Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






MỘT THOÁNG HÈ VUI




    N ắng tháng năm oi bức, ngột ngạt vô cùng, luôn thôi thúc mình ước mơ được ngâm mình trong làn nước trong xanh của vùng biển quê nhà. Ước mơ và hy vọng là hai động lực làm trỗi dậy và xanh biếc đời sống! Mình thường thầm nghĩ, một đời sống mà thiếu vắng ước mơ (và hy vọng), thì có còn ý nghĩa là đời sống nữa không?

Thế là nhớ, là mong, là ước mơ được trở về. Về với bạn bè cùng nhau giỡn sóng, cùng nhau rong chơi. Được nắm tay nhau đi dạo thăm nơi nầy chốn nọ, dù trời có nắng nóng cỡ nào cũng thấy vui, thấy thích. Thế rồi mình tự “lên lịch” cho ngày hè với bao háo hức.

Mình sẽ tung tăng cùng nhỏ bạn dọc theo bờ rào bên đường quê để hái múi giẻ, chiêm chiêm. Hai đứa đi trong bóng mát được ấp ủ bởi lũy tre xanh ngát, vừa nói đủ thứ chuyện - chuyện cũ, chuyện mới, chuyện vui, chuyện buồn; vừa cười giỡn thỏa thích như thời tiểu học. Mình sẽ nói cho nhỏ nghe những vui buồn cứ lẫn lộn đan xen trong cái đầu bé xíu của mình; đôi khi thật mâu thuẫn - khiến mình cũng không chịu nổi. Có lúc mình nghĩ: “Ừ! Thôi kệ hắn đi! Hắn muốn làm gì thì làm”, nhưng rồi nghĩ lại thấy tưng tức làm sao ấy; rồi mình ghét, mình hận, rồi mình thấy tội nghiệp hắn, tội nghiệp mình. Vậy có “rắc rối” không kia chứ? Rất nhiều khi, tự nhiên mình cảm thấy thương thân mình ghê, không biết chăm sóc chút nào, không biết trau chuốt chút nào; cứ lo nghĩ cho người ta, mà người ta có nghĩ gì đến mình cho cam. Thế là dần dần mình quyết định gạt bỏ hết tất cả những “rắc rối” để chỉ nghĩ đến mình, miễn sao mình vui, mình khỏe là được.

Dường như có lần mình đươc nghe vị thầy ở chùa Phi Lai dạy rằng: “Phải biết yêu thương mình, sau đó mơí yêu thương người”.Nhưng rồi lạ thiệt, mình cứ dõi theo hắn, xem hắn ra làm sao, đèn nhà hắn có xanh màu không? Mình ngu quá phải không? Đèn xanh hay đỏ thì mặc kệ người ta, hơi đâu mà quan tâm cho khổ cái thân. Ừ! Thôi, mình sẽ không nghĩ đến hắn nữa, sẽ “bứng” hắn ra khỏỉ cái đầu bướng bỉnh nầy; mình sẽ nói chuyện thật hồn nhiên, vui sống như ngày xưa cho vui. Bây giờ, hãy biết sống và quý những giây phút hiện tại, dành trọn cho niềm vui hôm nay.

