Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







MÊNH MÔNG CHIỀU VÀNG



    N ằm về phía gần cuối con đường Nguyễn Công Trứ, quán cà phê có cái tên nghe thật êm đềm, hiền dịu “Yên Nhung”. Chủ quán quả là người có óc mỹ thuật. Dựa vào cấu thể địa hình, quán được bài trí thật đặc biệt. Khuôn viên chính của quán như rơi vào giữa thung lũng xanh. Ngăn giữa đôi bờ là một con suối nhỏ, dòng chảy thoai thỏai, đôi khúc uốn khéo, đủ để tại nên một âm thanh róc rách, rủ rỉ như một bản nhạc không lời. Con suối chia đôi hai sườn đồi. Tạm gọi Nam đồi và Bắc đồi. Phía Nam đồi, thẳng xếp từng hàng cây cà phê ngắt xanh, từ trên cao nhìn xuống, người ta sẽ dễ dàng liên tưởng đến một đòan quân đang rùng rùng ra trận. Vào mùa hoa trổ, thì dù ai khó tính đến đâu, cũng phải nghiêng mình đánh rơi mảnh hồn giữa rừng hoa phô săc khoe hương, chao đùa với gió. Nhất là vào lúc những tia nắng đầu tiên trong ngày xuất hiện. Cả vườn hoa không khác gì những nàng tiên nữ đang nhởn nhơ xiêm áo vẫy lượn. Mùa quả chín thì khác, thư khách có thể an nhàn ngồi nhâm nhi từng giọt cà phê đậm đà đặc quánh nơi Bắc đồi, mà thỏa thuê tầm mắt chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt bích của thiên nhiên. Bức tranh sống động ấy được phối màu một cách rất tài tình. Nhữg chùm quả đỏ rực ôm tròn những cành nhánh, chập chờn giữa màu xanh của lá. Lấm chấm trong mảng đỏ xanh ấy là sắc trắng điểm của một vài nụ hoa dậy thì. Cả ba gam màu đều có sức mạnh tuyệt đối, nhưng khi được đan phối vào nhau thì chúng trở nên thật hài hòa, viên mỹ. Thiên nhiên quả là một họa sĩ đặc biệt tài hoa, tài hoa đến độ bất kỳ một bậc danh họa nào cũng phải buông lời cảm thán.

Phía Bắc đồi, đây mới là công trình đáng kể của người kiến tạo. Những dãy bàn được kê xếp theo lối bậc thang. Những mô hình “tổ ấm chim câu” được nhã ý ưu tiên vào những góc khuất lặng, đủ bảo đảm một thế gới riêng cho hai người. Xa xa hơn chút nữa là những chiếc bàn đôi, thanh thản dưới bóng dù hoặc mái lá che tầm tầm vừa không khuất người. Những chiếc bàn này chủ yếu đươc đặt ở những tầng dưới cùng, nơi đối diện với tòan cảnh đồi Nam. Khu vực này hầu như dành riêng cho những vị khách ưa xuất hồn đi mây về gió. Đa phần họ chỉ ngồi đấy ưu tư một mình, nếu có hai người thì cũng phải có chung một cảm sắc, âm thanh chất giọng gần như ít có cơ hội được góp mặt nơi đây. Nếu đi với một nhóm bạn đông hơn, thì sẽ có một số vị trí có mặt bàn hơi tròn, rộng, bằng đá nhẵn hay một gốc cây to cắt ngang, chung quanh là những chiếc ghê mây thon nhẹ. Lọai bàn chung này được kê đặt ở hai tầng trên cùng, vừa có thể thả tầm mắt quá cảnh tòan phần, vừa tự nhiên trò chuyện mà không phải giật mình, e dè vì những tiếng nói cười vô tư của mình làm khuấy động không gian riêng của ai đó. Xen giữa các lối đi là đư các lọai hoa, cây cảnh, rất phong phú về cả màu sắc, kiểu dáng lẫn tầm độ.

