã quyết, là làm cho kỳ được mới thôi. Thấy vậy chứ giỏi lắm đó" Bỗng một thuyền viên trẻ, vẫn còn ngồi chơi chưa vội về, tay xách giỏ cá, đến bên tôi nói nho nhỏ: "Vài hôm nữa đi ra Bắc, anh cầm đàn theo, dạy cho em đàn hát với nghen!" Anh Thế Vũ liền nhanh nhẩu: "Chuyện nhỏ, chú nó mà hết say sóng rồi, thuyền của chúng ta sẽ là, một sân khấu di động. Chú mày tha hồ mà học, chỉ sợ rằng không có năng khiếu đó thôi". Nghe vậy chú em, có vẻ rất thích thú: "Nhớ nghen anh !". Thật không hiểu sao, chú ấy lại tin tưởng tôi, sẽ tiếp tục đi biển, sau hai mươi mốt ngày đêm say sóng nhỉ ? Trong khi toàn bộ anh em lớn nhỏ, đều nghĩ rằng tôi sẽ bỏ cuộc thôi, trừ anh Thế Vũ. Có thêm người quý mến mình, tôi như được khích lệ cổ vũ, thêm niềm tin, vào ý chí mãnh liệt của mình. Trước khi ra về, chị Dung vợ anh Thành, đưa cho anh Thế Vũ với tôi, mỗi người một xách cá, vừa cười vừa nói: "Đây là phần cá ăn của Minh Tàng nè. Say sóng trông phát khiếp, mà cũng đòi đi nữa. Gớm thiệt, thứ dữ chớ chẳng phải vừa đâu nha. Sau này có đi biển, thì đừng an tơ ni nữa, hãy mua áo poll mà mặc cho tiện nghen! Thôi về nghỉ đi, chắc má nhìn hổng ra quá. Hí hí!"

Vừa về đến đầu ngõ, vợ tôi đã chờ sẵn bên thềm. Nhìn thấy tôi râu tóc bờm xờm, người tiều tụy xanh như tàu lá. Không cầm lòng được, hai hàng nước mắt em, tuôn rơi lã chã dưới nắng trưa, của một ngày đầu tháng vẫn còn xuân. Tiếp đến là má tôi, với tấm lưng còng, tay chống gối, mắt nhìn tôi ái ngại, giọng xuýt xoa: "Khổ lắm hay sao, mà trông thảm hại vậy con! Nếu không hợp, hãy về nhà no ăn no, đói ăn đói. Tội nghiệp con trai tui! Có mấy chục bữa mà đã như vậy. Thiệt khổ cho con quá ". Tôi ôm lưng má, chẳng hay mắt mình, đã rơi lệ tự lúc nào: "Không sao đâu má! Con bị say sóng đó mà. Rồi sẽ qua đi thôi, con sẽ làm được, sẽ mạnh khỏe hơn xưa, sẽ không còn là, nỗi lo của ba má nữa. Mong má chớ đau lòng. Má hãy tin con!"

Sau một hồi ngồi tâm sự với ba má, cùng các em ở nhà, vợ tôi bảo: "Em nấu nước xong rồi, xuống gội đầu tắm rửa đi anh!" Tôi theo vợ xuống nhà. Nàng gội đầu kì cọ tắm rửa cho tôi, và lại khóc: "Anh ốm quá! Em chẳng biết để cho anh, đi thế này có đúng không. Mới mấy mươi ngày, mà mẹ con em, đã lo lắng và nhớ lắm rồi. Vài hôm nữa đi ra Bắc, tới Tết mới về, chẳng biết rồi đây em sẽ ra sao, trong những tháng ngày, không có anh bên cạnh". Tôi vẫn ngồi nhắm mắt, vỗ về em: "Rồi em sẽ quen thôi. Mai kia anh làm được, chúng ta sẽ thoát khỏi, cảnh đời đói khổ hôm nay. Hãy cố gắng chịu đựng nghe em! Anh cũng vậy. Anh cũng sẽ rất nhớ em, và các con thơ dại của chúng mình." Em dạ một tiếng nhỏ, rồi đi lấy dao cạo râu, và tỉa tót bộ ria lại cho tôi. Em là một thợ cạo, bao nhiêu năm ròng chỉ phục vụ, cho một người khách duy nhất, là đức lang quân yêu quý của mình. Và tôi rất hãnh diện về điều đó. Chỉ có em thôi, chứ không có một thợ cắt tóc nào, ở trên đời này, làm cho tôi hài lòng, về điều đó cả. Đêm hôm đó! Dù sau mấy chục ngày xa cách, nhưng vợ chồng tâm sự, rồi ngủ suông thôi, bởi em muốn giữ gìn sức khỏe cho tôi. Nằm xuống giường, mà tôi vẫn còn cảm giác, cái giường đang lắc lư chao đảo. Cơn buồn ngủ đến với tôi, trong cảm giác bồng bềnh nghiêng ngả. Ôm lấy em mà như, gắng giữ lấy một cái gì, có thể bị hất văng đi. Đã khuya lắm rồi, thỉnh thoảng nằm nghe tiếng xe, của những người đi chợ sớm, nổ lạch bạch trong đêm hôm lạnh lẽo, mới buồn sao.

Tôi mở mắt nhìn thấy em, đang say giấc ngon lành, mà lòng dấy lên một điều gì, ray rứt mãi không thôi. Thương em quá đi mất. Tiếc cho một đời con gái ngoan hiền, lấy phải tôi một kẻ phong lưu, trong một gia đình khốn khó. Một kẻ không bao giờ chịu an phận, trong cuộc sống đời thường, như bao người đàn ông khác. Tâm hồn em mới cao đẹp, và trong sáng làm sao. Tôi thật vô cùng có lỗi, khi vài bữa nữa đây, bỏ lại em một mình, bơ vơ ngoài bàu bãi, cùng hai đứa con thơ dại lúc đêm về. Đưa tay vuốt tém, mấy sợi tóc lòa xòa trên mặt em, mà lòng trào dâng lên, một niềm yêu thương không tả được.

Ôi! Anh có đoạn đành quá không, khi quyết định ra đi. Rồi mai kia lê bước đời phiêu bạt, nơi chân trời góc bể, một vài năm hay vài mươi năm, không thể nào nói trước được, biết lấy gì bù đắp, những tháng ngày xuân sắc, trôi qua mành hiu hắt, cho em đây. Bỗng một giọt nước mắt thương cảm, vô tình rơi xuống mặt, làm em thức giấc. Và hai đứa ôm nhau, âu yếm nhòa mắt lệ, đến khi trời sáng hẳn, còn chưa chịu rời nhau.

Hai hôm sau! Tôi tạm biệt ba má, lên đường hành phương Bắc. Vai mang túi xách cũ, mua từ thời còn làm việc nhà nước, tay cầm cây đàn guitar, cũ kỹ cũng chẳng kém gì. Trước lúc ra đi, tôi chẳng dám nhìn, vào mắt em thêm lần nữa. Hai đứa con gái cưng, chẳng biết gì. Đứa lớn mãi bi bô, đứa bé bò đòi ẵm, quấn quít bên tôi. Sợ cầm lòng không đỗ, tôi mạnh bước ra đi, không một lần ngoái lại. Vẫn biết là em, đang đứng ôm con trông theo, với dòng lệ lăn dài trên má. Rồi đây những ngày dài hiu hắt, má con em sẽ ra sao? Không dám nghĩ nữa ! Hãy chẳng nghĩ gì ngoài hai chữ ra đi.

