NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐẾN TRONG MƯA
B óng tối chìm lịm trong đêm, mưa lâm thâm qua lá thấm vào lòng đất ấm. Lích rích… mưa, cây sẽ nảy mầm. Tích tắc, tích tắc, sang trái, sang phải chiếc kim đồng hồ quả lắc kéo dây đều đặn, quen thuộc tới mức chị chẳng buồn để ý. Sao bỗng dưng thứ âm thanh nhàm chán ấy lại vóng lên như người đàn bà đau đẻ rót vào tai từng giọt. Tích, tắc, tích, tắc… rồi trời sẽ sáng thôi! Chuồn chuồn bay thấp chuồn chuồn lại bay cao, hết mưa trời lại nắng.
Trở gió, buông rèm vào đêm lạnh. Chị áp má vào chiếc chăn đơn màu xanh bộ đội đã bạc màu. Ngoao ngoao… Tiếng con loang gào sau chái nhà bếp tha thiết. Kéo chăn trùm kín mặt, chị khép làn mi đen nhánh bắt gặp cặp mắt tròn chọc thủng vào đêm tròng trọc của con mèo nhà mình. Hồi nãy nó còn nằm ấp vào bụng, chị vuốt ve sống lưng nó cứ chông chổng lên rõ tức. Thế mà giờ nó bỏ chị ra chái gào thứ giọng yêu đương tìm bạn. Chị thở hút vào đêm dài sâu hoắm.
Lích rích… nhớp nháp, dinh dính, mưa lâu thế này sớm mai ngoài bãi hoa cúc biển sẽ xoe tròn mượt xanh. Ngoao… ngoao… Tiếng kêu lần này phát ra từ phía rừng, to và ngắt quãng. Ở giữa cung bậc cao thấp ấy, chị như một minh chứng hùng hồn cho tình yêu của chúng. Con loang nhà chị đang chông chổng, con mèo đực hứng tình ve vẩy đuôi chờn vờn. Chị khẽ lắc đầu, cố xua đuổi những ý nghĩ mơ hồ đang quẩn quanh nhì nhằng như mưa.
Lích rích, lích rích… mưa cây sẽ nảy mầm.
Khẽ trở mình, bàn tay chạm mạnh vào cặp ngực trinh nguyên đến tháng căng tức, gần bốn mươi tuổi chưa một lần biết mùi đàn ông. Hay là… tự nhiên chị thèm được làm mẹ. Ừ thôi không có chồng tối tối mặn nồng ái ân thì cũng có đứa con cho vui cửa vui nhà. Với cái sổ lương thương binh cùng với vườn hoa ngoài bãi đủ để chị nuôi thêm một nhân khẩu nữa. Bây giờ có giống ngày xưa nữa đâu bao nhiêu đồng đội về thăm cũng bóng gió khuyên, chị cứ nguây nguẩy cười hướng mắt nhìn giữa biển và rừng. Năm nay trời cứ mưa suốt, chị bỗng vẩn vơ trăn trở nghĩ tới chuyện có con. Nhưng chị đã hứa với Lâm, chờ anh trở về sẽ trao trọn vẹn, bằng không thì thôi, chờ anh trở về sau khi miền Bắc giải phóng đó thôi, sao chị nhất quyết bỏ đi. Để anh thất thểu với nỗi đau đáu đi tìm. Mẹ lâm bệnh nặng, anh phải lấy vợ để cho mẹ yên lòng nhắm mắt. Ngoao… ngoao… tiếng hai con mèo loang cả bầu trời đêm, xỉa xói, cứa vào chị những cảm giác khó tả. Lao xao… cộc …cộc. Tiếng gõ như đánh đố ám vào căn phòng hai tư năm mộng mị kể từ khi chị là cô thanh niên du kích duy nhất làng Yên.
Làng Yên nằm ở giữa triền thung như một huyền thoại, bên này chạy dọc đê ra biển, bên kia qua dãy núi là rừng già đại ngàn. Đất phù sa, cho da con gái trắng ngần, con trai gân guốc vào rừng ra biển lớn. Bom đạn không đốt nổi rừng xanh, biển không thôi gợn sóng. Một buổi chiều, mặt trời đỏ mình cáy, chị men theo đê đem theo một chiếc xẻng nhỏ ra biển. Theo những vết bò nham nhở sần sùi, từng giỏ cáy nặng kéo nhiều về vàng biển tự bao giờ. Chị mỉm cười xòe tay vốc nước, sóng quẫy tan trên tay. Hóa ra mặt trời ngủ dưới biển, bây giờ hiểu. Vậy mà bao lần ba đứa em nhỏ hỏi mà chị không trả lời được.
"Mặt trời xuống biển, em về làng sóng hát ru… à ơi…"
Đùng. Cháy rồi. Từ phía làng Yên ngọn lửa trở nên đen đặc mỗi lúc một lớn hơn. Quẳng giỏ cáy cào cát ra biển, chị chạy như người điên về bãi. Làng Yên bây giờ là bãi đất tan hoang sau trận động đất của bọn giặc cỏ. Không thấy bóng một ai, hàng dừa xù tóc xác xơ, máu loang lổ, lợn gà lông rông chạy, loảng xoảng thịt hộp của bọn thực dân. Chị không thể nhận ra đâu là nhà mình nếu như không thấy chiếc sành gạo mẹ vẫn để dành chờ đến ngày có những anh lính qua nhà giữa đêm đến lấy. Người may mắn thì chết còn nguyên xác, người thì bị vùi sâu dưới đất. Chị cào đất, đôi tay tướp máu, đôi chân mòn vẹt nhưng không thấy mẹ và em. Phải giữ đất, giữ làng, ánh mắt chị như có sóng cuồn cuộn đỏ.
Từ đó chị vào du kích, tham gia cách mạng. Cấp trên giao cho chị hoạt động đặc biệt tại làng Yên. Ngày ngày chị đi chợ bán vải, nhận thêu khăn áo cho các quý bà thích mặc đầm, ghét những chiếc áo bà ba nâu tối màu. Tháng đôi lần chị lại vào rừng như người mộng du. Đến gốc cây sều già nua ấy, sẽ có người nhận tài liệu mật. Đêm tối trời, không nhìn rõ mặt, phải nhận nhau bằng cách nói vài câu mật khẩu. Người ta tung tin chị bị thần kinh, đêm đêm thường đi lang thang nói chen với ma trơi trong rừng.
Lại chờ đợi có lệnh đến ngày vào rừng, giọng của người đàn ông ấm áp cứ ám ảnh đêm đêm, chị mơ hồ cố tưởng tượng ra khuôn mặt. Một năm trời như thế, mỗi khi vào rừng chị đem theo nắm cơm, cũng có lúc là bịch khoai nướng còn nóng tay. Có lần người đàn ông ấy cố tình chạm vào đôi tay mười hoa cho chị cái diệu kỳ của đường chỉ, run rẩy chị nhận về một chiếc lược được gò rất đẹp bằng nhôm. Đêm đêm chị đem ra ngắm nghía như một bảo bối, trên chiếc lược đó có 20 chiếc răng. Anh bảo: Đã hai mươi mùa trăng qua không nhìn rõ mặt… Đêm rừng ngàn hơi thở, ngôi sao chiếu mệnh vụt ngang, ước gì… Thôi đừng nói ra cho điều ước linh nghiệm, sẽ đến ngay mà! Bùng. Lại cháy rồi, chúng lại đến làng Viềng, quân dã thú. Anh bóp chặt nắm tay, đêm tàn sương. Chỉ huy có lệnh, bọn biệt gian đang rình mò nơi này, căn cứ có khả năng bại lộ, chuẩn bị gấp rút chuyển đi.
Đêm đó, có người đàn ông băng rừng gõ cửa căn nhà ven đê, trăng mười bốn vội vã tròn. Cô gái ngồi thêu khăn dịu dàng ánh trăng. Anh đứng hồi lâu ngắm khuôn mặt trái xoan qua liếp, đôi môi cánh hồng khép nép tần ngần. Cánh cửa bật mở, chị ngước mắt nhìn người đàn ông có vầng trán rộng, chiếc áo bị cây rừng cào rách một mảng trước ngực lộ ra một cục thịt thừa. Mặc kệ sóng xô bờ, rừng âm âm ru thì thầm. Anh xoè tay, những bông hoa lạ tròn tròn xanh mướt. Chị lắc đầu giấu mặt dưới ánh trăng. Hoa cúc biển. Đôi tay chị gượng ngập, chiếc kim thêu như khẽ găm vào tay chị, anh vội vã siết chặt: "Sau này giải phóng anh thưa mẹ đón Cúc về ở cùng anh". Chị chẳng nói được câu nào, nhét vào tay anh chiếc khăn thêu dở. Sóng âm thầm hát ru tha thiết, cầm tay rồi là phải lấy em.
