Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







TIẾNG VỌNG DÒNG SÔNG








Đ ầu những năm 50 của thế kỉ trước, ở cái thị xã nhỏ bé thuộc miền sơn cước này, có ai là không biết gã. Gã sinh ra, lớn lên ở đây như một huyền thoại. Trên đầu đã gần hai thứ tóc mà gã vẫn chưa hề biết ai là người sinh ra mình. Ký ức duy nhất hằn sâu trong đời mà gã coi là nơi sinh ra và nuôi gã thành người, ấy là những đồng rác bên lề chợ. Gia tài của gã cho đến tận bây giờ vẫn chỉ là chiếc bị cói đựng vài bộ quần áo rách cùng cái mũ nhàu nát đội đầu.

Với mọi người chiếc mũ chỉ là đồ che nắng, che mưa. Với gã chiếc mũ còn là phương tiện không thể thiếu để kiếm miếng cơm hàng ngày.

Ngoài ra, gã không có gì hết, kể cả cái tên. Mọi người quen gọi gã bằng dáng hình gã Gù. Gọi vậy cho dễ chứ chẳng ai có ý khinh miệt gì.

Chả là bên lưng phải của gã có một khối u to đùng đẩy người gã cong gập về phía trước. Không những thế, nó còn xô lệch người gã sang một bên làm cho cái dáng vốn ẻo lả của gã càng trở nên èo oặt một cách đáng thương. Tạo cho gã dáng đi tập tễnh như một người què. Cái thân hình biến dị là nỗi khổ trong sinh hoạt đời sống hàng ngày nhưng nó lại giúp gã thuận bề trong việc xin ăn.

Gã xin ăn không giống như nhiều người khác, gã không bao giờ khóc lóc kể lể van nài. Gã thường chọn chỗ đông người qua lại, rồi ngồi tựa lưng vào một cây cột hoặc bức tường nào đó, đặt chiếc mũ trước bọc, ngước nhìn mọi người nở nụ cười thân thiện và kính trọng. Một lúc sau chiếc mũ đã lưng lửng tiền lẻ và đồ ăn. Có người khi đi mua đồ ăn còn nhớ mua một thứ gì đó để tí nữa còn có quà cho gã.

Sự có mặt của gã ở nơi đây không những không gây phiền toái gì cho ai mà còn có phần làm cho cuộc sống của cái thị xã nhỏ bé này trở nên ấm áp sinh động hơn. Vắng gã vài ngày là thế nào cũng có người nhắc – “Chẳng biết gã Gù làm sao mà mấy ngày nay không thấy mặt”. Nhất là bọn trẻ. Gã rất thích chơi với bọn trẻ và bọn trẻ cũng thích chơi với gã. Vắng gã chúng thấy như thiếu đi một cái gì gần gũi và thân thương. Những lúc bụng no nê, tiết trời đẹp, gã thường cùng bọn trẻ đập những hạt bàng già lấy nhân ăn. Nhân bàng béo ngậy cùng mùi thơm quyến rũ cuốn hút lũ trẻ đến đây như một đàn ong.

Gã đập hạt rất nhanh nên bọn trẻ thường gom hạt về cho gã. Thi thoảng gã mới bỏ vào mồm một nhân, nhâm nhi cho bầu không khí trở nên sinh động còn phần lớn gã dùng để bón cho những đưa trẻ hai ba tuổi theo anh chị đi mà chưa biết đập hạt.

Mỗi lần bón hạt vào mồm một đứa bé, tay gã run run vì sung sướng quá độ. Giá là người lành lặn hẳn gã đã có niềm hạnh phúc này từ lâu.

Ngoài khối u như con quái vật đeo bám trên lưng thì gã là con người phát triển bình thường cả vền tâm sinh lí.

Gã có con mắt sắc, cặp mắt có tầm nhìn xa và tinh nhạy. Tuy mù chữ nhưng trí thông minh thiên bẩm giúp gã có thể đọc được phần nào ý nghĩ trong đầu người khác. Gã buồn khi có ai đó ném vào mũ gã miếng quà mà trong mắt họ thờ ơ không chút thiện cảm, thậm chí coi thường, rẻ rúng. Những lần như thế gã chỉ ăn cho no chứ không thấy gì là ngon.

