Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







CÂU CÁ VƯỢT




   T hời gian lặng lẽ đi qua đẩy chuyện đời lui về dĩ vãng. Cậu Năm đã già, phải giã từ một thời vẫy vùng sông nước. Thỉnh thoảng cậu bơi xuồng qua sông kiếm anh em tôi thăm hỏi chuyện làm ăn. Lúc nào trải đáy trúng mùa, cậu cũng tỏ ra mừng cho anh em tôi. Chúng tôi không biết cậu với má là người dưng hay bà con, mối quan hệ bà con này quá chừng mờ nhạt. Chúng tôi gọi ông ấy là cậu theo lời má dạy.

Lúc thằng Đồng, em tôi vừa giáp thôi nôi, má tôi thường hay hát ru cho nó ngủ. Người ta hát nhiều câu khác nhau, còn má tôi chỉ hát có một bài duy nhất. Má hát đi hát lại mãi đến nỗi tôi thuộc bài hát đó từ bao giờ không biết:

Trèo lên cây bưởi hái hoa Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc Em có chồng anh tiếc lắm thay Ba đồng một mớ trầu cay Sao anh không hỏi những ngày em còn không?

Cứ mỗi lần nghe câu hát đó, ba tôi hay càu nhàu:

- Bộ hết bài hát hay sao mà cứ hát đi hát lại hoài bài đó nghe buồn quá...

Hình như nỗi buồn đó cũng đậu lại trong lòng ba tôi từng ngày xa xưa. Đó là ngày có một cô gái sang sông về ở nhà chồng an bài theo số phận. Cứ mỗi lần nghe má hát ru con, ba lảng sang nhà hàng xóm nhậu đến khuya lơ khuya lắc mới mò về. Ban đầu, ba tôi còn buông ra một câu để bộc lộ sự khó chịu của mình, nhưng riết rồi cũng quen. Một hôm, nghe má hát ru, ba tôi chẳng nói năng gì cả. Ông lẳng lặng đi nhậu rồi về nằm chèo queo trước bộ ván gõ như mọi khi. Sợ muỗi cắn ba, má chạy ra đắp mền mới hay ông bị trúng gió. Hoảng quá, má la lên, bà con lối xóm đến nhà cạo gió. Ba vẫn nằm yên bất động. Má cùng bà con lối xóm chở ba vô bệnh viện. Bác sĩ bảo ba tôi bị tai biến mạch máu não, không cứu chữa được. Độ tuổi chớm bốn mươi của ba cũng kết thúc một đời người. Ba qua đời. Tôi nhìn lên tờ cáo phó ghi là “hưởng dương” chứ không “hưởng thọ” như những người đã chết. Cái trẻ ra đi, cái già ở lại. Chiếc ghe đáy đã quá tuổi về hưu không ai chăm sóc. Tôi đành phải “lấp vò” bằng xi-măng dưới lườn để theo nghề hạ bạc. Từ đó, tôi mới biết cuộc đời nổi trôi theo dòng nước của cậu Năm.

Ngư dân vùng này lại coi cậu Năm là "lão tiền bối". Mọi chuyện đời sông nước, cậu rành như trong lòng bàn tay.

Hai anh em tôi lặng lẽ dọn tam bản, chuẩn bị sang cù lao gặp cậu Năm.

Thằng Đồng vừa lót lại cái sạp vừa lầm bầm trong miệng: “Phải chi mình với cậu Năm đừng cách nhau một dòng sông thì sướng biết chừng nào. Cậu Năm sẽ dạy mình nhiều chuyện…”. Đang lui cui chống tam bản ra khỏi ụ, chợt nghe tiếng má tôi từ bến nước nói vọng xuống:

- Bây đi đâu đó?

Hỏi cho có hỏi chứ má tôi không đợi câu trả lời. Hình như má cũng ngầm đoán ra mọi chuyện nên dặn dò tụi tôi:

- Về bển, đừng có cầu cạnh người ta cái gì hết nghe, dễ mắc nợ lắm, không khéo mang tiếng cho mà coi...

Mặc dầu không muốn cho anh em tôi lui tới với cậu Năm, nhưng khi chúng tôi quyết định đi, má tôi vẫn âm thầm chấp nhận vì dù sao bên kia dòng sông mênh mông ấy là quê ngoại của tôi. Vì không muốn má buồn, chúng tôi đành phải lén lút như vậy.

Mỗi lần nói chuyện gì, cậu thường bắt đầu câu chuyện bằng hai chữ “hồi đó…”. Hồi đó thế này, hồi đó thế kia… rồi kết thúc bằng cách so sánh “bây giờ thì…”.

Thoáng thấy tam bản của anh em tôi vừa lọt vô đầu xẻo Lục Bình, cậu Năm đon đả bước ra. Tiếng của cậu luồn con rạch nhỏ vọng ra vàm nghe rang rảng:

- Sao? Lúc rày trải đáy có hàng bộng gì nhiều không bây?

- Dạ, hẻo lắm cậu ơi… Nhưng cũng tạm sống được.

Bắt từ đó, cậu có dịp nói một hơi:

- Hồi đó, từ vàm sông Cổ Chiên chạy dài lên khém Bà Mai…Cá tôm nhiều dữ lắm. Chẳng ai bắt cá nhỏ làm gì, lưới bén thì phải cỡ tám chín phân. Muốn kiếm con cá dễ như trở bàn tay. Chỉ cầm tay lưới hay đường câu ra sông là có cá ngay. Còn bây giờ kiếm một ký tôm lóng cũng đỏ con mắt…

Chờ cậu vừa dứt câu, tôi tranh thủ xen vô để khỏi mất thì giờ:

- Tối hôm qua, tụi con neo ghe ngủ ở bến Gò Bàng, có con cá gì bự quá, nó ăn móng nghe cái đùng ở cạnh đống chà của chú ba Lê. Lúc nó ăn móng, nước văng lên tới sân đáy.

- Vậy mấy con nghe tiếng nó ăn móng ra sao? Có phải giống cái miểng dừa ụp nghe cái “bụp” xuống mặt nước không?

Thằng Đồng nhớ lại, hôm ấy, sau khi nghe tiếng bụp…ủm…, từ trong mui ghe ngoái đầu nhìn ra, nó chỉ thấy cái dáng lộn xuống trắng tươi. Nó mừng rỡ trả lời:

- Dạ, đúng rồi đó cậu. Con cá này bự lắm.

Anh mắt mơ màng nhìn xa xôi trong hồi tưởng của người ngư dân ấy không còn nữa, cậu Năm nhìn chúng tôi bằng ánh mắt sáng long lanh hơn:

- Cá Vượt đó tụi bây ơi. Loại cá này lâu nay vắng bóng trên sông. Bây giờ xuất hiện lại. Nếu nó nhỏ dưới tám ký thì người ta kêu nó là con cá Chẽm, còn trên tám ký thì nó là cá Vượt.

Chẳng nói chẳng rằng, cậu Năm lặng lẽ vô trong lục lạo lấy ra đường câu “nghề” của đã bám đầy mạng nhện. Những lưỡi câu hình “móng heo” to được tóm trong cái “thẻo” bằng chỉ cô-tông ni-lông nằm sắp hàng trong cái khe của kẹp tre rất trật tự. Cậu Năm chìa ra trước mặt tôi, nói:

- Muốn bắt được con cá đó phải câu cỡ lưỡi này mới chịu nổi. Thôi, về bển trải đáy, nhớ rọng lại hết những con tôm lứa cỡ nửa cườm tay. Gặp tôm cỡ đó, tụi bây đừng bán, để dành làm mồi câu. Còn con cá đó để tao tính sổ.

Chúng tôi nghe lời cậu, rọng lại khoảng bốn mươi con tôm lóng. Đợi hơn một tuần mới thấy bóng dáng ông già câu bơi xuồng qua sông tấp vô ghe đáy. Tôi nôn nóng hỏi:

- Cậu Năm ơi, tụi con rọng được mớ tôm lóng rồi, bây giờ phải làm sao hả cậu? Để lâu nó hao. Con này cứ làm thịt con kia, con nào yếu yếu thì banh xác với mấy con còn khoẻ khoắn. Hỗm rày, không bán con tôm nào, má con cằn nhằn quá chừng.

Tôi gấp gáp bao nhiêu thì cậu Năm lại thong thả bấy nhiêu. Không trả lời tôi, cậu hỏi:

- Bữa nay mấy rồi?

- Dạ, mười tám âm lịch.

- Ba bữa nữa... Bây nên nhớ con cá này ăn ở đó ngày nào thì cứ tới ngày đó nó quay trở lại. Mình phải đón chừng mà giăng câu. “Giục tốc bất đạt”. Tụi bây nên nhớ có những cái gần hết một đời con người ta mới làm được…

Cậu Năm lại nhìn mông lung và trách vu vơ:

- Con cá còn biết quay về bến cũ, vậy mà…

Hình như cậu tiếc nuối một thời sông nước trong câu nói bỏ dở nửa chừng. Cậu lật đật từ giã chúng tôi, quay trở về bến cũ. Mấy con tôm trong rọng cứ đói mồi ăn thịt lẫn nhau. Nếu không dùng mấy con tôm ấy, một thời gian nữa chắc sẽ tổn thất lớn. Đến một lúc nào đó, chúng ăn thịt lẫn nhau đến nỗi trong rọng chỉ còn một chú tôm cô đơn nằm chờ chết nếu không có mồi gì khác để ăn. Miếng ăn rất cần thiết đối với đời sống của muôn loài, nhưng vì miếng ăn mà triệt hạ lẫn nhau như tôm thì tệ hại thật.


Đúng ba ngày sau, chiều ngày hai mươi bốn âm lịch, cậu Năm chèo tam bản sang sông cặp vào ghe đáy tôi đang đậu ở Gò Bàng. Ông vừa soạn lại những đồ nghề vừa hỏi:

- Hôm đó, con cá ăn móng chỗ nào?

Thằng Đồng đưa tay chỉ về hướng cái đống chà của chú ba Lê:

- Đó! Bên cạnh đống chà, chỗ trên nước…

Cậu giải thích:

- Nó vô đó kiếm mấy con tôm trong đống chà.

Chuyện câu cá, chúng tôi chẳng biết chút nào, chỉ trố mắt nhìn công việc của cậu Năm. Cậu lấy cuộn chỉ cô-tông dùng để vá đáy bảo chúng tôi bắt từng con tôm ra buộc mỗi con một cái khoen ở cạnh đuôi. Tôi tò mò hỏi:

- Buộc để làm gì cậu?

- Để khi móc lưỡi câu vô cái vòng thì con tôm không chết. Con tôm chết rồi con cá Vượt nó cũng chê. Loại này chuyên ăn mồi sống, nó thích giỡn con mồi trước khi táp – Cậu lại nói đùa – còn tao thích giỡn mồi mà không thích táp...

Ba tiếng cười giòn làm cho dòng sông ấm lại buổi chiều hôm .

Cậu Năm dùng hai cây tre chè nè cắm ở hai đầu ranh giăng đường câu rồi móc mồi. Công việc ấy có thằng Đồng theo bơi xuồng giữ lái. Giăng câu vừa xong thì trời cũng vừa chạng vạng. Cậu bảo chúng tôi lui ghe trở lại Gò Bàng tránh chỗ giăng câu. Đêm xuống, ánh mắt cậu Năm nhìn ra khoảng không tối thui, nơi dòng Cổ Chiên đang cuồn cuộn chảy. Cậu Năm bắt đầu rỉ rã chuyện đời:

- Các con biết không, hồi đó, cái hồi mới khai thiên lập địa, nhà này cách nhà kia cả mấy công đất. Vậy mà lúc tối lửa tắt đèn họ cũng đốt đuốc mù u chạy đến với nhau. Có hai căn nhà cố cựu nằm cạnh nhau để nương tựa nhau mà sống. Gia đình bên này sanh được đứa con trai thì khoảng ba năm sau nhà kia cũng có đứa con gái. Người lớn bắt hai đứa phải coi nhau như anh em ruột vì hai nhà đã uống máu ăn thề sống chết có nhau. Hai đứa lớn lên cứ nghĩ mình là bà con cô cậu ruột nên đối xử với nhau rất tốt. Rồi sau đó, có người biết chuyện, xì ra. Hai đứa lại mến tay mến chân thương nhau mà không dám nói ra.

Kể tới đó ánh mắt cậu Năm nhìn ra xa xôi rồi nói bâng quơ rằng:

- Cũng tại người đầu tiên đến định cư trên cái cù lao là một ông mà có đến tám bà vợ. Từ đầu cồn cho tới đuôi cồn chỉ có một ông tám bà. Cái cù lao nhỏ xíu trở thành nơi định hình một dòng tộc. Cứ như vậy qua mấy đời, thử hỏi lớp người sau này biết đâu cùng huyết thống? Qui luật của cù lao là trai gái trên cù lao không được lấy nhau, sợ mang tội loạn luân, sợ bị trùng huyết... Chính vì thế, cha cô gái bèn gả con sang làng bên kia sông... Còn lại bên này sông một gã con trai sống ương ương dỡ dỡ...

Cậu Năm cứ rỉ rã nói chuyện “hồi đó”. Chuyện “hồi đó…” dài như dòng sông mà êm như lời ru, đưa anh em tôi vào giấc ngủ. Cậu Năm cũng nằm lăn ra sân đáy, nơi bếp than hồng còn đọng lại chút hơi ấm chiều hôm.

Một tuần lặng lẽ trôi qua, đường câu ba mươi mốt lưỡi của cậu cứ thả xuống mỗi tối rồi lại kéo lên. Mấy con tôm lại cho trở vào rọng chờ thời. Đến ngày thứ tám, cậu Năm nói với chúng tôi:

- Ngừng câu nửa tháng, chờ con nước. Tụi bây cứ rọng mấy con tôm mồi. Nếu có chết thì tiếp tục tìm con khác thả vô thêm. Cậu về cù lao, tới nước trở qua câu tiếp.

Nữa tháng sau, ngay con nước kém, cậu lại mang đường câu sang tiếp tục công việc. Nghe tin cậu Năm kết hợp với anh em tôi câu con cá Vượt đang lai vãng vùng Gò Bàng, má tôi nói:

- Ổng bày đặt câu kéo để lấy lòng tụi bây chớ cả tháng nay có con cá nào cắn câu đâu?

Thằng Đồng chống lại:

- Tụi con có "lòng" đâu mà lấy? Chẳng qua tụi con muốn biết nghề câu của ổng ra sao thôi. Má hay nghĩ xấu về người ta quá.

Má nổi quạu, đỏ tía cả mặt, giội một hơi vào mặt thằng Đồng:

- Nói trắng ra, ổng mê tao nên kiếm chuyện làm quen tụi bây. Tao không muốn tụi bây lui tới với ổng vì sợ mang tiếng thị phi. Phận đàn bà phải biết ở vậy thờ chồng chớ… Má đâu có muốn làm người ngã ngựa cho thiên hạ chê cười…

Thằng Đồng vẫn không chịu thua, nó đánh đôi từng tiếng với má:

- Nhưng má có mê ổng không? Cái đó mới quan trọng. Không mê thì thôi chớ có ai nói gì đâu. Còn tụi con mê ổng vì ổng biết nhiều chuyện nghề hạ bạc. Còn bây giờ không có ba, má muốn ngả ngựa thì chẳng có ai dám chê cười…

Má tôi nói lẫy:

- Thôi được, tao thua bây…

Thế rồi má tôi bỏ đi nơi khác để tránh tranh cãi với thằng Đồng nổi tiếng là bướng bỉnh. Chính tình hình trong gia đình không vui như vậy, tôi với cậu Năm càng quyết tâm câu cho bằng được con cá Vượt này để má tôi không con nghi oan cho cậu.

Tới con nước câu, cậu Năm lại giăng câu rồi chui vào ghe đáy ngủ với anh em tôi. Từ ngày có chuyện câu cá Vượt, chiếc ghe đáy của chúng tôi ấm hơn. Đêm ấy tôi chợt nhớ câu chuyện hôm trước Cậu Năm bỏ lửng nửa chừng. Tôi hỏi:

- Rồi cô gái kia có lấy chồng không hả cậu?

- Hồi đó cha mẹ đặt đâu con ngồi đó không dám cải....

Thằng Đồng trầm ngâm rồi nói lẩm bẩm:

- Chắc anh con trai đó buồn lắm hén...

Cậu Năm tán thành với thằng Đồng:

- Chứ sao! Nhưng rồi cũng qua.

Thằng Đồng lại thắc mắc:

- Trời, con mà thương ai rồi thì thương tới bến, khó qua lắm...Sao qua cho được?

Cậu Năm nói thêm:

- Hồi đó... phía bên kia sông, nơi cô gái đang sống với chồng là vùng giặc giã. Có một lần anh trai đánh bạo chèo xuồng sang sông, ghé vô bến hỏi mấy cái gốc bần rằng: Chim đa đa đậu nhánh cây đa... Chồng gần sao không lấy, đi lấy chồng xa... Lỡ mai cha yếu mẹ già... Chén cơm, đôi đũa, bộ kỹ trà anh dâng?...

Đang nói chuyện, chúng tôi nghe ngoài sông có tiếng cá mắc câu quẩy đùng đùng trên mặt nước. Cậu lật đật bước xuống tam bản bơi riết tới chỗ đường câu. Con cá lớn ngoài sự tưởng tượng của anh em tôi. Bắt con cá phải vờn tới vờn lui cho nó mệt rồi dùng cái móc câu bắt thọc vô miệng nó mới kéo nó lên được trên tam bản. Vớt nó vô trong cây vợt thật to của cậu Năm mà nó chỉ năm nửa trong nửa ngoài. Chúng tôi phải kềm không cho con cá giẫy để cậu Năm lấy dây ra xỏ vô khớp mỏ của nó rồi vèo bên be gió. Vậy mà nó đủ sức dùng cái mang bén ngót chém vào be gió tét một đường chừng nửa gang tay. Vừa mừng vì câu được con cá bự, vừa nhớ câu chuyện kể nửa chừng của cậu Năm, rồi lại nhớ câu hát ru của má lúc thằng Đồng còn nhỏ, tôi bật thốt lên:

- Bây giờ em đã có chồng. Như chim vào lồng như cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra...

Sáng ra, theo chân cậu Năm, anh em tôi hí hửng, hì hục khiêng con cá mười tám ký từ dưới tam bản lên nhà. Má tôi ra đón, cứ đứng tần ngần trước con cá quá lớn ấy. Cậu nói với má tôi bằng giọng nói rất dịu dàng:

- Thôi, cô tiếp tôi xẻ con cá này mang ra chợ huyện bán, nhưng chừa lại cái đầu chưng tương trước cúng “bà cậu” , sau lai rai vơi hai đứa nhỏ cho vui.

Má tôi lặng lẽ nghe lời, mang dao thớt ra sân. Có điều hơi lạ là sau lưng cậu Năm, mẹ tôi có vẻ không ưa cậu, nhưng trước mặt cậu mẹ lại lặng thinh như chẳng có gì. Có lẽ mẹ tôi không muốn cậu buồn.

Trong lúc mẹ tôi xẻ thịt con cá, cậu Năm quay lại nói với chúng tôi:

- Cậu đã từng câu cá Vượt trên sông. Nhưng từ hồi nẫm tới giờ chưa có con nào bự như con này. Bởi vậy bắt được nó cũng rất trần ai… Biết đâu cái dấu chém trên be gió giống như miểng lựu đạn ngày ấy...

Má tôi bày tiệc ra sau khi làm một mâm cúng tạ ơn “bà cậu”. Kể từ khi ba tôi mất, hôm nay là ngày đầu tiên nhà tôi ấm hơn vì có một người đàn ông đứng tuổi. Thằng Đồng lại nhớ chuyện hồi hôm, nó hỏi cậu:

- Rồi cái gốc bần có hiểu thấu cho nỗi lòng của chàng trai kia không cậu?

- Có chớ. Từ trên bờ vọng xuống sông một bài hát ru con nghe buồn nẫu ruột...

- Bài hát đó ra làm sao mà buồn hả cậu?

Cậu Năm lại ngồi trầm ngâm rồi nói:

- Thôi, ăn đi. Đừng hỏi nữa.

Như chợt nhớ ra một chi tiết cậu kể tiếp:

- Đang lúc anh chàng thả hồn theo câu hát ru từ trên bờ vọng xuống thì giặc chọi lựu đạn vướng lên nhánh bần, nó nổ một tiếng nghe như trời giáng.

Thằng Đồng bị cuốn hút vào câu chuyện, nó lại hỏi: - Rồi anh ta có sao không?

Cậu Năm cười, nói:

- Cũng hên là chưa đi theo hà bá. Nhưng bị thương trên trán... – Như chợt nhớ một điều chưa nói, cậu Năm dặn dò – Nếu sau này mấy con có làm người lớn thì đừng có làm khổ mấy đứa nhỏ nghe con. Người lớn làm cái gì không đúng rồi thì mấy đứa nhỏ khổ... có khi tới già, tới chết... Chừng nào bây có vợ, có con sẽ biết chuyện đó.


Lâu nay, cậu Năm về bên kia sông không trở lại. Sáng nay có người từ cù lao sang chợ cho hay cậu đi nhậu về bị trúng gió giống như hồi đó ba tôi bị tai biến. Chúng tôi hối hả mua đường sữa qua cồn thăm cậu. Mọi chuyện anh em tôi phải làm trong lặng lẽ bởi mẹ tôi hay có thể bà không cho chúng tôi đi. Thấy chúng tôi cứ lén lén lút lút dọn dẹp mang dầm xuống tam bản, má tôi hỏi:

- Tụi bây đi đâu đó?

- Dạ... Sang sông... Về quê ngoại...

Như kẻ phạm tội bị bắt quả tang, chúng tôi đành thú thật. Nhưng tôi phải nói như vậy chỉ mong má tôi đừng giận. Nói xong, chúng tôi lặng lẽ chờ mẹ giội xuống những lời cằn nhằn như trước đây, nhưng bà châm bẩm nhìn túm quà trên tam bản, hỏi:

- Cậu Năm ở bển sao rồi?

- Dạ, trúng gió nằm một chỗ không ai chăm sóc… Hình như bị tai biến….

- Bây chờ tao chút.

Vừa nói mẹ tôi vừa quay lưng vào trong nhà. Chúng tôi chỉ kịp nghe tiếng “oác” chỗ cái ổ gà thì má tôi đã trở ra bến nước. Trên tay bà xách một cái giỏ có cả con gà mái và hơn chục trứng mới đẻ lứa đầu tiên. Bà bảo thằng Đồng như ra lệnh:

- Lấy cặp chèo luôn cả hai cái cột chèo cho má. Tụi bây ở vùng sông nước lâu rồi mà không chịu xài chèo. Tội nghiệp, ổng tuổi già sức yếu, sống nay chết mai…

Trong một loáng, mọi chuyện đã xong, tôi đẩy mái chèo đưa má tôi và thằng Đồng sang thăm cậu Năm. Bờ bãi cù lao không bồi thêm chút nào cả, vậy mà bề rộng của dòng Cổ Chiên hình như ngắn lại.

Tam bản vừa cập bến, anh em tôi chạy ùa lên trước, trong lúc má tôi còn loay hoay buộc sợi dây đỏi của chiếc tam bản vào gốc tre già. Thấy anh em tôi, cậu Năm mừng lắm. Dù còn yếu, cậu vẫn gượng ngồi dựa lưng vào vách. Gương mặt sạm nắng của cậu Năm sau cơn bệnh có vẽ như sáng hẳn ra. Tình cờ tôi khám phá có một vết sẹo nhỏ lâu nay ẩn náu trong mí tóc đã ngã sang màu muối tiêu. Vết sẹo mềm mềm đang thoi thóp thở.