Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








HÀ NỘI



HÀ NỘI 1

Tôi không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng 3 năm cấp ba –lớp 8, 9, 10 phổ thông, cứ vào  ba tháng hè, bố tôi gửi bà con, bạn bè cho tôi ở nhờ, lúc thì người bà con, lúc thì bạn của bố nhường cho một chỗ ở (thực ra một chỗ để ngả lưng vào ban đêm).   Tôi từng sống  ở Hàng Bún, Phố Huế, khu tập thể Trường tuyên giáo Trung ương (khu lăng  Hoàng Cao Khải cạnh gò Đống Đa),  Khi ở CHDC Đức về, dạy học ở Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân Hà Nội thì cũng ở nhờ, nhưng được một phòng của khu tập thể Ủy ban kế  họach nhà nước ở Giảng Võ, khu Ngũ Xã bên  hồ Trúc Bạch, phố Mã Mây. Rồi sau này lấy vợ thì “chó nằm gầm chạn” ở 15-17 Hàng Đào.  Kiến thức về Hà Nội thì chẳng bằng ai, nhưng chắc ít người tỉnh lẻ (tôi dân thị xã Hải Dương) lại lang thang ở Hà Nội như tôi.    Ba tháng hè những năm cấp 3, tôi cứ ngồi xe đạp chạy trên những phố, ngõ mà mình chưa biết , đạp xe khi nào thấy mệt mỏi thì quay xe lại, nhằm hướng nhà ở mà đi.  Lắm khi không nhớ đường, đỗ xe lại, định hướng rồi đạp xe tiếp. Có lần phải định hướng tới lần thứ ba mới đúng hướng.  Lần ấy, thấm thía câu nói của cô ruột:”Đi cho mà biết xứ đông, đi thì lại khổ thân ông thế này”  (ngả lưng xuống nền nhà là ngủ luôn, không thao thức, mà ngáy o  o).    Nhờ kiểu lang thang ấy mà biết Cầu Giấy, Bưởi, Chèm, Nhật Tân, Quảng Bá, Khu Cao-Xà-Lá tới tận thị xã Hà Đông…

 

HÀ NỘI 2

Câu ca dao xưa:

 

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mờ khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.

đã vẽ cho ta một Hà Nội thơ mộng ngày ấy cách đây hàng trăm năm.

Ông Kato Norio, nguyên Trưởng ban tiếng Việt của Đài truyền hình Nhật  NHK nói:

- Hà Nội là một thành phố lạ: Đằng sau sự thay đổi trông thấy rõ như những khu đô thị mới xuất hiện, những khách sạn, nhà hàng mới được khai trương, những đường sá và hạ tầng cơ sở mới được xây dựng… là cuộc sống phía sâu bên trong, vẫn bền bỉ một cái gì đó không dễ gì đổi thay. Cuộc sống con người thị dân gắn liền với nơi làm ăn buôn bán, chốn ở. Một trong những phố mang nét đặc trưng nhất của 36 phố phường Hà Nội là phố Hàng Đào.    Chiếc rèm vải lụa chính là bức tường tượng trưng ngăn cách gian ngoài bày hàng bán và gian trong mang tính riêng tư của gia đình chủ nhà.  Đồng thời chủ nhà có hai phong cách sống phù hợp với gian ngoài để buôn bán và với gian trong để sinh hoạt riêng tư như uống nước, ăn vặt, ngả lưng với cái nhìn vẻ xa xăm lơ đãng như một hình thức thư giãn. Ở gian ngoài mắt luôn liếc xéo hàng và khách, thong thả nói giá tiền hàng khách hỏi.   Giọng nói từ tốn và to vừa đủ  cho khách hỏi nghe, nên tuy là chỗ buôn bán nhưng không ồn ào. Ở đây không có “thượng đế”, không có chuyện đon đả vồn vã với khách hàng. Chỉ có kẻ mua, người bán. Kẻ mua săm soi hàng, được coi như kẻ qua người lại trên phố, người bán nói lên một giá hay nói đúng giá không có chuyện giá trên trời.

