Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







BỎ RƠI




    C hiếc taxi ngừng trước khách sạn, Lâm kéo hai chiếc va ly lớn, phụ với người tài xế chạc trên 50 tuổi ,để vào phía sau cóp xe. Chàng quay lại lấy chiếc va ly nhỏ trong tay Hồng vợ chàng đang còn bịn rịn chia tay với hai cô tiếp viên rồi mở cửa xe phía sau, đặt va ly trên băng ghế tay vẫn giữ cửa xe gọi vợ : Em, em...
     Đợi Hồng ngồi xuống ngay ngắn, Lâm đóng cửa xe và nhanh nhẹn ngổi vào ghế trước bên cạnh người tài xế. Chiếc xe từ từ lăn bánh, quẹo đường Phạm Ngũ Lão. Khu chợ Sài Gòn còn rực ánh đèn, chiếc màn ảnh truyền hình lớn hơn một thước với những hình ảnh quảng cáo chạy liên tục, công viên chợ Bến Thành vẫn còn người tập thể dục và đường phố xe cộ cũng bằt đầu tấp nập ... Xe dừng lại ở đèn đỏ. Người tài xế bắt chuyện :
     - Anh chị ở xứ nào về ?
     Lâm nhìn người tài xế :
     - Chúng tôi ở Pháp !
     Đèn chuyển từ đỏ sang xanh, người tài xế vào số xe, chân đạp tốc độ, chiếc xe từ từ lăn bánh, vẫn nhìn phía trước và cười cười :
     - Tôi đoán không sai chút nào !
     Ở băng xe phiá sau, Hồng nhanh nhẹn hỏi :
     - Anh đoán thế nào ?
     Người tài xế ngước nhìn qua kính chiếu hậu :
     - Nhìn cách ga lăng của anh ấy, tôi nghĩ anh chị sống ở Âu châu...lịch sự như Tây mà anh !.
     Cả ba cùng cười vui vẻ.
     - Anh chị về được mấy lần rồi ?
     Lâm đáp :
     - Ba lần rồi .Tôi về lần đầu năm 95.
     - Anh thấy Sài gòn như thế nào ?
     - Thay đổi hẳn ra, buôn bán tấp nập, xe cộ đầy đường, đèn xanh đèn đỏ coi luật lệ hơn mấy năm trước nhiều ...lẽ tất nhiên là còn ...
     Người tài xế cười khì :
     - Phải tiến bộ chớ anh, vì vậy bây giờ nhiều du khách nước ngoài tới... Anh chị sang Pháp lâu chưa ?
     Lâm hơi ngần ngại nhưng cũng thành thật trả lời :
     - Tôi đi vào năm 70...đi du học...
     Người tài xế chắc lưỡi :
     - Gia đình anh thành phần "cốm" hả ?
     Lâm không hiểu người tài xế muốn nói gì nên hỏi lại :
     - Anh nói gì tôi không được rõ ?
     Người tài xế chợt nhớ là mình dùng từ hiện đại quá nên vội sửa lại :
     - Gia đình anh là thành phần con ông cháu cha hoặc triệu phú !
     Lâm châu đôi mày nhìn. Người tài xế vẫn thản nhiên :
     - Tôi rành qúa xá anh à. Thằng bạn ở xóm tôi nó đậu tú tài xong ba má nó lo cho nó sang Bỉ học theo diện tự túc...
     Lâm trả lời rất thành thật :
     - Tôi đậu tú tài hạng ưu, được học bổng anh à. Tôi cũng công nhận anh nói không sai vì trong số ra đi cùng đợt với tôi cũng có một số người như vậy. Ba tôi chỉ là một giáo sư dạy sinh ngữ, buổi tối kèm tại nhà kiếm tiền thêm nuôi mấy anh em tôi.
     Người tài xế vẫn thản nhiên nói :
     - Sau vụ Tết Mậu Thân, những gia đình giầu có thì cha mẹ nào cũng tìm cách chạy chọt gởi con đi du học... Nói tới đây người tài xề thở dài :
     - Ba tôi là thầy giáo tiểu học, mẹ tôi có một tiệm may áo quần phụ nữ vừa đủ nuôi 5 anh em tôi...
     Ngừng một lát, người tài xế lại tiếp :
     - Tôi ham chơi nên hai lần thi tú tài không đậu rồi bị đi quân dịch năm 70, nhờ ba tôi quen biết chút chút tôi được làm tài xế quân vận ở Khánh Hội còn mấy thằng bạn thì đứa đi Biệt Động, đứa Thiết Giáp...chết gần hết. Người tài xế tò mò hỏi Lâm :
     - Vào năm 75 ở Pháp anh có theo dõi tình hình trong nước không ?
