Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







THƯƠNG MẸ



   C ó lần, bà Phi đã nghe một người bạn già nói:

-Người ta bảo trong đời mỗi người ít nhất cũng nên có một lần bệnh nặng. Thật nặng, bà chị ạ! Sẽ “ngộ” ra nhiều điều hữu ích lắm…

Bà Phi chỉ mỉm một nụ cười xã giao, không đồng tình cũng không phản đối để khỏi mất lòng người bạn.

Làm gì có ai mong mình bệnh nặng, dù chỉ một lần trong đời? Hơn nữa, trên đời chẳng có điều gì là đúng tuyệt đối cho mọi trường hợp cả. Cũng còn tùy hoàn cảnh, từng cá nhân chứ!

Dù sao, câu nói ấy cũng ít nhiều khiến bà Phi băn khoăn: “Lỡ bây giờ mình bệnh nặng, con cái đối xử thế nào đây?”

Bà Phi có hai con, một trai một gái. Con gái từ ngày lấy chồng về làm dâu ở một tỉnh xa, đi lại khá vất vả. Gia đình chồng có mở một quán ăn nên cô bận rộn từ sớm tới khuya với việc nấu nướng, bưng bê, rửa dọn. Mỗi năm quán ăn chỉ đóng cửa nghỉ chiều 30 và ngày Mồng Một Tết. Non bốn chục giờ đồng hồ trôi vèo, mắt chưa hết cay, tay chân chưa bớt mỏi đã lại tất bật bắt đầu vào chu kỳ cho năm mới.

Vì vậy, họa hoằn con gái mới có chút thời gian rảnh để về thăm mẹ ruột. Thỉnh thoảng có gọi điện thoại hỏi thăm cũng vội vàng, hấp tấp.

Con trai thì ở gần mẹ nhưng là nhà xây trên miếng đất được bố mẹ vợ cho. Vì thế bà Phi thấy “ngại” khi đến nhà con trai, còn vợ của con trai cũng “ngán” gặp mẹ chồng.

Cứ thế mà mẹ con hóa xa cách. Sự xa cách vô hình nhưng bền bỉ, lâu dần thành quen, chẳng còn là nỗi băn khoăn lớn nữa.

Được hai con chu cấp tiền bạc chu đáo nên bà Phi có điều kiện thường xuyên tham gia các chuyến du lịch hoặc hành hương với những ban già có cảnh ngộ tương tự như bà. Với người cao tuổi, các chuyến đi như thế là nguồn an ủi, là niềm vui nâng đỡ hữu hiệu tinh thần họ.

Nhưng cái gì lặp đi lặp lại mãi cũng thành đơn điệu và nhàm chán, chỉ giúp khuây khỏa đôi phần chứ không thể lấp đầy khoảng trống hun hút. Càng ở nơi đông đúc, bà Phi càng cảm nhận mình quạnh quẽ. Nhìn bất cứ đứa trẻ nào líu ríu bên chân mẹ, bà lại ngậm ngùi nhớ đến con, nghĩ về con.

Thậm chí, đôi lần bà còn lẩn thẩn tự hỏi: sao các con không mãi nhỏ bé như thế, để vẫn luôn quấn quít bên bà? Hỏi rồi lại tự trách mình lẩm cẩm: có cái cây nào không khởi đầu từ hạt mầm nõn lá mỏng manh, theo tháng năm vươn lên mới thành cổ thụ? Những đứa con đã trưởng thành, có gia đình riêng, có công việc riêng, có vô số nỗi lo toan lớn nhỏ; mắt và chân phải luôn hướng về phía trước, làm gì còn đủ thời gian để ngoái về sau?


**

Hôm ấy có một đoàn bác sĩ về địa phương tổ chức buổi khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi.

Cô bác sĩ trẻ đặt ống nghe ngực và lưng bà Phi rất kỹ, rồi dè dặt khuyên bà sớm vào bệnh viện chuyên khoa kiểm tra lại. Nhìn đôi mày cô bác sĩ chau lại đầy nghi ngại mà lời khuyên thì thận trọng đắn đo như phải cân nhắc lắm, bà Phi đâm chột dạ, hoang mang, mau chóng làm theo.