Cái ông Kato Norio gọi là “vẫn bền bỉ” và “không dễ gì thay đổi”  là nơi nấu ăn, nơi tắm, nơi tiểu đại tiện, nơi phơi đồ đã giặt tuy khá hơn xưa, nhưng không có gì mang tính đột phá.  Có hàng trăm thứ vì…, nhưng chỉ có một điều là ta chưa bỏ được thói quen:”Thế cũng được! Ăn hết nhiều, chứ ở không bao nhiêu!  

HÀ NỘI 3

Tôi ra Hà Nội ngày 25.9.2009   và bay vào Saigon ngày 5.10.2009.  Ra kỳ này tôi đến gặp nhà Hanoi học Băng Sơn, anh nằm ở BV Việt-Xô mấy tháng, vừa mới về nhà. Hàng ngày con cho uống hàng vốc thuốc. Người anh uể oải. Biết vậy, tôi ngồi mấy phút nói chuyện nhân tình thế thái, chủ yếu là trả lời các câu hỏi của anh Băng Sơn. 

  Tôi ngồi nói chuyện với  Đoàn Tử Huyến gần hết buổi sáng, toàn chuyện dạy học, viết sách, xuất bản. Nhân tiện sang Bảo tàng Dân tộc học.

Tôi trở lại Hàng Đào mấy lần.  Dân buôn bán cũ ờ đây phần đông đã bán nhà, vì người còn sống nay đã trên dưới chín mươi tuổi.  Dãy số chẵn giờ đây là người Nam Định lên mua nhà, buôn bán.

  

Hàng bầy bán lấn vỉa hẻ. Chủ nhà ra ngồi vỉa hè, tay phe phẩy quạt.

  Chỗ khách sạn mini xưa nay là một khách sạn lớn hơn gấp đôi, giá thuê phòng lên tới hàng trăm USD / ngày. Dãy số lẻ vẫn giữ lề thói cũ: ngồi trong quầy bán hàng. Vỉa hè dành cho những người khác ở phía trong nhà treo hàng dọc lối đi ra tới vỉa hè bán hàng.  Lần này không ở nhờ chỗ người quen.

Tôi ở KS Hồ hoàn kiếm bên số lẻ Hàng Trống.   Hàng ngày  3 bữa ăn phở, tối nếu đói thì làm gói xôi  gà.  Ăn táo, chuối thay cho rau.   Sau mười ngày lên hai kg.   Trong khi những người ở phía trong phố Hàng Đào ra mặt tiền và lối đi bán hàng, thì ở Hàng Trống, những người ở phía trong bày bán bún cá, bánh cuốn, nước chè tàu.   Bán hàng ăn chỉ ở bên số lẻ, bên số chẵn bán café’. 

  Hôm tôi ra ăn kem ở Thủy Tạ có gặp hai chị khoảng gần 50, người phố Bà Triệu khi xưa, nay nhớ trung tâm HN cũng ra ăn kem, ôn lại thời khi còn ở phố Bà Triệu.

HÀ NỘI 4

Phố Hàng Đào nằm theo trục bắc – nam (gồm Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân).  Trục này là trục đường chia đôi 36 phố phường Hà Nội. Hàng Đào  dài khoảng 260m. Cả hai dẫy phố có tổng cộng  khoảng 100 căn nhà. Phía tây của phố là các nhà mang số chẵn, phía đông là các nhà mang số lẻ.Đời Hậu Lê, Phố Hàng Đào ngày xưa thuộc phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Hàng Đào là nơi tập trung người làng Đan Loan (Bình Giang, Hải Dương), làng Đình Loan, Đông Cao (Bắc Ninh) chuyên nghề nhuộm tơ lụa có từ thời Trần, Hồ, đến đời Lê thì rất sầm uất.