Có lần ngồi xin ăn ở trước một hàng ăn lớn, gã nhìn thấy một cô gái đẹp đến mê hồn. Mái tóc dài óng mượt, khuôn mặt ưa nhìn sáng mọng, cái cổ tròn có ngấn cùng với thân hình gợi cảm dồn tụ lên nụ cười mộng mị trôi nghiêng trong mắt mọi người. Nhìn cô gái gã thần ra như bức tượng. Chiếc mũ đầy ắp trong tay gã rơi phịch xuống đất đổ tung tóe từ bao giờ mã gã đâu hay.

Khi cô gái đi xa, gã cầm chiếc vành mũ đập mạnh vào đầu gối, buồn bã chụp lên đầu. Gã đi như kẻ mộng du. Chân bước mà chẳng biết mình đang đi về đâu.

Đêm ấy gã không ăn gì mà bụng không thấy đói. Gã nằm trên một phiến đá bên bờ sông. Sông mùa này nước không đầy mã cũng chẳng vơi.

Trăng hạ tuần mờ và ảm đạm. Gã nằm co do ngẫm ngợi về cuộc đời. Mắt gã nhắm mà không sao ngủ được.

Một con rắn to trườn qua người mà gã không hay. Đến khi cái đuôi rắn ngoằn qua mặt, gã nhận ra thì con rắn đã đi xa. Rắn đi đâu vào giờ này nhỉ? Kiếm mồi hay tìm bạn tình? Nếu là kiếm mồi thì gã là miếng mồi ngon sao nó không cắn một nhát để hóa kiếp cho gã càng sớm càng tốt giúp gã có thể giải thoát đời mình.

Phía bờ sông, một con cá quẫy đớp vội vần trăng trên mặt nước làm cho gã chợt bừng thức một điều gì. Gã ngồi dậy tựa lưng vào gốc cây đại thụ và suy ngẫm. Ừ! Thiên nhiên, trời đất sao lạ lùng đến vậy. Trăng trên sông là vầng trăng không có thật, nó chỉ là cái bóng mà sao lũ cá vẫn vây quanh vẫy vùng thỏa thích? Còn với ta tuy hẩm hiu, khổ hạnh nhưng cuộc đời vẫn ngồn ngộn bao vẻ đẹp có thật: tâm hồn lũ trẻ, tấm lòng người già, cô gái đẹp thiên thần mà ta gặp chiều qua. Chẳng đủ để ta yêu và sống hay sao! Lần đầu tiên gã tự trách mình ngu dại.

Cái thị xã vốn nhỏ bé, càng trở nên nhỏ bé hơn vào những ngày mưa tầm tã kéo dài như thế này, đường lầy lội ít người qua lại. Các quầy hàng thì ế trôi ế nổi. Chỉ mấy hàng phở ngon là còn dậm dịch bóng người, đây cũng là dịp để những người thích tán gẫu có cơ hội moi đủ thứ chuyện trên đời ra bàn.

Chuyện được mọi người nhắc đến nhiều nhất bây giờ là chuyện một cô gái điên không biết từ đâu đến. Mỗi lần lên cơn điên cô vứt bỏ tất thẩy mọi thứ, không để một chút gì đeo bám trên người. Cô gái lúc cười, lúc khóc, vầy vò nghịch ngợm như đứa trẻ lên ba.

Sau mỗi lần lên cơn, người cô mệt lử, nằm vật ra ở một nơi nào đó ngủ thiếp mê mệt. Lúc này trông cô giống như tượng đức bà khỏa thân trong truyền thuyết.

Những lúc nhìn cô tự dày vò sờ nắn cơ thể mình, không chỉ cánh đàn ông mà nhiều người đàn bà và những cô gái trẻ cũng thèm khát không kém, ước gì mình có được thân hình tuyệt mĩ kia. Khuôn mặt trái xoan phính lên một nét u hoài. Đôi vai tròn như vai nàng tiên trong cổ tích. Hai núm vú như hai chiếc nụ đào sắp bung cánh. Bầu vú mịn căng tựa hai giọt nước sắp òa vỡ trong mắt mọi người.

Những lúc như thế gã Gù ngồi ở một chỗ xa. Chờ lúc cô gái tỉnh gã đưa cho cô những quần áo cô vứt trước đó, rồi cùng cô về chỗ góc chợ nơi gã thường sống hàng ngày. Gã cho cô ăn và khéo léo khuyên cô ra bờ sông tắm gội. Gã còn đến những gia đình tốt bụng xin quần áo cũ cho cô thay giặt hàng ngày.