Tại bệnh viện, bác sĩ nghi ngờ phổi bà Phi có một khối u nên buộc bà nhập viện theo dõi. Từ lâu, hai tiếng “khối u” dù nghe đã quá quen thì vẫn đáng sợ như quả bom chờ nổ, đe dọa một tàn phá khủng khiếp.

Bà Phi choáng váng. Hai con càng choáng váng hơn. Mẹ con đều ngỡ ngàng, không tin: Mẹ đang khỏe mạnh thế, không triệu chứng gì, tại sao lại…?

Sau cơn choáng váng, họ dần bình tĩnh lại để nhớ ra cũng đã có nhiều trường hợp như thế. Đợi khi phát triệu chứng thì bệnh đã vào thời kỳ nguy hiểm mất rồi. Phải chăng những bi quan từ lâu âm thầm gặm nhấm bào mòn đã tiếp điều kiện cho các tế bào đột biến sinh sôi?

Hai người con lập tức gác tất cả việc riêng lại, tạm rời gia đình nhỏ của mình để tập trung chăm sóc mẹ. Họ xin chuyển bà Phi sang nằm phòng tốt nhất, tiện nghi chẳng kém khách sạn là mấy, mặc cho bà phản đối vì xót cái giá dịch vụ cao chót vót. Con trai còn dự định một kế hoạch để sau một thời gian mà bệnh không có dấu hiệu giảm, anh sẽ thu xếp đưa mẹ sang Singapore chữa trị.

Họ thay phiên túc trực trong bệnh viện, chăm sóc mẹ tận tâm. Không tiếc tiền. Không nề hà. Không than vãn. Mua món ngon vật lạ ép mẹ ăn, dỗ mẹ ngủ như dỗ trẻ! Khiến bà Phi bất ngờ và cảm động quá.

Không ai nói ra mà cả mẹ cả con cùng ngấm ngầm ân hận.

Nỗi ân hận của bà Phi là lâu nay đã hiểu sai về con nhiều quá. Chúng rất thương mẹ chứ không vô tâm, tệ bạc. Chỉ vì cơm áo gạo tiền đè nặng buộc chúng phải luôn bận rộn quay cuồng, không có nhiều thời gian dành cho bà thôi.

Con gái ân hận khi kiểm lại thiếu sót của mình. Cô nhận ra, từ khi lấy chồng rồi thì chỉ chồng con mới là tâm điểm trọng yếu của đời cô.

Nghĩ đến thời gian tồn tại của mẹ đang được đếm ngược, có thể còn rất ít ỏi, cô sợ hãi. Cô nhớ lại bao chăm sóc yêu thương vẫn nhận từ mẹ. Chẳng phải chỉ những ngày cô còn thơ bé dại khờ, mà sau này, lúc cô sinh đẻ hay mỗi lần cháu ngoại ốm đau, mẹ không quản ngại vất vả thế nào. “Cháu bà nội, tội bà ngoại”, ai đã đúc kết như một chân lý luôn đúng. Phải chăng vì mẹ lúc nào cũng có sẵn, chưa kịp ới đã xuất hiện như một sự đương nhiên, nên “quen quá hóa nhàm”, nên con không còn nhìn ra giá trị?

Con trai ân hận đã vô tâm để mẹ mang căn bệnh chết người từ bao giờ mà cũng không hay. Lần nào anh ghé về, mẹ cũng sấp ngửa nấu món này món khác cho ăn, anh yên chí mẹ còn khỏe lắm. Mẹ luôn còn đó, như cái tủ cái bàn tuy có cũ kỹ mà vẫn vững bền, hữu dụng.

