BẾN NƯỚC MƯỜI BA
C úc giật mình tỉnh dậy, cô mơ hồ không biết đã là mấy giờ nhưng nghe ngoài trời vẫn còn mưa, tiếng ếch nhái râm ran đó đây vẳng lại.như khúc nhạc buồn hiu quạnh muôn thuở của đồng quê. Không hiểu sao, Cúc rất sợ đêm đen, và rất sợ nghe những âm thanh hoang dã quen thuộc não lòng kia. Bóng tối và tiếng côn trùng, tiếng ếch gọi bầy giữa trời khuya, dường như luôn gợi cho Cúc nhớ lại một quãng đời chìm nổi lao đao đã qua…
Cúc lấy chồng muộn – nhà chồng cô ở giữa cánh đồng hoang vắng, rải rác xung quanh mấy nóc nhà thưa thớt. Chồng của cô là một người nhu nhược không có chính kiến gì của riêng mình cả, mọi chuyện lớn nhỏ anh ta đều nghe theo lời ba. và mấy đứa em. Trong gia đình cô là con dâu, là chị dâu – xét cho cùng, cũng chỉ là người ngoài tộc không hơn không kém. Cúc biết rất rõ điều đó, nhưng thuyền đời đã neo bến rồi, cô biết làm sao?
Ngay tuần đầu tiên về nhà chồng, tình cờ Cúc đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với cô gái mà cô ta tự xưng là người tình cũ của Trứ – chồng cô.
Giọng một cô gái trong trẻo, nũng nịu:
– Anh ơi! Mấy hôm nay anh bận lắm hay sao mà không lên thăm em?
Cúc im lặng một lúc – trả lời :
– Anh Trứ có việc phải đi ra ngoài rồi. Xin lỗi! Lúc nào về tôi nói anh ấy gọi lại cho cô nhé?
Vẫn giọng dịu dàng của cô gái
– Dạ! vậy cũng được, nhưng cô là ai? Sao cô cầm máy của anh Trứ?
Cúc thành thật:
– Tôi là vợ anh ấy…
Có tiếng cười khe khẻ ở đầu dây bên kia
– Chị hỏi vậy thôi? Chứ chị biết em là ai rồi? Em là Trúc hay Trang vậy? ( tên của hai đứa em chồng cô).
Hơi ngạc nhiên nhưng giọng Cúc vẫn điềm tĩnh :
– Tôi nói thật mà, tôi là vợ của anh Trứ. Chúng tôi mới kết hôn hơn một tuần nay …
Giọng cô gái bỗng đổi khác – trủng thấp, bàng hoàng:
– Cô không nói đùa với tôi chứ? Cô quen anh Trứ khi nào mà kết hôn mau vậy?
Cúc khẻ cười:
– Tôi quen anh ấy chỉ hơn một tháng thôi, cũng là duyên phận thôi cô ạ.- Cúc ngập ngừng – Nhưng mà cô là ai?
Một giọng nói rõ to, như thét vào tai cô:
– Tôi là người yêu của anh ấy, cô nghe rõ không? Chúng tôi quen nhau đã hơn hai năm rồi? Cô là ai mà dám chen ngang vào để phá hạnh phúc của tôi hả?