Có lần gã nghe lỏm mấy cụ già nói với nhau: Chăm sóc người điên phải hết sức cẩn trọng, kiên trì và tế nhị, tình cảm nhưng nghiêm túc. Đừng để họ mặc cảm điều gì. Họ đã ghét ai thì đừng hòng họ tha thứ.

Câu chuyện vô tình đã giúp gã suy luận ra nhiều điều. Trong những ngày sống bên một người đẹp như cô, nhiều lúc sự thèm khát thân xác cũng dày vò gã, thiêu đốt gã đến cùng kiệt. May mà cái đầu gã luôn giúp gã biết chọn điểm dừng. Chả thế mấy chục năm qua sống ở đây không ai khinh bỉ, chê trách gã đến nửa lời.

Những ngày sống bên nhau, tình cảm và cử chỉ đẹp của gã đã giúp cô dần bình phục. Số lần lên cơn ít hơn, thời gian mỗi lần lên cơn ngắn lại. Khi tỉnh cô khôn ra nhiều, không còn ngây ngây như trước. Có điều cô không nhứ gì về quá khứ, kể cả tên mình. Vì thế mọi người đặt tên cho cô là Gái. Cái tên Gái dễ gọi, mềm mại lại rất nữ tính. Mỗi lần nghe tiếng gọi thân thương mọi người dành cho mình, bao nỗi căng bừng u uất trong cô như có phần dịu mềm hơn.

Từ ngày có Gái ở bên, mọi sinh hoạt của gã dần trở nên đoan trang, lịch lãm. Ngoài những lúc đi xin ăn, thời gian còn lại gã luôn ở bên Gái để chăm sóc động viên, cùng nhau chia sẻ những vui buồn.

Số tiền gã dành dụm phòng khi trái gió trở trời cất trong hốc đá ven bờ sông, giờ được moi ra dùng để mua những thứ Gái thích như bánh kẹo, hoa quả.

Một lần do ăn quá nhiều mít, nửa đêm người cô nóng rực, buồn bực, khó chịu, vật vã kêu rên. Gã bảo:

- Có lẽ do ăn mít. Giờ chỉ xuống sông ngâm nước một lúc là dễ chịu ngay.

- Thế thì anh đưa em đi.

Lần đầu tiên trong đời được người khác gọi mình bằng anh. Gã vừa sung sướng vừa ngỡ ngàng khó tả. Đến bờ sông gã bảo:

- Cô xuống tắm, tôi chờ. Nói rồi gã quay lại cách bờ sông một đoạn.

Bỗng cô gái gọi to:

- Anh ơi! Xuống đây với em. Một mình em sợ lắm. Lần này tiếng “anh” ấm và dài bay ra từ lồng ngực căng phông của Gái ùa vào mặt gã nóng ran.

Gã quay lại bờ sông ngồi trên tảng đá với niềm hứng khới lâng lâng, thả hồn trôi bồng bềnh theo sóng nước. Gã ngồi ngắm Gái khỏa thân trong nước dưới ánh trăng mờ mộng mị. Gã không còn nhận ra đây là thiên đường hay mặt đất.

Cái mát của gió, của nước, của tình người thầm ngấm trong cô, giúp cô tỉnh táo minh mẫn nhận ra nhiều điều.

Cơn nóng do mít dần tan. Cơn nóng tình ái trong cô bùng phát. Người cô như cục than hồng gặp gió. Không cần dắn đo suy tính dài dòng, từ dưới sông Gái đi thẳng đến trước mặt gã.

- Anh tốt với em quá!

Vừa nói cô vừa gục đầu vào mặt gã. Những giọt nước mắt nóng hổi của cô lan tràn qua má, qua môi gã. Gã nhận ra cái chát mặn của cuộc đời chìm ẩn trong những giọt nước mắt ấy. Nó giống như vị chát mặn mà gã đã từng nếm trải.