Sau một tràng pháo, nối nhau nổ dài rung cả bến. Đoàn thuyền hùng hổ lướt sóng ra khơi, hướng về phương Bắc. Tôi đỡ thấy choáng váng ngây ngây hơn, vì đã chuẩn bị thuốc say sóng, cho cuộc hải trình, đầy ý nghĩa với mình này. Đứng phía sau lái, tôi ngắm mãi đất trời quê hương yêu thương, mờ mờ hiện lên trên sóng nước. Mãi đến khi chẳng còn nhìn thấy được gì, tôi mới đến trước mũi, ngồi hóng gió cùng anh em, và nhìn không chớp mắt, ánh hoàng hôn dát vàng, trên biển cả mênh mông. Lần đầu tiên lênh đênh trên sóng biển, dần dần không còn, là biển của quê nhà nữa. Trong tâm trạng của kẻ tha hương, ngồi chiêm ngưỡng trời nước, buổi hoàng hôn trên biển đẹp đến nao lòng, tôi thấy mình chẳng vui gì, dù đã thỏa ước nguyện được ra đi.

Bốc gói thuốc của anh em, rút ra một điếu, rồi rít thử vài hơi, thấy cũng có phần ý vị. Tôi bước vào lấy túi xách ra làm gối, nằm nhả khói vào hư vô, mà ngẫm chuyện đời mình.

Chiều vào đêm thứ hai, đang lênh đênh giữa trùng khơi, thì nghe đài báo bão, cả đoàn thuyền chuyển hướng vào bờ, theo 17 độ vĩ Bắc. Đi mấy tiếng đồng hồ khó nhọc, vật lộn liên tục với sóng gió, mới qua đảo Cồn Cỏ. Và mãi đến trời gần sáng, chúng tôi mới cùng nhìn thấy cửa Tùng, mờ mờ ẩn hiện phía xa xa. Từ chiều qua, không một người nào chợp mắt. Họ đi ràng rịt, kiểm tra tất cả, những đồ chất chứa trong khoang, ngoài trước mũi, và đằng sau lái một cách chắc chắn cẩn thận. Riêng tôi được lệnh, phải ngồi một chỗ trên cabin, giữ mình sao cho an toàn là được. Thỉnh thoảng nhìn xuống nước đen ngòm, tô điểm những vệt trắng, như ánh đuốc lân tinh, cùng những con sóng hung hăng, điên cuồng dũng mãnh. Lúc thì nâng thuyền cao lên, như trên tận mái nhà, khi thì đạp thuyền nhừ tử xuống hố thấp, đến ngột ngạt khó thở, như muốn nuốt chửng tất cả, vào lòng đại dương. Biển đang nổi cơn thịnh nộ, trông thật kinh hoàng khiếp đảm làm sao. Có những con sóng thật hiểm ác, nó đẩy con thuyền, chạy lệch hướng gần trăm mét, rồi nhấn chìm thuyền xuống, nước tràn vào rồi chảy ra, ở bốn cái lỗ xa quạ. Và một số tuôn xuống đáy mê lường, nên thằng nhỏ phải ngồi canh, cọ nước suốt đêm, bơ phờ hốc hác, trông tội nghiệp vô cùng. Nhìn nó, tôi thấy mình thật là vô tích sự.

Bình thường, chỉ một người lái thuyền thôi. Mà từ khuya, phải hai người phụ lái hai bên, nhịp nhàng chống lại, những đòn chẳng nương tay, của ngàn con sóng dữ, đang gào thét điên cuồng, giữa biển cả mênh mông. Cửa Tùng rõ dần, biển vẫn tím ngắt hung hãn, như một con quái vật khổng lồ, đang nhe nanh múa vuốt, vẫn chực chờ nuốt chửng mọi sinh linh. Thật là một đêm kinh hoàng, suốt đời tôi không thể nào quên nổi. Mãi đến khi, được đặt chân lên bãi cát cửa Tùng, cả bọn chúng tôi mới thấy mình, như những người sống sót, trở về sau cuộc chiến. Từ tối qua đến giờ, tất cả anh em, đều chưa ăn uống gì, họ vẫn còn đủ sức, nói cười sang sảng, vì niềm vui đã vượt qua, cơn sóng gió hãi hùng. Riêng tôi! Bởi chưa ăn chi, nên không thể uống thuốc khi bụng đói, sợ bịnh dạ dày tái phát. Vừa đi được mấy bước, tôi đã thấy trời đất ngả nghiêng, cát bằng như lên bờ xuống vực, mắt hoa lên nổi đầy đom đóm, mất thăng bằng, ngã nhào xuống bãi cát trắng mịn màng, mát lạnh buổi bình minh. Bụng chẳng còn gì để nôn, nên tôi nôn đến ra cả mật vàng. Lại cũng là Thế Vũ đến đỡ tôi dậy, ân cần an ủi: "Cố gắng lên chú em! Say sóng đất nữa rồi. Để anh dìu chú đến hàng quán đằng kia, ăn chút gì đỡ đói, rồi uống thuốc vào sẽ khỏi thôi. Thiệt rõ khổ cho cái thân chú mày". May cho tôi, anh tìm khắp cửa Tùng, mới có được một cô em bán cháo. Chúng tôi làm mỗi người một tô cho ấm. Khi dần thấm thuốc, tôi thấy người khỏe lại, bèn lẻo đẻo theo anh đi dạo, cùng anh em vào sâu trong xóm.

Cả bọn chứ chẳng riêng gì tôi, đều hết sức ngạc nhiên, khi thấy nhà cửa vườn tược, đường xá nơi đây, vô cùng xanh sạch đẹp, được làm theo quy hoạch, như một khu, đô thị nhỏ giữa nông thôn, chẳng giống gì, với những làng nghề ven biển khác. Càng đi càng như lạc vào mê hồn trận. Cứ một đoạn là có một con đường, song song và vuông góc như bàn cờ. Đặc biệt là chúng thẳng giăng, đẹp đẽ mát mẻ và rất giống nhau, đến độ rất khó phân biệt được, lối nào là lối đã đi qua rồi, đối với những người lần đầu tiên, đặt chân lên mảnh đất này, như lũ chúng tôi. Và một điều nữa, khiến chúng tôi rất lấy làm cảm kích, là đến nhà nào, họ cũng sẵn sàng, mời chúng tôi uống nước chè xanh, và ăn trái cây ngoài vườn vừa hái xuống. Hoặc cho chúng tôi tha hồ lựa chọn, khi biết đoàn thuyền phải nấp bão, mấy ngày nữa mới lên đường, vì ngoài khơi, sóng còn kinh dữ lắm. Đi tiếp đến một nhà nọ, tôi vì hơi mệt, nên đứng ngoài ngõ, rợp bóng râm cho mát, để anh em vào trước. Khoảng mươi phút, nghe nhiều anh em cùng gọi, nên tôi vào. Và một điều kỳ lạ, nếu không đến đây, tôi không thể nào ngờ được. Là mẹ già, đang ngồi nói chuyện cùng anh em. Vừa thấy tôi cười chào lễ phép, bà đã đứng dậy, bước đến bên tôi, nhìn trân trân sửng sốt. Rồi òa lên khóc, làm cho tất cả anh em bối rối, chẳng biết chuyện gì. Tôi bình tĩnh, ôm vai người và hỏi: "Sao vậy mẹ!" Bà không trả lời, mà nắm lấy tay tôi, dắt đến gian thờ, rồi giở tấm khăn điều lên. Đến lượt tôi ngỡ ngàng sửng sốt, ồ lên ngạc nhiên, khi thấy người trong di ảnh, quá giống tôi. Chỉ khác là anh ấy, mặc quân phục sĩ quan hải quan, chắc lớn hơn tôi vài tuổi, đã hy sinh vài năm, khi đang làm nhiệm vụ trên biển. Thật không thể ngờ được trên đời, lại có người hao hao giống mình đến vậy. Tôi đứng nhìn sững sờ, rồi thắp cho anh một nén hương, mong hồn anh siêu thoát, và phù hộ độ trì, cho mẹ già mạnh giỏi, trong những năm tháng, của phần đời còn lại, và che chở cho cuộc hải trình, của chúng tôi bình an, thuận buồm xuôi gió, trên biển cả hung tàn, trong những ngày bão tố phong ba. Khi ra về, mẹ biếu cho anh em, một bịch ổi vừa chín tới, và riêng tặng cho tôi, năm quả lựu tươi rói, mẹ vừa hái ngoài vườn. Mẹ ngại ngần ôm lấy tôi, nói lời tạm biệt: "Sau này nếu có dịp, hãy ghé lại cửa biển này, thăm mẹ nghen con!" Tôi rơm rớm nước mắt, đặt cái hôn nhẹ lên vầng trán mẹ, và nói: "Trời cho mạnh giỏi, nếu có thể, con sẽ ghé về đây thăm mẹ. Mong mẹ gắng giữ gìn sức khỏe, đừng làm việc nhiều quá, phòng khi trái gió trở trời. Thôi con phải đi đây mẹ nhé !". Tôi buông tay định bước đi, chợt mẹ gọi lên một tiếng con, bà ôm tôi lần nữa, khiến tôi quá xúc động, và khó xử vô cùng. Tôi phải đi thôi, không thể ở lâu với mẹ được, vì anh em đang đợi: "Con hiểu lòng mẹ, mong mẹ vui vẻ để con đi, cùng anh em mẹ nhé! Cầu trời cho mẹ được bình an. Ngày nào đó, con sẽ trở về đây thăm mẹ. Con sẽ trở về!..." Nói đoạn, tôi vội rứt ra, bỏ chạy theo anh em. Ra đến ngõ, tôi ngoái đầu nhìn lại. Thấy mẹ vẫn còn đứng lặng nhìn tôi. Chòm tóc bạc trên mái, xòa xuống phất phơ trước gió, giữa trời đất cuối xuân ấm áp thanh bình. (Và giờ đây! Đã hai mươi mấy năm qua, tôi chưa một lần ghé lại, chẳng biết mẹ già có mãi ngóng trông, hay đã về nơi chín suối tự khi nào)

Khi đã đuổi kịp anh em, tôi nói: "Tội cho mẹ già quá. Sau này có dịp, quyết sẽ ghé thăm và ở lại vài hôm, cho mẹ vui lòng." Nghe vậy, một người trong anh em liền lên tiếng: "Không có chuyện đó đâu ông ơi! Biển giã làm ở cửa Tùng đói thấy mẹ. Nếu không gặp bão, tụi tui không bao giờ, đặt chân lên mảnh đất này lần nữa đâu ông". Lời nói ấy cho dù là sự thật, sao tôi nghe quá đỗi bẽ bàng. Và trách sao anh bạn, lại nhẫn tâm với mình quá vậy. Nếu đã vậy thì mẹ ơi! Chắc con phải đành thất hứa, vì chuyện áo cơm con nào dư dả, để tự liệu một chuyến riêng tư, về thăm mẹ sau này. Mãi nghĩ, tôi chẳng hay biết mình, đã theo cùng anh em, đi vào một nhà khác. Nên khi có người vỗ vai, bảo "có gái". Tôi như sực tỉnh, nhìn lên sân các, thấy cô em nhà nọ đang tưới hoa, và cắt bỏ những cành, bị gãy do gió bão. Và phía dưới nhà, có cô đang ngồi tựa cửa ngó ra, và một cô nữa, đang thêu thùa bên song cửa sổ. Bởi còn mãi nghĩ về mẹ già khi nãy, nên tôi chầm chậm bước sau cùng.

Nhìn thấy tôi, em gái tưới hoa, đang cầm trên tay mấy nhành tường vi héo rũ, đứng ngây người như pho tượng. Tôi khẽ gật đầu chào, em vẫn đứng trơ trơ. Lại vẫn là nước chè xanh, cô chị mời chúng tôi, mỗi người một chén. Tôi chối từ không dùng nữa, vì thực sự uống không vô, dù đã khỏe hơn nhiều. Một lát sau, em gái trên sân các, bước xuống chiếc cầu thang gỗ, nho nhỏ nơi góc nhà, lễ phép chào chúng tôi, lặng lẽ nhìn tôi, rồi tìm lấy chiếc khăn đi ra vườn. Đến bên giếng nước, cô bé cúi xuống, chào tôi một lần nữa, như có ý gọi mời. Với khuôn mặt khả ái, cùng nụ cười hơi ngượng ngập, khẽ gật đầu như khích lệ, cô bé đã cuốn hút được, đôi chân tôi thẳng bước ra vườn, thay vì lớ ngớ đứng trên sân. Nụ cười vẫn hé mở trên môi, em e lệ: "Anh từ đâu đến vậy? Sao trông anh chẳng giống, những người cùng đi, một tẹo nào luôn vậy, hở anh!". Tôi mỉm cười: "Anh từ Quảng Ngãi, theo thuyền đánh cá đi ra Bắc. Không ngờ gặp bão, nên mới ghé vào cửa biển quê em, để ẩn nấp đôi ngày. Anh không giống bọn họ! Phải thôi, bởi anh không phải là dân biển, chỉ mới tập tành làm quen, với sóng gió nổi trôi. Em có còn đi học không? Năm nay được bao nhiêu tuổi rồi?" Cô bé liền dạ thưa: "Năm nay em mười chín, tốt nghiệp cấp ba rồi, xong nghỉ luôn, chẳng đi thi đại học. Các chị em cũng thế. Vì ba em là giáo sư của chế độ cũ, chúng em sợ khó được, nhận vào làm việc lắm, sợ học uổng công, nhà lại không có tiền. Kinh tế gia đình ngày càng sa sút, kể từ khi ba em mất, nên mẹ chẳng cho, đứa nào đi thi cả. Lỡ thi đậu rồi, không có tiền ăn học, chỉ tổ tiếc thêm thôi, chớ được gì mà thi với cử". Thì ra các em sống có vẻ an nhàn, mà không đủ đầy sung sướng, không thực hiện được ước mơ, bao năm ấp ủ, khi còn ngồi ghế nhà trường, là được làm cô giáo, dạy giỗ các em thơ. Thấy em có vẻ hơi buồn, tôi hỏi: "Còn mẹ em đâu?". Em đưa tay vén mấy sợi tóc mai, gió vờn bay lên mặt: "Mẹ em chạy chợ, bán cá hai nơi lận, đến chiều mới về. Mẹ khổ lắm, làm suốt thôi mà cũng chẳng thấy đủ. Hai chị của em, suốt ngày thêu thùa đan áo, mà kiếm chẳng được mấy đồng. Các anh đến đúng lúc, chị ba đang giải lao đó, chớ chỉ mà ngồi đan áo, anh nhìn thấy mê luôn. Chị ấy đan lẹ mà đẹp lắm, chớ không phải như em, vụng về chậm chạp, thêu cũng tồi mà đan cũng tệ. Hi hi!". Tôi đáp lại với giọng đầy cảm thông, khích lệ: "Em còn nhỏ mà, biết đâu mai kia, chẳng những chị ba, mà cả chị hai cũng không xứng, làm đệ tử của em thì sao". Em cười đỏ mặt: "Anh khéo đùa! Chị hai của em giỏi lắm nghe, anh chưa biết đó thôi".

