MỘT THOÁNG THÀNH VAR -
NGÀY BUDAPEST
M ùa hè năm ngoái, nhân dịp dì ruột sang thăm, cả gia đình mình quyết tâm đi Budapest một lần để thăm thủ đô của Hungary – nơi được mệnh danh là “Paris phương Đông” hay là “hòn ngọc của sông Danube”. Một phần vì mình rất tò mò muốn khám phá thêm phía bên đông Âu (trước đó mình mới chỉ thăm Ba Lan và Sec), một phần vì mình khao khát một lần được tận mắt nhìn thấy dòng sông Danube trong tác phẩm nổi tiếng “Dòng Danube xanh” của nhạc sĩ người Áo Johahn Strauß mà từ lâu mình đã thuộc phần đặt lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy và hay nghe đi nghe lại bài hát này qua giọng hát Thái Thanh: “Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh, một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp, một dòng trời xao xuyến,…Những cô em tươi môi, ngồi giặt yếm yên vui, thả ý thắm theo người chở gió về xuôi…”. Nghĩ là làm, mình tìm qua mạng, đặt thuê một căn hộ cho 4 ngày 3 đêm với giá phải chăng từ một người tên là Luca với cam kết rằng sẽ có một người tên là Gabriel sẽ đón nhà mình ở nhà ga chính theo giờ đã hẹn. Người Hungary có vẻ rất biết khai thác du lịch. Trang web cho thuê phòng, thuê nhà của họ rất chuyên nghiệp, không yêu cầu phải trả tiền trước qua thẻ đồng thời phản hồi rất tốt và nhanh chóng qua email.
Chuyến đi chưa bắt đầu thì đã mang tính phiêu lưu. Sau vài ngày chơi ở thành Viên, nhà mình đi ra xe buýt để sang Budapest thì bị hụt chuyến. Hụt chuyến xe buýt đồng nghĩa với việc sẽ bị lệch giờ hẹn đã trao đổi với Luca, đồng thời gây bối rối chưa biết phải xử lí thế nào. Cuối cùng, vì từ Viên sang Budapest khá gần nên nhà mình quyết định ra nhà ga chính của Viên, mua vé tàu đi trực tiếp sang Budapest. Trước khi mua vé, mình gọi điện cho Luca để kể về sự cố, người này thông cảm và bảo tầm nửa tiếng đồng hồ trước khi đến nơi thì gọi lại cho họ để họ sắp xếp cho người ra đón. Ngồi trên tàu, Hoàng Long hay quấy phá khiến mình phát ngại với mọi ngừơi xung quanh, nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn. Sắp đến nơi, mình lại gọi lại cho Luca. Anh ta bảo rằng bây giờ nhà mình sẽ phải từ nhà ga chính, đi xuống tàu điện ngầm rồi đón tàu về trạm Nyugati, sau đó leo lên, đi theo hướng đường X, qua mấy ngã tư Y thì sẽ có một bạn gái tên là Gabriel đợi sẵn trước cửa số nhà Z. Hic, mình nghe mà choáng hết cả đầu vì vốn ko định hướng giỏi về đường, bèn bảo Luca vui lòng nhắn tin lại, rồi mình đưa cho anh Trà dò bản đồ. Lay hoay mãi, cuối cùng đến tối cả nhà mình cũng đã lò mặt lên được khỏi ga điện ngầm Nyugati.
Kể một chút về tàu điện ngầm ở Budapest. Đây là hệ thống tàu điện ngầm cổ nhì thế giới (sau tàu điện ngầm của Anh) được xây dựng sớm từ thế kỉ 19. Budapest thực sự có hệ thống tàu điện ngầm hết sức hoành tráng, tiện lợi, đồ sộ, sâu hun hút rất là ấn tượng. Bên dưới đường hầm được trang trí khá đẹp. Tàu cũ, khổ rộng, lọt lòng tầm hai mét. Vì cổ như thế nên tàu trông cũng có vẻ cũ kĩ, mà ấn tượng nhất là mấy cái cửa, nó cứ đóng sầm sập hệt như cái máy chém khiến cho bé Hoàng Quân nhà mình hết hồn (và tất nhiên mẹ nó thì cũng vậy). Về sau, nhờ một cô Việt kiều người quen mà mình biết thêm Ga Deak Ference là ga trung chuyển, từ ga trung chuyển này có thể tìm tàu đi toả ra khắp nơi. Bên dưới các khu tàu điện ngầm đều có máy bán vé tự động với rất nhiều thứ tiếng, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hung…nên rất thuận tiện cho khách hàng mua vé. Nó cũng có các dạng vé nhóm, vé ngày (1 ngày, 3 ngày, tuần), một số loại vé ưu tiên gần giống kiểu bên Đức nên dò một lát, nhà mình quyết định mua dạng vé cho cả nhóm theo ngày. Khác với bên Đức chỉ lâu lâu mới có người soát vé xác suất trên tàu, tàu điện ngầm ở Hungary lại luôn có người đứng soát vé ở nơi lên và xuống trạm tàu (chỗ dập vé). Có vẻ như là mức độ phát triển của xã hội và tính tự ý thức của người dân là luôn tỉ lệ thuận với nhau.
