HUYỆT CÁT
LỜI GIỚI THIỆU
Khi tôi viết cuốn tiểu thuyết này, giữa lúc giàn khoan HD 981 đang tiến vào biển Đông. Nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài không phân biệt giai cấp, tôn giáo, quốc tịch, xếp lại mâu thuẫn nội bộ, hận thù cá nhân… sôi sục khí thế tất cả hướng về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông thân yêu. Làm tôi nhớ đến lời hịch ngày nào của Hồ Chủ Tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Bất kỳ đàn ông đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”.
Sau này Bác đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, thời gian đủ để chúng ta hàn gắn vết thương do chiến tranh để lại. Thời gian đủ để chúng ta hòa hợp dân tộc cùng nhau đoàn kết xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và phát triển. Và chỉ có như vậy mới động viên được toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết để giành thắng lợi trong chặng đường mới bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Chúng ta hãy thoát khỏi suy nghĩ hận thù thiển cận, như người đàn bà- nhân vật Hằng trong tiểu thuyết suy nghĩ: “Nếu trong con người mình chỉ có dòng máu Việt thì viên đạn nào do ai bắn ra cũng đều là viên đạn của chiến tranh cả, cũng giết chết hai ông chồng của bà, bà vẫn góa bụa, hai đứa con vẫn hai lần mồ côi. Nghĩ thế thấy con người mình nó ở cái tầm cao hơn, đại lượng hơn. Đừng có nghĩ rằng viên đạn này do con người này, ở giai tầng kia bắn ra thì thế này thế khác làm cho cái tầm của mình nó thấp đi, hèn mọn. Suy cho cùng dân tộc Việt mình là quan trọng hơn cả, lớn hơn hết. Không có gì hơn máu đỏ da vàng. Trong gia đình cũng thế, có những lúc anh em, vợ chồng lục đục ấy là do bên ngoài nó thúc vào”.
Cuốn tiểu thuyết này tôi còn miêu tả trung thực khách quan, công bằng một số trận chiến vì Hoàng Sa, Trường Sa của những người lính của các Triều đại Việt Nam cho đến ngày nay, mục đích minh chứng phần nào lời Hồ Chủ Tịch, đồng thời khẳng định, khi kẻ thù xâm lược động đến tấc đất biên cương của Tổ quốc, đến chủ quyền biển đảo, đến lòng tự tôn dân tộc thì những người lính máu đỏ da vàng Việt Nam ( dù ở chế độ nào, giai tầng nào) đều cầm súng chiến đấu hy sinh đến giọt máu cuối cùng.
Chính vì những lý do trên tôi đã viết cuốn tiểu thuyết này, với quan điểm lập trường dân tộc. Trên tinh thần nói thẳng, nói thật, ca ngợi lòng dũng cảm hy sinh chiến đấu vì độc lập tự do, phê phán kẻ hèn nhát, lầm đường lạc lối biến mình thành giặc nội xâm, chối bỏ nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc.
Để tải được những nội dung trên tôi đã dùng hình thức, thể loại tiểu thuyết siêu thực để thể hiện.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
CHƯƠNG II
T ừ ngày bà Hằng về Nha Trang ở sức khoẻ có tốt hơn những ngày ở ngoài miền Bắc, bệnh suyễn mười phần bớt bảy. Những kỷ niệm một thời hạnh phúc của gia đình bà ở làng Hồi ùa về, khiến bà sống trong tâm trạng như nửa mơ, nửa tỉnh. Kỷ niệm gửi vào ngân hàng, giờ già rồi bà ngồi lấy lãi để sống, để nuôi dưỡng đời sống tinh thần. Mà đời sống tinh thần đối với người cao tuổi là cơ địa của thể xác. Bà ra đầu ngõ cũng gặp kỷ niệm, ra chợ mua mớ rau kỷ niệm cũng ùa về; rồi bà lên chiếc xe ba gác ra Bến Đá cũng nhặt được kỷ niệm xưa. Đâu đâu, từ con đường trên dãy phố, đến bờ biển, cánh đồng… cũng lấp lánh bao kỷ niệm để bà nhấm nháp. Từng gương mặt thân quen, từng sự kiện xưa cứ len lỏi trong từng bước đi, từng giấc ngủ, nó khiến bà vừa vui, vừa buồn, vừa sung sướng, vừa đau khổ. Tuy vậy, nỗi nhớ miền Bắc cũng khiến bà day dứt. Hơn 30 năm bà sống trong tình yêu thương của ông Hải, đùm bọc của họ hàng dòng tộc nhà ông và bà con miền Bắc. Đó là quãng đời bà sống yên ổn, ấm áp nhất. Đó là nơi như chiếc nôi ru cho hai đứa con của bà trưởng thành và thành đạt. Bà nhớ lại cái hồi đầu năm 1974 ấy.Sau khi ông Phả chết trận ngoài Hoàng Sa, chồng bà vừa được tuyên dương công trạng, Tổng thống tặng Bắc đẩu bội tinh thì một năm sau Tây Nguyên rơi vào tay cộng sản. Quân giải phóng ào ạt tiến về miền Trung. Huế giải phóng. Mọi người chưa kịp định thần thì Đà Nẵng rơi tiếp vào tay đối phương. Tất cả mọi người lo sợ tìm cách để di tản. Nhất là những gia đình có liên quan đến nguỵ quân, nguỵ quyền sợ bị cộng sản trả thù. Cả một biển người như làn sóng, sóng sau đè lên sóng trước, dẫm đạp lên nhau để tháo chạy, chạy nháo nhào, đến khi hết đường thì chạy ra biển.