Bỗng nghe từ trong nhà, có tiếng Thế Vũ nói vọng ra: "Toàn ơi! Có ca sĩ rồi nè. Anh bảo mấy đứa về, lấy đàn lên cho chú mày chơi nghen!" Nghe vậy em liền hỏi: "Anh đàn gì vậy? Em biết mà. Ngay từ lần nhìn đầu tiên, em thấy anh có vẻ rất nghệ sĩ. Nếu không phải nhạc sĩ, thì cũng là thi sĩ văn sĩ gì đó. Thấy chưa! Em đoán đúng mà. Anh biết không! Chị hai em ca hay lắm đó. Rất tiếc chị ấy không tham gia văn nghệ bao giờ, bởi chị chẳng thích đám đông". Đợi em nói xong, tôi mới từ tốn: "Mình vào nhà thôi! Em đoán sai rồi. Anh chẳng xứng với cái sĩ nào cả. Chỉ biết chơi tí đỉnh đàn guitar, đủ để giúp vui khi cần thiết đó mà, chẳng biết có đệm đàn, cho chị hai em hát được không đây"

Vừa vào đến nhà, cũng vừa lúc mấy đứa, xách đàn lên đưa tôi. Nhìn chị hai của em, chưa ca mà mặt mày, đã đỏ bừng bừng. Đủ biết cô bé, từ lâu sống khép kín, chưa bè bạn cùng nhau đàn hát bao giờ. So dây xong, dạo đàn một tí, tôi hỏi: "Em ca bài gì đây?". Cô bé ngượng nghịu giọng run run: "Em hổng biết nữa." Bé út liền chen vào: "Mùa thu chết của Phạm Duy đi chị hai!". Chơi khúc dạo đầu xong, tôi hỏi: "Anh chơi Rê Thứ, em ca vừa chứ nhỉ". Cô bé cười đỏ mặt, gật đầu: "Dạ được". Cả bọn tôi vô cùng ngạc nhiên, khi giọng ca em cất lên. Và những anh em biển giã, ăn sóng nói gió, cùng ồ lên một tiếng khen hay đáo để. Lúc này em đã, nhập tâm vào bài hát, chẳng để ý gì, đến sự ngưỡng mộ của anh em. Tiếng ca em thoát hồn, buồn bã bay bổng giữa ban trưa, của một ngày nắng dịu, gợi nỗi u hoài, về những điều gì cao quý, đẹp đẽ đã mất đi, còn chăng là những hoài niệm, về một thời quá vãng, không bao giờ đến với ta, một lần nữa trong đời. Và phải nói rằng nhờ em, mà lần đầu tiên trong đời, tôi đệm bài này một cách xuất thần hay lạ, khiến mọi người đều trầm trồ thán phục, kẻ đàn người ca vừa mới quen, đã thể hiện như ăn ý tự lâu rồi. Xong bản nhạc, ngưng tay đàn, tôi hỏi em giọng đầy cảm phục: "Em có đi học, lớp thanh nhạc nào không? Học dự thính chẳng hạn. Nhà em có gì để thu âm không". Em ngồi im lặng, rồi buồn buồn: "Em không được học. Mấy băng nhạc nhà em nhão nhoẹt hết rồi, không thu được nữa đâu. Băng sống thì em không có". Tôi hít vài hơi thuốc lá, nói gọn lỏn: "Rất tiếc". Rồi cầm đàn lên chơi tiếp. Giờ em đã mạnh dạn hẳn lên, gửi tặng cho chúng tôi, liên tiếp những nhạc phẩm: "Chiều mưa biên giới", "Kiếp nào có yêu nhau", "Hẹn hò", "Còn gì nữa đâu", "Sơn nữ ca",… và những bài gì tôi không còn nhớ nữa, phần lớn là nhạc của Phạm Duy, với giọng ca tuy hơi non nớt, phát âm chưa chuẩn lắm, nhưng mượt mà, ngọt ngào tha thiết, ấm áp thánh thót, dễ nghe hơn, giọng của ca sĩ Thái Thanh, một thời làm rung động, biết bao con tim, của người Việt yêu âm nhạc. Phải chi những lúc này, mà có được tay đàn Nguyễn Hoàng Dương, ông bạn vàng của tôi, thì hay biết mấy. Tôi tự biết, tiếng đàn của mình hơi thô, bởi công lực, thường phát ra dữ dội quá. Còn nhiều hạn chế chưa xứng tầm, là một nhạc công thực thụ. Nhưng trên biển cả mênh mông, tìm được một tay đàn như tôi, để giúp vui không phải dễ.