Vừa từ ga Nyugati chui lên khỏi mặt đất, mình đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của Hungary. Ngay trên mặt đường chỗ ga Nyugati đã có ngay một công trình kiến trúc rất đẹp, có vẻ đẹp pha lẫn Á- âu. Nó vừa có những đỉnh ngọn liên tục theo môtip của kiến trúc Gothic, lại vừa có mái vòm tròn mang những nét gì đó rất phương Đông, tựa như các lâu đài trong truyện cổ tích “Nghìn lẻ một đêm” vậy. Hầu như các công trình ở Budapest đều mang phong cách như trên. Ngoài ra, còn một số công trình pha trộn nét của kiến trúc La mã. Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến là:
- Toà quốc hội Hungary nằm ở bờ sông Danube với kiến trúc Gothic lộng lẫy, là một trong những tòa quốc hội lớn nhất thế giới với hơn 600 phòng. Dọc theo bờ sông Danube đoạn gần toà nhà quốc hội có nhiều đôi giày được làm bằng sắt để dọc ở bờ sông nhằm tưởng niệm nạn nhân thời chiến tranh thế giới thứ hai đã bị bắt đứng thành hàng bên bờ sông rồi xả súng bắn ngã xuống sông. Trong đó có cả đôi giày trẻ em…
- Đến cầu Sư tử dẫn sang thành Var (thành Buda - Buda Castle). Cầu này tên chính thức là cầu Xích (Chain Bridge), tuy nhiên nó còn được gọi là “Cầu Sư tử không lưỡi” bởi ở bốn góc cầu có bốn bức tượng Sư tử rất đường bệ, ấn tượng và không có…lưỡi. Đây được xem là một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới. Điều quan trọng nhất là nó là cây cầu đầu tiên nối giữa hai miền Buda và Pest. Thành phố Budapest vốn được hợp nhất giữa hai phần là Buda và Pest. Buda nằm ở ngọn đồi bên trái bờ sông Danube, gồm quần thể các lâu đài thành quách cổ, còn Pest là khu vực đồng bằng nằm bên bờ phải của sông Danube. Trước đây, Buda và Pest có những mâu thuẫn căng thẳng với nhau cho đến tận khi được hợp nhất lại vào năm 1873. Cây cầu, do đó, mang ý nghĩa của sự hòa hợp. Cầu Sư tử này dẫn đến quần thể thành Var (thành Buda) – nơi sinh sống và là nơi được coi là biểu tượng của quyền lực phong kiến Hungary nhiều đời trước đó. Thành Buda với quần thể lâu đài (nay thành thư viện quốc gia), thành quách cổ, nhà công cộng, nhà thờ Mathias - nhà thờ lớn thứ hai tại Hungary với phong cách gothik có lợp ngói men nhiều màu và pháo đài Fishermen Bation có bảy chóp tượng trưng cho tộc trưởng bảy bộ lạc. Cảnh quan từ quần thể này nhìn xuống dòng Danube được UNESCO xếp hạng là danh mục di sản thế giới.
- Bên cạnh cầu Sư tử, Budapest còn có tám cây cầu khác bắc qua dòng Danude, trong đó đáng kể tiếp theo là cây cầu Elizabethe mảnh mai màu trắng dẫn đến đồi Gerekte. Cảnh nhìn từ đồi Gerekte xuống dòng Danube cũng tương tự như cảnh nhìn từ thành Var: dòng Danube xanh cong cong soi bóng những vương cung thánh đường lộng lẫy nguy nga như trong những câu chuyện của cổ tích.