Chuyện khiến con trai ân hận hơn cả, là thời gian anh xây nhà riêng: buổi trưa, đội thi công kéo nhau ra quán ăn cơm rồi nhân tiện mượn chủ quán chiếc võng nằm chợp mắt. Xi măng, sắt thép, gạch đá… bỏ ngổn ngang ở bãi đất trống. Con trai sợ kẻ xấu đánh cắp vật liệu nên nhờ bà Phi đến trông hộ cho anh chạy về nhà vợ ăn cơm. Giữa trưa trời nắng gắt, trên bãi đất trống trơn, bà Phi đội cái nón lá một mình ngồi đó, im lìm chẳng khác con bù nhìn giữ ruộng dưa. Bà cứ ngồi như thế, chân tê, lưng đau, cổ mỏi… cho đến giờ các nhân công quay lại bắt đầu ca làm việc buổi chiều. Bà còn thấy vui vì được góp chút công lao nhỏ bé xây dựng mái ấm riêng của con.

Con trai cũng nhớ ra: công việc bận quá nên anh ít thời gian về thăm mẹ. Có về thì lần nào cũng vội vàng, ngắn ngủi. Giờ thì anh hiểu, công việc rồi sẽ luôn tiếp diễn, chứ mẹ thì không! Mẹ có thể rụng nhanh như chiếc lá sau cơn gió thoảng, có thể như bong bóng nước vừa dập dềnh đó mà đã mau chóng biến mất dưới hạt mưa rất nhẹ.

Hai người con cũng nhớ lại: lâu rồi chưa cùng mẹ đi chơi đây đó. Luôn luôn vợ chồng con cái họ đi với nhau. Luôn luôn mẹ đi với những người bạn già của mẹ. Rồi ngay cả dịp sinh nhật hàng năm, họ tổ chức ăn mừng trong gia đình riêng của mình, vô tình lãng quên mẹ mới chính là người tạo ra cho mình cái sinh nhật đó!

Sau những ân hận là những quyết tâm của mẹ và con.

Con âm thầm quyết tâm: sẽ quan tâm đến mẹ, sẽ gần gũi mẹ hơn, sẽ làm cho mẹ những gì mẹ thích -cả những gì trước kia chưa nghĩ ra hay chưa có thời gian để làm… Chắc chắn thế!

Mẹ âm thầm quyết tâm: sẽ thấu hiểu, sẽ bao dung, sẽ thương yêu con hơn nữa… Nhưng điều này chẳng có gì chắc chắn! Bởi còn thương yêu nào chưa tròn đầy để mẹ cần bổ khuyết đây?

Bên cạnh cú “sốc” án tử treo lơ lửng trước mắt, bà Phi cảm nhận hạnh phúc ngọt ngào từ tình thương hai con dành cho. Bà thấy mình may mắn, không còn sợ hãi lão Tử Thần đang lấp ló vẫy bà. Ngẫm cho cùng, có ai không chết? Chẳng sớm thì muộn thôi.

Bây giờ bà Phi công nhận câu người bạn đã nói hôm nào rất chí lý. Không vướng căn bệnh nguy hiểm thì bà không biết rõ lòng con, nhất là đâu biết rằng bà đang may mắn hơn chán vạn bà mẹ khác?


***

Cuối cùng, những xét nghiệm và sinh thiết của bà Phi đều cho kết quả âm tính. Không phải khối u, chỉ là dấu vết một viêm nhiễm thôi. Nên sau đợt kháng sinh điều trị, bà được xuất viện.

Gánh nặng đang đè trên vai rơi xuống, mẹ và hai con ai về nhà nấy, quay lại cuộc sống quen thuộc và tẻ nhạt trước kia.

Bà Phi lại cùng những người bạn già tham gia một chuyến hành hương tận đất Quảng xa xôi. Con trai tiếp tục công việc phải tạm gác những ngày qua. Con gái lại tất bật lao vào nấu nướng, bưng bê, rửa dọn từ sáng tới khuya trong quán ăn của nhà chồng. Một năm, quán ấy chỉ đóng cửa nghỉ bán chiều 30 và ngày Mồng Một Tết.

Rồi cũng như trước kia, thỉnh thoảng mẹ và con có gặp nhau thì lần nào cũng vội vàng, ngắn ngủi. Cuộc mưu sinh với cơm áo gạo tiền chật vật và bấp bênh lắm, không như mẹ luôn còn đó, có cũ kỹ già nua đôi chút mà vẫn vững bền, hữu dụng…



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn .