Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






TỰ THÚ



  B ây giờ không ai sướng bằng ông Bình Trưởng – Gọi thế để phân biệt người cùng tên có chức vụ ở cơ quan cũ.- Ông nghỉ hưu ở tuổi 59 thật là khoẻ (!) Mới vài tháng nay về ở cùng khu phố, sáng ông tập dưỡng sinh chiều đi bách bộ, ngày ngao du sơn thuỷ tối về đọc sách, kim luôn nhà ...thơ. Ấy cũng làm việc Nhà Nước như nhau... khéo khôn có mấy. Ganh à. Không ganh tị sao lắm chuyện thế nhỉ? Ông Bình Trưởng nghe cả đấy nhưng vẫn bình thản như không. Mỗi chiều khi đi tản bộ cùng con chó quanh quanh khu phố vừa quen vừa lạ ông Bình Trưởng lắng nghe đủ thứ và cũng bỏ ngoài tai đủ thứ.

Sống là hưởng thụ, hưởng thụ cái mà ta “biết sống” trong nền kinh tế thị trường luôn cứ phải hô hào “làm cán bộ cần liêm khiết trong sạch ” nhưng cơ chế lại tạo cho cán bộ cơ hội làm giàu mà nhiều người vẫn còn áp dụng “ biết thì sống, không biết...thì thôi”- Ông Bình Trưởng khẳng định như một triết lý từ khi còn đương chức và trong những ngày về vườn nên bỏ ngoài tai tất cả.

Không chơi được với người thì ông chơi với “chó ”, chó kiểng cũng là một thú chơi tao nhã người đời thường làm vậy!? Chiều chiều ông Bình Trưởng dắt con chó xám lùn tịt lông lá xù xì, mắt mũi tí hí chạy lon ton theo chân ông, trông nó giống “đồ chó giả ”. Tiếng nó sũa nghe là lạ cứ oăn oăn luôn mồm như muốn chứng minh “tôi là chó thật đây ”. Ông Bình Trưởng mua nó cả triệu bạc đấy, giống nhập từ Nhật Bản thuộc hạng chó chịu ăn sang và nịnh chủ cực kỳ, đi chơi với nó trông ông trưởng giả lắm.“ người như ông chơi con này xứng ” ông Bình Trưởng đắc ý.“ chắc mình sành điệu chơi chó nhất khu này rồi”.

Lương hưu của ông Bình Trưởng gần 3 triệu bạc một tháng, tương đương người còn đương chức thì làm gì xài cho hết ở cái thành phố còn bao cấp của Trung Ương. Với người khác đôi khi còn bận rộn trong cơ chế thị trường biến động, với ông lương và tài sản của ông “ đã ổn cả rồi ” dù có bão lớn đến cấp 12 cũng chẳng phải lo. Chuyện ông Bình Trưởng hạ cánh an toàn dư âm còn đang đồn thổi khi ông xuất hiện nơi khu phố này, mà có lẽ sẽ ...“ổn cả ”. Khu phố mới, toàn cán bộ viên chức, họ sống thật kỳ lạ hễ ai có “dư âm chút chút” nổi trội tí tí là họ “né” không chịu làm bạn như mấy cụ hưu ở quê an phận chia buồn.

Chán đi dạo với con chó thì đọc sách, ông Bình Trưởng không đọc sách còn biết làm gì nữa. Kể từ lúc về hưu cho tới giờ hơn nửa năm trời có thấy “ ma ” nào lui tới nhà nhờ cái này, chạy dùm cái khác như khi còn đương chức. Hồi còn ngồi cái ghế lãnh đạo, sáng họp chiều họp rảnh chút thì tiếp khách có thời giờ đâu ngâm cứu. Nghỉ hưu rồi “thấy cô đơn” tâm lý chung mà, đôi khi cũng chẳng vì thế mà cô đơn có lẽ ông Bình Trưởng sống khác người bình thường đôi chút tự cho mình biết sống hợp thời. Đọc sách cũng là việc của người sau khi về vườn nghỉ ngơi thư giản.-Tốt.! Tốt cả đấy! Viêc gì có lợi thì ta cứ làm các đồng chí ạ! Cứ phải làm...không lợi cho xã hội thì cũng lợi gia đình, rồi còn tiếng tăm để đời con cháu chớ. - Ông Bình Trưởng quyết định thế và cảm thấy như hiệu nghiệm.