Tình huống đến với gã quá đường đột. Gã không biết đối ứng ra sao. Chân tay gã thừa ra một cách vụng về tội nghiệp. Trong lúc gã đang loay hoay tìm phương ứng xử thì toàn bộ thân xác Gái đổ ập lên người gã lãm gã đổ kềnh xuống bãi cỏ ướt đầm sương. Hai tay chới với vừa kịp ôm vào hõm eo nồng nàn của Gái thì một luồn sung mãn rần rật chạy dọc sống lưng làm gã đê mê như đang treo mình trên một cành cây đầy trái chín.

Lát sau, khối u trên lưng gã tê dại. Người gã nhũn ra.

Gái chợt nhận thấy mình có lỗi. Cô vơ vội quần áo mặc vào người rồi cùng gã trở về.

Sau lần ấy Gái nhận ra sự trinh nguyên cả tâm hồn và thể xác nơi gã. Gái càng thương và yêu gã gấp bội. Tình yêu đã cứu cô ra khỏi vũng lầy bệnh tật.

Trong Gái bây giờ cơn điên tan biến, nhường chỗ cho cơn khát tình yêu cháy bỏng.

Ước vọng duy nhất của cô giờ đây là dâng hiến tình yêu. Dâng hiến đến tột đỉnh những gì cô có. Mong sao gã được bình đẳng hưởng thụ như mọi người trên trái đất.

Mỗi lần gần gũi cùng gã, Gái hoàn toàn chủ động mọi việc để gã tận hường tối đa tình yêu một cách thoải mái, trọn vẹn, không tự ti mặc cảm với thân hình dị tật của mình.

Bà con nơi xóm chợ thấy hai đứa quấn quýt thương yêu nhau, ai cũng mừng ra mặt. Họ bảo nhau gom góp mỗi người một ít làm cho chúng túp lều bên sông. Nơi ấy cao ráo, thoáng mát lại tiện cho việc sinh hoạt tắm rửa giặt giũ hàng ngày.

Từ khi có căn lều nhỏ Gái không cho gã đi ăn xin nữa. Cô bảo “Anh ở nhà trông nom cơm nước, mình em đi làm là đủ”. Cô quần quật suốt ngày làm thuê cho mọi người không nề hà việc gì.

Mọi người gọi Gái là con trâu đất, ăn giả làm thật. Chả là cô chi tiêu hà tiện, chắt chiu gom nhặt từng đồng. Ấy là dè sẻm với bản thân mình, chứ với gã thì cô chăm nom tới nơi tới chốn, thích gì cô mua nấy. Chỉ một thời gian ngắn, người gã trắng tròn như củ khoai bóc nõn.

Dưới ánh trăng khuya, nước sông Cầu trong vắt, hiền lành chảy qua những bến bờ nặng trĩu hương hoa. Gió thượng nguồn nhè nhẹ thổi về, êm mượt như bàn tay ai vuốt nhẹ lên mặt nước bồng bềnh sương khói, tạo thành những con sóng lăn tăn vỗ ì oạp lên kẽ đá đôi bờ.

Vợ chồng gã có thói quen sinh hoạt thân xác với nhau ở ngoài trời. Bầu không khí thoáng mát tạo đà cho cảm xúc thăng hoa, giúp họ thu nhận tối đa nguồn năng lượng cuộc sống, bù đắp sự thiếu hụt mà bấy lâu nay họ phải âm thầm gánh chịu. Ngoài ra, bờ cát còn giúp họ dễ dàng chọn lựa tư thế cho phù hợp, ít bị gò bó, trắc trở. Chiếc bị cói rách trước đây dùng đựng quần áo giờ cũng được Gái tận dụng tối đa trong sinh hoạt vợ chồng.

Gần họ nhất vào giờ khuya khoắt này là con đò nan có mui che đang tựa mạn vào bến. Chủ của nó tên là Xót, người đàn bà bạc mệnh quá lứa không chồng, hàng ngày chở đò ngang qua sông để kiếm sống. Sông là nhà. Đò là giường. Sự buồn tẻ đơn côi đeo bám, gặm nhấm tâm hồn và thể xác làm thị già đi trước tuổi. Sống trên sông nước mà cơn khát cuộc đời dày vò thị bơ phờ hao kiệt như cái xác ve.

Từ ngày có đôi bạn dựng lều ở bên, cuộc sống của Xót có phần nảo ấm áp hơn.