Cúc cảm thấy bất ngờ – hơi xao động, nhưng vẫn gắng giữ giọng bình tĩnh:
– Tôi có biết cô là ai đâu? – nhếch cười – mà tôi có cướp tình yêu của của cô đâu chứ? Gia đình anh Trứ xin hỏi cưới tôi đàng hoàng mà? Cô muốn nói gì thì đợi anh ấy về rồi hỏi đi? Tôi xin lỗi…
Dứt lời, Cúc cúp máy. Cúc cảm thấy một nỗi băn khoăn thắt thỏm dấy lên trong lòng mỗi lúc một lớn dần. Nó như đang chẹn ngang ngực cô, khiến cô cảm thấy khó thở! Cúc lẩm bẩm : “ Sao lại có chuyện lạ lùng vậy? Vậy là Trứ đã lừa dối mình thật sao? “
Từ đó trở đi, hễ cứ vào giữa đêm khuya, hay những ngày rằm, mồng một đầu tháng – cô ta dùng những lời lẽ chửi rủa cay độc nhất với vợ chồng cô. Cúc nhớ như in hai câu nguyền rủa mà cô ta hay lập lại : “ Cô xấu quá, không kiếm được ai nên cô dùng tiền mua anh ấy phải không? Đồ trơ trẽn, đồ thâm độc, cô mà có chết thì âm phủ cũng không chứa cô”. Và “ Tôi nguyền rủa cho hai người tuyệt tử, tuyệt tôn, cả đời khổ sở, bất an cho đến chết”. Cúc đã nhiều lần khuyên và năn nỉ Trứ đổi sim điện thoại đi để không còn bị nghe những lời hồ đồ sân giận kia, nhưng chồng cô mê tín không chịu thay sim mới vì anh ta cho rằng: “ Sim anh dùng là sim ăn nên làm ra, hợp với ngày sinh, tháng đẻ của mình, đổi sẽ xui lắm em à! ”. Để trấn an Cúc, Trứ chỉ đồng ý tắt máy khi bắt đầu đi ngủ!
Trong nhà, Trúc và Trang – hai đứa em chồng, đã lớn mà vẫn chưa lập gia đình. Không phải chúng không tìm được ai cho mình, mà chỉ vì nghe cha bảo phải ở vậy lo làm nuôi cho mấy đứa em trai ăn học đến nơi đến chốn đã, mà không dám bảy tỏ ý kiến gì riêng của mình. Trong nhà này, không có tiếng nói của Trang, Trúc hay cô – mà chỉ có tiếng nói người cha – tiếp theo là Trứ, và mấy đứa em trai của Trứ mà thôi – chỉ có đàn ông là có quyền quyết định mọi chuyện lớn nhỏ cho tất cả mà thôi.
Tuy được nuôi chìu mọi thứ, nhưng đứa em trai út học hành không ra gì, năm nào cũng phải thi lên lớp hoặc Trứ phải đến từng nhà giáo viên xin thêm điểm. mà tính ngang ngược, hung dữ không ai trong nhà trị nổi. Nó hành hung Trang và Trúc – thậm chí cả Trứ, để đòi tiền mỗi ngày. Nếu không kịp đưa cho là nó đập phá nhà cửa, và đòi xua đuổi hết thảy mọi người. Nó xách đồ đạc, áo quần của Trang và Trúc và đôi khi của cả Cúc nữa – ném ra đường, Cảnh nhà xào xáo, bất hạnh như vậy thì có ai dám đến hỏi hai người em của Trứ làm vợ nữa đâu? Người xưa thường bảo, nếp nhà không có, thì làm sao có được nếp người? Tuổi xuân của Trang và Trúc cứ thế trôi đi – Trúc và Trang chỉ còn biết âm thầm giữ lại cho mình chữ tình mơ mộng trong lòng mà thôi, còn cuộc tình thật đã bị sự vô tâm của người cha, sự yếu hèn nhu nhược của người anh, và sự độc ác, ích kỉ của những đứa em lấy mất đi rồi.
Năm Trúc 30 tuổi – cô thương một người ở huyện bên, được gia đình hai bên chấp nhận. Những tưởng mọi chuyện sẽ xuôi chèo mát mái, rồi cô cũng sẽ có một gia đình êm ấm như Trâm, nhưng thêm một lần nữa – chính Trâm – cô em ruột của Trúc, đã ngăn cản không cho đám cưới kia diễn ra. ( Trâm là em kề Trúc nhưng đã lấy chồng trước hai chị vì Trâm ở nhà không làm được gì, không giỏi giang như Trúc và Trang). Không ai hiểu vì lý do gì Trâm lại đặt điều nói xấu Trúc với gia đình người yêu của cô. Vậy là cuối năm đó người cô yêu đi lấy vợ khác. Trúc vẫn một mình lặng lẽ, và không còn dịp nào để nhắc đến chuyện chồng, con nữa.