- Thánh đường Stephen là nhà thờ lớn nhất tại Budapest (nằm bên phần Pest hữu ngạn sông Danube), thờ bàn tay phải của vua Stephen, là vị vua đầu tiên của Hung được phong thánh năm 1008.
- Quảng trường anh hùng thờ các vị anh hùng đã từng có công với Hungary.
- Cơ man các công trình kiến trúc (bảo tàng, nhà hát…) khác đều đẹp và lộng lẫy, là bằng chứng phản ánh một thời đế quốc Áo – Hung (tồn tại từ 1867 đến năm 1918 với sự trị vì của hoàng đế Áo thuộc dòng họ Hasburg gốc Đức) đã phát triển hùng mạnh thịnh vượng đến thế nào.
Thức ăn đường phố, bánh ngọt của Hungary khá ngon. Con người cũng dễ mến, lịch sự. Có điều hình như hơi cảm tính. Hôm lên khu Fishermen Bation chơi, lúc đứng đợi mọi người (anh Trà, dì mình, 2 bé) đi lên thăm cảnh quan bên trên, mình đứng một mình ở một góc vắng, nhìn ngắm các bức tường thành ở pháo đài cổ và cố gắng hình dung xem người xưa đã sống ở đây như thế nào. Tự nhiên mình bị một bọn người lạ mặt, mặc đồ vest, đeo nơ, nhìn như kiểu người phục vụ hay bồi bàn cho nhà hàng gần đó, quây xung quanh và chọc ghẹo sỗ sàng. Mấy năm sống ở châu Âu, mình chưa từng chứng kiến chuyện như vậy, vì đa phần người tây có văn hóa cao và rất lịch sự. Thấy trời đã nhá nhem tối, chỗ mình đứng lại vắng vẻ, mình vội đi như chạy ra khỏi chỗ ấy, hướng về phía có du khách. Sau lưng còn nghe văng vẳng tiếng huýt sáo, tiếng cười phá lên của mấy người này. Đến khi thấy sự xuất hiện trở lại của Hoàng Quân, anh Trà và dì mình thì mình mới nhẹ cả người. Vừa sợ, vừa tức, vừa buồn. Cảm thấy như tự dưng bị xúc phạm bởi bọn người vô lại. Lời khuyên cho các bạn nữ: Đi du lịch, không được đứng một mình chỗ nào vắng vẻ, bởi không thể biết được chuyện quái gì có thể xảy ra trên đời. Tuy vậy, cũng tự nhủ “ở đâu cũng có anh hùng/ ở đâu cũng có người khùng người điên”, nên ko vì thế mà vơ đũa cả nắm cho người Hungary. Như hôm đón nhà mình đến rất muộn, bạn gái Gabriel đứng chờ rất lâu ở ngã tư đường, vừa gặp mình, bạn ôm chào thân thiết như đã quen từ lâu và hướng dẫn rất tỉ mỉ cách sử dụng ngôi nhà. Hôm rời đi, bạn Luca chỉ nhắn một cái tin là bạn có việc đột xuất nên không kịp đến nhận chìa khóa, rằng nhà mình cứ việc khóa lớp của ngoài rồi ném chìa khóa xuống sàn vào sâu bên trong là xong. Chẳng cần kiểm tra lại nhà, chẳng cần gì hết (dù căn hộ này được trang bị đầy đủ tiện nghi như một căn hộ bình thường – với tờ giấy trên bàn, bảo rằng chúng tôi chăm sóc căn hộ như chính nhà của mình, và mong rằng các bạn cũng đối xử với nó như vậy). Chỉ có lòng tin. Một ấn tượng tốt.
Mình đi du lịch đâu cũng hay ghi chú lại vài dòng cho chính mình để sau này khỏi quên mất. Thời gian trôi qua rồi chẳng còn ai nhớ được chuyện gì, nhất là với cái đầu óc thậm tệ như của mình. Hôm nay mình đứng ở thành Var, vài năm sau, thành Var đã lùi lại xa tít tắp vào kí ức…Dòng đời cũng cuồn cuộn trôi đi như dòng sông mà không ai có thể tắm hai lần trên nó.
“Nước
sông reo như ru cuồn cuộn sóng trôi xa
Là tiếng hát mơ
hồ mời đón lòng ta
Sông
về sông dào dạt ý
Hát tang bồng trôi tầu mà đi
Ai
giang hồ sau ngàn hải lý…”
(Phạm
Duy)
09.2016