Tôi thường đến quan vào lúc nắng chiều đã nhàn nhạt. Chỉ cần dựng xe xong , giơ tay chào cô chủ quán rồi đi về phía chỗ ngồi quen thuộc, là khỏang hai phút sau sẽ có một phin cà phê đang chậm rãi nhỏ từng giọt đen sậm, thơm nồng. Gu cà phê của tôi thường được cô chủ quán chú ý hơn những người khác. Đó là lượng cà phê bọt phải nhiều hơn mức bình thường, sau khi chảy hết xuống ly, thì ly cà phê ấy lại ngâm vào nước sôi, vì thế, kèm theo phần cà phê của tôi là một chiếc bình thủy nhỏ. Không biết tôi có thuộc lọai quá cầu kỳ hay không ? Nhưng quả thật là vô cùng vô vị khi hớp phải một ngụm cà phê vừa lõang vừa nguội. Nếu cầm ly cà phê của tôi mà lắc khẽ, thì phải ít giây sau, lớp cà phê bám trên thành ly mới xuôi dần xuống hết được. Mỗi lần được nhấp một ngụm cà phê sóng sánh, đầm đậm vừa độ nóng, tôi thấy trong người thật khoan khóai dễ chịu. Vô cùng cảm ơn thổ nhưỡng của quê hương, đã đưa hạt cà phê thành cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh nhà, và hương vị thì bay xa tận ngòai biên giới.

Nơi tôi thường ngồi là dãy bàn đối diện với đồi Nam. Rất hài lòng với vị trí mình đã chọn, ngồi đây tôi tha hồ được tận hưởng những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng, tha hồ mặc mảnh hồn phiêu diêu đến tận cõi xa xanh nào. Nhất là vào cái khỏang không gian bảng lảng, tạn mạn của trời chiều, trong sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối ở chung quanh. Bởi vào cái giờ nhỡ nhàng này, chẳng mấy ai lại đi ném quỹ thời gian của mình vào chốn ưu trầm, tư tịnh như nơi đây. Họa chăng chỉ những kẻ trót mang một nghiệp chướng như tôi thì mới cảm thấy nơi đây, vào lúc trời chiều này là cả một thiên đường, Không gia như say, cảnh vật như say, ông mặt trời cũng như say, thì lẽ nào một kẻ luôn yêu thích, luôn chắt chiu những nét đẹp của đời sống cho lâng lâng một cõi tâm hồn lại không say. Thường thì tôi ra đây dể tìm cho mình một cõi riêng, dù tạm bợ, nhưng cũng đủ cho tôi hóa giải những ưu tư, băn khoăn hoặc rối rắm trong lòng. Thật quá rẻ khi chỉ bằng giá một ly cà phê mà lai mua được nhiều đến thế.

Mọi lần tôi vẫn thao túng sự tự do của mình cho đến khi chiều sẫm, khi bóng hòang hôn đã dang rộng vòng tay ôm chòang vạn vật. Nhưng hôm nay, khoang trời tự do của tôi bị phá vỡ, hay nói đúng hơn là cõi riêng của tôi có sự đột nhập của một kẻ lạ mặt. Óai oăm ở chỗ tôi không thể trưng ra cái quyền sở hữu đặc biệt này, lạ nữa là hình như tôi cũng không có tí ti ý định trục xuất hắn thì phải. Hắn ngồi hơi chênh chếch hướng tôi, nên tôi chỉ có thể nhìn hắn theo chiều nghiêng nghiêng. Tôi tò mò quan sát hắn, chỉ riêng một chi tiết ngồi nắm cảnh với một cặp mảnh chai màu rêu đậm sù sù rên mắt đã đặt cho tôi một dấu hỏi to tướng rồi. Ai lại phí hòai một cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ thế mà lại nhìn qua một lăng kính tối sầm sầm. Vì sao thì chắc tôi có thể tìm được lời giải đáp sau.