Trang cũng có nhiều lần yêu, nhưng bến hạnh phúc của cô cũng xa vời không đến được. Cô yêu Linh, và gia đình Linh đã mời gia đình cô qua thăm nhà để bàn tính chuyện hôn nhân. Nhưng gia đình cô ngày nào cũng cải lộn, rối ren, ai mà có thời gian quan tâm đến thân phận của cô nữa đâu? Ba, mẹ Linh chờ một tháng, rồi hai tháng, cũng không thấy ai qua thăm nhà – dù đã cho Linh đi mời mấy lần. Họ tự ái, không chấp nhận Trang nữa, bắt Linh đi cưới một cô gái khác trong làng.
Bẵng đi một thời gian khá lâu – một hôm, Cúc đi làm về thấy trong nhà có người đàn ông lạ, Trang cười rạng rỡ – giói thiệu với cô là bạn trai của mình. Bữa ăn tối diễn ra trong không khí thật tẻ nhạt, dường như không ai muốn chào đón, thân thiện với người con trai lạ tên là Cường kia? Thấy vậy, Cúc phải tìm chuyện để hỏi, tìm chuyện để nói cho anh ta bớt ngượng, được tự nhiên – và cô em chồng của cô bớt khó xử. Người con trai ở chơi với Trang, với gia đình cô hai ngày và từ giả về quê, với lời hứa hẹn là mồng ba Tết sẽ đưa ba vào thăm nhà tiến hành lễ hỏi.. Nhưng anh ta ra đi và mang theo luôn lời hứa kia, bỏ lại Trang mong ngóng từng ngày. Mồng mười tết, Trang buồn đi xem bói, bà thầy bói lẻo mép ác tâm đã phán rằng: “ Anh ta có quay trở lại tìm Trang nhưng gặp một người phụ nữ khác trong gia đình ngăn cản nên thôi ”. Và bà còn nói thêm: “ Anh ta rất thương yêu người phụ nữ ấy… ”. Thế là mọi nỗi nghi ngờ đều đổ dồn cho Cúc, vì trong ngôi nhà này ngoài Trang ra chỉ có Cúc là đối xử tốt với Cường hai hôm anh ta có mặt ở đây mà thôi.
Trang gào khóc :
– Tôi biết là ai trong cái nhà này làm chuyện đó rồi? Đồ tồi bại, người yêu của người khác mà cũng muốn cướp…
Ba chồng Cúc đột nhiên nhìn thẳng vào mặt cô và hỏi:
– Hôm mồng ba, chồng con đi thăm xuân bạn bè, đồng nghiệp con không đi cùng, sau đó con đi đâu suốt buổi chiều vậy?
– Thì con cũng đi thăm bạn cùng công ty mà – Cúc cố bình tĩnh trả lời
– Em đi thăm những ai? – Chồng cô chen ngang
Cúc cảm thấy mọi người nghi ngờ mình, cô cảm thấy như nghẹt thở, cô hét lên:
– Tôi thăm ai là chuyện của tôi? Tôi có quyền mà, nhưng tôi nói để mấy người biết, tôi không làm ba cái chuyện trái đạo lí nhơ nhớp như vậy đâu?
Chồng cô quát to:
– Em im đi, nếu không có ý gì, sao em lại thân thiết nói chuyện với thằng đó như vậy? Và mồng ba nó vào, mồng ba em lại đi hết cả một buổi chiều, như vậy là thế nào?
Cúc không ngờ Trứ lại cư xử với cô như vậy. Không nói thêm một lời nào, cô chạy vào buồng, đóng sập cửa lại – bỏ mặc Trang lăn khóc, chửi rủa, và những lời lẽ cay độc của người chồng đầu ấp tay gối kia như ngọn lửa gặp cơn gió dữ.
.
Đứa em trai út của Trứ ngày càng hung tàn hơn – nó đánh đập hết thảy những người trong nhà không kể giờ giấc nào. Ban đầu, Cúc đưa tiền cho nó để được yên thân, nhưng càng ngày nó càng đòi nhiều hơn, cô không còn đủ tiền để đưa nữa – nó đập nát đồ đạc trong buồng hai vợ chồng cô, và đuổi tất cả mọi người ra đường. Cúc rất muốn về nhà mẹ, nhưng cha, và chồng cô không cho bảo như vậy là làm xấu hổ cho họ, với lại cô cũng không muốn cha, mẹ cô biết mà đau lòng. Đành phải ăn bờ ngủ bụi thường xuyên.
Cúc có thai, cô muốn thuê nhà ở gần công ty để dưỡng thai, và tiện việc đi làm – nhất là được yên thân mà nuôi con – nhưng cả cha chồng, và chồng cô đều phản đối. Chồng cô bảo: “ Cô muốn mướn nhà ở riêng để dễ bề trai gái hả? Bà thầy bói đã nói với tôi về cô rồi: “ Cô gái ấy đa tình, có nhiều người thương, cô ta rất dễ phản bội, ngoại tình! ”. Vì vậy cô phải đi về mỗi ngày ở nhà này nếu cô muốn còn là vợ tôi…”. Sau đó không lâu, không hiểu vì đoạn đường đi làm xa, vì nỗi buồn lo thường xuyên ám ảnh, hay vì lời nguyền rủa “ tuyệt tử, tuyệt tôn” hiểm độc của cô nhân tình ngày nào mà cái thai bốn tháng trong bụng Cúc còn không giữ được, đã chết lưu .
Trong nỗi đau buồn vì mất con của Cúc – Trứ hầu như không quan tâm gì đến cô. Anh hay đem Cúc ra so sánh với hết người này đến người khác. Và có lúc còn lớn tiếng nói: “ Sai lầm lớn nhất của anh là cưới cô ”. Chưa hết, một hôm Trứ còn bảo thẳng với cô : Anh đã có một đứa con trai trước khi cưới cô, nhưng vì mẹ nó không nghề nghiệp. chỉ bán gánh bún rêu thôi nên ba anh không chấp nhận. Anh thuyết phục cô chấp nhận cho anh đi lại với người phụ nữ kia, để con anh được nhận tổ tông, dòng họ…
Đến ngày ba chồng cô ngã bệnh, nằm liệt giường đã mấy hôm, nhưng mấy anh chị em chỉ lo cải vả, chạnh chọe nhau, không ai lo chạy chữa thuốc men gì cho ông cả – lại tin lời của bà thầy bói nào đó bảo thằng út bị ma nhập, nên quay về phá nhà, dẫn đến ba chồng phải đau như vậy chứ không sao. Không cần thuốc men gì cả. Phải bầy mâm cổ cúng vái ba ngày ba đêm sẽ khỏi bệnh ngay thôi. Sau khi ba chồng cô mất, mấy anh em lại liên kết lại đổ tội cho Cúc, bảo rằng cô khắc tuổi với ông dẫn đến hại ông chết. Như bao lần – Cúc không dám cải lại. Cô thầm nghĩ: Lý lẽ, sự thật – không hề có ở nơi con người mù quáng, mà không còn có trái tim!
Sau khi cúng ba ngày của cha chồng, Trứ đuổi cô ra khỏi nhà .
Anh ta nói:
– Cô còn ở đây làm gì? Cha tôi mất rồi, tôi không muốn sự hiện diện của cô trong ngôi nhà này nữa. Cô hãy về nhà của cô đi?
– Nhưng vì sao vậy? Em cũng hết lòng vì cái gia đình này mà, giờ ba mới mất sao anh lại đuổi em? – Nước mắt Cúc ràn rụa.
– Lúc ba tôi còn sống, cô không lo được gì cho ông, ngay cả một chén cháo cũng không nấu được, cô xung khắc làm hại chết ba tôi rồi, cô còn muốn ở lại ngôi nhà này sao?
Không thể chịu đựng thêm nữa, Cúc nức nở – nói gằn từng tiếng trong cơn uất hận::
– Tôi không làm ba ông chết, mà ông ấy chết là bỡi sự bất hiếu, ích kỉ, nhu nhược, mù quáng của anh, em nhà ông. Có ngày nào mà anh em ông để cho ba yên đâu, lúc nào cũng đánh lộn, cơm ăn bữa đói, bữa no, ngủ thì khi bờ, khi bụi. và đến khi ngã xuống đau, anh em ông lại hùa nhau tin vào bói toán, không lo chữa trị cho ba viên thuốc nào, thì sao quay lại trách tôi chứ?
