Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







BẠN



    N on nước thái bình nghe bao niềm hy vọng thịnh trị đó là ở phía ấy còn cũng giống bao nạn can qua người như Tâm bị văng ra...

Tâm sửa sửa cái chóa đèn của chiếc Honda 67 loại xe một thời xịn bởi bộ dạng y con ngựa nhà trời có ghi đông cao nghệu chứ không lè tè sát bình xăng như các xe khác. Hồi hôm trên đường về nhà tự nhiên bóng đèn phụt tắt đụng đoạn không có đèn đường nên Tâm loạn quạn suýt ngã. Cũng tại lúc chiều rảnh khách tổ thồ chén mấy ly bia hơi không say lắm nhưng bảo tỉnh thì không phải.

Sáng nay vợ Tâm nhắc nhở:

"Anh liệu mà chè chén niêu cơm ở con ngựa anh đang cưỡi!"

"Biết rồi em anh biết mà!"

"Thằng Ti xin tiền nộp học thêm, thằng Ti anh mới xin nộp kế hoạch gì ở khoa..."

"Em tính mượn đỡ bà nội chiều anh trả!"

Bà nội Ti anh bán thuốc lá ở chợ... May mà trời nuôi bà đã trên tám mấy rồi còn sức bươn chải góp một tay cùng vợ chồng Tâm chứ không... Tâm nghĩ nghĩ trong dạ bỏ bụng mừng.

Giống như trận động đất mọi chuyện đổi thay chóng vánh.

"Hết chiến tranh ăn muối cũng sướng!". Câu này không riêng bà nội Ti anh nói cả khu tiếp cư chợ Mai quận HN ai cũng nói như thế. Ấy là lúc trai tráng đi lính cả khu chỉ có toàn ông già bà cả và đàn bà con nít.

'Đạn bom có quen biết ai đâu nên không có công chuyện thì phải tránh".

Bà nội Ti anh nói.

Trong nhà người có nhiều ảnh hưởng là bà nội Ti anh. Không có chuyện gì nhỏ hay to bà không biết hay nói chính xác là phải báo với bà. Tính này ai nói sao thì nói riêng vợ chồng Tâm và cả hai đứa cháu nội đều không có ý kiến coi đây sự dĩ nhiên.

Tâm con trai một. Lẽ thường bà nội Ti anh cưng nhưng không bà bảo:

"Học lấy cái chữ sau mà bươn chải"

Thương mẹ Tâm học giỏi đỗ tú tài hạng ưu chuẩn bị đi học đại học thì chiến tranh bùng phát mạnh đâu mấy tháng rồi sự việc ngả ngũ.

Tâm sửa xong chóa đèn và đạp cho xe nổ bóng đèn bừng sáng chiếu vào bức tường.

"Thế là được!" Tâm nói trong đầu như vậy rồi quay xe tính đi nhưng chợt nhớ điều gì lại bật chân chống tắt máy đi vô nhà.

Hôm qua Tâm vừa nhận một thư tay của một anh bạn là phóng viên - nói thư tay vì bây giờ là thời đại công nghệ thông tin làm gì cũng nhờ computer và internet - Chắc anh bạn Tâm cẩn thận sợ Tâm không biết mạng miết gì nên viết thư trên giấy trắng mực đen, không hay Tâm cũng tay cừ về net.

Tâm mở bì thư và xem.

"Tâm thân!.

Cách đây... cùng một đoàn sư và phật tử về TĐ làm lễ cầu siêu, đoàn xe gần chục chiếc toàn xịn thế mà...

Anh bạn phóng viên mà đúng ra đã nhà báo kiêm nhà thơ kiêm phó tổng của một tờ báo.

Thư viết tiếp "thế mà chiếc xe chạy đầu khi qua khỏi khúc cua hiểm trở đột nhiên trở chứng không chịu chạy, phải chi chiếc xe cuối cùng thì dễ ợt cứ bỏ đó lên xe khác đi hẵng hay đàng này đường độc đạo..."

Tâm dừng đọc ngẫm nghĩ... Chắc theo kế hoạch chỉ cầu siêu cho lính bên này nên lính bên kia cũng tên bay đạn lạc "ý kiến". Anh bạn viết đúng như Tâm nghĩ và cho biết "Tâm biết không sau một hồi hì hục hết đề lại sửa sửa rồi xúm nhau đẩy chiếc xe vẫn trơ trơ. Mình chợt suy nghĩ hay là... Rồi lấy một thẻ nhang thắp xong trân trọng chắp tay đứng đối diện với đầu xe khấn vái to rõ 'Xin các ông... cho chúng tôi đi song suốt chúng tôi sẽ...'. Anh bạn Tâm viết tiếp thật kỳ lạ sau khi khấn vái và thắp nhang hương lên đầu xe mình tự tin nói "Mời sư và đạo hữu lên xe tiếp tục đi..." tài xế bật đề máy nổ giòn phả ra từng luồng khói đen nghịt rồi đúng thật khi vô số nhấn ga chiếc xe phóng tới ngon ơ!."

Tâm sực nhớ sáng nay có cuốc thồ đã hẹn, vội vàng xếp lá thư bỏ vô túi áo.

Anh bạn và Tâm quen nhau ở đồi TĐ trong một lần tìm ba. Cả hai đều có hai người thân nằm lại trên ngọn đồi nổi tiếng không vì cảnh đẹp mà sự tàn khốc của bom đạn. Ba của anh bạn và ba của Tâm chắc không bao giờ nghĩ có một ngày hai đứa con của hai người xa lạ cùng năm sinh lại gặp nhau và quen thân với nhau như vậy.

Và cả hai cũng chắc không bao giờ nghĩ mình lại ra đi trong một tình thế quá hiểm nguy như thế.

Năm ấy sau tết đâu chừng mươi ngày nghĩa là nếu không chiến tranh cả hai còn hưởng dư âm của tết nhất... Mẹ của ba Tâm thương con hết sức.

Bà nói:

"Con không ở ráng thêm ngày nữa được à!"

"Dạ! Không được mẹ ạ!. Con được phép về như vầy là anh em nhường cho con chứ đúng ra phải cả tháng nữa mới tới phiên con".


**

Ba Tâm theo như mẹ kể hiền khô à!. Tâm hỏi có hiền như con không?. Mẹ nói cha mầy phải nói con có hiền như ba mới đúng bởi ba sinh ra con không ít thì nhiều phải giống nhau một số điểm riêng tính tình y chang.

Vóc dáng hình ảnh ba được mẹ kể cho Tâm nghe đến nỗi tưởng không còn gì để kể nữa ấy vậy mà không phải cứ mỗi lần sau tết gần đến đám giỗ ba ít nhiều bà cũng nhắc đến ba.

"Ba con là y tá chuyên lo chuyện thuốc men bệnh tật không hà!".

Với mẹ ba có một vị trí  không phai mờ trong lòng, Tâm đoán thế vì chưa bao giờ mẹ trách cứ ba điều gì kể cả việc ba trở lại đơn vị rồi đi biền biệt... khi ấy Tâm vừa đỗ tú tài toàn chuyện này Tâm đã kể cho anh bạn của Tâm nghe khi nghe xong anh bạn nói:

"Mỗi chúng ta có hoàn cảnh khác nhau!"

Điều anh bạn nói Tâm hiểu và chia sẻ bởi chiến tranh mà!.

Ba mất mẹ không đi bước nữa cho dù mới một con và không ít người ưng, mẹ tần tảo buôn bán sớm hôm chắt chiu nuôi Tâm ăn học và khi hết chiến tranh sự học của Tâm dừng lại rồi cho dù trình độ tú tài Tâm không xử dụng vốn học để làm việc mà nhờ vào chiếc xe 67, chiếc xe là cả gia sản khi từ vùng khu kinh tế mới(*) trở về lại khu phố này.

Hôm nay Tâm khăn gói lên đồi TĐ tìm ba. Lâu nay khi nhắc đến ba là mẹ Tâm trông mong có ngày tìm được ba, Tâm hứa sẽ làm hết sức cho mẹ toại nguyện nhưng như tìm kim đáy bể bao lượt vẫn mù khơi.

Trước khi đi anh thắp nén nhang đứng trước bàn thờ nhìn chăm chăm vào di ảnh ba rồi lâm râm vái "Ba cho con tìm thấy ba để mẹ an lòng khi tuổi xế chiều...".

Anh bạn Tâm nói:

"Mẹ mình khi sống ước ao gặp ba mà không được!. Do vậy mình biết nỗi lòng của mẹ bạn nhiều lắm!. Bây giờ mà biết được thì mẹ bạn vui không kể xiết!".

Anh bạn Tâm vui như người vừa tìm được là người thân của anh. Tâm thì rõ rồi Tâm mừng hết lớn!. Có ai đời gặp ba và biết chắc chắn ông đã chết mà mừng!. Bởi trước nay hành tung của ba được ghi là không rõ ràng trong mỗi lần xác minh lý lịch. May là chiếc thẻ bài inox ghi họ và tên; số quân; loại máu của ba còn y nằm lẫn trong hài cốt.

Anh bạn khi cầm tấm thẻ bài nói:

"Mong sao khi tìm được ba mình cũng có vật dụng ví như chiếc lược bằng vỏ máy bay có khắc tên ba chẳng hạn để làm tin!"

Tâm động viên anh bạn:

" Mình có linh tính chắc chắn là vậy!"

Ba của anh bạn một chỉ huy C gan dạ. Khi nhắc đến ba của anh bạn nhiều bạn đồng liêu nói như thế. Còn ba của Tâm tiếng là thượng sĩ già nhiều kinh nghiệm nhưng nhiều kinh nghiệm với chức y tá trưởng của đại đội.


***

Sau cuốc thồ Tâm lại đọc tiếp lá thư anh bạn gởi.

Tâm rất vui khi trong thư anh bạn cho biết "Mình vừa đưa ba về quê"./.

(*): Kinh tế mới là một chính sách sau 1975 VN di dân từ các vùng đồng bằng và thành phố tới các vùng trung du, miền núi, biên giới, hải đảo

4/2017



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ QuảngNam ngày 09.7.2020 .