Nhưng mà đọc loại sách nào đây, sách chính trị ông chất một kho toàn lý luận, lý thuyết đâu hết cả đầu. Từ lâu ông Bình Trưởng có tật giở chưa tới dăm trang sách đã ném cái kho tri thức vào đống giấy ở trong caí buồng sách mối mọt gậm nhấm. Rồi ông Bình Trưởng nghe ở Hội Văn Học tỉnh có mấy cụ già cao tuổi làm thơ đăng báo. Ông chọn nghề này chọn sách Văn Học đọc, rồi viết thơ... Thời buổi bây giờ lứa tuổi ông Bình Trưởng cầm sách văn học đọc truyện ngắn, đọc thơ coi đó là “mốt” mặt tiền người trí thức khi nghỉ hưu an nhàn và sang trọng, so với nhiều người khác họ còn phải đương đầu làm kinh tế có thì giờ đâu mà xem xét đánh giá trí thức thiệt hay rởm, thời cuộc vàng thau một giá. Vậy là những ngày còn lại của ông Bình Trưởng sẽ...đọc văn chương rồi viết hồi ký, sau đó chạy xuất bản để trở thành nhà văn cho khối người giật mình.


**

Đối diện nhà ông Bình Trưởng bên kia dãy phố, nhìn về phía mặt trời mọc chừng vài căn hộ có một người “ trông quen quen ”. Người này thuộc thế hệ ông nhưng tối ngày chỉ quẩn quanh trông coi nhà cửa cho con cái đi làm việc. Ông này ở trên gác suốt ngày.?. Thỉnh thoảng ông Bình Trưởng nhìn thấy người ấy xuống cài, mở cái cổng hay tưới mấy cây kiểng trước sân rồi lại leo lên gác. Ông Bình Trưởng không tài nào nhớ ra, mà nhớ để làm gì nữa những hạng người “bảo thủ” thế hệ ông không đổi mới tư duy, cổ hủ chả biết tận hưởng tuổi về chiều. Thời trai trẻ cứ cắm cuối vào...

Như ông Bình Trưởng nghe người ta đồn người này viết Văn hay, tự dưng ông Bình Trưởng yêu văn chương, thích làm bạn mà chưa có dịp nào tiếp cận “ Bây giờ mà tiếp cận nhà văn chắc mình ...được việc đây ” nghĩ bụng về lối sống “xét cần” thì đi bằng đầu gối, một phương pháp nghệ thuật sống của “con người láu cá ” luôn có hiệu quả. Ông Bình Trưởng không thể quên “ chiêu thức ” này.

Chờ thời cơ năm lần bảy lượt, ông Bình Trưởng quyết định đem cuốn vở học trò viết vài ba bài “giống thơ phong trào”sang gặp. Mới sáng sớm ông Bình Trưởng chuẩn bị đâu vào đó khi người ấy xuống sân...

-Ơ Kìa ! Ông...Ông cho tôi nói cái này – Ông Bình Trưởng nhanh chân chạy qua đường chạm mặt.

-Ô ! C...ó phải ông B..ình Trưởng không nhỉ !?

-Tôi đây. Tôi đây...!!! .A...ằng... ông... Tâm à.! Tôi cứ thấy...quen quen mấy tháng nay.

-V... à...o...nhà. Vào chơi.- Ông Tâm nói rồi đi vào nhà, ông Bình Trưởng bước vội theo như sợ có ai xí phần diện kiến.


**

Cả tháng ròng ít thấy ông Bình Trưởng đi dạo phố, buổi sáng tập dưỡng sinh cũng thưa dần, nhiều người nghe được tin ông ở nhà đọc sách viết văn “ có mà sám hối ”chứ viết ..lách thì có người ngộ độc. Ông Bình Trưởng mà viết văn chương theo cái kiểu ông sống “ khôn khéo ” thì bọn trẻ “tiêu... theo dòng đời”. Ông nghe tất nhưng cứ lặng im và có khi người ta thấy ông lẫn tránh. Tính ông Bình Trưởng kỷ thế muốn làm việc có lợi cho mình thường làm ngơ những sự thật nhỏ vặt.