Làng Yên qua mùa lụt, anh đi cùng năm tháng vào chiến trường chị giữ vững niềm tin chắc tay anh nơi mặt trận. Chị gạt nước mắt trên đôi má hồng mười tám, hứa với anh có rừng và biển chứng giám: Sống hay chết thì cũng ở làng để anh còn biết mà tìm.
Những ngày trời ban ngày đỏ ối, mây vần vũ ùng oàng tiếng nổ, đêm u tịch, mắt chó sáng quắc hình viên đạn. Chị lên núi, băng rừng, cuốc kêu mải miết, chị vẫn đều đặn ra phố bán vải, tới tận nhà thêu hoa cho các bà đầm. Thêu bông mai trắng, thêu bông cúc vàng, mỗi sợi chỉ niềm tin hy vọng, ngày chiến thắng sẽ đến gần, anh sẽ trở về.
Hoà bình. Miền Bắc giải phóng rồi, làng Yên hồi sinh trong tiếng hát rộn rã: Con gái làng Yên mình tròn da trắng, con trai gân guốc băng rừng. Đất phù sa, trẻ con lớn lên thành hàng. Chị băng băng trên khắp các con đường, chị trao tận tay từng chiếc cờ đỏ thắm tới mọi người. Đùng. Chị nghe thấy có tiếng gọi tên mình. Cúc ơi! Không phải, đó là tiếng sóng, sóng trắng xoá nhô cao rồi tan chảy hiền hoà. Phải cắt bỏ, bằng mọi giá phải sống đồng chí. Tiếng khóc. Lạ quá, ai đang gọi từ xa, ấm áp. Chị choàng tỉnh, bắt gặp nụ cười của cô y tá: “Cám ơn trời”. Đồng chí! Có tiếng gọi lao xao quen thuộc, từ cửa màu áo xanh bạc màu quen thuộc. Chị nhớ ra tất cả. Bắt đầu cũng là tiếng gọi khô khốc của ai đó, chị quay đầu lại. Mìn nổ, và chị được đưa vào đây. Năn nỉ suốt mấy tháng trời chị mới xin được về nhà. Chị ngồi dõi mắt một nửa ra biển, một nửa ra rừng thẳm xa. Chiến tranh đã cướp đi của chị bàn tay năm hoa và chiếc chân trái nhưng đôi môi hơi cong vẫn như cánh hồng nở. Chị chống nạng ra đầu hồi, nhìn Hòn Nẹ nhô sóng trào lên ngực hai chỏm đá. Ư hừ… Sóng đang hát ru, có người têm trầu cánh phượng mời ăn, chị cười từ chối, hoa cúc biển tròn xoe tóc xanh mướt mát đợi chờ.
Từ buổi khi mất bàn tay năm hoa ấy, chị thôi thêu thùa, ngày ngày dậy sớm. Khi sương bắt đầu đọng thành hạt, chị cất hoa xếp vào thùng nứa buộc sẵn, dắt xe mang chợ bán. Tháng Tư hoa kèn, tháng Chín hoa cúc, kỳ lạ là hoa của chị tươi lâu loang theo mùi hương thoang thoảng. Hết xuân sang hạ, đám trẻ con trong làng chũm chĩm đuổi nhau lớn lên rồi lấy vợ sinh con, chúng gọi chị bằng cô, bằng bác.
Từ Hòn Nẹ tít xa đứng trên chỏm đá màu vàng mê mải ở bãi dịu dàng theo gió toả hương, theo đó anh lính trở về làng… Từ chợ về, chị đứng từ xa nhìn người đàn ông trung tuổi chững chạc trong bộ quân phục màu xanh bồi hồi.
Sóng dâng cao, trời đỏ chuyển màu vàng, gió thổi hơi nước lên má mát lạnh. Chị nhìn anh khoẻ mạnh trở về, cúi xuống đất, ngẩng đầu mỉm cười quay mặt ra phía biển tròng trành sóng bước đi, phía trước là rừng thăm thẳm xanh u. Tháo thùng nứa chở hoa hàng ngày, chị thả trôi theo dòng chiếc xe đạp cuộn chảy về dải đất bồi. Người đàn ông tìm thấy nhìn ra biển, trán nhăn lại theo thời gian chờ đợi quay vào nhà. Đêm đêm chị ra mé rừng nhìn vào ngôi nhà bên bãi, ánh lửa hồng leo lét cháy người đàn ông ngồi trước xếp từng bông hoa cúc theo những vòng hoa im lìm. Chị thấy lòng mình như đang được sưởi ẩm, đêm đêm.
Lửa tắt, chị trở về nhà, mùi hương trầm vấn vít. Trên cao, một chiếc bàn thờ nén hương còn cháy dở. Chị chạy đến, vồ lấy tấm khăn mình thêu tay ngày nào tặng người tri kỷ. Chiếc nạng rơi khỏi tay, chị ngã dúi xuống nền đất, giật mình chạm vào những bông hoa cúc biển. Giọt nước mắt nhẹ tuôn rơi xuống, tiếng biển ư hừ. Meo… meo… con loang dịu vào ngực âm ấm, chị giật mình tỉnh, quờ tay với cây nạng đứng dậy. Bỗng dưng chị nhíu mày, lăng cái nạng ra một góc, nhảy cò cò vào giường. Chị trở nên ít nói, cặm cụi trồng thêm nhiều loài hoa trên bãi. Chị chỉ đi chợ bán hàng vào hai ngày lễ trong tháng. Hoa nở rộ, toả hương nồng nàn.
Lộc cộc, lao xao… mưa cây sẽ nẩy mầm.
Cạch. Meo… “Con loang có bao giờ ăn vụng đâu” chị lẩm bẩm. Ngoao… con mèo đực kêu lên. Chị định dậy, rồi chậc lưỡi: Thôi còn ít cá bống kho, kệ cho chúng nó ăn, trời mưa, mai chợ phiên lại đầy cá cho coi.
Lích rích… mưa thế này mai cầu vồng lại bắc ngang trên biển rực rỡ. Đêm mười bốn chưa đầy, mai trăng tròn. Chị trở dậy, đến bên cửa mở chốt, gió từ biển thổi vào ư… ư… ư… lao xao. Bộp. Túi hoa quả bánh kẹo từ tay người đàn ông đứng trước hiên đánh rơi xuống vũng nước, chiếc ba lô bộ đội ghì xuống vai nặng trĩu, mưa ào ạt rơi lã chã. Người đàn ông đưa tay, mở cúc áo xanh sẫm, vết sẹo lồi giữa ngực như quả táo lộ ra, ánh mắt nhìn chị trân trối. Tự nhiên chị cúi gầm mặt xuống, chiếc nạng rơi ra khỏi bậc cửa luống cuống mưa, chị cúi xống nhặt. Có tiếng gọi như hét lên trong mưa.
- Cúc. Em còn sống, đúng là em rồi.
Mưa giằng co trong đêm, tiếng mưa ào ào như thoả ước mong. Tiếng mưa ri rỉ như chờ đợi, mưa tan trên sóng ra biển. Rõ ràng là chị đang tỉnh, người đàn ông nằm cạnh có vết sẹo lồi ở giữa ngực ấm rực. Chị nhắm nghiền mắt lại, bàn tay mân mê nhẹ nhàng xoa lên ngực anh. Biển rì rầm ư ư… có giọt máu mang đang phôi thai dậy sóng nơi cơ thể chị.
- Mai anh về đi.
- Đã nửa đời lạc nhau rồi, anh không muốn mất em! Anh ghì chị thật chặt vào lòng như thể sợ dưới ánh đèn dầu chị sẽ tan ra và biến mất.
- Sao em cứ để anh phải tìm, em ác với anh thế! Mẹ đã mất rồi, mẹ mong chờ anh đón em về mà không được. Mẹ thương em phận bạc, chẳng biết trôi dạt nơi đâu. Sao em nỡ… Cúc ơi! Em ác với anh thế! Giờ thì em đừng hòng đi đâu.
- Không.
- Anh sẽ nói tất cả…
- Không.
- Thôi đừng nói gì nữa.
Biển đang hát ru. Rì rào… ơi con dã tràng xe cát.
Con gái làng Yên da trắng mình tròn, đất phì nhiêu hạt gạo nảy mầm. Rì rào… Chị gỡ đôi tay đang bấu chặt nhẹ nhàng ngồi dậy ngắm nhìn thật lâu. Anh nhắm nghiền quầng mắt thâm vì tháng năm, trên môi anh nhỉnh một nụ cười hiền. Chị vuốt tóc anh, có sợi sớm chiều. Biển êm êm, bình minh trên biển ngọt lành. Hoa cúc biển mở tròn đôi mắt nhìn, cầu vồng từ phía Hòn Nẹ nhô lên bẩy sắc.