Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







MỘT CHUYỆN BẠO HÀNH



   N ếu hỏi: “Một người vợ sẽ làm gì khi bị chồng đánh?” có thể nhiều người thấy bực mình, cho là câu hỏi… lẩm cẩm! Làm gì à? Thiếu gì cách! Thí dụ:

-Đánh trả lại;

-Gào lên cầu cứu hàng xóm;

-Chạy trốn;

-Đi báo Công an;

-Im lặng chịu đựng;

-Khóc!

Dường như mỗi cá nhân có một lựa chọn khác nhau, hoặc tự vệ hoặc phản kháng nhuốm màu thụ động.

Rồi cũng không ít người sẽ bĩu môi:

-Thời buổi này ai chấp nhận chuyện chồng bạo hành vợ? Luật pháp ở đâu?

Thì luật pháp vẫn ở… tòa án, còn bạo hành thì ở… trong nhà, nhất là trong một căn nhà đóng kín cửa. “Phép vua thua lệ làng”, luật chặt chẽ tới đâu, “bình đẳng giới” phổ biến thế nào thì bạo hành vẫn còn diễn ra nơi này nơi khác, nếu ở đấy có một ông chồng như anh Sửu và một bà vợ giống… chị Sửu.

Nói cho công bằng, anh Sửu là người hiền lành, tốt bụng, ăn ở được lòng hàng xóm. Hơi vụng về trong giao tiếp nên giữa đám đông anh rất ít góp chuyện, chỉ cười cười gật gù hưởng ứng kiểu “Ai sao tui dzậy”! Đa số đàn ông như thế hay cục tính, mỗi khi “bốc hỏa” thường khó kiểm soát được hành vi.

Trái ngược với chồng, chị Sửu thuộc hàng “nhiều chuyện”. Cả ngày buôn bán ngoài chợ, thu góp được “tin sốt dẻo” gì, về nhà chị đều “tường thuật” cặn kẽ với chồng. Kể ra trí nhớ của chị thật “siêu tài năng” nên có thể kể vanh vách từng lời thiên hạ đối đáp, chẳng bỏ sót chi tiết cỏn con nào.

Anh Sửu chạy xe ôm cả ngày mệt mỏi, chỉ tối về tắm rửa cơm nước xong mới có chút thời giờ thư giãn nằm khểnh xem Tivi. Bị vợ liên tục ngắt quãng, anh khó chịu lắm. Thoạt đầu còn ậm ừ đưa đà, rồi anh đâm cáu, sau cùng thì nổi điên, trừng mắt nạt:

-Im đi! Toàn chuyện bá vơ mà lải nhải dai như đỉa!

Vậy là chị Sửu sưng mặt lên, bụng tức ấm ách. Những chuyện chị góp nhặt được suốt một ngày ngồi chợ ly kỳ hấp dẫn thế mà anh Sửu lại bảo “bá vơ”, thật khinh thường chị quá! Lại còn trợn trừng trợn trạo to tiếng nữa chứ! Ôi chao, sao các ông chồng hàng xóm dịu dàng lịch sự thấy phát ham, còn chồng chị cộc cằn đến vậy?

Cụt hứng và tủi thân, chị Sửu cố tìm cho ra một câu thật đau trả đũa, không lường được tầm sát thương của nó khiến mặt anh Sửu tím lại, mắt đỏ lên, đôi môi lặp bặp run rẩy. Đó là lúc anh giận đến nghẹn họng không nói ra lời, anh chỉ hành động thôi bằng một bạt tai nóng rẫy màng nhĩ chị Sửu.

Chị Sửu không đánh trả, không gào lên cầu cứu hàng xóm, không chạy trốn cũng không đi báo Công an, chỉ… chửi! Chửi hết sức tục tằn cho hả “mối thù” một cái tát đau!

Ôi chao, lúc buôn bán ngoài chợ chị Sửu ngọt ngào đon đả lắm, vẫn được tiếng “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” sao bây giờ biến thành một người khác hẳn? Những lời nanh nọc ấy nếu lọt tai một ông chồng hoạt ngôn cũng “khó đỡ”, huống chi anh Sửu? Anh giận thì ít mà xấu hổ với hàng xóm thì nhiều, mặt càng sạm đi, tia mắt đỏ rực. Rơi vào thế cưỡi cọp, “tiến thoái lưỡng nan”, bắt buộc anh Sửu dùng vũ lực hy vọng uy hiếp vợ phải ngậm miệng lại. Than ôi, nào có phải thế? Bị đánh đau, chị Sửu càng chửi chua ngoa hơn, mà một khi vợ còn chua ngoa thì đòn chồng còn nặng, như một vòng tròn khép kín. Cái vòng tròn đó chỉ đứt rời khi có ai tông cửa chạy vào can gián, lôi tuồn tuột anh Sửu ra khỏi nhà.

Bấy giờ chị Sửu mới thôi chửi. Chồng đi mất rồi, chửi nữa cho chính hai lỗ tai của chị nghe à?