Từ ngày qua lại với ông Tâm, tuần đầu thấy ông Bình Trưởng vui ra mặt sáng dậy sớm tập dưỡng sinh huýt sáo theo nhạc điệu, sau vài ngày thì mất hẳn, không biết ông Tâm có giáo huấn tâm hồn gì mà ông Bình Trưởng ở luôn trong nhà để...???. Giả dụ như “ người cầm bút phải trung thực...phải sống với cuộc sống của mọi người...không làm điều ác...vân vân và..vân vân. Nhà văn phải thế, viết hồi ký tự truyện cũng phải thế!

“Tôi có người bạn tên B... cùng miền Bắc vào Nam...” ông Bình Trưởng nằm chểnh chệ trên chiếc ghế chống được bệnh cao huyết áp mà lúc nhận quyết định nghỉ hưu người bạn giấu tên tặng để đọc. Ông lật cẩn thận từng trang tập truyện ký “bản thảo” mà theo lời ông Tâm cho mượn nói “ Qyuển Ký cực hay...của bạn bè văn nghệ mới đưa chưa đọc ”. Ông Tâm giải thích đây là cuốn sách chưa được xuất bản, đề truyện “ Tự Thú ”của tác giả họ VT, ghi lại câu chuyện một thời vượt khó trong nền kinh tế thị trường biến động bằng truyện hồi ký. Dạng sách này ông Bình Trưởng đang sưu tầm để...học hỏi. Ông bắt đầu từ trang số 1...- Ông đọc chậm rãi ngẫm suy, thật ra ông ta đọc sách cực nhọc lắm có chữ phải dừng lâu mới hiểu nghĩa . Ông đọc thế này :“ Tôi có...người..bạn tên B...

...Khi ấy, B chưa học hết lớp 7/10, thời đó ai học tới lớp này đã là quý, sau thời kỳ đổi mới nền kinh tế thị trường mở ra mới đòi hỏi chuyên môn này bằng cấp nọ chứ lúc tôi và B... Vâng thời cuộc đổi thay thì mình cũng thay cũ đổi mới cho kịp thời cuộc. Năm 198...tôi và B cùng đi học lại Bổ túc văn hoá theo hệ 12 năm. Bước vào lớp ngồi chung với các em, các cháu tôi thấy nghèn nghẹn“ thưa thầy” bởi vì người dạy chúng tôi là “kẻ hậu sanh”. B ngồi chung bàn với tôi . Thú thật, tôi không phải đưa bạn bè ra nói xấu chứ B học hành thua một đưá học trò lớp 5. Chữ viết như đứa học trò lớp 2( thời chúng tôi học thì chữ dể coi). Nhưng không hiểu sao B đăng ký ngồi vào lớp 10. Sau đó về cơ quan ngồi tâm sự B nói “Tớ học có lớp 5/10 xong phải vào Nam nhờ có thành tích... mà tớ ưu tiên lãnh đạo cậu! ”.

Tôi là người trong cuộc cảm thông những gì thế thời. Tôi cố gắng kèm B, tôi học không đến nổi tệ khi ấy tôi đã hết lớp 9/10 bù thêm tính cần cù chịu khó nên theo kịp chương trình BTVH hệ 12 năm. B tuy làm lãnh đạo nhưng bản chất B tôi biết, kể từ sau thoát khỏi bao cấp B đã mãi miết chuyện kinh doanh lao vào thương trường. Mặc dù đang đương nhiệm ở một cơ quan hành pháp cũng có cái khó nhưng B đã biết sống” cái khó ló ..cái ranh”. Ở cơ quan tôi lúc này lại có hai lãnh đạo cùng tên B. Để khỏi lẫn lộn anh em đơn vị gọi kèm theo chức vụ nên có B... trưởng và B... phó. Tôi đang nói về bạn tôi là B... trưởng .

Từ cái việc cơ cấu tổ chức, bạn tôi B... trưởng nắm quyền cao hơn B... phó mà năng lực và trình độ của bạn tôi làm sao so bì với lãnh đạo B...phó. Thật tồi tệ, chẳng ra ngô ra khoai gì, đó là nguyên nhân cho một sự dối trá mặc nhiên. B làm chứng chỉ học lực giả mạo để hợp thức thủ tục học vấn, cả người ngoài đơn vị cũng biết tỏng nhưng vì địa vị xã hội của B khá quan trọng nắm quyền sinh sát, trưởng một cơ quan thi hành pháp luật ở môt huyện lẻ, tỉnh nghèo dân trí còn lạc hậu. Lúc bấy giờ ít người mở miệng bôi xấu nhau vì ai cũng muốn xuôi dòng.