Hắn có một mái tóc dài, tuy khỏang cách hơi xa, nhưng tôi vẫn có cảm giác là êm và mượt lắm, hẳn là hắn rất siêng xem chương trình truyền hình quảng cáo dầu gội đầu lắm. Khuôn mặt hắn, dù chưa có điều kiện ngắm chính diện, tôi vẫn có thể cam đoan rằng khá xinh. Nếu nhễm bệnh nghề nghiệp một tí, chắc tôi sẽ tả mũi hắn cao, mắt hắn trong, và đôi môi thì chắc chắn phải hồng, vì thay vào cái màu hơi thâm thâm khói thuốc như tôi, sẽ là môt chút son phơn phớt, nếu là lọai son gió nữa thì khỏi nói, chỉ cần thoa nhẹ, khi gặp gió sẽ dậy lên một màu hồng tươi diệu đàng. Người hắn hơi mảnh, vì chiếc ghế hắn ngồi vẫn còn thừa một khỏang ( chắc đủ chỗ cho tôi dấy nhỉ). Mảnh hồn hoang của tôi hôm nay lại ngoan ngoãn chịu ở nhà, và nó đang bận rộn giải trình hiện tuợng. Lý do gì mà hắn có mặt ở đây vào giờ này nhỉ ? Bởi là giờ cao điểm của “thiên chức” mà. Hay hắn có mẹ để nhõng nhẽo, có chị để cậy nhờ ? Không lẽ hắn có cùng một lý do như tôi ? Ờ mà sao tôi bỗng nhiên vô lý thế ? Có thế nào thì cũng là việc của hắn, liên quan gì đến tôi. Chẳng qua cái tính tò mò và hay lan man tâm tưởng làm vấn víu cái thằng tôi ấy mà. Nghĩ thế, nhưng tôi lại chẳng thể bứt khỏi sự suy tư về nhận vật lạ ấy. Bẻ gãy bao giả thiết, tôi vẫn không thể nào chọn được một sự lý giải mà có thể cho rằng hợp lý nhất, về thủ phạm phá vỡ cõi riêng và gieo cho tôi những vẩn vơ khó hiểu. Chỉ có mỗi một cách là nhấp nhấp đôi chân, băng qua những dãy ghế, đến gần với một lời hỏi han thật lịch sự. Nhưng cái ý định đó cứ chùng chình trong tôi, đường đột mà đi hỏi han một người chưa quen biết với những câu không đầu không cuối thì quá là vô duyên, vô lý. Vả lại người ấy dường như cũng đang có gĩ ngẫm ngợi lắm thì phải. Suốt bao lâu mà tôi chả thấy lắc lư tẹo nào, cũng chả thèm nhích cái tia nhìn sau cặp “Rạng đông” kia sang hàng xóm tí cho tôi có cớ gật đầu chào làm quen. Mà thôi, đừng nghĩ ngợi vớ vẩn nữa, nếu người ta đã muốn tĩnh lặng một mình, thì sự quấy rầy, cho dù là rất lịch sự đi nữa, vẫn là điều không nên một chút nào. Với mình cũng vậy thôi. Nên những gì mình đã không muốn thì đừng nên đem đến cho người khác, đó là nét văn hóa ứng xử tối thiểu nhất đấy. Tự nhắc nhở mình thế rồi tôi bỗng bật cười, người kia mà biết những gì lủng củng trong tôi nãy giờ chắc buồn cười lắm đấy.