Trứ đập tay xuống bàn, giận dữ hét lớn:
– Cô ra khỏi nhà tôi mau, Tôi chỉ có một người cha thôi, còn vợ thì tôi tìm đâu mà chẳng có, cô không lo được cho cha tôi, mà còn hỗn hào như vậy à? Cha tôi mới chết mà cô đã làm loạn hết lên rồi.
Cúc nói như người say – giọng ráo hoảnh :
– Ông và anh em ông trách tôi chưa từng nấu cháo cho ba? Nói vậy cũng nghe được à? Từ ngày tôi về làm dâu cái nhà này, tôi phải ngày hai buổi nai lưng ra làm kiếm tiền để lo cho cái gia đình này, mấy anh em của ông ở nhà cả mà, có ai làm gì ra tiền đâu? Không nấu cháo cho ba được hay sao?
Ở nhà ngoài, mấy đứa em chồng cô dấm dẳng chửi bới, mạt sát cô.
Trứ giơ tay lên định tát vào mặt Cúc nhưng nghĩ sao lại thôi – anh bỏ đi ra ngoài đóng sầm cửa lại.
Điện thoại reo – ba Cúc gọi. Ông bảo cô hãy lo thu xếp đồ về nhà ngay. Cúc không biết Trứ đã điện thoại nói gì với ba cô, mà giọng ông buồn buồn: “ Con về nhà mình đi, đừng ở đó nữa, người ta đã xua đuổi như vậy rồi, con còn luyến tiếc gì nữa? ”. Cúc thẩn thờ đứng dậy – bước vào buồng – xếp vội đồ đạc. Ngay tối hôm ấy – Cúc rời khỏi ngôi nhà như chốn địa ngục kia…
Cúc về lại nhà mình, cô cảm thấy vừa buồn nản, vừa thất vọng – nhưng tình cảm ấy không còn bám theo cô lâu – nó đã bị chai lì đi từ bao tháng năm – đổi lại, là một cảm giác an bình , nhẹ nhỏm – không còn phải chịu đè nén ấm ức, nơm nớp lo âu – hay luôn bị dày vò, ray rức nữa. Và cô đâm ra sợ những con người trong cái gia đình u ám kia – sợ cả người chồng bạc nhược hẹp hòi – cô tự hứa – sẽ không bao giờ quay trở lại chốn tối tăm ngục tù đó nữa. Cô muốn tự do. Thong dong với cuộc sống hiện tại không còn dài của đời cô. Cúc nghĩ: “ Thà lênh đênh giữa dòng nước xoáy, còn hơn phải cập bến tình ngầu đục nhơ nhớp cheo leo như vậy !”.
Điện thoại bổng báo lại có tin nhắn. Là của Trứ. Từ ngày li hôn đến nay, ngày nào anh ta cũng nhắn tin cho Cúc cả. Trong tin nhắn lúc nào anh ta cũng nói là rất ân hận, và yêu thương cô nhiều, muốn cùng cô đi hết quảng đời cuối. Vậy mà hôm nay anh lại tráo trở gởi tin : “ Anh sắp cưới vợ, một người vợ ngoan hiền , có nghề nghiệp đảm bảo – biết nghe lời chồng chứ không bướng bỉnh hư đốn như cô đâu! ”. Một thoáng buồn. Và, Cúc cảm thấy thương xót cho người phụ nữ sắp đi qua đời Trứ – sẽ tấp vào người chồng nhu nhược, ích kỷ và ác tâm như anh ! Rồi cuộc đời sẽ ra sao nơi cái bến ngầu đục thù hận, ích kỷ ấy? Cúc thở dài – nhớ đến lời của người xưa: “ Đời người con gái mười hai bến nước, tìm được bến trong thì suốt đời hạnh phúc, còn phải bến đục thì khổ cả một đời… ”.
Cúc chợt mỉm cười – một niềm vui lóe lên trong tâm hồn cô như tia chớp cực mạnh giữa màn đêm dày đặc : Riêng Cúc, cô sẽ chọn cho mình bến nước thứ mười ba…