Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







BA CÒN



    B a Còn ráng gánh đôi thúng thóc trên đôi vai bên nào cũng đỏ sần.

 Thấy Ba Còn luống cuống với đôi quang gánh ông đội trưởng không tỏ chút thương hại nào mà còn quát:

 "Gánh nhanh về kho! Chậm chẳng ai đợi một mình mi đâu!"

 Lấy tay áo lau vội những giọt mồ hôi trên trán Ba Còn sửa sửa lại đôi gióng xong gánh chạy lúp xúp...

Sân kho được xây dựng giữa đồng bao quanh là hàng rào xây bằng gạch cao quá đầu nghe nói phải kín cổng cao tường như vậy để phòng kẻ gian. Ba Còn trút đôi thúng thóc xuống sân phơi lát gạch, trở ra gặp kế toán nhận phiếu.

 Kế toán:

 "Cũng giỏi hỉ! 56 cân!"

 Ba Còn:

 "Giỏi ươn chi không gánh đầy thúng tối lại mấy "ổng bả" bình điểm chót có húp cháo!"

 Không biết sao Ba Còn hôm nay lại lý sự chứ mọi khi ai nói chi kệ, chỉ cười cười.

 Nhập đôi gióng lại làm một xong để hai cái thúng vô lấy đòn gánh quảy vừa đi vừa nhẩm tính... "Thế là ngày hôm nay mỗi một mình mình gánh 18 gánh thóc nhập kho bình quân trên 55 vị chi gần cả tấn!".

 Nhóm sản xuất của Ba Còn có mười hai người đi thu hoạch lúa đến bữa nay là sáu ngày rồi. Ai phần nấy, đàn bà cắt lúa, đàn ông ôm lúa tuốt lúa. Ba Còn với ông Cật chuyên đứng máy tuốt. Làm lụng có mệt nhưng không mệt bằng sau buổi cơm tối ngồi ở nhà đội bình điểm. Lâu rồi thành quen chứ bữa đầu tiên khi chưn ướt chưn ráo ở Sài Gòn về làm ruộng ăn công điểm Ba Còn thấy chuyện bình công chấm điểm vừa lạ vừa sao sao ấy.

 Nói thiệt Ba Còn lưng dài vai rộng lại học xong 12 nếu ở lỳ trỏng ngày hai buổi đạp xe xuống chợ trời gần lăng Cha Cả mua đi bán lại những món đồ như đồng hồ, radio,... không đến nỗi nào.

Ba Còn ngồi nghĩ nghĩ... Cả ngày gánh đất thước rã cặp cẳng ê ẩm cả người nhưng được cái bộn điểm.

 Lão định mức ăn phải món gì mà hôm nay mở rộng tay thước ghê hè, gặp mấy bữa vụ nâng số lượng đất từ 95 lên 150 mét khối bằng cách tạo ô-tơ giả không dễ gì qua mắt lão, đàng này lão lại khen:

 "Mấy đứa dạo này làm ăn đàng hoàng ghê!"

 "Hì hì anh la quá phải kiêng chứ!"

Ba Còn vừa trả lời vừa nhếch mũi khiến cho cả nhóm gánh đất cười rân...

Ngồi thừ trước trang giấy gặp tôi đến Ba Còn xếp cuốn sổ đứng dậy.

 Tôi nói:

 "Bộ làm thơ hãy cha!"

 Tuy là anh em nhưng tôi hay gọi đùa Ba Còn bằng "cha".

 Ba Còn không trả lời chỉ cười cười rồi đưa cuốn sổ cho tôi.

 "Thơ! cha làm thơ thiệt hãy cha!"

 Tôi tính hét to lên như thế nhưng kịp dừng lại.

 Con người lạ thật lao động cực nhọc đầu tắt mặt tối ngày nầy tháng nọ tưởng khô queo ai ngờ...

 "Thơ của Ba Còn ướt ác!"

 Lẩm nhẩm đọc từng câu thơ viết trong cuốn sổ dày cộm tôi nghĩ trong bụng như vậy.

 Ba Còn bưng ấm chè xanh từ nhà bếp lên đặt trên khau giữa bàn mắt nhìn chằm chằm vô mặt tôi rồi hỏi:

 "Tạm được phải không?"

 Thấy tôi im lặng Ba Còn lấy chiếc ca Mỹ inox sáng bóng rót chút nước tráng tráng xong rót gần đầy ca nước chè xanh bốc khói nóng hổi rồi cất tiếng mời:

 "Anh uống thử chè Phú Thượng trồng trên đất quê mình có ngon bằng chè Phú Thượng chánh gốc không?"

 Hình như sinh ra không phải làm ruộng thì phải bởi mặc dù ở nông thôn tay lấm chân bùn nhưng hễ cất cái cuốc Ba Còn hiện nguyên hình anh thư sinh áo quần phẳng phiêu, tóc tai chải chuốt riêng cái phong thái ăn nói ngủ nghỉ đĩnh đạt khó có ai bì... Có bận bịu mấy có trong vụ mùa ai bù loa bù lem Ba Còn mười bữa như chục thủng thỉnh pha chè cà phê nhâm nhi xong mới ăn cơm đi làm đó là buổi sáng còn chiều tối xem truyện đọc sách chính vì vậy Ba Còn biết nhiều thứ đông tây kim cổ.

Khoản trồng cây gì nuôi con gì cũng chỉn chu trong mảnh vườn sào mười hai được phân bổ vụ nào cây nấy... cái khoản chè Phú Thượng mà Ba Còn nói thì khỏi chê. Chỉ mươi gốc chè không chỉ đủ uống quanh năm mà lâu lâu còn biếu bà con lấy thảo!.

 Mấy ngày nay công việc thu hoạch xong tranh thủ nắng ráo Ba Còn làm chuồng nuôi heo.

 Tôi hỏi:

 "Trù nuôi giống chi?"

 Ba Còn:

 "Móng Cái"

 "Duroc bò Mỹ chứ!"

 "Không! Giống heo bò Mỹ giờ không chạy nữa. Nuôi heo Móng Cái phối heo Nga giống Đại Bạch ra F1"

 " Ừ mần thử coi!"

 Không rõ Ba Còn học ở đâu mà làm được kinh. Một dãy chuồng với năm ô vuông vức không như người ta chẻ gốc tre đóng nọc Ba Còn cưa tre ra từng thanh dài theo kích thước ngang dọc rồi ráp thành ô chuồng trông chắc và đẹp nữa. Mái che chuồng thì giống như mọi người lợp tranh rạ.

Vụ chăn nuôi của Ba Còn nổi tiếng không chỉ heo mà về sau có cả bò năm nào cũng xuất chuồng hàng tấn heo và mấy đôi bò riêng phân chuồng thì khỏi nói đủ để bón ruộng cả tổ riêng thóc thu về từ phân cũng bộn!.

 Ngoài chủ lực phân chuồng, phân xanh có dạo còn phát động làm phân bắc!. Ở xóm có ông Năm Hí vụ nào cũng sánh với Ba Còn vụ bán phân cho hợp tác. Có điều không như Ba Còn nuôi lợn nuôi bò ông Năm Hí quanh năm suốt tháng cứ ngày ngày gánh đôi rổ đi khắp nơi thu gom phân bò phân trâu rơi vãi trên đường ngoài đồng... về nhà ủ làm phân.

Có vụ mùa Năm Hí vượt qua Ba Còn về khoản phân tro vì không biết bằng cách gì ngoài phân xanh, phân chuồng Năm Hí còn cân được mấy tạ phân bắc!. Mỗi nhà làm một cái hố xí hai ngăn, có nắp đậy, mỗi lượt đi ngoài xong bỏ vô thêm vài nắm tro lâu ngày hố xí đầy ngăn nào đậy ngăn đó lại đi tiếp ngăn thứ hai, tới mùa vụ xúc phân ra hong phơi đập cho thành bột đem bón lúa tốt lắm!.

"Vác ruộng chạy khắp đồng kêu-nước/ Giục lòng như thể giục trâu đi" (*).

 Tôi dừng lại thật lâu trang thơ này.

 "Ê! Bài ni mà răng cha để vô đây?".

 Ba Còn hớp ngụm nước chè xanh chắp chắp tỏ rõ khoan khoái lắm rồi chậm rãi trả lời:

 "Anh nhớ đúng rồi!. Bài đó không phải của tui nhưng thích chép vô thôi!".

 Hì hì... Thình lình tối nay lại đọc và bình thơ. Quê tôi tự xa xưa vốn là vùng đất được mệnh danh đất học mà đã học thì có thơ có phú. Đến giờ hình như cái gen ấy lại có dịp bùng phát. Trời đất "tối ăn khoai đi ngủ sáng ăn củ đi làm" mà vẫn thơ với văn... Tôi gật gù đọc thơ của Ba Còn mà lòng vui lạ.

Những câu thơ như rút ra từ ruột thật đằm thắm thật mặn mà... Chứ không như ông Bảy Lên chuyên làm vè. Mỗi khi có họp hành bất kể gì ông Bảy Lên cũng tranh thủ đọc một đôi bài có khi đôi ba câu ca ca ngợi ngợi một sự việc cụ thể nào đó.

 Hồi hôm đương lúc bình công căng như dây đờn đột nhiên ông ứng khẩu:

"Hợp tác hợp te...". Khi cả nhà đội im phăng phắc lóng ngóng nghe thì ông lại dừng và nói bình tiếp cho xong sớm mai còn đi làm khiến mọi người cụt hứng!.

 Bảy Lên ngồi tỉnh queo chặp thấy không khí im ắng lại nói:

 "Xin mọi người sớm mai ra đồng lẹ lẹ đừng có trưa hoang như bữa ni"

 Ba Cật:

 "Mà cũng thôi cái vụ buổi chiều đợi bà Phông gánh cá lên mua kho xong mới đi làm hỉ!".

Cái vụ đợi kho cá là vụ độc nhứt vô nhị. Cứ đi làm buổi chiều thay vì đi đúng giờ đúng buổi một số mẹ chị lại đủng đĩnh chần chừ tới khi bà Phông chuyên gánh cá lên chợ bán lúc chạy bộ ngang qua xóm ai mua thì dừng lại bán.

Tầm này chí ít cũng xấp xỉ ba giờ chiều rồi. Có người nói vui "Không chừng còn kho cá ăn cơm mới đi làm!".

Đó là hồi làm khoán tuy đã bớt đi bao điều nhập nhằng vẫn còn không ít bất cập cảnh "cha chung" thì biết rồi...

 (*): Thơ Nguyễn Tam Phù Sa



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ QuảngNam ngày 24.7.2020 .