Nắng chỉ còn sót lại vài tia lấp lóe, ông mặt trời đã ngà ngà, những cụm mây đã buông màn rủ trướng cho ông. Mọi lần thì giờ cũng là lúc tôi gửi lại bóng chiều cái chỗ ngồi của mình, nhưng hôm nay thì nán nán một tí nữa, ma ra chút cùng đường ra quầy thanh tóan sẽ tiện làm quen. Bỗng có một cô gái hiện ra trên lối đi, từng bậc bước xuống đến cạnh người ấy ghé tai nói nhỏ điều gì. Tôi như cảm thấy rất rõ sự miễn cưỡng của người ấy khi đứng dậy và đưa tay cho cô gái mới đến nắm. Tôi kinh ngạc đến sững sờ. Chúa ơi ! Hắn – người kia – cô gái ấy là một người khiếm thị. Hai cô gái chầm chậm bước lên từng bậc, từng bậc, bước chân tôi cũng tự nhiên mà đưa theo. Cơn chóang qua nhan, không hiểu tại sao, ma xui hay quỷ khiến mà chiếc xe tôi cũng bon bon sau xe hai cô gái một đọan, rồi tần ngần trước cánh cổng có một màu tím lênh loang của một giàn hoa. Đêm đến, tôi không thể nào dỗ mình vào giấc ngủ. Hình ảnh cô gái khỉếm thị ban chiều cứ ám ảnh, bao câu hỏi cứ chập chờn truy vấn tôi. Có vẻ sự khiếm thị của cô ấy không phải là từ bé, có vẻ như cô ấy đã từng biết khuôn vên cảnh vật của quán cà phê ấy, có vẻ cô ấy có một cảm niệm hay ấn tượng gì khá gắn bó với cảnh trí ấy. Bởi nếu chưa từng, thì không thể nào cô ấy lại đến đấy với một dáng vẻ đầy tâm trạng như vậy. Không chỉ do điều mà thường gọi là “bệnh nghề nghiệp”, mà từ bé, tôi luôn bồi hồi cảm trạng trước những hình ảnh không may của cuộc đời. Tôi trắc ẩn thương tâm cả trước cái chết của những con vật, mẹ tôi thường thở dài bảo “Mày rồi đa đoan lắm thôi con ạ, đàn ông con trai mà yếu đuối tình cảm quá”. Tính tình cũng như những điều bắt đầu cho một đời sống con người đều không phải là sự tự lựa chọn, phải sao thì hay vậy. Cho dẫu khi lớn lên, tôi cũng không đến nỗi ủy mị gì, nhưng so với các bạn trai, tôi sống thiên về sự trầm lắng nội tâm hơn. Đê rồi thầm lặng đi vào một lọai hình công việc mà với những người giỏi tính tóan luôn cho rằng viển vông, hoang tưởng, bềnh bồng mây gió. Một thứ công việc không làm cho cái túi của tôi đầy đặn lên, nhưng luôn đem đến cho đời sống tinh thần của tôi những cảm xúc rất đẹp, những điều mà tôi biết, nếu có tiền cũng chưa chắc gì mua được, và tôi rất trân trọng nó. Còn suy nghĩ của mọi người tôi không quan tâm, vì họ không phải là tôi, làm sao họ hiểu được tâm tư, cảm thức của tôi là gì. Khi đã là môt sự lựa chọn, lại là sự lựa chọn có phần mặc nhận của số phận, thì mặc nhận cả những buồn vui, hay dở, được mất của nó. Tôi vốn không tin vào những khả năng ngòai thực tế, nhưng tôi có một linh giác rất nhạy, trực cảm thường báo trước cho tôi những can hệ, không phải lúc nào cũng đúng, nhưng có thể nói là đa phần dự cảm báo đúng. Nên trong trường hợp này, tôi mơ hồ thấy có một cái gì đó không thể bỏ qua. Hay do sự mẫn cảm thái quá mà tôi cảm thấy vậy chăng ? Không, không hẳn thế. Chỉ với một góc nhìn dơn giản, một suy luận thông thường, cũng có thể hiểu được phần nào những trúc trắc của một số phận, và vấn đề không chỉ từ những gì đã diễn ra, mà còn cả những gì đang tiếp diễn . Bởi bàn chân con người luôn quay những ngón về phía trước, và đôi mắt thì chẳng bao giờ mọc ở sau lưng.