Chúng tôi bước đi trên con đường công cuộc đổi mới không bằng thực lực, sự vênh nhau về cách sống lương thiện và ác tâm cộng với bon chen giàu nghèo nên tôi học xong lớp 12 rồi về vườn. Sự về vườn đột ngột của tôi có giả tâm sắp đặt của thằng bạn biến chất với những điều tôi không tưởng. B muốn giữ cái ghế cao hơn người khác nên không từ mọi quyền lực nào có thể đang ở trong tay. Khi ấy cần trình độ học vấn là phải đủ bằng cấp theo yêu cầu thực tại. B mua luôn bằng giả. Vụ này bị bể, cũng may xét về hướng quy hoạch tổ chức cơ cấu của B, người ta “ đỡ ”cho B thi lại lớp12 rồi đưa bài giải cho chép và B đậu... bằng thật mà học thì giả.. B đi tiếp Đại học này Đại học kia trot lọt...mà kiểu học hành ưu ái như thế trên trái đất này hiếm. Tôi phải tha hương 15 năm kiếm sống quay về chốn cũ, may nhờ các con thành đạt nên về phố ở trông nhà. Cũng trong 15 năm ấy B giữ chặt cứng cái ghế của mình tung hoành tự tại.

Cuộc đời B chuyển biến đi lên vùn vụt nghĩa tình đạo đức dần dần xa xôi. Xa rất nhiều thứ. B đã là một con người ranh ma xảo quyệt, thu tóm cho cá nhân quên đi cuộc sống chân chất bạn bè. Con người B không thể tả cho hết sự thay đổi, lắm kế mưu mô hạ mình “ xét cần” có thể. Cho đến ngày...B bị liên quan nhiều vụ bê bối trong những vụ án kinh tế. Sức hút của sự giàu sang tiền bạc cộng thêm mưu mô và kinh nghiệm của B đã thẳng tay bóc lột ban bè đồng nghiệp theo đà kinh tế. Và B cũng đủ mánh lới thoát hiểm. B hạ cánh an toàn.

Ngày B bị đình chỉ...làm tường trình không ai khai thác được chứng cớ buộc tội. B hiên ngang tuyên bố: “Cho dù tôi có làm hàng trăm bản tường trình đi nữa, sự vụ cũng đã rồi ... không thể nào tốt hơn được đâu? Không thể nào bắt những con người như tôi “ xì ra ”...Tôi quá ư nhuần nhiễng, thông thạo kín đáo mà người đời thường quý “Lõi đời”. Và điều này đã chứng minh không những tôi mà rất nhiều cán bộ như tôi đã “hạ cánh an toàn”. Ngày tôi thấy B về xây nhà ở cùng khu phố khang trang, kín cổng cao tường tôi xót xa cho bao người có chút tài mọn tiếp tục bỏ quê hương đi nơi khác mưu sinh vì không thể vượt ra khỏi cái cơ cấu bất hợp lý “ưu ái cá nhân lãnh đạo muôn người ”. Tôi bắt đầu cầm bút...

Giờ thì B chẳng cần làm gì hết, lương mỗi tháng 3 triệu, bậc lương có cỡ tương đương Đại tá đương nhiệm. Thằng con lớn quý tử của họ B nhét thẳng vào cái ghế mà tương lai... sẽ là của nó. Nó giống B như đúc, nó là một bản sao của giòng họ“ xét cần phải ...biết sống ” không thể thay đổi cái gene dòng máu chảy, người ta bảo đó là “ bản chất ” của một nòi. Hai đứa con gái thì một đã lên nhà mặt phố từ khi B còn tại chức, chồng con hẳn là danh giá. Đứa đang du học theo diện được cử tuyển (?) giờ đây B chỉ còn mỗi việc rong chơi nhàn nhã, B nghỉ hưu ở tuổi 59...

Ngày ngày B giao du với mấy cụ nghỉ hưu quá tuổi tác, lương ba cọc ba đồng thời bao cấp còn sót lại, tha hồ bốc phét. Nhà cửa mấy người ấy chấp vá xấu xí cũng bởi vì quá lương thiện sống bằng đồng lương xương máu. Với mức lương như thế thì nền kinh tế thị trường nó nuốt không cho cụ nào mua sắm được vật tư, xây cái tổ ấm cuối đời lót cái nền bằng gạch granic. Nhà B chưa phải biệt thự như mấy anh còn đang “gắng” công tác thêm vài ba năm hưởng lộc, thuộc trường phái duy vật biện chứng nhưng thường đi lễ Chùa xin quẻ. Nhà B giờ đã sân, đã vườn rồi, cũng non bộ cây cảnh, một trệt một lầu ngay trong ô đường thành phố mới vừa lên. Tóm lại, cả cuộc đời tôi cày sâu cuốc bẩm trên trang viết không dám mơ. Mấy bác hưu về làm nông nghiệp ruộng vườn chẳng bao giờ có được cơ ngơi này! Trong khu phố mới của tôi không có ai thông thả dạo chơi với chó như B, họ còn bận rộn bổn phận làm cha, làm mẹ những ngày cuối đời là tấm gương sáng trong với cháu con. Giàu có phải từ thực lực mới là tài năng!


***

Hai tháng trôi qua, ông Tâm không thấy ông Bình Trưởng sang nhà đàm đạo chuyện thơ phú. Tuy nhà gần nhau cách chỉ một con đường 6m, nhà cách nhà chưa đến 50m nhưng ông Tâm không thể sang. Ông Tâm có thói quen nhìn qua khung cửa sổ trên gác của mình để nhận xét thế giới chung quanh, nhớ lại kỷ niệm vui buồn xưa cũ để ghi chép.

Một buổi chiều nọ ông Tâm nhìn thấy ông Bình Trưởng chống gậy ra khỏi nhà...

-Ông Tâm ơi ! Xuống mình nhờ tí việc .

Ông Bình Trưởng cố gọi thật lớn nhưng tiếng của ông không còn mạnh mẽ nữa. Ông Tâm đã chuẩn bị đón tiếp nên chờ sẵn nơi cầu thang. Ông chạy ngay ra mở cổng sau tiếng rên rên của ông Bình Trưởng.

-Hôm qua tôi đã.. biết mình ung thư gan giai đoạn cuối.- Ông Bình Trưởng than thở. Ông Tâm dường như biết trước liệu thuốc đặc trị nên nói khéo:

-Tôi không thấy ông sang mấy tháng qua. Tôi đón ông đi ngao du đây đó nghỉ ngơi tìm cảm giác để... - Ông Bình Trưởng ngắt lời.

-Đi khám trong Sài Gòn...Tôi đã đọc xong cái...truyện... ký...của ông nhà văn VT..rồi. Đáng lý ra tôi phải viết...may mà có ông ấy viết hộ tôi. Tôi muốn nhờ Tâm xin dùm tôi đứng tên tác giả tự truyện dù in hay không vẫn phải xin. Khoảng chừng tháng nữa tôi.... “ đi.”

-Sao bi quan thế ! Còn sống ngày nào ta cứ hưởng thụ vui vẻ ngày ấy. Biết đâu ông trời có mắt phù hộ độ trì..tai qua nạn khỏi.

-Ông nhớ xin dùm...được rồi xin ghi rõ họ tên và địa chỉ của tôi vào ấy đưa lại cho mấy sắp nhỏ nhà tôi. Tôi có viết di chúc gởi ngoài Uỷ Ban Phường. Chỉ nói riêng cho Tâm biết số tài sản tôi có được hôm nay ngoài căn nhà tôi đang ở, trong ngân hàng tôi có 4 tỷ nữa. Tôi thu xếp cuộc đời trước lúc ra đi “ ổn cả rồi ”.

-Việc này có liên quan gì tới tôi – Ông Tâm ngạc nhiên, thật sự vì số tiền trong ngân hàng quá lớn so với một cán bộ cấp Huỵện làm ông bất ngờ quá

-Đằng nào tôi cũng đã tự thú rồi, chỉ mong bạn bè anh em sống tốt với nhau. Đời người tiền bạc như giấc mơ. Sống như các ông mà thanh thản.

Ông Bình Trưởng nói xong xin phép ra về uống thuốc. Ông Tâm tiễn bạn ra tận ngõ. Đường phố lên đèn rực rỡ muôn màu ./.

  Ninh Sơn 20/05/2007