Nghĩ lại, hồi còn đi học mình hiền quá, không “dữ” như bây giờ đâu; ai nói gì mình cũng tin, dù bạn bè trêu chọc mình tưởng thiệt cứ “Thế à?, thế à?” làm tụi nó bụm miệng cười không chịu được; nhưng bù vào, đứa nào cũng “thích” mình hết. Một hôm có giờ nghỉ vì thầy bị bệnh, cả bọn không về nhà mà dắt nhau đi lên tít trên Phước Mỹ chơi; mỗi lần nhớ đến chuyện này là mình cười chảy nước mắt. Bạn Lưu Thạch rủ tụi mình về nhà bạn ấy ăn mía. Vừa bước vào nhà là tụi mình vào chào ba má Thạch. Ba má Thạch rất vui, cười nói với đám con gái tụi mình “các cháu ra vườn hái mấy trái dưa leo vào ăn bánh tráng”. Tụi mình chuẩn bị ra vườn thì Phong bước vào chào ba má Thạch lễ phép lắm “Con chào hai bác! Con là thầy giáo hướng dẫn em Thạch, hôm nay được em Thạch mời về chơi nhà mình đấy ạ!”. Trời đất ơi! Mình nín thở không bước nổi khi nghe Phong nói thế. Phong thấy tụi mình đứng tần ngần ở đó liền nói “Các em đi ra vườn chơi đi, để thầy nói chuyện với hai bác”. Mình vừa sợ, vừa lo, nhưng nhìn cái mặt Lưu Thạch là mình không nhịn được cười, nó làm sao ấy. Lưu Thạch lỡ khóc, lỡ cười, đành ngậm bồ hòn nín thinh chỉ líu ríu làm theo những gì Phong sai bảo. Bọn con gái tụi mình ra vườn cùng nhau ôm bụng cười vì cái mặt của Lưu Thạch khi ấy, trông méo xẹo, ngờ nghệch không nhịn cười được. Tội ba má Lưu Thạch ghê! Hai bác ấy mừng vì có thầy hướng dẫn con mình ưu ái về nhà thăm, hai bác vui vẻ tiếp “ông thầy tự phong” ấy thật nhiệt tình. Nói chuyện một hồi, má Thạch nói: “Thạch ơi! Con ra sau nhà bắt con gà mái làm thịt đãi cơm thầy và các bạn nhen con!”. Tụi mình nhìn nhau e ngại “Chết rồi! Ông Phong giỡn kiểu này hai bác biết được là chết, mình sợ lắm”, nhưng cũng bấm bụng để không cười thành tiếng. Lưu Thạch dạ nhưng đưa mắt “lườm” Phong như nhắc chừng bạn ấy “vừa phải thôi nhen mầy”.

Trong mâm cơm trưa hôm ấy thật vui, cả nhà cười nói râm ran đủ thứ chuyện. Ăn cơm xong một lát ba má Thạch nói “Tụi con về đi, ở đây mất an ninh không ở tối được”. Thế là tụi mình chào ba má Thạch ra về với lời cảm ơn hai bác về bữa cơm vui vẻ. Như lời hứa, Thạch dắt cả bọn ra đám mía nhà bạn ấy. Vừa dựng chiếc xe, Lưu Thạch nhào vô Phong đấm túi bụi vào lưng bạn mắng “Thầy nè! Đánh cho chết ông thầy tự phong này cho chừa cái thói quỉ sứ của ông nè!”. Cả bọn cười một bữa no nê, Phong cười ngã xuống đất, bò quanh mọi người. Thế rồi cả bọn ngồi xiết mía, mặt mày đứa nào đứa nấy phấn mía bám đầy nhìn nhau cười chảy nước mắt.

Hình ảnh ngôi trường thân yêu mà mình hay gọi là ngôi “Trường Nắng”(*) luôn thấp thoáng trong cái đầu ngu ngơ của mình. Gọi là ngôi Trường Nắng bởi vì ngôi trường ấy được xây trên một bãi cát nắng cháy bỏng, chỉ có hai dãy phòng mà thôi. Rồi thầy trò chúng mình trồng những hàng phượng, những cây bàng trước sân trường để có bóng mát vui chơi. Ngày tụi mình rời trường, phượng đã nở hoa đỏ rực. Ngày ấy, mình hay hái những cánh phượng ép vào trang vở rồi tập làm thơ; cũng cắn bút suy tư, làm thơ về trường, về lớp. Lòng bâng khuâng khi ngắm xác phượng rơi, tiếng ve ngân, rồi mơ rồi mộng. Mình nghĩ rồi, hè này tụi mình sẽ ghé thăm ngôi trường thân yêu ấy, để ngắm nhìn, để gợi nhớ những kỷ niệm một thời cắp sách. Tụi mình sẽ vui, sẽ cười, sẽ giỡn như xưa, để sống lại tuổi hồn nhiên mới lớn. Ngôi trường ấy dù giờ đây đã không còn nắng nóng, nhưng trong lòng mình luôn là ngôi “Trường nắng” thân yêu đầy ắp kỷ niệm. Rồi tụi mình sẽ cùng nhau đến thăm quí thầy cô, thể hiện lòng yêu kính với những người đã từng dạy dỗ, dìu dắt mình. Ôi! Một ngày về đầy niềm vui và thi vị. Thế rồi, dù nhắm mắt mình cũng thấy rõ hình ảnh quí thầy cô, các bạn trong những lần họp mặt thường kỳ vào Trung Thu hằng năm, nhớ vô cùng.