     Lâm trả lời người tài xế :
     - Có chứ anh ! Khi đó bọn tôi mất ăn mất ngủ luôn vì gia đình ở bên này mà anh .
     - Xin lỗi anh có anh em nào đi học tập không ?
     - Có chứ, em trai tôi ở quân y, đi học 2 năm được trở về làm việc cho chính quyền trong ngành chuyên môn.
     - Ảnh còn ở đây hay đi theo bảo lãnh ?
     Lâm thành thật kể :
     - Năm 80, nó được một bệnh nhân cũ thưong tình cho 1 chỗ dưới ghe...sang tới Thái Lan gặp Cao Ủy Liên Hiệp quốc, xin vảo Mỹ nhưng nó thuộc loại tiêu chuẩn hạng chót, có 2 năm cải tạo chưa đủ điều kiện, lại làm việc cho nhà nước 3 năm...Nó giận quá xá, điện thoại sang tôi, tôi làm giấy tờ bảo lãnh đi Pháp...
     Với giọng hơi bực bội, người tài xế hơi lớn tiếng :
     - Nói tới vụ bảo lãnh...tôi muốn chửi thề...bọn Mỹ nó chỉ nhận những cấp sĩ quan...còn đám lính như tôi ra trận bị đi trước lót đường cho mấy ổng làm quan...rồi bị bỏ rơi, chẳng một người lính nào, người hạ sĩ quan nào được bảo lãnh, được đi H.O. Như vậy coi chẳng giống con gì ... Đã là lính thì tướng, tá, sĩ quan gì cũng là lính như tụi tui...Mấy ổng có hơn tôi chẳng qua là đậu được cái bằng tú tài rồi bị động viên buộc phải đi lính được học ở Thủ Đức, Đà Lạt làm sĩ quan, còn tôi thì thi rớt đi lính...À nầy anh, tôi nghe mấy ông sĩ quan đi H.O họ bàn với nhau khi sang tới Mỹ sẽ được lãnh ráp pen luôn mấy năm lương kể cả những năm đi học cải tạo chuyện đó có thực không anh ?
     Lâm cười lớn :
     - Làm gì có chuyện đó. Mấy ổng là lính miền Nam chứ có phải là lính Mỹ đâu mà đòi ráp pen !.
     Người tài xế gật gật đầu :
     - À há. Anh nói nghe có lý, mấy ông lấy cớ gì mà đòi Mỹ trả tiền! Mà nó trả tiền ráp pen thì mấy ổng là Ngụy thứ thiệt mất rồi!.
     Hồng, vợ Lâm chen vào :
     - Anh ruột tui này. Đi học 7 năm, lon tá chớ đâu phải nhỏ. Sang Mỹ năm 92, không nghề chuyên môn lại đi trễ sau mấy người "biết đường chạy trước"....đám đi trước đem được của cải, họ ăn ốc còn ổng sang sau thì đi đổ vỏ. Mỹ nào cho, có cho là cho trợ cấp xã hội vài trăm đô để sống, để "tái định cư" tại "quê hương mới". Anh biết ổng bây giờ làm nghề gì không ? Gác dan cho khách sạn.
     Người tài xế thất vọng :
     - Nếu thiệt như thế thì cũng tội nghiệp cho họ. Nghĩ ra lính như tụi tui ở bên này còn sướng hơn mấy ổng nữa !
     Hạ thấp giọng, người tài xế lén nhìn vào tấm gương chiếu hậu :
     - Tôi nghe một thằng bạn ở Mỹ về kể là mấy ổng bên đó hoạt động gì gì đó hả anh ?
     Lâm cười lớn :
     - Hoạt động ...bằng miệng, bằng Internet...Anh cứ nghĩ đi dùm tôi, mấy ổng bước 1 bước là lên xe, ăn Mac Do, hot dog, ngủ có máy lạnh hay lo làm đủ thứ nghề bất kề làm ngày làm đêm để mà sống ...tuổi cũng đã cỡ như anh với tôi hoặc có khi 80, 90 .... đi bộ được mấy bước đã hụt hơi thì còn động với đạy gì nữa ...Mấy ổng "ngủ im re" một giấc từ lúc cuống cuồng thoát thân đi trước cả ngày 30 tới nay tưởng đâu bà con đã quên... bây giờ lại nhào ra kiếm chút cháo...trước khi theo ông theo bà. Còn mấy ổng có chút tiền chút của ngồi không ở nhà suy nghĩ chợt nhớ lại cái thưở vàng son ngày trước kẻ hầu người hạ, ấm ức rồi bầy trò tụ tập năm ba mạng hoạt động kêu gào diệt cộng phục quốc. Mấy ổng nghĩ là bà con vẫn còn ngu như hồi đó . Mà này, tôi chỉ cần kể cho anh nghe chuyện xin giấy visa về Việt Nam là cũng đủ vui : Ở Pháp mấy cha đó lúc trước biểu tình chống đối lung tung ở bên ngoài toà đại sứ, bây giờ thì mấy cha đó vào toà đại sứ, anh biết để làm gì không ? Để năn nỉ xin giấy visa về nước ... Đó hoạt động như thế anh ơi.
     Người tài xế như chống chế dùm :
     - Nhưng còn đám con cháu.
     Hồng bật cười, buông miệng :
     - Đám con cháu Mỹ, Pháp, Đức...gốc Việt...quốc tịch ngoại quốc, nói tiếng Mỹ, Pháp...rành hơn tiếng Việt....Tụi nó là Mỹ, Pháp...hết rồi.
     Lâm tiếp lời vợ :
     - Thôi, tôi không nói đâu xa, mấy đứa nhỏ nhà tôi. Các cháu học xong cao học, đi làm, có gia đình, mua nhà cửa xe cộ đầy đủ tiện nghi...chỉ nội việc rủ nó về Việt Nam chơi nó cũng đã trả lời về đó nóng nực, thiếu tiện nghi....Còn nói đến hai chữ chiến tranh hoặc cầm súng bắn nhau thì cả đám lắc đầu. Tụi nhỏ đã là Tây, Đầm rồi mà Tây Đầm thì làm sao yêu nước Việt Nam được chớ. Không phải nói nịnh anh nhưng chính những người như anh, những người đang sống trong nước mới thực sự là những người yêu nước còn bọn tôi hay mấy cha nội kia họ yêu nước....Coca Cola.
     Nói đến đây Lâm hỏi vặn lại người tài xế :
     - Còn anh, có theo dõi tin tức hàng ngày không ?
     Người tài xế lắc đầu lia lịa :
     - Vợ chồng tôi vừa góp mấy cái hụi chết và bạn bè cho vay mượn chút vốn mua trả góp chiếc taxi mới được hơn 1 năm, tôi đi cầy như trâu chỉ mong cứ cái đà tiến bộ, làm ăn này đời sống càng ngày càng tốt đẹp hơn, còn thời giờ đâu mà đi nghe những chuyện trên trời dưới biển tào lao đó nữa. Gia đình tôi tạm ấm no. Thằng con trai lớn cũng vào đại học kinh tế. Tôi cầu mong có sức khoẻ dài dài, tối uống vài ly bia hơi quánh một giấc tới sáng đi làm. Nói tới đây người tài xế cười thích chí.
     Lâm nhìn người tài xế dịu nói :
     - Ở xứ nào cũng giống nhau, có làm mới có ăn phải không anh ? Tôi nói thật Việt Nam mình bây giờ còn tiến bộ hơn Phi luật Tân nhờ sự viện trợ của nước Mỹ cả mấy chục năm nay nên có cả ngàn đống rác cao hơn núi và một bầy con lai đang nằm ngủ dưới gầm cầu ở Manille.
     Taxi ngừng trả tiền thuế vào phi trường. Cây gác cổng bật lên. Xe chạy trờ tới bên lề trước cửa ra đi rồi ngừng lại. Lâm xuống xe đi lấy một chiếc xe đẩy hành lý. Người tài xế phụ với anh chất mấy chiếc valy lên chiếc xe đẩy. Lâm hỏi người tài xế số tiền phải trả :
     - Hai trăm ngàn anh à .
     Hồng lúi húi tìm 6 tờ giấy 50 ngàn, rồi trao cho người tài xế :
     - Anh giữ lấy một trăm ngàn để uống bia hơi nghe.
     Người tài xế vừa nhận tiền vừa cười noí :
     - Cám ơn anh chị. Anh chị sang như....Tây...
     Cả ba cùng cười, tiếng cười lẫn trong sự ồn ào của đám đông người mà Lâm nghĩ thế nào trong đó cũng có vài người đã tự từ bỏ quê hương để được "tái định cư" nơi xứ người .

Orsay-Pháp.6.2006