Những lúc nhìn trên mặt sông thấy cái bóng dập dềnh đung đưa theo ánh trăng dọi từ trên bờ xuống thị biết những gì đang diễn ra nơi bờ cát. Thị kín đáo khẽ khàng nép mình trong lòng đò, đưa mắt về nơi có mớ tóc đen nhánh xõa trên tấm lưng trần thon mịn. Thân hình người con gái cong cong cuồng nhiệt như con chồn đang dồn sức bới đào tìm kiếm con mồi vừa trốn chạy. Hai cơ thể xoắn vặn vào nhau như sợi dây leo khổng lồ ghìm giữ con tàu nơi biển cả.

Người thị nóng ran từ chân đến đầu. Những lúc như thế thị thường ôm chặt chiếc mái chèo như sợ ai cướp mất con đò của mình. Mũi đò chao đảo, biêng liệng như sắp kêu lên thành tiếng.

Mặt trời chưa lên. Con chim chích chòe chưa kịp hót tiếng đầu tiên để báo sáng vậy mà hai người đàn bà, kẻ trên bờ, người dưới nước không ai hẹn ai đã dậy từ bao giờ. Họ tất bật thu dọn, hoan hỉ bước vào ngày mới với nội tâm tràn đầy sinh lực.

Đúng như người xưa thường nói: “Gái phải hơi trai như thài lài…”

Vừa hôm nào vẫn còn là cô gái điên khờ khạo, đờ đẫn, giờ Gái đã khôn ngoan nhanh nhẹn đủ điều. Nhìn cái bụng mỗi ngày một to ra trông thấy, mấy người vui tính bảo: “gã Gù thế mà tốt số”.

Một đêm tối trời khuya khoắt tiếng gã Gù kêu to náo động cả vùng sông nước. Xót là người đầu tiên bật ra khỏi đò như mũi tên lao về phía gã. Cứu… cứu…nó…v…ớ…i, tất cả sinh lực dồn hết vào tiếng kêu cứu của gã. Sau tiếng kêu thảm thiết gã gục xuống lề cỏ ướt dẫm sương, rên không thành tiếng. Cũng là lúc mọi người hốt hoảng đổ tới, chạy thẳng vào lều.

Gái đau đớn quằn quã, cắn chặt hai hàm răng, tay ôm bụng, mặt tái xanh như chàm đổ. Tiết đông chí mà mồ hôi cô đầm đìa như tắm. Hình như sức chịu đựng đã ở vào giai đoạn cuối.

Một cụ bà có nhiều kinh nghiệm trong sinh nở, sau thăm khám cụ nói: “Đẻ non! Thai xoay thuân nhưng do vỡ ối lâu nên thai không ra được. Gấp lắm rồi…Cứu mẹ thì mất con! Cứu con thì…”  Đang trong cơn mê mệt, bải hoải, loáng thoáng nghe tiếng bà cụ, Gái gồng mình ngóc đầu dậy, hai tay chắp trước ngực như người đi lễ phật, vừa khóc vừa van nài:

- Con cắn rơm cắn cỏ lạy bà,…bà thương con…cứu lấy giọt máu của anh ấy! Mênh hệ gì con cũng cam chịu. Nếu không…có chết con cũng chẳng nhắm được mắt, nhanh lên bà ơi! Nhanh lê kẻo muộn. Nếu phải chết con sẽ phù hộ đền ơn trả nghĩa bà.

Nói hết câu người Gái mềm ra, mọi người nhao nhao đầy vẻ xúc động:

- Thôi thì còn nước còn tát, được gầu nào hay gầu ấy.

Thời gian lúc này là vàng ngọc, không đủ để bàn tính thiệt hơn. Bà cụ dùng chiếc kéo cắt vải khẽ khàng luồn lựa mở đường cứu đứa bé. Vất vả lắm đứa bé mới được lôi ra khỏi bụng mẹ. Toàn thân nó tím tái, thở thoi thóp. Bà phải làm mọi cách một lúc sau nó mới yếu ớt cất tiếng khóc chào đời.

Tiếng khóc như luồng sinh khí diệu kì giúp cho cặp mắt nhắm nghiền của Gái từ từ mở ra. Mọi người reo to: “Mẹ nó tỉnh rồi”. Người đang bế chìa nó trước mặt mẹ: “Sướng nhé, con trai!”.

Gái dướn mắt nhìn về phía thằng bé, nở nụ cười mãn nguện, gắng gượng nói:

- Con…cảm ơn…mọi người!