Ca xong một lèo, có đến chục bài, em ửng hồng đôi má, ngồi nhấm nháp mấy ngụm chè xanh, rồi cười nói với mọi người: "Ôi! Em mệt lắm rồi. Ca không nổi nữa, giờ đến lượt các anh đi!". Nhìn quanh mấy anh em, thấy họ lắc đầu rụt cổ, tôi cười: "Hôm nay tụi anh, xin dành cả không gian, và thời gian này cho các em, để giữ lại chút kỷ niệm đẹp, một chút gì để nhớ, làm hành trang cho các anh, trên bước đường đầy sóng gió bão giông. Chị hai xong rồi, giờ đến lượt chị ba đi! Không được từ chối nhé!". Cô gái được gọi là chị ba, có tính cách mạnh mẽ, tự nhiên và vui nhộn, chứ không được dịu dàng, thâm thúy, tế nhị như chị hai, nhưng cũng sắc nét dễ thương. Để đáp ứng lời đề nghị của tôi, cô mạnh dạn nói, như một người dẫn chương trình: "Để tiếp tục chương trình văn nghệ, kỷ niệm ngày bão tố hôm nay, Lan Chi xin được gửi đến các anh, cùng chị em của Lan Chi, bài ca mang tựa đề: "Con thuyền không bến" nhạc và lời của Đặng Thế Phong". Giới thiệu xong, cô nàng tự vỗ tay ba cái, một cách rất sành điệu, rồi hát theo nhịp đàn của tôi. Thật không ngờ, một gia đình trí thức nghèo, heo hút nơi bến vắng, lại có được hai cô gái, sở hữu hai giọng ca vàng, chưa hề được đào tạo qua trường lớp, ở một cửa biển nghèo, chẳng có gì đặc sắc, thu hút khách muôn phương, của đất trời Quảng Trị, ngoài địa danh thuộc vĩ tuyến mười bảy, thời đất nước phân chia. Chẳng giống chị hai tí nào, giọng ca của Lan Chi khàn khàn nhưng rất khỏe, và ấm áp ngọt ngào, từa tựa như ca sĩ Bảo Yến. Nhất là khi em ca bài "Giọt mưa thu", nhạc phẩm cuối cùng, của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, với âm vực rộng, được em thể hiện khá thành công. Khiến tôi vừa đàn vừa nghe, mà thấy lòng dâng lên, một nỗi buồn da diết, tựa buổi thu tàn, trong một ngày nắng dịu, của tiết cuối xuân. Bài cuối cùng em gửi đến chúng tôi, là nhạc phẩm "Tiếng xưa" của Dương Thiệu Tước. Đến lúc này tôi mới để ý và phát hiện, em không phải là người hời hợt, vui tính như vẻ bên ngoài, mà cõi lòng em ẩn chứa, nhiều mất mát đau thương, với những nỗi buồn theo năm tháng, lắng sâu trong tận đáy tâm hồn. Không phải nói để tán dương em, mà là lời chân thành tự đáy lòng tôi. Khi tiếng ca em vừa dứt, tôi đệm thêm một khúc nhạc nhẹ nhàng, chậm rãi như nuối tiếc bâng khuâng, và nói: "Anh thật sự ngưỡng mộ các em!" Cô bé đang đăm chiêu, đắm chìm trong sâu thẳm, bỗng cười giòn tan, và đáp lời ấm áp: "Có gì đâu anh! Chúng em, những đứa con gái, nơi cửa biển nhỏ bé này, phải cám ơn anh, và lấy làm diễm phúc, vì không dễ gì có được, lần vui thứ hai trong đời, như những giây phút hôm nay. Em thực sự cám ơn tất cả các anh, đã ghé đến vui chơi cùng chúng em. Ngày hôm nay thật là đáng nhớ, em xin ghi nhận. Và chúc các anh một vài ngày nữa, lên đường bình an vô sự. Thời lượng còn lại, em xin nhường sân khấu, cho cô em út của em. Em xin hết ạ! Bái bai!". Nói xong em đứng dậy đi rửa ráy, rồi bước vào buồng, nằm nghỉ một cách tự nhiên, và tỏ vẻ chẳng quan tâm gì, đến sự có mặt của chúng tôi nữa. Cô em út nãy giờ, ngồi sát bên tôi, im lặng nghe hai chị mình, lần lượt thể hiện, và vỗ tay tán thưởng. Giờ nghe đến lượt mình, cô bối rối thẹn thùng, mặt đỏ như gấc, phụng phịu: "Em hổng biết hát như các chị đâu, cho em qua đi". Tôi nở nụ cười đồng cảm, và khích lệ: "Bài gì cũng được, miễn là gửi cho anh em, một chút gì để nhớ về em, trước lúc ra đi thôi mà. Cố gắng lên em! Không ai cười chê em đâu, mà chỉ thương em hơn thôi". Bỗng đôi mắt cô bé sáng lên: "À phải rồi! Em sẽ hát tặng anh, xin lỗi tặng các anh bài: "Ngày mai anh lên đường", nhạc và lời của ai, em hổng biết. Mà xin nói trước, em chỉ hát một bài thôi đó nghen!". Nghe vậy tôi bắt chước chị ba, của cô bé pha trò: "Để tiếp tục chương trình văn nghệ hôm nay, đoàn ca nhạc kịch nấp bão của chúng tôi, xin gửi đến quý vị, một nhạc phẩm mang tựa đề: "Ngày mai anh lên đường", nhạc và lời của Thanh Trúc và Lê Giang, qua giọng ca của, nữ ca sĩ trẻ đang lên Uyển Nhi. Ha ha ha!". Tất cả anh em cùng vỗ tay rôm rả, làm cô bé đấm vào lưng tôi giãy nảy: "Các anh mà ghẹo nữa, là em hổng hát đâu đó nghen!". Tôi phì cười: "Thôi được rồi, hát đi cưng, anh đệm đàn đây". Thật chẳng giống hai cô chị tí nào, bé Út có giọng ca nhõng nhẽo, the thé chói cả tai. Với chất giọng quá kém thế này, mà em dám hát tặng chúng tôi, quả là một điều đáng khích lệ. Hình như hôm nay cao hứng quá, em hát đi hát lại đến ba lần. Muốn vào là vào, chẳng cần để ý gì đến tiếng đàn, còn sai giọng nữa chứ. Thích thì rống lên cao vút trời xanh, bể tiếng thì tự hạ xuống, lạc giọng một cách vô tư, chẳng ăn nhập gì với tiếng đàn. Làm tôi không nhịn được cười, nhưng phải cố đàn theo, vì sợ em tự ái. Điều làm tôi khá ngạc nhiên, là anh em lại dành cho Uyển Nhi, một tràng pháo tay tán thưởng, dài như bất tận, khi cô em, gục đầu chào kết thúc. Làm tôi đặt cây đàn vào nơi góc nhà rồi, cũng phải vỗ tay theo. Cô bé hân hoan, như vừa biểu diễn xong một tiếc mục đặc sắc. Đứng dậy tựa lên vai tôi, rót nhỏ vào tai: "Anh nghe em hát có hay không?". Tôi cười, và buộc lòng phải nói dối, một cách dễ thương: "Hay lắm! Đầy phong cách. Nếu chịu khó nghe nhạc phát trên đài, em sẽ ca tốt hơn nữa". Mặt em tươi rói, đáp lại liền: "Em nghe đến thuộc luôn đó anh, mới hát được như vậy ấy chứ lị". Tôi chẳng biết nói gì hơn, chỉ nhìn chị hai Thảo Vy, rồi cả hai cùng cười, và tôi xin một bát nước chè xanh. Uyển Nhi nhảy nhót đi rót nước liền. Trước khi tạm biệt, tôi nghĩ phải có một chút gì, gửi lại cho các em mới trọn vẹn, bèn uống liền nửa bát chè xanh, rồi cầm đàn vui vẻ nói: "Để kết thúc chương trình ca nhạc hôm nay, thay mặt cho hải đoàn Quảng Ngãi, Thế Vũ sẽ gửi đến chúng ta, nhạc phẩm hát rồi sẽ biết. Ha ha!" Anh Thế Vũ gãi đầu cười hiền hòa: "Thôi thì cũng đến lúc chia tay rồi, anh xin gửi đến các em, và các bạn bài ca "Phút cuối", nhạc và lời của Lam Phương". Một tràng vỗ tay khá rầm rộ vang lên, và Thế Vũ thật không hổ danh, là một cây bolero, đã thể hiện nghe khá muồi, dù là slow rock, và là một trong những lần, anh hát bài này thành công nhất, từ trước đến nay. Bài ca kết thúc trong tiếc nuối, cũng vừa lúc đến giờ cơm, thằng nhỏ Tâm lên gọi, chúng tôi đành phải đứng dậy chia tay. Thảo Vy nhìn trong nuối tiếc: "Anh Thế Vũ ca bài, buồn quá phải không anh! À mà, em chưa biết tên anh". Tôi nán lại giây lát: "Từ sớm tới giờ em không để ý, anh em gọi tên anh à! Anh tên Duy Toàn, đúng trong khai sinh là Nguyễn Văn Toàn". Em nhìn tôi vẻ ngại ngùng e ấp, rồi mạnh dạn nói: "Tối nay trăng sáng, anh lên chơi với chúng em nghen!". Tôi nói vội: "Không được đâu, anh chẳng nhớ đường, vả lại…". Thảo Vy có vẻ hơi hụt hẫng, thỏ thẻ: "Thật vậy hả anh! Vậy thì em sẽ xuống bến, với chiếc váy màu hồng nhạt, anh nhớ đón nghe!". Tôi ừ một tiếng, rồi bước vội cho kịp anh em. Ra đến ngõ mới vẫy tay chào tạm biệt, và không ngờ, cả chị ba Lan Chi, cũng bước ra đứng tựa cửa nhìn theo.

Đêm hôm đó, là ngày mấy tôi chẳng nhớ, chỉ nhớ rằng, dưới màu trăng xanh xao lạnh lẽo, tôi ngồi trên thuyền, nhâm nhi tí rượu cùng anh em, và giúp vui văn nghệ, đệm đàn cho những ca sĩ bất đắc dĩ, đang cao hứng giành nhau chí chóe. Đã cuối xuân rồi, sao vẫn còn khá lạnh. Trót vào ly rượu gạo một cách sảng khoái, tôi khui gói thuốc Jet ra, châm một điếu ngồi nhả khói mơ màng, ngắm nhìn trăng nước mênh mông, ngàn đời vui ân ái. Chợt anh Thi rỉ nhỏ vào tai tôi: "Mấy ẻm hồi trưa, xuống bến tìm chú mày kìa!" Nhìn lên bờ, bởi mắt kém tôi chỉ thấy, lờ mờ hình bóng ba cô gái, đang đi về phía chúng tôi. Trong đó có một người mặc váy, chắc chắn là chị hai Thảo Vy rồi. Làm sao bây giờ nhỉ! Tôi suy nghĩ vài giây, rồi hỏi anh Xí tài công, đang ngồi đối diện rằng, cho các em lên thuyền, cùng vui với chúng mình có được không. Chẳng ngờ, vừa nghe đến phái đẹp, anh đã vội vã: "Chú mày thiệt là, còn phải hỏi nữa, nói mấy đứa lấy xuồng, đưa các em ra đây. Tôi gọi thằng nhỏ Tâm bôi (vì lúc nào mặt mày nó cũng bôi lem luốc) bảo rằng, đưa các chị lên thuyền giúp anh. Chú nhóc hăng hái, thi hành nhiệm vụ ngay lập tức. Khi chúng tôi dọn dẹp lại, mâm nhậu cho gọn gàng, để có thêm chỗ ngồi thoải mái, thì cũng vừa lúc các em bước lên thuyền. Mới chào hỏi mọi người xong, Thảo Vy đã nói trước rằng, mấy chị em xin mẹ cho đi chơi, chỉ được hơn một tiếng đồng hồ thôi. Thế Vũ anh tôi, liền đáp lại: "Khách đến chưa chơi đã nói về. khà khà! Biết làm món gì cấp tốc, để chiêu đãi các em đây. Thôi thì cùng nhai khô đắc khô đuối, nhấm vài chung rượu, với các anh cho vui hỉ!". Miệng nói tay làm, anh đưa cho các em, mỗi người một miếng mồi khô, xong bảo thằng Bình, lấy canh chiếc tửu vào ca, rồi rót vào cái ly, cúng thổ địa bé xíu, mời các em, và xin chớ khước từ. Vừa nể lời Thế Vũ, vừa muốn gánh cho chị em, nên Lan Chi liền lên tiếng: "Em xin thay mặt, uống cùng các anh, nhưng chỉ một ly thôi đó. Chị em nhà em xưa nay, chưa hề uống rượu bao giờ. Đúng là cô ấy nói thật, vì sau đó tôi nghe, em thở nặng nề gấp gáp. Bởi ly rượu kia tuy nhỏ, nhưng không phải loại, dành cho người kém tửu lượng. Mới được một lúc, anh em đã nói cười hô hố, lời lẽ khiếm nhã, làm tôi khó chịu quá. Sợ các em phật lòng, chưa biết tính thế nào, thì Thảo Vy đã bấm vào chân tôi, đứng lên bước đến trụ tay bông, trước mũi thuyền, đưa mắt nhìn ra phía xa xa, trùng trùng sóng cuộn, trong một đêm biển động. Tôi đứng dậy bước đến gần, và nghe em nói khẽ: "Lát nữa anh Toàn đưa em về nghen! Em có nhiều điều, muốn tâm sự cùng anh". Em còn muốn nói nữa, nhưng tôi lo lắng, thành thật cắt lời: "Ấy chết! Ban ngày anh chẳng dám đi, làm sao anh có thể đưa em về, rồi lại về một mình cho được". Em cười khúc khích: "Biết rồi ông tướng à! Em sẽ đưa anh về!". Tôi cười ngơ ngác: "Nghĩa là sao! Anh đưa em, em đưa anh! Cuối cùng chẳng ai về được, thì trời đã sáng mất tiêu". Em cười nho nhỏ: "Có sao đâu! Lên vườn nhà em, mình ngồi tâm sự, mẹ sẽ không la rầy. Rồi em đưa anh về trước khi trời sáng, chịu chưa?". Tôi đắn đo suy nghĩ, rồi thành thật khai báo: "Thảo Vy à! Anh rất hiểu lòng em. Nhưng có điều này, anh phải nói với em. Anh đã có vợ, và hai con gái dễ thương như búp bê. Vợ anh cũng ngoan hiền, xinh đẹp như em vậy. Lang bạt thế này, anh nhớ các cháu lắm, cả mẹ nó nữa, hãy hiểu và thông cảm cho anh". Ánh mắt gợn buồn dưới ánh trăng, như đầy ma lực hút lấy tôi. Nàng nhìn tôi, chẳng đòi hỏi, giận hờn hay trách móc, mà nói như tâm sự với chính mình: "Người đàn ông thế này, mà chưa vợ mới là lạ. Chẳng biết ông trời xui khiến, gặp gỡ để làm chi. Dẫu biết chẳng được gì, nhưng có lẽ mai này em nhớ lắm". Vốn là kẻ đa tình đa cảm, chẳng muốn ai phải buồn tủi về mình, tôi nói nhỏ, giọng đầy thông cảm: "Thôi được, anh sẽ đưa em về". Vừa lúc đó, nghe tiếng Lan Chi phàn nàn: "Các anh làm kỳ quá, em chẳng thích đâu. Nếu thiếu tôn trọng nhau, em sẽ về ngay bây giờ". Quay đầu nhìn lại, tôi thấy vài anh em, đang tháy máy tay chân, tán tỉnh suồng sả, với Lan Chi và bé Út. Bực bội quá, tôi nói với Thảo Vy: "Thật xấu hổ! Xin lỗi em! Anh sẽ đưa mấy chị em về". Trở lại bên cuộc rượu đang ồn ào, tôi nói lớn: "Xin phép anh em, mấy chị em Thảo Vy, sợ chơi lâu về mẹ mắng. Nên cuộc vui đêm nay, tạm dừng tại đây. Duy Toàn xin đưa các em về, tất cả thông cảm nhé! Thế Vũ đi với em". Thế Vũ hiểu ý tôi, cười cười: "Chú mày cứ đi trước, anh sẽ lên sau. An tâm đi!". Thằng nhỏ Tâm bôi, nãy giờ thấy cũng ngứa mắt. Vừa nghe nói, nó liền kéo Lan Chi đứng dậy, và đưa xuống đầu tiên. Tiếp đến là bé Út, Thảo Vy và tôi. Không ngờ ba ông kẹ nữa, cũng nhảy xuống theo ngồi chật cứng.

Lên bờ nhìn thấy ba chị em, bước dịu dàng uyển chuyển, và lặng lẽ trong đêm khuya. Tự nhiên lòng dâng lên, một nỗi buồn pha ray rứt: "Mình đang làm gì thế này? Chẳng lẽ đây là tiết mục mở màn, cho cuộc phiêu lưu tình ái, trên bước đường phiêu lãng hay sao ? Không thể được". Nhìn dáng mảnh khảnh, mái tóc dài với vòng eo tí tẹo, của Thảo Vy chuyển động dưới trăng, trông nàng yếu đuối quá. Thấy em quay lại, tôi bước đến: "Đừng bồng bột nha cô bé! Nếu có một ngày, em lỡ yêu ai, em có chịu đựng nổi không, khi chỉ được gần gũi vài hôm, rồi xa cách ngàn trùng". Không ngờ em mạnh dạn, tay ôm, đầu ngả vào vai tôi nói nhỏ: "Giờ đã yêu rồi, nói gì đến lỡ mai". Bỗng thằng Bình quay lại, vỗ vai tôi một cái: "Thôi! Mình anh đưa mấy nhỏ về đi, tụi em buồn ngủ quá, chịu hết nổi rồi". Tôi bắt tay ba đứa và nói lớn: "Tạm biệt! Cám ơn các em, anh sẽ về sau". Ba đứa vừa đi khỏi, Uyển Nhi đã chạy đến, bá lấy bờ vai còn lại nũng nịu: "Anh chỉ biết có chị hai thôi à, chẳng thèm nói gì đến em, để mấy ông kia lỉn xỉn, làm phát khiếp". Tôi chưa kịp nói gì, Lan Chi đã lên tiếng: "Hai người để tôi ở đâu, mà giành hết trơn vậy hen! Thiệt chán ghê, cô đơn quá đi mất! Hi hi hi!". Biết em mình đùa, nhưng trong lòng buồn thật, lại có hơi men, nên Thảo Vy đùa lại, nhằm xoa dịu lòng em: "Còn cái lưng, em có đủ gan không? Há há!". Mặt Lan Chi bỗng tươi lên: "Chị nói thật không đó! Em uống những ba ly, cho ba chị em lận đó nha. Thách là em làm hà". Không ngờ cô bé táo bạo thật, hất tay hai chị em, nhảy phóc lên lưng tôi, cười hăng hắc. Bất ngờ quá, tôi phải vòng tay ra sau lưng, giữ lấy Lan Chi đang vắt vẻo, hai tay đưa lên trời, múa may như đứa nhỏ. Hồi xưa trên lưng bò, tôi cũng thường làm như thế. Đã không bám, còn chẳng chịu ngồi yên, lúc nhào phía trước, lúc ngửa ra sau, khi thì lắc lư uốn éo, khiến tôi luôn bị mất thăng bằng. Đang gật gù trên lưng, chợt cô bé cúi người, oằn ra phía trước: "Hãy cho em hôn anh một cái nha! Anh thật dễ thương…". Nói chưa dứt lời, do rướn người để hôn, cô bé lỡ trớn lộn nhào xuống cát, kéo theo tôi nằm đè lên, với hai tay vừa kịp giữ lấy đầu em. Và mũi miệng bị chạm nhẹ, vào dưới lỗ tai em. Lan Chi chẳng nghĩ gì, đến sự an nguy của mình khi té ngã, còn trách hờn tôi: "Sao anh không hôn vào môi má, lại hôn vào chỗ đó". Nói vừa dứt lời, cô bé ghì lấy tôi, hôn say đắm nồng nàn, mặc cho tôi giãy giụa. Thảo Vy đỡ lời cho em gái: "Nó say rồi anh ạ! Bình thường không có như vậy đâu". Sau nụ hôn ngắn, dường thỏa mãn chút khao khát, và tỉnh táo đôi phần, Lan Chi nới lỏng vòng tay, tôi liền chớp lấy cơ hội, vụt đỡ em đứng dậy. Lan Chi mở mắt, tay vẫn cố bám víu vào cổ tôi, em nói như sợ mình lẳng lơ suồng sã: "Em thế này anh có khinh em không? Tình cảm con người thường phải che đậy, mới tốt hơn phải không anh. Cảm ơn anh đã làm ngựa cho em cưỡi, dưới một đêm trăng sáng. Giờ xin trả lại anh cho chị hai, em về trước đây!". Thảo Vy nãy giờ đứng lặng người, nhìn em gái hôn tôi, giờ mới lên tiếng đính chính: "Anh ấy nào phải của chị đâu, mà em xin trả lại. Anh ấy là người của gia đình, vợ con anh ấy, chớ nào phải của riêng ai ở nơi này. Chúng ta chỉ có quyền yêu, và được yêu hay không là do anh ấy". Bé Út liền hân hoan chen vào: "Vậy em cũng có thể, là người của anh ấy. Em làm quen với anh ấy trước chớ bộ, phải không anh!" Tôi ừ một tiếng gọn lỏn, đứng phủi hai tay dính đầy cát, nhìn Lan Chi đang xính xáng khuất xa dần. Mong Lan Chi đừng nghĩ gì, về những chuyện đêm nay. Chẳng biết về, em an giấc được chăng, hay sẽ là một đêm suy tư thức trắng. Thật là rối rắm, mình phải dứt khoát, cự tuyệt tất cả thôi, chớ vướng vào lưới tình, mà gây nhiều khổ lụy. Mãi nghĩ miên man, chẳng biết qua ngõ nhà em từ khi nào, mà giờ đây tôi và Thảo Vy, đang ngồi trên gốc xoài ngoài vườn, được cưa phẳng như chiếc ghế tròn, rộng đến hai người ngồi không hết, phía dưới vẫn còn một nhánh nhỏ mọc lên. Chợt nghe Thảo Vy nói: "Em đã xin phép mẹ rồi, mới đưa anh ra đây. Mẹ thắc mắc là, sao anh không chào mẹ." Tôi hoảng hốt: "Ấy chết! Anh có gặp mẹ em, khi nào đâu mà chào". Thảo Vy cười thông cảm, ngả vào lòng tôi: "Vậy là mắt anh không đủ sáng, để nhìn thấy mẹ rồi. Em đã nói hộ cho anh, và xin phép mẹ, lát nữa được đưa anh về. Còn bây giờ thì…". Thảo Vy mắt rực lên ngọn lửa tình cháy bỏng: "Em còn nhiều điều muốn nói lắm, hỡi hoàng tử của lòng em! Giờ em nhờ đôi môi này, nói hộ một đôi điều, dẫu bị anh khinh bỉ cũng đành cam ». Còn nhanh hơn cả cô em gái, Thảo Vy vội vàng hôn lấy hôn để. Càng về khuya ánh trăng càng sáng quắc lạ lùng, khiến vạn vật có vẻ đầy ma mị, làm cho tôi thoạt nghĩ, nàng như một yêu nữ, đang giở trò ân ái, để hút hết tinh khí của tôi. Phải chăng nàng muốn yêu cuồng sống vội, vì hai đêm nữa, là tôi phải lên đường, chứ chị em nàng đâu phải vậy, gái con nhà gia giáo, chứ có phải thường đâu.