“Nhớ lại, một lần về họp mặt Thầy và Trò của trường mình. Cả đêm hôm trước không thể nào mình chợp mắt được, hết đi lên rồi đi xuống; lòng nôn nao, háo hức với bao điều về thầy, về bạn. Hôm ấy nhỏ Hoa chạy ra bến xe đón mình, nó phỉnh mình đủ thứ; nào là thầy cô về hết rồi, bạn bè không còn ai, đã làm mình buồn chết được, nước mắt muốn chảy rồi đấy. Thế nhưng, khi mình đến nơi thầy cô và các bạn còn đủ cả, chưa ai ra về vì biết mình sẽ có mặt nên chờ. Mình nghe ấm áp vô cùng, xúc động đến nghẹn lòng, phải một lát mới bình thường lại được. Thế rồi mình vui lắm, cười thả ga luôn. Mọi người mừng rỡ khi thấy mình xuất hiện, ai cũng thân tình với những lời hỏi thăm; tuy đơn sơ, nhưng mình cảm thấy ấm áp, chưa bao giờ mình được vui như thế. Thế rồi mình đắm chìm trong niềm vui hồn nhiên, sống lại thời mười lăm mười sáu. Mình sà vào bàn này đến bàn khác, gặp lại từng bạn trong niềm vui và hạnh phúc, và nghĩ rằng - biết đâu ngày mai mình có còn gặp lại nhau được nữa hay không? Rồi cùng hát ca, cùng đùa giỡn, cùng nhảy nhót với các bạn. Lại thêm một kỳ gặp gỡ, họp mặt hạnh phúc nữa được ghi vào trang nhật ký của cuộc đời.”

A! chương trình tiếp đến cho ngày hè của tụi mình sẽ ra sao nhỉ? Này nhé! Sau khi thăm trường lớp, thăm quí thầy cô; tụi mình sẽ cùng nhau đi biển. Biển quê hương trong xanh với tiếng sóng rì rào vẫn muôn đời bất tận, tụi mình sẽ tắm biển, cùng nhào lộn trên sóng, cùng xây những lâu đài trên cát; rồi cùng ôm giữ căn nhà vừa xây xong khi có con sóng vỗ bờ. Mình sẽ cùng nhau bắt còng, bỏ chúng dồn vào cái lon; rồi thả chúng ra, một, hai, ba chúng mình cùng chạy đua với chúng. Mình nằm dài trên bãi cát mịn màng chờ những con sóng vỗ vào phủ lên người, rồi cố bịn không cho chúng kéo mình ra biển, thử ai mạnh hơn. Thế rồi, mình sẽ đi bộ trên biển, vừa đi vừa hát với những ca khúc về biển thân yêu. Mình đi mãi, đi mãi miên man nhớ về bãi biển Đại Lãnh năm nào. Ngày ấy, mình cùng Hồng, Thu Cúc, Miên, Khảnh rủ nhau leo lên xe lửa vào Đại lãnh. Năm đứa mặc áo dài như đi học, nghe người ta nói biển Đại Lãnh rất đẹp; thế là rủ nhau cùng đi dù chưa đứa nào trong năm đứa biết trước Đại lãnh nằm ở đâu. Kỷ niệm ấy vui, buồn lẫn lộn làm sao mà không nhớ chứ. Năm đứa xuống biển Đại Lãnh, tay ôm cặp, tay xách dép, cứ chân trần bước trên sóng đi mãi đến cuối bãi toàn dương là dương với loài hoa Muống Biển nở tím biếc. Hái hoa, giỡn sóng chơi cho đã quên cả thời gian; đến khi lên ga thì tàu đã chay ra rồi. Thu Cúc khóc làm mình cũng khóc theo, bị Khánh la “Gì mà khóc, tụi mình ra đường đón xe Thuận Thành về chứ gì mà om sòm, toàn tiểu thư không hà”. Nghe Thu Cúc nói nhỏ Miên bỗng ré lên “Tiểu thư không hà! Chiều nay không về được tối xuống biển ngủ cho mấy ổng xuống rinh bà đi trước à”. – ai rinh? – cọp! Thế là cả bọn nhảy cẫng hét toáng lên sợ hãi. Hồng nãy giờ nín thinh, liền lên tiếng “Mấy bà theo tui, xuống đường đón xe”. May quá vừa ra đường là có chiếc xe Thuận Thành vừa từ Nha Trang chạy ra, cả bọn đón lại, lên xe, mừng hết lớn!