Dứt câu, Gái ra đi trong cái ngật đầu thanh thản, nhẹ nhàng mà bi thiết.

Từ lúc vợ qua đời, nỗi đau như hòn đá lớn đè lên người gã. Ruột gan gã như có cái gì đó thọc ngoáy vỡ ra từng mảnh. Miệng đắng ngắt. Gã không hề ăn một thứ gì. Gã vẹo vọ ôm đứa bé trong lòng. Nước mắt gã chảy ướt sũng cả căn lều. Ai nói gì gã đều như không nghe thấy. Đứa bé là xương thịt của nàng. Gã ôm nó là ôm nàng..thế thôi.

Những ngày này, Xót là người vất vả nhất, vừa phải chở đò không để lỡ khách vừa phải đôn đáo chạy vạy tứ phương xin sữa cho bé, vừa dỗ dành gã ăn lấy một ít cho qua cơn bi cực. Gã là điểm tựa lâu dài và duy nhất của thằng bé, bằng mọi giá gã phải vượt qua. Nghĩ vậy nên Xót đã làm tất cả những gì Xót có thể làm. Nhưng mọi sự như đã được Thượng đế sắp sẵn, sức khỏe gã suy sụp nhanh chóng, ít ngày sau gã từ giã cõi đời.

Nuôi bé không đơn thuần chỉ là nguồn an ủi lúc tuổi già, Xót coi đó là nghĩa cử với người quá cố, người đã một thời cho thị hưởng thứ hạnh phúc ngọt ngào trong tâm tưởng, nhận ra nét đẹp kì diệu của tình yêu.

Căn lều của vợ chồng gã hôm nào giờ đây Xót đốt và thu gom thành đống tro. Thị đổ tro ấy bên bờ cát, chỗ những đên trăng vợ chồng gã làm tình.

Không hiểu vì sao ít lâu sau trên đống tro mọc lên một lùm cây dại. Hình dáng lùm cây giống hệt con chồn hăm hở lúc trăng lên.

Chưa bao giờ Xót yêu trăng như vậy. Trăng giúp thị tìm lại bao điều kì thú của một thời. Đêm trăng khuya khoắt, nhìn lên lùm cây có dáng hình gợi cảm, ngỡ như rễ của nó đang bò vào tim thị, người thị ran ran, bừng bừng, hứng khởi. Những lúc như thế thị thường nối dài sợi dây neo, thả sức cho con đò lắc lư bồng bềnh trôi nổi giữa dòng sông mênh mông đầy trăng khuya và gió muộn. Từ trong lòng đò hắt ra một thứ ánh sáng háo nồng hương vị thuở hoang sơ, những sợi rễ vô hình từ phía lùm cây lan bò khắp nơi trên người thị, truyền những giọt nhựa thanh khiết của cuộc đời mà thị hằng khao khát bấy lâu nay.

Thời gian xanh như một giấc mơ. Đứa bé là chiếc mầm cây trong giấc mơ mà thị hàng ngày chăm bẵm.

Nhiều đêm bé thèm bú la khóc đến nao lòng. Đêm hôm khuya khoắt biết xin ai, thị liền nghĩ ra một kế, bôi ít sữa bò vào vú mình ròi cho bé mút. Bé ngậm vú nút một hơi là ngủ liền.

Đôi môi mềm và cái lưỡi tinh nghịch của thằng bé tạo luồng cảm giác tê buồn dễ chịu đến nôn nao.

Từ ngày nuôi bé, Xót thay đổi da thịt hàng ngày. Từ một cô gái gầy gò, khó tính, vú sệ, mông teo, giờ đây khách lạ qua đò thường khen “Gái một con trông mòn con mắt”. Cặp mông của Xót núng nính đầy dần lên. Đôi vú căng tròn đóng đinh vào mắt mấy kẻ đa tình. Tóc Xót mượt và đen óng không còn vàng khô chẻ ngọn như trước.

Tiếng khóc của bé, tiếng cười của mẹ ùa ập xuống lòng sông vừa ảo huyền vừa mộng mị. Tiếng vọng khôn cùng trong dòng chảy thời gian.

Đoạt Giải Nhì cuộc thi
truyện ngắn 2008-2009 Báo văn nghệ Thái Nguyên