Hằng nhét vội bọc vàng vào túi, rồi một tay bế đứa con gái, tay dắt con trai ngó trước nhìn sau, leo được lên một chuyến xe đò xuôi vào Vũng Tàu. Xe chật như nồi củ khoai mỳ luộc, nhưng tất cả đều thin thít mặc nước sôi, lửa cháy. Xe mới chạy được một chặng thì phải dừng lại vì đội quân thất trận bỏ chạy dẫm đạp lên nhau. Quân trang, quân dụng bỏ lại dọc đường gây ách tắc. Phía trước có tiếng súng. Nhiều người la ó. Rồi tin cho hay lính nổ súng bắn dân cướp của.Ở Vũng Tàu họ còn xả súng, người chết như sung rụng xuống biển, máu đỏ loang mặt nước. Dòng người ùa chạy ngược lại, dày xéo lên nhau. Ba mẹ con Hằng thuê được một chiếc xe ngựa mất ba chỉ vàng chạy ngược ra hướng Phú Yên, dẫu sao ở đó Hằng còn có mấy người bạn thân, có gì còn chỗ nương níu.
Đêm đó, một cái đêm định mệnh. Hằng ôm con nhao ra bờ biển. Ở đó một con tàu nhỏ chở người vượt biên ra khơi. Họ nói có tàu lớn của Mỹ chờ ngoài đó và thu mỗi người một cây vàng. Hằng đưa cho họ ba cây cho ba mẹ con. Lúc đầu họ dùng xuồng chở người lên tàu. Nhưng bỗng phía sau có nhiều loạt súng nổ, tiếng la hét, chửi bới, rồi xô đẩy. Thế là tất cả ào xuống biển bơi leo lên tàu.Một trận hỗn chiến chưa từng có trong đời Hằng. Trong khi mọi người tranh nhau xuồng, có người vớ được mảng, được phao để bơi, thì cô đội hai đứa con lên đầu, lên vai lội ra. Nước mặn xót thấm vào da thịt. Phía ngoài khơi xa những chớp loé không biết là súng đạn hay sấm chớp khoả ra một vùng biển đen ngòm hoang rợ. Mặc cái chết đang cận kề khiến Hằng vì hai tính mạng của những đứa con bất chấp nguy hiểm. Nước tới thắt lưng, tới ngực, rồi tới cổ. Chỉ còn một đoạn ngắn nữa là cô leo được lên tàu. Một người lính cộng hoà trông thấy Hằng, anh ta ném xuống một chiếc can nhựa lớn màu trắng. Hằng vồ lấy như người vớ được cọc. Cô loay hoay mãi rồi cũng tiếp cận được mạn tàu. Anh ta giúp ba mẹ con cô thoát nạn.
Trên tàu đã ních người. Ai cũng run rẩy vì rét và sợ hãi. Nhưng chủ tàu vẫn tiếp tục cho người leo lên, đến khi không thể nêm được nữa, thì người ta bám vào mạn tàu treo lơ lửng. Tàu nổ máy, trong đêm tối nhằm hướng khơi xa lao đi.
Con tàu mới đi được vài phút thì năm tên cướp tay lăm lăm súng AR15 xuất hiện. Họ yêu cầu ai có tiền, có vàng nộp hết, nếu không sẽ bị tiêu diệt. Hằng ôm chặt hai đứa con vào lòng như sợ bị cướp. Thôi rồi con ơi!Mẹ con mình khéo bỏ xác nơi biển xanh như ba con mất. Thằng Bộ ôm lấy cổ mẹ dúm người lại sợ hãi kêu má ơi! con Đào rúc vào ngực mẹ run lẩy bẩy.
Tiếng quát tháo vì người đàn ông giằng lại sấp tiền mà tên cướp móc được từ trong đôi giầy của anh ta. Tức thì một loạt súng nổ, anh ta hưởng trọn một loạt đạn AR15, máu phun ra phì phì, rồi lộn nhào xuống biển. Người vợ gào lên, điên cuồng ôm lấy chân tên cướp. Một cú đạp, làm người đàn bà rụng khỏi mạn tàu. Hai người đàn ông lao vút xuống nước hòng thoát nạn. Bọn cướp chĩa súng xuống điểm xạ từng loạt đạn. Mọi người nháo nhào kêu gào khóc lóc, van xin. Con Đào sợ quá khóc ré lên. Hai tên cướp cầm súng xồng xộc đến chỗ mẹ con Hằng.
Hằng hoảng hốt chắp hai tay van lạy:
- Ông tha cho má con tôi. Tôi không còn chi cả. Đây nè…
Hằng lột túi, phanh phui mọi chỗ để chứng minh là cô không còn gì thật. Một tên tay cầm đèn pin dọi vào ngực cô:
- Mày giấu trong cái nịt vú đó. Ngần ngừ một lúc, tên cướp giật phăng cái nịt vú của Hằng. Không có gì ngoài hai bầu vú trắng nõn hiện ra. Tên còn lại túm lấy cổ tay Hằng lôi vào trong boong.
Con Đào khóc ngằn ngặt ôm lấy má. Thằng Bộ giằng lấy chân má vừa khóc vừa van xin. Lập tức con Đào bị một tên giật ra ném vào đám đông. Thằng Bộ bị tên kia đạp ngã dúi.
Chúng đưa Hằng xuống hầm máy, rồi hai tên thi nhau hãm hiếp. Cho đến khi Hằng mệt rã rời, thân thể như bị dần nát thì chúng khiêng cô ném xuống biển.
Nước biển lạnh kích vào các giác quan khiến Hằng tỉnh lại. Cô nhoai đến bám vào được một mảnh gỗ, rồi cứ ôm ghì lấy mảnh gỗ mặc cho sóng nước đẩy đưa.
Trời sáng thì Hằng gặp được một chiếc thuyền nhỏ của một người đàn ông nói giọng Bắc. Anh ta đưa Hằng lên thuyền, rồi gỡ bộ quần áo dài của mình mặc cho cô. Chiếc thuyền tấp vào bờ. Anh ta thả neo, rồi cõng Hằng lên một mỏm đồi, đưa vào một căn nhà tranh gọn gàng ngăn nắp. Tại đây Hằng được người đàn ông ấy chăm sóc chu đáo.
Một tuần sau, qua tin tức của chiếc đài bán dẫn của người chủ nhà, Hằng được biết Quân giải phóng đang trên đường tiến vào Nha Trang.Nhưng người chủ nhà vẫn thản nhiên ngồi đan lưới, không mảy may chao động. Có một vài người hàng xóm qua lại nhà anh nói chuyện tình hình. Họ gọi anh là anh Hai. Một người nói giọng Bắc thì gọi là chú Hải. Anh ta là Hai Hải.
Hằng đã mất hai đứa con. Chỉ trong một khoảng thời ngắn ngủi mà gia đình Hằng tan nát. Chồng bỏ xác ngoài Hoàng Sa, rồi hai đứa con thơ cũng mất tích ngoài biển. Trái đời Hằng kể như đã rụng xuống từ đây. Hằng không thể đậu trên xanh được nữa. Hằng phải chết thôi. Chết cùng chồng cùng con là cách giải thoát tốt nhất. Đôi lúc Hằng cũng có nghĩ đến trả thù. Nhưng trả thù ai bây giờ? Mà dù có biết ai để trả thù thì thân gái liễu yếu đào tơ sao làm nổi.Lại còn cái ơn cứu mạng của người đàn ông kia chưa trả được, lại gây phiền phức cho người ta.
Nhiều ngày Hằng nằm trơ khốc như cái xác không hồn.Trong đầu Hằng chỉ hiện lên hình ảnh hai đứa con thơ dại và hình ảnh người chồng thân yêu. Đời Hằng khốn nạn đến thế là cùng. Trời trao vào tay Hằng quả hạnh phúc rồi trời lại phũ phàng cướp đi, cướp một cách tàn nhẫn, độc ác.
Hằng không ăn, không uống, không nói, không làm gì… mặc cuộc vần xoay của thế sự ngoài kia đang điên đảo, chỉ nghe tiếng người phát thanh viên trên chiếc đài bán dẫn cũng cảm được. Hằng không còn thiết gì nữa. Mọi tế bào cảm giác của Hằng đã tê liệt. Tê liệt hoàn toàn, không làm sao để nó thức được nữa.
Ấy rồi, vào đúng cái ngày 30 tháng 4 năm ấy, tin chiến thắng của phe cộng sản làm nức lòng mọi người. Ở ngoài đường tiếng súng nổ, tiếng pháo nổ, tiếng khua chiêng, khua mõ, khua trống chào mừng ngày toàn thắng của phe cộng sản. Anh Hai Hải ra ra vào vào đứng ngồi không yên, vẻ bồn chồn lắm. Anh mở chiếc rương lấy ra những thứ theo Hằng là quí giá. Anh rút ra một tấm hình hai vợ chồng anh và ba đứa con, hai trai một gái trong nụ cười rạng rỡ. Anh Hai cầm tấm hình nhìn như dán cặp mắt lên từng chi tiết của từng nhân vật. Rồi từ khoé mắt hiền hậu của anh, hai giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Lần đầu tiên Hằng trông thấy người đàn ông khóc, cô không chịu nổi, một phần tế bào cảm xúc của cô thức dậy, trái tim cô thổn thức.
Dường như đoán biết được tâm tư của Hằng, và như để đồng cảm, anh Hai nhìn vào gương mặt thiểu não của Hằng giọng run run:
- Vợ con tôi đấy…
Hằng nhìn vào tấm hình hạnh phúc của họ vạch ra một dấu hỏi. Ánh mắt anh Hai cũng rọi tia lửa vào tấm hình, một âm thanh tựa như tiếng rên của tâm thức:
- Họ đã bị bọn Mỹ giết hết rồi… Nếu được sống đến ngày hôm nay!
Rồi anh nấc lên như đánh gục mọi cảm giác đang trỗi dậy của mình. Lúc đó trái tim Hằng như được kích hoạt, thức dậy, cô nhoài đến ôm lấy anh Hai, gục đầu vào vai anh khóc nấc lên chia sẻ và đồng cảm.
Đêm cuối năm ở Nha Trang se se lạnh.Tiếng sóng biển ì ầm từ khơi xa vọng về. Trong căn nhà nhỏ ấm áp mùi hương trầm phảng phất. Bà Hằng nằm trên chiếc giường lót bằng tấm đệm mềm, đang lơ mơ nhìn về phía ban thờ đặt trang trọng ở gian giữa căn nhà.Tại căn nhà này, ngoài bát hương Thổ công, một ban thờ Phật, bà chỉ thờ hai người đàn ông của đời bà.Một người cho bà hai giọt máu, một người nuôi hai giọt máu đó trưởng thành.
Ngoài trời xa, từng giọt sao lung linh thắp sáng trí não của bà. Ở đó như một niềm tin hiện hữu, rằng ông Phả, ông Hải đang cùng bà dìu dắt cho con cháu của họ đi đến bến bờ hạnh phúc.Với bà, điều quan trọng nhất là tương lai cuộc đời của các con, các cháu. Hơn ai hết, cái giá để có được ngày nay không hề rẻ chút nào.Bởi vậy, bà có thể làm tất cả chỉ vì cái mục đích tối thượng đó. Bà không cần chúng hiểu.
Từ ngày bà chuyển về Nha Trang ở, bên cạnh niềm vui gọi là trở về, bà vẫn canh cánh một điều ông Phả thông tin về cái hoạ sắp đổ xuống đầu các con bà. Bà láng máng suy nghĩ rằng, có thể tổ chức phát hiện ra lai lịch gốc tích của chúng. Chính vì thế bà quyết định không liên lạc với các con nữa. Đó là việc làm quá lớn đối với tuổi già. Tuổi già sống vì con, vì cháu. Tước của họ đi khác gì tước mất sự sống. Nhưng cũng vì các con, các cháu mà bà phải dằn lòng chịu đựng. Bà nằm đây mà văng vẳng tiếng bi bô của đứa cháu ngoại, tiếng học bài của đứa cháu nội, tiếng cãi nhau chí choé của bầy cháu ngây thơ… Chao ôi, giá mà bây giờ bà được ôm chúng vào lòng, được hà được hít chúng, được lý sự với chúng thì ấm áp, thoả mãn biết chừng nào.
Ông Phả hiện lên cách bà một khoảng. Bà mừng quá định nhoai người sáp đến ông, nhưng không thể. Khoảng cách vô hình đã ngăn cách bà. Bà chợt hiểu, đó là khoảng cách âm dương mà ông Phả có lần đã cho bà biết.
Căn nhà như ngập trong âm khí của cõi tâm linh. Thứ ánh sáng bà Hằng cảm được là một thứ ánh sáng trong suốt, lạnh lẽo, đóng băng, không chuyển động. Ông Phả đứng, đôi mắt nhìn bà với ánh nhìn vừa âu yếm, vừa khẩn thiết, vừa xa cách. Bà muốn hỏi cái hoạ sắp xảy ra đối với các con bà, nhưng không hiểu sao cũng giống khi gặp ông Hải, bà lại nói:
- Ngày đó ông chiến đấu rồi hy sinh ra sao? Hiện giờ ông nằm ở đâu? Có được mồ yên mả đẹp không?
Ông Phả không trả lời. Tự dưng, như một ánh chớp loè, bà cảm thấy cơ thể bị rút hết tinh lực. Bà chìm đi trong vô thức. Ông Phả biến mất, trong óc bà hiện lên một vùng biển xanh bao la…
Trước mặt bà Hằng là sở chỉ huy Vùng 1 Hải quân tại Đà Nẵng ngày 16 tháng 1 năm 1974.
Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 đang thuyết trình với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Bọn giặc đã cho nhiều ngư thuyền xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa. Hiện tại họ đã đổ quân chiếm đóng đảo Hữu Nhật, đảo Duy Mộng và đảo Quang Hoà. Theo nhận định của Hồ Văn Kỳ Thoại, có thể bọn giặc thăm dò từng bước để chiếm đảo.
Tổng thống hỏi Phó Đề đốc nhiều câu hỏi để làm rõ tình hình. Đó là ngư thuyền hay hạm tàu chiến? Quân chiếm đóng bốn đảo là ngư dân hay hải quân? Động thái của Hạm đội 7 của Mỹ thế nào?...
Sau khi nghe Phó Đề đốc trả lời, Tổng thống thở phào, các cơ trên khuôn mặt Tổng thống như giãn ra.Tổng thống chỉ thị phải dùng biện pháp ôn hoà, chứng minh được chủ quyền của ta để mời họ ra. Nếu họ ngoan cố không rút lúc đó mới được dùng vũ lực.
Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hoà tại Sài Gòn ngày 15 tháng 01 năm 1974.
Tham mưu phó hải quân Đỗ Kiểm, đứng ngồi không yên trước bàn làm việc. Trước mặt ông là Đề đốc, Tư lệnh Hải quân Trần Văn Chơn. Đỗ Kiểm mặt nóng ran:
- Tôi đề nghị phải phản ứng nhanh và kiên quyết. Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ thì có thể lấy lại được Hoàng Sa. Không còn cách nào khác.
Đề đốc, Tư lệnh Trần Văn Chơn chậm rãi:
- Tôi sẽ chịu trách nhiệm việc này trước Tổng thống. Nhưng việc cần gấp là phải có ngay bằng chứng lịch sử chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa. Giao cho Đại tá Hà Văn Ngạc- Bộ Tư lệnh Vùng 1 làm chỉ huy trưởng Hải đoàn gồm bốn hạm tàu tiến ra Hoàng Sa.
Tham mưu phó Đỗ Kiểm:
- Báo cáo Đề đốc, hai giờ nữa tôi sẽ có ngay bằng chứng lịch sử trình Đề đốc.
Ngày 17 tháng 1.Ở một quân cảng miền Trung, trên con tàu HQ-10, thiếu tá, Hạm trưởng Nguỵ Văn Thà đang đứng trước 15 chiến sỹ biệt hải thuộc quyền xếp hàng ngang trên boong. Thượng sỹ nhất, thợ máy Vũ Ngọc Phả trong bộ quân phục biệt hải tay cầm chiếc ca-lê đứng cuối cùng trong hàng. Gió biển vi vút thả vào vai áo của họ, từng dải xanh bay tung như vờn reo trong gió. Giọng dõng dạc, thiếu tá Nguỵ Văn Thà thông báo nhiệm vụ:
- Thưa các chiến hữu, lợi dụng cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn của Việt Nam, bọn ngoại bang đã bí mật đưa chiến hạm ra quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc hòng chiếm giữ. Hiện tại trên 7 hòn đảo Hoàng Sa chúng đã chiếm đóng đảo Hữu Nhật, đảo Duy Mộng và đảo Quang Hoà. Để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, lịnh của Tổng thống điều tàu của chúng ta cùng tàu HQ-4, HQ-5 và HQ-16 hành quân cấp tốc ra bảo vệ và hộ tống các chiến hữu trên đảo.
Sáng ngày 18 tháng 1.
Bốn con tàu chiến Hải quân Việt Nam Cộng hoà đã tiếp cận quần đảo Hoàng Sa. Từ trên Hạm tàu Đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh cho HQ-4 và HQ-5 đổ bộ lên đảo Quang Hoà. Được lệnh, các Hạm trưởng triển khai chuẩn bị đổ bộ. Cũng lúc đó hai tàu hộ tống giặc xuất hiện tại đảo này. Việc đổ bộ không thực hiện được. Đại tá Hà Văn Ngạc huỷ bỏ mệnh lệnh.
Tối ngày 18 tháng 1, một mệnh lệnh từ Bộ Tư lệnh Vùng 1 hải quân gửi cho đại tá Hà Văn Ngạc: “Tái chiếm đảo Quang Hoà một cách ôn hoà”.Cầm bức mật điện trên tay, Hà Văn Ngạc nhìn về phía đảo. Cả một vùng tối đen ngòm. Ở đó hai chiếc tàu hộ tống của đối phương lừng lững chắn giữ. Ông băn khoăn, tái chiếm ôn hoà là như thế nào?Một mệnh lệnh rất khó hiểu. Nhưng dẫu sao cũng là mệnh lệnh.
Sáng sớm ngày 19 tháng 1, Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hoà khởi hành từ Sài Gòn đến Đà Nẵng để trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân tái chiếm Hoàng Sa. Gần 4 giờ chiều cùng ngày, HQ-4 và HQ-5 tiến về phía tây nam đảo Quang Hoà.
HQ-10 và HQ-16 cũng được lệnh tiến thẳng về đảo Quang Hoà án ngữ về phía tây bắc. Đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh cho tất cả các chiến hạm chuẩn bị súng đạn, cửa kín nước, vật dụng cứu hoả, cứu thuỷ, chạy tất cả các máy điện và máy bơm và sẵn sàng chiến đấu.
Bốn chiến hạm của giặc chia làm hai nhóm. Nhóm 1 gồm tàu 271 và 274 vòng về phía nam đảo Quang Hoà. Nhóm 2 gồm tàu 389 và 396 di chuyển án ngữ phía tây bắc đảo để ngăn cản chiến hạm của đối phương. Hai tàu vũ trang 402 và 407 nằm sát bờ phía bắc đảo Quang Hoà. Tàu chuyên chở của giặc nằm phía đông bắc đảo Duy Mộng.
Trung tâm hành quân từ Đà Nẵng chỉ thị cho HQ-5 thi hành ngay kế hoạch đã phổ biến đêm trước. Theo đó, trung đội biệt hải gồm 27 người từ HQ-4 và 1 trung đội hải kích gồm 22 người từ HQ-5 đổ bộ lên bờ nam và tây nam Quang Hoà. Cũng trong thời gian đó, giặc đổ bộ tăng cường khoảng trên 2 đại đội từ tàu 402 và 407 lên đông bắc đảo Quang Hoà. Một đại đội giặc tiến về phía biệt hải, đại đội còn lại tiến về phía hải kích Việt Nam Cộng hoà.
Trung đội biệt hải biệt phái tiếp tục tiến sâu vào bờ khoảng 250m và cắm cờ Việt Nam Cộng hoà ngay trước mặt bọn giặc đã dàn hàng ngang cách đó 3 mét. Đôi bên đứng ghìm súng có lưỡi lê và khẩu chiến với nhau nhưng không hiểu nhau vì bất đồng ngôn ngữ.
Lúc này giặc tăng cường thêm lực lượng có ý định bao vây để bắt sống quân đối phương. Nhận thấy quân giặc đông hơn, với vị thế thuận lợi ở trên cao và được sự yểm trợ của toán quân trú phòng, trong khi quân Việt Nam Cộng hoà ít hơn và ở thế bất lợi dưới thấp, trống trải nên trung đội biệt hải phải rút xuống bìa san hô.
Trên mặt biển phía tây bắc đảo Quang Hoà, tàu 396 của giặc di chuyển cố tình đụng vào phía hữu chiến hạm HQ-16 buộc HQ-16 di chuyển né tránh và chỉ bị xây xước nhẹ còn tàu giặc bị hư hại nhiều hơn, tuy nhiên tàu giặc vẫn tìm cách đụng lại.
Cùng lúc đó, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải ra lệnh cho HQ-5 tránh khiêu khích, giữ đầu cầu và thiết lập ngay hệ thống phòng thủ. Cố giữ thế cài răng lược trên đất liền và trên mặt biển để loại trừ khả năng không quân giặc bắn phá.
Trung đội hải kích ở bờ phía tây nam đảo Quang Hoà bị giặc nổ súng vào giữa đội hình. Ngay phút đầu phía Việt Nam đã có 2 người chết và 3 bị thương, do vậy trung đội hải kích này phải rút về phía bìa san hô.
Trước tình hình đó, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 duyên hải chỉ thị cho các chiến hạm bắn trọng pháo tối đa vào đảo, đồng thời triệt hạ luôn chiếc tàu đối phương; Hải đội trưởng cần phải phản ứng quyết liệt ngay và được toàn quyền sử dụng vũ lực tại vùng hành quân để thi hành nhiệm vụ. Ngay sau đó, Đại tá Hà Văn Ngạc đề nghị cho rút quân về tàu trước khi nổ súng để bảo vệ cho lực lượng đang ở thế bất lợi.
Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ thị cho toán đổ bộ phải tiếp tục giữ đầu cầu và cho chiến hạm yểm trợ.Tuy nhiên lệnh này không thi hành được vì lúc đó đang rút quân. Trong thời gian tàu HQ-4 thực hiện rút quân, tàu giặc hạ tối hậu thư bằng quang hiệu cho HQ-4: “Nếu các anh lao vào chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng của các anh”.
Nhận thấy chỉ thị này sẽ gây bất lợi cho mình vì chiến hạm giặc có thể dùng toàn lực lượng để tấn công chiến hạm Việt Nam Cộng hoà trong khi hoả lực của Việt Nam Cộng hoà bị phân tán vì vừa bắn tàu đối phương vừa bắn lên đảo, nên Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển đã khuyến cáo Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải triệt hạ chiến hạm địch trước theo đúng như chỉ thị của Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hoà. Khuyến cáo này được Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đồng ý và chỉ thị cho Hà Văn Ngạc thi hành.
Hòn đảo yêu quí của Tổ quốc mà cha ông bao đời nay đã gìn giữ bằng mồ hôi và xương máu, không thể để một tấc đất biên cương rơi vào tay kẻ thù. Nhiệm vụ của những người lính được Tổng thống giao là phải bằng mọi giá bảo vệ bằng được đảo.Thế hệ chúng ta không làm tròn nhiệm vụ là có tội với cha ông, có lỗi với thế hệ mai sau.
Từng đàn chim từ dưới đảo Duy Mộng cất tung lên trời xanh như một đám mây che kín một mảng nắng vàng. Từ phía xa lại một đàn chim trắng xà xuống đảo Hữu Nhật. Dường như chúng gặp phải sự có mặt của kẻ lạ, lại vội vã cất bung lên trời cao rồi bay đi.
10 chiếc hạm tàu của hai phía cứ lừng lững như những chiếc lô cốt nổi trên biển gườm gườn nhìn nhau sẵn sàng nhả đạn. Đại tá Hà Văn Ngạc có biết đâu, ở đầu chỉ huy phía đối phương đang mật báo cho chỉ huy tàu của họ phải khiêu chiến để đối phương nổ súng đánh trước. Và cũng lúc đó từ ngoài đại dương Hạm đội 7 của Mỹ đang chuẩn bị lui khỏi vùng biển, như một hành động của một kẻ lờ đi giả như không biết.Quân bài mà các nước lớn đã sắp sẵn, bây giờ chỉ chờ đối phương đặt chân vào là sập bẫy.