Không biết giờ này Hồng làm gì ở đất Sài Gòn? Hè này có về quê không? Thu Cúc đã theo gia đình qua bên kia bờ đại dương xa xăm biết chừng nào gặp lại? Còn Miên, đã ra đi về miền miên viễn mấy năm rồi; nghĩ đến sao mà cay sè đôi mắt. Thôi thì, còn được đứa nào hay đứa nấy, vui cho thỏa thích để rồi biết ngày mai ra sao?

Kế đến, tụi mình sẽ cùng đi cà phê, hẹn nhau quán cà phê nào đó vào một buổi sáng; cùng nhau chuyện trò, nhắc lại những ngày vui cũ, những kỷ niệm năm xưa; cùng nhau tám đủ thứ, cho thỏa lòng mong nhớ. Ôi! Những kỷ niệm buồn, vui, kể làm sao cho hết; nhưng mà mình cũng sẽ gắng nhớ, kể hết, để chúng mình cùng cười, cùng nhớ.

“Nhớ ngày lễ Phật Đản năm bảy mươi ba, cả trường mình cùng ra dự lễ ngoài chùa Bảo Tịnh. Các nơi về tụ tập thật đông trước sân chùa nghe các thầy nói chuyện. Nắng và nóng làm đứa nào cũng mệt, bên tai mình có tiếng thủ thỉ “Bà đi ăn dưa hấu không?”. Mình thích quá, nắng này mà đi ăn dưa còn gì bằng; thế là mình hưởng ứng ngay - ở đâu? – Màng Màng. Mình gật đầu liền, thế là từng đứa một cúi đầu thiệt thấp chạy ra ngoài. Mình thấy thầy giám thị cầm cái roi đi quanh chỗ mình ngồi, chờ thầy qua khỏi mình cúi đầu lủi chạy theo các bạn. Thế là mình thoát, vừa ra khỏi mình chạy sang bên kia đường đã thấy Đào, Minh Đức, chị Khiết, Ngô thị Thu đã đứng sẵn. Mình ùa vào cùng các bạn chuẩn bị đi thì nghe tiếng “Mấy chị đi đâu cho tụi em theo với”; ngoảnh lại thấy nhỏ Liễu dắt theo hai bạn lớp nó chạy theo. Trời ơi trời, mình sợ hết hồn; đi cái kiểu này thầy giám thị mà bắt được là chết cả bọn, mình nói “mấy chị có đi đâu, tụi em vô đi kẻo thầy bắt được là chết đó”; vậy mà tụi nó năn nỉ mãi, cuối cùng cho tụi nó nhập bọn luôn.

Tám đứa leo lên xe lam thẳng tiến phía bắc. Màng Màng! Nghe cái tên mơ màng làm sao, mình nghĩ chắc nơi ấy thơ mộng lắm; nhưng nghe Đào nói nắng cháy da, chỉ ăn dưa là mát thôi. Mình háo hức lắm, từ nhỏ giờ có được đi đâu; hết đi học rồi về nhà, rồi ẵm em làm gì được đi nơi nào. Lên xe tám đứa giỡn như quỉ, người ta nói “Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” mình chẳng hiểu, nhưng đến lúc đó mình mới hiểu. Cả bọn hát hò a li hò lờ làm bác tài cũng vui lây. Nhỏ Đào học ở đâu ra một câu mà nó cho là hay nghêu ngao làm cả bọn cười muốn vỡ bụng. Đào đọc kéo dài lê thê từng chữ “Yêu làm gì cho nhọc tâm, phung phí thì giờ những chuyện vu vơ, tuổi chúng ta là tuổi mộng mơ, mà đường đời là chông gai cạm bẩy”. Vui làm sao! Cười chảy nước mắt.

Xuống xe, tám đứa chạy ào vào ruộng dưa, đống to, đống nhỏ, những trái dưa tròn lẳng, bóng mượt thích ơi là thích. Sà vào lựa ra một mớ, trả tiền rồi cả tám đứa quây quanh lại. Làm sao ăn đây trời? Lấy gì mà chẻ ra? Đào lại bày “Tui nghe tụi nó nói, lấy tay chặt mạnh vào dưa bể ra tha hồ cạp”, cái gì cũng Đào bày hết; nhỏ ấy vậy mà giỏi, chỗ nào cũng biết, cũng hay. Thế là tám đứa chẻ dưa theo kiểu của Đào vừa nói, cạp lấy, cạp để. Miệng mồm đứa nào đứa nấy ngồm ngoàm, chảy nước dưa ướt mặt, ướt áo; vừa ăn vừa giỡn vui dễ sợ.

Ăn xong, tám đứa ra quốc lộ chuẩn bị đón xe lam về. Bấy giờ Đào nói với Liễu và bạn nó: “Nãy giờ mấy chị trả tiền xe ra và tiền dưa, giờ tới bọn em trả tiền bận xe về à nhen. Mấy chị hết tiền rồi”. Nhỏ Liễu ngơ ngác “Tụi em làm gì có tiền mà trả, mấy chị trả luôn đi bữa nào tụi em tính lại”. Mình thấy lo trong ruột, tiền đâu mà trả cho tụi nó nữa đây. Kỳ này không có tiền về xe, đi bộ chắc nửa đêm mới tới nhà, ăn đòn là cái chắc. Đứa nào cũng lo hết, Đào là đầu tàu, nó rủ, cái gì cũng nó cả. Đào la “Tụi em không có tiền mà đi theo, mấy chị biết làm sao”. Nhỏ Liễu nói “Mấy chị sao, tụi em vậy. Đi bộ thì cùng đi chứ sao”. Cả tám đứa nhìn nhau, ngó lên trời; rồi cũng Đào lo chớ ai vô đây nữa. Đào nói “Thôi được rồi, hồi sáng chị Hồng nhờ tui lấy tiền may cho chĩ, tui chưa đưa; giờ tui trả, về nhà góp lại cho tui đưa chị Hồng, không có là chết à nhen”. Thế là lên xe, ăn no nê không hò hát gì nổi nữa; đứa nào cũng mong mau về tới nhà kẻo trời tối”. A! Cà phê sáng xong, mình cùng kéo về nhà một bạn nào đó rồi ra chợ mua thứ gì về nấu cơm ăn - bữa cơm sum họp ấm cúng biết bao. Như vậy mình mới có dịp được gần nhau, sống bên nhau, bởi với lứa tuổi mình bây giờ, biết ngày mai ra sao mà hờ hững, chờ đợi.

Với dự đinh và mơ ước như thế, nhưng mình đã như nghe thấy tiếng sóng quê nhà đang réo gọi; mình nôn nao, mình háo hức; mong sớm đến ngày được trở về sống lại những ngày hè - dù ngắn ngủi, thoáng qua, nhưng âm vang và sắc mầu kỷ niệm luôn sống mãi trong ký ức cuộc đời lận đận của mình.. Mình chợt nhớ lại bài thơ “Mùa Hè Giã Biệt” của Thầy Trần Huiền Ân đã đọc cho lớp nghe vào buổi học cuối buồn hiu hắt năm ấy - Thầy còn kể cho biết, đây là bài thơ đầu tiên của Thầy được đăng báo (Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, năm 1958) – cũng chính là năm mình đươc sinh ra!. Mình dã không giữ đươc những giọt nước mắt khi nghe Thầy đọc đến hai đoạn cuối:

“(…) Chỉ còn một bữa nữa mà thôi
Mai cửa trường im khép lại rồi
Tàu đến sân ga, tàu chuyển bánh
Mang người ly cách đến ngàn nơi
Thôi nhé, dù sao mình vẫn hẹn

Một ngày hội ngộ ở tương lai
Hè buồn, hè vắng, hè nhung nhớ
Không cản tình ta đến trọn đời”

“Thôi nhé dầu sao mình vẫn hẹn/một ngày hội ngội ở tương lai” các bạn nhỉ?

(*) Trường Trung Học Bồ Đề Hiếu Xương
05/2017