  Dư địa chí thế kỷ 15 ghi: :“Phường Hàng Đào nhuộm điều” (điều nói trại thành đào). Xưa kia phố chuyên nhuộm và bán các loại vải nhuộm đỏ, màu hồng.  Thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie (phố bán lụa). Ngọt thanh và dòn là ồi  có đường lõm chia thành bốn của Quảng Bá. Ngọt thanh là cá chép Hồ Tây.  Đẹp và kiêu sa là con gái bán tơ lụa Hàng Đào.  Điều đó đi vào cao dao:

Ổi Quảng Bá, cá hồ Tây
Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người.

Dân Hàng Đào gốc được gọi là “nông dân Hàng Đào”.  Đằng sau dãy số  lẻ xưa là Hồ Hàng Đào.   Nhà 19 Hàng Đào dài ăn thông sang phố  Đinh Liệt (dài hơn 30 mét), đến trước năm 2000 nhà này còn có một cái ao trong vườn nhà.  Nhà số 10 Hàng Đào xưa là Trường Đông kinh nghĩa thục, nhà này dài ăn thông sang phố Lương Văn Can. Rất ít nhà ăn thông từ phố này sang phố đằng sau.  Bên số lẻ có căn số đúp- nhà 15-17 là  nhà to nhưng chỉ sâu chừng 19 mét.  Trong khi đó nhà 19 bề ngang nhỏ, nhưng phình hậu và dài ăn thông sang phố đằng sau.  Nhà 15-17 là nhà gia đình bố mẹ bác Nhâm- gia đình bán tơ lụa giàu có nhất Hà Nội. Nhà số 5 Hàng Đào  hẹp bề ngang và nông là nhà để xe hơi và cho gia nhân ở của gia đình nhà số 15-17.   Bác Nhâm mất năm 2008, thọ  94 tuổi.

Theo Hữu Ngọc, . vào đầu thế kỷ 20 , ở Hàng Đào còn buôn bán tơ lụa. Con gái Hàng Đào  thanh lịch lại giỏi buôn bán khiến những chàng trai tốt nghiệp cao đẳng (trường Đại học Pháp mới mở) ngây ngất. Thiếu nữ Hàng Đào kén chồng đã có câu "Phi cao đẳng bất thành phu phụ". Mỗi tháng, ở Hàng Đào có chợ  phiên vào mùng  1,6,11,21,26, phố đông người gấp bội. Người các làng dệt lũ lượt kéo đến bán hàng: the La Cả, La Khê, đũi Đại Mỗ, lĩnh Bưởi, gấm Vạn Phúc. Họ cũng đến để mua tơ sống. Còn thợ nhuộm ở phố Cầu Gỗ, phố Hàng Bông Nhuộm, hoặc từ Đình Bảng, Hồ Tây đến nhận hàng về nhuộm.
Thời gian mang đi thứ này thì mang lại thứ khác thế chỗ.  “Con chị nó đi, con dì nó lớn” Ông Thái An - một lão “nông dân Hàng Đào”  kể cho nhà báo Thái Bình: “Kề bên nhà tôi, nhà cụ Đức Hoà, nhà ông Quảng Đại Lợi, nhà cụ Tín Nghĩa… đầu phố, cuối phố may ra được chục nhà vẫn còn ở lại. Hàng Đào bây giờ, toàn là những người mới đến”. Theo dòng thời gian, các “lão nông Hàng Đào” theo nhau về với Tổ tiên, lớp con cháu học những nghề hiện đại như kinh tế, ngân hàng, quản trị kinh doanh .v.v. nên ngồi trong phòng lạnh, nhà kính.  Họ bán nhà dọn đến nơi khác hiện đại hơn, tiện nghi hơn,  không còn phải chịu cảnh chật chội nơi đất chật người đông.

Trước khi tiễn khách ra về, ông Thái An cười buồn:

“Ngày xưa, mỗi nhà là một thương hiệu, mỗi nhà có một loại hàng riêng, không lẫn vào đâu được. Khách quen ăn mối, muốn mặt hàng nào thì cứ đến tiệm hàng đó mà mua về. Thời bấy giờ, buôn bán là buôn bán bằng tín nghĩa, chứ không phải kiểu buôn bán chụp giật bây giờ, anh ạ…”.



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .