Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







GIẤC MƠ







   - V ợ chồng em vốn vụng lại chẳng có đầu óc kinh doanh, thôi thì mở cái xưởng mộc gọi là lấy công làm lãi.
Chú Việt mở đầu câu chuyện bên ấm trà.
- Nếu được bác Vạn liên doanh thì tốt nhất, việc nặng nhọc thì giao cho thằng em cổ cày vai bừa này còn phần chạm khảm mà qua tay bác thì khỏi lo luôn.

   Không giấu nổi vẻ bồn chồn, anh Hoà cắt ngang lời hàng xóm:

    - Ối dào! Nhà các bác có nghề truyền thống thì còn lo gì. Em đây này, hai vợ chồng đều không có nghề ngỗng gì ngoài làm ruộng. Nhưng còn may vợ em nó cũng cần cù. Có khéo em phải cho nó về quê để bà cô truyền cho ngón nghề làm bánh tráng cũng nên...
    - Các ông hâm hết rồi hay sao? Vừa mới thoát ra khỏi con trâu cái cày lại đi đâm đầu vào cưa đục với cả tráng bánh. Tôi thì tôi dẹp hết. Tôi sẽ mở quán cafe. ở đây địa thế đẹp, cách trung tâm thị xã chẳng bao xa lại yên tĩnh, chắc chắn sẽ đông khách.- Anh Vạn cắt ngang lời hai ông hàng xóm chắc như đinh đóng cột.

    Như có vẻ không tin tưởng lắm vào ý tưởng của ông hàng xóm, anh Việt dò hỏi:

    - Dưng mà từ bé đến giờ anh em mình đã uống cafe bao giờ đâu mà biết pha? Với lại em tưởng làm nghề gì mà chẳng phải có bí quyết?
    - Vớ vẩn! Ai bảo chú là tôi chưa uống bao giờ? Năm ngoái gặp thằng bạn trên thị xã, nó mời tôi vào tận nhà hàng nổi tiếng nhất uống cafe. Tôi để ý rồi, chẳng có gì khó cả, chỉ cần bóc vỏ, đổ cafe ra cốc sau đó cho nước vào là được. Dễ ợt mà lại vô cùng nhàn hạ, tiền tươi thóc thật 100%. Chả có bí quyết với cả bí kiếc gì cả.

    Đấy là chuyện của hai năm về trước. Khi nhà nước thu hồi đất để làm khu công nghiệp, một phần rìa xóm Chùa bỗng trở thành mặt đường lớn. Ngoài khoản tiền đền bù đất đai có đến hơn trăm triệu, mỗi hộ( trong đó có ba ông hàng xóm nói trên) còn nghiễm nhiên trở thành chủ sở hữu của mảnh đất trị giá vài trăm triệu đồng. Ngày nay, cái xóm nhỏ ấy đã trở thành một khu phố mới. Anh Vạn còn có tên là “Vạn Nát”. Sở dĩ như vậy cũng là do căn nguyên từ cái quán cafe. Ngày khai trương nhờ oai mấy ông bạn mới quen trên phố quảng bá, khách kéo đến đông nườm nượp. Vạn ra dáng ông chủ đáo để. Anh cũng com lê, cà vạt, giầy Tây bóng loáng chào đón khách. Càng ngày anh càng kết giao với đông bạn bè, toàn những người có nhiều tiền và thời gian la cà quán xá. Hầu như ngày nào hàng xóm cũng đều nghe thấy tiếng chúc tụng “ông chủ Vạn phát tài phát lộc” xen lẫn tiếng bật nắp bia và tiếng vỡ rôm rốp của bánh đa. Chị vợ mấy lần khuyên can thì bị Vạn mắng át: “Đàn bà thì biết gì. Làm ăn mà không có phường có bạn thì chỉ có mà ăn cám”. Qua vài tháng đầu, lượng khách cứ ngày càng giảm, phần vì những người trong xóm cũng đã hết hiếu kì, phần vì khách trên thị xã chê cafe không ngon, quán không có “ hàng lạ”. Có người khuyên Vạn nên tuyển mấy tiếp viên trẻ nhưng Vạn không dám, phần vì sợ dính dáng đến pháp luật, phần vì sợ hư hỏng mất mấy đứa trẻ đang tuổi lớn trong nhà. Ngồi chờ dài cổ mới có vài khách, Vạn quay sang bài bạc giải đen với mấy ông bạn vàng. Cũng có khi được, khi thua. Càng đánh Vạn càng ham. Lúc đầu đánh nhỏ, sau dần chuy ển sang đánh lớn. Rồi Vạn lao vào cờ bạc như một con thiêu thân. Tiền bạc trong nhà đội nón ra đi lúc nào không hay. Cờ bạc đi liền với rượu chè, cứ rượu xong là Vạn chửi, lúc đầu chửi bâng quơ thằng nào khinh tao, sau Vạn chửi tuốt tuột kể cả con chó ngồi góc nhà. Hàng xóm lúc đầu còn góp ý, sau thấy không chuyển, chẳng ai thèm chấp. Tiếng chửi trở thành công cụ báo cho hàng xóm biết Vạn đã trở về nhà sau một cữ rượu chè cờ bạc. Dịp gần Tết vừa rồi, lũ “bạn vàng” hiện nguyên hình là một lũ lừa đảo chuyên nghiệp. Chúng kéo đến nhà chìa giấy vay nợ do Vạn kí trong lúc say rượu và say bạc ra đòi Vạn gán mảnh đất nơi có quán cafe để trừ nợ. Vợ con Vạn héo hon kéo nhau đi làm thuê làm mướn. Bị lừa đau, mất tiền, chỗ cắm dùi cũng vĩnh biệt, Vạn vùi đầu vào rượu giải sầu. Một bữa, Vạn trúng gió ốm liệt giường. Biết chuyện, họ hàng làng xóm đổ sang, mỗi người dăm ba chục một trăm nghìn giúp vợ Vạn đưa chồng đi viện. Sau đận ấy, Vạn gần như chừa hẳn rượu, suốt ngày ru rú trong nhà. Việt mấy lần lấy cớ hàng quá gấp sang nhờ Vạn giúp cho khâu trạm trổ. Lâu dần Vạn nghiễm nhiên thành anh thợ mộc chính hiệu. Tiếng xưởng mộc của Việt ngày càng lan rộng, khách trên thị xã kéo xuống ầm ầm. Có khách đặt hàng cứ nằng nặc đòi phải chính tay “Vạn Nát” chạm trổ, đắt mấy cũng được.