Chẳng để cho nàng thỏa mãn, với chiếc hôn sẽ dài bất tận. Tôi vụt đứng lên, đẩy nàng ra đặt xuống gốc xoài: "Không thể được! Em quen thế này rồi có phải không?" Thảo Vy mở tròn mắt ra ngơ ngác, sửng sốt nhìn tôi, như một vật thể lạ: "Đây là lần đầu tiên trong đời của một người con gái, anh có biết không?" Tôi lạnh lùng: "Vậy thì hãy dành cho, người nào đó yêu em. Anh chỉ có cảm tình với các em thôi, chớ ngộ nhận, anh chẳng thích đâu". Thảo Vy tức tưởi nhìn tôi, rồi nói trong nước mắt: "Anh tàn nhẫn lắm, thật không ngờ. Vậy mà em đã nguyện lòng, sẽ trao trọn cho anh". Tôi cười lạnh: "Cảm ơn cô em! Anh là vậy đó. Hãy quên anh đi. Anh không xứng, với cành vàng lá ngọc đâu. Ha ha!" Thảo Vy gào lên nức nở: "Anh đã buông lời xúc phạm em. Em hận anh!" Tôi rít một hơi thuốc lá, vén một nụ cười khinh bạc, cốt làm cho cô nàng, thêm uất hận mà buông tôi đi, để mai ra còn hạnh phúc bên chồng: "Cứ hận anh đi cô em! Chúng ta chỉ là những kẻ qua đường, tình cờ chộ mặt nhau thôi. Hận là cái quái gì, thằng này cóc ngán. Thế Vũ ơi! Đến dẫn em về" Thảo Vy chồm dậy, phẫn uất níu lấy tay tôi: "Vậy là anh đã chủ động? Anh là thằng khốn nạn! Anh đã làm tan nát tim tôi". Tôi lạnh lùng hất mạnh tay em: "Tránh ra! Tạm biệt. Tôi đã làm gì cô nào? Hừ! Suốt đời chớ vướng vào, những kẻ như tôi nhé!". Tôi mạnh bước hướng về phía ngõ, vừa lúc Uyển Nhi nhí nhảnh chạy ra, tay bưng ly cà phê đen nóng, đang bốc khói thơm lừng, cô bé chưng hửng ngơ ngác: "Anh không ở lại sao?" Tôi phất tay cười: "Tạm biệt người đẹp! Không bao giờ…" Rồi đi thẳng, theo tiếng huýt gió của Thế Vũ.

Vừa đến nơi, Thế Vũ đã vỗ vào vai tôi: "Chú mày xử sự khá lắm, nhưng hơi tàn nhẫn. Mấy chị em đều có nhân cách đáng quý, đúng là con nhà gia giáo, hiền thục nết na, vẫn không tránh nổi tiếng sét ái tình. Khổ cho cả ba chị em, đều bị say nắng cùng một người, mà vẫn cùng lao vào, như những con thiêu thân. Chú mày dứt khoát được, là điều đáng mừng cho thím nó, chẳng hoài phí thanh xuân, ngày đêm ngóng đợi chồng về. Trong tình huống khó xử thế này, bắt buộc con người ta, phải nhẫn tâm thôi. Anh hỏi thiệt! Chú mày có cảm thấy lòng ray rứt khổ sở, khi phải làm tổn thương các em không?" Vừa choàng vai anh cùng bước đi, tôi vừa thành thật: "Lần đầu tiên trong đời, bất đắc dĩ em phải làm như vậy, chứ không thì, đã chẳng giữ được mình, tội nghiệp cho các em". Và bất chợt tôi nghe, những giọt sương khuya rơi, như những giọt nước mắt, không quen xúc phạm người khác của mình, lặn thầm rơi dưới trăng khuya, giữa đất trời cửa Tùng Quảng Trị, rồi sẽ xóa nhòa, những dấu chân người trên cát, từng ghé đến nơi đây.

Về đến thuyền, tôi ngả xuống ngủ vùi, cho đến bữa cơm chiều. Mặc anh em năn nỉ rủ rê, đi thăm nhà Nguyễn Viết Lãm, trong truyện "Người không mang họ" cho biết. Nghe nói nhà anh ấy, chỉ cách cửa Tùng vài ba cây số thôi.(Mãi sau này tôi mới biết, anh em đã nhầm lẫn. Anh Hồ Xuân Lạng ở đó, không phải là tướng cướp Trương Hiền, tức cu Tọong, giống như trong Người không mang họ, đã bị xử tử Ở Vinh , vào tháng 08 năm 1980, và đến năm 1993 được mẹ đưa hài cốt về an táng, trên đồi thông ở Đông Hà). Chẳng còn hứng thú gì để đi dạo đó đây, Và cũng vì chuyện ba chị em, làm tôi không thể lên bờ, tìm đến thăm mẹ già, thêm một lần nữa, trước khi tạm biệt cửa Tùng.

Thật không ngờ, trước lúc đoàn thuyền Quảng Ngãi nhổ neo, thẳng tiến về Cát Bà. Thằng Tâm Bôi lên dọn cơm sáng, gọi í ới: "Anh Minh Tàng ơi! Mấy chị em họ đến tìm anh kìa". Tôi nhìn lên bờ, thấy ba chị em xách lỉnh kỉnh, chắc là đủ loại trái cây có sẵn trong vườn, xuống tặng chúng tôi, làm quà trước lúc chia tay. Thảo Vy giơ tay vẫy vẫy. Chẳng ai sai bảo, thằng nhỏ Tâm Bôi, đã nhảy phóc xuống xuồng, bơi thẳng một lèo, vào đón các em ra. Tôi cảm động thật sự, ngồi im chẳng nói một lời nào. Vừa ngồi xuống, Thảo Vy vừa mở hết trái cây ra, vừa nhìn tôi cười rạng rỡ: "Biết là sắp đến giờ, các anh phải ra đi. Nhà chẳng có gì khác, chúng em xin biếu các anh, ít trái cây làm quà, mong các anh vui lòng nhận cho. Còn đây là phần của riêng anh, lựu vừa mới chín cây, anh hãy để dành, ăn được nhiều ngày nghen ! Còn những túi này, hãy phân phát cho anh em, ăn lấy thảo đi anh!" Tôi vừa hú lên một tiếng, thì mấy chục thuyền viên trong đoàn, đã phóng tới ào ào. Chẳng mấy chốc, cả đống trái cây đã dần vơi, trong tiếng nói cười hỉ hả. Khi Lan Chi bước đến ngồi bên, tôi hỏi nhỏ: "Các em ổn cả chứ". Khuôn trăng đầy đặn, như giãn ra phơi phới: "Không ổn làm sao chúng em đến được đây. Hận anh à! Hi hi! Còn lâu chúng em, mới bị mắc lừa anh". Thảo Vy nhìn tôi, nở nụ cười trong sáng, như ánh nắng ban mai, không một gợn mây: "Cám ơn anh đã giữ gìn, cho những đứa em gái ngây ngô dại dột. Anh là người đàn ông được sinh ra, để cho phụ nữ chúng em, yêu thương hầu hạ. Rất tiếc, em không có được phước phần ấy, không có duyên yêu, một lãng tử hào hoa, một trí thức phong trần. Chúng em xin được làm, em gái của anh thôi. Cầu mong anh thượng lộ bình an. Mai này nếu có dịp, hãy ghé về thăm chúng em nghe! Mà xứ sở này nghèo quá, chắc các anh chẳng ghé nữa làm gì. Thôi! Tạm biệt cũng đành như vĩnh biệt. Mong anh chớ bận lòng, chúng em giờ đã ổn. Một mai vui bước bên chồng, những gì của hôm nay, sẽ là những kỷ niệm dẹp, của một thời con gái. Giờ biết nói gì hơn! Chắc phải thôi đành, xin như vĩnh biệt anh trai!..."


.... CÒN TIẾP ...