Không chửi thì chị khóc. Bi thảm và ai oán. Khóc và tỉ tê kể lể, thành điệu thành vần như người ta hát ru con! Sau mâm cơm đầy những “món kinh dị” vừa rồi, chị Sửu đang dọn ra cho hàng xóm thưởng thức bàn tiệc phong phú, hoa mỹ và thơm tho hương vị của ca dao, tục ngữ… diễn tả công lênh khuya sớm nắng dãi mưa dầm. Hàng xóm nghe, quên béng ngay những nanh nọc vừa rồi của chị Sửu, chỉ còn đọng lại nỗi xót xa cho “Cái Cò lặn lội bờ sông…” hay chạnh thương hình ảnh “Cái Bống đi chợ đường trơn…”

Thời gian nhà anh Sửu mới dọn về đây, hàng xóm náo động mỗi khi chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình ấy. Chẳng còn trẻ trung lắm nhưng không có con thì vẫn là “vợ chồng son”, thế mà lục đục luôn, “chuyện bé xé ra to” chẳng đáng gì cũng thành ầm ĩ.

Nhiều người đã tiếc rằng: giá hai vợ chồng đối xử với nhau cũng hòa nhã được như đối với hàng xóm; giá anh Sửu hiểu: vợ “nhiều chuyện” chỉ vì “thèm nói” với chồng, sau cả ngày ngồi chợ; giá chị Sửu hiểu: anh Sửu đánh vợ đương nhiên sai lè lè rồi, nhưng “trả đũa” bằng hàng thúng ngôn từ bẩn thỉu thì chị càng sai hơn.

Bạo hành thường xuyên xảy ra trong gia đình anh Sửu khiến hàng xóm chẳng mấy ngày được yên ổn. Màn kịch diễn mãi không chán, không chịu thay vai, mặc các “khán giả bất đắc dĩ” ngao ngán lắm rồi. Thời gian đầu, người ta còn sang can gián còn bọn trẻ con thì í ới réo nhau rùng rùng chạy đến, xúm xít trèo lên hai cánh cổng sắt như chùm sung, nghểnh cổ nghếch mắt ngóng vào. Cửa nhà đóng chặt, có nhìn thấy gì đâu. Bên trong chị Sửu khóc còn bên ngoài lũ trẻ hồn nhiên hi hí cười, rôm rả bàn tán. Sau rồi chúng cũng phát chán trò đó, hết luôn tò mò, thấy chuyện vợ chồng anh Sửu đánh chửi nhau cũng “bình thường” như việc ăn cơm hàng ngày ở nhà chúng.

Không ít người lo ngại: hục hặc triền miên như thế, liệu hai vợ chồng có khi nào nghĩ đến chuyện chia tay không? Cũng có đấy, dù chỉ thoáng qua lúc chị Sửu cảm thấy quá sức chịu đựng của mình. Thời buổi này, người ta ly hôn dễ dàng và nhanh chóng lắm. Vợ chồng bỏ nhau có khi chỉ vì một lý do vụn vặt hay trẻ con nào đó.

Nhưng tôn giáo của anh chị Sửu không cho phép điều đó. Các bậc trưởng thượng trong nhà càng quyết liệt ngăn cấm. Nên dù thường xuyên bất hòa dẫn đến bạo hành gây tổn thương cho nhau nhiều mặt: danh dự, tinh thần, thể xác… thì hai người vẫn chung sống bên nhau chứ không thể chia tay, như nhan đề một bộ phim: “Chỉ cái chết mới chia lìa đôi lứa”.


**

Bất thình lình, anh Sửu mất tích. Mất tích đột ngột và bí hiểm, không trống không kèn, không một nhắn gửi cũng không lưu lại chút dấu tích nhỏ nhoi nào. Như thể anh bắt chước Hàm Hương đã hóa bướm bay đi, hoặc đã rẽ mây vút lên trời hay đã rạch đất chui xuống âm phủ.

Sáng hôm đó, anh Sửu vẫn chạy xe ôm như thường nhật. Rồi chiều tối không thấy trở về. Ba ngày… mười ngày… ba mươi ngày… vẫn bặt vô âm tín.

Thời điểm đó, hai vợ chồng đang giận nhau nên thoạt đầu chị Sửu chỉ nghĩ anh dỗi vợ, đến người bạn nào đó chơi thôi. Rồi chị biết mình đoán sai: chẳng bạn nào chứa anh Sửu trong nhà đến mấy ngày như vậy đâu.

Chị Sửu đôn đáo đi hỏi thăm tất cả những ai có thể hỏi, đã bỏ công tìm kiếm trong các bệnh viện, để ở đâu cũng chỉ buồn bã nhận lại những cái lắc đầu. Anh Sửu đã biến đi đâu? Chị cứ ngơ ngẩn tự hỏi mãi mà lòng vừa đau vừa hận. Nhưng họa có trời và anh Sửu mới trả lời được!