Những ngày sau, tôi vẫn lại qua trước cửa ngôi nhà ấy mà không tìm được cách gõ cửa. Lấy lý do gì chứ ? Và hỏi ai ? Ngay cả một cái tên cũng đang còn mờ mịt. Hỏi vu vơ ngớ ngẩn khéo người ta tưởng mới ở bệnh viện tâm thần mới sổng ra thì khốn. Mà cũng không thấy nhân vật ấy bước ra khỏi nhà để có cớ vờ làm người tốt bụng. Không lẽ chịu bó tay. Cũng đã có lúc tôi đánh rơi ý định, bởi cảm giác mình đang đi vào một chốn lênh đênh lãg đãng, không có ý nghĩa rõ rệt, không có mục đích rõ rệt, còn nữa, liệu khi có thể tiếp cận rồi, thì thái độ đối diện với vấn đề của nhân vật ấy sẽ thế nào ? Trong một phạm vi đơn thuần nhất, người ta vốn muốn tự điều chuyển lấy những vấn đề của cá nhân, không muốn có sự can thiệp, chi phối và tác động một cách trực tiếp và cụ thể từ những người chung quanh. Một tâm lý cá nhân nhất trong bản thể con người, chỉ ngọai trừ những khả năng ngòai tầm chủ động, thì người ta mới buộc phải chấp nhận một giải pháp ngọai vi. Lại càng khó khăn hơn khi với một người hòan tòan xa lạ, lại càng phải dè chừng với bao ý đồ bất hảo, nhất là với một tình trạng thiếu khả năng tự vệ. Nhưng vẫn cứ canh cánh trong tôi một hình ảnh mà tôi biết, tôi sẽ không thể tự giải thóat khỏi nó nếu không bắt tay vào một cái gì. Và rồi, trong cái khó tất ló cái khôn. Tôi vui mừng tự thưởng cho mình một ấm trà ngâu thơm phức. Từ đó, mỗi chiều chiều đến quán Yên Nhung cũng có một vật biết lên tiếng theo tôi. Cô chủ quán ngạc nhiên :

_ Anh định làm chàng nhạc sĩ lang thang đấy à ?

_ Thế cô có nhu cầu tận dụng không ?

Nụ cười thay cho câu trả lời. Vẫn chỗ ngồi quen thuộc với những chiều trông đợi, tôi có một niềm tin gần như chắc chắn sẽ gặp lại cô gái ấy. Sự kiên nhẫn luôn là một yếu tố cần thiết trong nhìều cảnh trạng, nhất là với sự chờ đợi. Thế rồi niềm tin và lòng kiên nhẫn đã giúp tôi đạt được kết quả. Một chiều, tôi khẽ reo thầm khi nhìn thấy hai cố gái trên những bậc thang dìu nhau xuống, có vẻ họ là hai chị em. Khi đưa cô gái khiếm thị vào chỗ ngồi rồi, cô em ghé tai nói nhỏ câu gì với chị với chị rồi trở lên. Sau khi phục vụ đem thức uống đến, cô gái lại buông mình vào sự trầm mặc. Bấy giờ tôi mới từ từ nhả tơ. Tôi cố tình chọn những bản nhạc buồn, cổ điển, có giai điệu nhẹ và sâu lắng, những bản nhạc có âm giai rất hợp với giutar. Tiếng đàn tôi vẫn thường được bạn bè khen là rất có hồn, thì giờ là lúc tôi thử nghiệm chính cái hồn của nó. Ban đầu hầu như cô gái không buồn chú ý đến, tuy có hơi một chút động tĩnh. Có lẽ cô cho răng một gã lãng tử dở hơi nào đem chút tài lẻ của mình ra khoe chăng ? Nhưng cổ nhân đã đúc kết rồi “nước rên siên siết thì đá tảng cũng phải mòn” huống nữa là màng nhĩ mỏng manh của một con người. Mà cũng đố ai thờ ơ được, khi trong chiều thanh tịnh, gió hiu hiu man mát, hương thơm dìu dịu từ các lòai hoa tỏa nhẹ, tiếng róc rách khe khẽ từ con suối xa vọng lại, hòa âm cùng trầm bổng điệu đàng , thì tâm hồn không lao xao hòai mặc hoặc có là gỗ đá vô tri mà thôi. Phán đóan sự chuyển bíến qua một vài biểu hiện cho dù khá kín đáo của đối phương , tôi biết tôi dang đi đúng hướng. Thế rồi, ngày một ngày hai, không một lời hò hẹn, không một câu nhắc nhủ, nhưng gần như cô gái không vắng mặt chiều nào, điều này rõ ràng đã gây sự thắc mắc cho cô gái dẫn đường, và cô này ném cái nhìn hòai nghi, có phần nào như cảnh báo về phía tôi, khi nhận thấy khỏang cách của hai chỗ ngồi ngày càng cố tình ngắn hơn. Tiếng đàn của tôi ngày càng phát huy tốt tác dụng, nó đang nghiễm nhiên được một sự chấp nhận thầm lặng, và hẳn nó cũng đang đặt ra một số câu hỏi trong sự châp nhận ấy. Và rồi, cái gì đã trở thành một thói quen, thì khi vắng đi, người ta sẽ cảm thấy trống vắng và mong đợi.

Để chiều nay, cây đàn vẫn đó nhưng thanh âm của nó thì nhường chỗ cho sự sắp đặt có chủ ý của tôi. Khỏang cách giữa tôi và cô gái bây giờ chỉ là một cái bàn, nhưng dẫu sao nó cũng còn là một phân ranh đáng kể khi chưa được quyền vượt ngưỡng. Sau một lúc như chờ đợi, sự thông minh và nhạy cảm giúp cho cô gái đóan hiểu tình thế. Tôi chắc chắn điều đó qua khóe miệng khẽ cử dộng. Tôi vẫn cố tình nhường quyền chủ động cho đối phương. Khách đã gõ cửa, nhưng có mở hay không là tùy chủ nhân chứ. Và rồi…

_ Nếu đã cố tình, sao còn ngần ngại ?

Chủ nhà đã mở cửa rồi, còn đợi chờ gì nữa ?

_ Rất cảm ơn vì đã nhã ý tạo cơ hội cho tôi được làm quen. Nếu không có gì bất tiện, có thể cho tôi ngồi cùng bàn dược chứ ?

Một cái gật nhẹ. Cây giutar bây giờ chễm chệ một mình một bàn. Câu chuyên rất mau chóng lướt qua cái cầu xã giao, mau chóng trở nên thật tự nhiên và cởi mở, có lẽ vì chúng tôi đã “nói” với nhau nhiều rồi. Thì ra, cũng như tôi, cô gái cũng cảm giác một điều gì đó như thân quen, nhưng không phải từ cái nhìn đầu tiên, mà là từ tiếng đàn đầu tiên. Con đường ngắn nhất để con người có thể đến với nhau là chạm được vào một sở thích của miền tâm cảm. May mắn cho tôi đã tìm được đúng đường. Nỗi niềm chất chứa dã bao ngày, nay mới có dịp được thổ lộ trong một tâm trạng đầy xúc cảm.

Cô tên là Diệu Anh, lẽ ra đã có thể là một họa sĩ tài năng trong tương lai nếu con đường từ nhà đến cổng trường Văn hóa Nghệ thuật không bị cắt ngang bởi một tai nạn giao thông. Mọi thứ đổ sụp trong cô khi biết mình đã qua cơn nguy hiểm tính mạng nhưng lại mất hòan tòan khả năng thị giác. Thế giới đầy màu sắc tươi tắn quanh cô đã vĩnh viễn khép kín. Dù gia đình cô đã cố gắng hết sức những sự phát triển của y học vẫn không giúp gì được trong trường hợp này. Đã nhiều lúc trong cơn tuyệt vọng, Diệu Anh nghĩ mình thà chết đi còn hơn, nhưng những gnười thân quanh cô đâu dễ dàng để cho cô thực hiện ý định. Tâm trạng cô bức bối, hỏang lọan tưởng chừng như đến phát điên lên, khi bản thân bất lực đến không thể tự quyết cho mình môt việc gì dù nhỏ nhất. Không ít lần cô mất kiềm chế và đập phá tất cả những gì mà cô vớ được. Mọi sự an ủi, động viên đều không tác dụng. Cho đến một lần, mẹ cô đâu đớn gào lên “Con ơi ! Giá mà mẹ mù thay con được thù mẹ cũng sẵn lòng. Trời ơi ! Mẹ biết phải làm gì cho con đây ? Nhìn con thế này, mẹ đứt từng khúc ruột, con ơi !”. Câu gào khóc của mẹ đã dánh thức cô. Cô đau xót nhận ra cô đang làm khổ tất cả mọi người, trong khi bản thân lại không giúp gì được cho ai. Một thực tế phũ phàng và khắc nghiệt, nhưng không còn cách nào khác là cô buộc phải chấp nhận nó. Khi nhận thức được điều này, cô thu mình vào lặng lẽ. Để tự hóa lấy mình, để người thân bới phần lo lắng, và cũng để tìm ra cho mình một hướng tới, cô nhờ em gái thi thỏang dẫn mình đến quán cà phê này. Đây là nơi khi xưa cô rất yêu thích, và cũng là nơi cô dự định làm tác phẩm tốt nghiệp của mình.

Sau một chuỗi dài tự sự, Diệu Anh dừng lời, nơi khóe mắt run run hai giọt nước, tôi cũng lặng đi. Giây lát, Diệu Anh buồn bã nói thêm :

_ Chắc anh cũng thấy nơi đây thật tuyệt phải không ? Ngày trước, ước mong lớn nhất của tôi là đưa được cảnh sắc nơi đây vào tranh của mình. Thế mà…

Tôi vẫn không thể nói gì. Trong cuộc đời nhiều long đong trúc trắc này, con người ta không thể nào biết trước đuợc những biến cố ập đến cho mình vào lúc nào, và hòan tòan mất khả năng kháng cự khi nó ập đến. Để tiếp nhận và vượt qua được nó thật không dễ dàng một chút nào. Đôi mắt lại gần như đóng vai trò chủ động trong đời sống. “Thứ nhất đau mắt, thừ nhì nhức răng”. Chỉ mới là đau thôi, mà người ta đã liệt nó vào hàng thứ nhất của sự khó chịu, huống là mất hẳn, có khác nào một tấm màn đen phủ kín cả cuộc đời. Đôi mắt của Diệu Anh lại là mọt đôi mắt của người họa sĩ. Một đôi mắt biết cảm thụ vẻ đệp của những màu sắc, biết ghi nhận những lung linh huyền ảo của cuộc sống, hẳn đôi mắt ấy xưa kia cũng đã rất sáng trong, nồng nàn khi gửi trao những yêu thương cuộc đời. Vậy mà…Với một cô gái coa vóc người mảnh khảnh, có cuộc sống nội tâm phong phú, có một trái tim luôn thiết tha những cúc cảm, thì làm sao tránh khỏi sự đột quỵ trước một cú sốc quá lớn như thế. Nói gì với cô đây ? Những lời mang tính lên dây cót chỉ đem lại những phản cảm. Lại còn như khóet sâu vào vết thương khi người nghe có cảm giác là đang bị thương hại. Trong cô lúc này không còn sự tự tin, hy vọng, niềm tin yêu vào cuộc sống, mà chỉ có một áp lực tư tưởng rất lớn “Mình đang là gánh nặng cho mọi người”. Để cấy lại cho cô niềm vui sống, yêu đời, là một điều hết sứa khó khăn. Lấy gì làm chiếc gậy cho cô chống qua cơn bão lớn của cuộc đời ? Liệu tôi có làm được gì ? Hay rồi chỉ biết buông vài ba câu trắc ẩn ?

“Gặp gỡ là duyên, vương mang là nợ” Vốn dĩ con người ta gặp nhau trên cõi đời này thì phải có đủ cả nợ lẫn duyên. Một thời khác của định mệnh đã dẫn dắt phần số của những con người lồng vào nhau, để có thể đem đến cho nhau những buồn vui, khóc cười, những điều đã làm nên bản chất của cuộc đời này. Để tuơng hòa được với nhau trong bao lâu thì tùy thuộc vào độ dài ngắn của những nợ duyên ấy.

Nếu tự coi mình là một cái phao thì thật là một điều càn rỡ. Nhưng tự đáy lòng mình, chẳng biết có gì thôi thúc, mà tôi tự hứa sẽ cố làm được cho “Em” một điều gì đó. Bởi nếu tôi quay gót, vội vàng thối lui trước một chiếc thuyền con đang chòng chành con nước số phận, thì khác nào một con sóng có thể nhấn chìm, có thể dập tắt một chút lửa còn le lói trong một cõi lòng, ít ra tôi cũng xin được làm một thanh củi mục. Cho dù ngay lúc này tôi chưa thể nghĩ ra được phương cách nào khả dĩ, nhưng có lẽ rồi sẽ phải có, tôi tin chắc chắn là thế. Bởi đa số những phúc phận đời người không phải là vô nguyên bất lý. Nó đã từng có mấu chốt để khởi thủy, thì rồi nó sẽ phải có một đường diễn tiến, để tất yếu đi đến một kết cuộc nào đó, hay dở, nên hư , phần nhiều tùy thuộc vào khả năng nhận định và điều vận của mỗi người. Rốt cục, cây guitar một lần nữa trở thành điểm bấu của tôi, biến tôi thành một nhạc sư bất đắc dĩ cho em. Thường thì những ai có chút hồn nghệ sĩ đều khó bỏ ngòai tai cái âm giai trầm bổng, thanh thóat, trữ tình của tiếng đàn giuar. Em cũng không ngọai lệ, mà với người khiếm thị thì sự tinh nhạy gần như dồn hết cả vào đôi tai và đôi tay. Cũng may là trước khi bị tai nạn, Diệu Anh đã từng thử qua nhạc cụ này, nên một phần cơ bản em đã nắm được. Trí nhớ rất tốt của em đã có dịp phát huy tối đa. Chỉ khác lọai hình thuật nhưng nìềm đam mê thì như nhau. Diệu Anh dần bị cuốn hút vào thế giới âm thanh cũng say mê không khác gì thế giới màu sắc của em trước kia. Nỗi vui mừng của tôi trào lên khi một hôm em cất tiếng hát hòa cùng cung đàn. Giờ thì không những tôi, mà cả em cũng quyết tâm tìm lại mình trong lĩnh vực mới. Khi vốn liếng âm nhạc hạn hẹp của tôi hết nhẵn, tôi đưa em đến một vị nhạc sư nổi tiếng về môn giutar. Vị nhạc sư này cũng hết sức chăm sóc trường hợp đặc biệt của em. Thời gian là con dấu đỏ đóng lên sự quyết định của mọi vấn đê. Lĩnh hội được tất cả những kỹ năng cần thiết của nhạc thuật, cộng thêm nét sáng tạo và sự nhạy cảm của riêng mình, tiếng đàn của em ngày càng điêu luyện. Khỏi nói, những người thân của em vui thế nào khi thấy em dần trở lại là một Diệu Anh tươi tắn, yêu đời trước kia.

Cả hội trường đông nghẹt, lặng phắc theo tiếng dàn đầy ma thuật của Diệu Anh. Từng cung bậc biến tấu lúc cao trào, lúc trầm, lúc lặng theo những ngón tay nhịp nhàng thoăn thoắt của Diệu Anh lướt trên cần đàn. Đến lúc này tâm trạng tôi mới tạm bình ổn. Trước buổi biểu diễn, Diệu Anh hồi hộp một thì tôi lo lắng mười. Bao nhiêu kỳ công có nên cơm cháo gì không là trông cả vào lúc này. Bởi chốt diểm cuối cùng để đưa em trở lại với tin yêu, hòa nhập cùng cuộc sống, vững tin vào tương lai của mình, gần như tùy thuộc hòan tòan vào những tràng vỗ tay của quý vị khán giả này đây. Chỉ cần một sơ suất khiến em lỗi mất một nhịp nào đó, em mất bình tĩnh và tự tin thì tình thế không còn gì cứu vãn được nữa. Nhưng kìa, tràng vỗ tay đã nổi lên rồi, thật to và thật lâu. Và hoa, hoa nhiều đến nỗi em ôm không xuể . Phải đợi một lúc cho vòng người giãn bớt tôi mới đến được bên em. Vừa nghe tíếng tôi “Chúc mừng em”. Diệu Anh vụt òa khóc, úp mặt vào ngực tôi thổn thức “Anh ơi ! Em sống rồi” Tôi ôm chặt lấy em, chẳng rõ nước mắt em hay nước mắt tôi mà nhòe nhọet hết cả. Mẹ em đứng lặng sau cánh gà, nước mắt bà cũng ướt đầm hai má. Người mẹ nghẹn ngào chứng kiến phút hồi sinh của con gái mình. Tôi dìu em dến thả vào lòng người, một khỏanh khắc thinh lặng, thiêng liêng và rất đỗi ngọt ngào …