Để có một mệnh lệnh chính xác mang tầm chiến lược, người chỉ huy không chỉ có lòng yêu nước mà còn phải có một trí tuệ mang tầm quốc tế. Điều này không thể trách Đại tá chỉ huy trưởng Hải đoàn Hà Văn Ngạc. Ông chỉ là người thi hành mệnh lệnh. Ông đâu biết động thái của Hạm đội 7; ông cũng đâu biết Tổng thống Mỹ mật đàm với lãnh tụ đối phương. Ông chỉ được biết giành lấy đảo với một tình huống cụ thể. Đó là mệnh lệnh!
Hà Văn Ngạc quyết định giành thế chủ động, ra lệnh cho cấp dưới của mình nổ súng trước tấn công đối phương.Mặc cho đối phương có phương tiện tối tân hiện đại hơn. Mặc cho đối phương đông quân, nhiều súng hơn.
HQ-10 có tên gọi đầy đủ là Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 là con tàu nhỏ nhất trong 4 con tàu được biệt phái ra Hoàng Sa. HQ-10 có trọng tải 650 tấn tiêu chuẩn, 945 tấn tối đa.Chiến hạm này nguyên là loại tàu được dùng để rà mìn ngoài đại dương, khi được chuyển giao đã cải tiến thành tàu hộ tống. Hoả lực của nó gồm: 1 hải pháo 76, 2 ly sân trước, 2 hải pháo 40 ly đơn bên trái và bên phải sân sau. Hệ thống chống tàu ngầm gồm 2 giàn thả lựu đạn ở sân sau và 1 giàn phóng thuỷ lựu đạn ở sân trước. Vận tốc 14 hải lý/ giờ.
Thiếu tá Nguỵ Văn Thà ra lệnh cho thuộc cấp vào hết vị trí sẵn sàng chiến đấu. Đứng trên đài chỉ huy HQ-10 Nguỵ Văn Thà thấy đối phương cũng đang ở tư thế sẵn sàng nhả đạn. Nguỵ Văn Thà ra lệnh cho đại uý hạm phó Nguyễn Thành Trí tập trung hoả lực vào chiếc hạm 396 của đối phương. Phía bên phải, bên trái 3 chiếc hạm còn lại cũng được lệnh đưa hoả lực về các mục tiêu của đối phương đã được phân công. Phía xa kia, những hòn đảo nhấp nhô, những mô đất, mô đá gồ lên, những lùm cây xanh xanh, những đàn chim thỉnh thoảng lại bùng lên kêu ríu rít. Ai cũng cảm nhận đó là Tổ quốc. Sống trong đất liền hai từ Tổ quốc thấy bình thường, giờ đây trên đại dương mênh mông, lại đứng trước kẻ xâm lăng đang tìm cách để cướp mảnh đất Tổ quốc thì hai từ Tổ quốc mới thiêng liêng làm sao. Các thuỷ thủ trên hạm tàu HQ-10 ai cũng cảm nhận rõ điều đó. Điều ấy được truyền vào con tim của mỗi người, rồi từ con tim hâm nóng những dòng máu truyền xuống khắp cơ thể ra đầu súng.
Khi vào lính hải quân Trần Ngọc Phả là pháo thủ số 1, nên trận này Phả được điều từ vị trí thợ máy lên thay pháo thủ số 1 bị ốm không theo tàu đi làm nhiệm vụ. Khi đã nắm cần điều khiển khẩu hải pháo 76,2 ly đặt ở sân trước tàu, đôi tay Trần Ngọc Phả run run, mắt nhìn qua kính ngắm. Kẻ cướp kia rồi, hiện nguyên hình là một tên cướp lỳ lợm, trắng trợn. Chúng sẽ không từ một thủ đoạn tàn bạo nào để đạt được mục đích. Trần Ngọc Phả đã từng đọc lịch sử của đất nước họ. Đó là một dân tộc từ thời khai sinh lập địa cho đến các đời vua chúa sau này họ tàn bạo vô cùng. Không có đời nào là không gây ra biết bao chết chóc thảm thương cho dân tộc họ, không có đời nào là không mang quân thôn tính nước Việt.
Trần Ngọc Phả nhận lệnh của thiếu tá Nguỵ Văn Thà chĩa thẳng nòng pháo vào đài chỉ huy hạm tàu 389. Chỉ cần có lệnh phát hoả là Phả xiết cò. Những viên đạn chất chứa lòng căm thù, chất chứa lòng yêu nước sẽ bay thẳng vào đầu thù, nổ tung, tiêu diệt.
CÒN TIẾP ....