Chỉ biết thế là tự nhiên chị Sửu… mất chồng! Mất dễ dàng và nhanh chóng. Như thể đang nằm mơ; như thể đang xem một tập phim truyền hình: trong phim, chỉ vài giây thôi thì thời gian đã trôi vèo qua hai mươi… ba mươi năm… mất rồi!

Bây giờ anh Sửu không còn ở nhà để bạo hành vợ mà chiều nào hàng xóm cũng thấy chị Sửu ngồi than khóc, ngay đầu hè chứ không cần vào nhà đóng cửa nữa, bất chấp người qua lại ái ngại thở dài hay lũ trẻ con lố nhố ngoài cổng, trố mắt tò mò. Khóc dai dẳng và bi thiết. Khóc như rút xương khoét thịt người nghe. Khóc và tỉ tê kể lể, ra điệu ra vần như người ta hát ru con. Nhưng thay thế hình ảnh đảm đang của cái Cò cái Bống là tâm sự bi thương của vợ ngóng chồng trên đỉnh núi...

Đã bỏ bê buôn bán, chị Sửu cũng chẳng màng cơm nước. Chị gầy dốc đi, mặt mũi vêu vao thảm hại, đầu bù tóc rối, áo quần nhếch nhác lôi thôi. Hàng xóm thường xuyên sang thăm hỏi cũng chẳng giúp chị nguôi ngoai. Nỗi đau không hình hài mà sao sâu nặng quá?

Sau nhiều đêm trằn trọc, chị Sửu dần dần bình tâm kiểm lại mình để rồi ân hận vừa tự trách vừa thương thân. Hồi tưởng lại những ngày còn anh Sửu, chị xấu hổ nhận ra những chanh chua quá quắt của mình. Chị thành tâm sám hối, mong ước còn có được cơ hội đền chuộc lỗi lầm.

Đôi khi chị Sửu nghĩ: biết đâu anh Sửu đã chết mất xác đâu đó rồi, chị quặn lòng tu tu khóc. Đến lúc tưởng tượng có thể anh đi theo người đàn bà khác, chị uất ức nguyền rủa.

Nghe một người hàng xóm an ủi rằng: Đàn ông dù trôi lạc bốn phương tám hướng thì cuối đời cũng “lá rụng về cội” thôi…, chị ngậm ngùi tự hỏi: Đợi đến ngày đó, biết chị có còn cần một cái lá héo úa tả tơi hay không, và cần để làm gì?

***

Người hàng xóm đã đúng. Anh Sửu trở về thật, nhưng không đợi “cuối đời” cũng không héo úa mà còn mập mạp, trắng trẻo, trẻ trung ra. Cả xóm lần lượt đến hỏi thăm, mừng cho chị Sửu.

Thì ra mấy tháng qua, anh Sửu nằm bệnh viện. Sáng hôm đó, có khách thuê anh chở họ xuống một tỉnh miền Tây. Đoạn đường gần 200 cây số lại lụy phà khiến anh có chút lưỡng lự, nhưng số tiền khách thỏa thuận đủ làm anh hết ngần ngại.

Đưa khách xuống bình an, khi một mình quay về thì anh Sửu gặp tai nạn, cả người lẫn xe văng xuống ruộng. Lúc người ta phát hiện, anh đã hôn mê, hơn nửa người ngập trong ruộng nước. Thẻ căn cước lẫn điện thoại trong túi áo anh văng đâu mất, cũng không ai biết có nó để tìm.

Người ta tìm về địa phương theo biển số gắn ở đuôi chiếc xe máy vỡ nát, mới biết xe được mua đi bán lại bằng giấy tay qua khá nhiều lượt chủ nhân, mà chẳng chủ nào nghĩ đến chuyện sang tên cho hợp pháp. Thế là anh Sửu trở thành một bệnh nhân vô danh trong bệnh viện. Thương tích sọ não khiến anh tạm thời quên một phần ký ức, điều trị mấy tháng mới dần hồi phục, dĩ nhiên không hoàn toàn được như trước kia.

Di chứng làm tính tình anh Sửu càng cộc cằn, dễ nổi nóng hơn. Nhưng lúc này chị Sửu bỏ được tật “nhiều chuyện” rồi, cũng bỏ mất luôn tính đanh đá nanh nọc nên dù anh có quát nạt, chị cũng không màng “trả đũa” nữa, chỉ lẳng lặng tránh đi.

Thời gian tỉnh tỉnh mê mê, anh Sửu có thể không cảm nhận hết nỗi mất mát khi thiếu vợ. Chứ chị Sửu đã thấm thía rằng: đời người ngắn lắm, nỗi đau thì sâu mà hạnh phúc thì mong manh như bọt nước, như tơ nhện… Sao cứ phải dày xéo đày đọa nhau? Dù tốt xấu thế nào thì anh Sửu cũng là chồng của chị. Có câu: “Bói rẻ còn hơn ngồi không, có chồng còn hơn ở giá” đấy thôi?



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn .