Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Biển La Gi-Bình Tuy (cũ), ảnh Ngô Đình Hồng





AI MUỐN HỐT BẠC THÌ VỀ BÌNH TUY !










C   uối thập niên 50 của thế kỷ XX, các tỉnh Nam Trung bộ lưu truyền câu vè khá hấp dẫn đối với những người muốn ly hương lập nghiệp:

“Ai muốn nghỉ mát lên Đà Lạt;
Ai muốn hốt bạc về Bình Tuy”.

Không hiểu có sự ảnh hưởng nào của câu vè trên không, nhưng vì muốn đổi đời mà ba tôi cùng những người bạn miền Ngũ Quảng đã rủ nhau đưa cả gia đình đùm túm xuống ghe bầu xuôi Nam. Chỉ vì sau cơn bão Nhâm Thìn (1952) làng quê miền Trung xơ xác đói nghèo nên nhiều người đành bỏ xứ đi tìm miền đất hứa. Làng Tam Tân (Hàm Tân) là đích đến của nhóm người tha hương. Chủ ghe cho biết Tam Tân là nơi đất lành, ông kể cho mọi người nghe về sự tích Dinh Thầy, khẳng định sự linh thiêng của Thầy Thím. Má tôi và những phụ nữ khác trên ghe thắp hương khấn nguyện Thầy Thím (cũng là đồng hương miền Trung) phù hộ để vượt qua được hải trình đầy sóng gió. Má tôi tin rằng nhờ Thầy Thím mà họ đã cập bến Ba Đăng một cách rất bình yên. Những người tha hương được những cư dân địa phương tốt bụng cưu mang cho ở đậu, nhường đất, giúp chặt cây cất nhà, bày cho cách làm ăn. Đàn ông, thanh niên theo dân địa phương phát hoang làm ruộng, làm rẫy. Chỉ sau một mùa là có lúa, có đậu ăn. Người ta bảo đất cũ đãi người mới, quả không sai. Má tôi bảo ngày ấy cửa Ba Đăng nhộn nhịp thuyền bè, nghề biển trù phú. Sáng các bà, các chị dân ngụ cư rủ nhau xuống bến phụ gỡ lưới, chủ ghe cho cá về lớp kho ăn, lớp phơi khô để dành ngày biển động. Người có sức khỏe thì xuống Chợ cá biển (La Gi) gánh cá thuê, vừa có tiền vừa có cá ăn. Có người xuất thân từ mót cá, gánh cá thuê mà sau này trở thành những nậu vựa, chủ ghe khá giả. Ngày đó biển La Gi- Hàm Tân khoảng trên dưới 500 chiếc thuyền đánh cá, phần lớn là công suất nhỏ. Chỉ đánh bắt ven bờ nhưng chuyến biển nào ghe thuyền cũng đều khẳm đầy tôm cá. Vụ nam, cá nục, cá trích, cá cơm (dùng để làm nước mắm) giỏ cần- xé đựng không xuể phải đổ chất đống tràn cả ra đường ngoài bến cảng.

Sau khi trung tâm tỉnh lỵ được xây dựng, rất nhiều hộ dân dời về Phước Hội (phường Tân An bây giờ) để tiện việc học hành và chữa bệnh, vì Trường trung học Bình Tuy và Nhà thương vừa được mở. Gia đình tôi cũng tạm biệt Tam Tân dời lên Phước Hội ở miết cho đến tận bây giờ.

Điểm lại theo dòng lịch sử, Bình Tuy vốn là vùng đất mới khai phá của cực Nam Trung bộ nối liền Đông Nam bộ. Theo nhà nghiên cứu Phan Chính, Bình Tuy còn gọi là vùng đất “tụ nghĩa”. Nơi đây có hai địa danh cư dân sớm nhất là Tam Tân bên dòng Sông Phan (Tân Hải) và làng Phước Lộc (hữu ngạn cửa Sông Dinh). Theo đó, dưới thời nhà Nguyễn lập ra dịch trạm Thuận Phước (Phước Lộc) và Thuận Trình (Tam Tân) nằm trong hệ thống liên lạc bưu chính bấy giờ. Năm 1867 -1885, Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ thì có một số nhà nho, quan lại, nghĩa quân mang cả gia đình, theo đường biển ra vùng đất phía Nam Bình Thuận lánh nạn. Khoảng giữa thế kỷ 19 Hàm Tân là phần đất thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận. Đến năm 1916, huyện Hàm Tân bao gồm 2 tổng Phong Điền và Phước Thắng. Tỉnh Bình Tuy được thiết lập ngày 22/10/1956 theo Sắc lệnh 143-NV của chính quyền Việt Nam Cộng hòa . Diện tích Bình Tuy có 3.700 cây số vuông, gồm 3 quận (Hàm Tân, Tánh Linh, Hoài Đức) lấy từ một phần tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh Phước Tuy và tỉnh Bình Thuận.

Do tỉnh mới thành lập, đất rộng người thưa, lại được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, hiếm khi bão lụt, lại có rừng vàng-biển bạc, dân tình dễ làm ăn sinh sống. Trước đó vài năm, có hàng ngàn người Nghệ An di cư vào hình thành các xứ đạo Công giáo như Vinh Tân, Vinh Thanh, Tân Xuân, Tân Tạo. “Đất lành chim đậu”, nên các dòng người từ Nam, Ngãi, Bình, Phú…cứ thế liên tục di cư tự do vào. Các quận Tánh Linh, Hoài Đức có vùng đồng bằng phì nhiêu ven thung lũng sông La Ngà được người Quảng Nam, Quảng Ngãi chọn làm nơi lập nghiệp. Đặc sản mía Trà Tân, Tân Minh một thời nổi tiếng là được người Quảng Ngãi đưa từ quê cũ vào vùng đất mới góp phần hình thành nghề nấu đường. Vùng Tánh Linh nổi tiếng rừng vàng với nhiều chủng loại gỗ quý như cẩm lai, gõ, giáng hương, bằng lăng, dầu…và đặc biệt là rừng lá buông mênh mông bát ngát. Thú rừng có cọp, voi, còn như bò tót, nai, heo rừng thì dễ dàng bắt gặp hàng đàn. Thời chính quyền Ngô Đình Diệm, cuối tuần ông cố vấn Ngô Đình Nhu và đoàn tùy tùng thường tổ chức săn bắn giải trí tại vùng này. Đất Bình Tuy giàu sản vật. Riêng Tánh Linh mãi sau này còn lưu truyền câu phương ngữ về sự trù phú “lúa Đồng Kho; cá Biển Lạc”. Ngoài nghề biển, nghề rừng cũng phát triển mạnh. Các xưởng cưa đua nhau ra đời, xe reo hai cầu của Mỹ sản xuất (còn gọi xe be) liên tục ngày ngày nối đuôi vận chuyển gỗ về Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Rất nhiều đại gia phất nhanh bởi nghề khai thác và buôn bán gỗ ở Bình Tuy.

Sau năm 1970 chính quyền chế độ cũ còn tổ chức các đợt di dân đưa Việt kiều Campuchia về và dân từ Quảng Trị (năm 1972) vào thành lập các làng vùng ven Đông Hà, Sơn Mỹ…Nhóm cư dân này vốn cần cù, chịu khó lại tiết kiệm nên đời sống cũng nhanh chóng khá lên. Người Quảng Trị còn được tiếng hiếu học, nên không ít gia đình ở Sơn Mỹ, Đông Hà có con em là kỹ sư, bác sĩ. Nhiều gia đình đã đổi đời, khá lên nhờ sự học hành, thành đạt của con em.

Phản ánh sự trù phú của vùng đất Bình Tuy này, các cụ đồ nho xưa đã để lại câu đối: “La Gi bình nguyên chi địa, diện hải bối lâm, ba trà thế giới, nông trang khả đạt; Hàm Tân lập xã chi sơ, tiền Đinh nhi Nguyễn, thảo muội kinh doanh, công nghiệp dĩ thành”. (Dịch ý: Đất La Gi mặt giáp biển, lưng tựa rừng, sóng lúa mênh mông, nghề nông tấn tới; Làng Hàm Tân buổi ban sơ, trước họ Đinh sau họ Nguyễn, cùng nhau khai khẩn, cơ nghiệp thành công).

Ngày 23/4/1975 tỉnh Bình Tuy được giải phóng. Đầu năm 1976 tỉnh Bình Tuy cùng với Bình Thuận và Ninh Thuận sáp nhập thành tỉnh Thuận Hải. Đến năm 1992 tách tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Tỉnh Bình Tuy cũ thành các huyện phía Nam của Bình Thuận. Sau giải phóng, với chính sách kinh tế mới nhiều tỉnh đã đưa dân đến các huyện phía Nam của tỉnh Bình Thuận, tập trung nhiều ở Đức Linh và Tánh Linh. Đồng thời với đi kinh tế mới là việc di dân tự do, mãi đến nay vẫn còn nhiều hộ từ miền Bắc, miền Trung, miền Tây Nam bộ đến đây lập nghiệp. “Đất lành chim đậu”, đến nay hầu như dân cư của 63 tỉnh thành đã có mặt trên vùng đất Bình Tuy cũ.

Ngày nay, thị xã La Gi ngoài kinh tế mũi nhọn là hải sản còn có thêm một tiềm năng kinh tế mới bắt đầu được khai thác đó là du lịch. Hầu như 28 km bờ biển đã phủ kín các dự án du lịch. Các huyện Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh vẫn là kinh tế nông nghiệp. Điểm mới của các địa phương này là có sự dịch chuyển mạnh sang trồng cây công nghiệp và mô hình kinh tế trang trại. Cao su- một thứ “vàng trắng” đã đem lại sự đổi đời cho rất nhiều hộ nông dân. Nhiều gia đình ở Đức Linh, Tánh Linh đã có nhà lầu, xe hơi, trở thành những đại gia nhờ trồng cây cao su.

Câu vè “Ai muốn hốt bạc về Bình Tuy” đến nay vẫn còn đúng giá trị đối với nhiều người khi lập nghiệp ở vùng đất này.